Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 12.12

12 Tháng Mười Hai
Thế Giới Sẽ Hết Nghèo Ðói

Mẹ Têrêxa thành Cacutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 đã kể lại câu chuyện sau đây: ngày nọ, có một thiếu phụ và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".

Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau. Càng giàu có, chúng ta càng muốn tích lũy thêm, nhưng càng nghèo khổ, chúng ta càng dễ chia sẻ hơn.

Nghèo không là một điều xấu, giàu cũng không là một cái tội. Xấu hay không, tội hay không đó là lòng tham lam và ích kỷ của con người mà thôi. Giá trị và danh dự của con người tùy thuộc ở lòng quảng đại của mình.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 11.12

11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa Mạc

Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: "Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi".

Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao nghị lực, biết bao mồ hôi... để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt... Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 10.12

10 Tháng Mười Hai
Quyền Con Người

Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.

Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.

Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.

Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ".

Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 09.12

09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.

Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.

Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :


Bà Cố ANNA NGUYỄN THỊ MẠNH
Sinh năm 1935

Thân mẫu Nữ tu Maria Nguyễn Thị Vui
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát
thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp


đã an nghỉ trong Chúa lúc 01 giờ 00,
ngày Thứ Tư 08.12.2010,
tại tư gia : Giáo xứ An Hoà, Giáo hạt Đức Trọng, Lâm Đồng
hưởng thọ 75 tuổi.

Nghi thức tẩn liệm, nhập quan
lúc 06giờ 00 ngày Thứ Năm 09.12.2010.

Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo Xứ An Hoà,
Giáo Hạt Đức Trọng, Giáo Phận Đà Lạt,
lúc 05giờ00, ngày Thứ Sáu 10.12.2010.

Sau đó an táng tại nghĩa trang Giáo xứ An Hoà.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố ANNA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo


HÌNH ẢNH RƯỚC KIỆU
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
8-12-2010








*17 giờ 30 ngày 08-12-2010 Trước giờ Lễ, Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức Rước Kiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng là ngày Bổn Mạng của Hội Legio GX Thuận Phát.

HÌNH ẢNH RƯỚC KIỆU.

Hữu Toàn.

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 08.12

Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG


Bà MARIA VŨ THỊ THANH THUỶ
Trưởng Giáo Khu 4


LẼ SỐNG 08.12

08 Tháng Mười Hai
Thiên Chúa Vẫn Tiếp Tục Yêu Thương

Ðời người, có lẽ ai cũng có một lần trải qua một biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay dân tộc...

Một ít cụ già hiện còn sống sót có lẽ đã trải qua cuộc đại chiến thứ nhất. Nhiều người đã có thể chứng kiến những tàn phá khốc liệt của thời đệ nhị thế chiến, cộng với nạn đói kinh hoàng ở Miền Bắc Việt Nam năm 1945. Và đa số chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cuộc chiến trong nước cũng như tại các nước khác trong những năm gần đây... Thêm vào đó, còn có biết bao nhiêu thiên tai và tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho con người.

Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là "các tiên tri chuyên loan báo thảm họa", có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc... để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.

Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài...

Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được. Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.

Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn "Thưa, xin vâng!" giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục chỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục "Thưa, xin vâng!" với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 07.12

07 Tháng Mười Hai
Chiếc Áo Hạnh Phúc

Một vị vua kia có tất cả mọi sự để được hạnh phúc... Nhưng lúc nào nhà vua cũng cảm thấy đau khổ, bứt rứt lo lắng. Các vị lương y khắp nước được triệu tập, nhưng tất cả đều bó tay. Sau cùng có một vị lương y xin yết kiến. Sau khi đã xem xét bệnh tình, vị lương y tâu rằng: "Ðức vua sẽ hoàn toàn hạnh phúc, nếu đức vua mặc được chiếc áo lót của người sung sướng nhất trần gian".

Thế là nhà vua ra lệnh cho tìm xem ai là người hạnh phúc nhất trên trần đời... Binh sĩ đã đi rảo khắp cả nước, nhưng không tìm được con người hạnh phúc đó. Trên đường quay về chịu tội, họ đã gặp được một bác chăn chiên đang ca hát véo von, không một chút lo âu. Ðám binh sĩ đã sấn lại tóm cổ người chăn chiên và lột áo. Nhưng vừa lột áo người chăn chiên, họ vô cùng sửng sốt vì ông ta không có nổi một chiếc áo lót!

