Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 09.12.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 09.12.2022 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG 2022. KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SAIGON. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 09.12.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

VÒNG TAY ÔM ẤP

VÒNG TAY ÔM ẤP

TGPSG - Lúc nào Chúa cũng muốn ấp ủ từng người trong vòng tay yêu thương của Ngài. Nhưng do sự thờ ơ hoặc do tội lỗi, chúng ta đã né tránh vòng tay của Chúa...

Có một câu chuyện buồn thấm đẫm nước mắt của người mẹ có đứa con bị ung thư xương. Bé tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cũng sống lây lất tới 8 tuổi.

Trong giờ lâm chung của con, người mẹ nói với con: "Khi con về với Chúa, con sẽ được thấy ánh sáng huy hoàng rực rỡ của Ngài." Bé trả lời: "Mắt con yếu lắm không thể nhìn được những ánh sáng chói chang."

Người mẹ tiếp tục an ủi đứa con tội nghiệp: "Con sẽ nghe những tiếng đàn hát du dương của các thiên thần." Bé buồn bã nói: "Mẹ ơi, tai con bị ù ù hoài không nghe thấy âm thanh rõ ràng được."

Người mẹ nuốt nước mắt, vòng tay ôm đứa con bé nhỏ vào lòng: "Con ơi, khi con gặp Chúa, con sẽ được Ngài dang rộng vòng tay ôm ấp con như mẹ đang ôm con đây." Bé mỉm cười nói: "Như vậy thì con vui mừng được về với Chúa, mẹ ơi!" Rồi bé thanh thản từ từ khép mắt lại, vĩnh biệt người mẹ yêu dấu đang tuôn trào hai hàng lệ thương tiếc đứa con yêu dấu.

Thực ra, không phải đợi tới lúc lìa đời, em bé này mới được Chúa dang tay ôm ấp. Lúc nào Chúa cũng muốn ấp ủ từng người trong vòng tay yêu thương của Ngài, như "gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh" (x. Lc 13,34). Nhưng do sự thờ ơ hoặc do tội lỗi, chúng ta đã né tránh vòng tay của Chúa. Chúng ta hãy để cho Chúa ủ ấp ta, đặc biệt khi chúng ta tìm đến tòa giải tội để hòa giải với Ngài, khi chúng ta sốt sắng dự lễ, rước Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng ta đau buồn, gặp thử thách gian nan mà mau mắn tìm đến cậy dựa vào Chúa...

Chúng ta hãy luôn ghi nhớ vòng tay yêu thương của Chúa, để thường xuyên cảm tạ tình thương của Ngài, và đền đáp tình Ngài bằng cách cùng với Chúa mở rộng con tim và đôi tay để đồng cảm chia sẻ buồn vui với anh chị em chung quanh, đồng thời mang lấy trái tim của Chúa mà nâng đỡ họ. Như vậy khi chúng ta ly trần, ta sẽ có thể vui sống an bình trong vòng tay Chúa mãi mãi.

Tóc Ngắn (TGPSG)
(WGPSG) 

TRẢI NGHIỆM MÙA VỌNG CÁCH TRỌN VẸN

TRẢI NGHIỆM MÙA VỌNG CÁCH TRỌN VẸN

Lm. Nnamdi Moneme, OMV

WHĐ (07.11.2022) - Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta dùng, hoặc nghe cụm từ: “mất nửa đời người!” để diễn tả việc một người chưa trải nghiệm một cách trọn vẹn điều quan trọng, được cho là mang lại sự viên mãn trong cuộc sống.

Cách nói này cũng có thể được áp dụng để diễn tả về các mùa trong năm Phụng vụ của Giáo hội. Giống như các mùa phụng vụ, Mùa Vọng vốn không chỉ để cử hành hoặc tưởng niệm mà còn phải được trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thật vậy, sẽ rất phiếm diện nếu chúng ta chỉ tập trung Mùa Vọng vào việc nhớ lại lời các ngôn sứ loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế; lời kêu gọi chuẩn bị chào đón Vị Thiên Sai; và Đức Giêsu đã đến trần gian 2000 năm trước như thế nào. Đúng hơn, Mùa Vọng còn phải đánh động và giúp chúng ta trở thành những con người thực sự của Mùa Vọng. Do đó, bao lâu chưa trải nghiệm được điều này, thì bấy lâu Mùa Vọng của chúng ta chưa trọn vẹn, và vì thế, có thể nói chúng ta đang “mất nửa đời người!”.

