Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 27.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

Lm. Văn Am, Sdb.

Một câu chuyện trong đời của Don Bosco khi còn nhỏ làm tôi băn khoăn hoài để tìm giải đáp. Ngày nọ, ngài thấy cha xứ ở đàng xa, ngài tiến lại gần và chào ngài. Nhưng cha xứ cứ lặng lẽ bước, chẳng để ý gì đứa nhỏ ấy. Cậu nhỏ Bosco bị sốc và nhất quyết không đi theo đường lối đó. Rồi lại một lần khác, ngài nghe thấy những đứa nhỏ gọi các linh mục là những con quạ đen và chạy xa như thể bệnh dịch vậy. Và rõ ràng, lời nói, diện mạo của họ chẳng mảy may tác động đến những thiếu niên, nếu không nói rằng chúng còn tìm cách chống lại. Cứ thế mãi cho đến một hôm tôi đọc cũng từ chính người bạn, người cha và người thầy của các thiếu niên: Giáo dục là chuyện của con tim. Phải, giáo dục đưa tới biến đổi nên người công dân lương thiện và Kitô hữu tốt phải là chuyện của con tim mà thôi. Do đó, không có tín nhiệm không thể có giáo dục, điều ấy quả là chính đáng.

Chính điều này, Đức Phanxicô cũng nói đến bằng một ngôn ngữ hiện đại. Giáo dục không bao giờ là công việc cưỡng bức, là chuyện như của một cảnh sát, công an hay thẩm phán. Trái lại, “Giáo dục trên hết là một chuyện của tình yêu và trách nhiệm được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia.” Bằng không, một tai hoạ giáo dục xảy ra. Trong một câu đăng trên Tweeter ngày 1/3/ 2014 Đức Phanxicô viết: “Giáo dục là hành vi yêu thương; nó như là việc trao ban sự sống.” Nếu Gia đình chân thật được định nghĩa là tổ ấm, thì ta hiểu rằng Gia đình mãi mãi là nơi chốn giáo dục tiên quyết và hàng đầu. Ở đó, người cha, người mẹ hoàn toàn sống và hy sinh cho con cái mình. Họ đánh đổi mọi sự để được những người con tuyệt vời để cống hiến cho thế giới và Giáo hội.

Đánh đổi mọi sự để có được những con người có lòng, đó chính là sự đóng góp lớn nhất mà một người có thể cống hiến cho thế giới. Chúng ta không giỏi đủ để cống hiến cho xã hội những định luật vật lý, khoa học, những phát minh khoa học kỹ thuật chói ngời. Nhưng chắc chắn, chúng ta có thể cống hiến cho xã hội những người có thể sử dụng những giá trị đó để sinh muôn ích lợi cho nhân loại, bởi vì họ có trái tim tuyệt vời. “Thật vậy, giáo dục là một trong những cách thức hữu hiệu nhât để làm cho thế giới và lịch sử chúng ta nên nhân bản hơn.” (Đức Phanxicô).

Nếu giáo dục chỉ được tạo thành bằng cưỡng bức ta sẽ không thể có được những nhân cách trưởng thành. Bởi lẽ nó sẽ không “bền”. Chính Thiên Chúa đi theo con đường này. Ngài kiên nhẫn cho đến khi chạm đến và chiếm được trái tim của con người. Cả lịch sử dân Israel trong hoang địa, trong cuộc lưu đầy, trong những thăng trầm, rốt cục để đi đến xác tín số một này: Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ, muốn được nhận biết chứ không phải lễ toàn thiêu.

Sau bao kinh nghiệm đắt giá trong cuộc đời làm cha, làm mẹ, làm thầy cô, làm nhà giáo dục, ta đạt đến chính xác tín có sức chuyển thành hành động của tình yêu kiên nhẫn và tha thứ mà ta nói ở trên thì quả là rất đáng, quả là một gia tài vô giá. Ta hãy nỗ lực để thành một nhà giáo dục có một trái tim rộng lớn như đại dương, như cát bãi biển, bằng cách đưa những điều sau đây thành sự thật:
  1. Đặt nhân vị với giá trị và phẩm giá của một người thành tâm điểm của mọi chương trình giáo dục, chính thức cũng như không chính thức, để cổ xuý vẻ đẹp độc đáo của tình người trong tương quan với tha nhân và chống lại một phong thái sống của thứ văn hoá dục bỏ đang thịnh hành.
  2. Lắng nghe những tiếng nói của thanh thiếu niên mà chúng ta muốn truyền thụ các giá trị và sự khôn ngoan để cùng nhau xây dựng một tương lai an bình, xứng với phẩm giá con người.
  3. Khích lệ những người nữ tích cực tham gia vào giáo dục.
  4. Đảm bảo gia đình là nơi chốn giáo dục đầu tiên và chính yếu.
  5. Giáo dục và được giáo dục là cần phải tiếp nhận và rộng mở cách đặc biệt cho những người bị loại ra ngoài lề và những kẻ dễ bị tổn thương.
  6. Cam kết để dùng mọi sự phục vụ cho nhân vị và gia đình nhân loại trong tình liên đới.
Vậy, chúng ta hãy chung tay để làm lộ ra một thế hệ của những nhà giáo dục xác tín kiên vững rằng “Giáo dục là chuyện của con tim, chứ không phải là của cảnh sát”.

