Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

BỐ MẸ ‘RỐI HÔN PHỐI’, CON CÁI CÒN LÀM ĐƯỢC CHUYỆN GÌ?

BỐ MẸ ‘RỐI HÔN PHỐI’, 
CON CÁI CÒN LÀM ĐƯỢC CHUYỆN GÌ?

TGPSG -- Câu chuyện kể về một cậu thanh niên một ngày nọ nhận ra được sự thật rằng bố mẹ cậu “rối hôn phối”. Giữa lúc tâm trạng còn đầy rẫy những hoang mang, cậu cầu nguyện và tự hỏi: “Bố mẹ rối hôn phối, con cái còn làm được chuyện gì?”

"Rối hôn phối" là cụm từ chỉ tình trạng do ly dị tái hôn hay kết hôn ngoài luật Hội Thánh. Theo kỉ luật của Hội Thánh Công giáo cho đến nay thì các trường hợp rối hôn phối không được lãnh nhận Bí tích Giải tội và Thánh Thể; không được lãnh Bí tích Xức dầu nếu không có dấu hiệu ăn năn thống hối khi nguy tử. Tình trạng này xem ra thật khó khăn, thế mà bố mẹ cậu lại trong tình trạng “rối hôn phối” ấy. Bố mẹ rối hôn phối là chuyện “bí mật lớn” mà cậu và các anh chị em cậu chỉ mới được biết trong mấy năm trở lại đây khi tất cả đã trưởng thành.

Kí ức tuổi thơ của cậu là những tháng ngày sống hạnh phúc, bình yên dưới một mái nhà bố mẹ, bà ngoại và 4 anh chị em mà cậu là người con thứ hai.

Là một gia đình Công giáo, lại sống trong một xứ đạo toàn tòng thuộc giáo phận Xuân Lộc nên có thể nói cậu được hun đúc một đời sống đạo đức từ gia đình và xứ đạo. Những năm đầu thập niên 90, khi internet chưa có thì mỗi buổi tối, các trẻ em trong xóm thường tụ tập nhau tại các sân đất rộng để cùng nhau chơi trốn tìm, tạt lon hay đuổi bắt,…Dẫu chơi vui là thế nhưng cứ đúng 19h30 là anh em cậu lại bị mẹ cầm roi đuổi về để đọc kinh tối chung với gia đình. Cứ thế mà trở thành một thói quen ăn sâu vào sinh hoạt thường ngày của cậu.

Hằng ngày cứ mỗi sáng sớm lúc 4g30 là các anh em cậu lại bị gọi dậy để đi lễ. Có những hôm đi lễ về sớm là cậu và lũ trẻ trong xóm lại chơi đá banh hoặc đi bắt dế sớm rồi mới về đến nhà để chuẩn bị đi học.

Bị bắt đi lễ hoài như vậy, nhiều khi cậu cũng bực bội mà hét lên: “Sao bố mẹ không đi mà cứ bắt con đi hoài vậy”. Câu nói bộc phát ra trong bực bội khi ấy cậu chẳng nghĩ gì nhiều.

Có lẽ hồi nhỏ bị bố mẹ bắt đi lễ nhiều, bị đọc kinh nhiều nên lớn lên cậu đòi… đi tu. Khi cậu bắt đầu học đại học cũng là lúc cậu xin tìm hiểu ơn gọi tại một dòng tu. Cậu cũng không còn nhớ lúc đó bố mẹ cậu vui hay buồn nhưng chính bố mẹ cậu đã vào xin cha xứ giấy giới thiệu để được nhận vào giai đoạn tìm hiểu của nhà dòng.

Có thể bố mẹ cậu biết rằng con đường tu trì chẳng dễ dàng gì và tuổi trẻ cũng hay thay đổi nên bố mẹ cậu cũng chỉ động viên rằng cứ vừa học đại học vừa tìm hiểu nhà dòng, khi nào học xong rồi tính tiếp.

Thời gian 4 năm đại học trôi qua, rồi cũng đến ngày tốt nghiệp, cậu phải quyết định: hoặc là lên giai đoạn Tiền Tập viện hoặc là đi làm. Trong suốt thời gian vừa học vừa tìm hiểu ơn gọi, cậu đã có quyết định cho mình: Cậu sẽ tiếp tục con đường tu trì.

