Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN I MÙA VỌNG. Thánh Anrê, Tông đồ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 30.11.2020


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 29.11.2020


BAN MỤC VỤ THÁNH NHẠC TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: NGÀY HỘI THÁNH NHẠC LẦN THỨ 7

Ban Mục vụ Thánh nhạc (Ban MVTN) Tổng Giáo phận Sài Gòn đã tổ chức “Ngày hội Thánh nhạc lần thứ 7” vào lúc 8g thứ Bảy ngày 28.11.2020 tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.

Tham dự Ngày hội Thánh nhạc có khoảng 550 người, gồm có:

- Ban MVTN: Linh mục (Lm) Rôcô Nguyễn Duy - Trưởng Ban, Lm Anrê - giáo sư, Lm Giuse Nguyễn Hoàng Chương, Nhạc sĩ (Ns) Phanxicô, Ns P. Kim, Ns Anh Tuấn, Ns Minh Tâm, Ns Tiến Linh, Ns Ngọc Linh, Ns Việt Khôi.

- Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (Đức TGM Giuse), các linh mục, tu sĩ, dòng tu, các anh chị em phụ trách ca đoàn, ca trưởng và các ca viên của hơn 200 giáo xứ.

Lý do và mục đích của ngày Hội:

- Để các ca đoàn chuẩn bị Đón Mừng Lễ Giáng Sinh 2020 thật sốt sắng,

- Để các Ca trưởng tìm hiểu chọn bài hát đúng ý Giáo hội dạy.

- Để lần đầu tiên Đức TGM Giuse gặp gỡ các anh chị em hoạt động Thánh nhạc trong Giáo phận.

Hội nghị

Mở đầu Hội nghị Thánh nhạc, Lm Rôcô - Trưởng Ban, Chủ tọa Hội nghị - đã gởi lời chào đến tất cả các tham dự viên, khai mạc ngày hội và công bố Lời Chúa.

Sau đó, Lm Rôcô đã trình bày về “Việc chuẩn nhận các bài Thánh ca”. Để được chuẩn nhận, các bài thánh ca dùng trong phụng vụ phải có đặc tính căn bản: "Bài ca phải thánh và phải là nghệ thuật đích thực. Bài ca càng liên kết chặt chẽ với các động tác phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Bài ca phải có nghệ thuật nghĩa là có giá trị cả về nhạc lẫn lời ca". (Số 114 văn kiện Hướng dẫn MVTN). Thẩm quyền chuẩn nhận xem số 115.

Sau đó, nhiều tham dự viên đã đặt câu hỏi về những bài hát nào được chuẩn nhận (Imprimatur) hát trong phụng vụ, những thắc mắc về lời, về nhạc của bài hát và về sự thay đổi nhạc trong bộ lễ. Có người đề nghị Ban MVTN lập trang web để đưa những bài được chuẩn nhận hoặc những bài có sự thay đổi về lời, nhạc…Tất cả câu hỏi đều được Lm Rôcô và Ns Phanxicô giải đáp và còn lưu ý thêm: "Bài hát trong phụng vụ phải phù hợp với chủ đề ngày lễ, chủ đề Mùa phụng vụ, phù hợp ngôn ngữ".

Sau cùng, Lm Rôcô đề nghị mọi người xem lại tập tài liệu “Việc chuẩn nhận các bài thánh ca”, đã phát cho các tham dự viên, cũng như xem lại Văn kiện hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 10g15.

Đức Tổng Giám Mục Giuse ban huấn từ
 

 
Vào lúc 10g30, Đức TGM Giuse đã gặp gỡ và ban huấn từ. Các tham dự viên đã hát chào mừng Đức TGM Giuse. Sau đó, Ban hợp xướng Piô X đã trình bày ba bài thánh ca:
  1. Để Chúa đến (sáng tác: Nguyễn Duy, hòa âm: Tiến Linh).
  2. Ôi Tình Yêu Chúa (sáng tác và hòa âm: Tiến Linh).
  3. Tình Chúa trung kiên (sáng tác: Đức TGM Nguyễn Năng )
Kết thúc phần hát, Lm Rôcô đã giới thiệu các thành phần tham dự, ca đoàn Piô X, cũng như các thành viên trong Ban MVTN với Đức TGM Giuse: "Ca đoàn Piô X - trực thuộc Ban Thánh nhạc TGP Sài Gòn - quy tụ khoảng 60 anh chị em và hơn 20 em thiếu nhi. Một số anh chị em là giảng viên thanh nhạc, sinh viên nhạc viện TP. HCM. Ca đoàn được Ns Lý Hoàng Kim và Ns Tiến Linh dẫn dắt.

Sau đó, Đức TGM Giuse đã gởi lời chào đến mọi người với lời cầu chúc Hội nghị sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho tất cả tham dự viên. Ngài cũng cảm ơn các linh mục, Ban MVTN, các ca trưởng, ca viên - những người đã tham gia vào sinh hoạt thánh thiêng, phục vụ trong phụng vụ.

Ngài cho biết, ngài về TGP Sài Gòn hơn một năm, sau khi đi thăm một số giáo xứ ngài có các ghi nhận như sau:
  • Trên nguyên tắc, thánh nhạc là thành phần phục vụ cho phụng vụ, vì vậy phải đưa bài hát đúng nghĩa vào phụng vụ, tức là sử dụng những bài thánh ca đã được chuẩn nhận (Imprimatur).
  • Một bài hát hay, ngoài kỹ thuật còn phải có tâm tình cầu nguyện. Các ca viên phải là người tham dự, lắng nghe Lời Chúa, lời giảng dạy để giữ sự linh thánh trong phụng vụ. Ngoài ra, đàn và hát giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên tới Chúa nên khi sử dụng đàn, nhạc cụ trong phụng vụ phải phù hợp. Cụ thể, phong cầm chính là nhạc cụ đặc trưng trong phụng vụ.
  • Một vài giáo xứ đã sử dụng bộ lễ không phải là văn bản phụng vụ được chấp thuận.
  • Phục vụ với tinh thần siêu nhiên, phải phục vụ vì Chúa và không đòi quyền lợi. Các cha xứ quan tâm đến ca đoàn là chính đáng, nhưng đừng vì vật chất mà mất đi tính cao cả của phục vụ.
Bên cạnh đó còn phải có sự hiệp thông. Các ca đoàn trong giáo xứ phải đoàn kết với nhau cũng như đoàn kết với các đoàn thể khác.

Kết thúc huấn từ, Đức TGM Giuse cầu chúc: “Xin Chúa ban cho chúng ta sự thánh thiện, lòng đạo đức, sốt mến để hát vì “Hát là cầu nguyện hai lần”. Sau hết, xin Chúa trả công bội hậu cho anh chị em, cho gia đình được bình an, hát ngày càng hay để góp phần phục vụ giáo xứ.”

Nối tiếp, Lm Rôcô đã thay mặt các tham dự viên cảm ơn Đức TGM Giuse và cầu xin Chúa ban cho Đức TGM ơn khôn ngoan, sức mạnh để dẫn dắt Giáo phận.

Hội thảo kết thúc lúc 11g15 với phép lành của Đức TGM Giuse và bài hát “Này chính Chúa đã sai tôi đi”.

Sau đó, mọi người lần lượt chụp hình lưu niệm với Đức TGM Giuse.

