Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 23.11.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

CUỘC ĐỐI THOẠI QUAN TRỌNG NHẤT TRONG HÔN NHÂN LÀ CẦU NGUYỆN

Edward và Beth Sri cùng với 8 người con
trong một bức ảnh gia đình năm 2020 (photo: Coiurtesy of the Sri family)

 CUỘC ĐỐI THOẠI QUAN TRỌNG NHẤT
TRONG HÔN NHÂN LÀ CẦU NGUYỆN[1]

Edward và Beth Sri

WHĐ (20.11.2022) - Chúng tôi kết hôn được hơn 20 năm và lần lượt chào đón 8 đứa con chào đời. Chúng tôi muốn chia sẻ với bạn rằng việc cầu nguyện như là một cặp vợ chồng là điều có thể thực hiện được - và rất đáng để bạn nỗ lực thực hiện trong đời sống gia đình của mình.

Bài học quan trọng nhất mà chúng tôi học được sau nhiều năm đó là trong khi nhiều chương trình hôn nhân nói về tầm quan trọng của việc vợ chồng cầu nguyện chung với nhau, thì ít người đề cập đến sự cần thiết của việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày. Chắc chắn là đôi vợ chồng cùng nhau cầu nguyện sẽ giúp nuôi dưỡng và làm phong phú đời sống hôn nhân. Nhưng có một điều thậm chí còn nền tảng hơn để cuộc hôn nhân phát triển, vững mạnh, và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn - đó là sự trung thành với việc tâm nguyện cá nhân hàng ngày.

Khi mới kết hôn, chúng tôi dành thời gian cùng phục vụ và cầu nguyện với các nữ tu Thừa sai Bác ái của Thánh Têrêsa Calcutta. Đó là lúc chúng tôi gặp được một lời cầu nguyện tuyệt vời mà các nữ tu đọc mỗi ngày sau Thánh lễ. Điều này cho thấy trọng tâm lý do tại sao việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày lại quan trọng đến thế đối với ơn gọi của mỗi người:

“Lạy Chúa Giêsu... xin hãy chiếu sáng qua chúng con và ở trong chúng con để mọi người mà chúng con tiếp xúc có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng con. Xin để họ nhìn lên và không còn thấy chúng con nữa, mà chỉ thấy Người mà thôi!” (Lời cầu nguyện “Radiating Christ”, MotherTeresa.org)

Thật là một lời cầu nguyện tuyệt vời! Hãy nghĩ về câu “để mọi người mà chúng con tiếp xúc có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng con”. Chúng ta hy vọng và cầu nguyện rằng người bạn đời và con cái của chúng ta không chỉ gặp gỡ chúng ta, mà còn gặp được chính Chúa Giêsu chiếu sáng qua chúng ta. Cách duy nhất để mang lại cho người bạn đời và con cái chúng ta những điều tốt nhất - đó là chính Chúa Giêsu yêu thương họ qua chúng ta - là đào sâu đời sống nội tâm qua việc cam kết cầu nguyện hàng ngày.

Dành thời gian cầu nguyện riêng đối với cả Cha và Mẹ có thể là một thử thách đối với một gia đình bận rộn. Qua nhiều năm, chúng tôi đã tìm một vài cách thế để nuôi dưỡng việc cầu nguyện giữa những bận rộn của một ngôi nhà đầy ắp trẻ nhỏ:
  1. Hãy uyển chuyển trong cách cầu nguyện. Nó sẽ không giống như trước đây, khi bạn còn độc thân.
  2. Hãy sáng tạo trong việc tìm kiếm thời gian trong cuộc sống gia đình bận rộn của bạn để cầu nguyện.
  3. Hãy hỗ trợ nhu cầu cầu nguyện hàng ngày của nhau.
  4. Hãy trung thành với việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày, có nghĩa là làm cho nó trở thành ưu tiên hàng đầu của mỗi ngày sống.
Ví dụ, có một giai đoạn trong cuộc sống gia đình, tôi (Beth) tìm thấy thời gian để cầu nguyện bằng cách pha cà phê vào buổi tối và cho vào bình thủy đặt ở đầu giường. Bằng cách này, tôi có thể cầu nguyện trong phòng ngủ của mình vào sáng hôm sau và không phải đi xuống bếp để lấy cà phê - vì khi đi xuống bếp như vậy những đứa con dễ thương của chúng tôi sẽ tìm thấy tôi và khiến thời gian cầu nguyện của tôi trở nên bất khả thi.

