Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 6 MÙA PHỤC SINH 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 23.5.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

4 CÁCH GIÚP THANH THIẾU NIÊN HỨNG THÚ VỚI KINH THÁNH


4 CÁCH GIÚP THANH THIẾU NIÊN
HỨNG THÚ VỚI KINH THÁNH


Theresa Civantos Barber

WHĐ (22.5.2022) – Là một giáo lý viên kỳ cựu và cũng là một người “say mê Kinh Thánh”, Mark Hart đã dành gần 3 thập kỷ để dạy giáo lý cho thanh thiếu niên, và đã nhận ra rằng các em có thể quan tâm đến Kinh thánh nhiều hơn những gì mà người lớn có thể nhận ra.

Trong một cuộc phỏng vấn với Trang báo điện tử Aleteia, Hart chia sẻ 4 gợi ý rất thiết thực trong việc làm sao để giới thiệu Kinh thánh cho thanh thiếu niên.

1. Khuyến khích thanh thiếu niên đặt ra những câu hỏi

Bước đầu tiên là để cho thanh thiếu niên đi vào trạng thái suy tư sâu sắc. Để được như vậy, điều quan trọng là phải tạo điều kiện giúp các em đặt câu hỏi trước khi chúng ta bắt đầu chia sẻ về kiến ​​thức. Ví dụ, có thể khởi đi bằng việc đặt câu hỏi Tại sao:
  • Tại sao các em nghĩ rằng mình đang hiện diện ở đây?
  • Tại sao mình được sinh ra?
  • Tại sao Thiên Chúa dựng nên mình?
Đặt những câu hỏi mang tính cốt lõi này là bước khởi đầu căn bản để học về Kinh thánh và mục đích của Kinh Thánh.

2. Giải thích rằng các em là một phần của một câu chuyện rộng lớn hơn

Để học biết về Thiên Chúa, Đấng là “tác giả của câu chuyện”, thanh thiếu niên cần “lưu tâm đến thực tế là họ đang ở trong câu chuyện”.

Do đó, bước tiếp theo là giúp các em nhận ra rằng những câu hỏi mang tính cốt lõi của mình có câu trả lời trong câu chuyện về ơn cứu độ.

Mark khuyên nên giải thích cho các thiếu niên hiểu rằng: “Cuộc đời của các em là một câu chuyện và mỗi người là một nhân vật trong câu chuyện. Mọi thứ thực sự bắt đầu từ đây, rằng có một câu chuyện mà Thiên Chúa đang cố gắng kể cho chúng ta và về chúng ta”.

3. Biết bắt đầu từ đâu trong Kinh Thánh

Kinh thánh không phải là một cuốn sách mà là một bộ sưu tập khổng lồ. Nên việc đọc tuần tự hết bộ Kinh thánh có thể là một công việc quá sức của các em. Chính vì thế, Hart đã lập ra chương trình Venture: The Bible Timeline for High School, có nghĩa là dùng những Mốc thời gian trong Sách thánh để trình bày “bức tranh lớn hơn” về lịch sử cứu độ theo cách đơn giản dễ trình bày và cũng dễ tiếp thu.

Một cách cụ thể, chúng ta có thể cùng nhau đọc qua Kinh thánh một cách chậm rãi. Tôi có thể giúp các em nhận thức về những thử thách, khó khăn, chướng ngại vật mà các em luôn trải nghiệm trong cuộc sống. Và, với sự kiên trì, các em sẽ dần hiểu rằng Kinh thánh là một trong những cách thế mà Thiên Chúa luôn cố gắng không chỉ giao tiếp với chúng ta mà còn truyền đạt về chúng ta.

Việc hiểu biết về bối cảnh của các sách trong Kinh thánh sẽ tạo nên sự khác biệt. Nhờ đó, “khi mở Kinh thánh ra, thì chính bàn tay, tâm trí và trái tim của các em cũng mở ra để đón nhận điều Thiên Chúa muốn nói với các em qua Kinh Thánh”.

