Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

TGPSG -- Đầu năm 1970, gia đình tôi từ quê nội đến ở một giáo xứ công giáo toàn tòng. Khi ấy mới vào Mầm Non, tôi phải đi bộ một mình đến nhà các Sơ học lớp tình thương để chuẩn bị vào cấp Một.

Khi tôi được bảy, tám tuổi, nhà nghèo, Mẹ tôi bôn ba kiếm sống trên chiếc xe đạp đầm cũ, chất lên những bó rau muống mà từ sớm Bố tôi đã lội bùn để cắt và bó lại. Sáng sớm, Mẹ tôi đưa ra chợ sớm một chuyến để bán, còn lại chuyến thứ hai thì Bố tôi là người vận chuyển đưa rau ra cho Mẹ bán tiếp.

Vì nhà có một cái xe đạp, các em còn nhỏ, tôi chị cả là người 'phụ lơ', mỗi sáng cùng Mẹ đẩy xe đạp chở rau ra chợ. Sau khi thả rau xuống nơi Mẹ ngồi bán, tôi mới làm 'tài xế', ngồi trên khung ngang, rê chân đưa xe về cho Bố ở ruộng để hoàn tất chuyến thứ hai.

Có lần xe tôi thả dốc với tốc độ nhanh. Xe lao vun vút, lúc gặp khúc quẹo, tôi không thắng kịp và xe đã đâm thẳng vào tường. Cả người và xe lọt xuống hố, trong sự sững sờ của người đi đường. Cổ xe đạp gập ngược vào khung. Chân tay tôi bị trầy xước vì va quẹt vào bờ tường. Phải có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, xe và người tôi mới ra được khỏi hố.

Tôi đau mà không dám kêu, vẫn phải cà nhắc đi bộ xuống ruộng nói với Bố: “Xe hư rồi, Bố ơi!” Bố tôi trách vài câu, rồi lẩm bẩm: “Để đó, về sửa sau…”

Hôm đó, hai Bố con vất vả ‘vật lộn’ với chuyến rau thứ hai ra chợ cho Mẹ tôi trong ‘muộn màng’.

Hằng ngày, xong chuyến rau thứ hai là Bố tôi đi làm ở tổ Kiến thiết mây tre lá, vì cơ sở sản xuất gần nhà. Còn tôi ghé ngang chợ nhận mấy gói xôi mà Mẹ tôi dặn mối, đem về cho các em ăn sáng. Xong chị em tôi đóng cửa đi học.

Chiều đến, Mẹ tôi không quên gọi các con tắm rửa, chuẩn bị nghe chuông nhà thờ thì tự đến nhà thờ dự lễ vì nhà tôi ở gần nhà thờ. Mỗi lần đi lễ, Mẹ lại dạy cho vài ý cầu nguyện. Vì mê chơi, khi vào nhà thờ là tôi thưa ngay với Chúa, kẻo quên những ý mà Mẹ tôi xin.

Có lần tôi hỏi Mẹ: “Sao mình xin Chúa hoài vậy?” Mẹ tôi nói: “Nhà nghèo nên xin gì Chúa cũng cho!” Quả thật là đúng. Khi Mẹ tôi xin Chúa cho dùng đủ hằng ngày, thì dù khó khăn, gia đình tôi cũng đủ hai bữa cơm độn khoai hay bắp; nhờ rau bao giờ cũng bán hết trong ngày, dù sớm hay muộn.

Khi Mẹ tôi xin Chúa như ý, thì hôm sau Mẹ tôi được về sớm hơn để đi họp phụ huynh ở trường cho chúng tôi. Và còn nhiều ý khác nữa, gia đình tôi đều được ơn xin.

Cuối tuần, gia đình tôi cùng nhau tham dự Thánh lễ Chúa Nhật để tạ ơn Chúa. Vì thế tuổi thơ tôi, Chúa luôn là Ông tiên trong Cổ tích.

Việc đạo đức tôi được gia đình hướng dẫn từ nhỏ, sau lớn khôn dần, tôi vẫn giữ và hiểu câu: “Làm bởi bay, Ban bởi Ta!”

Tôi còn nhớ có câu hát có lẽ của Lm Roco Nguyễn Duy: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con Ngài cần con đáp lời”. Thật vậy! Cuộc sống kiếp lữ hành, nếu chúng ta cặm cụi đi, đi không có điểm dừng, chúng ta sẽ mau gục ngã. Nhưng một khi nhận ra Chúa là nguồn trợ lực và là chính cùng đích, dù có bước đi trong đêm tối của cuộc đời, chúng ta vẫn bình an vì luôn có Chúa đồng hành. 
 