Là cha mẹ, tất nhiên chúng ta thực sự yêu thương con cái của mình. Nhưng đôi khi tình yêu của chúng ta dành cho chúng bị cản trở bởi sự ích kỷ, thiếu kiên nhẫn và thiếu hiểu biết. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta không thể yêu thương con cái mình như chúng xứng đáng được yêu thương. Chúng ta biết rằng chúng ta cần Chúa Giêsu yêu thương con cái thông qua chúng ta.

Là cha mẹ, chúng ta muốn mang lại cho con cái nhiều hơn là bản thân mình - nhân cách, kế hoạch, sự dạy dỗ và giúp đỡ của chính chúng ta. Chúng ta muốn trao cho chúng Chúa Giêsu chiếu tỏa qua chúng ta. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta vun trồng đời sống nội tâm và coi việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày là ưu tiên hàng đầu.

Là vợ chồng và là cha mẹ, chúng ta giống như một ngọn đèn. Chúng ta phải cắm đèn vào ổ cắm để nó tỏa sáng và mang lại ánh sáng cho căn phòng. Như lời cầu nguyện của Mẹ Teresa nhắc nhớ, nếu muốn ánh sáng của Chúa Kitô chiếu tỏa qua chúng ta và để tình yêu của Người chạm đến trái tim của vợ/chồng và con cái trong tất cả những gì chúng ta làm cùng nhau, thì chúng ta cần biết rằng mình phải “kết nối” với Chúa để cầu nguyện cá nhân hàng ngày.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (19. 11. 2022)



[1] Đoạn trích này phỏng theo cuốn sách The Good, the Messy, and the Beautiful: The Joys and Struggles of Real Married Life của Edward và Beth Sri. © 2022, Ascension Press.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 23.11.2022


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 22.11.2022


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 21.11.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ 2022

 
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON 2022

TGPSG - “EXODUS- Cùng nhau lên đường”. Đó là chủ đề Đại Hội Giới Trẻ TGP Sài Gòn, diễn ra vào chiều thứ Bảy ngày 19-11-2022, tại Nhà thờ Đồng Tiến, địa chỉ 54 Thành Thái, phường 12, Quận 10. Đại hội quy tụ hơn 2000 bạn trẻ, quý tu sĩ nam nữ, các bạn trẻ của các Giáo xứ trong TGP, cùng các nhóm trẻ, các bạn sinh viên Công Giáo… đã đến gặp gỡ nhau, giao lưu và học hỏi qua những chương trình workshops có các thuyết trình viên trình bày và thưởng thức các ca khúc điệu vũ vui tươi do các ca sĩ, nhóm ca, nhóm nhạc trình bày. Trên hết, các bạn gặp gỡ Chúa và được sai đi làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay.


Diễn tiến ngày đại hội hôm nay gồm các phần sau: 

1. Cùng nhau phân định

Từ 11g30, sân Nhà thờ Đồng Tiến đã có các bạn trẻ “check in”, chụp hình kỷ niệm trước chủ đề, trải nghiệm không gian của đại hội qua các gian hàng triển lãm, các sản phẩm, các chương trình, dòng tu, ơn gọi: ơn gọi Trợ Tá Tông Đồ, nhóm Talithakum, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhóm Emmanuel, các nhóm thiện nguyện trẻ, Catholic Design và nhiều nhóm khác.

Ngoài việc tham quan, tìm hiểu các bạn còn nhận được những phần quà ý nghĩa như sâu chuỗi, túi đựng, những thông tin cần thiết, được uống cà phê, nước giải khát miễn phí.

