Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM...

VietCatholic News (13 Jan 2011 09:17)
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đại diện không thường trú đầu tiên tại Việt Nam

VATICAN. Hôm 13-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli làm Đại diện Tòa Thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam.

Nguyên văn thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh viết:

"ĐTC bổ nhiệm Đức Cha Leopoldo Girelli, TGM hiệu tòa Capri, làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, và làm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Cho đến nay Đức TGM Girelli là Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia".

Đức TGM Girelli năm nay 58 tuổi, sinh ngày 13-3-1953 tại làng Predore, thuộc giáo phận Bergamo, bắc Italia, thụ phong linh mục năm 1978, theo học tại trường ngoại giao Tòa Thánh từ 1984 đến 1987. Sau khi ra trường, cha Girelli lần lượt phục vụ tại các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Camerun (1987-1991), New Zealand (1991-1993), rồi được gọi về Bộ ngoại giao Tòa Thánh để phục vụ trong 8 năm, từ 1993 đến 2001, trước khi được gửi sang Tòa Sứ Thần tại Hoa Kỳ (2001-2006). Sau 5 năm tại đây, ngài được bổ nhiệm làm TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Indonesia và Đông Timor, và thụ phong GM ngày 17-6 cùng năm 2006 do ĐHY Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ phong.

Cho đến nay, vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan kiêm nhiệm chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei. Nay Tòa Thánh tách rời 2 nhiệm vụ này để ủy cho vị Sứ Thần riêng, kiêm nhiệm chức vụ Đại diện không thường trú tại Việt Nam.

Tuyên bố hôm 10-1 vừa qua trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, ĐTC nói: ”Tôi muốn hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô”.
(SD 13-1-2011)

LM. G. Trần Đức Anh OP
(nguồn : vietcatholic.net)

LẼ SỐNG 14.01

14 Tháng Giêng
Xuống Ðường

Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc quận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

Từ 8 năm qua, một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."

Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?

Trích sách Lẽ Sống

R.I.P


XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 4
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA
NGUYỄN THỊ CÁNH
Sinh năm 1933 tại Quảng Nam

Cư ngụ tại : 94/9 Lâm Văn Bền
P.Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 4 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 05g35 ngày Thứ Năm 13.01.2011
(Nhằm ngày 10 tháng Chạp năm Canh Dần)

Hưởng thọ 78 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Năm 13.01.2011

  • 14g30 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Sáu 14.01.2011
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại tư gia.
Thứ Bảy 15.01.2011
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát
Sau đó di quan đi an táng
tại nghĩa trang Nhơn Đức, Nhà Bè, Tp.HCM.


Thuận Phát, ngày 13 tháng 01 năm 2011
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 4
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 13.01

13 Tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa

Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.

Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:

"Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.

Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".

Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.

Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.

Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 12.01

12 Tháng Giêng
Tiên Vàn, Hãy Tìm Kiếm Nước Chúa

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?

Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Houard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.

Bức tranh trên đây không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Có biết bao nhiêu người giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc của cải tự nó không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc của cải để sống xứng đáng với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.

Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền bạc sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Nếu trái lại, con người chạy theo tiền của như một cứu cánh trong đời người, nghĩa là con người có thể tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống, thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu với con người.

Khi kể lại dụ ngôn của người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu muốn kéo chúng ta trở lại với chân lý nền tảng trong cuộc sống: hãy chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu. Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy dùng tiền bạc, hãy cư xử thế nào để luôn có những người bạn luôn chờ đón ta trước cổng Thiên Ðàng.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

LẼ SỐNG 11.01

11 Tháng Giêng
Kho Tàng Ẩn Dấu

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màng nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

HOẠT CẢNH GIÁNG SINH

Xem Hoạt Cảnh Canh Thức Giáng Sinh 2010
Mời Vào Đây

LẼ SỐNG 10.01

10 Tháng Giêng
Hạt Giống Của Hy Vọng

Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.

Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.

Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.

Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.

Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.

Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.

Một người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người Hòa Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.

