VietCatholic News (13 May 2010 07:16)
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước nửa triệu tín hữu tại Fatima
FATIMA. Nửa triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 cử hành sáng ngày 13-5-2010 tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, nhân dịp kỷ niệm đúng 10 năm Đức Gioan Phaolô 2 tôn phong hai thiếu nhi Phanxicô và Giacinta lên bậc chân phước, ngày 13-5-2000.
Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM và một số HY, đặc biệt ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, SDB, nguyên giáo phận Hong Kong, ĐHY Sean O'Malley, OFM Cap., và 1.500 LM ngồi trước lễ đài.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức rước kiệu tượng Đức Mẹ Fatima, dưới bầu trời nắng đẹp: Đi đầu là thánh giá, tiếp đến là một đoàn người cầm các cờ hiệu của các phong trào và hội đoàn, tiếp đến là hàng trăm GM đồng tế, rồi kiệu hoa tượng Đức Mẹ Fatima được các toán 8 binh sĩ thuộc các quân chủng khác nhau thay phiên nhau vác trên vai. Sau cùng là chiếc xe bọc kính của ĐTC.
Trong số nửa triệu tín hữu đứng đầy quảng trường đặc biệt có Tổng thống Cavaco Silva và phu nhân, cùng với nhiều quan chức chính phủ. Nhiều tín hữu đã đi bộ từ các nơi trong nước Bồ đến đây hành hương và tham dự thánh lễ với ĐTC.
Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến chủ ý cuộc hành hương của ngài, cũng như tính chất thời sự của sứ điệp Fatima:
”Tôi đến Fatima để, cùng với Mẹ Maria và bao nhiêu tín hữu hành hương khác, cầu nguyện cho nhân loại chúng ta đang bị lầm than và đau khổ. Tôi đến Fatima, với cùng tâm tình như chân phước Phanxicô và Giacinta và Nữ Tôi Tớ Chúa Lucia, để phó thác cho Đức Mẹ lời tuyên xưng thâm sâu rằng tôi yêu mến, Giáo Hội, các linh mục yêu mến Chúa Giêsu và muốn chiêm ngắm Chúa, trong lúc Năm Linh Mục đang kết thúc, và để phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các linh mục, những người thánh hiến, nam và nữ, các thừa sai và tất cả những người đang làm điều thiện để làm cho Nhà Chúa trở nên hiếu khách và mang lại phúc lợi cho mọi người.”
ĐTC cũng nói đến ảnh hưởng của Sứ điệp Fatima đối với cuộc sống các tín hữu ngày nay và khẳng định rằng:
”Ai nghĩ rằng sứ mạng ngôn sứ của Fatima đã kết thúc thì thật là sai lầm. Nơi đây, chúng ta thấy gợi lại ý định của Thiên Chúa đang gọi hỏi nhân loại ngay từ thời khởi thủy: ”Người em Abel của người ở đâu?.. Máu của em ngươi đang kêu thấu tới Ta từ đất!” (St 4,9). Con người có thể làm bùng lên cái vòng chết chóc và kinh hoàng, nhưng lại không thể phá vỡ được cái vòng đó.. Trong Kinh Thánh ta thường thấy điều này là: Thiên Chúa tìm kiếm những người công chính để cứu vớt thành thị của con người, và cũng điều ấy cũng xảy ra tại Fatima này, khi Đức Mẹ hỏi các mục đồng: ”Các con có muốn hiến dâng mình cho Thiên Chúa để chịu đựng tất cả những đau khổ Người gửi đến cho các con, để đền tạ tội lỗi người ta đã xúc phạm Người, và cầu xin ơn hoán cải cho các tội nhân hay không?” (Hồi ký chị Lucia, I, 162).
”Với gia đình nhân loại đang sẵn sàng hy sinh những mối liên hệ thánh thiêng nhất của mình trên bàn thờ của sự ích kỷ trắng trợn của các quốc gia, chủng tộc, ý thức hệ, phe nhóm, cá nhân, Người Mẹ phúc hậu chúng ta đã từ trời cao xuống, dâng hy sinh để cấy vào trong tâm hồn của những người phó thác cho Mẹ Tình Yêu của Thiên Chúa đang nồng cháy trong tâm hồn Mẹ. Thời đó chỉ có 3 mục đồng, gương sống của họ đã được phổ biến và gia tăng thành những vô số các nhóm trên toàn trái đất, đặc biệt là qua các cuộc thánh du của Đức Mẹ. Các nhóm tín hữu ấy tận tụy phục vụ cho chính nghĩa tình liên đới huynh đệ. Ước gì thời gian 7 năm, từ nay cho đến dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima này, sẽ đẩy mạnh sự chiến thắng đã được báo trước của Khiết Tâm Đức Mẹ Maria hầu tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh.