Được biết, mỗi tham dự viên được Ban MVTN trao tặng ba cuốn sách: “Việc chuẩn nhận các bài thánh ca”, “Thánh ca” và cuốn “Những điều kỳ diệu của Lộ Đức” do cha Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân – tác giả, gởi tặng Hội nghị.

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CỬ HÀNH THÁNH LỄ VỚI CÁC TÂN HỒNG Y


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 29.11.2020


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

TRỰC TIẾP CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT "GÁNH NHAU TRONG ĐỜI"

 

TRỰC TIẾP CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT 
"GÁNH NHAU TRONG ĐỜI"

Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ (26.11.2020) - Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức một chương trình nghệ thuật rất công phu và đặc sắc, để cùng chung tay tái thiết cuộc sống sau bão lũ cho đồng bào miền Trung.

Chúng tôi sẽ trực tiếp chương trình này tại Fanpage Facebook của Hội đồng Giám mục Việt Nam: https://www.facebook.com/hdgmvietnam vào lúc 19h30 thứ Sáu ngày 27.11.2020. Rất mong mọi người quan tâm theo dõi!
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN 2020

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 27.11.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA, 27.11.2020

Bắt đầu lúc 15g00 Thứ Sáu, ngày 27.11.2020


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 27.11.2020


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 26.11.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN 2020

Bắt đầu lúc 18g00 Thứ Năm, ngày 26.11.2020


SỐNG PHỤNG VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH

 

SỐNG PHỤNG VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH

Vương Nghi và Giuse Nguyễn
WHĐ (26.11.2020) - Giáo hội Công giáo sắp bắt đầu một năm phụng vụ mới.

Hằng năm, các tín hữu đều được nhắc nhở rằng Phụng vụ là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Giáo hội, do cộng đoàn các thành viên của Giáo hội cử hành, để tưởng nhớ tới Đức Kitô và công cuộc Cứu độ Người đã thực hiện, nhờ đó hiện tại hoá giá trị cứu độ của các cử chỉ của Người vì sự thánh hoá của các tín hữu.

I. NĂM PHỤNG VỤ

1. Lịch sử và ý nghĩa năm phụng vụ

Công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trải dài trong thời gian từ tạo thiên lập địa cho tới ngày cùng thế tận và trong phụng vụ của Giáo hội, được tưởng nhớ và cử hành trong chu kỳ hàng năm với những mùa, những ngày lễ đưa người tín hữu và cộng đoàn từng bước đi vào sự hiệp thông với hành động cứu độ này của Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô: việc Người sinh ra (Giáng Sinh, cái chết và sự Phục sinh của Người và việc Người ban Thánh Thần (Hiện Xuống), việc Người sẽ đến như Người đã hứa.

Năm phụng vụ, khởi đầu với mùa Vọng gồm bốn chúa nhật, khởi đầu với chúa nhật cuối tháng mười một tới ngày 25/12, lễ Giáng sinh, và mùa Giáng sinh kéo dài từ lễ Giáng sinh tới hết ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chấm dứt thời kỳ Chúa Giêsu sống đời sống ẩn dật tại Nazareth, mở đầu sứ vụ công khai của Người. Sau đó là mùa thường niên, giai đoạn một, từ sau lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tới thứ Tư lễ Tro mở đầu mùa Chay chuẩn bị đại lễ Phục sinh, với tuần thánh, với ba ngày thánh tưởng nhớ một thực tại vô cùng đặc biệt: Đức Kitô vượt qua cái chết đến sự sống nhờ đó đem lại sự sống mới cho những ai tin vào Người. Mùa Phục sinh kéo dài từ lễ Phục sinh đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau lễ Hiện xuống là mùa thường niên, giai đoạn hai, kéo dài tới lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm phụng vụ. Năm phụng vụ kết thúc với viễn tượng về ngày Chúa quang lâm.

Phụng vụ cũng không quên gợi lại hình ảnh những con người đã làm rạng rỡ sự Thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc đời được cứu độ của các ngài với các ngày lễ kính các thánh được mừng vào những ngày nhất định trong năm.

Phụng vụ với những giờ kinh được đọc vào những khoảnh khắc khác nhau -sáng, trưa, chiều, tối- cũng đã muốn ghi dấu ấn của lịch sử cứu độ trên bước đi hàng ngày của thời gian.

Lịch phụng vụ đã được triển khai dần dần trong lịch sử. Việc tu chỉnh lần cuối cùng diễn ra vào năm 1969 tiếp nối công cuộc cải cách phụng vụ bắt đầu tại Công đồng Vatican II.

Các mùa và ngày lễ trong năm phụng vụ được cử hành với các mầu sắc khác nhau của lễ phục và trang trí gợi lại những tâm tình và bầu khí do ý nghĩa của việc cử hành gợi lên: mầu tím của mùa Vọng và mùa Chay; màu vàng của ngày Giáng sinh và Phục sinh, mầu trắng của những ngày lễ quan trọng khác trong năm, mầu xanh của mùa thường niên, mầu đỏ, mầu của tình yêu và tận hiến, của Đức Kitô và các thánh tử đạo, được sử dụng vào lễ các thánh tử đạo, chúa nhật lễ Lá, thứ Sáu thánh, lễ Trái Tim và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Một lần duy nhất trong năm chủ tế mang phẩm phục mầu hồng, đó là vào chúa nhật thứ ba mùa Vọng, chúa nhật “Laetare”, một thoáng niềm vui giữa màu Tím chờ đợi. Trước đây, còn sử dụng mầu đen, mầu của tang tóc, nhưng nay, mầu đen được thay thế bằng mầu tím, kể cả trong lễ tang. Niềm hy vọng sống lại vẫn chiếu sáng trong cả cái chết.

Như vậy, năm phụng vụ muốn mời gọi các tín hữu và cộng đoàn Giáo hội sống cuộc sống của mình trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua việc tưởng nhớ và cử hành tất cả các mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, đã sống, đã chết và đã phục sinh và sẽ quang lâm hoàn tất công trình cứu độ của Người, khi Người là tất cả trong mọi sự.

2. Ngày chủ nhật trong năm phụng vụ

Ngày chủ nhật là trung tâm của đời sống kitô hữu. Các nghị phụ Công đồng chung Vatican II khẳng định điều này, đặc biệt trong Hiến chế Phụng vụ thánh: “Theo Truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là Ngày của Chúa, hay Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến Lễ Tạ ơn, họ kính nhờ cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng “đã tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô (1 Pr 1,3). Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành khác, nếu không thật sự rất quan trọng, thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật, vì đây là nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (PV, số 106).

Năm 1998, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phổ biến tông thư Dies Domini / Ngày của Chúa về việc hiến thánh Ngày của Chúa. Tông thư khẳng định ngày chủ nhật không chỉ là Ngày của Chúa, mà còn là Ngày của Đức Kitô / Dies Christi, ngày của công cuộc tạo dựng mới và của ân sủng của Đức Thánh Linh; Ngày của Giáo hội, ngày cộng đoàn kitô hữu họp lại với nhau; Ngày của con người, Dies Hominis, ngày của dân chúng, ngày mừng vui, nghỉ ngơi và của tình yêu thương.

