Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A (Mt 4, 1-11)

CƠN CÁM DỖ THỰC DỤNG

Sách Sáng Thế Ký hôm nay ghi lại cái thất bại của Nguyên Tổ loài người vì bất tuân Thiên Chúa, rồi nghe và làm theo lời xúi dại của ma quỷ:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 4-7)

Ảnh hưởng, và hình phạt do tội nguyên tổ còn lưu truyền đến chúng ta và muôn đời sau, và chỉ được giải thoát nhờ Chúa Giêsu mà thôi.

Trong Tin Mừng hôm nay (Mt 4, 1-11), Chúa Giêsu cũng đã bị những cám dỗ thực dụng vẫn còn rất thời sự trong thời đại chúng ta: cái ăn, cái quyền, và niềm tin. Ma quỷ tưởng rằng: với bản tính con người, Chúa Giêsu cũng sẽ nhẹ dạ mà sa bẫy của chúng.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh".

Ai cũng cần có cơm bánh để ăn. Đó là một nhu cầu tự nhiên. Nhưng có nhất thiết phải ăn liền khi đang đói không, lại một vần đề cần lựa chọn theo sự khôn ngoan. Món ăn mà ma quỷ đưa ra cho Chúa Giêsu là cái bẫy cho Ngài thực hiện theo ý nó. Nó vẫn biết “Con Thiên Chúa” đang đói. Và Chúa Giêsu có thể thực hiện liền một phép lạ đá biến thành bánh mà ăn ngay. Nhưng điều quan trọng ở đây là: cũng cái cám dỗ về chuyện ăn, nhưng Chúa Giêsu khác hẳn với ông bà nguyên tổ, Ngài đã không làm theo ý của Ma Quỷ. Ngài phán: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".

Khi chiến thắng được cám dỗ về cái ăn, Chúa Giêsu còn chịu cám dỗ về việc phải thể hiện quyền năng thống trị theo lệnh của ma quỷ, rồi cuối cùng, nó cám dỗ Chúa Giêsu chống lại Thiên Chúa.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá".

"Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi".

Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ nhờ một mực tuân theo Lời của Thiên Chúa, là thánh ý, là thánh của Cha, Đấng đã sai Con đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài:

"Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'".

"Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'".

Vâng, trước cái bẫy của Satan, thuở xưa, Adong, nguyên tổ loài người đã lọt bẫy mà phạm tội vì bất phục tùng Thiên Chúa, đã bị án phạt rằng lòng trí ra tối tăm, đau khổ và phải chết. Ngược lại, hôm nay, Chúa Giêsu được sai đến để chuộc lại tội lỗi ấy, Ngài đã chiến thắng nhờ sự tuân phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế” (Rm 5, 19)

Trong cuộc lữ hành của mỗi tín hữu hôm nay, vẫn còn phải đương đầu trước bao cám dỗ thực dụng

Trả lời cho câu hỏi “chúng ta đang sống trong thời đại nào?”, có người nói “chúng ta đang sống trong thời đại “mì ăn liền”.

Có người không chấp nhận, lại nói: “Mì ăn liền có lâu rồi, ít là 500 năm rồi, từ thời có chữ quốc Ngữ. Nghe nè nhé:

“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu”
………
“Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười! (liền)”

Có người khác không chịu, cho rằng “Mì ăn liền có từ thời ông Adong bà Evà”, và dẫn chứng:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra (liền), và các ngươi sẽ (liền) biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn (liền) để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn (liền), rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn (liền). Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 4-7)

Cái bản tính khoái “ăn liền” của ông bà nguyên tổ đã hơn ngàn đời nay rồi, mà vẫn còn ảnh hưởng đến con cháu loài người thời nay, riêng ở Việt Nam, thì cực thịnh.

Cơn cám dỗ thực dụng của thời đại mì ăn liền dẫn con người ta tới chỗ “thỏa mãn liền” những ước muốn rất con người, rất bản năng, mà con người duy vật vẫn cho là tốt, và được cổ xúy cách nào đó.