Sao trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHỦ CHĂN ĐẦU XUÂN 2011

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
Thành phố Hồ Chí Minh



Lời Chủ Chăn đầu Xuân 2011


Xây dựng sự hiệp thông trong giáo phận
như chìa khoá loan Tin Mừng hôm nay

Kính gửi linh mục, tu sĩ, giáo dân
trong gia đình giáo phận



Anh chị em rất thân mến,

1. Lời kêu gọi canh tân, đổi mới. Chúng ta bế mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận với tâm tình tạ ơn Chúa vì mọi ơn lành Chúa đã thương ban cho mọi người trong Năm Thánh, đồng thời với lời nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ơn soi sáng và ơn sức mạnh giúp mọi người đáp lời kêu gọi "CANH TÂN, ĐỔI MỚI" của Đại Hội Dân Chúa 2010. Đại Hội Dân Chúa VN 2010 kêu gọi mọi người công giáo Việt Nam hãy canh tân đời sống, đổi mới nếp nghĩ, lối ứng xử và cách làm, nhằm xây mới sự hiệp thông trong Giáo Hội. Môt sự hiệp thông mở đường cho người người bước theo Chúa Giêsu loan Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, cùng đồng hành với Giáo Hội Chúa Kitô chung sức với đồng bào và đồng loại, vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương, trong Thành phố và trên đất nước hôm nay, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

2. Tác nhân đổi mới. Đổi mới lòng người cũng như đổi mới mặt địa cầu là công trình của Chúa Thánh Thần, với sự cộng tác của con người thiện tâm đón nhận ơn Thánh Thần soi dẫn cho mọi người ý thức vượt ra khỏi thói quen, lề lối, khung nếp, công thức bất cập xưa nay, để tìm đường đổi mới, và quyết tâm đổi mới theo như ý Chúa mong muốn và dân Người mong đợi.

3. Tìm đường đổi mới. Hội Nghị giáo phận là việc cần làm, nhằm tạo cơ hội cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận phát huy tình hiệp thông huynh đệ, thống nhất với nhau, một lòng một ý tìm đường đổi mới và quyết tâm đổi mới. Việc chuẩn bị Công Nghị giáo phận đòi hỏi hình thành Ban Trù Bị Công Nghị giáo phận, với phận vụ nghiên cứu Thông Tư của Bộ Giám mục và Bộ Truyền Giáo chỉ dẫn tổ chức Công Nghị giáo phận, và soạn Nội Quy cho việc tổ chức và tiến hành Hội Nghị.

Sau đây là những gợi ý mở đường cho việc chuẩn bị Công Nghị giáo phận :

3.1 Thời điểm : Thứ Hai 21+22+23+24+T.Sáu 25 tháng 11, 2011;
5 ngày, mỗi ngày từ 8:30 đến 12:00 +cơm trưa.

3.2 Địa điểm : Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận.

3.3 Thành phần tham dự :

- LM : ĐCV, TT.MV, mỗi giáo hạt, mỗi Ban Mục Vụ,
- Số linh mục đã dự Đại Hội Dân Chúa 2010
- Tu sĩ : mỗi dòng tu, tu hội,
- Giáo dân : HĐGX, GLV, Ca đoàn, mỗi tổ chức tông đồ giáo dân
- Ban Thư Ký và Ban Mục Vụ Truyền Thông

Tổng số # 250

3.4 Hình thành Ban Thư Ký Công Nghị gồm một số chuyên viên Thần Học, Kinh Thánh, Phụng Tự, Giáo Luật, Mục Vụ, nhằm thu thập ý kiến về canh tân công việc đào tạo nhân sự và huấn luyện mục vụ, canh tân cách sống đạo và cách thi hành mục vụ của các tổ chức giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, đổi mới Chỉ Nam Linh Mục, Quy Chế HĐGX, cách cầu nguyện, những công thức bất cập..., giúp cho gia đình giáo phận ngày càng trở nên Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa lòng dân tộc, Giáo Hội vì loài người. 3.5 Tham khảo ý kiến trong giáo phận. Trong năm 2011, trước khi tiến hành Công Nghị, Ban Trù Bị dựa vào những đề xuất của Đại Hội Dân Chúa 2010 cùng những huấn thị hậu Đại Hội của HĐGM.VN, tổ chức tham khảo ý kiến của từng thành phần linh mục, tu sĩ, các Ban Mục Vụ giáo phận, các tổ chức giáo dân, nhằm chuẩn bị cho các đại biểu đóng góp ý thiết thực cho lộ trình canh tân và đổi mới trong đời sống giáo phận.