Có 3 cách thế trải nghiệm Mùa Vọng trong cuộc sống hiện tại:

1. Trải nghiệm bóng tối của Mùa Vọng

Vì là những tội nhân được mời gọi trở về với Thiên Chúa bằng đức tin trên một hành trình nhiều khó khăn, Mùa Vọng của chúng ta luôn có đó những bóng tối. Thật vậy, chúng ta trải nghiệm bóng tối của tội lỗi nơi chính mình và trên thế giới; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của sự đớn đau và bệnh tật; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của việc mình gây tổn thương người khác, cũng như bị tổn thương bởi người khác; Chúng ta trải nghiệm bóng tối của phận người bấp bênh khi chẳng biết mình sẽ chết khi nào và cách nào. Chúng ta trải nghiệm bóng tối khi có thể tự đánh lừa mình, và thậm chí hồ nghi không biết liệu mình có đang đi đúng hướng; hoặc liệu mình có đủ sức để hoàn tất hành trình dẫn tới vương quốc vĩnh cửu hay không.

Hơn nữa, chúng ta trải nghiệm bóng tối của sự mất kiểm soát khi đối diện với những yếu đuối, bất toàn, và đổ vỡ của mình. Chúng ta trải nghiệm bóng tối khi nhận thức rằng, chẳng có gì thỏa mãn hoàn toàn các khát vọng của chúng ta trong cuộc đời này. Và trên tất cả, chúng ta trải nghiệm bóng tối khi một đàng là lực đẩy hướng chúng ta lên trời cao nhưng đàng khác, là sức hút của những ham muốn ghì kéo chúng ta lại với những thứ trần tục.

Chúng ta phải đối diện và chấp nhận những bóng tối này như một thực tế chẳng thể trốn tránh. Chúng ta chẳng thể che giấu và giả vờ như những bóng tối này không hề tồn tại, hoặc đơn thuần mong nó tan biến như một làn khói. Mùa Vọng mời gọi chúng ta ôm lấy những bóng tối của cuộc đời mình nhưng không bị nó lấn át, vì thực, nếu không trải nghiệm bóng tối này một cách sâu sắc, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra khát khao có được Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng đến để giải thoát chúng ta.

2. Trải nghiệm sự mong đợi của Mùa Vọng

Khi đối diện và đón nhận bóng tối của Mùa Vọng, chúng ta cũng sống trong niềm tin tưởng và hân hoan chờ đợi Đấng Cứu Độ. Thật thế, chúng ta trải nghiệm niềm hy vọng hân hoan này dựa trên sự chắc chắn về sự tái lâm của Ngài vì xác tín rằng chính nhờ cuộc đời, cuộc tử nạn, và phục sinh của Ngài, mà chúng ta được cứu độ. Vậy thì làm sao Đức Giêsu có thể quên những người mà chính Ngài đã nhập thể và đã hiến trao mạng sống trên thập giá?

Chính niềm tin tưởng này thúc đẩy chúng ta làm chứng cho niềm vui của Đức Chúa, vì bóng tối của Mùa Vọng sẽ không kéo dài mãi mãi: “Ðêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13, 12).

Ngoài ra, niềm mong đợi Mùa Vọng đòi nơi chúng ta một lối sống mới và thánh thiện, hoàn toàn từ bỏ và cự tuyệt với lối sống tội lỗi, “Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13, 12b-13).

3. Trải nghiệm sự tỉnh thức của Mùa Vọng

Không chỉ là chịu đựng bóng tối hoặc mong đợi Đấng Cứu độ vào ngày tận thế, Mùa Vọng còn mời gọi chúng ta chú ý đến nhiều cách thế mà Đấng Cứu Thế đang hiện diện ta và đang hoạt động để cứu độ chúng ta. Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23) luôn đến với chúng ta trong từng khoảnh khắc qua ân sủng cứu độ.

Trong Tin Mừng Mt 24, 37-44, Đức Giêsu đã dùng ví dụ về những người thời ông Noe để nhấn mạnh sự cần thiết phải tỉnh thức để có thể nhận ra ân sủng cứu độ Thiên Chúa. Chúng ta được nhắc nhớ rằng con tàu của Noe đã được đóng xong trước khi trận lụt hồng thủy ập đến, nhưng những người thời đó đã không tỉnh thức, không cảnh giác, và không nhạy bén đủ để nhận ra con tàu hồng phúc đang ở ngay trước mặt họ. Thật sự, người ta đã quá bận rộn với việc ăn uống, cưới hỏi, bán buôn… để có thể cho mình một cơ hội tìm hiểu về sự xuất hiện và ý nghĩa sâu xa của chiếc tàu.