Cuối thánh lễ, ĐTC đã đặc biệt ngỏ lời chào thăm anh chị em bệnh nhân và nêu cao giá trị của đau khổ khi được kết hiệp với khổ giá của Chúa Kitô:
”Anh chị em thân mến, trước mắt Thiên Chúa, anh chị em có một giá trị lớn lao đến độ chính Chúa đã nhập thể làm người để có thể chịu đau khổ với con người một cách cụ thể, trong thịt và máu, như trình thuật thương khó của Chúa Giêsu kể lại cho chúng ta. Từ đó, trong mỗi đau khổ của con người đều có một Đấng đi vào để chia sẻ đau khổ và sự chịu đựng, và từ đó trong mỗi đau khổ đều có một sự đồng an ủi của tình thương chia sẻ của Thiên Chúa, và thế là nảy sinh một vì sao hy vọng” (Biển Đức 16, Thông điệp Spe Salvi, 39). Với niềm hy vọng này trong tâm hồn, anh chị em có thể ra khỏi tình trạng ”cát lún” của bệnh tật và sự chết, và đứng trên tảng đá vững chắc của tình yêu Thiên Chúa. Nói khác đi, anh chị em có thể vượt thắng cảm giác về sự vô dụng của đau khổ làm tiêu hao con người trong nội tâm, khiến họ cảm thấy mình là gánh nặng của người khác, trong thực tế, đau khổ khi được chịu đựng cùng với Chúa Giêsu, thì góp phần vào việc cứu độ anh chị em mình”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, hãy đón nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu, Đấng sẽ đi qua gần anh chị em trong bí tích Thánh Thể này và hãy phó thác cho Chúa mọi cơ cực đau khổ mà anh chị em đang gặp, để chúng trở thành phương thế cứu độ cho toàn thế giới, theo kế hoạch của Chúa. Anh chị em sẽ trở thành những người cứu độ trong Đấng Cứu Chuộc, như những người con trong Chúa Con. Cạnh Thập Giá có Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ chúng ta”.
Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 1 giờ trưa, ĐTC ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho các bệnh nhân, rồi ngài đến viếng mộ của hai chân phước Giaxinta và Phanxicô ở bên trong Vương cung thánh đường Đức Mẹ Fatima, trước khi về nhà Camêlô để dùng bữa trưa với các GM Bồ đào nha và các vị thuộc đoàn tùy tùng.
Chiều hôm qua, vào lúc gần 5 giờ giờ địa phương, theo chương trình ĐTC trở lại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi, cũng trong khu vực Đền thánh Đức Mẹ để gặp gỡ các tổ chức mục vụ xã hội của Giáo Hội Bồ đào nha. Đây là những tổ chức lớn, trên bình diện quốc gia, kể cả một số tổ chức không Công Giáo, dấn thân trong các hoạt động từ thiện, xã hội. Cả các nhân viên và cộng tác viên của Đền Thánh.
Sau đó ngài gặp 50 GM thuộc HĐGM Bồ đào nha. Thứ sáu 14-5-2010, là ngày chót trong chuyến viếng thăm 4 ngày của ĐTC Biển Đức 16 tại Bồ đào nha. Ban sáng ngài sẽ giã từ trung tâm Thánh Mẫu Fatima, đáp trực thăng đến thành phố Porto có 240 ngàn dân cư và cách đó 190 cây số ở mạn bắc để viếng thăm nửa ngày. Tại đây vào lúc quá 10 giờ, giờ địa phương, ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Đại Lộ Đồng Minh ở trung tâm thành phố. Sau thánh lễ, vào lúc 2 giờ chiều, ngài sẽ đáp máy bay trở về Roma, dự kiến đến nơi vào lúc 6 giờ chiều.
G. Trần Đức Anh OP
LM. Trần Đức Anh, OP
(nguồn : vietcatholic.net)