Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

MÙA VỌNG SUY NGHĨ VỀ SỰ MONG CHỜ VÀ VỀ SỰ CHẾT NHƯ CUỘC ĐÓN GẶP THIÊN CHÚA

 

MÙA VỌNG SUY NGHĨ VỀ SỰ MONG CHỜ 
VÀ VỀ SỰ CHẾT NHƯ CUỘC ĐÓN GẶP THIÊN CHÚA

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

WHĐ (12.12.2020) - Mấy hôm nay báo chí và các trang mạng nói nhiều về sự ra đi đột ngột của một nghệ sĩ có tiếng trong giới sân khấu. Nhiều người tỏ ra giật mình sửng sốt và bàng hoàng về cái chết có vẻ quá bất ngờ của anh. Sở dĩ nhiều người quan tâm đến tin tức này vì thực ra giới nghệ sĩ vẫn thường được coi là “người của công chúng”. Còn một số người Kitô hữu lại quan tâm đến tên thánh Giuse của anh, để đọc cho anh đôi kinh, cầu cho anh mau hưởng thánh nhan Thiên Chúa.

Tuy nhiên, phần lớn trong chúng ta quên đi một thực tế không kém phần “thời sự”, đó là ở bất cứ nơi đâu chung quanh ta vẫn đang có những người bệnh thập tử nhất sinh, những người hấp hối và những người chết, nhất là cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành trở lại ở nhiều nước trên thế giới khiến số người nhiễm bệnh và rồi tử vong, thậm chí trong đau đớn thể xác và cô đơn tâm hồn, đạt tới tỷ lệ kỷ lục từ trước đến nay.

Nói đâu xa ở nước ngoài, ngay trên các cao tốc liên tỉnh, các con đường của các thành phố trong nước,… những tai nạn giao thông vẫn xảy ra, dẫn đến cái chết không phải của một người mà của hàng loạt con người, được các cơ quan truyền thông lên bản tin khá thường xuyên. Ngay trong xóm ngõ của chúng ta, bên cạnh nhà của chúng ta… vẫn có những người, già trẻ trai gái, ra đi mãi mãi vì đủ mọi lý do.

Trong giáo xứ tôi, chuyện đọc kinh vực sâu cuối thánh lễ cho người anh chị em mới qua đời không phải là thoảng khi mà nhiều khi gần như liên tục.

Mỗi người chúng ta đều có thể kể ra rất nhiều cái chết khác nhau, nhưng tựu trung chúng ta, những người đang sống, nghĩ thế nào về cái chết và sống thế nào để không phải “chết dữ” mà được “chết lành”?

Cái chết luôn để lại cho chúng ta cảm giác mất mát, cảm giác về một điều gì đó vơi cạn đi. Một ai đó đã hiện diện ở đây và nay không còn nữa, một ai đó chúng ta yêu quý mà bây giờ chúng ta đau buồn thương tiếc. Thậm chí nhiều khi chúng ta nổi giận với Chúa và kêu rêu: “Tại sao lại như vậy với tôi? Tại sao? ”

Thông thường, cảm giác về cái chết của chúng ta đều tiêu cực. Đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta sợ hãi cái chết và gạt nó ra khỏi tâm trí, không muốn nghĩ đến, và tự trấn an lòng mình: “Có làm được gì đâu? Trời kêu ai người ấy dạ!”

Những người Công giáo chúng ta nghĩ gì và chuẩn bị gì cho cái chết, là lúc Chúa đến, ngay trong mùa vọng, mùa mong chờ Chúa đến? Chúng ta có thật sự mong chờ Chúa đến và đã sẵn sàng đến với Chúa khi Chúa đến chưa?

Người Công giáo trên khắp thế giới vẫn thường cầu nguyện cho những người thân yêu của họ đã rời khỏi cuộc sống này trong lòng thương xót của Thiên Chúa và thắp nến (ở Việt Nam có cả thắp nhang) tưởng nhớ họ, không chỉ trong tháng 11 là tháng dành riêng cầu cho Các Linh Hồn, mà còn quanh năm nữa.

