“HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN”
“Cha ơi, cha không còn sức làm kinh tế như hồi trai trẻ xuống ruộng lên rừng, nhưng bây giờ, thời gian của cha vẫn kín việc và việc. Những việc ấy, theo cách nói của cha là việc “vô lương” nghĩa là không có lương. Thỉnh thoảng, có người thơm thảo cho cha một chút gọi là “thù lao” không đáng kể. Hôm qua, sau mấy ngày công việc xa, trên đường về, cha ghé lại Sàigòn, thăm chị em và đưa cho con hai triệu rưỡi. “Hãy cầm lấy mà lo tiền nhà, tiền điện nước tháng nầy nghe con. Cha mới nhận bì thư được ba triệu. Còn năm trăm đem về cho mẹ và út”. Mỗi lần cha ghé vào thăm là mỗi lần chị em con được nghe “hãy cầm lấy… ít đồng”. Con đã hỏi cha: “Sao cha không đổi cách nói khác đi, lúc nào cũng nghe “hãy cầm lấy”. Em con, bé P, sinh viên năm hai, đi họp nhóm Sống Lời Chúa ở Nhà Thờ Xóm Thuốc về, nó phát hiện ra điều gì hay hay lạ lạ, nói: “Em biết cha mình rồi. Cha thích câu “Hãy cầm lấy mà ăn” của Chúa Giêsu”. Giờ con mới hiểu ra, cha mẹ là tấm bánh bẻ ra nuôi chúng con ăn học. Con cảm ơn cha mẹ”.
Tôi bỗng dưng vui vì đoạn nhật ký cho tôi liên tưởng đến Thánh Lễ giữa cuộc đời của những Giáo Dân không làm Linh Mục Thừa Tác. Họ không cầm lấy bánh, không cầm lấy chén rượu mà đọc lời chúc tụng hay truyền phép cho bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu, nhưng họ cầm chính mạng sống mình mà tế lễ mỗi ngày trên khắp nẻo đường dương thế.
Từ rất sớm, khi thành phố còn ngủ giấc bình yên, thì có những người đã “cầm chiếc bánh đời mình” từ ven ô lên phố chợ: Một xe rau, một thồ cây trái, một giỏ hàng đủ loại. Muộn hơn tí, có người đẩy chiếc xe cháo lòng, xe hủ tíu, người đạp xe bánh giò bánh chưng, người đạp xe bắp luộc, người quảy gánh bún giò, người quảy gánh chè xôi nước… để kiếm cho con cái ăn, cái mặc, cái chữ… Họ “dâng lễ” từ sáng sớm đến mịt tối. Khi phố đã lên đèn, vẫn còn nghe tiếng rao chè xôi cuối ngày ế ẩm. Cả khi thành phố chìm vào giấc ngủ, vẫn còn kia tiếng gõ xe hủ tíu khuya khoắt mỏi mòn ! Họ “dâng lễ đời mình” cho con cái họ được sống.
Nói là họ dâng lễ, họ tế lễ đời mình có hàm hồ quá chăng ? Vâng, có thể là như thế. Vì rằng, ai cũng tất tả kiếm cái ăn cho mình, cho gia đình, cho con cái, nhưng ý thức “việc đánh đổi đời mình lấy cái ăn cho con như là một Thánh Lễ”, thì hẳn là hiếm hoi !
Biết bao cha mẹ không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, sợ lộng ngôn vô phép, nhưng họ đã tận hiến đời mình cho con từ thuở thanh xuân cho đến thời tàn tạ. Biết bao người không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng âm thầm mục nát đi cho cây lúa đời con từ xanh non đến ngày kết muôn bông hạt vàng. Biết bao người không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng đã hy sinh cả cuộc đời mình để người khác được sống. Mỗi người đều như đang cử hành Hy Lễ đời mình ngay trong nhà mình, ngay trên đường đời.