Người kitô hữu hiện nay cảm thấy khó khăn trong việc giữ ngày chủ nhật. Có quá nhiều nhu cầu. Và càng ngày người ta càng bị lôi kéo làm việc ngày chủ nhật. Không phải vì phải làm việc cả bảy ngày trong một tuần lễ mà còn bởi việc phân công tại sở làm việc, một tuần có thể chỉ phải làm việc năm ngày, nhưng ngày làm việc có thể rơi vào ngày chủ nhật. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Dù ở trong thời kỳ khó khăn như hiện nay của chúng ta, người kitô hữu vẫn phải luôn duy trì và trên mọi sự, phải sống tính chất ngày chúa nhật trong tất cả chiều sâu của ý nghĩa của nó…Chủ nhật của người Kitô hữu … vẫn là một yếu tố thiết yếu của căn tính Kitô giáo của chúng ta.

3. Phụng vụ và Thánh Kinh

Cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II đã tạo cơ hội để tín hữu và cộng đoàn được tiếp xúc một cách rộng rãi hơn với Mạc khải của Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt là các sách Tin Mừng.

II. MÙA VỌNG

1. Ý nghĩa mùa Vọng

Năm phụng vụ bắt đầu với chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, tức chúa nhất cuối cùng của tháng mười một, và kết thúc với lễ Giáng Sinh, 25/12.

Sách lễ Roma gọi mùa này là mùa Adventus. Từ latinh này có nghĩa là ‘đến’. Việc Chúa đến: Đến trong lịch sử, đến trong lòng tin và đến trong vinh quang ngày hoàn tất mọi sự.

Công giáo Việt Nam gọi đây là mùa Vọng. ‘Vọng’ có nghĩa là nhìn, hướng về nơi tâm trí đang tưởng nhớ, trông chờ. ‘Vọng’ nhấn mạnh vào thái độ, tâm tình của người kitô hữu, của Giáo Hội trước việc Chúa đến.

1.1. Chúa đến

Chúa đã đến vào một ngày giờ và tại một nơi nhất định trong lịch sử: Đức Giêsu, con Đức Maria, người Nazareth, sinh tại Bêlem vào «năm mười lăm hoàng đế Tibêriô chấp chính; Pontiô Philatô trấn nhiệm xứ Giuđê; Hêrôđê làm quận vương xứ Galilê và em là Philip làm quận vương vùng Iturê và Trakhônit, và Lysania làm quận vương xứ Abilênê ; dưới thời thượng tế Hanna và Caipha» (Luca 3,1 và tt). Người là người thật như mọi con người khác, trừ tội lỗi, như thánh Phaolô khẳng định.

Là người thật, nhưng Đức Giêsu, trong lòng tin Kitô giáo, cũng là Thiên Chúa thật. Người là “Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Mọi sự đã nhờ Người mà thành sự. Người đến trong thế gian. Người có trong thế gian. Bởi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng ta. …” (xem Ga 1,1-15). Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ muôn dân.

Chúa đang đến trong lòng tin kitô hữu: Đức Giêsu đã lớn lên, rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã bị bắt, bị giết chết trên thập giá, được táng trong mồ… Là Thiên Chúa thật, Người hiện diện đặc biệt trong mỗi cử hành phụng vụ, đến với những ai tin vào Người, gặp gỡ và đồng hành với họ trong cuộc sống, để cùng với họ mở đầu, xây dựng và hoàn tất một lịch sử mới đã khởi đầu với việc Người giáng sinh làm người tại Bêlem. Công đồng chung Vatican II khẳng định : "Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội thánh của Người, đặc biệt trong việc cử hành phụng vụ. Người hiện diện trong lễ tế hiến, nơi con người thừa tác viên, ‘tự hiến mình lúc này, qua thừa tác vụ của các linh mục như Người đã tự hiến mình khi xưa trên thập giá’, và đặc biệt trong bánh và rượu trở thành mình và máu Người” (Hiến chế Phụng vụ thánh).

Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa Giáo Hội của Người để cùng với Giáo Hội và từng môn đệ của Người hoàn tất sứ vụ Người giao: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và này, Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

1.2. Con người chờ đợi

Bốn tuần lễ mùa Vọng tượng trưng cho bốn mươi năm dòng dõi của Abraham, Isaac, Giacob được tôi luyện trong sa mạc trống không và nóng bỏng để chỉ còn lại lòng khát khao chân thật đến được nơi Chúa đã hứa ban.

Sự khát khao và chờ đợi của những ai tin vào Chúa từng bước được lấp đầy, một cách phong phú, ngoài sức con người có thể tưởng tượng. Không chỉ là một giang sơn chảy đầy sữa và mật ong, mà là một vị Cứu độ, là người thật và là Thiên Chúa thật, Đấng ban phát nước hằng sống, Đấng ban bánh của sự sống đời đời, của sự sống mới, sự sống của những người được quyền gọi Thiên Chúa là Cha.

Mùa Vọng là mùa người kitô hữu và cộng đoàn Giáo Hội ngày hôm nay khơi dậy lòng mong muốn gặp gỡ và kết hiệp chặt chẽ hơn nữa với Đấng đã đến và đã đem lại cho mình sự sống mới. Không phải chờ đợi trong thụ động với những câu kinh, nghi lễ có sẵn, bằng lòng với những tri thức đã thu thập được về một quá khứ xa xôi trong không gian và thời gian, mà là sự chờ đợi của ngày hôm nay và lúc này, một sự chờ đợi cũng nóng bỏng với câu hỏi “chúng tôi phải làm gì?” để có thể gặp Người và kết hiệp với Người, trong cái ngày hôm nay của cuộc sống cụ thể của từng người, từng giới, từng cộng đoàn, như người đương thời của Gioan Tẩy giả đã đua nhau nêu lên khi nghe ngài loan báo Đấng sẽ đến (xem Lc 3,10-14).

Sự chờ đợi trong tỉnh thức của những người trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn của Chúa, trong sự nhạy bén để nhận ra tiếng gọi, ý muốn, sự chờ đợi của Chúa được biểu lộ trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của Hội Thánh và thực thi trong thực tại cuộc sống, để qua đó, được kết hiệp làm một với Đấng vốn là đường dẫn đến sự thật và sự sống.

Như vậy, sự chờ đợi của mùa Vọng dẫn đến việc chuẩn bị trí óc với việc tìm hiểu mạc khải về Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến lại, trong bối cảnh của cuộc sống riêng mỗi người, của thế giới ngày nay, của xã hội Việt Nam với những niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề xã hội và về xã hội đang chờ đợi một lời đáp, một thái độ của niềm tin chân thật nơi Đức Kitô. Như ba nhà đạo sĩ tìm hiểu ý nghĩa của dấu sao lạ và nhận ra nơi Hài nhi yếu ớt được vấn tã đặt trong máng cỏ nghèo nàn là Đấng các ông đang tìm gặp để thờ lạy. Việc chuẩn bị con tim với những khát vọng đích thực vốn đang bị vùi lấp dưới những đống phù vân của chủ nghĩa tiêu thụ, những giá trị giả tạo đang được không ít các tiên tri giả rêu rao. Không có những khát vọng mới làm bật lên câu hỏi trong nỗi bức xúc : ‘chúng tôi phải làm gì’ của từng người, từng cộng đoàn và của cả Hội Thánh, mùa Vọng sẽ chỉ còn là sự chờ đợi của quá khứ và của kẻ khác, không phải của hôm nay và của chính mình.

Trong phụng vụ mùa Vọng, chúng ta được cảm nghiệm về Lời không thay đổi nhưng sống động của Thiên Chúa, đã hoàn tất và đang được chờ đợi hoàn tất. “Lời của Chúa được công bố trong việc cử hành các mầu nhiệm của Thiên Chúa không chỉ gợi đến những hoàn cảnh hiện tại mà hướng cả về các biến cố đã qua và hướng tới những gì đang đến”.