Trinh Nguyên
(WGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 13, 24-43)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 22.7.2023


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 21.7.2023


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 19.7.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

TÂM HỒN NHƯ ÁNH TRĂNG: NGUYỆT

 

TÂM HỒN NHƯ ÁNH TRĂNG: NGUYỆT

TGPSG -- Một buổi chiều bầu trời mát mẻ thoáng đãng, như thường lệ tôi đang chuẩn bị đi lễ thì nhận được điện thoại của em Hường, người coi sóc Mái ấm Hà Đông:
  • Chị ơi, chút chị có bận gì không? - Hường hỏi.
  • Không, Hường, mình chỉ đi nhà thờ thôi. - Tôi trả lời.
  • Vậy tốt quá, lát khoảng 7 giờ có Sơ đến gửi một bé gái bị tiểu đường bẩm sinh đang biến chứng, có hoàn cảnh rất khó khăn, mà em lại đang đi công việc về không kịp. Chị qua mái ấm tiếp nhận giúp em với, chị nhé!
  • Ok, Hường! Lát 7 giờ mình qua.
Tôi nghĩ những công tác như mọi lần, mái ấm là nơi các bệnh nhân cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn, được các Cha, các Sơ ở các nơi đón nhận, xác minh và gửi gắm về đây để được đưa đi bệnh viện, hỗ trợ nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị bệnh.

Có những ca ra về trong ngày, những ca ngắn ngày và cả những ca dài hạn như ung thư, mãn tính như thận, gút, biến chứng tiểu đường, hay đại phẫu phục hồi như tim, não, tai nạn tổn thương thân thể… đều được đón tiếp với sự yêu thương và chăm sóc hết lòng của em Hường và các cô chú anh chị đồng hành trong ban Caritas Tổng Giáo Phận, cùng sự hướng dẫn từ các Sơ quản lý mái ấm. Tôi nghĩ lần này cũng là một trường hợp rất điển hình như mọi khi.

Tan lễ, tôi chạy xe xuống mái ấm. Nhà tôi cách mái ấm chưa tới cây số, rất thuận tiện chạy qua chạy lại đồng hành cùng em Hường hỗ trợ các bệnh nhân đến đây.

Mái ấm nằm cuối con đường ôm sát bờ kênh, yên tĩnh giữa một khu dân cư giàu có và mát mẻ vì đón được những cơn gió từ kênh đưa vào lúc chiều tà thế này.

Sắp xếp bàn ghế xong, tôi chờ 5-7 phút thì có ba xe máy chạy đến. Ra cửa đón, tôi chào hai Sơ, một Thầy và hai chị em em Nguyệt - tên cô bé được gửi đến đây. Sơ chia sẻ riêng với tôi:
  • Nguyệt phát hiện bị bệnh tiểu đường khi 12 tuổi, đến nay đã hơn 10 năm rồi, giờ mắt đã bắt đầu mờ do biến chứng. Gia cảnh rất khó khăn, Nguyệt là con riêng của mẹ với một người đàn ông đã có gia đình. Cha không nhận, mẹ thì đi bước nữa và lo cho gia đình riêng. Nguyệt lớn lên trong tình thương của Ngoại. Nhưng giờ Ngoại bệnh già không thể tiếp tục lo cho em được. Đi cùng với Nguyệt là người chị cùng mẹ khác cha với em. Chị ấy cũng khó khăn và có gia đình riêng phải lo toan, nên thi thoảng chỉ có thể cho em chút ít tiền tiêu vặt và đến chăm sóc em khi em bệnh.
Tôi tiếp nhận thông tin, và làm quen với em, giới thiệu với em về cách sinh hoạt tại mái ấm… Em còn chút e dè và chưa dám mở lòng. Sơ, Thầy và chị gái cố gắng động viên em…

Tôi nói với em: Có tivi kết nối mạng để em xem, có đàn piano em có thể tập chơi, phía sau nhà có vườn rau gần bờ sông và ít cây trái em có thể thong dong chăm sóc nếu thích…

Em nghe hào hứng hơn và em cười… Trong đôi mắt em, có thoáng chút buồn, chút chơi vơi, xen lẫn… Có lẽ, không còn người thân bên cạnh, em hiểu mình phải lựa chọn cách sống vui tươi cho chính mình trong những ngày tháng sắp tới.

