Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

PHỎNG VẤN ĐỨC TÂN GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN VINH

Phỏng vấn Tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Giám Mục phụ tá Giáo phận Vinh

 Ngày 15/6/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Tổng Đại Diện Giáo phận Vinh làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh. Đức Cha Phêrô năm nay 48 tuổi, làm linh mục hơn 14 năm, đã từng du học tại Úc và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo phận Vinh. Ngài sẽ thụ phong Giám mục vào ngày 04/9 tới đây. Thông tấn xã Vietcatholic xin được phỏng vấn ngài nhân dịp này.

PV. Kính thưa Đức Cha, chúng con xin chúc mừng Đức Cha. Xin Đức Cha cho độc giả Vietcatholic biết đôi nét về tình hình giáo phận Vinh, một giáo phận có truyền thống Đức Tin kiên vững.

(1) Về địa lý: Giáo Phận Vinh bao gồm 3 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình); phía Bắc của Giáo Phận Vinh là tỉnh Thanh Hóa, phía Nam là tỉnh Quảng Trị, phía Đông là biển Đông, phía Tây là nước Lào; diện tích Giáo Phận Vinh khoảng hơn 30.000 km2; chiều dài từ ranh giới phía Bắc tới ranh giới phía Nam khoảng 400 km;

(2) Về dân số: Khoảng hơn 500.000 người là Công Giáo, chiếm hơn 10% dân số của 3 tỉnh;

(3) Về điều kiện sống: Giàu thì không có, nghèo thì triền miên! Phần lớn người dân của 3 tỉnh thuộc Giáo Phận Vinh làm nghề nông; khí hậu thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi;

(4) Về đời sống đạo: Hạt giống đức tin Kitô Giáo gieo vào lòng đất Nghệ - Tĩnh – Bình khoảng 400 năm về trước. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh vẫn luôn gìn giữ và làm cho hạt giống đức tin Kitô Giáo sinh nhiều bông hạt trên miền đất vốn cằn cỗi này.

PV. Thưa Đức Cha, giáo phận Vinh rộng lớn và rất đông giáo dân. Nhưng sự hiệp thông trong giáo phận thật đáng thán phục. Theo Đức Cha, đâu là những yếu tố góp phần vào sự hiệp thông ấy?

Một số yếu tố góp phần vào sự hiệp thông của Giáo Phận Vinh:

(1) Giáo Phận Vinh hình thành và lớn lên từ đau khổ: Sự hiệp thông của các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh đặt nền tảng trên nội dung đức tin Kitô Giáo và kinh nghiệm của một Giáo Hội đau khổ triền miên. Sự hiệp thông này phần nào diễn tả điều mà Tertullian (sống vào cuối thế kỷ thứ 2 và đầu thế kỷ thứ 3 AD) nói rằng “máu các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh Giáo Hội”. Trong cảnh đau thương, khó khăn, nghèo khổ xem ra con người biết sống hiệp thông, yêu thương, và giàu nhân tính hơn;

(2) Sự gần gũi về văn hóa và điều kiện xã hội: Các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh khá gần nhau về văn hóa, ngôn ngữ, và điều kiện sống;

(3) Coi trọng giá trị gia đình: Đa số các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh sống ở nông thôn, nơi các giá trị gia đình luôn được duy trì và phát triển. Hơn nữa, mọi người trong các giáo xứ, giáo họ luôn ý thức về căn tính và vai trò của mình trong giáo xứ, giáo họ;

(4) Ít chịu ảnh hưởng của truyền thông thông tin độc hại: Phần lớn các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh ít tiếp xúc với lối sống thành thị và ít có phương tiện thu nhận hay truy cập các thông tin độc hại; (

5) Sự cộng tác tích cực của các thành phần Dân Chúa: Khoảng 3000 người sống đời độc thân dâng hiến và hàng chục ngàn người tham gia các hội đoàn (chẳng hạn: Dòng Ba Phanxicô, Dòng Ba Đa Minh, Legio Mariae, Têrêsa, Khôi Bình…)

PV. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha vui lòng chia sẻ với chúng con về những sứ vụ mà Đức Cha đã đảm nhận, cũng như một vài thao thức, ưu tư khi Đức Cha đón nhận sứ vụ mới.

(1) Một số công việc đã thực hiện: Sau khi chịu chức linh mục (1999), tôi được gửi đi du học ở Australia (2000-2009), về lại Giáo Phận Vinh và sống tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh vào cuối 2009: Được bổ nhiệm là Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện Vinh Thanh (niên khóa 2010-2014), Giám Học Đại Chủng Viện Vinh Thanh, đồng thời dạy một số môn thần học (từ năm 2010 đến nay); được bổ nhiệm là Tổng Đại Diện Giáo Phận Vinh (từ năm 2010 đến nay).