Ngày nay, chúng ta cũng phải mở đôi mắt tâm hồn để có thể nhận ra ân sủng cứu độ Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất. Từ đó, chúng ta biết mở rộng con tim để đón nhận những ân phúc này với niềm tin cậy và biết ơn. Để làm được như vậy, chúng ta cần “mặc lấy Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 13, 11-14), Đấng luôn đến bên và khoác cho chúng ta chiếc áo trung thành của chính Người với Chúa Cha và làm cho chúng ta xứng đáng được ở với Người trong vinh quang.

Đức Kitô đến với chúng ta mọi lúc – trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong sự gặp gỡ người khác, trong các biến cố cuộc sống, trong các bổn phận của bậc sống, … Mùa Vọng là thời gian để chúng ta mài dũa khả năng của mình để nhận ra Người, chào đón Người, và đáp lại những ân sủng của Người, nhờ đó, chúng ta chuẩn bị để chào đón cuộc tái lâm của Người.

Thật thế, sống tinh thần Mùa Vọng chúng ta không chỉ cử hành hay tưởng niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giêsu, mà còn dành thời gian để suy tư và trải nghiệm mầu nhiệm ấy một cách sâu sắc theo cách thức để mình được biến đổi. Nếu chúng ta bắt đầu cho phép mình được thấm nhuần và cảm hoá bởi những gì chúng ta cử hành, thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ là một Mùa Vọng kéo dài, hướng chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Nếu toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở thành hiện thân của Mùa Vọng, chúng ta có thể từ khước những lời hứa hão huyền và trống rỗng của thế gian này; chúng ta có thể vượt thắng những khó khăn, thử thách trong hiện tại, trở thánh chứng nhân đáng tin đối với Đức Giêsu; và chúng ta có thể sống từng ngày với niềm hy vọng vững vàng, khát khao mãnh liệt được kết hợp trọn vẹn và vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Bầu khí trang nghiêm, sâu lắng, và khiêm tốn của Phụng vụ Mùa Vọng phải giúp chúng ta vượt lên trên những vướng bận, lo toan, xáo trộn bên ngoài để lấp đầy tâm hồn bằng ân sủng. Nhờ đó, chúng ta có thể kiên trì ôm lấy những bóng tối cuộc đời, tỉnh thức đón chào Đức Giêsu trong cuộc sống hàng ngày, và tin tưởng hân hoan trông đợi ngày Người trở lại trong vinh quang.

Được như vậy, là chúng ta trải nghiệm Mùa Vọng của mình một cách trọn vẹn, và đảm bảo rằng, chúng ta không đánh mất một nửa đời mình.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
(WHĐ)

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2022: BÀI 5 - PHÂN ĐỊNH THẦN LOẠI


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA NGÀY LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, 08.12.2022


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 08.12.2022


Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 08.12.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 08.12.2022 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG 2022. ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 08.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon.
 

CHỜ MONG CHÚA LẠI ĐẾN

 CHỜ MONG CHÚA LẠI ĐẾN

TGPSG - Mùa Vọng là mùa của chờ mong, chờ mong Đấng Cứu Thế đến với mỗi người chúng ta. Có bao giờ ta tự hỏi: “Tại sao Đấng Cứu Thế đã đến rồi nhưng ta vẫn chờ mong?” “Sự chờ mong mang lại ý nghĩa gì cho ta?”

Có hai đặc tính của Mùa Vọng: là mùa để chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất và vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu chờ mong Chúa đến lần thứ hai (Chúa đến trong ngày tận thế). [1]

Nhiều người trong chúng ta thường ao ước để chờ mong Chúa Giáng Sinh mà thôi bởi vì ngày Giáng Sinh là ngày của niềm vui, tiếng cười và đầy ánh sáng; còn ít ai lại nghĩ đến ngày Chúa đến lần thứ hai để chờ mong cả!

Chúng ta đã nghĩ đến ngày tận thế như một ngày kinh hoàng của chết chóc và đau thương nên có lẽ nhiều người sẽ không bao giờ dám chờ mong ngày đó. Ấy thế mà Giáo Hội lại hướng về ý nghĩa của ngày này trong Mùa Vọng và thậm chí qua dịp lễ Giáng Sinh, người Kitô hữu còn được dạy để hướng đến ngày cánh chung cuối cùng này.