Việc chuẩn bị tích cực, để tiếp đón vị Thượng Khách từng được yêu mến và tin tưởng, từng được trông chờ như Đấng sẽ lấp đầy những khát khao làm người và làm con Thiên Chúa, sẽ biến mùa Vọng thành mùa của mừng vui và hy vọng, mà không phải của lo âu và sợ hãi, dù là chờ đợi Đấng sẽ đến phán xét vào ngày cùng thế tận, dù phụng vụ vắng tiếng hát kinh ‘vinh danh’ và mang màu tím, màu của khắc khổ và sám hối.

2. Một số việc đạo đức

2.1. Tĩnh tâm mùa Vọng

Các giáo xứ và hội đoàn ở Việt Nam có thói quen tổ chức tĩnh tâm mùa Vọng cho các tín hữu. Có nơi dành trọn một hay hai ngày cho việc tĩnh tâm. Cũng có nơi tổ chức tĩnh tâm vào mấy buổi chiều và tối để có được bầu khí và khung cảnh thuận lợi cũng như thích hợp cho việc chiêm niệm.

Việc đạo đức này nên được tổ chức vào các ngày đầu mùa Vọng để có thể giúp các tín hữu và cộng đoàn giáo xứ bước ngay vào bầu khí của mùa phụng vụ và thấu hiểu hơn ý nghĩa của mùa Vọng nhờ đó tham gia một cách trọn vẹn hơn ngay từ buổi đầu vào mầu nhiệm cứu độ được Hội Thánh tưởng nhớ và cử hành trong bốn tuần của mùa Vọng.

Có lẽ nên hiểu Tĩnh tâm như một việc đạo đức gắn với việc cử hành mùa phụng vụ: không phải chỉ là việc dọn mình xưng tội để được rước lễ ngày lễ Giáng sinh, cũng không phải là một lớp giáo lý giúp người tham dự có thêm kiến thức về mầu nhiệm Hội Thánh đang chuẩn bị cử hành, mà chính là thời gian để đi vào mầu nhiệm trong cầu nguyện, chiêm niệm, kết hiệp và sống mầu nhiệm cứu độ đã diễn ra và cũng đang diễn ra giữa loài người. Do đó, tĩnh tâm không thể không bao gồm việc đọc Thánh Kinh để gợi lại những gì Thiên Chúa đã làm, những khoảnh khắc thinh lặng để người tín hữu cầu nguyện và chiêm niệm mầu nhiệm đã hoàn tất, những việc đạo đức để đi vào mầu nhiệm đang diễn ra ngày hôm nay và ý thức về những việc phải làm để hướng về ngày hoàn tất mọi sự.

Tĩnh tâm mùa Vọng có thể là một dịp giúp người tín hữu và cộng đoàn kiểm điểm đời sống, nhận ra đâu là những giá trị mình đang theo đuổi trong cuộc sống thường ngày, trong gia đình, trong xã hội và nơi bản thân. Người tín hữu và cộng đoàn cũng cần được giúp đỡ để khám phá ra những giá trị đích thực, bền vững mà Tin Mừng, giáo huấn cũng như phụng vụ của Hội Thánh, đặc biệt là mầu nhiệm Giáng sinh, mời gọi và trông chờ người tín hữu và cộng đoàn thực hiện, nhất là trong một xã hội lễ Giáng sinh ngày càng bị thế tục hoá.

Bởi vậy, trong cuộc tĩnh tâm, cũng nên tổ chức một cuộc sám hối tập thể, tuy không thay thế việc xưng tội riêng, nhưng cũng sẽ giúp ích không ít cho việc trở lại của mỗi cá nhân và của cộng đoàn.

2.2. Làm máng cỏ

Việc các gia đình, khu đạo và giáo xứ làm hang đá, hay máng cỏ tại gia, tại nhà thờ, thậm chí ở nơi công cộng cũng có thể được xem như một việc đạo đức giúp nâng cao lòng đạo nhân một dịp lễ đặc biệt của năm phụng vụ, miễn là việc làm này không bị biến thành cơ hội để phô trương, lãng phí tiền bạc, của cải và thời gian, qua đó, trở thành dịp để người tín hữu và cộng đoàn ‘chia trí’, sao nhãng bài học đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã chọn khung cảnh nghèo, giản dị của người dân bình thường để ra đời làm người.

Làm máng cỏ trong gia đình không đơn thuần là việc trang trí nhà cửa, việc bày ra một máng cỏ, một hang đá có sẵn hay được mua tại tiệm sách đạo, nhưng có thể là dịp để gia đình thông hiệp với mầu nhiệm Giáng sinh ngày hôm nay và cùng với các thành viên của gia đình. Việc làm máng cỏ này cũng có thể là một dịp để cha mẹ giáo dục con cái một cách cụ thể về bài học của Giáng sinh, một cơ hội để giảng dạy, qua bộ tượng các nhân vật của máng cỏ, về vai trò của Đức Maria, của thánh Giuse, các mục đồng, của ba nhà đạo sĩ... Chẳng hạn, mỗi tuần của mùa Vọng có một buổi tối cả gia đình cùng tụm lại để làm máng cỏ, và người lớn tuổi sẵn sàng giải thích cặn kẽ từng câu hỏi của các bé nêu lên khi cầm tượng các nhân vật của hang đá. Các trẻ trong gia đình cũng có thể mời bạn bè, hàng xóm tới cùng làm hang đá. Việc làm hang đá hay máng cỏ này có thể kéo dài suốt mùa Vọng, tượng các nhân vật lần lượt được đặt ra theo hành trình của Đức Maria và thánh Giuse trên đường tới Bêlem và tới hang đá như được mô tả trong hai sách Tin Mừng Matthêu và Luca, đoạn 1 và 2. Mỗi chặng đường của cuộc hành trình có thể là một dịp để gia đình đọc một đoạn sách Thánh và cầu nguyện với Thánh gia.

3. Cử hành bí tích trong mùa Vọng

3.1. Bí tích Thánh Tẩy

Mùa Vọng chuẩn bị lễ Giáng sinh là thời gian thích hợp để gợi lại bí tích Thánh Tẩy người tín hữu đã lãnh nhận, để giáo huấn và cử hành bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng như trẻ mới sinh, vì mùa chuẩn bị lễ Giáng sinh đầy ắp những biểu tượng: Như Đức Maria chờ đợi mọi sự diễn ra theo Lời Chúa (Lc 1,38), người chầu nhưng cũng chờ đợi bí tích Thánh Tẩy để được sinh ra với sự sống mới. Mùa Vọng cũng là mùa chuẩn bị cho ánh sáng chiếu rạng trong đêm Giáng sinh: “Đêm hầu tàn, ngày sắp đến. Vậy ta hãy vất bỏ những việc tối tăm, và hãy mặc lấy khí giới sự sáng” (Rm 13,12)…

Các bài đọc về thánh Gioan Tẩy giả khiến chúa nhật thứ hai và thứ ba mùa Vọng thành thời gian đặc biệt thích hợp cho việc cử hành bí tích Thánh Tẩy trong bối cảnh của phụng vụ chúa nhật. Nghi thức rửa tội trẻ em cũng có nhiều quy chiếu về việc Chúa đến lại lần thứ hai như việc trao cây nến thắp sáng cho trẻ với lời kèm theo: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô. Anh chị em là những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho trẻ nhỏ này đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng được ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.