Từ 13g30 đến 15g, qua chương trình workshops các bạn trẻ cùng khám phá chính mình, để phát triển bản thân, thấy được con người mình và định hướng lại chọn lựa theo Chúa. Chính chúng ta sẽ làm nên điều kì diệu trong cuộc sống, qua khả năng của mình, với những gì Chúa ban.

Các thuyết trình viên giúp các bạn nhận ra biết bao điều tốt đẹp từ cuộc sống, và mỗi người sinh ra trong đời đều có ơn gọi yêu thương. Cuộc đời không thiếu sóng gió, chỉ cần ta vững tin vào Chúa, thì sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách gian nan.

Các bạn trẻ đã tham dự 1 trong 4 workshops ở các địa điểm khác nhau trên lầu 2 hội trường Giáo xứ và một workshops trong Nhà thờ.
  • OPEN YOUR MIND - MỞ TRÍ
  • OPEN YOUR HEART - MỞ TIM
  • OPEN YOUR EARS - MỞ TAI
  • OPEN YOUR HANDS - MỞ TAY
2. Cùng đến với nhau.

Khoảng 16g, với sự dẫn dắt chương trình của hai MC Minh Hải và Hoài Ân. Lm Gioan Lê Quang Việt tuyên bố khai mạc đại hội và nói lên ý nghĩa của ngày đại hội. Lúc này, các bạn đã tập trung trước sân khấu trung tâm để sinh hoạt tham gia những phần ca múa hát, mở màn là vũ điệu bài hát chủ đề.

Sau đó là đúc kết các workshops, các nhóm nhạc, ca sĩ trình diễn những ca khúc vui tươi xen kẽ chương trình.

3. Cùng nhau gặp Chúa.


Tiếp theo, các bạn tham dự đại hội chào mừng vị cha chung của TGP. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng cùng với Linh mục Gioan Lê Quang Việt - Trưởng ban MVGT. TGP hiện diện trên sân khấu.



Đức TGM mời gọi mỗi người trẻ hãy đốt lên trong lòng ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa Tin mừng và cùng nhau chia sẻ ngọn lửa đó cho người khác.

 
Các bạn trẻ thể hiện sự cám ơn Đức TGM bằng một biểu cảm thật dễ thương, “bắn tim, thả tim” cho ngài.

Đỉnh cao của đại hội là cuộc cung nghinh Thánh Giá và Thánh lễ trọng thể - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, diễn ra vào lúc 17g30 trong Nhà thờ.

Đức TGM Giuse chủ tế, cùng đồng tế với ngài còn có một số linh mục. 
 
 

Giảng trong thánh lễ, Đức TGM khai triển: Mỗi người chúng ta có một khả năng, mỗi người phải độc đáo, đừng là bản sao của người khác, đừng bắt chước người khác, cần phát huy điều tốt đẹp của bản thân.

Để nhờ đó, trong cuộc đời chúng ta biết đầu tư cho đúng. Có người đầu tư vào nhà đất, đầu tư việc học hành, phát triển con người của mình.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh sử Luca kể. Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, có hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh như Ngài. Nhưng hai tên trộm đã đầu tư sai, khi cùng chịu đóng đinh với Chúa thì một người đã sửa sai, biết mình đầu tư sai, nên sửa sai. Anh ta nói với Chúa bằng cả tấm lòng của mình: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ say mê các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại. Internet là mạng lưới toàn cầu, mở ra với thế giới, và mọi người, kết nối nhau, đừng để nó thành cái lưới, chụp mình, giam hãm, thành nô lệ cho kỹ thuật, máy móc, ngày nào cũng quan tâm xem FB có bao nhiêu lượt xem, bao nhiêu người quan tâm, thích, chia sẻ…

Chúng ta hãy sử dụng cuộc đời mình với những gì Chúa ban, sao cho tốt đẹp nhất. Điều quan trọng nhất là biết đầu tư cho những gì thiêng liêng. Thường những điều không thấy mới quan trọng. Đừng đầu tư cho những gì chóng qua. Cuộc sống chúng ta phải có Chúa trong lòng, tin tưởng vào Ngài. Đi con đường của Chúa đi, tin vào Chúa, bắt chước Đức Mẹ, vội vã lên đường.