Thế nhưng, điều cậu không thể ngờ được là lúc này bố mẹ cậu kịch liệt phản đối việc cậu đi tu. Lý do đưa ra là vì lý do kinh tế gia đình. Suốt 4 năm đại học, gia đình phải vay vốn để cho cậu ăn học. Nay tốt nghiệp ra trường rồi nếu cậu đi tu thì ai sẽ trả số nợ đó?

Thêm nữa, đúng vào năm ấy, kinh tế gia đình bị khủng hoảng do dịch heo tai xanh. Cậu còn nhớ sáng mồng hai Tết, bầy heo nhà cậu nuôi bị nhiễm bệnh tai xanh lăn đùng ra chết. Khi đó, phải năn nỉ lái buôn thu mua với giá rẻ mạt.

Gia đình là nguồn động viên ơn gọi lớn lao nhưng đôi khi gia đình cũng là một rào cản lớn nếu không thể vượt qua. Cậu mất một tuần để suy nghĩ về con đường ơn gọi, về trách nhiệm của cậu với gia đình. Và cậu quyết định tạm dừng ơn gọi để đi làm trong vài năm để trả nợ. Sau đó kinh tế ổn định cậu sẽ đi tu lại.

Cậu trình bày quyết định rời khỏi cộng đoàn với tất cả lý do và dự tính. Cậu xin được ở lại cộng đoàn thêm một tuần để tìm kiếm chỗ trọ mới ngoài cộng đoàn.

Cha bề trên tôn trọng quyết định của cậu và ngài nói sẽ sẵn sàng đón nhận cậu quay trở lại cộng đoàn bất cứ khi nào cậu trở về. Đồng thời, vì quý trọng ơn gọi, ngài đề nghị sẽ xin ân nhân trợ giúp cậu về tài chính.

Và quả thật, hai tuần sau đó, cha bề trên gửi cho cậu một số tiền xin được từ các ân nhân để trợ giúp cậu trả một phần của khoản nợ thời sinh viên. Như giải tỏa được khúc mắc ngăn trở việc tiếp tục ơn gọi, cậu trở về gia đình báo tin cho bố mẹ biết quyết định của cậu về việc sẽ tiếp tục ơn gọi. Tưởng rằng sẽ được vui mừng nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ nhưng một cuộc tranh luận căng thẳng nảy ra.

Cậu chất vấn lý do gì mà bố mẹ không ủng hộ cậu đi tu, mặc dầu khó khăn về tài chính mà bố mẹ đưa ra trước đó phần nào đã được giải quyết. Chính lúc này, bố mẹ với nói ra lý do thật sự mà bố mẹ muốn ngăn cản cậu đi tu: Bố mẹ sống với nhau nhưng không có phép Hôn phối. Bố mẹ đã dò hỏi một số linh mục thì các vị ấy cho biết rằng bố mẹ không có phép Hôn phối thì con cái đi tu cũng không được vì trong hồ sơ cá nhân ngoài giấy chứng nhận Rửa tội và Chứng nhận Thêm Sức của cá nhân thì cần có Chứng thư Hôn phối của bố mẹ.

Khi ấy, bố mẹ mới cho cậu biết rằng bố cậu năm 18 tuổi đã từng kết hôn và làm phép Hôn phối tại nhà thờ với một người phụ nữ. Sống chung được chưa đầy một năm thì không hòa hợp nên chia tay. Bố cậu bỏ lên Đồng Nai làm ăn sinh sống và gặp mẹ cậu, còn người phụ nữ kia ở vậy cho đến nay.

Bấy giờ, cậu mới xâu chuỗi lại được tất cả những thắc mắc trong quá khứ: tại sao gia đình cậu ở với bà ngoại mà không ở với nội - đó là vì họ nội không nhìn nhận mẹ cậu là con dâu vì sợ sẽ bị liên lụy“ dứt phép thông công”; tại sao bố mẹ cậu đi lễ nhưng không rước lễ và chưa bao giờ cậu thấy bố mẹ đi xưng tội,...

Bố mẹ đã một vài lần làm hồ sơ để gỡ dây Hôn phối cũ nhưng không thể vì phép Hôn phối trước đó đã thành sự và người phối ngẫu vẫn còn sống. Thế là bố mẹ cậu chấp nhận sống trong kỉ luật của Giáo Hội nhưng vẫn giữ nếp sống đạo và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho con cái.

Nghe được sự thật về tình trạng “rối hôn phối” của bố mẹ, cậu vừa thương bố mẹ, vừa bối rối về con đường tu trì của cậu. Cậu cầu nguyện và tự hỏi: “Bố mẹ rối hôn phối, con cái còn làm được chuyện gì?”

Cậu đem sự thật này trình bày với cha bề trên và ngài nói cần thêm thời gian để tham khảo các chuyên gia giáo luật trong Hội dòng để có câu trả lời chính xác nhất.

Sau cùng, câu trả lời của cha bề trên làm cậu vui mừng khôn xiết kể: Đối với Hội dòng, việc rối hôn phối của bố mẹ không có bất kì ảnh hưởng đến ơn gọi tu trì của con cái. Như được gỡ khỏi một mối ưu tư nặng nề, bố mẹ cậu vui mừng và hết sức ủng hộ việc cậu đi tu. Cậu xin được trở lại cộng đoàn và tiếp tục sống đời dâng hiến.

Về phần bố mẹ, dẫu có được vơi nhẹ nỗi lòng nhưng nỗi mặc cảm vì không được xưng tội, rước lễ vẫn cứ đau đáu trong lòng, nhất là khi bố mẹ cậu tuổi cũng đã về già, chỉ mong được chết trong ơn nghĩa Chúa. Cậu biết được những nỗi lòng đó của bố mẹ nhưng cũng chẳng thể làm gì khác ngoài việc cầu nguyện và an ủi bố mẹ vững lòng cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa.

Người viết cũng chính là nhân vật cậu thanh niên trong câu chuyện này. Tôi được mời gọi kể lại câu chuyện này để nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi một tuần trước khi tôi được phong chức Phó tế.

Quả thật, Chúa quan phòng luôn yêu thương và chăm sóc Dân Người. Chúa chẳng bao giờ thử thách con người quá sức. Sau hơn 35 năm Chúa đặt để bố mẹ tôi trong tình trạng rối hôn phối, Chúa đã cất bố mẹ tôi ra khỏi tình trạng ấy và trở lại sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh. Tháng 4 năm 2022 vừa qua, bố mẹ tôi cho biết người phối ngẫu cũ của bố tôi đã qua đời, do đó sợi dây Hôn phối cũ không còn và bố mẹ tôi đã được cử hành Nghi thức Hôn phối.

Ngày tuyên khấn đầu, ngày tuyên khấn trọn đời của tôi, bố mẹ tôi có mặt trong Thánh lễ nhưng không được rước lễ. Nhưng trong ngày tôi chịu chức Phó tế sắp tới đây, tôi sẽ được thấy bố mẹ tôi Rước Chúa rồi.

Không có gì, kể cả tình trạng rối hôn phối, có thể tách chúng ta ra khỏi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cứ tin tưởng, tín thác vào Người, Người sẽ ra tay.

Minh Hiếu
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 18.10.2022


Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

TRỰC TIẾP ĐÊM THÁNH CA & HỘI THẢO THÁNH NHẠC LẦN THỨ 49 (17 - 18/10/2022)

ỦY BAN THÁNH NHẠC TRỰC TIẾP
ĐÊM THÁNH CA & HỘI THẢO THÁNH NHẠC LẦN THỨ 49

Ủy ban Thánh Nhạc / HĐGMVN

WHĐ (17.10.2022) - Đêm thánh ca “Nhạc khúc tri ân cảm mến – Kỷ niệm 50 năm viết thánh ca của Linh mục Nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy” và Hội thảo thánh nhạc lần thứ 49 với chủ đề: “Trách nhiệm của linh mục trong hướng dẫn mục vụ thánh nhạc tại giáo xứ và cộng đoàn” sẽ được Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn – Tp.HCM trong hai ngày 17 & 18 tháng 10 năm 2022.

Video trực tiếp Đêm thánh ca “Nhạc khúc tri ân cảm mến" kỷ niệm 50 năm viết thánh ca của Linh mục Nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy:


Video trực tiếp Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 49 lúc 08:00 ngày 18-10-2022:


(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 17.10.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 29 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 17.10.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ FATIMA BÌNH TRIỆU

 HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ FATIMA BÌNH TRIỆU

TGPSG -- Ngày 13-10-1917, Đức Mẹ Maria hiện ra lần thứ 6 tại Fatima nuóc Bồ Đào Nha để khuyên nhủ con cái thế gian siêng năng đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái tim Mẹ...