Em đã đến mái ấm Hà Đông như thế. Và sau đó, bất cứ ai đến mái ấm cũng nghe thấy lời chào lảnh lót, lễ phép, đầy năng lượng của em. Sự yêu đời luôn thể hiện trên môi, dù đôi mắt em tắt dần ánh sáng mỗi ngày.

Em học thêm tiếng Anh trên chiếc điện thoại chị em mua cho. Em phụ giúp làm bánh, nấu ăn, chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân mới tới, và làm bất cứ công việc nào cần ở mái ấm.

Thời gian trôi qua, một năm rồi hai năm, ba năm… mắt Nguyệt đã không còn thấy nữa. Em cũng ở đã đủ lâu để quen hết mọi ngóc ngách tại mái ấm, nên vẫn có thể tự lo lấy cho mình mà không phiền đến bất cứ ai.

Mắt không còn ánh sáng, nhưng em vẫn lạc quan, luôn tích cực và vui tươi. Em vẫn là em, không than vãn, không oán trách, luôn biết ơn mỗi ngày sống, mỗi người gặp, và mọi điều đến với em.

Rồi một hôm, tôi nhận điện thoại của Hường: 
  • Chị ơi, chị có bận gì không? Giúp em đưa Nguyệt qua bệnh viện 175 khám, do đường em ấy lên cao quá. Cả đêm qua trong người Nguyệt nóng như đốt, nhức nhối không ngủ được.
Tôi chạy qua chở Nguyệt đi. Đôi mắt long lanh, nụ cười trên môi, em lễ phép chào tôi.

Vào bệnh viện, tôi dắt em đi khám. Mọi người nhìn em thương cảm và ái ngại. Chúng tôi cũng phải chờ đợi. May mắn bác sĩ khám cho em rất ân cần và cho kiểm tra rất kỹ lưỡng, quyết định cho em nhập viện vì chưa kiểm soát được đường huyết.

Trên đoạn đường dẫn em qua khu nội trú, tôi hỏi thăm em: 
  • Đường vẫn lên cao, em cảm giác khó chịu như thế nào vậy em?
  • Dạ, mỗi lần đường lên cao quá, người nóng như lửa đốt chị ạ. Có lúc muốn sảng luôn.
  • Ở mái ấm, em ăn chế độ riêng phải không?
  • Dạ, em không ăn tinh bột nhiều. Đồ hấp luộc, rau củ là chính.
  • Giờ em có thèm ăn món gì không?
  • Cũng may là mắt em không thấy đường lâu rồi, nên em biết ít món, cũng đỡ thấy thèm thuồng, chị ạ.
Tôi cảm thấy cay khóe mắt, một cảm giác vừa xót xa vừa khâm phục em.

Em đã dạy cho tôi thấy bàn tay Chúa quan phòng yêu thương em dường bao. Em không buồn đau vì mất đi ánh sáng mà đó lại trở thành điều may lành cho em để em không phải thèm những của ăn rất đa dạng ngoài kia.

Thực sự tôi nào giúp được gì cho em ấy. Tôi còn mù hơn sự không nhìn thấy của em. Em giúp tôi thấy những hồng ân bao la tôi nhận được trong từng giây phút, vậy mà tôi vẫn cứ coi đó như là điều tất yếu tự nhiên, như không có gì đáng kể vậy!

Sự sống là vô giá Chúa đã ban cho tôi, rồi sức khỏe với đầy đủ ngũ quan, tôi cứ nghĩ là bình thường, nhưng thật ra rất nhiều người mong ước có mà không được.

Nguyệt đã dạy cho tôi: dù bất cứ điều gì xảy đến, cũng hãy luôn cảm tạ Chúa vì chương trình tuyệt vời nhất Chúa luôn dành cho mỗi người chúng ta…

Nguyệt đã chuyển đến một nơi khác để được các Sơ chăm sóc trong những ngày cuối cuộc đời. Hai mươi mấy năm có mặt trên cuộc đời này, Nguyệt luôn yêu đời, lạc quan, sống tích cực với những ai từng tiếp xúc với em… Em đã sống cuộc đời lung linh, tỏa sáng dịu dàng như ánh trăng, như chính tên của em: Nguyệt…

Nguyễn Thị Phương Thảo (TGPSG
(WGPSG) 

BẢN TIN HIỆP HÀNH - SỐ 16: PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC TẠI ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 18.7.2023


Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 18.7.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

TRẺ CẢM THẤY THẾ NÀO KHI CHA MẸ CÃI NHAU?