Với những ai được tái sinh với Đức Kitô trong bí tích Thánh Tẩy, thời kỳ chuẩn bị Đấng cứu chuộc ra đời cũng mang màu sắc thanh tẩy. Như Đức Giêsu sinh ra từ cung lòng Đức Maria, cũng vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa. Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta nhận được lời mời gọi chuẩn bị đường cho Chúa đến bằng các công việc của lòng bác ái và công bình. Các bài đọc của chúng ta trong suốt mùa này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của kẻ thấp bé và nghèo khổ.

3.2. Nghi thức sám hối

Mùa Vọng được thiết lập, khởi đầu, như một mùa sám hối chuẩn bị cho cuộc phán xét cuối cùng và người Công giáo theo truyền thống dùng mùa Vọng để dọn lòng xưng tội mừng lễ Chúa Giáng sinh. Các bài đọc và lời cầu nguyện của mùa Vọng phản ánh hai tính chất của mùa Vọng : dọn mình xứng đáng tiếp đón Chúa; qua việc sám hối, chúng ta trở nên sẵn sàng trong tâm trí trước việc Chúa đến.

3.3. Chăm sóc mục vụ cho kẻ liệt

Mặc dù mùa Vọng là một thời gian bận rộn, tuy nhiên, cộng đoàn giáo xứ và đặc biệt các linh mục, giáo sĩ phụ trách và phục vụ giáo xứ cũng không nên quên những người bệnh, những người đau yếu không còn khả năng thể xác để tham dự các cử hành phụng vụ trong mùa Vọng. Hơn ai hết, họ là những người chờ đợi Chúa đến với họ trong những giờ phút thử thách của bệnh tật này, do đó, cộng đoàn giáo xứ nên tổ chức viếng thăm, đưa Mình Thánh Chúa…những người bệnh không thể tới nhà thờ cử hành phụng vụ với cộng đoàn.

III. Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH

Mùa Giáng sinh là mùa thi vị nhất của năm phụng vụ. Các bài ca ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong ký ức người kitô hữu là các bài ca Giáng sinh. Những Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Cao cung lên, Đêm thánh vô cùng… Và những đĩa nhạc Noel ngoại quốc hàng năm nghe đi nghe lại vẫn thấy hay.

Nhưng Giáng sinh không phải chỉ là ngày lễ của những ký ức xa xôi từ thuở nào và của thời hiện tại. Phụng vụ Giáng sinh đưa chúng ta đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi nhắc nhở cộng đoàn Giáng sinh chính là “ngày lễ của sự cứu độ chúng ta” (collecta, lễ đêm), sự khởi đầu của việc cứu chuộc chúng ta” (lời nguyện dâng lễ, lễ Đêm). Giáng sinh là sự khôi phục trật tự của vũ trụ khi Thiên Chúa và nhân loại lại kết hợp làm một qua việc làm con của Chúa Giêsu Kitô: “…” (Lời nguyện dâng lễ, lễ Đêm).

Giáng sinh là một lễ của ánh sáng. Ánh sáng chiếu trong đêm tối. Ánh sáng không chỉ chiếu trên chúng ta mà trong chúng ta .

Giáng sinh không phải là thời để hoài cổ mà kêu gọi chúng ta tham gia tích cực vào mầu nhiệm, một kế đồ đã bắt đầu được triển khai với mầu nhiệm Nhập thể : Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta để cứu độ chúng ta. Giáng sinh như vậy không phải là ký ức về một sự kiện đã diễn ra tại Bêlem, vào một đêm nọ, cách nay trên hai ngàn năm, mà còn là và nhất là sự kiện của hôm nay và tại đây. Cái ‘hôm nay’ của Đức Mẹ Maria, của thánh Giuse, của các người mục đồng cũng là cái ‘hôm nay’ của chính chúng ta.

Các hoàn cảnh lịch sử nhất định đã có ảnh hưởng trên sự phát triển các điểm nhấn của lễ và mùa Giáng sinh. Tin Mừng Giáng sinh được viết sau cùng. Sang thế kỷ IV, trước trào lưu mang tên Arius, phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu, tại Công đồng Nixêa (325), Giáo hội tuyên xưng Chúa Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…Làm một với Thiên Chúa Cha” (Kinh Tin kính của công đồng Nixêa). Như vậy, Chúa Giêsu không chỉ thuần tuý là một tạo vật thánh thiêng của Thiên Chúa, mà Người là Thiên Chúa toàn năng, ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thuỷ, “được sinh ra mà không phải tạo thành” (ibid).

Một hoàn cảnh lịch sử khác cũng có ảnh hưởng trên sự phát triển của lễ Giáng sinh hay đúng hơn, cho việc mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Đó là vào năm 274, hoàng đế Aurelius đã quyết định ngày 25/12 –ngày đông chí-là ngày dâng kính Natale Solis Invicti, một ngày lễ của lương dân kính “Thần Mặt Trời vô địch”. Vì có nhiều đoạn Thánh Kinh khẳng định Đức Kitô là ánh sáng, ánh sáng của thế giới, nên cũng dễ hiểu khi Giáo hội ‘rửa tội’ cho ngày lễ này của người lương, và biến việc kính mặt trời thành việc kính Mặt Trời công chính.

Một lý do khác nữa của việc lễ Giáng sinh được mừng vào ngày 25/12: các kitô hữu tiên khởi cho rằng Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25/12. “Vào buổi đầu thế kỷ thứ ba, các nhà thần học Kitô giáo đã tính toán về ngày sinh của Đức Giêsu vốn không được ghi trong các sách Tin Mừng. Biểu tượng Chúa Kitô Mặt Trời cắm rễ sâu trong ý thức của người kitô hữu khiến họ có sự quan tâm đặc biệt tới các thời điểm phân và điểm chí” (Năm phụng vụ, trg. 123). Và hậu quả là sự kiện ông Gioan Tẩy giả ra đời được đặt vào ngày hạ chí (“Tôi phải bé đi”, Ga 3, 30), và Chúa Giêsu ra đời sáu tháng sau, vào đông chí “Và Người phải lớn lên”, ibid.). Đối với những con người có cuộc sống gắn với mặt trời, mặt trăng và các mùa hơn chúng ta, những thời gian này có ý nghĩa rất đặc biệt. Các Kitô hữu tiên khởi có thể đã coi sự Nhập thể của Chúa –ra đời, chết và sống lại – được khắc ghi trong vũ trụ.

Giáng sinh là một ngày lễ trọng thể như ngày lễ Phục sinh, quá lớn để chỉ được mừng trong một ngày duy nhất: Giáo hội đã dành một thời gian dài để suy niệm về mầu nhiệm trọng đại này. Tuần bát nhật lễ Giáng sinh được cử hành một cách đặc biệt trọng thể. Ngày chúa nhật trong tuần bát nhật, chúng ta tiếp tục mừng sự nhập thể của Đức kitô, từ một nhãn giới khác với lễ kính Thánh Gia của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Tuần bát nhật kết thúc với lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vào ngày 1/1, ngày lễ trọng thể đầu tiên kính Đức Mẹ Maria, kết quả của Công đồng Êphêsô.