Đức Mẹ cũng là người trẻ, Đức Mẹ từ bỏ kế hoạch đời mình, để đón nhận Chúa vào đời mình, lòng đầy Chúa và sẵn sàng đi ra khỏi chính mình, thoát khỏi những gì đang giam hãm mình, nhanh chóng đi đến với anh chị em.


Chúng ta ra khỏi mình để đến với người khác, và như thế cuộc đời người trẻ chúng ta được phong phú, tràn đầy sức sống, luôn được bình an vui tươi.

Trước khi kết thúc thánh lễ, anh Giuse Nguyễn Hữu Đại – đại diện các bạn trẻ đã có những tâm tình tri ân Đức TGM, quý linh mục đồng tế, các anh chị cộng tác viên, các nhóm, đoàn thể, HĐMVGX Đồng Tiến và các bạn trẻ tham dự.

Đáp từ, Đức TGM cầu chúc và ước mong các bạn trẻ “nóng lên”, rạo rực hơn, được chính Chúa thúc đẩy, như Đức Mẹ, để có thể “đốt cháy” mình và “đốt cháy” người khác, đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho những người chung quanh, những người khó khăn túng thiếu, đang chán nản, mất hết niềm hy vọng cần chúng ta chia sẻ nâng đỡ. Đức TGM chúc các bạn trẻ một buổi tối thật vui và ý nghĩa.

4. Cùng nhau liên đới

Sau thánh lễ, khoảng hơn 19g, mở màn là nhạc cảnh Môisê, con người và sứ vụ của ông. Cuộc Xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập. Câu chuyện ông Môisê, câu chuyện vượt biển đỏ của dân Israel ngày xưa cũng là câu chuyện của người trẻ. Đây là cơ hội cho các bạn thêm một lần nữa cảm nghiệm tình thương che chở của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Các bạn trẻ tiếp tục tham dự các chương trình ca múa nhạc làm cho sân khấu trung tâm nóng lên, nhưng cũng đầy những cung bậc cảm xúc, khi cùng nghe, cùng lắng đọng lòng mình qua những bức tâm thư của người trẻ về cuộc sống của mình, giữa những lúc các bạn lung lay chao đảo trong lòng tin vào Thiên Chúa. Chương trình Got Talent 1,2,3 những bài ca.


  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
5. Cùng nhau lên đường.

Bầu không khí trở nên thánh thiêng sâu lắng hơn, qua việc Cung Nghinh Thánh Thể trong khuôn viên Nhà thờ. Các bạn trẻ chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể, Tình yêu Thiên Chúa, cùng nhau cảm tạ, chúc tụng tình thương của Chúa qua sự tự hiến đến tận cùng của Chúa Giêsu Kitô, là Bánh Ban Sự Sống, là thần lương diệu kỳ, để các bạn dừng lại, cùng nhau cầu nguyện, quyết tâm sống tinh thần hiệp hành Giáo hội đang gọi mời mọi thành phần dân Chúa.Người trẻ cùng đi với nhau trong việc làm chứng loan báo Tin mừng Yêu Thương của Chúa.

Xin cho cuộc đời các bạn luôn thắm tươi, các bạn luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, qua công việc học hành và làm việc, hay vui chơi giải trí, để dù có khó khăn thử thách các bạn vẫn không ngại lên đường, nhưng biết đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Vua muôn Vua, và cũng là Vua của lòng trí mỗi người.

Đại hội kết thúc sau những lời sai đi và mời gọi dấn thân của Lm Gioan Lê Quang Việt, Trưởng ban MVGT. TGP Sài gòn và những điệu múa khép lại ngày hội. 
 