4. Hình thành 3 Ban Mục Vụ còn khuyết, hướng đến liên kết các Ban Mục Vụ giáo phận chung sức cùng nhau xây đắp sự hiệp thông trong gia đình giáo phận như chìa khoá chu toàn nhiệm vụ loan Tin Mừng Chúa Kitô trong xã hội hôm nay:

4.1 Ban Văn Hoá công giáo với chức năng soi sáng mở đường cho giáo phận, giáo xứ, dòng tu, hội nhập văn hoá, và vun tưới cho hạt giống Lời Chúa trong truyền thống đạo lý và văn hoá của dân tộc phát triển;

4.2 Ban Công Lý và Hoà Bình : mở đường cho các gia đình và các cộng đoàn tín hữu tổ chức học hỏi và thực thi giáo huấn của Giáo Hội công giáo về xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay;

4.3 Ban Giáo Dục công giáo : mở đường cho mọi cơ sở giáo phận, giáo xứ, dòng tu, đổi mới chương trình đào tạo nhân sự, giáo dục đức tin, huấn luyện mục vụ, hướng đến giúp cho người kitô hữu ngày càng trung thành với Chúa Kitô hơn, Chúa Kitô hội nhập và dấn thân phục vụ, hy sinh và đổi mới, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

5. Cầu nguyện. Bí quyết thành công của Công Nghị giáo phận cũng như của mỗi biến cố và mọi sáng kiến trong Giáo Hội, là lời cầu nguyện. Trong Năm Mới Tân Mão này, xin anh chị em chuyên cần cầu nguyện cho mọi thành phần trong gia đình giáo phận canh tân, đổi mới như ý Chúa mong muốn và lòng dân Người mong đợi. Đặc biệt, xin các gia đình, các giáo xứ, các dòng tu, các tổ chức mục vụ và tông đồ, hãy cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần liên kết mọi người một lòng một ý vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong giáo phận cũng như trong Thành phố hôm nay.

6. Lời chúc mừng Năm Mới. Nhân dịp Xuân về, nguyện xin Cha trên trời thương ban cho mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn trong giáo phận, một năm tràn đầy ơn bình an của Chúa Kitô và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.


Toà Tổng Giám mục Thành phố HCM
Ngày 1.1.2011

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục phụ tá
BẾ MẠC NĂM THÁNH 2010
tại LAVANG


(nguồn : WGPSG)

LẼ SỐNG 09.01

09 Tháng Giêng
Cánh Cửa Sổ

Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh đến, một đài truyền hình bên Phi Luật Tân đều cho trình chiếu một phim ca vũ nhạc kịch mang tựa đề: "Tiếng âm nhạc".

Trong cuốn phim, một nữ tập sinh thủ vai chính mang tên là Maria phải chạm trán với một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hướng đi của cuộc đời cô: Một là tiếp tục đường tu, hai là chấp nhận đóng vai trò làm mẹ của 7 đứa bé mồ côi. Cô đã thốt lên một câu mang đầy ý nghĩa: "Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".

Trong cuộc sống, hàng triệu nguời mang niềm tin Kitô hình như cũng phải đương đầu với những cửa chính bị đóng kín mang nhiều hình thức của: những thử thách, đàn áp, nghi kỵ, thất bại, bệnh tật v.v… Nhưng họ luôn luôn ngẩng cao đầu lên để thưa: "Amen", một lời thưa, một câu nói biểu lộ niềm tin không bao giờ xao xuyến, lung lay bất chấp mọi nghịch cảnh.

