Tại
các ngọn núi này, các cây thông ấy đã phải đâm rễ của chúng dọc theo
các khe núi, nơi có các khe hở để rồi với thời gian lâu dài, rễ của
chúng mới có thể tìm được một chỗ nào đó có đất, hầu có thể cắm sâu
xuống và múc lấy các chất dinh dưỡng để nuôi thân cây, cho nó được phát
triển thành các cây thông cao và to lớn.
Tôi nhìn ngắm thật say sưa các cây thông đang đứng sừng sững trước mắt tôi, và hiên ngang vươn vai lên tới tận vòm trời.
Tôi miên man suy nghĩ về sự phát triển kỳ diệu của các chú thông này… và rồi tự trong tâm trí tôi lóe lên một tia sáng nhằm giúp tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của đời sống thiêng liêng, cũng như cuộc sống bình thường mà mỗi chúng ta hay va chạm, đó chính là, càng gặp nhiều gian truân và thử thách, chúng ta càng phải bám chặt vào Chúa. Chỉ có như thế ta mới múc lấy sức sống mãnh liệt từ nơi Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống và của mọi ân sủng. Tôi vui mừng và sung sướng, vì Chúa đã khai tâm và mở lòng trí tôi ra để tôi có thể thấu hiểu những chân lý diệu kỳ về cuộc sống, mà đôi khi chính bản thân tôi, khi đương đầu với những nghịch cảnh hay với những khó khăn, tôi đã không cố gắng và nỗ lực để cho cái rễ của mình là mối tương quan giữa tôi và Thiên Chúa được bám chặt vào nhau và cho nó được phát triển, hầu có cắm sâu vào cung lòng của Thiên Chúa. Tôi vô cùng xúc động khi tôi khám phá ra rằng, để cho cây thông có thể phát triển to lớn và đứng vững, rễ của nó phải cắm sâu xuống mặt đất, nhưng đôi khi gặp toàn là núi đá, thì chúng cần phải len lỏi và xuyên qua các khe của núi đá, hầu rễ của nó mới có thể phát triển, rồi với thời gian đến một lúc nào đó, những cái rễ cái (hay rễ chính) này sẽ có thể đâm sâu vào lòng đất, và nhờ đó, mà nó có thể giữ cho thân cây không bị xiêu vẹo hay bị ngã, nhưng sẽ đứng thẳng và sẽ vươn vai lên tận trời cao.
Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì tôi đã khám phá ra cho chính mình một cách lý giải tuyệt vời cho những khúc mắc của chính bản thân, mỗi khi tôi phải đương đầu với những thử thách và đau khổ trong cuộc sống, từ những căn bệnh ốm đau đã khiến tôi có lần phải nằm trên giường bệnh cả 10 ngày mà không thể nhúc nhích đôi chân hay thân mình. Tôi đã không thể tự mình ra khỏi giường mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Có những lần tôi bị đau lưng và không thể ra khỏi giường và đi đứng trong nhiều ngày. Những lúc như vậy, tôi thật sự chán nản và không còn tha thiết điều gì nữa, trái lại, tôi chỉ cầu xin Chúa và Đức Mẹ chữa tôi khỏi căn bệnh và cho tôi vượt qua được các cơn đau đớn trên thân xác, nhất là cái đau ở phần cuối lưng, để tôi có thể ra khỏi giường mà không cần ai đỡ tôi dậy, hay cảm thấy bị đau đớn mà không thể nào chịu đựng nổi. Sau những cơn đau đớn khủng khiếp như vậy, mỗi khi mà tôi bắt đầu có thể tự ra khỏi giường và không có cảm giác đau đớn, tôi rất vui mừng và sung sướng tột độ. Tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Thánh Maria đã cứu chữa tôi và cho tôi được phục hồi lại sức khỏe và có thể tự mình đi lại, mà không cần đến sự trợ giúp của người khác. Những lúc như vậy, tôi ý thức rất rõ rệt và nghiệm ra rằng: CHỈ CÓ SỨC KHỎE LÀ QUÝ GIÁ HƠN HẾT MỌI SỰ và “SỨC KHỎE LÀ VÀNG” như ông bà ta thường nói. Có sức khỏe là có tất cả. Ốm đau nằm một chỗ thì dù có nhiều tiền đi chăng nữa, thì cũng chả có ý nghĩa gì cả, vì khi ốm đau liệt giường thì ta cũng chẳng tha thiết và ham muốn điều gì nữa. Những ai đã trải qua kinh nghiệm đau ốm thì có lẽ sẽ đồng cảm và sẽ đồng thuận với những gì mà tôi chia sẻ ở đây.
Ốm đau, bệnh tật, thất bại, bị ruồng bỏ, bị khinh chê, bị xua đuổi… tất cả đều là những thử thách mà mỗi chúng ta cần phải vượt qua và lướt thắng. Nó giống như cây thông đang mọc rễ trên các vách núi đá và rễ của nó phải tìm cách xuyên qua hay mọc theo các khe đá để có thể duy trì sự sống, cho đến khi rễ của nó có thể đâm sâu và bám chặt vào lòng đất. Chúng ta cũng vậy, mỗi nghịch cảnh, mỗi thử thách đều là những cơ hội Chúa gởi đến để chúng ta biết cách cho rễ của mình ven theo các khe núi và có thể đâm sâu và bám chặt lấy Thiên Chúa. Cho nên càng gặp nhiều gian nan thử thách, chúng ta càng phải bám thật chặt vào Chúa và để cho rễ tình yêu của chúng ta được cắm sâu vào cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tôi muốn mượn lời của Thánh Vịnh 39 để kết thúc bài chia sẻ của mình.
Tv 39 (38)
Trong kiếp sống phù du, người đau yếu đặt hy vọng nơi ĐỨC CHÚA và xin Người đến cứu giúp
1 Phần ca trưởng của ông Giơ-đu-thun. Thánh vịnh của vua Đa-vít.
2 Tôi đã nói: “Mình phải giữ gìn trong nếp sống,
để khi ăn nói khỏi lỗi lầm ;
tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.”
3 Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi,
mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối.
4 Nghe trong mình nung nấu tự tâm can,
càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy,
miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời:
5 “Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
6 Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
7 thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
Ký cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng.”
8 Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa,
hy vọng của con đặt ở nơi Ngài.
9 Xin giải thoát khỏi vòng tội lỗi,
đừng để kẻ ngu đần thoá mạ con.
10 Con câm miệng chẳng nói chẳng rằng,
vì chính Chúa đã làm như vậy.
11 Xin Ngài thôi đừng đánh con nữa,
tay Ngài giáng xuống, thân này nát tan.
12 Chúa trị tội nhằm sửa dạy con người,
điều họ tha thiết, Ngài làm tiêu tan như mối đục,
thật con người chỉ như hơi thở.
13 Lạy CHÚA, xin nghe lời con nguyện cầu,
tiếng con kêu cứu, xin Ngài lắng tai nghe.
Con khóc lóc, xin đừng làm ngơ giả điếc,
vì con là thân khách trọ nhà Ngài,
phận lữ hành như hết thảy cha ông.
14 Xin ngoảnh mặt đi cho lòng con thanh thoả,
trước lúc thân này phải ra đi và không còn nữa.
(WHĐ)
[1] Nhóm tu nghiệp của chúng tôi gồm có 3 linh mục và 8 nữ tu đến từ nhiều quốc gia.