 
 


Bài & Ảnh: MVTT hạt Phú Thọ (TGPSG)

(WGPSG)

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

5 ĐIỀU MỖI GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO CẦN BIẾT

Jonathan Doyle

WGPVL (19.11.2022) - Những sự đánh giá, các cuộc hội họp, những thời hạn kết thúc (deadline) và sự tù túng có thể nhanh chóng kết hợp với nhau để khiến bạn tự hỏi tại sao bạn lại quay cuồng với công việc trong cái vòng lẩn quẩn như thế! Khi gặp phải tình trạng đó hằng ngày, dưới đây là năm ý tưởng đơn giản giúp bạn tiếp tục công việc giảng dạy của mình.

1. Ơn gọi (vocare)

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hay đúng hơn, Thiên Chúa đã biết từ muôn thuở rằng bạn sẽ có những kỹ năng, tài năng và niềm đam mê nhất định để phục vụ những người trẻ tuổi và thế giới. Ý tưởng về ơn gọi thường có thể là một câu thần chú đã lỗi thời trong nền giáo dục Công giáo, vì vậy chúng ta cần tạo lập lại mối liên kết với ý tưởng này. Ơn gọi (vocation) bắt nguồn từ tiếng Latinh, vocare, có nghĩa là “rút khỏi” hoặc “rút ra”. Nó giống như ý tưởng về một cái xô được thả xuống để lấy nước từ một cái giếng sâu mát lạnh. Ơn gọi của bạn rút ra từ bạn những kỹ năng và tài năng mà Thiên Chúa muốn bạn sử dụng. Nó cũng cho phép bạn “rút ra” những điều tốt đẹp và khả năng bên trong những học sinh của mình. Khi cảm thấy mệt mỏi và tan vỡ, bạn hãy nhớ rằng có điều gì đó to lớn hơn đang diễn ra. Ơn gọi của bạn là một phần không thể thiếu trong cách thức để Thiên Chúa cứu chuộc thế giới. Một sự giao thoa cùng lúc giữa kết hoạch sư phạm và khuôn viên học đường.

2. Sự sai đi của Thiên Chúa (Missio Dei)

Bạn đã được chọn để được sai đi. Ơn gọi (vocare) của bạn dẫn đến một thuật ngữ Latinh khác gọi là Missio Dei, được dịch là “sự sai đi của Thiên Chúa”. Thiên Chúa đã trao ban cho bạn những tài năng, khả năng đặc biệt và cả niềm mong ước được chăm sóc cho những người trẻ vì Người muốn sai bạn đến với họ như một nhà truyền giáo (missionary). Với tư cách là một nhà truyền giáo, bạn đang được sai đi vào chính trung tâm đời sống của những người trẻ vào một thời điểm mang tính đào tạo rất lớn trong hành trình của họ. Bạn mang đến cho họ những tin tức tốt đẹp về việc họ là ai, họ từ đâu đến và họ đang hướng về đâu. Bạn là một phần trong một kế hoạch lớn lao hơn nữa.

3. Phẩm giá con người

Đề tài tranh luận gay gắt vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI diễn ra xung quanh ý nghĩa và phẩm giá của con người. Trong các cuộc hội thảo dành cho nhân viên của mình, tôi đã nói về thực tế là 10 triệu người đã chết trong cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) vì một quan niệm tàn ác về việc ai mới là con người và không là con người. Thông điệp lớn lao của Công giáo cho thiên niên kỷ mới là mỗi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Ý nghĩa, giá trị và phẩm giá của con người bắt nguồn từ chân lý đó và từ sự thật rằng Đức Kitô đã nâng cao bản chất con người của chúng ta bằng cách đón nhận thân phận con người và chết cho chúng ta. Trọng tâm sứ mạng của bạn là lời kêu gọi nhìn thấy con người của Đức Kitô nơi mỗi học sinh và mỗi đồng nghiệp tại nơi làm việc của bạn. Hãy nghĩ về học sinh hoặc đồng nghiệp mà bạn ít quý mến nhất. Đức Kitô đã chết cho họ. Thiên Chúa muốn họ được sống. Việc giảng dạy của bạn sẽ hiệu quả khi bạn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, cách riêng là trong mỗi học sinh.