(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 27.7.2023


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023. THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ ba, ngày 25.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÀ & TRẺ

 
GIÀ & TRẺ
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
WGPMT (24.07.2023) – Chúa nhật 23/7/2023 là Ngày thế giới người cao tuổi lần thứ ba. Sau đó một tuần là Đại hội giới trẻ thế giới, tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ 1 - 6/8. Hai ngày lễ sát gần nhau, một cho già, một cho trẻ.

Chủ đề hai ngày lễ cũng gần nhau, đều được rút ra từ câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Elisabeth trong Tin Mừng Luca 1,39-56. Chủ đề của Ngày người cao tuổi là “Lòng thương xót trải từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1,50), và chủ đề của Đại hội giới trẻ là “Đức Maria vội vã lên đường” (Lc 1,39). Chiêm ngắm cuộc gặp gỡ của hai phụ nữ này là dịp suy nghĩ về tương quan giữa người già và người trẻ.

Đức Mẹ thăm bà Elisabeth

Cô Maria lúc ấy còn trẻ lắm và bà Elisabeth đã già nên cuộc gặp gỡ giữa hai người là sự gặp gỡ giữa hai thế hệ. Ở Việt Nam trước kia trong thời nông nghiệp, thời tứ đại đồng đường, người trẻ thường xuyên gặp gỡ người già là ông bà nội ngoại, cũng như trong làng xóm. Ngày nay trong thời đại công nghiệp hóa, các gia đình trẻ ngày càng sống độc lập và riêng tư hơn, nhất là trong các thành phố lớn, nên người trẻ ít có dịp gặp gỡ người già. Hơn thế nữa, trong thời đại đề cao hiệu năng sản xuất, người ta dễ có ý nghĩ cho rằng người già đã lỗi thời và không còn hữu dụng nên không còn quan tâm đến họ nữa!

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elisabeth lại cho thấy sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ là cuộc gặp gỡ làm phong phú sự sống. Cả hai người phụ nữ lúc ấy đều mang thai, sự sống mới đang phát triển, và gắn với sự sống là niềm vui. Cũng thế, sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ làm phong phú sự sống cho cả hai bên.

Phong phú cho người già như Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúa muốn người trẻ mang niềm vui đến cho tâm hồn người già, như Đức Maria đem niềm vui tới cho bà Elisabeth… nhất là Chúa muốn chúng ta đừng bỏ rơi người già và đẩy họ ra bên lề cuộc sống như rất thường xảy ra trong thời đại chúng ta”. Qua sự gặp gỡ người trẻ, người già “hi vọng rằng kinh nghiệm của họ không bị mất đi và những ước mơ của họ có thể được hoàn thành” (Sứ điệp Ngày thế giới người cao tuổi 2023).

Phong phú cho người trẻ vì qua sự gặp gỡ này, người trẻ “học được sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của người già”; “biết nhìn cuộc đời không chỉ trong hiện tại mà thôi, đồng thời nhận ra rằng không phải mọi sự tùy thuộc vào mình và khả năng của mình” (Ibid).

Sở dĩ cuộc gặp gỡ ấy làm phong phú sự sống vì đó là sự gặp gỡ của tình yêu và lòng thương xót. Đức Maria cảm nhận sâu xa lòng Chúa thương xót nên Mẹ hát lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,47.50). Còn bà Elisabeth nhất định đặt tên cho con là Gioan, nghĩa là “Chúa dủ lòng thương”. Từ cảm nhận về lòng Chúa thương xót, cô Maria “vội vã lên đường” đem tình thương đến cho người bà con đang cần giúp đỡ, và người bà con ấy vui mừng đón nhận vì nhìn thấy ở đó dấu chỉ của lòng Chúa xót thương.

Cuộc gặp gỡ của tình thương ấy mời gọi người trẻ ngày nay chống lại thứ văn hóa vứt bỏ: vứt bỏ thai nhi, vứt bỏ người già, vứt bỏ người nghèo và người khuyết tật. Đồng thời người trẻ được mời gọi xây đắp nền văn minh tình thương: “Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh, vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội” (Christus vivit, số 169).

Trong video chuẩn bị cho Đại hội giới trẻ, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ đi thăm ông bà nội ngoại trước khi đi dự Đại hội: “Nhiều người trong các con có ông bà nội ngoại, hãy đến thăm họ và hỏi họ xem thời của họ có Ngày Giới trẻ không. Chắc chắn là không. Vậy ông bà nghĩ cháu phải làm gì? Các con hãy nói chuyện với ông bà mình và họ sẽ cho các con lời khuyên khôn ngoan”. Ngài cũng kêu gọi người cao tuổi cầu nguyện cho Đại hội giới trẻ thế giới. Thiết nghĩ đây đâu chỉ là lời khuyên cho dịp đại hội giới trẻ nhưng còn là thái độ thường xuyên nên có trong đời sống chúng ta, người già cũng như người trẻ.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 24.7.2023