Mùa Giáng sinh tiếp tục với lễ trọng thể sự Hiển Linh của Chúa, mừng việc Chúa Kitô “tỏ mình” ra. Hiển Linh trong truyền thống thường được mừng ngày thứ mười hai sau lễ Giáng sinh (6/1), và là một ngày lễ nghỉ. Nhưng tại những nơi lễ Hiển Linh không phải là lễ nghỉ, thì được dời vào ngày chủ nhật. Mùa Giáng sinh kết thúc với lễ kính Chúa Giêsu chịu phép Thánh Tẩy. Với việc Chúa Giêsu chịu Thánh tẩy, kết thúc thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu và bắt đầu thời kỳ sứ vụ công khai của Người. Các mùa và ngày lễ tiếp theo của năm Phụng vụ sẽ cho chúng ta được đi tiếp với Đức Kitô trong những đoạn đường tiếp theo của sứ vụ của Người.

Kết luận

Như vậy, năm Phụng vụ Giáo hội vừa mở đầu, với những mùa, những ngày lễ, với những bài đọc, lời kinh, câu hát đã được ấn định, chính là lời mời gọi các cộng đoàn và từng người tín hữu ý thức và tích cực sống trong sự hiệp thông với công cuộc cứu độ Thiên Chúa đang thực hiện giữa cộng đoàn phụng vụ.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 85 (Tháng 11 & 12 năm 2014)
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG TRỰC TUYẾN KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ NGÀY 25.11.2020


Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN 2020. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 24.11.2020


HỌP BÁO: ĐÊM NGHỆ THUẬT “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

Họp báo: Đêm nghệ thuật “Gánh nhau trong đời”

Văn Chiến

WHĐ (24.11.2020) – “Sẻ chia và gánh vác những vất vả của nhau, đó là hơi thở của tình yêu xuất phát từ chữ ‘Tâm’ của người Việt Nam.”

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) - đã phát biểu như trên, khi ngài chủ sự buổi họp báo diễn ra lúc 14g ngày 23.11.2020 để giới thiệu chương trình “Gánh nhau trong đời” do văn phòng HĐGMVN thực hiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai do các trận lũ bão vừa qua, như: Giúp sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, giúp vốn để mua giống cây trồng, vật nuôi… Đây là đêm nghệ thuật được tổ chức lúc 19g thứ Sáu, ngày 27.11.2020 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình).

Mời xem thông báo về chương trình tại hdgmvietnam.com

Tham dự buổi họp báo tại The Adora Center 431 Hoàng Văn Thụ, ngoài Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ và những người cùng tổ chức chương trình như nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh, ông Nguyễn Quang Hiển – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora, còn có hơn 30 phóng viên, báo đài…
 
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

Mở đầu, Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ đã giới thiệu mục đích, ý nghĩa của chương trình và nêu bật lên chữ “Gánh” của người Việt Nam: Hình ảnh đôi quang gánh đã gắn liền với con người Việt Nam. Hình ảnh bà mẹ Việt Nam luôn vất vả gồng gánh mọi chuyện trong nhà, buôn thúng bán bưng… để chăm lo cho gia đình. Cũng vậy, miền Trung là vùng hẹp nhất của đất nước Việt Nam, nên đã phải gánh chịu bao khổ cực quanh năm suốt tháng cùng với những cơn bão lũ. Vì thế, là người Việt Nam, chúng ta hãy cùng chung vai gánh vác những khổ đau của bà con không phân biệt lương giáo, không chỉ trong thời điểm này, mà sẽ là một hiệu ứng lan tỏa để chúng ta mãi mãi gánh nhau trong cả cuộc đời…
 
Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh giới thiệu đôi nét về nội chương trình. Theo ông, hình ảnh chủ đạo trên sân khấu là đôi quang gánh sẽ được đổi màu tùy theo diễn biến của chương trình và cảm xúc của người dẫn chương trình. Ông nói: Chương trình gồm 4 phần:

Phần 1: Mở màn - Hình ảnh trên sân khấu và âm nhạc sẽ thể hiện sự an lành của quê hương Việt Nam, không chỉ bằng thị giác, thính giác, mà còn bằng khứu giác khi được thưởng thức những mùi thơm của lúa, của ngô, khoai… cùng với những dòng sông êm ả. Thế rồi giông bão nổi lên, đã lấy đi sự bình yên của mọi người và đã cuốn trôi những gì mọi người đang có, để rồi phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất!

Phần 2: Sẻ chia - Với những nhân chứng về từ ‘tâm bão’, chắc chắn chúng ta không khỏi não lòng khi nghe họ kể về thân phận con người miền Trung đang gặp cơn hoạn nạn, để chúng ta hãy cùng cúi xuống gánh bớt những khổ đau mà đồng bào chúng ta đang gặp cơn hoạn nạn.

Phần 3: Ký ức - Người dẫn chương trình sẽ hướng dẫn chúng ta hồi ức về tuổi thơ với cánh đồng lúa bao la, những đôi quang gánh trĩu nặng của các bà mẹ Việt Nam… để chúng ta cảm nhận được những hạnh phúc mà mình đang có để sẻ chia với những người ‘không còn gì để mất’.

Phần 4: Nở hoa - Ước nguyện bà con miền Trung thân yêu của chúng ta sẽ được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà chương trình cùng với mọi người sẽ mang lại cho họ. 
 
Ông Nguyễn Quang Hiển
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora

Về phía đơn vị đồng hành với chương trình, Ông Nguyễn Quang Hiển – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora chia sẻ: “Việc được chung vai trong chương trình ‘Gánh nhau trong đời’ làm cho Tập đoàn Adora cảm thấy thật hạnh phúc. Chúng tôi cũng mong có được nhiều đơn vị khác cùng công tác. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ thành công tốt đẹp, giúp thêm được nhiều người dân miền Trung nhẹ gánh trong cuộc tái thiết cuộc sống sau bão lũ.”

Buổi họp báo kết thúc lúc 15g20 cùng ngày. 
 

Đây là một đêm nghệ thuật chất lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người đến tham dự và đóng góp chia sẻ cho đồng bào miền Trung đang gặp bao khốn khó và mong chờ được giúp đỡ. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của mọi người đối với chương trình “Gánh nhau trong đời”. 

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 24.11.2020


Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN 2020

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 18.11.2020


VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: CHƯƠNG TRÌNH “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

 

VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: 
CHƯƠNG TRÌNH “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (17.11.2020) – Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức vào chiếu tối ngày 27/11/2020 một chương trình nghệ thuật rất công phu và đặc sắc, để cùng chung tay tái thiết cuộc sống sau bão lũ ở miền Trung.

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 vừa qua, thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã dẫn đầu đoàn cứu trợ khẩn cấp đến Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Hà Tĩnh để ứng cứu thực phẩm và tài chánh giúp bà con sinh tồn. Cảm thương trước thảm cảnh của bà con đang ngụp lặn giữa "biển nước" mênh mông để vật vã sinh tồn và thoi thóp sinh nhai, đoàn cứu trợ đã trăn trở nghĩ đến những ngày tháng trước mặt: phải chung vai xắn tay giúp bà con vùng bão lũ phục hồi cuộc sống. Từ những trăn trở giữa tâm lũ, thành ý thực hiện đêm nghệ thuật GÁNH NHAU TRONG ĐỜI đã được thai nghén.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là một đêm thăng hoa của âm nhạc và ánh sáng, ký ức và hình ảnh, tình người và lẽ sống.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là cơ may quy tụ những tấm lòng, không phân biệt đẳng cấp xã hội và niềm tin tôn giáo, chung tay xây đắp những ngôi nhà và chiếc cầu giúp phục hồi cuộc sống, vốn dĩ đã rất cơ cực, của những anh chị em đang không-còn-gì-để-mất sau những ngày cuồng phong bão lũ.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là tâm huyết của tất cả anh chị em đang làm việc tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng các đối tác và thân hữu quảng đại đồng hành và bảo trợ, là tấm chân tình đầy thiện chí cống hiến của anh chị em nghệ sĩ và cộng tác viên truyền thông, biên tập, dàn dựng, thiết kế, tài chánh, hậu cần, phục vụ, v,v...