Giữa một thế giới tân tiến với biết bao đèn điện màu sắc sặc sỡ, dường như người ta thích gán cho Chúa với thứ ánh sáng hiện đại huy hoàng hơn là thứ ánh sáng ẩn kín từ hang đá Bêlem thấp hèn. Dường như người ta thích sự ồn ào, náo nhiệt của âm thanh cực lớn để gán cho Chúa hơn là tìm nơi Ngài sự âm thầm, lặng lẽ; và dường như người ta cũng thích để chờ mong Chúa đến lần thứ nhất thôi chứ không mong gì ngày Chúa đến lần thứ hai. Chính vì con người cứ muốn chờ mong và đi tìm Chúa theo kiểu như thế mà thế giới ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu câu chuyện thê lương, bất hoà diễn ra nhan nhản qua nhiều mùa Giáng Sinh trôi qua.

Chắc chắn rằng, Chúa đã đến lần thứ nhất. Con người chúng ta sẽ không cần phải chờ đợi ngày “đã đến” đó nữa. Thế nhưng ngày “đã đến” đó lại là dấu chứng để cho mọi người trên thế giới này tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người tột cùng và Ngài sẽ lại đến với con người một lần nữa trong tương lai.

Có lẽ Mùa Vọng để làm cho ý nghĩa mong chờ Chúa đến lần thứ hai phải được nổi bật hơn nữa. Vì chắc chắn một điều rằng, Chúa đã đến với con người lần đầu tiên để mang ơn cứu độ cho con người nhưng ơn cứu độ vẫn chưa hoàn tất cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang.

Ơn cứu độ đó chưa hoàn tất nếu như con người chúng ta vẫn không nhận ra ơn cứu độ của Chúa, vẫn chưa tin rằng có một Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ vì con người. Ơn cứu độ đó cũng vẫn chưa hoàn tất nếu như Nước Chúa, Tình Yêu chưa trị đến trên thế gian này. Ơn cứu độ vẫn chưa hoàn tất khi con người vẫn chưa nhận ra Thiên Chúa là Đấng luôn ở với con người và chỉ có Chúa mới là Đấng Cứu Độ con người mà thôi. Lịch sử của con người giờ đây đã trở nên lịch sử cứu độ do Thiên Chúa và con người cùng nhau xây dựng.

Mùa Vọng để gợi nhắc chúng ta về sự chờ mong nhưng không phải là một sự chờ mong thụ động, miễn cưỡng cho bằng là cả một chờ mong với cả con người nhiệt huyết, dấn thân, và làm tất cả để Nước Chúa trị đến. Chờ mong bằng cách để cho chiếc đèn tâm hồn của ta luôn luôn háo hức, hăng hái với những công việc tông đồ dành cho Chúa và cho mọi người. Chờ mong bằng cách xây dựng tình yêu thương, hoà bình, hiệp nhất trong gia đình, trong khu xóm. Chính khi đó, Chúa Giêsu, Đấng đã đến với con người chúng ta lần thứ nhất thì cũng sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang cũng sẽ là Đấng lấp đầy trái tim ta với hạnh phúc và bình an của Người.

Ai trong chúng ta cũng sẽ mong chờ một mùa Giáng Sinh an lành và bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sẽ rất vô nghĩa khi con người chúng ta chỉ dừng lại ở một ngày lễ hội Giáng Sinh mà không nhận ra được ý nghĩa đích thực của việc Chúa đến lần thứ nhất. Sẽ rất vô nghĩa nếu sự chờ mong của chúng ta không hướng đến ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang. Và sẽ vô nghĩa nếu Mùa Vọng của chúng ta trôi qua với sự mong chờ thụ động, miễn cưỡng mà không phải là một sự dấn thân, yêu thương và nỗ lực xây dựng Nước Trời.

Trong phần giới thiệu sách có tựa đề Thông điệp về hòa bình ở Ukraina, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Đối với chiến tranh, tất cả chúng ta đều bị đánh bại. Ngay cả những người không tham tham gia hoặc những người thờ ơ hèn nhát, chỉ đứng nhìn sự khủng khiếp của cuộc chiến, không can thiệp để mang lại hoà bình cũng đều bị đánh bại. Tất cả chúng ta, ở bất cứ vai trò nào đều có nghĩa vụ trở thành người của hoà bình.”[2] Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy cùng mang tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô để cầu nguyện và xây dựng cho hoà bình trên thế giới. Mùa Vọng này cũng là thời gian thật ý nghĩa để con người dám thực hiện một quyết định cho sự hoà bình; và đó cũng là sự chờ mong thiết thực nhất, ý nghĩa nhất.