Người đời thường nói: "Có tiền mua tiên cũng được". Nhưng chắc chắn người ta không thể dùng tiền bạc để mua hạnh phúc, an vui cho tâm hồn mình. Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó. Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta trống rỗng của cải, Thiên Chúa mới có thể lấp đầy.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

LINH MỤC CÓ ĐƯỢC PHÉP CHỨNG HÔN Ở TƯ GIA KHÔNG?

Một cha già đã gọi điện thoại cho tôi và than phiền rằng một linh mục kia đã đến tư gia để làm lễ thành hôn cho một cặp vợ chồng khác tôn giáo. Người chồng có Đạo đã ly dị vợ cũ nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối mà lại lấy một người không có Đạo Công Giáo. Linh mục kia nói là để họ xin phép chuẩn sau, bây giờ cứ chứng hôn cho họ để họ ở với nhau!! Đám cưới ở tư gia này có đông người tham dự…

Tôi thật kinh ngạc khi nghe cha già kể lại như trên và nhờ tôi lên tiếng về vấn đề này..

Tôi tin chắc cha già không nói sai về sự việc đã xẩy ra do một linh mục bất cần giáo lý, giáo luật của Giáo Hội nên đã làm những việc sai trái nghiêm trọng như sau:

1-Trước hết là việc cử hành Thánh Lễ ở tư gia:

Không có Giáo luật nào cho phép cử hành Thánh Lễ ở tư gia mà phải được cử hành trong nơi thánh có nghĩa là ở nhà thờ hoặc nhà nguyện đã được thánh hiến (
x Giáo luật số 932 & 1,2)

Tuy nhiên trong thực tế, giáo quyền địa phương - cụ thể là Tòa Giám mục - vẫn làm ngơ cho các cha ở xa đến thăm gia đình bà con và nhân tiện cử hành Thánh lễ trong các gia đình này. Ngoài ra trong dịp lễ giỗ của người thân, nhiều người cũng thích mời linh mục đến làm lễ giỗ cho gia đình họ. Nhưng Tòa Giám Mục không hề cho phép linh mục làm lễ ngày Chúa Nhật hoặc Lễ trọng ở tư gia cho giáo hữu tham dự. Các giáo hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng ở nhà thờ giáo xứ của mình hay ở một nhà thờ khác trong trường hợp đi chơi xa nhà.

Do đó việc linh mục kia quy tụ đông người ở tư gia để làm lễ thành hôn cho cặp hôn phối trên là sai trái thứ nhất về luật cử hành Thánh Lễ ở nơi không phải là Thánh đường hay nhà nguyện công.

2- Sai trái nghiêm trọng thứ hai là, trừ bí tích Xức Dầu bệnh nhân có thể được cử hành ở tư gia hay ở nhà thương nơi người bệnh không thể đến nhà thờ được, còn tất cả các bí tích khác,thông thường phải được cử hành ở nơi tôn nghiêm là thánh đường tức nhà thờ của xứ Đạo. Do đó, việc chứng hôn ở tư gia của linh mục nào đó là trái với giáo luật số 1115 qui định lễ nghi hôn phối phải được cử hành ở giáo xứ của một trong hai người phối ngẫu. Nếu cử hành ở giáo xứ khác thì phải có phép của bản quyền địa phương. Nghĩa là không linh mục nào được phép cử hành hôn phối ở tư gia hoặc ở nhà thờ nào mà không có phép của cha sở nhà thờ đó.

3- Sai lầm nghiêm trọng thứ ba là linh mục kia có thẩm quyền để chứng hôn hay không?

Thẩm quyền nói ở đây là các cha xứ đang coi sóc giáo dân thuộc quyền mục vụ của mình. Ai muốn kết hôn phải trình cha xứ để xin được giúp đỡ làm thủ tục và học giáo lý cần thiết trước khi kết hôn trong Giáo Hội. Nếu một trong hai người muốn kết hôn không ở chung một giáo xứ thì phải xin giấy giới thiệu và phép của cha xứ mình trực thuộc để đến xin kết hôn với người thuộc giáo xứ khác. Nghĩa là không ai được chứng hôn cho những người vô gia cư, tức không thuộc giáo xứ nào, trừ khi có lý do khẩn thiết
(x giáo luật số 1071 & 1) Do đó, vấn đề đặt ra là linh mục kia có năng quyền (faculty) để chứng hôn hay không. Nếu không thì việc chứng hôn này sẽ vô hiệu vì không có phép của bản quyền sở tại. Căn cứ theo giáo luật số 1111.