Đó cũng là một dịp để người ta tự hỏi: Những người thân yêu của tôi đang ở đâu? Họ đang làm gì - trên thiên đàng hay trong luyện ngục? Còn tôi nữa, khi nào và thế nào? Cuộc sống sau khi chết là gì? Hay nói chính xác hơn là sự sống sau cuộc đời này là gì? Sống cuộc đời trần thế này không phải là sống niềm khát mong Chúa đến với mỗi người, để rồi được ở lại mãi trong tình yêu của Thiên Chúa đó sao?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy hỏi một câu hỏi khác: cách nhìn của chúng ta về cuộc sống là gì? Tất cả mọi người, và mỗi người, đều có cách nhìn về cách sống, những điều nên làm - hoặc không nên làm - để sống hạnh phúc và thành công. Chúng ta đã học được điều này từ cha mẹ, gia đình của chúng ta. Chúng ta đã chọn nó từ bạn bè của mình, nhóm bạn bè ngang lứa tuổi của mình. Chúng ta đã định hình cách nhìn của mình theo những gì truyền thông nói với chúng ta.

Cách nhìn của chúng ta về cuộc sống là gì? Nói cách khác, đức tin của ta là gì? Ta tin vào điều gì? Liệu tất cả sẽ dừng lại hoàn toàn với cái chết, hay nó vươn tới... xa hơn?

Trong Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu nói: “Vì ý của Cha Ta là: phàm ai trông thấy Con và tin vào Ngài thì có sự sống đời đời, và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (Gioan 6: 40). Cuộc sống vĩnh hằng này là gì? Đó có phải là cuộc sống của chúng ta trong Thánh Thần không?

Khi chúng ta bước từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành trong thế giới mang tính thời gian, không gian và cảm giác này - lớn lên, mạnh mẽ hơn, thông minh hơn; đôi khi vui, nhiều khi buồn; giận dữ, tham vọng, thân thiện, thù địch; tìm kiếm người thân, bạn bè, những trải nghiệm trên đường đời và thu góp của cải, thành công, thất bại, bệnh tật và thậm chí nhiều kinh nghiệm khác nữa - đôi khi chúng ta dừng lại và tự hỏi mình, điều gì làm cho mình hạnh phúc? Điều gì sẽ làm cho tôi cảm thấy mãn nguyện, mang lại cho tôi cảm giác mình đã hoàn thành cuộc đời mình?

Và chúng ta nhận ra rằng không phải cái "bên ngoài kia" làm nên sự hoàn thành cuộc đời mình mà là cái "ở trong này" - một điều gì đó mầu nhiệm trong tôi:


Như thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ý thức được ý nghĩa sáng ngời cao đẹp của đời người tín hữu Chúa Kitô:

Ôi, hồn thiêng liêng không hề chết đặng,
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên.
Ngày tận thế là ngày thôi tán loạn,
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên.
(Hồn lìa khỏi xác, Hàn Mặc Tử
)

Cho nên, dẫu rồi đây, xác tôi bị chôn chặt trong ba tấc đất, cuộc đời tôi sẽ không phải vì đó mà kết thúc nơi “nắm cỏ khâu”. Nhưng tôi sẽ được:

… đầu đội mũ triều thiên,
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng,
Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng,
Lời văng xa truyền nhiệm đến vô biên.
(Ngoài vũ trụ, Hàn Mặc Tử)


Đây là sự sống trong Thánh Thần. Cuộc sống duy nhất đích thực là như vậy. Đó là cuộc sống đầy sáng tạo và tưởng tượng của chúng ta. Cuộc sống có suy nghĩ và hiểu biết của chúng ta. Cuộc sống có sự trong sáng và tốt lành, từ bi, chính trực, rộng lượng của chúng ta, mối tương quan chân thành của chúng ta với người khác và hơn hết là tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu.

