Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

MỘT CHÚT SUY TƯ VỀ THÁNH GIUSE



Nói đến các Thánh thì Thánh Giuse là người có 4 đức tính tuyệt vời nhầt. Đức Công Chính, Đức Nhân Hậu, Đức Khiêm Nhường và Đức Khiết Trinh, Ngài là người ít nói nhất, trong Phúc Âm có nhắc tên Ngài nhưng không thấy Ngài nói gì cả, Ngài hoàn toàn thinh lặng đến độ Thiên Thần hiện ra 4 lần để báo tin cho Ngài, Ngài chỉ gật đầu vâng phục và thi hành, không thắc mắc hay hỏi han gì.

Lần thứ nhất Thiên Thần báo tin cho Ngài biết Đức Mẹ mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần và sẽ sinh Đấng Cứu Thế
(x.Mt 1,20) Lần thứ hai Thiên Thần báo tin Ngài phải đem Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn qua Ai Cập kẻo Hêrôđê lùng giết. (xem Mt 2,13) Lần thứ ba và bốn Thiên Thần lại hiện ra báo tin Ngài đem Hài Nhi Giêsu về lại quê quán Nazareth vì bạo vương Hêrôđê đã chết. (xem Mt 2,20)

Trở về Nazareth nếp sống của Ngài rất thanh đạm và giản dị không xa hoa hay cầu kỳ, biết Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế nhưng Ngài không ỷ lại. Ngài tận dụng công sức lao động của mình với nghề Thợ Mộc để làm lụng nuôi nấng bao bọc Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria. Trong những giờ rảnh rỗi thì Ngài với Đức Mẹ và Chúa Giêsu cùng cầu nguyện.

Thánh nữ Têrêsa Tiến sĩ nói “Thánh Giuse trong trắng tựa Thiên Thần, nên Thiên Thần năng hiện đến với ông” . Xem cách Mẹ Maria đối xử với ông thì biết. Thiên sứ hiện đến với Mẹ Maria, Mẹ còn dè dặt cúi đầu bối rối
(xem Lc 1,29). Nhưng với Thánh Giuse thì Mẹ Maria sẵn sàng tin cậy trao duyên gởi phận. Ngay đối với một Thiên sứ mà Mẹ Maria còn giữ ý e dè, thì hỏi ai là người có diễm phúc được tín cẩn ? Thưa có ! Người ấy là Thánh Giuse. Tại sao thế ? Chính Thánh Giuse còn trinh khiết như các Thiên Thần, và hết tất cả các Thánh, chỉ có duy nhất Thánh Giuse là người được nhiều diễm phúc nhất. Ngoài tứ đức Công Chính, Nhân Hậu, Khiêm Nhường và Khiết Trinh, Ngài lại được Thiên Chúa ban thêm cho tứ Phúc.

Diễm phúc thứ nhất là được kết bạn trăm năm với Đức Trinh Nữ Maria. Diễm phúc thứ hai là được vinh dự làm Cha nuôi Chúa Giêsu. Diễm phúc thứ ba là lúc tuổi về già được Đức Mẹ và Chúa Giêsu chăm sóc rất chu đáo. Diễm phúc thứ tư là được an nghỉ trong tay Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã khép mắt cho Ngài đồng thời được các Thiên Thần ca hát ngợi khen.

Thánh nữ Maria Agrêđa nói “Thánh Giuse có một trí khôn và trí thông minh thiên phú, suy niệm tuyệt vời. Các nhân đức mỗi ngày một tăng triển, nhất là nhân đức khiết tịnh cao cả và sáng ngời. Vì lẽ Chúa muốn dùng Ngài để lập thân với Mẹ Maria để nuôi nấng chăm sóc Đấng Cứu Thế”

Thiên Chúa đã ban cho Ngài nhiều đặc ân để Ngài cứu giúp những ai chạy đến xin Ngài cầu bầu, đặc biệt Ngài hay ban cho chúng ta:

Lướt thắng cám dỗ nghịch đức trong sạch. Sám hối bỏ đàng tội lỗi. Tôn sùng Mẹ Maria Đồng Trinh. Khỏe mạnh về phần xác. Được an ủi lúc gặp đau khổ. Được ơn chết lành. Có người thừa tự trong gia đình Công Giáo.

Vì thế ma quỷ rất sợ Thánh danh Ngài.

Nói tóm lại Thánh Giuse là một vị Gia Trưởng gương mẫu nhất của các người Cha trên thế gian này và Ngày Father’s Day (Nhớ Ơn Cha) chúng ta không thể nào quên được vị Gia Trưởng gương mẫu.