4. Chăm sóc bản thân

Hãy chăm chút cho mình! Hãy chú tâm dành thời gian để phục hồi, lấy lại cân bằng, tận dụng thời gian rãnh rỗi, sự thảnh thơi và việc chăm sóc bản thân. Đừng kiểm tra email vào ban đêm. Hãy tắt thiết bị điện. Dạy học là công việc mệt mỏi, đòi hỏi khắt khe và đầy thử thách nhất trong cuộc sống và hầu hết các giáo viên đều ít chú trọng đến việc tự chăm sóc bản thân. Đừng rời khỏi bàn làm việc mà không lên kế hoạch nghiêm túc cho một vài biện pháp, thói quen, sở thích, những môn thể thao hoặc trò tiêu khiển, những điều thường có thể giúp phục hồi tâm hồn của bạn. Hãy thực hiện điều đó cho chính mình. Hãy làm điều đó cho chính gia đình của bạn, cho những người phải sống chung với bạn, và hãy làm điều đó cho các học sinh và nhân viên đang túc trực trong văn phòng với bạn khi bạn cảm thấy kiệt sức.

5. Trường học và Giáo Hội

Nền giáo dục Công giáo không tồn tại bên ngoài Giáo Hội. Cho dù bạn có ở đâu trong mối tương quan với Giáo Hội đi nữa, thì bạn cũng cần phải nhận thức về điều này. Giáo Hội, ít nhất là phần về phía con người đối lại với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà chúng ta còn gọi là Giáo Hội, vốn không hoàn hảo. Bất cứ điều gì mang yếu tố con người trong đó thì sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy trưởng thành và thôi trông mong sự hoàn hảo từ phía con người. Điều đó cho thấy rằng, khả năng để bạn thực sự trở thành giáo viên như ý Thiên Chúa muốn sẽ phụ thuộc vào việc bạn rút ra được từ những nguồn sâu xa bên ngoài bản thân bạn. Sự thinh lặng, cầu nguyện và Thánh lễ hoàn toàn là trung tâm của sự nghiệp giáo dục Công giáo. Thế nhưng, nhiều trường học Công giáo thậm chí không còn tổ chức Thánh lễ âm thầm cho nhân viên một ngày mỗi tuần. Điều này phải thay đổi. Hãy lội ngược dòng. Đừng chờ đợi những người khác thay đổi xung quanh bạn. Hãy thinh lặng, hãy đến với những khoảnh khắc của âm thầm cầu nguyện và khẩn thiết tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng siêu nhiên của Thiên Chúa cho ơn gọi của bạn qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta là người Công giáo và Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và tột đỉnh của đức tin chúng ta.

Bạn không chọn việc giảng dạy mà công việc này chọn bạn. Hãy cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ đặc biệt của bạn từ đây về sau.

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(WHĐ)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÂNG LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ 2022

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 20.11.2022


Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

XIN TẠ ƠN NGƯỜI

XIN TẠ ƠN NGƯỜI

TGPSG – Tôi được sinh ra trong lúc cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Cha mẹ tôi là người thành thị, buộc phải rời phố về quê trong thời mà nhiều gia đình phải đi kinh tế mới. Cả hai phải vất vả làm việc suốt ngày mà vẫn không đủ sống nên phải gởi hai anh tôi cho bà ngoại nuôi.

Khi tôi lên ba, cha tôi đi ruộng về hái được trái chùm bao, trái cà chín cây,… hoặc lượm được củ khoai còn sót trên ruộng, cái trứng chim, trứng vịt đẻ rớt ngoài đồng… đều gói ghém lại đem về cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ mãi ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông khi nhìn tôi ăn các trái cây chín một cách ngon lành. Hết ngày làm ngoài đồng, ông tắm rửa sạch sẽ rồi leo lên võng nằm, ẵm tôi lên để ngồi trên bụng. Hai cha con nói chuyện vui vẻ với nhau trong khi chờ mẹ tôi dọn cơm. Cơm thường chỉ có chút rau luộc, một chút tép rong và cá nhỏ kho chung với nhau, nên bay hết cái vèo sau chén cơm đầu tiên. Tôi thỉnh thoảng còn được thêm cái trứng luộc, cha mẹ tôi chỉ có cơm và chén nước mắm là hai món chính, không bao giờ thiếu. Sau này, khi mẹ tôi nuôi được bầy gà thì bữa ăn có chất hơn.