(2) Một số thao thức:
(1) Làm sao để các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh phát huy hơn nữa tinh thần hiệp nhất với nhau trong niềm tin cũng như các công việc khác;
(2) Làm sao để các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh ý thức hơn nữa về việc loan báo Tin Mừng trong môi trường sống của họ;
(3) Làm sao để các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh vừa biết sống hiệp thông với những anh chị em cùng niềm tin, vừa biết sống hòa hợp với những anh chị em không cùng niềm tin;
(4) Bằng cách nào để các thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận Vinh ý thức hơn vai trò ‘nhân chứng’ của mình nhằm làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

PV. Theo chúng con được biết, Đức Cha luôn quan tâm đến mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Về khía cạnh thể hiện niềm tin, có lần Đức Cha nói “tiếng nói chung của các giáo phận trong những vấn đề dân sự cần xuất hiện với tần suất cao hơn”. Đức Cha có thể cho chúng con biết thêm những ưu tư của Đức Cha về khía cạnh này?

Các giáo phận chính là các Giáo Hội Địa Phương đúng nghĩa nhất. Các giáo phận thể hiện chính căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập, được Chúa Thánh Thần thánh hóa và sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Một mặt, Giáo Hội không đồng hóa mình với bất cứ thể chế chính trị, xã hội, hay phe nhóm nào. Mặt khác, Giáo Hội không thể bất động trước những bất cập, bất công, bất bình đẳng gây nên bởi các thể chế chính trị, xã hội hay phe nhóm. Tin Mừng Cứu Độ mà Giáo Hội có sứ mệnh loan báo bao gồm việc làm cho con người ngày càng sống đúng hơn với phẩm giá của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, và là anh chị em với nhau.

Tiếng nói chung của các giáo phận trong việc làm giảm thiểu các tiêu cực trong xã hội dân sự, đồng thời, làm tăng thêm sự nhận thức về việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn luôn là cần thiết. Hơn nữa, các giáo phận không chỉ có ‘tiếng nói chung’ mà còn ‘làm việc chung’ nữa. Sự hòa hợp giữa nói và làm luôn cần thiết cho con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Điều cần quan tâm nhất đó là ‘tiếng nói chung’ và ‘làm việc chung’ phải đặt nền tảng trên các giá trị Tin Mừng chứ không phải trên những thiên kiến của cá nhân hay tập thể. ‘Tiếng nói chung’ và ‘làm việc chung’ của các giáo phận sẽ là động lực căn bản cho các tín hữu thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội dân sự, đồng thời góp phần làm cho các giá trị Tin Mừng được thấm nhập tất cả các chiều kích của cuộc sống con người.

PV. Xin Đức Cha cho độc giả biết về khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức Cha và xin Đức Cha giải thích ý nghĩa của khẩu hiệu, huy hiệu ấy.

Khẩu hiệu tôi chọn lấy từ câu nói của Đức Giêsu Kitô với các môn đệ của mình trong Ga 14,27 rằng “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Câu đầy đủ của Ga 14,27 là “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Bình an mà Đức Giêsu Kitô ban cho các môn đệ xưa cũng như những ai tin tưởng và thực thi giáo huấn của Người qua dòng thế kỷ không phải là thứ bình an chóng qua tạm bợ mà thế gian có thể ban tặng, nhưng là sự bình an đích thực nhất. Bình an mà Đức Giêsu Kitô ban tặng là chính Người chứ không phải là thứ gì đó bên ngoài Người. Đức Giêsu Kitô chính là Hoàng Tử Bình An được tiên tri Isaia loan báo trong Cựu Ước. Để đem lại bình an đích thực nhất cho toàn thể nhân loại, Hoàng Tử Bình An đã mang lấy sự bất an nhất của nhân loại, đó là sự chết. Nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, toàn thể nhân loại và vũ trụ được đổi mới theo lộ trình tình yêu và bình an của Thiên Chúa.

Biểu tượng huy hiệu mà tôi chọn là con thuyền chồng chềnh trên sóng biển và con chim bồ câu ngậm cành Ô-liu. Biểu tượng này gợi lên trong chúng ta con thuyền của gia đình Nô-ê và con chim bồ câu ngậm cành Ô-liu báo hiệu lũ lụt chấm dứt trong Sách Sáng Thế. Biểu tượng này cũng gợi lên trong chúng ta con thuyền của gia đình Giáo Hội và con chim bồ câu ngậm cành Ô-liu, biểu tượng Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục công trình của Đức Giêsu Kitô, Hoàng Tử Bình An. Sự bình an của Giáo Hội được định dạng theo sự bình an của chính Hoàng Tử Bình An (bởi vì Giáo Hội là bí tích của Hoàng Tử Bình An), nghĩa là sự bình an giữa phong ba bão táp và thăng trầm của thế giới. Sự bình an viên mãn của Giáo Hội chỉ có thể đạt được khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật ‘dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô’, Hoàng Tử Bình An, trong trời mới đất mới.

PV. Chúng con xin cám ơn Đức Cha, kính chúc Đức Cha được đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.
 
Gioan Lê Quang Vinh
(VietCatholic News)