Nhân kỉ niệm 105 năm sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima, hai anh em chúng tôi đã hành hương đến Trung tâm Thánh Mẫu Fatima Bình Triệu, thuộc Giáo hạt Thủ Đức vào ngày 13-10-2022, để cùng với hàng ngàn khách hành hương toàn quốc dâng lên Mẹ lời Kinh Mân Côi sốt mến và cầu nguyện cho hoà bình thế giới.

Đường đến Fatima Bình Triệu

Nắng trưa Sài Gòn hanh khô, gay gắt không thể ngăn trở hàng ngàn khách hành hương vượt hàng chục, hàng trăm cây số để về thăm viếng Mẹ Fatima Bình Triệu. Hai anh em chúng tôi, sau buổi làm việc sáng, cũng nhanh chóng đến viếng thăm Đức Mẹ, vội vã không kịp cơm trưa. 
 
Đoạn đường từ ngoài quốc lộ vào nhà thờ, chúng tôi nhận thấy cả một biển người. Hôm nay, có nhiều hàng quán mọc lên bán đủ các loại quà lưu niệm, ảnh tượng, hoa tươi, và cũng có rất đông lực lượng giữ an ninh trật tự từ đầu hẻm vào tận cổng nhà thờ.
 
Chúng tôi đang nhìn ngang ngó dọc tìm chỗ đứng thì thấy một đôi vợ chồng lớn tuổi đứng cạnh ghế đá. Tôi lân la làm quen. Chú tên Đaminh Thành, người xứ Phát Diệm. Nghe tôi nói đang chờ chào Đức Cha, chú bảo: “Không gặp được đâu, đông lắm, sao chen vào được!”.
 
Rồi như thể gặp người quen, chú tâm sự thêm: “Nhiều năm qua, hầu như tháng nào vợ chồng chú cũng đến đây. Giờ sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn, nhưng vẫn cứ đèo cô đến đây để viếng thăm Mẹ. Là con của Mẹ, thăm viếng là bổn phận mà. Còn đi được là cô chú cứ đi, nhưng không biết còn được bao nhiêu lần nữa đây”. 
 
Tạm biệt cô chú, chúng tôi len lỏi từng chút để vào được bên trong khuôn viên nhà thờ. Nhiều người đang cầu nguyện bên đài Đức Mẹ, đài Thánh Cả và bên trong nhà thờ, nhà nguyên.  
 
Bầu khí trước Thánh lễ

Gần 11g trưa, khách hành hương mỗi lúc mỗi đông, đa phần đi theo nhóm. Lúc này, hầu như không còn chỗ ngồi cả bên trong lẫn bên ngoài nhà thờ, dù đã có ba dãy bạt che nắng đã được dựng lên che mát toàn bộ khuôn viên sân trước và hai bên hông nhà thờ. Chúng tôi không thể phỏng đoán được có bao nhiêu người tham dự thánh lễ, chỉ thấy có đủ mọi giới, già trẻ lớn bé, đứng ngồi chật cứng.

Đúng 11g30, mọi người cùng đọc kinh Mân Côi. Lời kinh sốt mến đều đặn vang lên. Như lời Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, đây là lời kinh mà ai ai cũng đọc được, “Già trẻ lớn bé ai cũng đọc, đọc liên tục, đọc đi đọc lại mà không chán, đọc bất cứ nơi đâu kể cả khi nằm”.

Càng gần đến giờ lễ, khách hành hương càng đông và khi lời kinh đầu lễ gần kết thúc, cả một biển người đã đứng chật như nêm toàn bộ sân nhà thờ.

Thánh lễ 12g trưa

“Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán.” (Đường Hy vọng số 947)

Đúng 12g, Thánh lễ bắt đầu. Chủ sự thánh lễ là Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường. Đồng tế có Cha Gioakim Trần Văn Hương, Chánh xứ Fatima Bình Triệu kiêm Trưởng Hạt Thủ Đức, cùng quý cha phụ tá.

Trước khi cử hành thánh lễ, Đức Cha Phêrô mời gọi mọi người hãy năng lần hạt Mân Côi, ăn năn đền tội, cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại và cầu cho hòa bình thế giới.

Chia sẻ phần giảng lễ, Đức Cha Phêrô đã giải thích ý nghĩa của Kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và nhắc lại biến cố những lần Đức Mẹ hiện ra khi xưa.

Đức Cha Phêrô đúc kết: “Kinh Mân Côi là những lời kinh tuyệt vời vì được rút ra từ Kinh thánh, do Chúa Thánh Thần linh ứng, có sức lôi kéo ơn Chúa xuống cho mọi người, đặc biệc là cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại và thế giới trở nên hòa bình.”

Tâm tình khách hành hương

Một số tín hữu không chen chân được vào sân nhà thờ do quá đông, đã tìm một góc nhỏ phía ngoài, bên lề đường, họ ngồi bệt xuống đất và lặng lẽ cầu nguyện. Mỗi người mỗi kiểu, nhưng tựu trung chỉ có một, là lòng thành dâng lên Mẹ.

Chị Kim Hoàng, người ở Phú Xuân, Nhà Bè, là một điều dưỡng cho trường cấp 2, đã đến đây từ 4g sáng, chia sẻ: “Chị cùng các bạn đèo nhau trên xe máy đến đây sớm lắm, ngồi cà phê và chờ đợi. Bạn bè hầu hết không phải người Công giáo mình đâu, nhưng họ rất hồ hởi và luôn đến đây khi có các dịp lễ trọng, nhất là ngày này. Họ chưa bao giờ bỏ vắng trong lịch trình”.

Vào ngày này, Giáo xứ Fatima Bình Triệu cử hành 5 thánh lễ và những buổi cầu nguyện nối tiếp nhau. Rất nhiều người đến từ rất sớm, chấp nhận chờ đợi, ăn đồ nguội, uống nước chai, chỉ để có được vị trí gần cung thánh, bên trong nhà thờ. Họ mong muốn được chiêm ngưỡng Mẹ Maria cách mật thiết nhất và trọn vẹn nhất có thể.

Những người tham gia sứ vụ tông đồ

Chúng tôi rất ấn tượng ban phục vụ nơi đây. Họ rất tận tâm, thân thiện, hướng dẫn tận tình khách hành hương, điều phối và sắp xếp chổ ngồi, giữ trật tự chặt chẽ. Chúng tôi nhận thấy có nhóm trật tự, nhóm điều phối khu vực giải tội, nhóm hướng dẫn điểm rước lễ, nhóm giúp đỡ người khó khăn đi lại,… Ngoài ra, có cả một khu vực lớn trước cửa văn phòng Caritas để làm trung tâm y tế.

Tan lễ, chúng tôi ra về. Hai bên đường là các quầy bán đồ lưu niệm, trà nước, hoa nến muôn màu. Điều đặc biệt nhất chúng tôi thấy, đó là đan xen những quầy kinh doanh là những quầy bác ái của các bạn trẻ di dân Don Bosco, các Sơ dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Dòng Đaminh… với những món quà lưu niệm xinh xắn đồng giá 5 nghìn hoặc ly nước mía giá 0 đồng.

Lời kết

Xin Mẹ Fatima luôn nâng đỡ cho mỗi người chúng con, giúp chúng con biết hoán cải, siêng năng cầu nguyện và trở thành đạo binh của Mẹ với tràng chuỗi Mân Côi là chiếc khiên vững chắc chống lại tội lỗi. Amen.

Bài viết: Hoàn Mỹ | Ảnh: Hùng Cường (TGPSG)
(WGPSG)

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 89: TÌNH YÊU CÒN MÃI


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 16.10.2022


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 16.10.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

BỮA CƠM GIA ĐÌNH

BỮA CƠM GIA ĐÌNH

TGPSG -- Bữa cơm gia đình ấm áp khi mọi người cùng quây quần bên nhau là một hình ảnh bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm khảm của nhiều người trong chúng ta. Vì thế, hãy trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa, cùng vun vén bữa cơm gia đình. Ăn gì không quan trọng, miễn là ăn cùng nhau!

Cuộc sống hiện đại khiến người ta luôn quay cuồng, tất bật với hàng tá vấn đề cần giải quyết mỗi ngày nào là deadline, nào họp hành, nào con cái, đôi khi chúng ta quên mất có những thứ nhỏ nhặt còn bỏ lại phía sau đơn giản như bữa ăn cùng gia đình.