Ước mong được đón gặp quý vị để cùng GÁNH NHAU TRONG ĐỜI!
 
TM. Ban Tổ chức
 

 
GÁNH NHAU TRONG ĐỜI
18:30-21:30 I 27.11.2020
Tầng 3, Trung tâm Hội nghị và yến tiệc THE ADORA CENTER
431 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q. Tân Bình, TP. HCM

CHƯƠNG TRÌNH
18g30: Đón tiếp
19g15: Khai mạc
19g30: Biểu diễn

Chỉ đạo chương trình: Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

Thực hiện chương trình: Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

Đạo diễn: NSƯT Vũ Thành Vinh

Biên tập: Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ & Bill Nguyễn

Dẫn chuyện: MC Đỗ Thụy

Sản xuất: Ekip Truyền thông Khang

Khách mời biểu diễn: NSƯT Hải Phượng • Cẩm Vân - Khắc Triệu & CeCe Trương • Saxophone Trần Mạnh Tuấn & An Trần • Thu Phương • Quang Linh • Mỹ Lệ • Quang Lê • Ngọc Mai • Phương Anh • Ca đoàn Lumen

Xin tiếp nhận sự chia sẻ và đóng góp của quý vị:

Tên tài khoản: Văn phòng Hội đồng Giám Mục Việt Nam

Số tài khoản: VND 060258314789; USD 060258317699

Ngân hàng: Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Gò Vấp

Thông tin thêm về chương trình và phúc đáp tham dự, quý vị vui lòng liên hệ qua số hotline: 0345.09.01.76

* MỨC ĐÓNG GÓP CHO 1 THIỆP MỜI LÀ 3.000.000 VNĐ
 
 
(WHĐ)

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO: THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2020

 

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO:
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO 
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2020

Kính gửi quý Thầy Cô giáo,

Mặc dù ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đầu tiên được công bố và tổ chức trang trọng vào ngày 20.11.1982, nhưng từ bao đời trong lòng con dân Đất Việt đã khắc ghi và biểu lộ một cách sâu xa tâm tình “tôn sư trọng đạo”, để tôn vinh lòng tận tụy và kiên nhẫn của những người thầy trong cuộc sống. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, ngày Tết Nhà Giáo sẽ đến, một cơ hội thật tốt để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy trong cuộc sống của mình, là cơ hội thật ý nghĩa, để toàn xã hội tri ân tới những người đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước văn minh, quê hương thịnh vượng và hạnh phúc. Với lòng biết ơn và cảm phục, tôi xin kính chúc quý thầy cô luôn an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc trong sứ mạng cao cả của mình. Sứ mạng ấy, nhìn qua lăng kính đức tin Kitô giáo, quý thầy cô được lãnh nhận từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng hướng dẫn: “Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ” (x. Tv 32, 8). Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn bày tỏ một ít tâm tư và nguyện vọng chân thành đến tất cả quý thầy cô.

1. Sứ mạng của những “người đi trước”

Ở mọi nơi và mọi thời, trong tiếng gọi “Thầy - Cô”, chúng ta luôn được coi là những người đi trước trong việc thu thập và truyền đạt kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình, vì là điểm tựa tinh thần cho các môn sinh, chúng ta cũng phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, luân lý, xã hội,… Là một giáo chức Kitô hữu, để thực thi đầy đủ sứ mạng, giáo huấn của Chúa Giêsu phải luôn là một kho tàng kiến thức quý giá mà ta phải trang bị và cập nhật cho chính mình. Thật vậy, người đi trước không đơn thuần chỉ là người chuyển giao kiến thức, mà còn là người biết yêu mến, bảo vệ, che chở như một người mục tử nhân lành mà phúc âm Thánh Gioan diễn tả. Người mục tử này không phải chỉ có nhiệm vụ cho chiên ăn uống, kiểm soát số lượng đàn chiên, mà còn hiểu biết, hy sinh, thao thức và gắn bó cuộc sống mình với chiên (x. Ga 10,1-15). Chính vì thế, là người đi trước, hiểu trên phương diện xã hội lẫn đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy siêng năng và kiên trì học với Chúa Giêsu, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Những nhân đức rạng ngời ấy luôn cần thiết để chu toàn sứ mạng của một nhà giáo đúng nghĩa như Giáo hội ước mong.

2. Những khó khăn trong giáo dục

Cho đến hôm nay, chưa ai dám phủ nhận vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội và thăng tiến con người về mọi mặt. Giáo dục đưa cuộc sống con người lên tầm cao, nhưng giáo dục cũng bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến của cuộc sống xã hội, tạo nên những khó khăn nghiêm trọng. Trước nhất phải nói đến cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo phương tiện, nghèo nhận thức, nghèo nhân sự, … Tất cả những cái nghèo ấy, như một thực tế trước mắt, đã dần dần thu hẹp cánh cửa giáo dục, tự bản chất là cần thiết cho sự văn minh của con người, để nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ Internet về nhiều phương diện, đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống xã hội, nhưng cũng để lại những mối đe dọa thật đáng lưu tâm cho cuộc sống con người khi nhìn từ góc độ giáo dục. Hy vọng rằng những khó khăn ấy không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình trong giáo chức Việt Nam, mà ngược lại, thôi thúc chúng ta nghiên cứu, tìm tòi những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng giáo dục của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm đã khéo léo nhắc nhở các môn đệ đừng để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những điều trước mặt, mà hãy vui mừng vì tên của các con đã được ghi trên trời (x. Lc 10,20). Anh chị em cũng hãy luôn nhớ rằng: trong cái nhìn đức tin, công việc của mình là cộng tác với Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng của Người.

3. Một ước mong cho ngành giáo dục

Từ đáy lòng của một người đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục Kitô giáo, tôi ước mong cho mỗi quý thầy cô, trước nhất và trên hết, xây dựng cho mình một ước muốn giáo dục mang tính chất toàn diện. Bởi vì một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, không chỉ là để đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Một ước muốn giáo dục mà từ cái nhìn đức tin, tôi cảm nghiệm được rằng tác giả sách Gióp thao thức từ rất lâu trong thời Cựu ước: giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm (x. G 33,17-18). Trong số 49 của Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những vị thánh trẻ. Những chứng nhân sáng ngời này cho phép tôi liên tưởng và xác tín rằng: con đường nên thánh của các ngài vẫn in sâu dấu vết của một nền giáo dục toàn diện ấy. Hãy cùng nhau sống thánh để chúng ta dạy người khác sống thánh.

4. Lời chào cuối thư

Quý Thầy Cô thân mến,

Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời kính chúc đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Tết Nhà Giáo vui tươi, ý nghĩa, luôn ấp ủ trong mình một ước muốn giáo dục toàn diện cho các thế hệ mai sau. Tôi cũng không quên quý thầy cô đã hưu trí, quý thầy cô, vì bất cứ lý do gì, đã gác lại sứ mạng của mình. Tôi cám ơn và cầu chúc tất cả quý vị an bình và hạnh phúc.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2020.

+Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 18.11.2020


Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A - KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Mt 10,17-22)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 14.11.2020


CARITAS VIỆT NAM: THĂM VÀ KHẢO SÁT LŨ LỤT MIỀN TRUNG

 

CARITAS VIỆT NAM
THĂM VÀ KHẢO SÁT LŨ LỤT MIỀN TRUNG

PTT – Caritas Việt Nam

Caritas Việt Nam (13.11.2020) - Trong vòng một tháng mà người dân Miền Trung phải gánh chịu nhiều trận bão lụt liên tiếp. Những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ kéo dài thật là khủng khiếp. Hậu quả của thiên tai để lại là vô cùng to lớn bởi nhiều gia đình hầu như trắng tay sau các đợt mưa bão. Vì thế công việc phục hồi sau thiên tai là vô cùng quan trọng.Từ ngày 9-12 tháng 11/2020, đại diện Caritas Việt Nam, cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP, Giám đốc Caritas Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD, phụ tá, đã có chuyến thăm và khảo sát các vùng bị lũ lụt.

Cha Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam
và Cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, phụ tá thăm hiện trường
cây Thanh Trà chết dần sau lũ tại P. Hương Vân, Tx. Hương Trà,
T. Thừa Thiên Huế. Những cây Thanh Trà dưới ba năm tuổi
đều không sống sót được sau trận lụt năm nay

Điểm đầu tiên Caritas Việt Nam đến thăm là Giáo phận Huế, gồm hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Quảng Trị cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề, nhất là tại giáo xứ Cây Da được coi như vùng rốn lũ. Caritas Việt Nam và Caritas Huế đã đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để lắng nghe và chia sẻ với họ. Quả thật có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu phần nào nỗi đau thương mà người dân phải chịu.

Bà Trương Thị Nhàn, 68 tuổi đang sống cùng Anh Nam, con trai của bà tại P. Kim Long, Tp. Huế chia sẻ: “Sau lũ, nhà chúng con dột nát hết rồi, mọi thứ trong nhà cũng hư hỏng, giờ mong muốn có ngôi nhà có mái tôn để che nắng che mưa”.

Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam
ghé thăm và trao quà cho gia đình bà Trương Thị Nhàn

Ông Nguyễn Lưu (Sơn Đông 1, P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Do chiến tranh tôi bị cụt một chân nên phải lắp chân giả, chân còn lại cũng vẫn còn di chứng nên đi lại khó khăn. Vợ chồng chúng tôi trồng chuối nhưng giờ lũ lụt, chuối chết hết rồi, không còn chi cả. Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi 270,000 đ, Caritas có hỗ trợ chúng tôi tiền gạo được 330,000 đ, giờ thì nhờ chi được nấy chứ cũng không biết thế nào”.

Cha Phụ tá lắng nghe ông Nguyễn Lưu ở Sơn Đông 1,
P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế
chia sẻ những khó khăn sau lũ.
 

Sau đó Caritas Việt Nam và Caritas Huế cùng ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra kế hoạch cụ thể cho công việc tái thiết đời sống của người dân không phân biệt lương giáo.

Caritas Việt Nam trao đổi cùng Caritas Huế
về các dự án phục hồi sau lũ

Sang ngày kế tiếp, phái đoàn Caritas Việt Nam cùng với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Gp. Hà Tĩnh, Cha GB. Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Caritas Hà Tĩnh, đến thăm hỏi và chia sẻ với một số gia đình bị thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Bình. 

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh,
Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam
khảo sát thiệt hại tại Giáo họ Trằm – Giáo xứ Chày.

Nói đến trận lũ lịch sử năm nay, cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh vẫn còn nghẹn ngào, Ngài nói: “Các cha xứ rất tích cực và xả thân giúp đưa dân lên vùng an toàn và cung cấp thực phẩm cho họ. Có nơi các cha kiệt sức, phải truyền nước biển, kịp khi vừa rút dây ra là lại lập tức đi lo cho dân. Mặc dù năm 2010 lũ đã lớn rồi nhưng tại khu vực tỉnh Quảng Bình năm nay lũ còn lớn hơn, cao hơn 1,5 mét so với năm 2010, vì lũ lớn nên đời sống của bà con rất khó khăn nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các cha xứ, các thầy giúp xứ, các sơ và anh chị em trẻ trong các nhóm ứng cứu nên thiệt hại đã bớt được rất nhiều. Mặc dù cuộc sống của bà con trong những ngày lũ lụt rất khó khăn nhưng không có ai chết đói, chết khát cả. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp bà con có cuộc sống ổn định sau lũ”.

Những chòi lá được dựng tạm sau lũ trên nền đất để làm nơi ở
cho 25 hộ gia đình thuộc Giáo họ Tiên Nghĩa,
Giáo xứ Liên Hoà, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Ông Phúc, Hội đồng mục vụ Gx. Trung Quán chia sẻ: “Khi lũ ngập đến mái nhà, người dân tìm cách gỡ mái nhà để chui lên mái, nhiều người bị mắc kẹt vì mái nhà bằng tôn không thể thoát ra ngoài được. Giáo xứ đã huy động các thanh niên đi cứu. Họ phải lặn theo đường cửa vào để đưa những người kẹt trong nhà ra. Người dân ở đây chủ yếu làm nông, trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lũ đến cuốn đi hết nên lại càng khó khăn hơn”.

21 hộ gia đình buộc phải di dời do sạt lở,
phía sau là những căn nhà lá được Cha xứ Gx. Tân Hội,
huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình dựng tạm để người dân ở
và Cha xứ vẫn đang hỗ trợ thực phẩm cho bà con mỗi ngày.
 

Ngoài việc viếng thăm các nạn nhân bị lũ lụt, Caritas Việt Nam còn đi khảo sát tình hình và kết hợp với các Caritas Giáo phận để bàn kế hoạch, các dự án cụ thể cho việc phục hồi sau thiên tai. 

Caritas Việt Nam chia sẻ với Cha xứ
để hỗ trợ thực phẩm cho người dân tại Gx. Tân Hội.

Caritas Việt Nam luôn ưu tư và nỗ lực thực hiện những công việc góp phần phục hồi sau thiên tai, tái thiết cuộc sống của người dân, sửa chữa lại những căn nhà bị hư hỏng, xây dựng nhà mới cho các hộ gia đình bị mất nhà đặc biệt là những gia đình nằm trong khu vực bị sạt lở buộc phải di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, lắp đặt các hệ thống lọc nước tinh khiết, hỗ trợ học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn…

Rất nhiều công việc phải làm, bởi một số nơi người dân đã trắng tay, từ cuốn vở của con em, chiếc cặp, chiếc xe đạp dùng để đến trường cũng bị nước cuốn trôi hay hư hại. Gia súc, gia cầm chết hết, trong nhà mọi vật dụng cũng chẳng sử dụng được nữa.

Với sự đóng góp đến từ các ân nhân trên khắp cả nước, các kiều bào, các tổ chức quốc tế gởi về cho Caritas Việt Nam, hy vọng những người dân chịu thiệt hại nặng nề phần nào vơi bớt đi gánh nặng trong cuộc sống. Xin quý vị tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi.

(WHĐ)