4. Chỉ ra những cách thế Kinh thánh giúp các em hiểu cuộc sống của chính mình như thế nào

Bất cứ điều gì mà một thanh thiếu niên đang gặp phải, thì một nhân vật nào đó trong Kinh thánh cũng đã từng trải nghiệm và đương đầu. Việc rút ra được những chủ đề này sẽ giúp các em hiểu tại sao Kinh thánh có liên quan đến cuộc sống của họ.

Với những vấn nạn mà các em có thể có như: Tôi được mời gọi dấn thân cho điều gì? Tài năng của tôi là gì? Điểm yếu của tôi là gì?… Chúng ta có thể giúp các em hiểu rằng những chủ đề này cũng được tìm thấy trong Kinh thánh, và từ đó chúng ta có thể giải thích Kinh thánh cho các em.

Ví dụ, bất kể tuổi tác và hoàn cảnh, ai trong chúng ta cũng đều phải đối mặt với những sợ hãi, lo lắng về tương lai. Trong Tin mừng Matthêu 6, Chúa Giêsu nói về sự lo lắng và băn khoăn về của ăn, áo mặc, bị bắt bớ… và một lời trấn an rất phổ biến trong Kinh thánh là “Đừng sợ”. Nên, chúng ta cần phải có lòng can đảm và đặt niềm tin vào Chúa. Tới đây, các em có thể nhận ra Kinh thánh đề cập đến những vấn đề liên quan đến cuộc sống đời thực của các em.

Trên tất cả, Kinh thánh giúp thanh thiếu niên, và tất cả chúng ta, thực sự hiểu được mục đích của cuộc đời, nhận ra căn tính của mình, và lý do tại sao mỗi người có mặt trên trái đất này.

Vào cuối cuộc đời, khi chúng ta đã sống hết mình cho Chúa, thì Kinh thánh là lời giải đáp sau cùng: Thiên Chúa là Đấng trung thành, và Kinh thánh không bao giờ đánh lừa chúng ta.

Kinh thánh thực sự là ân ban của Thiên Chúa, như một người bạn đồng hành, một người mục tử. Thật thế, trong khi các em “chẳng thể mang Thánh Thể đi khắp mọi nơi, nhưng các em có thể mang Thánh Kinh bên cạnh mình đi tới bất kỳ nơi nào. Và, các em có thể bắt đầu và kết thúc một ngày với Thiên Chúa”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (18. 5. 2022)
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 22.5.2022


Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 22.5.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY


TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY 
(Suy niệm về sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa)

Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, STD.

WHĐ (20.5.2022) – Trong thời gian gần đây, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi nhận được hai sứ điệp rất tuyệt vời từ Thiên Chúa. Sứ điệp đầu tiên đó chính là: Thiên Chúa đang thêu dệt cuộc đời của tôi và của mỗi người trong chúng ta, cho nên chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi bức thêu được hoàn thành, hy vọng lúc bấy giờ chúng ta mới có thể nhìn ngắm tường tận và thấy được cách tổng thể sự lộng lẫy và huy hoàng của bức tranh thêu rất tuyệt vời mà Thiên Chúa chính là tác giả. Về điều này tôi đã chia sẻ trong bài viết: Thiên Chúa – Người thợ thêu tài ba.[1]

Và cuối tuần này thì tôi lại nhận được thêm một sứ điệp nữa là “trong cái rủi, có cái may” ngang qua câu chuyện, “Túp lều của bạn đang bị cháy?[2] Tôi xin mạn phép được trích dẫn toàn văn câu chuyện trên để cho quý độc giả tiện theo dõi.

