Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022
Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022
TRUNG THU VÀ CHIẾC BÁNH CỔ TÍCH
TRUNG THU VÀ CHIẾC BÁNH CỔ TÍCH
TGPSG -- Cây đa bật gốc đưa chú Cuội bay về cung trăng và ở đó mãi - câu chuyện huyền thoại này diễn tả mong ước sâu xa thầm kín của người dân Việt, khi ngắm trăng rằm thì cũng ước mơ có thể chạm chân lên mặt trăng.
Đến năm 1969, người Mỹ đã thành công trong chuyến du hành mặt trăng. Và ở thế kỷ 21 này, những chuyến du hành mặt trăng không còn xa lạ gì nữa. Ước mơ của tiền nhân nay đã thành sự thật mà sao câu chuyện chú Cuội trên cung trăng vẫn còn đó. Khi Trung Thu về, người ta vẫn kể lại cho những thế hệ sau. Những chiếc bánh mang hình mặt trăng vẫn xuất hiện, mang ý nghĩa của sự đoàn tụ ấm áp tình thân bên gia đình khi trăng tròn.
Thời gian ai dệt mà đưa xa cái tuổi hồn nhiên trẻ thơ của đời người, để rồi thay thế vào đó là nỗi nhớ nhung của một thời đã xa? Còn đâu nữa câu truyện Bà kể mỗi đêm trăng tròn! Nhớ lắm đi thôi chiếc đèn kéo quân rực rỡ mà Ba cố công vót tre làm cho! Nhớ làm sao chiếc bánh nướng thơm lừng của Má và những buổi tối rước đèn của đám nhóc xung quanh xóm đạo! Trung Thu là thế, mỗi năm mỗi đến, mà sao cảm xúc lòng người mỗi năm một khác, chẳng thể tròn vành mãi như trăng vàng giữa Thu?
Chiếc bánh cổ tích thời thơ ấu
Sinh ra là lớn lên trong gia đình Công Giáo nơi mảnh đất Tây Nam Bộ, với Ngọc An thì Trung Thu cũng thật đặc biệt. Dường như trăng rằm đi theo những biến cố to nhỏ trong gia đình, vì ngày Trung Thu, Má sẽ làm một cái bánh nướng thật to và hình tròn giống mặt trăng. Má sẽ cắt bánh theo đúng số người trong gia đình, mỗi người một phần, rất đủ đầy vui vẻ như sự đoàn viên hài hòa của gia đình. Má gói ghém trong chiếc bánh ấy những ước mong cho gia đình cứ mãi bình yên, cứ mãi tròn đẹp như chiếc bánh trung thu vậy.
Thời gian đong đầy những vui buồn gia đình qua những tháng năm. Trăng tròn rồi lại khuyết. Trăng vàng trên cao hay soi mình dưới dòng sông êm ả của vùng sông nước này. Chiếc ghe chông chênh của Ba làm vỡ ánh trăng trên sông. Chiếc ghe ấy không chỉ là dụng cụ buôn bán lúa gạo nuôi sống gia đình An, nhưng còn chất chứa bao kỷ niệm về Ba. Có lần Ba nói: chiếc ghe này đã chở Mẹ đi sinh con ở trạm xá xa nhà nữa cơ! Nhưng chiếc ghe này cũng đưa vào cuộc đời An bao đau đớn khi hình ảnh của Ba xa dần cuộc đời An trong chuyến đi định mệnh trên chiếc ghe này.
Chiều ấy, Ba Má vẫn đi ghe mua lúa dưới tận sông lớn. Chị em An ở nhà coi nhà và phụ mẹ chăm đàn gà con. Má hứa khi về sẽ làm bánh trung thu cho kịp Tết Trung Thu và mua lồng đèn cho chị em An nữa. Nhưng rồi, mùa Trung Thu năm ấy, khi chiếc ghe quay về, chỉ có tiếng khóc của Má, còn Ba thì nằm yên giữa những bao lúa trong lòng ghe. An đã lay gọi mãi mà Ba không tỉnh lại nữa, chỉ biết qua lời chú Tư kể lại:
- Ổng bị rơi xuống sông, rồi bị chuột rút nữa, nên bị đuối nước…
- Tội nghiệp, nhờ trăng sáng mà còn tìm thấy xác, chứ đêm hôm thế này…
- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ mất Ba.