Nói rõ hơn, không phải cứ là linh mục hay phó tế thì ai đến xin chứng hôn cũng được phép chứng mà không cần biết xem người đó có thuộc về giáo xứ mình coi sóc hay không hoặc đôi tân hôn đó đã được điều tra, chuẩn bị kỹ về giáo lý và được thẩm quyền sở tại nào cho phép kết hôn và chỉ nhờ linh mục chứng hôn với sự ủy quyền (delegation) của Bản quyền sở tại
(giáo luật số 1115)...

Với bí tích Hòa Giải thì linh mục nào đang có năng quyền đều được phép giải tội cho bất cứ ai đến xin xưng tội, dù không phải là giáo dân mình coi sóc. Ngược lại, với bí tích Hôn Phối, chỉ có thẩm quyền điạ phương - cụ thể là cha sở coi sóc một xứ Đạo hay linh mục phó được cha sở ủy nhiệm mới có thẩm quyền để chuẩn bị cho đôi hôn phối và chứng hôn cho họ cách hợp pháp và hữu hiệu mà thôi (licit and valid)

Như thế, dù linh mục kia là cha sở của đôi hôn phối hay được cha sở điạ phương ủy nhiệm cho chứng hôn phối thì việc chứng hôn này vẫn sai trái vì đã cử hành ở tư gia thay vì phải ở nhà thờ của giáo xứ theo giáo luật đòi hỏi.
(cf.can no..1115)

4- Sai lầm nghiêm trọng nhất là khi đã biết một trong hai người kết hôn đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối cũ (annulment) mà vẫn chứng hôn cho họ thì quả thật là người coi giáo luật của Giáo Hội chẳng có nghĩa gì hết.!

Linh mục - dù là cha sở một họ Đạo hay là giáo sư dạy giáo luật - thì cũng không có chức năng (competence) giải quyết (tháo gỡ) vấn đề rắc rối hôn phối cho ai nhất là cho những người đã ly dị ngoài tòa dân sự. Có chăng, các linh mục ở giáo xứ chỉ có trách nhiệm giúp đỡ những đôi hôn phối đã đổ vỡ, tìm kiếm sự tháo gỡ hôn phối cũ qua thẩm quyền có chức năng là Tòa án Hôn phối (Tribunal) của Giáo Phận. Và chỉ khi nào đương sự xuất trình được án lênh của Tòa hôn phối cho tháo gỡ (annulled) hôn phối cũ thì linh mục ở giáo xứ mới có cơ sở giáo luật để cho xúc tiến việc xin tái kết hôn mà thôi.

Lại nữa, nếu là hôn nhân hỗn hợp (mixed marriage) nghĩa là một người có Đạo Công Giáo muốn kết hôn với người ngoài Công Giáo thì các linh mục coi xứ phải xin phép chuẩn (dispensation) cho họ từ Văn Phòng Chưởng Ấn (Chancery) của Tòa Giám Mục chứ không xin ở Tòa Hôn phối.

Như vậy, việc chứng hôn kia là hoàn toàn không hợp pháp và hữu hiệu vì một người đã ly dị mà chưa được tháo gỡ hôn phối cũ, lại tái kết hôn với người khác tôn giáo mà chưa có phép chuẩn (dispensation) của Tòa Giám Mục sở tại.

Không có luật nào cho phép chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau cả. Mà ai xin? đôi hôn phối không thể tự họ xin được mà phải nhờ linh mục đang phụ trách mục vụ ở giáo xứ xin theo mẫu đơn qui định với con dấu của giáo xứ (Parish seal) và chữ ký của người đứng ra xin (linh mục hay Phó tế).

Do đó, không thể nói như linh mục kia rằng cứ chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau. Nói vậy là không hiểu gì về những qui luật cần thiết theo giáo luật về vấn đề kết hôn và chứng hôn trong Giáo hội.