“Người sống sót duy nhất của một vụ đắm tàu bị trôi dạt vào hòn đảo hoang. Anh sốt sắng cầu nguyện xin Chúa giải cứu anh. Mỗi ngày anh đều nhìn về đường chân trời để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng dường như không có sự trợ giúp nào đến. Quá tuyệt vọng, cuối cùng anh ta cố gắng xây dựng một túp lều nhỏ bằng gỗ trôi dạt vào bờ để bảo vệ mình khỏi các tác động môi trường và cất giữ vài đồ dùng. Nhưng rồi một ngày nọ, sau khi tìm kiếm thức ăn, anh về đến nhà thì thấy túp lều nhỏ cháy ngùn ngụt, khói bốc lên nghi ngút. Điều tồi tệ nhất đã xảy đến; tất cả mọi thứ đã bị thiêu rụi. Anh ta choáng váng vì đau buồn và tức giận. “Chúa ơi, sao Ngài có thể làm điều này với con!” anh ta gào thét lên. Tuy nhiên, vào đầu ngày hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một con tàu đang đến gần hòn đảo để giải cứu anh ta. Anh ta hỏi những người cứu hộ mình với giọng điệu đầy sự ngạc nhiên: “Làm sao các anh biết tôi ở đây?” Họ trả lời: “Chúng tôi đã thấy tín hiệu khói của bạn.”

Thật dễ nản lòng khi mọi việc đang trở nên tồi tệ. Nhưng chúng ta đừng ngã lòng, bởi vì Chúa đang hiện diện và hoạt động và ngài luôn an bài mọi sự trong cuộc sống chúng ta, ngay cả khi thất bại và đau khổ. Hãy nhớ rằng, lần tới khi túp lều nhỏ của bạn bốc cháy - nó có thể là tín hiệu khói phát ra nhằm triệu tập ân sủng của Chúa.”
[3]

Khi tôi đọc và suy gẫm về câu chuyện này, tôi liên tưởng đến một số biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của tôi trong quá khứ, nhưng vào thời điểm đó, tôi không tài nào hiểu và lý giải được lý do tại sao mà những điều này lại xảy đến đối với tôi, cũng giống như anh bạn bị đắm tàu trôi dạt vào hòn đảo hoang, và chính căn lều của anh ta không may lại bị cháy. Thực sự quá cay nghiệt khi những điều như thế lại có thể xảy ra cho bất kỳ ai.

Cũng giống như anh bạn này, cái phản ứng đầu tiên của tôi là trách móc Thiên Chúa, vì chính Ngài đã cho phép những điều không may xảy ra cho tôi. Tôi rất chán nản và thất vọng và tôi đã gào thét để bộc lộ sự phẫn nộ và tức tối của chính mình đối với Thiên Chúa. Sau đó, tôi cố gắng và tìm cách lý giải để mong sao tìm thấy câu trả lời, hoặc ít nhất có một cái gì đó để an ủi tôi, và giúp tôi có thể chấp nhận những thực tại xui xẻo hoặc không may mà tôi đang gặp phải.

Nhưng sau nhiều ngày tháng tập trung và vày vò đầu óc để tìm hiểu nguyên nhân và kiếm cách giải thích cho các sự việc đã xảy ra, hầu như là hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi, tôi vẫn không thể nào lý giải một cách hữu lý và có thể chấp nhận được. Cuối cùng tôi đành chỉ biết phó thác và chấp nhận sự việc, mặc cho dòng đời đưa đẩy. Có những lúc tôi đã rơi vào tình cảnh hoàn toàn thất vọng và thực sự chán nản, chẳng thiết tha gì nữa, và cũng chẳng muốn tiếp tục cuộc sống, vì đối với tôi, cuộc sống lúc bấy giờ đã trở nên vô ý nghĩa, và trong những hoàn cảnh như vậy, có thể nói cái chết là điều tốt hơn chăng? Tôi đã có cái suy nghĩ như vậy, mặc dù tôi vẫn biết: sự sống là quà tặng quý báu nhất mà Thiên Chúa ban cho con người và con người bằng mọi cách cần phải duy trì và bảo vệ sự sống của chính mình.

Đây là thời điểm khi tôi bị truy nã vì tôi đã đào ngũ khỏi doanh trại quân đội, sau 6 tháng nhập ngũ. Cho nên, tôi đã tha phương cầu thực và lẩn trốn tại nhiều nơi… Trong khoảng thời gian này, gần một năm trời, tôi rất chán nản và vô cùng thất vọng, vì tôi không nhìn thấy tương lai của mình và cũng không thể tìm cho mình một lối thoát. Tất cả đều trở nên vô nghĩa đối với tôi, tôi hết sức bi quan và chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Nhưng quả thực “trong cái rủi, có cái may,” nếu tôi không trải qua những hoàn cảnh và tâm trạng này thì tôi đã chẳng bao giờ nghĩ đến việc ra nước ngoài để theo đuổi ơn gọi làm linh mục của chính mình.[4] Âu đó, cũng là sự an bài tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài có cách hành động mà đôi khi tôi không thể hiểu thấu, vì ai có thể dò biết được đường lối và cách suy nghĩ của Thiên Chúa.