Những tiếng thở dài của hàng xóm như nối dài nỗi đau thương mất mát trong gia đình nhỏ bé này. Tiếng chuông sầu báo tử vang khắp xóm đạo. Văng vẳng trong không gian tiếng vợ khóc chồng, tiếng trẻ thơ khóc ba. Hàng xóm, họ hàng đến chia sẻ nỗi mất mát trong gia đình An nối tiếp với Thánh lễ an táng trang nghiêm tiễn đưa người con của Giáo xứ về nhà Chúa trong dòng lệ rơi.
Sự ra đi của Ba là một biến cố lớn trong cuộc đời An, giúp cô bé trưởng thành hơn. An thấy thương mẹ và các em nhiều hơn. An tự nhủ với lòng mình thay Ba chăm sóc cho Má và các em. Khi Ba mất, Má mới 38 tuổi và đứa em út mới 10 tuổi. Còn An - đứa con gái cả ở tuổi 18 - đang chập chững bước vào đời bao nhiêu điều khó khăn, vất vả định hướng cho tương lai. An cần một bàn tay lớn để chỉ cho An bước tiếp. An hay đứng trước tấm di ảnh của ba, nước mắt lưng tròng, thầm nói với ba: “Ba cùng đồng hành với con, nha Ba!”
Phải mất một năm sau khi Ba mất, gia đình An mới lấy lại thăng bằng. Giờ đây Ba lúc nào cũng ở nhà với chị em An. Ba không đi ghe lúa nữa, lúc nào cũng mỉm cười nhìn chị em An trong tấm di ảnh với nụ cười khích lệ.
Má thì ở vậy nuôi dạy chị em An. Má vừa làm mẹ vừa làm cha - gánh nặng ấy đủ để chị em An trông thấy mà ngoan ngoãn vâng lời Má và chăm chỉ học hành. Năm nào chị em An đứa nào cũng cố gắng học hành đạt học sinh giỏi để Má vơi bớt lo toan.
Và năm nào đến Trung Thu, Má cũng làm bánh nướng - chiếc bánh tròn đẹp được nướng thơm phức. Trước khi cắt bánh cho chị em An ăn, Má cắt cho Ba một phần để trên bàn thờ. Ba vẫn hiện diện trong gia đình nhưng vô hình để ở bên từng người thân cách khắng khít. Chiếc bánh của Má, dẫu khuyết một phần khi bắt đầu chia cho các con, nhưng đã diễn tả cách sống động lòng chung thủy ấm áp Má dành cho Ba, như vầng trăng kia vẫn cứ tròn mỗi độ Trung Thu về.
Những năm học đại học xa nhà, An nhớ Má và các em nhiều lắm. Nhớ thương Má gồng gánh cả gia đình. Chính vì thế mà cứ đến Trung Thu, An lại xin phép nghỉ học về giỗ Ba và nhất là để được ăn miếng bánh trung thu của Má. Nơi ngôi nhà nhỏ bé ấy, có Má và nụ cười của Ba đi sâu thăm thẳm vào cuộc đời và tâm hồn An.
Chiếc bánh cổ tích của đời dâng hiến
Và rồi đi vào định hướng cho tương lai, An muốn dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn khi tuổi vẫn còn trong độ trăng tròn. An nói với Má: “Má ơi! con muốn đi tu để dấn thân và phục vụ Chúa.”
Má ngồi im lặng một lát rồi nói: “Con đi tu, Má tôn trọng ý muốn và quyết định của con. Má sẵn sàng dâng con cho Chúa.”
“Nhưng Má à, Má lo cho con ăn học mà con chưa làm gì để đáp đền ơn Má.”
“Không cần con đáp đền ơn Má. Con sống hạnh phúc, Má cũng hạnh phúc.” Má quay mặt đi, gạt giọt nươc mắt đang lăn trên mắt môi.
Năm tháng dệt đời nữ tu của An trong mái nhà Hội Dòng thắm đậm tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho An. Trong những giờ kinh nguyện của mình, An luôn nhớ đến Ba, xin Chúa thương xót để Ba sớm về Thiên Đàng với Chúa; nhớ đến Má đang vất vả với cuộc sống; nhớ các em đang lớn lên trong niềm Tin người Công Giáo. Tất cả An gói ghém trong lời cầu nguyện và trong cả cuộc đời dấn thân cho Chúa và phục vụ tha nhân.