Đaminh Trường Sơn, SDB (TGPSG)


[1] Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, 39

(WGPSG)

NGƯỜI TRẺ VÀ THẾ GIỚI ẢO

 

NGƯỜI TRẺ VÀ THẾ GIỚI ẢO

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (05-12-2022) - “Tôi hay nói với các bạn sinh viên của mình, các bạn đang mất quá nhiều thời gian cho thế giới ảo mà quên đi những giá trị thật, những tình cảm thật sự của mình. Tôi cũng biết là rất khó nhưng nếu được, các bạn hãy dành thời gian để làm điều gì đó có ích thay vì mất nhiều tiếng mỗi ngày để vùi đầu vào thế giới ảo để giải trí. Những khoảng thời gian tuổi trẻ nếu mất đi vì những giá trị ảo thì quá uổng phí. Các bạn nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện cho mình thành thạo một kĩ năng nào đó, một ngoại ngữ nào đó… Như vậy tuổi trẻ của các bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều, các bạn sẽ không nuối tiếc về sau”. Trên đây là tâm tình của Giáo sư Lê Văn Cảnh, phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM, mới được phong hàm giáo sư (x. Tuổi Trẻ Chủ nhật 04/12/2022).

Lời khuyên của Giáo sư Cảnh làm tôi nhớ tới những bài thuyết trình tại Hội nghị của Bộ Truyền thông của Tòa Thánh tại Rôma, về Mạng xã hội và Trí tuệ nhân tạo. Tiến sĩ Felicia Wu Song trình bày đề tài Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số: tiếng gọi chiêm niệm. Bà chia sẻ chính kinh nghiệm bản thân bà trước đây thấy mạng xã hội rất hữu ích nên thường xuyên sử dụng. Sau đó bà dần cảm thấy việc vào mạng xã hội đã chi phối thời gian và việc nghiên cứu của mình quá nhiều nên tìm cách giảm bớt lại. Khi được hỏi là bà có nói với các sinh viên của mình điều đó không và các bạn sinh viên phản ứng ra sao, bà cho biết cách đây 10 năm, sinh viên phản ứng mạnh trước những đề nghị của bà, nhưng hiện nay phản ứng ấy không còn nhiều vì chính các bạn sinh viên cũng thấy những tác hại của mạng xã hội nếu các bạn lệ thuộc vào đó. Bà cũng đặt vấn đề là hiện nay khi thấy những tác hại của mạng xã hội, nhiều người tìm đến các trung tâm thiền định (Zen), vậy Kitô hữu chúng ta có những nơi tương tự như thế chăng?

Một giáo sư khác, tiến sĩ Derrick De Kerckhove, thuyết trình về Mối tương quan giữa Hội Thánh và ngôn ngữ trong bối cảnh thế giới kỹ thuật số. Ông cho thấy những phát triển về ngôn ngữ trong từng giai đoạn lịch sử đã tác động trên tư duy và đời sống tinh thần của con người rất nhiều. Từ thời phát minh ra máy in đến gần đây, người ta tiếp cận tư tưởng chủ yếu qua sách báo. Đọc sách đưa người ta vào tâm thế hướng nội nhiều hơn, có thể dừng lại bất cứ lúc nào để cảm nhận và suy ngẫm điều mình đang đọc. Nhưng đến thời kỹ thuật số, tâm trí con người ngập tràn những thông tin, hình ảnh và âm thanh, thay đổi không ngừng từng giây từng phút. Thực tế đó làm cho con người hướng ngoại nhiều hơn hướng nội và đương nhiên tác động rất lớn trên đời sống tinh thần. Ở giai đoạn trước, Hội Thánh đã có những đáp ứng kịp thời, còn trong thế giới kỹ thuật số, Hội Thánh có thể làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu?

Những lời khuyên trên không phải là những lời khuyên của những người làm việc trong lãnh vực tôn giáo như tôi, nhưng từ các giáo sư trong các ngành khoa học tự nhiên. Không biết các bạn trẻ có mấy quan tâm? Và không chỉ các bạn trẻ mà thôi nhưng ngay cả các bậc phụ huynh, liệu chúng ta có quan tâm đến thực tế này trong đời sống con cái mình và có những hướng dẫn phù hợp chăng?

Đọc thêm bài trước: Hòa bình

(WHĐ)