Mẹ tôi suốt ngày lo mượn sân xi măng nhà người ta lo phơi lúa hay phơi đậu tùy theo mùa vụ. Khi đậu khô mới được ngồi ở nhà lo lựa đậu. Trưa nếu có cha tôi về thì ông dẫn tôi qua cầu khỉ rồi đưa gào mên cơm cho tôi đem cho mẹ. Không có cha thì tôi đứng bên này cầu đợi có ai đi ngang nhờ dẫn qua dùm.

Có một điều mà hai mẹ con luôn làm chung với nhau không bỏ ngày nào, đó là việc lần chuỗi Môi Khôi. (Nghe mẹ tôi nói từ lúc tôi còn trong bào thai, mẹ tôi một tay cầm chuỗi, tay kia đặt trên bụng để tôi cùng hiệp thông với mẹ.) Bốn tuổi tôi đã có thể thuộc kinh để hai mẹ con luân phiên đối đáp với nhau. Cha tôi thì lúc lần chuỗi lúc không, vì làm ruộng phải tùy theo con nước ra vô mà khai đường cho nước vô đỡ phải bơm, có khi đi tới tối, có khi tới nửa đêm hoặc gần sáng.

Chín tuổi đầu tôi đã phải mang tang cha, một nỗi đau kéo dài không dứt! Tuy nhiên, Chúa đóng cánh cửa này thì mở cánh cửa khác. Sau khi được trở về nhà ngoại ở Sài Gòn, Chúa cho tôi học hành rất tấn tới. Mẹ tôi cũng kiếm được việc làm để nuôi chúng tôi. Trước ngưỡng cửa vào đại học, tôi phân vân trước lời mời gọi tu trì của Chúa. Tôi đã suy nghĩ rất lâu trước khi nói với mẹ vì sợ mẹ buồn, không ngờ mẹ tôi quyết định rất mau chóng: “Mẹ có con đường của mẹ, con có con đường của con. Mẹ không thể ở bên con suốt đời. Con theo Chúa mẹ rất an tâm.”

Trên con đường tu, có Mẹ Maria luôn dẫn đưa tôi từng bước theo đoàn sủng của dòng, có Chúa giữ gìn và đưa tôi tới Kinh Thành Mơ Ước để tu học 9 năm. Về dạy học vài năm, Người lại đưa tôi đi học tiếp theo nhu cầu của nhà dòng. Hôm nay tôi có kết quả thi đậu hai thứ tiếng mới. Đây là một hồng ân rất lớn Chúa ban cho tôi, vì tôi đã đạt những điều kiện cần cho việc theo chương trình học và có thể tự đào sâu tiếp mà không bị áp lực về việc thi cử. Kiến thức rộng mênh mông, tôi còn phải tiếp tục học rất nhiều trong vài ba năm tới. Nhìn lại đoạn đường từ bé thơ cho đến nay, tôi tạ ơn Chúa đã dẫn đưa tôi qua nhiều khúc quanh của cuộc đời.

Như Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc giữa trưa hè tìm được một chỗ nghỉ chân dưới một gốc cây có tàn lá che mát, bên cạnh dòng suối nước trong lành mát rượi, đã bật khóc khi nghĩ từ không biết bao đời Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi. Con xin tạ ơn Chúa đã quan phòng chăm sóc con từ bao nhiêu năm nay bằng tình yêu vô biên của Người. Xin Chúa giúp con luôn tiến bước trên con đường yêu thương Chúa đã dành sẵn cho con.

Tóc Ngắn (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 19.11.2022
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon