Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

PHỎNG VẤN ĐỨC CHA PCT.HĐGMVN

Phó chủ tịch HĐGMVN trả lời RFA về sự kiện TGM Ngô Quang Kiệt từ chức
VietCatholic News (14 May 2010 19:12)
Phó chủ tịch HĐGMVN trả lời RFA về sự kiện TGM Ngô Quang Kiệt từ chức

Chung quanh việc bổ nhiệm Phó tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội và sự từ chức của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt dư luận hiện đang chia thành hai khối.

Hôm 7-5-2010, nhân lễ chào đón Tổng giám mục phó Hà Nội, giáo dân đã mang theo nhiều hình ảnh, biểu ngữ ủng hộ Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.

Một bên cho rằng sự bổ nhiệm của Vatican căn cứ trên lá thư từ chức vì sức khỏe của Giám mục Ngô Quang Kiệt, một bên thì đoan chắc Vatican đã nhuợng bộ để đưa vị giám mục cương cường này ra khỏi giáo phận Hà Nội như mong muốn của UBND thành phố Hà Nội đã từng đưa ra trước đây.

Để rộng đường dư luận, Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, đương kim Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Dư luận trái chiều Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục, trước tiên xin được cám ơn ngài đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề hiện đang gây tranh cãi trong và ngoài nước. Trước tiên, với tư cách gần gũi rất nhiều với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, xin ngài cho biết sự thực sức khỏe của giám mục Ngô Quang Kiệt có trầm trọng đến mức độ phải từ chức hay không, trong khi ngài biết rõ sự từ chức của ngài sẽ là tiền đề cho bao nghi nan?

GM Nguyễn Chí Linh: Chính trong Hội đồng Giám mục chúng tôi cũng thấy đó là cái gì khó hiểu cho nên cũng muốn được sự xác minh của ngài. Ngài luôn lập đi lập lại là người ta cứ hiểu lầm là mình bị sức ép để mà từ chức nhưng thật ra sức khỏe của ngài suy yếu cách nay đã lâu cho nên ngài đã làm đơn từ chức trước khi xảy ra vụ Tòa khâm sứ và vụ Thái Hà.

“Chúng tôi cũng rất lấy làm xót xa vì công luận người ta suy diễn theo cái nhìn của người ta cho nên nó tạo ra những ngờ vực rất là lớn và có nguy cơ biến người nọ người kia thành nạn nhân. GM Nguyễn Chí Linh

Dư luận cứ cho đó là sức ép của phía nọ phía kia. Cách đây không lâu tôi đã trực tiếp hỏi Đức tổng Giuse nhiều lần, mãi đến mấy ngày vừa qua, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao ngài lại từ chức vào lúc này. Ngài trả lời chỉ đơn giản là ngài không làm việc được. Mỗi lần nghĩ tới công việc thì đã bủn rủn tay chân. Cơ thể thì cứ ngày một suy nhược đi. Nhìn diện mạo bên ngoài của ngài thì có thể thấy được điều đó.

Hiện nay sắc diện của ngài không được hồng hào như trước đây. Ngài rất gầy gò, mặc dù trí nhớ của ngài thì vẫn rất minh mẫn, điều này thì không thể phủ nhận được. Sự tiều tụy của ngài có thể thấy được một cách rõ ràng.

Chúng tôi cũng rất lấy làm xót xa vì công luận người ta suy diễn theo cái nhìn của người ta cho nên nó tạo ra những ngờ vực rất là lớn và có nguy cơ biến người nọ người kia thành nạn nhân.

Giáo dân nói chung thì họ không nắm vấn đề lắm. Họ bị chi phối bởi truyền thông rất nhiều. Truyền thông có khi chỉ một chiều, ngay cả giới linh mục người ta cũng hoang mang, không biết thật hư như thế nào. Nó tạo ra sự phân hóa hay hình thức hận thù nào đó đối với những nhân vật đang còn phục vụ giáo hội Việt Nam.

- Giáo hoàng Benedict 16 chấp nhận đơn từ chức của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Phó Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn sẽ trở thành người kế nhiệm theo giáo luật.

- Giáo hoàng Benedict 16 chấp nhận đơn từ chức của Giám mục Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Thái Hợp, Dòng Anh em thuyết giáo kế nhiệm

Bản thân là Giám mục, tôi nhận được rất nhiều bài vở và chúng tôi không biết nguồn xuất phát từ đâu. Chỉ biết có những bài chửi bới trong những email. Lời lẽ họ dùng là thằng nọ thằng kia. Người thường với nhau khi giận dỗi cũng không có lời lẽ như thế.

Có nhiều cái chúng tôi không thể hiểu được, ở sau lưng ai là người đang có ý đồ chia rẽ giáo hội Việt Nam. Bây giờ phần còn lại là làm thế nào để con cái trong giáo hội đừng để người ta làm cho đàn chiên tan tác như thế.

Không biết bài thuốc để chữa trị là gì và chúng tôi cảm thấy đau lòng trước những gì đang xảy ra. Có những người vì lòng mộ mến đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, rồi lên án người này người nọ thì tôi thấy nó không phù hợp với tinh thần Kitô giáo cho lắm.

Tình thế khó xử Mặc Lâm: Thưa trước sự việc ngày một nghiêm trọng như thế nhưng HĐGMVN vẫn giữ im lặng và không có một giải thích nào nhằm làm rõ vấn đề hơn, theo Đức giám mục thì một bức thư chung của HĐGMVN có làm cho tình hình đổi khác đi hay không?

GM Nguyễn Chí Linh: Các Đức cha cũng đã bàn đi bàn lại nhiều lần. Nhiều vị cũng đồng quan điểm với anh trong việc ra một thư chung. Tuy nhiên trong bối cảnh này nếu mình ra một thư chung thì phải đặt vấn đề có lợi hay hại. Lượng định của một số giám mục Việt Nam thì bây giờ nếu ra thư chung thì họ lại ném đá vào bức thư này bởi vì mình không biết phải nói thế nào để thuyết phục những người làm công tác truyền thông mà họ có ý gây phân hóa trong giáo hội.

Đa số giáo dân vẫn còn yêu mến giáo hội lắm, phải khẳng định điều đó. Họ cũng “chín mồm chín miệng” vì dư luận nọ kia nhưng họ vẫn trung thành. Điều đáng sợ nhất là HĐGMVN không biết mình sẽ là cái gì đối với những người đứng ở hậu trường tìm cách phá hoại giáo hội. Tôi vẫn tin rằng có những người họ có cả một kế hoạch, ngay cả có kịch bản làm cho giáo hội Việt Nam tan nát. Tuy nhiên, mình không có cơ sở nào để khẳng định. Chỉ biết rằng những người yêu mến giáo hội họ không gieo rắc thù hận hay chia rẽ.

Những người gieo rắc thù hận hay chia rẽ thì hoặc là họ không yêu giáo hội hoặc là họ cố tình làm như thế để tạo nguy cơ chia rẽ.

Thư chung thì được đã bàn tới nhiều lắm nhưng không biết viết như thế nào, và không biết tung ra có lợi hay là không, hay là nó sẽ là cái bia để cho người bắn nhiều hơn.

Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục, nếu nhìn một cách tích cực hơn thì dù sao một sự lên tiếng chính thức của HĐGMVN cũng giúp cho những người đang chao đảo vũng tin hơn vào giáo hội Việt Nam thưa Đức cha?

GM Nguyễn Chí Linh: Nhìn từ phía anh nhiều khi nó đơn giản tại vì anh không ở trong cuộc, không nghe những lời chửi bới người ta gửi đến trong tin nhắn, email của chúng tôi hàng ngày. Những nạn nhân bị nhắm tới là tất cả các giám mục. Họ dùng những lời lẽ thô tục như cả cuộc chiến. Họ tấn công thật sự cho nên sự dè dặt của HĐGMVN là hiểu được.

“Điều đáng sợ nhất là HĐGMVN không biết mình sẽ là cái gì đối với những người đứng ở hậu trường tìm cách phá hoại giáo hội. GM Nguyễn Chí Linh

Hai nữa về phương diện cơ chế thì hiện nay người có trách nhiệm quyết định lên tiếng hay không lên tiếng, viết thư chung hay không viết thư chung là Đức cha chủ tịch. Hiện nay ngài đã về Hà Nội. Nếu một giám mục khác mà viết thì không đủ tư cách, mà họp lại thì cũng chính đức cha chủ tịch triệu tập.

Ý tưởng anh đưa ra chúng tôi cũng từng chia sẻ nhưng bây giờ ngài đang lâm vào một tình thế phức tạp nên ngài cũng chưa dám quyết định một điều gì mang tính toàn quốc.

Mặc Lâm: Như sự trình bày của ngài thì HĐGMVN đang lâm vào tình trạng rất khó xử, như vậy giải pháp trông cậy vào một tuyên bố chính thức của Vatican trước những luồng dư luận bất lợi cho giáo hội có được HĐGMVN nghĩ đến hay không?

GM Nguyễn Chí Linh: Theo truyền thống thì Vatican rất bản lĩnh trong mặt trận ngoại giao. Bởi vì không phải Việt Nam là nước đầu tiên gặp rắc rối, nhiều nước đã từng gặp. Nguyên tắc làm việc của Bộ ngoại giao Tòa thánh và của Bộ Truyền giáo là không phát ngôn, không phát biểu gì về những hoàn cảnh cụ thể mà chỉ đưa ra những định hướng mà thôi.

Nếu thanh minh thì Tòa thánh phải thường xuyên ở trong tình trạng phải đối đáp. Phải bút chiến với những nơi mà giáo hội đang có vấn đề thì điều đó nó không khôn ngoan vì người ta hỏi đâu nói đấy. Tòa thánh sẽ trở thành thụ động không thể hiện tính tự do của mình khi quyết định.

Nguyên tắc làm việc của Bộ ngoại giao Tòa thánh và của Bộ Truyền giáo là không phát ngôn, không phát biểu gì về những hoàn cảnh cụ thể mà chỉ đưa ra những định hướng mà thôi. GM Nguyễn Chí Linh

Một quyết định mà phải giải thích cho toàn thế giới thì điều đó người ta không bao giờ thỏa mãn, ví dụ như trường hợp của Đức tổng Kiệt. Nếu đi vào cụ thể, khi tòa thánh trả lời phải khẳng định mình ủng hộ đức tổng Kiệt hay không ủng hộ. Ủng hộ đức cha Nhơn hay không ủng hộ? Điều này rất khó cho tòa thánh. Tưởng tượng rằng mình đang trong vế của tòa thánh thì không đơn giản tí nào.

Nếu làm ở Việt Nam như thế thì cũng phải làm ở Trung Quốc ở Nam Mỹ. Không lẽ quanh năm suốt tháng tòa thánh phải luôn luôn trả lời việc bổ nhiệm? Vậy thì điều này không thực tế lắm.

Mặc Lâm: Xin được hỏi Đức giám mục một câu cuối, nếu có cơ hội chia sẻ với những tu sĩ, giáo dân hay kể cả người ngoài Giáo hội nhưng có quan tâm về sự kiện này thì ngài sẽ nói gì?

GM Nguyễn Chí Linh: Đối với tôi thì giá trị hàng đầu vẫn là tính hiệp thông Giáo hội. Để những âm mưu phá hoại giáo hội bằng cách phân hóa giữa người nọ với người kia trong hàng ngũ lãnh đạo của giáo hội Việt Nam không thành công. Trong hoàn cảnh này nếu có thể được thì tôi cũng kêu gọi mọi thành phần xã hội, đừng phân biệt người này là gốc công giáo người kia không công giáo, để từ đó có những đối xử không được công bằng.

Có nghĩa là mọi thành phần giáo hội cũng như xã hội phải thật sự nhìn nhận tình liên đới. Sự đoàn kết là một giá trị tích cực nó mang tính vừa dân tộc vừa Ki tô giáo. Đó là cái chìa khóa mình có thể dùng để giải quyết khủng hoảng hiện nay trong giáo hội Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã dành thời gian trả lời cho cuộc phỏng vấn này.
Mặc Lâm /RFA
(nguồn : vietcatholic.net)

MƯU SÁT ĐỨC GIÁO HOÀNG

Phá vỡ âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI
VietCatholic News (14 May 2010 12:58)
Phá vỡ âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI

Thủ đô Rôma Ý Đại Lợi, lúc 12:03PM trưa nay ngày 14 tháng Năm 2010 theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã (CNA/EWTN News) 2 sinh viên quốc tịch nước Ma-rốc hiện đang theo học tại Trường Đại Học Perugia tại miền Trung nước Ý Đại Lợi đã bị trục xuất khỏi nước Ý vào cuối tháng Tư 2010 sau khi các giới chức an ninh có thẩm quyền tại Ý khám phá ra họ đã và đang âm mưu ám sát Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Một trong 2 sinh viên bị buộc tội này đã tuyên bố rằng; hắn đã muốn " được kiếm một chỗ trên Thiên Đàng !!!" (sic)

Theo tuần báo Paronama Toàn Cảnh Nước Ý, các giới chức thẩm quyền Nước Ý đã thâm nhập và ghi âm đầy đủ các bằng cớ để dẫn đến việc bắt tại chỗ hai nghi phạm này và tiến hành tống xuất- trả họ về lại Marốc.

Án Lệnh Tống Xuất có kèm theo các cuộn băng thu âm các cuộc nói chuyện của một trong 2 nghi phạm tên là Mohammed Hlal, nói rằng y đã muốn " cái chết cho vị Nguyên thủ Quốc Gia -Thành Phố Vatican " và y đã " chuẩn bị sẵn sàng ám sát giết chết Đức Giáo Hoàng để được hưởng một chỗ trên Thiên Đàng."

Mohammed Hlal, nam giới 27 tuổi đang nói chuyện bằng điện thoại với Ahmed Errahmouni- nam giới -22 tuổi và đã phát biểu như trên cùng với chuyến du lịch dự định về thăm Marốc đã lập tức gây chú ý cho giới chức cảnh sát địa phương Ý.

Hai nghi phạm này lập tức bị coi như là " Mối đe dọa trực tiếp cho nền An ninh Quốc Gia Ý" theo như văn kiện ký bởi Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Ý và Án Lệnh Tống Xuất ra khỏi Nước Ý vào ngày 29 tháng Tư 2010 theo như tường trình của Tuần báo Paronama nước Ý.

Theo như các biên bản điều tra tiến hành từ đầu tháng Mười năm 2009 bởi Lực Lượng Cảnh Sát Bài Trừ Băng Đảng Tội Ác Mafia của Bộ Nội Vụ Ý, 2 nghi phạm này được biết rõ là có quan điểm Hồi Giáo quá khích và tỏ ý rõ ràng rằng họ rất muốn nhận các chất nổ. Báo cáo an ninh cho biết rằng tuy vậy không tìm thấy có vật liệu hay trang thiết bị nào dùng để chế tạo ngòi nổ hay chất nổ chứa tại phòng trọ của các nghi phạm nói trên.

Nghi phạm Mohammed theo học về ngành Truyền thông Quốc Tế còn Errahmouni là sinh viên theo học Toán-Vật Lý tại Trường Đại Học Perugia, Ý.


Dominic David Trần
(nguồn : vietcatholic.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN (Lc 24, 46-53)

LẼ SỐNG 15.5

15 Tháng Năm
Ta Không Kết Án Con

Tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg trong miền Baviere, Tây Ðức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng được tạm trổ vào khoảng thế kỷ 14. Trên những tượng thánh giá, thông thường đôi tay Chúa Giêsu giang ra và bị đóng vào gỗ giá. Riêng đôi tay của Chúa Giêsu trên tượng thánh giá tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg thì khác hẳn: thay vào bị dang ra và bị đóng vào gỗ giá, hai cánh tay của Chúa lại khoanh trước trái tim như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.

Người dân địa phương truyền tụng rằng trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Tin Lành và Công Giáo vào giữa thế kỷ 17, một người lính chống Công Giáo đã vào nhà thờ này. Nhìn thấy trên đầu Thiên Chúa có một triều thiên bằng vàng, anh sinh lòng tham, bắc thang leo lên để đánh cắp. Khi anh vừa đưa tay tháo gỡ triều thiên thì đôi cánh tay của Chúa Giêsu bỗng được tháo gỡ. Chúa Giêsu dang tay ôm trọn lấy anh vào lòng, với tất cả trìu mến. Người lính chết lịm trong vòng tay âu yếm của Chúa Giêsu.

Người ta tìm thấy xác của anh dưới chân thánh giá!

Kể từ ngày đó, hai cánh tay của Chúa Giêsu không còn dang ra và bị đóng vào lỗ đinh nữa, nhưng được khoanh trước trái tim trong tư thế đang ôm chầm lấy một người nào đó.

Du khách nhìn lên thập giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe có tiếng thì thầm: "Ta không hề kết án con".

"Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài", đó là chân lý cơ bản nhất trong Kitô giáo. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá: đó là ngôn ngữ qua đó muốn nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Người Con Một của Ngài chết thay cho chúng ta.

Thiên Chúa yêu thương con người: điều đó không có nghĩa là Ngài yêu thương con người một cách trìu tượng, yêu thương con người như một đám đông hay như một con số. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu cá biệt, nghĩa là mỗi người chúng ta đối với Ngài như thể là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này. Mỗi người là một lịch sử, mỗi người chiếm trọn tình yêu của Chúa.

Thiên Chúa yêu thương tôi, nghĩa là Ngài chỉ muốn điều thiện cho tôi. Ðiều thiện ấy có thể vượt khỏi suy tính, đo lường của tôi. Do đó, cho dẫu có gặp trăm nghìn đớn đau, vất vả, chúng ta cũng hãy tin rằng Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tôi đến độ làm mọi cách để cho mọi sự đều quy về điều thiện hảo cho tôi. Một cơn bệnh, một sự thất bại, một cái chết, một sự mất mát và ngay cả tội lỗi: tất cả đều là những cơ may để Ngài ban cho tôi một ơn phúc cao cả hơn.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

FATIMA

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước nửa triệu tín hữu tại Fatima

VietCatholic News (13 May 2010 07:16)

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước nửa triệu tín hữu tại Fatima

FATIMA. Nửa triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 cử hành sáng ngày 13-5-2010 tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, nhân dịp kỷ niệm đúng 10 năm Đức Gioan Phaolô 2 tôn phong hai thiếu nhi Phanxicô và Giacinta lên bậc chân phước, ngày 13-5-2000.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM và một số HY, đặc biệt ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, SDB, nguyên giáo phận Hong Kong, ĐHY Sean O'Malley, OFM Cap., và 1.500 LM ngồi trước lễ đài.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức rước kiệu tượng Đức Mẹ Fatima, dưới bầu trời nắng đẹp: Đi đầu là thánh giá, tiếp đến là một đoàn người cầm các cờ hiệu của các phong trào và hội đoàn, tiếp đến là hàng trăm GM đồng tế, rồi kiệu hoa tượng Đức Mẹ Fatima được các toán 8 binh sĩ thuộc các quân chủng khác nhau thay phiên nhau vác trên vai. Sau cùng là chiếc xe bọc kính của ĐTC.

Trong số nửa triệu tín hữu đứng đầy quảng trường đặc biệt có Tổng thống Cavaco Silva và phu nhân, cùng với nhiều quan chức chính phủ. Nhiều tín hữu đã đi bộ từ các nơi trong nước Bồ đến đây hành hương và tham dự thánh lễ với ĐTC.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến chủ ý cuộc hành hương của ngài, cũng như tính chất thời sự của sứ điệp Fatima:

”Tôi đến Fatima để, cùng với Mẹ Maria và bao nhiêu tín hữu hành hương khác, cầu nguyện cho nhân loại chúng ta đang bị lầm than và đau khổ. Tôi đến Fatima, với cùng tâm tình như chân phước Phanxicô và Giacinta và Nữ Tôi Tớ Chúa Lucia, để phó thác cho Đức Mẹ lời tuyên xưng thâm sâu rằng tôi yêu mến, Giáo Hội, các linh mục yêu mến Chúa Giêsu và muốn chiêm ngắm Chúa, trong lúc Năm Linh Mục đang kết thúc, và để phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các linh mục, những người thánh hiến, nam và nữ, các thừa sai và tất cả những người đang làm điều thiện để làm cho Nhà Chúa trở nên hiếu khách và mang lại phúc lợi cho mọi người.”

ĐTC cũng nói đến ảnh hưởng của Sứ điệp Fatima đối với cuộc sống các tín hữu ngày nay và khẳng định rằng:

”Ai nghĩ rằng sứ mạng ngôn sứ của Fatima đã kết thúc thì thật là sai lầm. Nơi đây, chúng ta thấy gợi lại ý định của Thiên Chúa đang gọi hỏi nhân loại ngay từ thời khởi thủy: ”Người em Abel của người ở đâu?.. Máu của em ngươi đang kêu thấu tới Ta từ đất!” (St 4,9). Con người có thể làm bùng lên cái vòng chết chóc và kinh hoàng, nhưng lại không thể phá vỡ được cái vòng đó.. Trong Kinh Thánh ta thường thấy điều này là: Thiên Chúa tìm kiếm những người công chính để cứu vớt thành thị của con người, và cũng điều ấy cũng xảy ra tại Fatima này, khi Đức Mẹ hỏi các mục đồng: ”Các con có muốn hiến dâng mình cho Thiên Chúa để chịu đựng tất cả những đau khổ Người gửi đến cho các con, để đền tạ tội lỗi người ta đã xúc phạm Người, và cầu xin ơn hoán cải cho các tội nhân hay không?” (Hồi ký chị Lucia, I, 162).

”Với gia đình nhân loại đang sẵn sàng hy sinh những mối liên hệ thánh thiêng nhất của mình trên bàn thờ của sự ích kỷ trắng trợn của các quốc gia, chủng tộc, ý thức hệ, phe nhóm, cá nhân, Người Mẹ phúc hậu chúng ta đã từ trời cao xuống, dâng hy sinh để cấy vào trong tâm hồn của những người phó thác cho Mẹ Tình Yêu của Thiên Chúa đang nồng cháy trong tâm hồn Mẹ. Thời đó chỉ có 3 mục đồng, gương sống của họ đã được phổ biến và gia tăng thành những vô số các nhóm trên toàn trái đất, đặc biệt là qua các cuộc thánh du của Đức Mẹ. Các nhóm tín hữu ấy tận tụy phục vụ cho chính nghĩa tình liên đới huynh đệ. Ước gì thời gian 7 năm, từ nay cho đến dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima này, sẽ đẩy mạnh sự chiến thắng đã được báo trước của Khiết Tâm Đức Mẹ Maria hầu tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã đặc biệt ngỏ lời chào thăm anh chị em bệnh nhân và nêu cao giá trị của đau khổ khi được kết hiệp với khổ giá của Chúa Kitô:

”Anh chị em thân mến, trước mắt Thiên Chúa, anh chị em có một giá trị lớn lao đến độ chính Chúa đã nhập thể làm người để có thể chịu đau khổ với con người một cách cụ thể, trong thịt và máu, như trình thuật thương khó của Chúa Giêsu kể lại cho chúng ta. Từ đó, trong mỗi đau khổ của con người đều có một Đấng đi vào để chia sẻ đau khổ và sự chịu đựng, và từ đó trong mỗi đau khổ đều có một sự đồng an ủi của tình thương chia sẻ của Thiên Chúa, và thế là nảy sinh một vì sao hy vọng” (Biển Đức 16, Thông điệp Spe Salvi, 39). Với niềm hy vọng này trong tâm hồn, anh chị em có thể ra khỏi tình trạng ”cát lún” của bệnh tật và sự chết, và đứng trên tảng đá vững chắc của tình yêu Thiên Chúa. Nói khác đi, anh chị em có thể vượt thắng cảm giác về sự vô dụng của đau khổ làm tiêu hao con người trong nội tâm, khiến họ cảm thấy mình là gánh nặng của người khác, trong thực tế, đau khổ khi được chịu đựng cùng với Chúa Giêsu, thì góp phần vào việc cứu độ anh chị em mình”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, hãy đón nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu, Đấng sẽ đi qua gần anh chị em trong bí tích Thánh Thể này và hãy phó thác cho Chúa mọi cơ cực đau khổ mà anh chị em đang gặp, để chúng trở thành phương thế cứu độ cho toàn thế giới, theo kế hoạch của Chúa. Anh chị em sẽ trở thành những người cứu độ trong Đấng Cứu Chuộc, như những người con trong Chúa Con. Cạnh Thập Giá có Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ chúng ta”.

Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 1 giờ trưa, ĐTC ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho các bệnh nhân, rồi ngài đến viếng mộ của hai chân phước Giaxinta và Phanxicô ở bên trong Vương cung thánh đường Đức Mẹ Fatima, trước khi về nhà Camêlô để dùng bữa trưa với các GM Bồ đào nha và các vị thuộc đoàn tùy tùng.

Chiều hôm qua, vào lúc gần 5 giờ giờ địa phương, theo chương trình ĐTC trở lại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi, cũng trong khu vực Đền thánh Đức Mẹ để gặp gỡ các tổ chức mục vụ xã hội của Giáo Hội Bồ đào nha. Đây là những tổ chức lớn, trên bình diện quốc gia, kể cả một số tổ chức không Công Giáo, dấn thân trong các hoạt động từ thiện, xã hội. Cả các nhân viên và cộng tác viên của Đền Thánh.

Sau đó ngài gặp 50 GM thuộc HĐGM Bồ đào nha. Thứ sáu 14-5-2010, là ngày chót trong chuyến viếng thăm 4 ngày của ĐTC Biển Đức 16 tại Bồ đào nha. Ban sáng ngài sẽ giã từ trung tâm Thánh Mẫu Fatima, đáp trực thăng đến thành phố Porto có 240 ngàn dân cư và cách đó 190 cây số ở mạn bắc để viếng thăm nửa ngày. Tại đây vào lúc quá 10 giờ, giờ địa phương, ngài sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Đại Lộ Đồng Minh ở trung tâm thành phố. Sau thánh lễ, vào lúc 2 giờ chiều, ngài sẽ đáp máy bay trở về Roma, dự kiến đến nơi vào lúc 6 giờ chiều.


G. Trần Đức Anh OP
LM. Trần Đức Anh, OP
(nguồn : vietcatholic.net)

LẼ SỐNG 14.5

14 Tháng Năm
Hương Vị Của Khói

Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:

Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...

Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì. Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.

Nhưng không may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".

Người ăn xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.

Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau: "Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".

Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.

Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...

Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.


Trích sách Lẽ Sống

THÔNG BÁO CÁC BỔ NHIỆM MỚI

Thông Báo Của Phòng Báo Chí Tòa Thánh
về các bổ nhiệm mới tại Việt Nam

VietCatholic News (13 May 2010 06:55)

Hôm nay 13/5/2010, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khoẻ (chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật), và của Đức Giám Mục Vinh Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, 83 tuổi, vì lý do tuổi tác (khoản số 401 triệt 1).

Vị Tổng Giám Mục mới của Hà Nội là Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.

Tại Vinh, cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thuộc dòng Đa Minh đã được bổ nhiệm Giám Mục. Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP sinh tại Lang Anh, Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh, ngày 2/1/1945. Ngài đã theo học tại Học Viện Dòng Đa Minh và Đại Học Quốc Gia Sàigòn và đạt được bằng cử nhân Triết Đông Phương tại đây vào năm 1970. Ngài lấy bằng Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Fribourg ở Thụy Sĩ (1978), và Tiến Sĩ Thần Học Luân Lý tại Phân Khoa Thần Học São Paulo (Ba Tây). Ngài đã được thụ phong linh mục ngày 8/8/1972.

Sau khi được thụ phong, ngài đã giữ các chức vụ sau: giáo sư tại Phân Khoa Thần Học Lima (Peru), trong thập niên 1980, và tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Tôma Aquinas tại Rôma (1997-2003), chịu trách nhiệm đào tạo tri thức cho Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam (2003-2007), linh hướng cho Tỉnh Dòng (2003-2007).

Từ năm 2000, ngài giảng dạy môn Luân Lý và Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội tại các Học Viện Đa Minh và các cơ sở tôn giáo và khoa học tôn giáo khác nhau tại Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh
(nguồn : vietcatholic.net)

LỜI TỪ BIỆT

Lời từ biệt của đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
gửi cộng đồng dân Chúa TGP Hà Nội

VietCatholic News (13 May 2010 10:28)

xin mời bấm chuột vào hình để xem cho rõ
(nguồn : vietcatholic.net)

ĐTGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT TIẾP TỤC ĐI CHỮA BỆNH

Thông Báo: Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã lên đường đi chữa bệnh ở ngoại quốc

VietCatholic News (12 May 2010 13:15) Thông Báo Về Đức Tổng Giám Mục Giuse

VĂN PHÒNG

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

----------+----------

THÔNG BÁO

Ngày 12 tháng 5 năm 2010

Kính gửi: Cộng Đồng Dân Chúa

Tổng Giáo Phận Hà Nội

Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội xin trân trọng thông báo: gần đây sức khỏe của Đức Tổng Giám Mục Giuse lại suy yếu. Vì vậy ngài đã lên đường để tiếp tục chương trình chữa bệnh và dưỡng bệnh ở ngoại quốc.

Xin toàn thể gia đình giáo phận hãy cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Giuse của chúng ta mau chóng bình phục sức khỏe.

Trân trọng,

Linh mục Alphongsô Phạm Hùng
Chánh Văn Phòng TGM. Hà Nội

(nguồn : vietcatholic.net)

TÂN GIÁM MỤC

Đức Thánh Cha bổ nhiệm
cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
làm Tân Giám mục Giáo phận Vinh

GPVO – Hôm nay, 13-5-2010, Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo: Đức Thánh Cha đã nhận đơn từ nhiệm của Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh, chiếu theo khoản Giáo luật số 401 triệt 2.

Đồng thời, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, dòng Đa Minh, làm Tân Giám mục Giáo phận Vinh.

Trích lược tiểu sử
Đức Giám Mục Tân Cử
PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP, OP

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, sinh ngày 01-02-1945 tại giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An).

Ngày 15-8-1964: vào Tập viện Dòng Đa Minh tại Vũng Tàu

Từ 1965 - 1972: Học triết học và thần học tại Học viện Đa Minh Vũng Tàu và Thủ Đức

Từ 1968 - 1971: Học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương

Ngày 8-8-1972: Thụ phong linh mục tại Sài Gòn

Từ 1972-1978: Tiếp tục theo học tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương

Từ 1978-1979: Học chính trị kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ

Từ 1981-1986: Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima, Péru

Từ 1984-1991: Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học Viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru

Từ 1989-1994: Trung tâm nghiên cứu Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru

Năm 1994: Tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Đức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil

Từ 1996-2004: Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma

Từ 2004-2007: Giám Đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

Từ 2004: Thành viên của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGM Việt Nam

Từ 2006: Thành viên của Ủy ban Từ vựng Công giáo

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình. Câu lạc bộ được thành lập để gặp gỡ, trao đổi, thảo luận và học hỏi của những người Công giáo dấn thân phục vụ Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay theo tinh thần Phúc Âm

Được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh ngày 13 tháng 5 năm 2010.

(Nguồn: giaophanvinh.net)
Ban Truyền thông - XH Giáo phận Vinh
(nguồn : hdgmvietnam.org)

TỪ NHIỆM VÀ KẾ NHIỆM

Từ nhiệm và kế nhiệm Tổng Giám mục
Tổng giáo phận Hà Nội (Việt Nam)


Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội (Việt Nam), do Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đệ trình, theo khoản 401 § 2 của Bộ Giáo luật.


Kế nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Phó của cùng Tổng giáo phận.


(Nguồn: RINUNCE E NOMINE, 13.05.2010)
Phòng Báo chí Tòa Thánh

(nguồn : hdgmvietnam.org)

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 13.5

13 Tháng Năm
Ngày Của Mẹ

Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...

Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.

Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.

Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...

Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 12.5

12 Tháng Năm
Danh Dự Cho Ai

Văn sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường.

Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa. Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt được...

Nhà văn đang say với bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng trên đầu ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.

Hổ thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.

Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...

Khao khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa...

Chúa Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.

Chúa Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 11.5

11 Tháng Năm
Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh

Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...

Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.

Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính...

Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.

Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói với các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.

Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.

Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đại vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...

Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.

Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.

Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 10.5

10 Tháng Năm
Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa... Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: "Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa".

Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: "Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi".

Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ...

Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...

Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.

Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.

Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.

Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn...

Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa...


Trích sách Lẽ Sống