“Ai trông thấy Người Con và tin vào Ngài thì có sự sống đời đời, và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại”. (Gioan 6: 40)

Và sự sống vĩnh cửu này tiếp tục lớn lên trong chúng ta cho đến một ngày kia, khi Chúa gọi chúng ta, “Hãy đến! Con đã làm xong mọi sự rồi”.

Và thường thì chúng ta hét lên trả lời rằng: “Ồ chưa! Con chưa làm xong. Con chưa kiếm được tất cả số tiền con muốn. Con chưa yêu gia đình, bạn bè của con cho đủ. Con chưa làm xong, tất cả những giải thưởng này đang đợi con, con chưa nổi tiếng đủ.”

Nhưng Chúa vẫn kiên trì: “Hãy đến, bây giờ con đã làm xong xuôi hơn bao giờ hết, hơn là trong tương lai. Ta yêu con, và Ta đã chọn con đi ngay bây giờ, vào lúc này - thời điểm tốt nhất trong cuộc đời của con. Hãy tin tưởng Ta! Hãy đến! Hãy bước vào sự sống vĩnh cửu. Sự sống sung mãn, dư dật của con trong Thánh Thần.”

Và đây mới là cái chết đích thực, không phải là kết thúc mà là khởi đầu, chúng ta đi vào sự sống sung mãn trong Thánh Thần, hiệp nhất với Thiên Chúa và với các thánh là những người đã từng sống trong thế giới này với ta, như ta.

Các thánh là ai? Là những người nam, người nữ giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, vượt xa thời gian và không gian như những sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”, là những người nam và người nữ được hưởng sự sống dồi dào trong Thánh Thần, “Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên” (Kh 7, 2-4, 9-14).

Vì vậy, đừng chỉ cầu nguyện cho những người đã ra đi, hãy cầu nguyện với các ngài vì các ngài có thể đã là Thánh. Trò chuyện với các ngài. Hãy để các ngài đi vào những suy nghĩ và khao khát sâu sắc nhất của chúng ta, như chúng ta đã từng làm khi các ngài còn ở đây trên trần gian này. Hãy xin các ngài giúp đỡ, hướng dẫn. Hãy xin các ngài cho biết những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Trong thế giới các linh hồn, các ngài gần chúng ta hơn những người ngồi cạnh chúng ta ở nhà.

Các thánh đã đi đâu, sớm muộn gì chúng ta cũng theo các ngài. Vì vậy, đừng bao giờ sợ hãi cái chết. Chúng ta biết rằng chúng ta vượt qua cái chết để đi vào cuộc sống trong Thiên Chúa là tình yêu, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta yêu thương nhau, “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,10.19) và đến lượt chúng ta, phần của riêng mình, “chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Chẳng phải đó là cách mỗi người chúng ta suy nghĩ về cái chết và sống một cuộc đời chuẩn bị sẵn sàng cho giây phút Chúa đến với mỗi người chúng ta hay sao? Đó nên là ý nghĩa của cuộc đời chúng ta, một Mùa Vọng kéo dài.

Để một ngày kia lời Thánh Gioan đã viết trong Tin Mừng được thực hiện: “Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một: Con trong chúng và Cha trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, ngõ hầu thế gian biết là Cha đã sai Con, và đã yêu mến chúng, như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha điều Cha đã ban cho Con, thì Con muốn là Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con” (Gioan 17: 22-24).

Trong sách Khải huyền, thánh Gioan còn viết rõ: “Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Gioan 22:3-5). Và khi chúng ta bước từ cuộc sống trần gian này sang cuộc sống khác, ngập tràn vinh quang và vĩnh cửu, tiếng kêu trên môi của chúng ta là cùng “Đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: "Halêluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền!.. Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Khải huyền 19:1; 22: 20).
 
(WHĐ)