TRẺ CẢM THẤY THẾ NÀO KHI CHA MẸ CÃI NHAU?

Małgorzata Rybak

WHĐ (18.07.2023) – Có ai trong chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình chưa từng có những mâu thuẫn, xung đột? Có ai trong chúng ta chưa từng trải nghiệm, dưới nhiều hình thức, những khác biệt, và thậm chí những bất đồng giữa cha mẹ? Những lúc đó, chúng ta cảm thấy như thế nào?

Là bậc cha mẹ, chúng ta đã bao giờ tự vấn xem con cái mình sẽ cảm thấy thế nào khi chứng kiến sự cãi vã của người lớn? Đây thực sự là một vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc, với ý hướng, giúp chúng ta học cách xử lý những bất đồng sao cho vẫn bảo vệ những ranh giới nhất định và nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình.

Trẻ cảm thấy thế nào khi chứng kiến xung đột giữa cha mẹ?

Cô đơn và bất lực

Một cậu bé 7 tuổi đang trong tiến trình điều trị đã đưa cho bác sĩ trị liệu của mình một mảnh giấy trong đó có ghi: “Cháu khóc suốt đêm. Nước mắt là người bạn duy nhất của cháu. Cháu cảm thấy cô đơn. Bố mẹ cháu cãi nhau cả đêm”.

Cô đơn là một cảm giác nổi bật trong tình huống như vậy. Khi người lớn chìm đắm trong cảm xúc (kể cả sự hung hăng), con cái họ không có ai để nương tựa. Bậc cha mẹ phải duy trì sự cân bằng cảm xúc để trẻ cảm thấy an toàn, dù đó là trẻ mới biết đi hay đang ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Chỉ những người bình tĩnh, những người nhận ra và quản lý cảm xúc của bản thân mới có thể mang lại nền tảng an toàn giúp trẻ nhận thức được rằng thế giới là một nơi được mong đợi. Do đó, khi người lớn phát cáu, bắt đầu la hét và xúc phạm nhau, mọi nền tảng bảo vệ trong thế giới nội tâm của trẻ bị sụp đổ một cách nhanh chóng.

Trẻ chẳng có ai để cậy dựa. Trẻ cảm thấy sợ hãi (chẳng hạn, gia đình sẽ tan vỡ hoặc ai đó sẽ bị tổn thương), tức giận và buồn bã (vì cha mẹ mình có vẻ như không yêu thương nhau). Trong tình huống như vậy, trẻ cảm thấy dường như chỉ có một mình mình trên thế giới này.

Gánh nặng của người lớn trở thành gánh nặng của trẻ em

Ranh giới của trẻ bị vi phạm khi nội dung không phù hợp với tâm trí trẻ em lọt vào tai chúng. Bằng việc quyết định “ai có lỗi” hoặc “ai đúng”, bằng việc nói một cách thô lỗ về những vấn đề của người lớn, chúng ta kéo trẻ vào cuộc và trẻ phải chịu những gánh nặng của mối tương quan của chúng ta. Dù muốn hay không, trẻ bắt đầu chịu đựng những vấn đề chưa được giải quyết của người lớn như một gánh nặng quá tải.

Trẻ trở thành người bạn tâm giao trong nỗi sợ hãi của chúng ta về vấn đề tài chính gia đình, là nhân chứng cho cuộc cãi vã xem ai là người làm nhiều hơn cho gia đình, ai quan tâm đến mối tương quan nhiều hơn, và ai làm tổn thương ai và mức độ ra sao. Trẻ có thể nghe thấy những lời nhục mạ hoặc ác ý, vốn là những điều mà đối với người lớn, đã là nặng nề huống hồ là đối với một đứa trẻ.

Chọn Cha hay Mẹ?

Nhu cầu tự nhiên của trẻ em hoặc thiếu niên là có thể yêu thương cả cha lẫn mẹ. Những cuộc cãi vã buộc trẻ phải chọn người mà chúng sẽ đồng ý với và người mà chúng sẽ bảo vệ. Khi làm như vậy, trẻ cũng cảm thấy rằng chúng đang phản bội một trong hai người, vốn là cha mẹ của mình. Bởi vì, suy cho cùng, con cái phải hiếu thảo với cả Cha và Mẹ.