Trong đời sống thánh hiến này, ngang qua chiếc bánh trung thu của Má, An nhận ra có một Tấm Bánh Lớn mỗi ngày bẻ ra để nuôi sống con người, để quy tụ con người lại trong tình yêu Thiên Chúa. Đó là Tấm Bánh Thánh Thể mỗi ngày, dạy An về tình yêu dịu dàng mà An phải có để dành tất cả cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Gia đình của An hôm nay dường như lớn hơn, đó chính là Hội Dòng, là các linh hồn và là cả thế giới - mà An có sứ mệnh phải cầu nguyện cho tất cả.
An nhớ lại khoảng thời gian mới một năm trước thôi, khi An và các anh chị em tu sĩ tình nguyện trong bệnh viện Dã chiến chống Covid 19. An chứng kiến những cái chết lặng lẽ nơi bệnh viện. Những giọt nước mắt đã chảy ngược vào trong lòng, khi An thấy những người cha người mẹ lặng lẽ lìa đời, để lại những đứa trẻ chịu cảnh mồ côi. Và Trung Thu năm 2021 sẽ còn ghi dấu mãi trong tâm hồn An, khi An cắt những miếng bánh cho các bệnh nhân nhiễm Covid vui Trung Thu. Với một số người, đó là miếng bánh trung thu cuối cùng An mang đến cho họ. Cũng có những bệnh nhân còn nhớ hoài miếng bánh ân tình ấy. An nhận ra mình cũng trở thành mẹ khi cắt bánh trung thu mong sự bình an đoàn viên sẽ trở lại trong các gia đình. Cảm nghiệm ấy giúp An lớn lên trong đời thánh hiến, ý thức được sứ mệnh đem bình an và sự nối kết giữa Thiên Chúa với anh chị em mình đang phục vụ.
Trung Thu năm nay, chị nữ tu mang tên Bình An ấy cũng đang cắt bánh trung thu cho các em nhỏ dân tộc X’ tiêng. Ở trên vùng đất Tây nguyên này, trăng có vẻ tròn hơn và sáng hơn. Nhưng dù thi hành sứ vụ ở bất cứ chốn nào, An luôn ý thức rằng bản thân mình cũng chính là chiếc bánh để Thiên Chúa cắt ra và chia cho anh chị em ở nơi nào Chúa muốn.
Maria Hồng Hà CMR (TGPSG)
(WGPSG)
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 03.9.2022
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 02.9.2022
Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 02.9.2022
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Ngày Quốc Khánh. Cầu cho Tổ Quốc.
Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 02.9.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 - 2023
Ủy ban Giáo dục Công Giáo
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 - 2023
Các con thân mến,
Ngày mùng 05 tháng 9 sắp tới đây, có thể nói rằng, đó là ngày toàn quốc khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Biết rằng, dịch bệnh Covid đã dần dần được giảm xuống, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về sự xuất hiện của các biến thể mới, ảnh hưởng nhiều trên các trẻ em. “Cổng Thông Tin Điện tử của Bộ Y Tế” vào những ngày cuối năm 2021 cho biết: theo các chuyên gia y tế hàng đầu của Hoa Kỳ, trẻ em có thể là đối tượng lây nhiễm mới của SARS-CoV-2. Những dự đoán này đã trở nên đáng lưu tâm hơn, khi trong những ngày gần đây, Báo Lao Động đã có bài viết: “TPHCM: Trẻ nhập viện do mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại”. Như vậy, vẫn còn đó một sự âu lo, dè chừng, thậm chí là sợ hãi, khi chúng ta bước vào năm học mới. Bằng tâm tình của tác giả thánh vịnh 107, chúng ta hãy phó dâng năm học mới này cho lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa chúng ta: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa; Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân, sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh, cứu họ khỏi sa hố sâu. Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 107, 19-21).
1. Những hiện tượng mới của dịch bệnh
Một năm đã trôi qua, nhưng cha vẫn còn nhớ thật rõ những xáo trộn đầy lo lắng cho các con khi bước vào năm học mới: nào là học online, nơi thì khai giảng trực tuyến, lúc thì học qua sóng truyền hình, …tất cả đều là những hình thức mới mẻ, lạ lẫm, nhưng cũng là những thách đố quá lớn cho giáo viên lẫn học sinh. Chúng ta cầu mong cho những khó khăn ấy đừng quay trở lại. Tuy nhiên, như cha đã viết ở trên, trong những ngày này, chúng ta khởi đầu năm học mới cũng bằng một niềm vui không trọn vẹn. Các con sẽ đến trường trong bối cảnh có nhiều hiện tượng mới của dịch bệnh: “Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp” (Cổng thông tin điện tử Y Tế TPHCM, 22.4.2022 ); “Cảnh báo mới của WHO về bệnh đậu mùa khỉ” (Báo Điện tử Chính phủ, 17.8.2022); Số ca mắc mới COVID-19 trong nước xấp xỉ 3.000 ca/ngày (Báo Sức Khỏe và Đời Sống 17.08.2022); Các biến thể phụ mới của biến thể Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1 với khả năng lây nhanh, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại (Tuổi trẻ online, 16.8.2022). Để ứng phó cho những tình huống đó, các nhà hữu trách đã có những kế hoạch tiêm ngừa Vaccine tăng cường cho cộng đồng, đặc biệt là cho độ tuổi học sinh để chuẩn bị đến trường. Trong bài giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma năm 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng: “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”. Chúng ta cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành, mà qua cơn dịch bệnh, chúng ta đã nhận được. Cha ước mong cho lời tạ ơn đó thúc đẩy các con biết chạy đến với Chúa Giêsu, nhất là trong những lúc khó khăn hay sợ hãi, vì Người luôn ở với chúng ta. Người không những chữa lành thân xác cho mọi người (x. Mt 4, 23), mà còn thêm nghị lực, thêm sức sống, và là chỗ dựa vững chắc cho tất cả những người đang vất vả khó nhọc (x. Mt 11, 28).
2. Định hướng cho năm học mới
Là những người có niềm tin vào Chúa, ngoài việc thu nạp kiến thức văn hóa, xã hội, chuyên ngành, các con còn phải cố gắng học hỏi thêm những điều bổ ích cho đời sống đức tin của mình. Chúng ta rất cần những hoa trái của đức tin, nhưng nó lại tùy thuộc rất lớn vào sự trưởng thành trong đời sống đạo của mình. Sự trưởng thành ấy lại tùy thuộc hoàn toàn vào việc học hỏi nơi Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14, 6). Trong năm học mới này, chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là trung tâm của tất cả nhận thức Kitô Giáo. Chúng ta không thể nhận biết và tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi nếu không có sự hiện diện của Chúa Giêsu (x. Lc 3, 21-22). Chúng ta cũng không thể biết, tin và sống trong Giáo hội mà loại trừ Chúa Giêsu, vì trong sứ mạng được ủy thác cho mình, Giáo hội là Chúa Kitô được tiếp tục (x. Mt 28, 20). Vậy, các con hãy bám chặt vào Chúa Giêsu, vì Người là con đường duy nhất để dẫn đến Chúa Cha, vốn là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của đức tin Kitô giáo (x. Cv 4, 12). Mặt khác, chúng ta là những Kitô hữu. Danh xưng này cũng nói lên toàn bộ linh đạo đời sống đức tin của mình, đó là luôn có Chúa Kitô hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Muốn được như vậy, các con phải siêng năng học hỏi và noi gương đời sống Người được mô tả trong phúc âm, áp dụng vào chính cuộc sống hàng ngày của các con. Một thân cây muốn được vững vàng trước gió lớn, nó phải được cắm rễ sâu vào lòng đất. Nếu các con muốn được kiên vững trong đức tin, bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, một cách nào đó, đời sống chúng ta cũng phải được cắm sâu vào Chúa Kitô như vậy. Thánh Phaolô chính là một chứng nhân sống động cho tất cả chúng ta về một nếp sống như vậy, khi người nói với cộng đoàn Kitô hữu tại Galata rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Bằng một cuộc sống như thế, cha tin rằng, chúng ta không những được bảo đảm phần rỗi đời đời, mà chúng ta còn được an vui, thanh bình và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hôm nay nữa.
3. Lời chào chúc nhân ngày khai giảng
Các con thân mến, chỉ còn ít ngày nữa là tiếng trống khai trường sẽ vang lên để khởi đầu cho năm học mới. Tiếng trống này sẽ khởi động lại cho một hành trình trau dồi kiến thức và kỹ năng cho cuộc sống của các con. Cha nguyện ước cho tiếng trống ấy cũng mang theo một niềm vui trọn vẹn, các con sẽ an bình đến trường trong sự che chở của Chúa và Mẹ Maria. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta”. Trong niềm xác tín ấy, cha cầu chúc các con và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Chúc các con học tốt, học giỏi, luôn biết bám chặt cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu và phúc âm của Người, vì “Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1, 1).
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
(WHĐ)
Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 01.9.2022
Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 01.9.2022
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022
Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 01.9.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)