Nhờ vào kinh nghiệm mà tôi có được trong thời gian bi đát và u tối nhất trong cuộc đời của chính mình, mà sau này khi tôi đã vượt qua được, điều ấy đã giúp tôi có thể hiểu được phần nào và biết cảm thông với những ai cũng bị rơi vào các hoàn cảnh tương tự như tôi. Cho nên mỗi khi tôi có dịp để gặp gỡ và tâm sự với những người này, tôi chia sẻ với họ về những nỗi gian truân và bĩ cực mà tôi đã phải trải qua để động viên và an ủi họ, vì tôi tin rằng, mọi đau khổ và khó khăn trong cuộc sống của con người, rồi cũng sẽ qua đi, như ông bà ta vẫn nói: “Con Sông có khúc, con người có lúc.” Nghiệm cho cùng thì lời khuyên ấy rất chí lý, vì không ai trong chúng ta phải sống mãi trong nỗi khổ cùng cực. Hơn nữa, nếu chúng ta là một Kitô hữu, một người có niềm tin vào Thiên Chúa là Cha nhân từ và giàu lòng thương xót, thì chính Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Cho nên, khi tôi đọc những lời này được Kinh Thánh ghi lại, nó chính là câu trả lời tích cực cho các suy nghĩ tiêu cực của chúng ta, tôi cảm thấy rất phấn khởi, vì nó ứng nghiệm với tất cả những gì mà tôi đã từng trải qua. Bởi chính tôi cũng đã từng đưa ra những lý lẽ và lý luận với Chúa như thế.

Cho nên, ngày hôm nay, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ hội đọc lại những lời vàng ngọc này và tôi nghiệm ra rằng: Lời của Chúa thực sự là đèn soi, dẫn lối tôi đi và Lời của Chúa đã trở nên thần lực cho chính tôi. Lời Ngài đã khuyến khích, động viên và nâng đỡ tôi, nhất là những khi tôi chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Nói tóm lại, Lời Chúa là Lời hằng sống, có sức mạnh vô song và có sức biến đổi con người chúng ta. Nó tựa như ánh sáng giải chiếu trong bóng đêm, giúp ta nhìn thấy mọi sự và xua đi nỗi sợ hãi.[5]

Đối với tất cả những điều tiêu cực mà chúng ta phải nói với chính mình thì Thiên Chúa luôn có câu trả lời tích cực cho điều đó:

Bạn nói: “Không thể.”

Chúa nói: “Mọi sự đều có thể.”(Luca 18: 27)

Bạn nói: “Tôi quá mệt mỏi.”

Chúa nói: “Ta sẽ cho con nghỉ ngơi và bổ sức cho con.” (Matthêu 11: 28-30)

Bạn nói: “Không ai thực sự yêu tôi.”

Chúa nói: Ta yêu con. (Gioan 3:16 & 13:34)

Bạn nói: “Tôi không thể tiếp tục.”

Chúa nói: Ơn của Ta đủ cho con. (2 Côrintô 12: 9 & Thánh Vịnh 91:15)

Bạn nói: “Tôi không thể hiểu được mọi việc.”

Chúa nói: Ta sẽ nâng đỡ bước chân con. (Châm ngôn 3: 5-6)

Bạn nói: “Tôi không thể làm được.”

Chúa nói: Con có thể làm được mọi việc. (Philípphê 4:13)

Bạn nói: “Tôi không thể.”

Chúa nói: Ta có thể. (2 Côrintô 9: 8)

Bạn nói: “Những điều đó không đáng.”

Chúa nói: Mọi sự đều sinh ích. (Rôma 8:28)

Bạn nói: “Tôi không thể tha thứ cho chính mình.”

Chúa nói: TA THA THỨ CHO CON. (1 Gioan 1: 9 & Rôma 8: 1)

Bạn nói: “Tôi không thể quản lý được.”

Chúa nói: Ta sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của con. (Philípphê 4:19)

Bạn nói: “Tôi sợ.”

Chúa nói: Ta không ban cho con tinh thần sợ hãi. (2 Timôthê 1: 7)

Bạn nói: “Tôi luôn lo lắng và thất vọng.”

Chúa nói: Hãy trút mọi lo âu của con cho TA. (1 Phêrô 5: 7).

Bạn nói: “Tôi không có đủ đức tin.”

Chúa nói: Ta đã ban cho mỗi người đầy tràn ân sủng đức tin. (Rôma 12: 3).

Bạn nói: “Tôi không đủ thông minh.”

Chúa nói: Ta ban cho con ơn khôn ngoan. (1 Côrintô 1:30)

Bạn nói: “Tôi hoàn toàn cảm thấy cô đơn.”

Chúa nói: Ta sẽ không bỏ rơi con bao giờ. (Do Thái 13: 5).”[6]

Trong cái rủi, có cái may, ôi thật huyền diệu sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa đối với cuộc đời của chúng con, nhưng rất tiếc nhiều khi chúng con vẫn chưa thể nhìn thấy tất cả những gì mà Chúa đã an bài cách lạ lùng. Xin Chúa thương và ban ơn giúp sức cho chúng con để chúng con luôn giữ vững niềm tin và biết hoàn toàn cậy trông ở nơi Chúa, dẫu khi chúng con phải đương đầu với các cơn nguy nan, sự đau khổ và rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Cả những lúc như thế thì lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ mất lòng tin cậy ở nơi Chúa là cha nhân hậu và hết lòng yêu thương chúng con. Amen.

(Bài viết được tác giả gửi đến Ban biên tập Website HĐGMVN 
tại địa chỉ email bbt.whd@gmail.com)
 

[1] Xem Lm. Trần Mạnh Hùng, Thiên Chúa – Người thợ thêu tài ba https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thien-chua-nguoi-tho-theu-tai-ba-46015 Đăng thứ 6, ngày 20 tháng 5 năm 2022.

[2] Unknown author, “Is Your Hut Burning” https://www.godsotherways.com/stories/2019/10/6/is-your-hut-burning (Truy cập, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2022).

[3] Không rõ tác giả

[4] Nhờ chuyến vượt biên thành công, dù gặp muôn vàn khó khăn trên hành trình vượt biển vì sóng to gió lớn …, nhưng rất may mắn con thuyền nhỏ nhoi bằng gỗ với chiều dài khoảng 11 mét và chiều ngang khoảng 3 mét đã cập bến bình an tại trại tỵ nạn ở hòn đảo Pulau Bidong, nước Mã Lai, sau 5 ngày lênh đênh trên biển cả. Điều này chính là một phép lạ cả thể đối với chúng tôi, những thuyền nhân trên tàu. Ai nấy đều mừng rỡ vì đã thoát nạn và thoát khỏi cái chết. Lòng chúng tôi mừng rỡ hân hoan và tận trong thâm tâm của từng người, chúng tôi đã âm thầm cảm tạ “ơn trên” đã cho chúng tôi một cơ hội sống sót và làm lại cuộc đời.

[5] Lắng nghe Lời Chúa. Sáng tác do linh mục Nguyễn Duy, nhất là phần điệp khúc: “Lời ngài là sức sống của con, lời ngài là ánh sáng đời con, lời ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời ngài đường chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời ngài hạnh phúc cho trần ai.” Hoặc nghe bài hát qua phần trình bày của Nguyễn Hồng Ân & Hiền Thục tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=xFcfvl958eI

[6] Xem “Is Your Hut Burning”, tác giả không xác định, https://www.godsotherways.com/stories/2019/10/6/is-your-hut-burning (Truy cập, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2022).

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 22.5.2022