SỰ KỲ DIỆU CỦA NGÔN NGỮ CON NGƯỜI
Nhìn ngắm vũ trụ thiên nhiên, ta thấy có biết bao điều kỳ diệu mà chúng ta không thể hiểu, không thể giải thích được được. Cũng vậy, khi suy gẫm về chính mình, mỗi người cũng nhận thấy nơi mình có rất nhiều điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho. Một trong những điều kỳ diệu nơi con người là ngôn ngữ. Trong giới hạn của bài viết này, mời các bạn cùng với người viết tìm xem ngôn ngữ của con người kỳ diệu như thế nào.
Trước hết, ta phải nhìn nhận rằng, ngôn ngữ trên thế giới này thật phong phú. Không ai biết được thế giới này có bao nhiêu thứ ngôn ngữ. Có người nói rằng: “Có bao nhiêu quốc gia thì có bấy nhiêu ngôn ngữ”. Nhưng thử hỏi, chỉ tại Việt Nam thôi, ngôn ngữ cũng đã phong phú rồi. Mỗi tộc người có một ngôn ngữ riêng. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, tương đương với 54 ngôn ngữ. Mỗi miền có một cung giọng khác nhau, Bắc – Trung – Nam. Mỗi địa phương lại có phương ngữ khác nhau. Cung giọng của người Huế khác với cung giọng của người Quảng Trị. Cung giọng của người Quảng Nam thì khác với cung giọng của người Nam Định, cung giọng của người Hà Nội khác với cung giọng của người Sài Gòn…. Đó là chưa nói tới tất cả các nước, các vùng miền, các tộc người trên thế giới này. Thêm vào đó, mỗi người lại sở hữu một âm giọng khác nhau. Con nít thì có âm giọng khác với người lớn. Nam với nữ cũng khác nhau. Tuy mỗi người có cung giọng khác nhau là thế, nhưng khi ta quen và thân thiết với ai thì ta có thể nhận ra người thân của mình qua giọng nói cách dễ dàng.
Không nói thì ai cũng biết, ngôn ngữ là phương tiện để diễn tả, truyền đạt ý tưởng. Thế nhưng ngôn ngữ không thể diễn tả hết ý tưởng. Vì thế mà con người có nhiều cách thức để diễn tả ý tưởng của mình. Ngoài hình thức chính là tiếng nói, chữ viết thông thường, con người chúng ta còn có nhiều cách thức khác rất phong phú. Khi nói chuyện, giao tiếp, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ của cơ thể như: khua tay múa chân để nhấn mạnh đến nội dung, điều ta muốn diễn tả. Điều này thường thấy nơi những nhà hùng biện, thuyết giảng. Có người thì gật đầu, lắc đầu, nheo mày, nhăn mặt hay nháy mắt thì người kia cũng hiểu được. Với những người khiếm thính thì khác. Họ phải dùng ngôn ngữ ký hiệu hay còn gọi là thủ ngữ. Tuy diễn tả hơi khó khăn nhưng họ vẫn có thể hiểu nhau được.
Một khía cạnh khác mà ta cũng nên lưu ý về ngôn ngữ của con người. Đó là giá trị mà nói mang lại quả là lớn lao. Bởi vì một lời nói có thể đem lại hạnh phúc, tăng thêm niềm vui cho người nghe, nhưng nó cũng có thể làm cho người nghe phải buồn và thất vọng. Có người khi nói ra tạo cho người nghe sự thân thiện, tin tưởng. Nhưng cũng có người khi nói ra thì khiến cho người nghe phải khó chịu. Nhiều cuộc chiến tranh xảy ra hay những mối tương giao thân thiện giữa nước này với nước khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác đều do lời nói mang lại. Tình cảm bạn bè thêm thân thiết hay không, một phần cũng do lời nói mang lại. Trong gia đình cũng thế, gia đình có đầm ấm, hạnh phúc hay không thì lời nói có vai trò rất lớn trong việc này. Vì thế mà dân gian mới có câu tục ngữ: “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Qua những điểm vừa chia sẻ, hy vọng chúng ta sẽ luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác với những lời nói của mình. Nếu mỗi người đều tìm cách để mang lại niềm vui cho người khác thì thế giới này không còn ai phải buồn khổ nữa. Như Đức Hồng Y Thuận đã nói: “mỗi người một việc tốt, mỗi ngày một việc tốt thì thế gian này không còn việc xấu để chen chân”.
Giuse Nguyễn Vĩnh
Khóa 6 ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc
(VietCatholic News)