Cách đây hơn 37 năm, hẳn là Linh Mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung (nay là Giám Đốc Chủng Viện Nicolas Phan Thiết) đã suy tư thấu đáo về Thánh Lễ trong cuộc đời của mỗi tín hữu, khi viết ca từ thật thâm thúy trong bài ca dâng lễ và Linh Mục Giacôbê Ánh Đăng đã phổ nhạc: “Trên đĩa thánh cuộc đời, Chúa ơi, con xin dâng tấm bánh này cuộc sống. Trong chén thánh cuộc đời Chúa ơi, con xin dâng hết hy sinh trong đời” (bài Thánh Ca “Trên Đĩa Thánh”).
Nhân lễ Mình Máu Thánh Chúa, cùng với Lời Chúa "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta" (Mc 14, 22), ước gì, mỗi người làm cha mẹ cũng sẽ trao cho con “tấm bánh đời mình” với ý nghĩa tế hiến chính cuộc đời mình làm nên cuộc đời con cái. Và ngược lại, con cái cũng sẽ ý thức rằng chúng ta đang sống nhờ chính thịt máu của cha mẹ.
Ước được như vậy, là ước mọi người cụ thể sống mầu nhiệm Thánh Thể ngay trong nhà mình.
Gia đình sống được nhờ rước lấy Thánh Thể Chúa Giêsu, để Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hình thành nơi mỗi người một nhân cách mới: nhân cách tận hiến cho nhau để tất cả cùng nhau được sống.
Gia đình sẽ trở nên bàn thờ sống động vì nhờ kết hiệp với Lễ Tế Chúa Giêsu mà những đau khổ, những hy sinh trong đời, sẽ trở thành lễ dâng ý nghĩa và đẹp lòng Thiên Chúa. “Trên đĩa thánh cuộc đời, Chúa ơi, con xin dâng tấm bánh này cuộc sống. Trong chén thánh cuộc đời Chúa ơi, con xin dâng hết hy sinh trong đời”.
Gia đình sẽ trở nên bàn tiệc Thánh Thể khi mỗi người trao cho nhau những nỗ lực của mình để cho nhau được sống và sống an bình hạnh phúc.
Như vậy, Lời Chúa truyền dạy “Hãy cầm lấy mà ăn” và việc Chúa hy sinh dâng hiến đang thực sự diễn ra mỗi ngày ngay trong gia đình chúng ta.
Xa hơn tí nữa, nếu đã có một gia đình sống mầu nhiệm Thánh Thể với việc cử hành Thánh Lễ trong gia đình, thì thiết nghĩ, với vốn liếng tận hiến quí giá ấy, mỗi người sẽ không ngần ngại bẻ tấm bánh đời mình ra cho các gia đình khác nữa, cho lối xóm, cho những người chung quanh, cho mọi người.
Một gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hay gặp chuyện bất trắc ập đến, các gia đình khác xúm lại giúp đỡ sẻ chia. Nhưng giá trị của việc sẻ chia ấy hẳn phải dựa trên ý nghĩa hơn là tiền bạc, dựa trên phẩm hơn là lượng. Tôi vẫn tin rằng mỗi việc bác ái của chúng ta, nếu được thực hiện với ý nghĩa “bẻ bánh”, nhờ động lực tình yêu Thánh Thể thôi thúc, thì hẳn là một việc có giá trị trước mặt Chúa lắm. Từ Thánh Lễ trong gia đình đến Thánh Lễ trong làng xóm, hẳn cũng không khác nhau khi mỗi chúng ta đã được Thánh Thể Chúa Giêsu hình thành một nhân cách mới: nhân cách tận hiến cho nhau để tất cả cùng nhau được sống.
Xin tri ân những hy sinh của cha mẹ, không chỉ vì trách nhiệm với con cái, mà còn vì cha mẹ đang muốn con cái “hãy cầm lấy cuộc đời cha mẹ mà ăn, mà sống”.
Xin tri ân những hy sinh của mọi người, không chỉ vì tình làng nghĩa xóm, mà còn vì ý thức sống mầu nhiệm Thánh Thể giữa đời: “Hãy cầm lấy mà ăn”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tri ân Chúa Giêsu Thánh Thể, đấng duy nhất chỉ ra cho con người con đường hạnh phúc: con đường tận hiến cho nhau, con đường hy sinh mạng sống cho nhau, con đường chết đời mình đi để người mình yêu được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con cũng biết bẻ tấm bánh đời mình ra cho mọi người. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 2.6.2012
(tinmung.net)