Thời thơ ấu, chắc rằng ai cũng từng được lớn lên cùng những hương vị món ăn của mẹ, của gia đình. Ngày còn nghèo khó, bữa cơm đơn giản chỉ là chút thịt hay cá kho mặn, chút rau luộc và nước canh, chén bát cũng không phải là những bộ hoa văn đẹp đẽ như bây giờ, cả nhà ngồi quây quần cùng nhau bên mâm cơm, kể cho nhau những câu chuyện vụn vặt đời thường.

Hương vị của những món ăn trong bữa cơm gia đình có lẽ sẽ khó tìm được khi chúng ta xa gia đình - hương vị ấy ngoài những gia vị thân quen đặc trưng của món ăn còn chứa đựng cả gia vị của sự yêu thương dù đôi khi đó chỉ là những bữa ăn nấu vội.

Những bữa cơm ăn cùng nhau cũng là khoảng thời gian đặc biệt của mỗi gia đình, khoảnh khắc được tận hưởng sự đầm ấm, sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên và cảm nhận được niềm hạnh phúc gia đình - đó mới là ý nghĩa thực sự và sâu sắc của bữa cơm gia đình.

Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng hiện đại, gấp gáp, chúng ta bắt đầu xa rời những thói quen cũ, nếp sống vội vã đã làm thay đổi nhiều thứ, cha mẹ mải chạy theo công việc, con cái bận rộn với chuyện học hành, bè bạn, việc quây quần bên mâm cơm gia đình nóng hổi mỗi tối dần trở thành một dịp hiếm hoi và tẻ nhạt dần.

Ở những thành phố lớn, các em bé lứa tuổi mầm non được ba mẹ cho ăn ba bữa ở trường bởi hầu hết các giá đình không có đủ thời gian khi mỗi sáng cho con ăn xong ba mẹ lại vội vã đến công sở, hầu hết đều thấy mất thời gian cho các bé ăn và chỉ muốn tìm cách tiện nhất cho cuộc sống của mình.

Các bé lứa tuổi tiểu học, trung học thì tất bật với lịch học cả ngày ở trường, đến tối các buổi học thêm, ngoại khoá dày đặc, đôi khi bữa ăn của các bạn chỉ là ổ bánh mì gặm vội khi ngồi trên xe trên đường tới lớp, hiếm lắm mới có bữa ăn quây quần bên gia đình.

Bỏ qua vấn đề về dinh dưỡng thì chắc chắn rằng một bộ phận không ít thế hệ trẻ sẽ lớn lên mà không có nhiều ký ức về bữa cơm gia đình, về hình ảnh người mẹ với những món ngon dậy mùi bên trong căn bếp nhỏ của nhà mình, mọi sự gắn kết với gia đình trở nên mờ nhạt.

Đàn ông với nhiều mối quan hệ làm ăn trên bàn nhậu cũng đã đẩy những bữa ăn gia đình đi xa hơn, bữa cơm chiều đơn giản cũng trở nên khó thực hiện hơn. Buổi chiều tối cứ chạy dọc những con đường, chúng ta bắt gặp không ít hình ảnh những người đàn ông - những ông bố - trong những quán nhậu, chẳng phải là thời điểm ấy là khoảng thời gian tất cả thành viên trong gia đình sum họp sau một ngày dài ư?

Phụ nữ ngày nay ra ngoài nhiều hơn, công việc và gánh vác trách nhiệm xã hội gần như đàn ông, có thể việc nấu ăn với nhiều người tốn nhiều thời gian của họ nên những bữa ăn gia đình cũng vì vậy mà trở nên ít đi.

Thế hệ trẻ ngày nay ở một số gia đình không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa: cơm nước được nấu sẵn, ai đói thì cứ việc tự lấy mà ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì ăn sau… Sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên vì vậy mà trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như không còn.

Cho dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa, những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta. Một gia đình hạnh phúc là ở đó mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ những việc đơn giản.

Sau một ngày vất vả, chắc hẳn ai cũng mong muốn được trở về nhà, ăn bữa cơm với người thân. Bữa cơm gia đình ấm áp khi mọi người cùng quây quần bên nhau là một hình ảnh bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm khảm của nhiều người trong chúng ta. Vì thế, hãy trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa, cùng vun vén bữa cơm gia đình. Ăn gì không quan trọng, miễn là ăn cùng nhau!

Phaolô Nguyễn Thành Trung (TGPSG)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 16.10.2022