Được thăng quan tiến chức, phải tính ngay chuyện ăn liền. Nếu không biết, không lo ăn liền, sẽ không còn kịp thời gian vì việc thay ngôi đổi chủ vẫn luôn là một ám ảnh cận kề.

Đối với giới trẻ, cả người đương là sinh viên học sinh, lẫn những bạn không may mắn đến trường, thì khi “Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng”. Và đến khi gặp em, thì tính ngay chuyện “ăn trăng ăn hoa liền”, làm thành một trào lưu “ăn cơm trước kẻng” hay “sống thử” -nói hơi quá là “liền sống thử cách bừa bãi”.

Nếu có những dịch vụ xổ số liền, thì cũng có những nghề lãnh lương liền, không đợi đến tháng. Nếu có nơi chụp ảnh 3 phút lấy liền, thì cũng có những điểm nạo phá thai, 30 phút, xong liền. Nếu có những dịch vụ lo giấy tờ kết hôn 3 giờ, lấy liền, thì cũng có những dịch vụ lo giấy tờ ly hôn cũng 3 giờ, bỏ được liền.

Đời sống đức tin cũng bị ảnh hưởng cách “mì ăn liền” đến độ không ngờ. Đến với Chúa, với Mẹ Maria, với các thánh, người ta cũng cầu xin với tâm thức Chúa làm phép lạ liền liền, yêu cầu Mẹ ban ơn khẩn cấp, yêu cầu các thánh linh hiển ngay trước mắt họ.

Đâu đâu cũng đều phục vụ để thỏa mãn liền những những nhu cầu của con người.

Từ cái nhu cầu thỏa mãn thể xác, dẫn đến nhu cầu tự khẳng định đời mình cho thỏa mãn lòng kiêu ngạo hơn người.

Trong gia đình, ngoài xã hội, và ngay trong giáo hội, cơn cám dỗ kiêu ngạo vẫn hoành hành làm tan tác từ tâm hồn mỗi người đến tan tác cả những cộng đồng tưởng phải là bền vững.

Cái tôi của một thành viên luôn đòi hỏi phải được lớn hơn uy tín của một tập thể, thì còn gì là bền vững. Khi cái tôi được đề cao một cách lầm lẫn với tự do, con người ta lại dùng tự do để củng cố cái tôi mà thống trị kẻ khác.

Và cuối cùng, con đường của người thống trị là phủ nhận Thần Linh “đấng trên đầu trên cổ” vì tự nhận mình là thần linh của vạn vật. Họ bỗng trở nên người vô thần. Kể cả người có đạo, nếu không tỉnh thức trước cơn cám dỗ “coi Trời bằng vung” thì không sớm thì chầy sẽ biến thành người có đạo mà sống cách vô thần, phản nghịch lại Thiên Chúa.

Cả ba cuộc cám dỗ của ma quỷ đều nhắm vào cái khoái thực dụng của con người: có ăn là hạnh phúc, thống trị là tự do, và vô thần là độc lập.

Cơn cám dỗ thực dụng dần dà đưa con người đến chỗ không còn nghĩ đến đời sau, mà chỉ nghĩ đến đời nầy. Đến khi đối diện với “ngày phải đến”, thì không còn ai trở tay kịp nữa. Tất cả đã muộn màng, vỡ mộng: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng”.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mỗi người phải tỉnh thức trước những cơn cám dỗ tinh vi của ma quỷ, để khỏi bị sa bẫy. Và để bảo đảm sự tỉnh thức và chiến thắng cám dỗ, thiết tưởng, phải tuyệt đối tuân theo những chỉ thị của Thiên Chúa, qua việc sống Lời Chúa dạy, đúng theo tinh thần của Tin Mừng, tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng những chước cám dỗ bằng việc chỉ tuân thủ ý của Thiên Chúa Cha mà thôi.

Lạy Chúa, vào mùa chay 40 đêm ngày, tượng trưng cho một hành trình trên dương thế tiến về cõi phục sinh, chúng con luôn phải chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ thực dụng và hấp dẫn. Nguyện xin cho chúng con biết tuân hành thánh ý Chúa để sống và phụng sự chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. A men.

PM. Cao Huy Hoàng
10-3-2011
(nguồn : thanhlinh.net)