Họ có thể so sánh với những vĩ nhân trên thế giới đã từng thực hiện được những kỳ công bất chấp những khó khăn có thể so sánh với những then cài: - Họ giống như văn sĩ John Milton hoàn thành hai tuyệt tác văn chương mang tựa đề là: "Thiên Ðàng đã mất" và "Thiên Ðàng được tìm lại", trong lúc đã sống hoàn toàn trong đêm tối dày đặc, không thấy được một tia sáng mặt trời, không ngắm được các màu sắc sặc sỡ của một cánh hoa cũng như không thể thả hồn theo mộng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, - Họ giống như nhạc sĩ Beethoven sáng tác những khúc đại hòa tấu xuất sắc nhất, kể cả đại khúc giao hưởng thứ 9, trong lúc ông đã không nghe được một tiếng chim hót, một tiếng suối chảy róc rách hay một tiếng khóc của trẻ thơ vì đôi tai ông bị điếc hoàn toàn.

"Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".

Bước vào cuộc sống hằng ngày của năm mới, chúng ta, những người mang niềm tin Kitô, phải khám phá ra những cửa sổ bé nhỏ Thiên Chúa luôn hé mở để cho chúng ta thấy:

Một tia sáng trong những vấn đề chúng ta tưởng là hoàn toàn đen tối. - Một luồng gió mát trong những hoàn cảnh chúng ta tưởng là hoàn toàn ngột ngạt khó thở. - Một tia hy vọng trong những trường hợp chúng ta tưởng là hoàn toàn tuyệt vọng.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A

CON YÊU DẤU CỦA TA
(Mt 3, 13-17)

Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích rửa tội, được gia nhập Giáo hội, đó là ngày trọng đại, tổ chức rầm rộ, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, ca hát tưng bừng, tiệc tùng, nhộn nhịp. Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa khác xa với chúng ta. Đây là cuộc đăng quang khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa, vẻ bề ngoài là khung cảnh ảm đạm, đơn sơ và khiêm tốn xảy ra bên bờ sông Gio-đan, không huy hoàng lộng lẫy, không kèn trống, không tưng bừng nhộn nhịp. Nhưng bên trong là một biến cố vĩ đại, là một sự kiện linh thiêng. Buổi lễ khai mạc sứ vụ này được cử hành bởi tay ông Gioan Tẩy Giả với sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Khi ông Gioan rao giảng sự sám hối, dân chúng lũ lượt đến xin ông làm phép rửa. “Đức Giêsu từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”
(Mt 3, 13). Ông Gioan nhận biết Đức Giêsu là Đấng cứu thế, ông không dám nhận lời đề nghị của Người, nên ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3, 14). Ông nóng lòng muốn công bố cho mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng Messia, Đấng mà muôn dân mong đợi đã đến cứu độ trần gian. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông Gioan rằng: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 13, 15).

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Bản thân Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài là đến gánh tội trần gian. Ngài đã tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám hối. Với tư cách Đấng Cứu Chuộc nhân loại, Ngài muốn hòa mình với loài người tội lỗi để cùng họ sám hối trước mặt Thiên Chúa. Đây quả là thái độ khiêm nhường và đầy tình yêu, một thái độ cần phải có để được tha tội. Vì vậy, Người cũng xếp hàng để lãnh nhận phép rửa thống hối như mọi người.

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa đã khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Tin Mừng cứu độ, kỷ nguyên của yêu thương và tha thứ, kỷ nguyên mà Thiên Chúa ở giữa loài người. Ngài muốn đánh dấu việc bắt đầu cuộc đời công khai của mình bằng hành động sám hối và kết thúc cuộc đời Ngài bằng việc chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Qua sự khiêm nhường đó, Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha và làm dung động đến tận trời cao, nên Người vừa lên khỏi nước thì “Các tầng trời mở ra... Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”
(Mt 3, 16-17).

Khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa sám hối, đã được Chúa Thánh Thần đổi mới, bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, loan báo ơn cứu độ cho muôn dân. Người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích rửa tội cũng được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, được làm con Chúa, được mời gọi đem Tin Mừng tình yêu, mang ơn cứu rỗi đến cho hết thảy mọi người.

Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội chúng ta cũng chết đi cho tội lỗi và sống một đời sống mới trong Chúa Kitô. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”
(Cl 3, 1-4).

Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta trở thành những chi thể, được kết hợp với thân mình là Hội thánh mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta được mời gọi sống công chính theo gương Chúa Giêsu và Hội thánh Người, đi trên con đường Chúa đã đi. Vì đường của Đức Kitô thì dẫn đến sự sống. Đó là đường công chính, là đường tình yêu, con đường khổ giá, là con đường hẹp, con đường khiêm nhu, là con đường của sự sám hối, con đường của từ bỏ: từ bỏ những gì làm cho ta xa Chúa, từ bỏ những gì ngăn cản ta đi trên con đường của Chúa. Từ bỏ ma quỷ và những gì thuộc về chúng, từ bỏ danh vọng địa vị, từ bỏ sự hưởng thụ. Từ bỏ óc bè phái chia rẽ, tính tự cao tự đại, tự cho mình là tốt, là hay, tự cho mình là hơn người để rồi khinh bỉ, chê bai anh em. Từ bỏ những gì làm thiệt hại tới tha nhân cả tinh thần lẫn vật chất. Từ bỏ những việc làm đen tối, tội lỗi xấu xa: tham ô hối lộ, biển lận công quỹ, bóc lột người nghèo, giết người cướp của, phá nhà lấy đất, ăn chơi vô độ, chè chén say sưa, cờ gian bạc lận, gian tham tục tĩu. Loại bỏ những ý nghĩ gian tà, những lời nói nịnh hót, dèm pha, vu oan giáng hoạ, nói xấu người này, lên án người kia, nói sai sự thật. Loại bỏ cả những cái nhìn “cú vọ” soi mói.

Mỗi Kitô hữu là một chi thể trong thân thể của Chúa Kitô, chúng ta hãy nghĩ, hãy nhìn, hãy nói, hãy sống thực thi theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô là “Đầu”, Như vậy, chúng ta trở thành những chi thể lành mạnh và hữu ích trong thân thể màu nhiệm Chúa Kitô. Để sau này chúng ta cũng được Thiên Chúa phán với ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con” như đã phán với Đức Kitô xưa. Nếu không làm theo sự chỉ đạo của Chúa Kitô là “Đầu”, thì chúng ta chỉ là những chi thể bị tổn thương, những tế bào đang bị thối rữa, hay chỉ là những chi thể khuyết tật mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hoàn toàn vô tội, nhưng Chúa đã liệt mình vào hàng tội nhân, đến sông Gio-đan xin ông Gioan làm phép rửa để tỏ lòng sám hối như những con người tội lỗi. Xin cho chúng con hết lòng sám hối để được thứ tha tội lỗi và sống công chính như theo gương Chúa. Để chúng con cũng được Thiên Chúa Cha nói với con: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”.


Jos. Hồng Ân

LẼ SỐNG 08.01

8 Tháng Giêng
Sứ Giả Hòa Bình

Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.

Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.

Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào. Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.

Ngài nói với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi".

Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.

Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.

Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa".

Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.

Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhân kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

CHÚC MỪNG

Cha Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ
Các Đoàn Thể, Các Nhóm Tông Đồ
và Toàn Thể Cộng Đoàn Dân Chúa

GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

Hân Hoan Chúc Mừng Bổn Mạng
(Thánh Alix Leclerc, Đấng Sáng Lập)
DÒNG ĐỨC BÀ


Cầu chúc Nhà Dòng - đặc biệt là Cộng Đoàn Ái Linh, Thuận Phát - qua sự bảo trợ của Đấng Sáng Lập, ngày càng làm cho Chúa được lớn lên còn mình thì nhỏ lại.
Giáo xứ Thuận Phát
06.01.2011

LẼ SỐNG 07.01

07 Tháng Giêng
33 Năm Sau

Với tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.

Câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập giá".

Thất vọng ê chề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".

Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".

Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.

Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.


Trích sách Lẽ Sống