Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

LẦN ĐẦU NUÔI CON NẰM VIỆN

 

LẦN ĐẦU NUÔI CON NẰM VIỆN

TGPSG -- Thằng bé tự tay mở cái nắp trên dụng cụ truyền dịch, gần khu vực đốc kim, làm máu chảy tung tóe khiến tôi phát hoảng kêu y tá ầm ĩ, quên để ý những người bệnh xung quanh...

Những ngày qua, cậu con trai 22 tháng tuổi của vợ chồng tôi ho, nôn ói và tiêu chảy rất nhiều khiến vợ chồng tôi lo lắng phải đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Những ngày này, cậu bé chẳng ăn được gì ngoài việc uống sữa. Vì con mập to hơn các bé cùng tháng tuổi nên hầu như bác sĩ nào cũng cảnh báo với vợ chồng tôi về tình trạng “béo phì” của bé. Sau khi làm xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ yêu cầu chúng tôi cho con nhập viện để kiểm tra theo dõi với lý do “rối loạn tiêu hóa”. Lúc đó gần 3g chiều.

Do bệnh viện chỉ cho phép một thân nhân được ở lại lo cho bé nên tôi bế con đi theo cô y tá vào trong khu nội trú để làm hồ sơ nhập viện. Thằng bé quấy khóc cứ vòi bế hoài nên một tay bế con, tay còn lại thì xách chiếc giỏ nhỏ chứa vài bộ đồ, vài cái tã giấy, sữa và nước uống của con. Tôi loay hoay với việc khám, xét nghiệm cho con, chạy tới lui làm giấy tờ, cộng với việc bế con và xách đồ nên mau đuối sức. Chiều hôm đó, hai ba con đều thấm mệt.

Phòng con nằm có 8-9 giường kê sát nhau. Lần đầu tiên vào không gian chật hẹp, nhiều người nên thằng bé cứ ôm chặt lấy tôi, không chịu buông. Tôi đặt balô xuống đất, cho con uống một chút nước rồi một tay bế con, một tay dọn dẹp lại chiếc giường. Xong đâu đấy, ba con tôi lại ngược ra lại cổng khu nội trú để lấy thêm đồ, nơi mẹ và vợ tôi đang đợi ở đấy. Lúc này tôi mới để ý, đoạn đường từ khu nội trú ra tới cổng tầm 500-600m, cũng khá vất vả khi vướng bận con nhỏ và đồ đạc. Tại khu vực cổng, để con chơi với bà và mẹ, tôi chạy đi mua thêm vài thứ cần thiết, như: tã giấy, sữa, bình đựng nước sôi… để sử dụng trong lúc chăm con nằm viện.

Ngày đầu tiên, tôi dành phần lo cho con trong khu nội trú. Lúc đầu thằng bé khá hoảng sợ khi vào trong phòng bệnh. Phải vất vã lắm thì cậu ta mới “hợp tác” một chút, chịu uống sữa, chơi đồ chơi nhưng vẫn khó chịu, cáu bẳn và cứ vòi bế.

Buổi tối hôm đó, dỗ con nằm trên giường bệnh, tôi ngồi trên ghế quạt cho con ngủ vì chỗ nằm xa quạt máy nên khá nóng. Đến khuya, tôi lấy balô đặt cuối giường để ngồi tựa lưng cho đỡ mệt. Một chân gác lên chiếc ghế nhựa sát giường, chân con lại duỗi theo thành giường để chắn cho con khỏi rơi xuống, tôi ngồi nghỉ ngơi như vậy chứ tài nào ngủ được vì cứ mỗi khi con cựa quậy là tôi phải quạt liên hồi.

Suốt đêm đầu tiên con đi tiêu chảy đến 12 lần và vẫn tiếp tục ho ói như lúc sáng. Tôi thay tã cho con liên tục và thay cả ra giường vì có vài lần con làm tràn ra cả giường.

Đến 3g sáng, con lên cơn sốt 39 độ, tôi vội bế con sang phòng trực để bác sĩ kiểm tra và cho uống thuốc hạ sốt. Con khóc cả đêm, làm phiền các bé nằm cùng phòng rất nhiều, tôi ái ngại lắm nhưng cũng đành chịu vậy vì con trẻ bệnh chắc mọi người sẽ cảm thông.