Sự việc kể trên cho thấy là có những linh mục bất cần giáo lý, giáo luật và kỷ luật bí tích của Giáo Hội nên đã gây thiệt hại cho giáo dân (chứng hôn không thành sự) cũng như sai trái về giáo lý. Đó là trường hợp một linh mục, cũng làm lễ ở tư gia, đã mời mọi người tham dự Thánh lễ lên rước Minh Thánh Chúa, lấy cớ Chúa Kitô đã chết để tha thứ hết tội lỗi cho con người rồi..! Chúa chết để đền tội thay cho loài người: đúng, nhưng người ta vẫn còn có thể phạm tội nhiều lần nữa bao lâu còn sống trên trần gian này chứ?. Và chính bản thân linh mục kia có dám nói là mình không bao giờ còn phạm tội nữa không? Vậy tại sao dám mời hết mọi người lên rước lễ mà không để họ tự xét và tự quyết định có xứng đáng rước Chúa trong lúc đó hay không.

Chưa hết, còn có linh mục đã bảo giáo dân vào xưng tội khỏi cần xưng gì cả, vì Chúa đã biết hết rồi, nên chỉ cần làm việc đền tội thôi!! Nếu vậy thì Giáo Hội cần gì đến linh mục ngồi tòa để nghe và tha tội cho hối nhân thay mặt cho Chúa Giêsu nữa?

Cũng lên quan đến vấn đề giải tội, có linh mục kia đã tỉ mỷ hỏi hối nhân về các tội đã phạm và còn la mắng họ về những tội đó nữa! Như vậy, linh mục này đã quên mất dụ ngôn người cha nhân lành đã ra đón đứa con đi hoang trở về và ôm hôn nó cũng như làm tiệc lớn để mừng nó trở về.
(Lc 15)

Lại nữa, còn có linh mục kia đến làm lễ ở tư gia, đã đưa bánh lễ cho mọi người hiện diện cầm tay cho linh mục đọc lời truyền phép! Điều này hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích, đòi hỏi các thừa tác viên phải cử hành mọi bí tích đúng theo nghi thức và công thức mà Giáo Hội đã quy định... Liên quan đến bí tích Thánh Thể, luật chữ đỏ (rubric) không cho phép giáo dân và cả phó tế đọc chung kinh nguyện nào, nhất là Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) với chủ tế cũng như không được phép cùng giơ tay trên lễ vật (Bánh và Rượu), nói chi là cầm bánh cho chủ tế đọc lời truyền phép.!

Sau hết, trong một Giáo phận dưới quyền của Giám Mục, các linh mục đều phải tuân thủ mọi qui luật và nội qui (Chỉ nam mục vụ= Pastoral Manual) của Giáo phận về việc thi hành mục vụ, gây quĩ, sửa sang hoặc xây cất... Nghĩa là không linh mục nào được phép tự ý tổ chức quyên tiền của ai dù là để xây cất công trình hữu ích nào cho giáo dân hay giáo xứ. Cụ thể, không cha xứ nào được phép xây cất nhà thờ mới, nhà nguyện mới, trường học hay nhà hưu dưỡng cho ai mà không có phép của Giám mục sở tại. Ngay cả việc quyền tiền để giúp các nhà Dòng hay các Giám mục từ nơi khác đến cũng phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương. (Ordinary)

Tóm lại, không linh mục nào được phép tự ý làm việc gì liên quan đến lợi ích chung trong Giáo Phận mà không có phép của Giám Mục trực thuộc. Không thể nói tôi là người Việt, người Phi hay Mexican, thì không cần theo luật lệ chung của Giáo Phận, để tự ý làm việc gì theo cách suy nghỉ riêng của mình, dù với thiện chí xây dựng. Và nếu phải nói ra sự sai trái này, thì đó không phải là thiếu bác ái hay “đánh phá” anh em mà chỉ vì lợi ích chung của nhiều người trong tinh thần tôn trọng mọi nội qui của Giáo Phận mà là linh mục trực thuộc ai cũng phải nghiêm túc tuân thủ.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
(nguồn : vietcatholic.net)


ĐHY : ĐÁP LẠI LỜI KÊU GỌI CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

Người công giáo hãy chung sức cùng đồng bào vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương

1. Đại Hội Dân Chúa Việt Nam diễn ra tại Trung Tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010. Hiện diện tại Đại Hội, có 32 Giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước, cùng đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại. Đại Hội bế mạc với lời kêu gọi 7 triệu người công giáo Việt Nam chung sức cùng mọi người thiện tâm kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho Thành phố cùng quê hương đất nước hôm nay.