Thật là một tình huống bi thảm khi cha mẹ kéo con cái vào một cuộc tranh cãi chỉ để chúng quyết định xem bên nào là hợp lý. Thậm chí còn tồi tệ hơn khi người cha/ mẹ lập “hiệp ước” với trẻ chống lại người kia, giải thích lý do tại sao “không thể sống với cha/mẹ”. Điều tai hại đó chính là lạm dụng tình cảm và là điều rất nghiêm trọng.

Gạt nhu cầu của trẻ sang một bên

Khi cha mẹ cãi nhau, trẻ cảm thấy mình hoàn toàn chẳng là gì đối với cha mẹ cả. Và theo một cách nào đó, trẻ đã đúng: cha mẹ đang coi thường cảm xúc của trẻ, không quan tâm gì đến cảm xúc đó gây ra cho trẻ.

Trong một gia đình đầy những xung đột, sẽ không có chỗ cho nhu cầu của trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu đẩy nhu cầu của mình lại phía sau. Trẻ cũng có thể cảm thấy có lỗi vì bố mẹ không hòa thuận với nhau. Trẻ có thể bắt đầu nghĩ rằng nếu chúng cư xử tốt hơn, học hành giỏi hơn, hoặc ăn uống dễ dàng hơn thì có lẽ cha mẹ chúng sẽ hạnh phúc hơn.

Trong những gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi vã, trẻ em cũng có thể mắc các bệnh về tâm thần. Rốt cuộc, trẻ mang nơi mình một gánh nặng căng thẳng to lớn. Vô hình chung, trẻ bị biến thành những người gìn giữ hòa bình bất đắc dĩ. Trẻ có thể nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó để tránh cuộc cãi vã, chẳng hạn như đùa giỡn, làm cha mẹ mất tập trung hoặc đóng vai trò là người hòa giải. Trẻ sẵn sàng xoa dịu ngay cả những điềm báo nhỏ nhất về xung đột.

Hơn nữa, sự sợ xung đột này đôi khi trở thành một phần thường trực trong thế giới nội tâm của trẻ. Trẻ biết được những mặt tồi tệ nhất của cha mẹ mình, mà không biết rằng hai người có thể khác nhau mà vẫn có thể bình tĩnh nói chuyện với nhau.

Hạnh phúc của trẻ so với lợi ích của hôn nhân

Là bậc cha mẹ thì điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Trước hết, đó là lời mời gọi để giữ lại các cuộc trao đổi của người lớn khi không có mặt trẻ. Nhưng đó cũng là lời kêu gọi giải quyết vấn đề sớm, tốt nhất là ngay khi chúng phát sinh. Việc trì hoãn vô thời hạn có thể khiến những vấn đề ngày càng lớn thêm giống như một tảng băng trôi.

Người ta thường nói rằng mối tương quan hôn nhân phải được đặt lên hàng đầu, bởi vì con cái cần tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta phải đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết, tạo cơ hội để trẻ có mối tương quan sâu sắc và đáng tin với người lớn.

Có được như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy động lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong hôn nhân theo cách có thể cứu vãn tâm hồn mong manh của một đứa trẻ 2 tuổi, 7 tuổi, hoặc một thiếu niên.

Nhưng nếu chúng ta thất bại thì sao? Điều quan trọng nhất là xin lỗi và giải thích rằng những gì đã xảy ra không phải là lỗi của trẻ. Chúng ta muốn mọi người trong gia đình mình cảm thấy quan trọng và cần thiết.
 
***
 
Ngoài ra, là những gia đình Công giáo, chúng ta có mẫu gương tuyệt vời của Thánh gia. Rõ ràng là, Thánh Giuse, Mẹ Maria và trẻ Giuse không thể không trải nghiệm những khó khăn, thách đố trong đời sống gia đình, nhưng các ngài luôn đối diện và cùng nhau giải quyết những tình huống như thế với tình yêu thương, khiêm tốn, lắng nghe, và tôn trọng nhau. Và trên tất cả, các ngài luôn tìm kiếm để cả gia đình cùng thi hành ý muốn của Thiên Chúa, cách trọn vẹn nhất.
 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (16. 07. 2023
(WHĐ)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 17.7.2023