Thế là đã bước sang ngày thứ hai. Con quấy khóc từ 5g sáng, tôi phải vừa bế con, vừa vệ sinh cá nhân cho bản thân, rồi lau rửa cho con. Sau đó, hai ba con cùng nhau ra căn-tin mua nước sôi pha sữa cho con, tôi tranh thủ ổ bánh mì và ly café để thêm sức lực. Dự định sau khi bác sĩ thăm khám xong thì vợ vào thay cho tôi. Thế nhưng, do tình trạng của con vẫn tiêu chảy nhiều, uống sữa vào là ói nên bác sĩ chỉ định đưa vào phòng cấp cứu truyền dịch. Tôi liền nhắn cho vợ cứ ở ngoài cổng bệnh viện chờ tin.

Lúc truyền dịch cho con, y tá phải lấy ven 3 lần cả tay và chân thì mới có thể cố định kim tiêm. Nhìn con khóc ngất người, tôi xót vô cùng và đau đớn cùng con. Đã vậy, thằng bé còn tự tay mở cái nắp trên dụng cụ truyền dịch, gần khu vực đốc kim, làm máu chảy tung tóe khiến tôi phát hoảng kêu y tá ầm ĩ, quên để ý những người bệnh xung quanh.

Trong phòng cấp cứu, một giường bệnh những hai, ba bé nằm chung. Vì tình cảnh của con nên chúng tôi phải chuyển vào nơi này. Vừa bế con vừa dọn từng túi đồ từ phòng thường sang phòng cấp cứu, đồ đạc thì nhiều, con thì nặng ký, tình yêu thương con trong tôi vẫn lớn lao nhưng từ thời điểm này tôi nhận thấy bản thân nóng tính và cọc cằn hơn.

Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi phải đương đầu với rất nhiều áp lực cùng một lúc như vậy. Thằng bé hoảng sợ khi truyền dịch, không chịu nằm, dỗ dành đủ kiểu cũng không ăn thua. Cô y tá hối thúc phải dọn dẹp hết đồ bên phòng cũ để cho người khác nằm. Pha sữa cho con bú bình thì các cô y tá rày la vì bú bình gây ợ hơi, không tốt cho việc tiêu hóa của con. Bác sĩ bảo con tôi giờ bú vào là ói nên đừng chiều con, quan trọng nhất là dỗ con sao cho con nằm yên chịu truyền dịch… Tôi mất bình tĩnh vì không biết phải làm sao cho đúng, cho vừa lòng mọi người và nhất là phải làm sao cho con ngoan hơn.

Tôi đút cho con từng muỗng sữa, cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng và hát khe khẽ để con bình tĩnh lại. Cứ thế, thằng bé dần hiểu chuyện và hợp tác hơn. Nó nằm yên, ít động đậy và tay duỗi thẳng ra để truyền dịch. Có khi, cậu chịu nằm một mình để tôi dọn dẹp, vệ sinh đồ dùng và đi mua thêm nước sôi, tã và sữa.

Một mình chăm con nằm viện vất vả, khó khăn là thế mà ngay lúc cần chiếc điện thoại liên lạc với bên ngoài thì nó lại bị hư màn hình, không thể biết ai gọi hay nhắn gì. Tôi bèn mượn điện thoại của một người chăm bệnh chung phòng để gọi báo tình hình cho vợ.

Tôi hát khe khẽ cho con nghe vài bài hát để nó dịu và ngủ ngon, tôi hát hết bài này đến bài kia, từ thể loại nhạc này đến thể loại nhạc nọ. Ở nhà, tôi hay ru con ngủ bằng cách này, hát miên man cho đến khi con chìm sâu vào giấc ngủ. Khi hát đến câu hát của bài thánh ca “Giữa những hỏa tai hay vui buồn thất vọng, con xin dành một cõi rất riêng tư, cho Giêsu Đấng Tình Yêu thấm màu”, tôi chợt nhớ ra mình đã quên điều gì đó. Đúng là tôi quên hẳn tôi là một người con của Chúa, tôi quên hẳn ra là Chúa Ba Ngôi đang hằng dõi theo tôi. Tôi âm thầm nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho ý Ngài được trọn vẹn. Xin cho con có thêm sức mạnh để đồng hành với con trai của con – người con bé bỏng mà Chúa đã ban tặng cho gia đình nhỏ của chúng con”.