Những thông tin và đề xuất sau đây là nhằm mở đường cho những nỗ lực đáp lại lời kêu gọi trên, vì sự sống và hạnh phúc của thế hệ hôm nay và mai sau.

Tình hình xã hội Việt Nam hôm nay

2. Theo thông tin của các phương tiện truyền thông trong thập niên vừa qua, bên cạnh sự phát triển rất nhanh về mặt kinh tế xã hội, có những dấu hiệu cho thấy lối sống văn hoá sự chết ngày càng lan rộng trong xã hội, như nạn phá thai hủy diệt sự sống, nạn xì ke ma tuý đưa nhiều bạn trẻ đến cái chết trắng, để lại nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ sống với HIV, nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, nạn bạo hành và phân hoá trong gia đình, cùng những tệ nạn xã hội khác, như bạo lực, tham nhũng, hàng giả, bằng giả, trụy lạc, cùng hố sâu phân cách giàu nghèo... đang hủy hoại sự sống và phẩm giá con người Việt Nam.

3. Ai chịu trách nhiệm về sự hình thành và phát triển lối sống văn hoá sự chết này? Khoa học xã hội xác định có ba nhân tố chung phần vào sự hình thành cách nghĩ và lối sống của mỗi con người:

(1) di truyền;

(2) môi trường xã hội gồm gia đình, nhà trường, các tổ chức trong xã hội, đạo đời, truyền thống văn hoá cùng những nét văn hoá du nhập từ thế giới toàn cầu hoá hôm nay;

(3) ý thức và ý chí của mỗi con người.

4. Kỳ thực, một số tổ chức đạo đời trong xã hội hiện nay đã quan tâm và thực hiện những biện pháp tình thế nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của lối sống văn hoá sự chết. Thế nhưng, để có thể giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau từng bước vượt qua lối sống văn hoá sự chết trong xã hội hôm nay, cần có những giải pháp căn cơ hơn. Hiện nay chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố về di truyền, nhưng chúng ta có thể góp phần xây dựng và cải tạo môi trường sống cho lành mạnh hơn, cùng huấn luyện và củng cố ý chí nơi mỗi con người.

Trách nhiệm liên đới trong xã hội

5. Để đạt mục đích trên, cần tiến hành ba giải pháp căn cơ như sau:

(1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi...

(2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung. Người công giáo hãy cùng với gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới trong xã hội, quan tâm chung sức xác lập định hướng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ hôm nay.

(3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ. Người công giáo hãy chung lòng với gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thực hiện được ba giải pháp căn cơ đó, là xây nền móng cho nếp sống văn hoá mới, và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người trẻ hôm nay.

Xây mới ngôi nhà chung trên nền vững chắc
6. Nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương là nếp sống mang những nét văn hoá nền tảng như sau:

(1) Thể hiện ý thức tôn trọng con người là mục đích tối cao của sự phát triển đất nước, không coi con người chỉ là phương tiện sản xuất, là công cụ cho sự phát triển. Tôn trọng con người tất nhiên đòi hỏi mọi người quan tâm trân trọng sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, hơn là chỉ biết dùng luật lệ, quyền hành, vũ lực, tiền bạc để đối xử, giáo dục, phát triển, đổi mới con người, nhất là người trẻ...

(2) Phát huy lòng nhân ái và lòng tự trọng theo truyền thống đạo lý của dân tộc, hơn là để mình bị cuốn hút chạy theo tiền tài, quyền lực, danh vọng, thời trang, hưởng thụ trụy lạc. Đồng thời quan tâm phát huy tính trung thực và sự trong sáng đáng tin cậy, hơn là tin rằng sự thật chỉ là những gì mang tính thực dụng, đem lại tư lợi ...

(3) Và bài học từ truyền thống văn hoá của dân tộc, "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay.

7. Thể hiện những nét văn hoá nền tảng đó trong nếp sống gia đình và xã hội, người công giáo cùng mọi người thiện tâm trong cộng đồng dân tộc, vừa tiến bước dưới ánh sáng chân lý trong trời đất, vừa đáp lại đòi hỏi của đạo lý trong thiên hạ, vừa góp phần xây mới ngôi nhà gia đình, ngôi nhà xã hội, ngôi nhà Việt Nam, xây trên nền đá vững chắc với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, cùng công lý và hoà bình, cho đất nước cùng thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

8. Mùa Giáng Sinh sắp đến, nhắc nhớ cho người người trong gia đình nhân loại, biến cố Con Thiên Chúa làm người mang lại bình an cho mọi người, mọi dân tộc bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu. Tôi chân thành cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức đạo đời trong xã hội, hưởng nhận được sự bình an, niềm vui và phúc thật, qua mọi gian truân trong cuộc đời, cũng như qua mọi thăng trầm trong lịch sử đất nước mình.

Tổng giáo phận Thành phố HCM, 1.12.2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
(nguồn : WGPSG)

LẼ SỐNG 06.12

06 Tháng Mười Hai
Hai Cánh Cửa Sổ

Từ cánh cửa sổ nhìn vào thiên nhiên, người ta có thể có nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống.

Trong một vở kịch của Samuel Beckett, một nhân vật đã kể lại như sau: "Tôi biết có một tên chán đời lúc nào cũng nghĩ rằng ngày tận thế đang đến. Tôi thường đến thăm hắn trong dưỡng trí viện. Tôi nắm tay hắn và dìu hắn đến bên cửa sổ. Tôi nói với hắn: "Nhìn kìa, cả một cánh đồng bắp xanh tươi... Nhìn kìa, những cánh bướm đang phất phới. Còn gì đẹp bằng!". Nhưng hắn gỡ tay tôi ra và trở về góc phòng. Mặt mày hắn hớt hải tái mét. Tất cả những gì tôi chỉ cho hắn chỉ là một đống tro tàn xám xịt".

Có một cánh cửa sổ khác từ đó người ta chỉ có thể nhìn thấy cảnh đẹp mà thôi. Ðó là cánh cửa sổ nhỏ tại một nhà nguyện ở phía Nam Ái Nhĩ Lan. Tất cả mọi cánh cửa sổ trong nhà nguyện này đều được làm bằng kính trên đó có vẽ Ðức Kitô và các môn đệ của Ngài. Duy chỉ có một cánh cửa sổ là không có hình vẽ. Xuyên qua tấm kính trong suốt của cánh cửa sổ này, người ta có thể nhìn thấy một quang cảnh thật tươi mát, đó là một cái hồ nước trong xanh nằm giữa những ngọn đồi cỏ lúc nào cũng xanh tươi. Bên dưới cánh cửa sổ, người ta đọc được câu kinh thánh như sau: "Trời cao tường thuật vinh quang Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp của Ngài".

Câu chuyện của hai cánh cửa sổ trên đây gợi lên cho chúng ta vần thơ: Hai người cùng nhìn xuyên qua chấn song cửa của nhà tù. Một người chỉ thấy có bùn nhơ, một người lại nhìn thấy những vì sao.

Mùa Vọng là thời gian của hy vọng.

Chúng ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Tiếp theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người, Thiên Chúa vẫn đeo đuổi chương trình của Ngài. Người vẫn tiếp tục yêu thương con người. Nơi hình ảnh đã hơn một lần hoen ố vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản chiếu vẻ đẹp cao sang của chính Ngài. Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy cảnh đẹp của lòng người.

Chúng ta cũng được mời gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người. Dù thấp hèn tội lỗi đến đâu, dù hung hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều là hình ảnh cao vời của Thiên Chúa, mỗi một con người đều xứng đáng để tiếp tục tin tưởng, được yêu thương.

Tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, tin yêu nơi con người, chúng ta cũng được mời gọi để không thất vọng về chính bản thân. Ðau khổ có chồng chất, tội lỗi có ngập tràn, mỗi người chúng ta vẫn là đối tượng của một tình yêu cá biệt... Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi những gì là thiện hảo nhất: đó phải là tư tưởng cơ bản hướng dẫn tất cả Mùa Vọng của chúng ta. Từ bên cánh cửa sổ của tâm hồn nhìn vào cuộc đời, chúng ta hãy nhận ra những vì sao của hy vọng, những cánh đồng xanh tươi của lạc quan.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa Vọng năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A (Mt 3, 1-12)


DỌN ĐƯỜNG

Lại sắp đến Noel rồi. Các cửa hàng Giáng Sinh sáng sủa hẳn lên, rực rỡ ánh đèn, chan hoà màu sắc và cũng đã có nhiều thánh đường, nhiều giáo xứ làm những hang đá thật hoành tráng... Thêm một lần nữa được nghe tiếng hô trong sa mạc : "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”
(Mt 3,3). Câu văn này được diễn rõ hơn trong bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca "Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3, 5). Nói cho vui thì đối với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay, việc lấp thung lũng, bạt núi đồi, san lồi lõm, nắn cho ngay những khúc quanh co, chỉ là chuyện nhỏ, và Chúa sẽ đến bằng vệ tinh liên lục địa siêu thanh trên những con đường siêu tốc, thì ngại gì núi đồi thung lũng lồi lõm. Nói là nói vậy, chớ còn ở VN thì đừng vội tin tưởng vào những đường cao tốc hay siêu tốc, bởi ổ gà, ổ voi, thậm chí hồ ao trên những con đường ấy vẫn còn nhan nhản, trong thành phố thì lô cốt, bẫy tử thần cũng không thiếu. Và cũng chính điều này đã nhắc nhở rằng cái con đường tâm linh của con người đã làm nên những con đường xiêu tốc (xin nhấn mạnh : xiêu tốc) ấy, khiến cuộc đời trở nên khốn khổ khốn nạn. Chẳng cần phải suy nghĩ gì thêm, cũng hiểu ngay lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả hoàn toàn không nhắm vào thiên nhiên, mà nhắm vào thực trạng sâu thẳm cùa lòng người.

Khi gia đình sắp có một vị khách tới thăm, chắc chắn gia chủ phải cho quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc, xếp đặt ngăn nắp mọi thứ để đón tiếp, và vị khách đó càng quan trọng, thì sự chuẩn bị chào đón càng chu đáo hơn. Đặt giả thử vị khách đó là một vua chúa, thì không những chỉ một gia đình, mà cả làng, thậm chí cả huyện, tỉnh, phải tất bật, lo toan đủ thứ để chuẩn bị đón vị con trời (thiên tử) giá lâm. Đó là chuyện đón một người trần mắt thịt mà còn như thế, huống hồ đây lại là một Đấng Thiên sai, Con Trời và là Ông Trời (Thiên Chúa) thật sự. Đón Chúa đến nếu chỉ nghe những câu như vừa dẫn và nhất là thấy hình ảnh “Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? … Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”
(Mt 3, 7-10), thì tưởng chừng như một việc làm quá to tát, quá nặng nhọc, khó lòng thực hiện được. Tuy nhiên, nếu đọc thêm và đọc kỹ bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca, thì sẽ thấy cũng đơn giản thôi, và chắc chắn sẽ làm được. Vâng, "Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây ?" Ông trả lời : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? " Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông : "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 10-14). Quả thật, Chúa không đòi hỏi những gì quá sức của con người, nhưng dù là không vượt quá sức của con người, thì cũng vẫn có thể không thực hiện nổi, nếu anh không có một ý chí hướng thiện, một tấm lòng quảng đại, một niềm tin vững vàng vào mục đích nhắm tới của công việc, cùng với một quyết tâm thực hiện.

Đúng như vậy, "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học). Cứ kể lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả cũng đơn giản thật : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." (ibid), đâu đã đến nỗi chỉ có một áo, hoặc chỉ có một chén cơm, mà phải nhường hết cho anh em, còn mình thì cởi trần, nhịn đói. Mà thậm chí, đến như kẻ thù đã đoạt áo ngoài thì cũng sẵn sàng nhường luôn áo trong cho nó ("Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong" –
Lc 6, 29), hoặc như bà goá sẵn sàng dâng cúng vào đền thờ 2 đồng tiền kẽm cuối cùng của mình ("... còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" – Lc 21, 4). Ấy mới là biết dọn đường cho Chúa đến. Vâng, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. Có như vậy mới xứng đáng theo chân thánh Gioan Tiền Hô mà gióng lên "tiếng hô trong sa mạc", tiếng hô trong hoang mạc cuộc đời.

Nói và diễn cho hết ý thì dài dòng văn tự, nhưng rút gọn lại chỉ cần nhấn mạnh điều mà ĐTC Gioan Phao-lô II trong suốt triều đại của ngài, đã đề ra và kêu mời tín hữu thực hiện, đó là "canh tân và sám hối". Để thực sự dọn dẹp con đường tâm linh cho ngay thẳng đón Cứu Chúa, thì cần phải đổi mới con người và ăn năn về những sai phạm thiếu sót của mình. Muốn đổi mới con người, cuộc đời của mình, cần phải đổi mới cả phương cách dọn dep, tẩy uế con đường tâm linh để dọn đường đón chờ Chúa đến. Nói khác hơn, muốn đổi mới, cần phải biết nhìn lại mình mà sám hối và đổi mới luôn cả tư duy và hành động sám hối. Sám hối không phải là ngoẹo đầu méo miệng, đấm ngực thật mạnh, day tay vào mắt cho đỏ lên và chảy nước mắt ra; sám hối cũng không phải là hô khẩu hiệu, kêu gọi người khác ăn năn khóc lóc; mà phải là toàn tâm toàn ý đối diện với con người thực của mình, bóc trần mình ra trước thánh nhan Chúa để cầu xin được thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót, đồng thời cầu nguyện cho mình có đủ dũng khí và kiên tâm như một Gioan Tẩy Giả đã sám hối trong sa mạc rồi làm phép rửa và kêu gọi mọi người sám hối để ”... dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”
(Mt 3, 3).

Sẽ có thật nhiều câu hỏi được đặt ra : "Anh có thực sự tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến, đang đến và sẽ đến với anh, với cả nhân loại không ? Với những hiện tượng thiên nhiên và nhân sinh như hiện nay, anh có tin rằng Nước Chúa đã đến gần không ? Anh có tin rằng ‘những sợi tóc trên đầu anh đã được đếm cả rồi’, hay nói khác hơn, anh có tin rằng Chúa thấu suốt mọi điều tới tận chân tơ kẽ tóc con người của anh không ? Nếu anh tin, thì đừng quanh co che giấu nữa, mà hãy sám hối, sám hối và canh tân cuộc đời của anh để chờ đón Chúa đến. Cụ thể nhất, nếu anh thực lòng tin, thì đừng chần chờ nữa, mà hãy hành động, bởi ‘Đức tin không có hành động là đức tin chết’
(Gc 2, 17)". Vâng, hãy tỉnh thức và sẵn sàng hành động dọn đường chờ đón Chúa quang lâm. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

LẼ SỐNG 05.12

05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện

Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời mời gọi dấn thân phục vụ.

Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ

Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.

Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn.

Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ NHẤT

HÂN HOAN MỪNG KỶ NIỆM
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

hdmvthuanphat2009.blogpost.com
TRÒN 01 TUỔI
04.12.2009 - 04.12.2010

Nhân kỷ niệm
SINH NHẬT LẦN THỨ NHẤT
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
(hdmvthuanphat2009.blogpost.com)


Xin trân trọng tri ân
Quý Cha, Quý Tu Sĩ
Quý Vị Độc Giả 4 Phương
(tại 21 Quốc Gia)
đã ghé thăm trong 01 năm vừa qua.

Xin cám ơn quý vị đã góp ý, gởi bài, gởi tài liệu
giúp cho thuanphat's blog ngày thêm phong phú.
NGUYỆN XIN THIÊN CHÚA THƯƠNG BAN
PHÚC LÀNH CHO QUÝ CHA VÀ QUÝ VỊ.

Kính xin Quý Cha và tất cả Quý Vị luôn cầu nguyện và giúp đỡ
TRANG TIN GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
(hdmvthuanphat2009.blogpost.com)
càng ngày càng hoàn thiện
càng ngày càng phong phú
càng ngày càng sinh động
và luôn luôn đi đúng đường hướng truyền thông
trong thời đại bùng nổ thông tin hôm nay
theo như Giáo Hội mong muốn.

Kính chúc Quý Cha và Quý Vị
luôn vui khoẻ và hạnh phúc


hdmvthuanphat2009.blogpost.com
Sinh nhật lần thứ I
04.12.2009 - 04.12.2010