Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

COVID: NIỀM HY VỌNG TỪ LỄ HIỆN XUỐNG

COVID: NIỀM HY VỌNG TỪ LỄ HIỆN XUỐNG
 
Sr. Mary Catherine Redmond[1]
 
WHĐ (10.6.2022) - Sau khi tôi nghỉ công việc toàn thời gian trong vai trò trợ lý bác sĩ chính của phòng cấp cứu tại Bệnh viện North Central Bronx, Thành phố New York, để đảm nhận chức vụ bề trên Hội dòng, một phóng viên đã hỏi tôi rằng liệu tôi có nhiễm bệnh trong đợt Covid thứ ba chăng.

Ngẫm nghĩ một chút, tôi buồn bã trả lời, "Không, không có!" Giống như tất cả các nhân viên y tế, tôi đã dốc hết sức lực cho việc chăm sóc sức khỏe vào tháng 3. 2020 và trung thành đáp lại lời kêu gọi phục vụ khi đại dịch coronavirus xảy đến, và 1 năm sau đó là biến thể delta. Tới giờ, tôi vẫn ngạc nhiên và khiêm tốn nhìn nhận một sự thật là tôi vẫn còn sống! Cùng với các đồng nghiệp, trong tuyến đầu ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng tôi đã chìm mình trong Covid khi thiếu phương tiện bảo hộ cá nhân, thiếu kiến ​​thức về căn bệnh, và thiếu nguồn lực khiến chúng tôi rơi vào tình thế rất nguy hiểm đến tính mạng. Như Brené Brown đã nói trong chương trình 60 phút (60 Minutes) của đài truyền hình CBS, "Bạn sẽ chẳng thể tìm thấy sự can đảm nơi người không dễ bị tổn thương". Chúng tôi đã là những người dễ bị tổn thương! Và chúng tôi tiếp tục dễ bị tổn thương!

Mặc dù hiện nay tôi đang ở vị trí lãnh đạo Hội dòng, nhưng trái tim và sự nâng đỡ của tôi vẫn luôn dành cho các đồng nghiệp. Tôi đã tổ chức những buổi thuyết trình Helping Healers Heal (Giúp chữa lành thày thuốc), một chương trình được thiết lập trước cả khi Covid xảy ra, nhằm cung cấp cho các nhân viên y tế một không gian để chia sẻ kinh nghiệm với những người có thể đồng cảm với họ. Chương trình này trở thành vô giá trong giai đoạn Covid và hiện nay cũng thế. Thậm chí tôi còn quay lại bệnh viện và làm việc trong ca 12 tiếng khi nhiều nhân viên y tế bị căng thẳng vì người thân của họ qua đời, khi phải giải phẫu cấp cứu, ngay cả khi em bé bị sinh thiếu tháng. Khi tạo điều kiện để có buổi Giúp chữa lành thày thuốc, tôi đã ấn tượng bởi rất nhiều cảm xúc khác nhau của các nhân viên, chẳng hạn như: sự sợ hãi, mất tinh thần, tức giận và không muốn tin rằng mình đang ở giữa một làn sóng Covid khác.

Sơ Mary Catherine Redmond, thứ hai từ phải sang,
bên cạnh các đồng nghiệp.

Covid, dù với bất kỳ biến thể nào, ngay cả khi những triệu chứng của nó có vẻ giống như cảm lạnh thông thường, thì cũng vẫn là Covid! Tôi đã bị ám ảnh và do đó, luôn phản ứng theo bản năng khi mỗi khi nghe thấy từ "Covid", có lẽ vì tôi đã chứng kiến nhiều người hấp hối vì loại virus khủng khiếp này; đã thấy nhiều gia đình bị tàn phá vì đau buồn, sợ hãi; đã mục kích từng đống thi thể trong túi đựng chồng chất lên nhau.