Thằng bé lúc này đã thấm mệt nên thoáng chốc đã ngủ say. Lúc này, tôi mới dọn dẹp, sắp xếp lại mọi vật dụng và nạp lon Redbull để tỉnh táo hơn. Vợ tôi cũng đồng thời gửi thêm đồ dùng vào cho tôi và một cuốn sách về các loại xe cho thằng bé vì nó rất mê xe và cũng thích lật sách để xem hình ảnh nữa.

Thằng bé ngủ một giấc ngon lành gần hai giờ đồng hồ. Chai dung dịch đầu cũng đã truyền xong và đang truyền chai thứ hai. Thằng bé tỉnh dậy, bớt cáu bẳn hơn. Tôi đưa cuốn sách xe cho con xem và vui chơi cùng con, nó có vẻ hào hứng.

Đến tầm 2g trưa, vợ tôi vào chăm con. Tôi lang thang khu vực đường Ba Tháng Hai tìm mua một chiếc điện thoại cũ để tiện liên lạc.

Tại bệnh viện, sau khi hết chai dịch truyền thứ hai, thằng bé không chịu nằm yên nữa, cứ đòi mẹ bế. Vợ tôi phải dỗ dành mãi để cậu bé tự vui chơi, không đeo bám mẹ.

Đến chiều, vợ tôi bế con ra ngoài làm siêu âm. Lúc này, thằng bé lại tiêu chảy. Tôi đang đứng đợi ở khu vực cổng chờ khu nội trú, thấy vậy, vội lấy thẻ nuôi bệnh từ vợ để vào phòng lấy khăn và tã thay cho con. Ấy vậy mà bảo vệ lại yêu cầu tôi phải bế bé theo cùng. Đường vào phòng khá xa, thằng bé thì đang tiêu chảy vấy bẩn ra người, tôi cố gắng giải thích để họ hiểu và cảm thông nhưng không được nên tôi bực tức cự cãi với họ. Sau đó, tôi hậm hực đi mua tã và khăn lau cho con.

Tối hôm đó, bà nội dành phần lo cho cháu. Vợ tôi vì lo lắng nên ở lại bệnh viện, không chịu về nhà nghỉ ngơi.

Sáng ngày thứ ba, bác sĩ thăm khám cho biết bé cần nằm viện tiếp tục theo dõi. Tôi vào thay cho mẹ, thấy thằng nhóc tỉnh táo hơn, không còn ói và tiêu chảy nữa nhưng vẫn quấy khóc và khó chịu. Nó nhất định không chịu ở trong phòng, cứ đòi bế ra ngoài. Đã vậy, có một cô cũng chăm cháu nằm viện, luôn tỏ ra khó chịu khi con tôi khóc, cứ bảo bế bé ra ngoài cho cháu cô ngủ. Đêm trước đó, cô thức xem phim kiếm hiệp mở âm thanh rất lớn, mọi người xung quanh tuy khó chịu nhưng chẳng trách cứ gì cô cả; nay cô lại bực bội khó chịu với đứa trẻ đang bệnh. Tôi cảm thấy bực nhưng cố dằn lòng không nói ra. Tôi tự nhủ việc của mình bây giờ là chăm con có thật tốt, cố gắng bình tĩnh, không cau có để còn giữ năng lượng tích cực, hầu còn đồng hành với con.

Chiều hôm đó, vợ tôi vào chăm con, thằng bé lại giẫy nãy không chịu vào phòng mà bắt mẹ bế đi ra ngoài. Vợ tôi nhỏ con ốm người, bế thằng bé nặng ký nên mau đuối sức. Mỗi khi thấy bé liu thiu ngủ trên vai, mẹ quay hướng về phòng là bé lại giẫy nảy, khóc la om sòm. Vợ tôi rã rời vì ôm con suốt 3-4 giờ đồng hồ.

Tối hôm đó, bà lại vào thay phiên chăm cháu, vợ tôi tiếp tục ngủ lại bệnh viện, không về nhà.

Qua ngày thứ tư, mẹ tôi báo tin là bác sĩ cho ra viện. Thằng bé lúc này đã tỉnh táo hẳn, hết tiêu chảy và hết ói. Vào chăm con, tôi mua thêm đồ chơi để con bớt quấy. Tôi tự nhủ sẽ tự xoay sở được mọi việc, để cho mẹ và vợ ở nhà nghỉ ngơi, nên khi nhận thông tin làm giấy tờ ra viện, tôi bế con chạy lăng xăng ký giấy tờ, đóng viện phí, lấy thuốc men, rồi pha cho con bình sữa, dọn dẹp, thu xếp hành lý, dọn giường bệnh cho con, rồi sau đó một tay bế con, một tay xách lỉnh kỉnh các balô đồ đạc ra cổng bệnh viện bắt taxi về.

Vừa ra khỏi công bệnh viện, thằng bé bỗng vui tươi tỉnh táo hẳn. Nó huyên thuyên hát nói đủ trò, tay trỏ đếm từng chiếc xe chạy ngoài đường phố.

Giờ đây, hồi tưởng lại các việc đã qua, tôi nhận thấy đây là một trải nghiệm đáng nhớ, đáng ghi khắc trong lòng. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình gánh vác trách nhiệm của một người phụ huynh thật sự. Lần đâu tiên tôi đuối rã rời nhưng không cho phép mình ngã quỵ, vì tôi biết mình phải có trách nhiệm đồng hành cùng con và gia đình.

Tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi mấy mươi năm về trước nơi thằng bé và hình ảnh mẹ tôi lúc đó nơi tôi. Dường như quãng đời tôi sinh ra và lớn lên trải qua không ít đau bệnh, không ít chông gai mà dường như ít người nếm trải; quãng đời mà khi kể lại tôi luôn tự hào là tôi có người mẹ, người bà tuyệt vời.

Hơn nữa, tôi xác tín rằng Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành cùng với tôi, che chở tôi qua mỗi biến cố, từ khi sinh ra cho tới tân bây giờ. Giờ đây, tôi cảm nhận được rằng Chúa và Mẹ Maria vẫn đồng hành cùng cha con tôi, cùng gia đình tôi, thế nhưng tôi lại hay quên phải cầu nguyện và trông cậy nơi các Ngài.

Qua việc này, tôi tin rằng bản thân mình đã trưởng thành hơn, biết kiểm soát cảm xúc và xử lý tình huống tốt hơn. Và hơn hết, những lúc này đây, tôi mới thêm thấu hiểu câu nói của các bậc tiền nhân: “Nuôi con mới biết sự tình / Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa”.

Thật vậy, “có con rồi mới thấu hiểu tấm lòng mẹ cha”…

Paul Hữu Nghĩa (TGPSG)
 (WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 12.10.2022


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 12.10.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 12.10.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

KHÔN BA NĂM - DẠI MỘT GIỜ

Hình internet (chỉ mang tính minh họa)

KHÔN BA NĂM - DẠI MỘT GIỜ

TGPSG -- Nỗi ân hận, day dứt và nhớ nhung đứa con còn chưa một lần được nép mình ngủ trong vòng tay mẹ lúc nào cũng thường trực trong cô…

Ái là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, sinh ra trong một miền quê công giáo nhỏ. Từ khi còn là một đứa trẻ cô đã luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, luôn vâng lời ông bà cha mẹ và cũng là một con chiên ngoan đạo.

Ái lớn lên trong sự tự hào của cha mẹ, mang trong mình hoài bão về một ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo khổ, một tương lai tươi đẹp hơn. Sau bao nhiêu nỗ lực và cố gắng, Ái đã trúng tuyển vào một ngôi trường đại học danh giá mà cô hằng mơ ước. Mang theo niềm hy vọng của gia đình cô lên thành phố nhập học. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua hai năm đầu tiên thì ác mộng của cuộc đời Ái ập đến khi cô gặp Khanh - một chàng trai đẹp trai là một nhân viên bất động sản hay lui đến chỗ làm thêm của cô.

Sau nhiều lần gặp gỡ thì cái duyên cái số nó cũng đến. Ái và Khanh bắt đầu một mối quan hệ chính thức. Sự đưa đón hằng ngày, sự quan tâm, chăm sóc, che chở và một sự tử tế không đòi hỏi trong tình yêu của Khanh, Ái đã trao cho anh sự tin tưởng tuyệt đối. Cô và anh là một hình mẫu cặp đôi lí tưởng trong mắt hầu hết bạn bè.