Cũng chính Covid đã khiến tôi khép kín vòng kết nối của mình trong 2 năm qua, và, Mùa Chay vừa rồi, tôi đã thực hiện ý định nới rộng vòng kết nối và cởi mở hơn với những việc tôi vẫn thực hiện trước đây. Tôi đã rất lo lắng khi tới tham dự đám cưới của con trai một người bạn; tôi đã rất sợ hãi khi đi đến những chỗ đông người; và tôi đã trải qua cảm giác băn khoăn mà tôi chưa từng trải qua trước đây. Đối với tôi, mở rộng vòng kết nối có nghĩa là sẽ bao gồm rất nhiều người – dù đó là những người phủ nhận Covid là có thật, dù đó là những người không tin vào việc tiêm vắc-xin, và ngay cả dù đó là những người cho rằng tiêm vắc-xin trễ thì tốt hơn là tiêm sớm.

Thật khó để chấp nhận những người không tin vào những gì tôi đã chứng kiến và trải nghiệm một cách sống động như vậy. Thật khó để dung hòa giữa việc một đại dịch lại chia rẽ nhiều người đến thế- khi mà trải nghiệm của tôi với vòng kết nối đồng nghiệp, gia đình, cộng đoàn, và những nhóm nhỏ bạn bè có nghĩa là cùng gắng sức để bảo vệ, cứu nguy, và hỗ trợ lẫn nhau. Câu chuyện của tôi vọng lại câu chuyện của nhiều nhân viên y tế khác, là những người vẫn đang phải đối phó với hết làn sóng Covid này đến làn sóng Covid khác.

Tôi đã mở rộng vòng kết nối của mình, nhưng điều này không dễ dàng chút nào. Một phần của việc mở rộng vòng kết nối ấy là rời khỏi nhóm nhỏ gồm những đồng nghiệp, gia đình thân thiết, các thành viên trong cộng đoàn và bạn bè, những người đã ở bên tôi trong giai đoạn tăm tối nhất của tôi. Khó khăn nhất là xa đồng nghiệp, vốn là những người biết được nỗi sợ hãi và lo lắng tôi đang đề cập đến mà không cần phải giải thích quá nhiều. Tôi nhiệt thành nói với mọi người rằng nhân viên y tế đang bị quá tải. Khi người trợ lý bác sĩ mới đến gặp tôi để xin lời khuyên về những việc cần làm để giúp đỡ nhân viên, tôi đã nói với cô ấy rằng hãy khuyến khích mỗi người làm những việc họ cần làm vì sức khỏe thể chất, tâm lý và tinh thần của chính họ. Sau đó, tôi đề nghị cô ấy đến gặp nhân viên trợ lý bác sĩ, là một cựu quân nhân và hỏi cô ấy xem họ làm gì trong thời gian phục vụ khi mọi người chiến đấu không ngừng nghỉ trong suốt một thời gian dài. Về cơ bản, đó là những gì đang xảy ra trong khoa.

Ngay sau lễ Phục sinh, có nghĩa là sau 6 tháng vắng mặt, tôi quay lại khoa cấp cứu để thay ca. Nhiều người trong số những người tôi từng làm việc với đã nghỉ hưu, và một số thì rời sang các khoa khác. Những người tôi đã làm việc cùng trong ca đó là những người vẫn đang khao khát chu toàn công việc, đồng thời, cố gắng tìm ra cách tốt nhất để thực hiện những gì họ được mời gọi trong khi vẫn cần chăm sóc bản thân và gia đình của mình. Khi tiếp tục trò chuyện với mọi người và nghe câu chuyện của họ - bao gồm chị em trong Hội dòng của tôi, những tu sĩ thuộc các dòng tu khác, những người thuộc mọi ngành nghề khác nhau, và cả những người đang học đại học và phổ thông- tôi nhận ra rằng Covid đã có những ảnh hưởng lâu dài đối với rất nhiều người. Sự cô lập, sợ hãi, mất mát, đối phó để sinh tồn… đã khiến tất cả tan nát, và trở nên dễ bị tổn thương. Đúng thực, chẳng một ai thoát khỏi hệ quả của Covid.

Dù thế, Covid cũng chỉ là một phần của thế giới, nơi mà sự chia rẽ vẫn không ngừng tiếp diễn. Có quá nhiều thứ gây rạn nứt trong gia đình, cộng đoàn địa phương, đất nước, và thế giới của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi mà mỗi người tự nhốt mình trong căn lều niềm tin riêng của mình và không thể tiếp cận với người khác. Chúng ta đã đánh mất khả năng muốn đồng cảm với người khác để có thể nói, "Hãy giúp tôi hiểu bạn hơn" và sẵn sàng lắng nghe. Chúng ta đã ở trong phương thức sinh tồn của riêng mình quá lâu nên khó có thể nhìn thấy người khác, thấu hiểu, và giúp đỡ họ.

Tôi hy vọng khi trải nghiệm Lễ Hiện xuống, chúng ta được Chúa Thánh Thần nhắc nhở để nài xin các ân sủng của Ngài, đó là: ơn khôn ngoan, ơn suy biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông hiểu, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa, nhờ đó, chúng ta biết tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa trong tất cả những gì chúng ta thực hiện.

Trong một tập gần đây của chương trình truyền hình "New Amsterdam", một bác sĩ cảm thấy bị thất vọng bởi cách đối xử mà một số người dành cho cô trong giai đoạn hậu Covid, đã thắc mắc rằng, "Hy vọng ở đâu rồi?" và đã nhận được câu trả lời: "Bạn chính là niềm hy vọng". Điều này thật ý nghĩa biết bao!

- Ước mong chúng ta biết mở rộng vòng kết nối của mình từng chút một, trong từng hoàn cảnh, môi trường sống, để góp phần tiếp tục xây dựng vương quốc của Thiên Chúa ngay trên trái đất này;

- Ước mong chúng ta, mỗi người theo cách riêng của mình, vượt qua những ranh giới để tìm hiểu, đón tiếp và chia sẻ cuộc sống với người khác;

- Ước mong chúng ta nhận ra niềm hy vọng mình có được, và tin tưởng rằng mỗi chúng ta chính là niềm hy vọng ngay tại thời điểm này trong lịch sử của nhân loại.

Xin Chúa Thánh Thần tuôn tràn bất cứ ân sủng nào mà chúng ta đang cần. Để rồi, ngay trong phòng tiệc ly của cuộc đời mình, chúng ta được truyền cảm hứng để ra đi, gặp gỡ, và chia sẻ cho người khác những hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

[1] Sơ Mary Catherine Redmond hiện là Bề trên của Dòng Presentation of the Blessed Virgin Mary. Trước đây Sơ từng là trợ lý bác sĩ tại phòng cấp cứu của bệnh viện, phục vụ những người bị bỏ rơi tại Thành phố New York, Hoa Kỳ.
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 11.6.2022 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

LỜI & ĐẤT HỨA: CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM C, LỄ CHÚA BA NGÔI - NHÀ THỜ KINH LẠY CHA

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI NĂM C (Ga 16,12-15)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 11.6.2022


Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 10.6.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 10.6.2022
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

HAI PHƯƠNG THUỐC RẤT THIẾT THỰC DÀNH CHO NỖI BUỒN


HAI PHƯƠNG THUỐC RẤT THIẾT THỰC 
DÀNH CHO NỖI BUỒN

Lm. Narciso Irala, SJ[1]

WHĐ (08.6.2022) - Nào có ai trong chúng ta chưa từng trải nghiệm nỗi buồn của sự thất bại, bệnh tật, mất người thân, hoặc những khó khăn trong cuộc sống? Bài viết sau đây chia sẻ 2 phương thuốc rất thiết thực dành cho những nỗi buồn mà chúng ta gặp phải.

Phương thuốc thứ nhất là lấy những ý tưởng gây ra nỗi buồn, biến chúng thành cụ thể, phân tích, điều chỉnh và kiểm soát chúng.

1. Khi thất bại trong sự nghiệp hoặc công việc kinh doanh

Khi đối diện với sự thất bại trong sự nghiệp, trong việc kinh doanh, hoặc ngay cả trong trường hợp phải phát biểu trước đám đông mà không kịp chuẩn bị, khiến chúng ta bị “đơ” và rơi vào cảm giác sầu não khi nghĩ rằng, "Mình thật đã lãng phí thời gian, mình không khác gì một tên ngốc, và mình chẳng còn mặt mũi nào cả!" Những lúc như thế, sự thanh thản phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể chống lại suy nghĩ rầu rĩ này bằng một nguyên lý cân bằng hơn hay không, chẳng hạn như, "Tôi mất một đồng, nhưng thu được một triệu!" Đây sẽ luôn là một nguyên lý mang lại an ủi nếu chúng ta hành động với một ý hướng ngay lành. Bất cứ khi nào chúng ta sống thân tình với Thiên Chúa trong ơn thánh, và hành động với thiện chí, Cha trên trời sẽ viết cho chúng ta một tấm ngân phiếu mang lại cho chúng ta vinh quang và hạnh phúc vĩnh viễn. Và thực, chúng ta đã kiếm được một triệu, mặc dù chúng ta có thể đã mất đi một số thứ nào đó, vốn chỉ là những thứ chẳng đáng giá là bao, nó chỉ như những hạt cát khi so với vô biên. Khi nghĩ được như vậy, thì những tình huống thất bại có đáng để chúng ta phải buồn bã không?

Một sai lầm có thể hoàn toàn là chủ quan khi chúng ta mong đợi nhiều hơn những gì là hợp lý. Ví dụ, khi làm điều tốt cho người khác, chúng ta không cần mong chờ sự biết ơn của họ. Sự trả ơn của con người vốn rất giới hạn, nhất là đối với những việc được thực hiện vì ích chung. Thay vào đó, có một phương thế đảm bảo niềm vui, đó là chúng ta hãy hành động để làm vui lòng Thiên Chúa, Đấng đã nhận những gì chúng ta làm cho người khác là làm cho chính Ngài, và Ngài hứa sẽ hoàn trả cho chúng ta một “vương quốc vĩnh cửu”.

2. Khi yếu đuối và bệnh tật

Sự yếu đuối và bệnh tật khiến chúng ta có ý nghĩ rằng mình là gánh nặng cho người khác, mình chẳng mang lại lợi ích gì, mà chỉ toàn tổn thất, khó khăn. Người lớn tuổi và người ốm bệnh thường cảm thấy điều này rõ hơn nếu thời còn trẻ, khoẻ họ là những người năng động. Nhưng nếu họ có thể hiểu rằng, để có những thành tựu vĩnh cửu thì sự kiên nhẫn và lời cầu nguyện mang lại hiệu quả hơn tất cả những sáng kiến và những hoạt động thuần tuý dựa vào sức lực của con người.

Tôi đã giải thích điều này cho một số người cao niên trong một viện dưỡng lão và khuyến khích họ trở thành những nhà truyền giáo bằng sự kiên nhẫn. Sau đó, nhiều điều dưỡng viên đã rất ngạc nhiên khi thấy sức sống mà suy nghĩ này đem lại cho những bệnh nhân của họ.

Điều tương tự cũng xảy ra với một cậu bé 12 tuổi và nhập viện được 3 tháng.

Tôi hỏi cậu bé là liệu cậu có muốn trở thành một nhà truyền giáo và cứu rỗi các linh hồn không.

- Nhưng, thưa Cha, con thậm chí không thể ngồi dậy, và cũng chẳng thể di chuyển được.

- Đúng rồi. Nếu con dâng những đau đớn của mình cho các linh hồn, con có thể cứu họ tốt hơn cha. Con thấy đấy, Chúa Giêsu Kitô đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, nhưng chỉ có một số rất ít người hoán cải. Tuy nhiên, khi Người đau khổ và bị chết, Người đã cứu chuộc cả thế giới!

Nghe vậy, cậu bé bắt đầu khóc.

- Tại sao con khóc?

- Bởi vì con đã mất 1 năm đau khổ. Tại sao không có ai đó nói với con điều này sớm hơn?


Từ đó về sau, cậu bé không khóc nữa. Trái lại, khi càng đau đớn, thì cậu lại càng cảm thấy hạnh phúc. Vì cậu biết rằng, mình đang cứu được nhiều linh hồn hơn.

3. Khi mất người thân

Sự chết tự nó không thể lấy đi niềm vui của một gia đình Kitô hữu. Nếu cái chết của một người thân yêu khiến chúng ta đau buồn, thì cũng là điều đương nhiên và dễ hiểu. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, đôi khi mình chẳng khác gì người không có đức tin, bởi vì chúng ta cho rằng khi một người chết đi là họ đã mất tất cả. Hoặc chúng ta nghĩ rằng "chúng ta đã mất người ấy". Cụm từ này rất thường bị sử dụng sai. Thật ra, nếu chúng ta được củng cố trong đức tin và thuyết phục mình về hạnh phúc của những người chết trong Chúa, và vì ở gần bên Chúa hơn, họ có thể nâng đỡ chúng ta rất nhiều. Nghĩ được như thế, chúng ta có thể cảm thấy được an ủi và vui mừng biết bao.

4. Khi đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống

Nếu được nhìn dưới ánh sáng của đức tin, thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh tiêu cực, thì những khó khăn hay “rắc rối” hiện tại sẽ không khiến chúng ta buồn bã và nản chí. Thật thế, đau khổ là cách thế giúp mô phỏng hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã gánh lấy đau khổ của cuộc đời này, nơi Đức Kitô. Như Thánh Phaolô đã nói, sự đau khổ của chúng ta là sự hoàn tất những gì còn thiếu nơi những đau khổ của Chúa Kitô, vì nó giúp chúng ta áp dụng những giá trị của Cuộc Khổ Nạn của Người nơi cuộc đời chúng ta một cách hữu hiệu hơn. Nhiều linh hồn có thể được cứu do hoa trái của những đau khổ chúng ta phải chịu nếu chúng ta biết kết hợp với những đau khổ của Đức Kitô.

Những thử thách là tấm ngân phiếu được rút ra từ ngân hàng của thiên đàng. Nếu hiểu ngôn ngữ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ đọc được trong tấm ngân phiếu ý tưởng này: “Đấng Công bằng và Nhân hậu vô bờ bến hứa sẽ trả lại trên thiên đàng vinh quang và hạnh phúc vô biên cho Kitô hữu, khi họ ở trong tình trạng ân sủng, sẵn lòng chấp nhận những đau khổ chóng qua và tạm thời trên trần gian này”. Chữ ký thần linh chỉ được đưa vào tấm ngân phiếu này khi chúng ta chấp nhận đau khổ với niềm tin tưởng, phó thác. Cứ thế, ngày qua ngày chúng ta có thêm những tấm ngân phiếu như vậy cho sự sống đời đời; và đây là một may mắn lớn nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ phải chịu đau đớn nhẹ nhàng và trong chốc lát như cái giá để mua niềm vui bất tận.

Chúng ta phải biết quý trọng đau khổ và biết cách xử lý những chông gai của cuộc đời. Nếu chúng ta giẫm lên chúng, chúng sẽ làm khổ chúng ta: trong lương tâm của chúng ta, chúng tiêu diệt chúng ta; trong tâm hồn chúng ta, chúng ngăn cản sự sống đích thực; trong trái tim của chúng ta, chúng khuấy động cuộc sống; dưới chân chúng ta, chúng ngăn cản bước đi của chúng ta. Chúng ta hãy đặt trong tay Chúa và kín múc được sức mạnh để đón nhận, vượt thắng và thánh hoá đau khổ từ Thánh Tâm của Chúa Kitô.

Phương thuốc thứ hai là nuôi dưỡng những suy nghĩ về niềm vui.

Chúng ta phải luôn có những suy nghĩ lạc quan, những ký ức vui vẻ, và nhận thức rõ ràng về những ơn huệ của Thiên Chúa trong ngôi nhà quý giá của công trình tạo dựng, đó là chính con người tự nhiên. Chúng ta cũng cần nâng cao kiến ​​thức và vui vẻ suy nghĩ về những kho báu vô tận được ban tặng cho chúng ta trong thế giới của màu sắc, hình dáng và âm thanh. Các nghệ nhân thường có tầm nhìn và biết cách trân trọng tất cả những yếu tố này.

Đôi mắt của chúng ta là chiếc máy ảnh hoàn hảo đáng kinh ngạc. Tự động chúng tập trung, chụp hình và phóng chiếu vào não chúng ta những cảnh quan sống động với đầy đủ màu sắc và không gian ba chiều. Thính giác của chúng ta giống như một công cụ âm nhạc nội tại kỳ diệu tái tạo trung thực hàng nghìn nốt nhạc và giai điệu khác nhau. Bàn tay, cánh tay và chân của chúng ta giống như chiếc cần cẩu có thể thực hiện vô số chuyển động phức tạp. Nói tóm lại, toàn bộ cơ thể của chúng ta là một kho tàng kỳ diệu mà Thiên Chúa tạo dựng cho chúng ta. Điều này đặc biệt đúng với bộ nhớ của chúng ta, giống một thư viện phân loại, sắp xếp thứ tự hàng nghìn trải nghiệm hữu ích; trí hiểu của chúng ta liên tục khám phá ra ngày càng nhiều điều thực tế, giúp chúng ta dần nhận thức về Thực tại Vô hạn; và ý chí của chúng ta giúp chúng ta kết hợp với sự Thiện hảo vô tạo là chính Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, chúng ta hãy nhìn nhận biết bao của cải mà chúng ta có được trong gia đình, đất nước, và Giáo hội, cùng với mọi phương thế siêu nhiên dẫn chúng ta tới Thiên đàng. Đây là một suy nghĩ luôn mang lại cho chúng ta niềm vui vì khi xác tín rằng Thiên Chúa hiện hữu; Ngài là Cha của chúng ta, Ngài luôn ở bên chúng ta, trông chừng chúng ta, và điều khiển mọi hoàn cảnh của chúng ta vì lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, đây cũng là một suy nghĩ thật êm dịu và thanh bình, vì khi trông cậy vào những gì Thiên Chúa hứa, chúng ta được cảm nếm trước thực tại của Nước Trời. Ngoài ra, còn có một niềm hạnh phúc viên mãn, vì khi nghĩ rằng chúng ta là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, thì chính chúng ta có thể yêu mến Ngài một cách chân thành.

***

Hành trình dương thế của chúng ta được đan xen với những sắc thái phong phú của chính phận người. Thất bại, mất mát, bệnh tật, và thử thách vẫn luôn có đó. Nhưng, đồng thời, với niềm Tin yêu, Tín thác, và sự trợ lực của Ơn thánh, chúng ta vẫn có thể cảm nhận Niềm vui, Hạnh phúc, Bình an ẩn nấp đàng sau từng biến cố và Khiêm tốn, Kiên nhẫn, Kiên trì hoàn tất hành trình cuộc đời mình một cách Ý nghĩa, Trọn vẹn và Đẹp lòng Chúa nhất.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (29. 4. 2022)


[1] Cha Narciso Irala, S.J. (1896–1988) là một nhà truyền giáo, nhà tâm lý học, tác giả, và diễn giả nổi tiếng.
 
(WHĐ)

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 10 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 10.6.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, THỨ SÁU 10.6.2022

Bắt đầu lúc 15g00 Thứ Sáu, ngày 10.6.2022 tại nhà thờ Huyện Sỹ.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 10.6.2022