Rồi bỗng một ngày người ta không còn thấy Ái và Khanh đồng hành cũng nhau nữa. Người ta cũng nhận thấy được sự thay đổi của cô về cả ngoại hình lẫn tính cách. Ái không còn là một cô sinh viên ngoan ngoãn, chăm chỉ; cô thường xuyên vắng mặt nơi giảng đường và có những biểu hiện sức khỏe lạ thường. Tại sao Ái lại thay đổi như vậy? Nơi thủ đô tấp nập xô bồ không một điểm tựa, khi những khó khăn xảy đến, Ái luôn đến với Khanh để nhận được những an ủi, vỗ về, với một niềm tin rất chắc chắn về một tương lai luôn có Khanh bên cạnh, thì chuyện gì đến cũng đã đến. Cái chuyện gì đã đến thì ai cũng có thể đoán ra được…

Sự nghiệt ngã của cuộc đời Ái chính là lúc Khanh quên đi lời thề hứa chung thủy và biến mất không một lời từ biệt: “Con trai mà! Bản tính chinh phục luôn cao, chuyện trăm năm tính sau”…

Rồi cũng đến một ngày Ái không còn che giấu ai được nữa. Những lời rì rầm của bạn bè: “con này ‘hoảng chưa’!”, những cơn đau thắt nơi nịt bụng mỗi khi đến trường… đã khiến Ái nghĩ đến việc bỏ đi một con người bé bỏng - còn chưa thấy ánh sáng tươi đẹp của ngày mới - đang lớn lên từng ngày trong cơ thể của cô.

Thật may mắn thay, trước khi cô quyết định làm điều ấy, cô đã trải lòng với một nữ tu và nhận được lời khuyên giữ lại sinh mạng nhỏ ấy. Cô đã tạm nghỉ học, đi một nơi xa, để cho đứa bé được sinh ra. Sau đó, nhờ sự đồng hành của các nữ tu, cô gửi đứa con tội nghiệp vào trong một cô nhi viện và tiếp tục quay lại với giảng đường của mình.

Một thời gian, sau khi Ái đã ổn định cuộc sống, tiếng thúc giục của tình mẫu tử đã đưa cô tới quyết định quay lại cô nhi viện để tìm lại đứa con của mình. Nhưng mọi thứ đã quá muộn màng khi đứa trẻ đáng thương đó đã được một người nước ngoài nhận nuôi. Riêng bản thân, Ái cũng tìm được hạnh phúc mới sau đó, nhưng nỗi ân hận, day dứt và nhớ nhung đứa con còn chưa một lần được nép mình ngủ trong vòng tay mẹ lúc nào cũng thường trực trong cô.

Thân gửi các bạn nữ tú:

Các bạn gái à! Vốn dĩ khi sinh ra là con gái, chúng ta dễ rơi vào những hoàn cảnh xem ra thiệt thòi, nhưng sẽ là những cơ hội để niềm tin toả sáng, dẫn đến một tương lai rực rỡ sau những ngày tăm tối.

Thiên Chúa - qua cha mẹ - đã ban cho chúng ta một hình hài đẹp đẽ. Ngài cho chúng ta sự sống, nên cuộc đời của các bạn, các bạn hãy vẽ cho thật xinh.

Dù ở trong hoàn cảnh nào, các bạn cũng hãy tôn trọng và gìn giữ sự sống một cách tốt nhất vì khi nó mất đi rồi, chúng ta có thể sẽ không thể tìm lại được nữa và thậm chí nó còn sẽ hằn lại một vết đau lớn trong suốt cuộc đời của các bạn.

Cần cảnh giác: Có những lời thề thốt chỉ để nghe cho vui lỗ tai mà thôi! Và hãy luôn chuẩn bị cho mình một tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với mọi biến cố.

Cần tin tưởng rằng: Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn được Thiên Chúa - là Cha đầy lòng thương xót - hằng chăm sóc và giải gỡ ta thoát khỏi mọi khó khăn: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hi vọng.”
(Gr 29,11)

Bùi Chuyên

NB: Tên của những nhân vật trong câu chuyện trên đây đều do tác giả bài viết tự đặt ra cách ngẫu nhiên...
 
(WGPSG)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 11.10.2022


Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 11.10.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

MỘT TRIỆU TRẺ EM LẦN CHUỖI MÂN CÔI, CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

MỘT TRIỆU TRẺ EM LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 
CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Maria Lozano

WGPQN (10.10.2022) - Tình yêu của Chúa Cha dành cho thế giới là trọng tâm của chiến dịch cầu nguyện trong năm nay.

Cũng trong năm nay, tổ chức quốc tế Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ (ACS) mời gọi các giáo xứ, trường học và gia đình tham gia vào sáng kiến “một triệu trẻ em lần Chuỗi Mân Côi”, vào ngày 18/10.

Theo lời giải thích của Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chủ tịch ACS : “Mục tiêu của chiến dịch này là cầu nguyện cho hòa bình và hiệp nhất trên toàn thế giới và khuyến khích các trẻ em tin cậy vào Thiên Chúa khi đối mặt với những khó khăn".

Áp phích của chiến dịch năm nay bao gồm hai bàn tay rộng mở đón nhận thế giới và cùng với các trẻ em từ các châu lục hỗ trợ thế giới. Chúng tượng trưng cho bàn tay của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế giới bằng tình yêu và mong muốn cứu rỗi tất cả các dân tộc, dẫn đưa họ về với Ngài.

Trong lời mời tham gia vào sáng kiến này, Đức Hồng y (ĐHY) Piacenza viết: “Khi nhìn vào thế giới của chúng ta dầy dẫy những cuộc chiến và tàn độc; ngược đãi, bệnh tật và nỗi sợ hãi đang đè nặng thế giới, mọi người có thế tự hỏi rằng : “Thiên Chúa có thực sự kiểm soát chúng không?”

“Vâng, Ngài ở đó”, ĐHY trả lời. “Nhưng chúng ta cần tìm đến đôi bàn tay rộng mở của Chúa, đang hướng về phía chúng ta và chúng ta hãy bám lấy Ngài. Thiên Chúa mở rộng đôi tay cho chúng ta qua Đức Mẹ Maria [...]. Chúng ta tin rằng, khi trung thành lần Chuỗi Mân Côi, Thánh Mẫu của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa tất cả chúng ta như một đại gia đình vào trong vòng tay yêu thương của Cha trên trời”.

Đối mặt với tình trạng chiến tranh, bạo lực và đói nghèo đang diễn ra phổ biến ở các nước như Ukraine, Nigiêria, Miến Điện hay Pakistan, cũng như các quốc gia vùng Trung Đông và ranh giới của Châu Phi, tổ chức quốc tế Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ muốn phó thác vào bàn tay yêu thương của Chúa Cha và nhờ lời cầu bầu mạnh mẽ của Mẹ Thiên Chúa cho thế giới cách đặc biệt cho tất cả những nơi mà con người không thể sống trong hòa bình.

Tổ chức đã đánh giá rất tích cực phản ứng của các quốc gia khác nhau đối với các chiến dịch trong quá khứ. Vào năm 2020, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khuyến khích tham gia sáng kiến ​​này.

Cha Martin M. Barta, phụ tá ACS nhận định: “Một số phản ứng rất tích cực mà chúng tôi nhận được đến từ các quốc gia mà hòa bình chắc chắn là điều cần thiết. Được biết có các trẻ em từ Irắc, Syria, Belarus hoặc Miến Điện đang cầu nguyện với những người tụ họp ở Fatima, Bồ Đào Nha, Canada hoặc Hoa Kỳ là điều rất cảm kích và nó khiến chúng tôi hy vọng rằng tình yêu thương xuất phát từ đức tin có thể chiến thắng bạo lực ".

Trang web của tổ chức ACS cung cấp tài liệu miễn phí để cầu nguyện trong các giáo xứ, trường học, nhóm trẻ em hoặc gia đình. Tài liệu bao gồm hướng dẫn cách đọc Kinh Mân Côi, những suy niệm dành cho trẻ em về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, kinh dâng mình của các em cho Mẹ Thiên Chúa và kinh cầu nguyện với Thánh Giuse.

Có thể tải tài liệu bằng 26 ngôn ngữ (không có tiếng Việt) tại đây:
https://acninternational.org/millionchildrenpraying/material/

Sáng kiến ​​"Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi" có từ năm 2005, khi một nhóm trẻ lần chuỗi trong một đan viện tại thủ đô Caracas, ở Venezuela, và những người có mặt đã nhớ lại lời của cha Thánh Piô: “Khi một triệu trẻ em lần Chuỗi Mân Côi, thế giới sẽ thay đổi”. Và từ đó chiến dịch đã lan rộng trên toàn thế giới.

Un milione di bambini che recitano il Rosario e il mondo può cambiare

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: gpquinhon.org
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 10.10.2022


Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 09.10.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

HẾT ĐẸP RỒI, CÓ CÒN YÊU NỮA KHÔNG?

HẾT ĐẸP RỒI, CÓ CÒN YÊU NỮA KHÔNG?

TGPSG -- Trong một dịp đi mục vụ thăm viếng bệnh nhân, tôi có cơ hội chứng kiến một hoàn cảnh hầu như không thể nào tin được là có thật, nếu không tận mắt trông thấy.

Đó là hoàn cảnh của hai anh chị trước đây yêu thương nhau và đã cưới nhau. Thân nhân và thân hữu của họ vui vẻ đến chúc mừng cho họ trong lễ thành hôn tại nhà thờ.

Sau ngày cưới, hai vợ chồng được gia đình cho ra ở riêng trong một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh một khu vườn trồng cây ăn trái và một khu rẫy trồng cây keo lấy củi. Người chồng trẻ hằng ngày chạy xe vào rẫy chặt củi mang về bán lấy tiền xây dựng tổ ấm. Cô vợ trẻ ở nhà trồng rau, nuôi gà, nấu cơm chờ chồng về để cùng thưởng thức những bữa cơm tình yêu nồng nàn. Đúng là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, họ thật hạnh phúc.

Nhưng chẳng bao lâu, bóng tối của đau khổ đã ập xuống trên đôi bạn trẻ này. Vào một buổi sáng, chiếc xe chở đầy củi của anh bị lật và toàn bộ củi trên xe đổ xuống người của anh. Còi xe cấp cứu đã vang lên trên suốt đoạn đường anh được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh.

Tỉnh lại sau một tuần, anh mở mắt ra thấy người vợ thân yêu cùng với những người thân đang khóc. Anh hiểu nước mắt của họ bởi vì toàn bộ nửa thân dưới của anh đã bị liệt. Anh cũng khóc và khóc rất nhiều vì biết mình đã thành người tàn phế.

Tương lai với dự tính về một gia đình hạnh phúc đã gần như khép lại đối với anh. Nhìn người vợ yêu thương của mình, anh không muốn chị phải khổ, phải vất vả vì một người tàn phế. Anh muốn giải thoát cho chị bằng việc ly hôn.

Người vợ của anh ngay từ lúc đầu đã khiến người ta phải khâm phục và kính trọng. Gia đình nhà chị yêu cầu chị phải tìm cách chia tay anh bởi không muốn chị phải khổ khi tuổi đời còn quá trẻ. Gia đình nhà chồng cũng khuyên chị chia tay anh để đi tìm một bến đỗ mới. Bạn bè thân thích cũng khuyên chị như thế… Nhưng tất cả không làm lay chuyển con tim yêu thương và lời giao ước chung thủy trọn đời của chị.

Anh khuyên chị chia tay không được. Gia đình đôi bên khuyên chị không được. Bạn bè khuyên nhủ cũng không được. Anh phải dùng đến cả hạ sách xấu của mình. Anh đay nghiến, cáu gắt, chửi bới chị. Anh hất cả những mân cơm chị mang đến cho mình. Tất cả những hành động đó, anh làm chỉ vì muốn giải thoát cho chị, để rồi đêm về, anh lại khóc một mình vì anh vẫn yêu thương chị.

Sau tất cả, anh đã bị chị khuất phục bởi vì chị vẫn yêu thương, vẫn thủy chung với anh, bất chấp mọi khó khăn vất vả. Chị chấp nhận đi ngược lại với lời khuyên nhủ của mọi người để đi trọn lời thề hứa trước mặt Chúa và mọi người. Và cũng từ đó, anh đã thay đổi suy nghĩ và hành động. Anh sống lạc quan và vui vẻ bên người vợ yêu thương của mình.

Thời gian trôi qua cũng đã khá lâu rồi mà họ vẫn chung thủy yêu nhau. Thân xác hết đẹp rồi nhưng vẫn yêu, vì tình yêu của họ đúng là đã bắt nguồn từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa giữ gìn. Vâng, tình yêu chỉ có thể thực sự đẹp khi biết kiên trì hy sinh cho nhau và luôn sống vì nhau như thế. Nên tôi thú thật là đã quá vui khi được tận mắt chứng kiến tình yêu rất đẹp ấy, đồng thời không quên cầu nguyện cho họ vượt qua mọi khó khăn thử thách…

Trần Tuyên 
(WGPSG)