Toàn thể Hội Thánh đã nhận Ngài là vị Thánh Cả và làm Quan Thầy tôn kính Ngài một cách đặc biệt hàng năm vào ngày 19/03.

DHD Sydney
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 19.3

19 Tháng Ba
Người Công Chính

"Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo".

Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

Ðược Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha.

Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương, thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.

Trong chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương.

Trước tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.

Tiếp đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.

Qua đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu của Thánh Cả Giuse, xin Chúa chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 18.3

18 Tháng Ba
Ðất Thánh

Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.

Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.

Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.

Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang giẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 17.3

17 Tháng Ba
Chia Sẻ Ánh Sáng Cứu Ðộ

Ngày xưa có một người cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.

Ba đứa con vâng lời cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng. Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định mua những bao lông vịt rất đẹp mắt.

Còn người con trai thứ ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh mình đã mua được cái gì.
Ngày hôm sau, cả ba người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của mình cho cha: Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà. Người con thứ hai mang lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha có vẻ thất vọng. Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì cả. Hai người anh tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi: "Mày không mua cái gì sao?". Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người đều mỉm cười. Người cha già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.

Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối... Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi. Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười. Một chút ánh sáng của một lời chào hỏi. Một chút ánh sáng của một san sẻ. Một chút ánh sáng của tha thứ. Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống... Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 16.3

16 Tháng Ba
Cuộc Săn Thỏ

Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:

Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì... Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ. Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Vị tu sĩ đã đưa ra kết luận như sau: "Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc".

Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ... Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi... Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế... Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức Tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi... Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.

Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2011

Tòa Giám Mục TGP.TPHCM
T5, 10/03/2011 - 14:50

Kính gởi: Quý anh em linh mục,
quý tu sĩ nam nữ và giáo dân
trong gia đình giáo phận


Anh chị em rất thân mến,

1. Trong truyền thống lâu đời của Hội Thánh, Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào Đêm Vọng Phục Sinh. Trong giáo phận chúng ta, vào lúc 16g ngày 02-04-2011 tới đây, tại Nhà thờ chính tòa, tôi sẽ gặp gỡ một số đông anh chị em dự tòng được rửa tội vào dịp lễ Phục Sinh năm nay. Xin anh chị em cầu nguyện cách riêng cho những dự tòng này, để khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, họ thực sự sống đời môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

2. Không những chuẩn bị cho các dự tòng, Mùa Chay còn là thời gian để tất cả chúng ta hâm nóng hồng ân bí tích Thánh Tẩy. Tuy đã chịu phép Rửa, trở nên con cái Chúa và anh chị em với nhau trong Hội Thánh Chúa Kitô, chúng ta vẫn là những con người yếu đuối, cho nên vẫn có những tư tưởng, lời nói, việc làm không phù hợp với tư cách môn đệ của Chúa. Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta ý thức lại những thiếu sót này để sửa đổi, làm hòa với Chúa và với anh chị em đồng đạo cũng như đồng bào của mình. Vì thế, tôi mong anh chị em chuẩn bị tâm hồn để lãnh bí tích Hòa Giải trong Mùa Chay này.

3. Người Công Giáo không sống đức tin cách trừu tượng nhưng là trong một môi trường xã hội cụ thể. Nói về xã hội Việt Nam ngày nay, Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 ghi nhận rằng : “Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của nền văn hóa sự chết”. Những dấu hiệu đó không chỉ có mặt trong xã hội nói chung mà còn có mặt trong giới Công Giáo, gia đình
Công Giáo, khu xóm Công Giáo. Đó là thực tế đáng buồn và đáng ngại mà chúng ta phải quan tâm đặc biệt trong Mùa Chay thánh.

4. Đứng trước sự đe dọa của nền văn hóa sự chết, người
Công Giáo phải là nhân tố tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương. Hãy bắt đầu từ chính bản thân mình bằng cách tôn trọng, vun trồng và phát huy hồng ân sự sống Chúa ban cho ta về mọi mặt : thể xác, tri thức, đạo đức, thiêng liêng. Hãy bắt đầu từ chính gia đình mình bằng cách cùng nhau xây đắp gia đình thành cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, thành trì bảo vệ con cái chống lại những tệ nạn xã hội. Hãy bắt đầu từ chính giáo xứ của mình bằng cách xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương nhau trong Chúa, và gieo rắc tình yêu thương đó cho mọi người chung quanh.

5. Để có thể thực hiện lý tưởng này, không gì tốt hơn và cần thiết hơn là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành : “Phúc cho những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”
(Lc 11,28). Ngày 11-11-2010 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ban hành Tông huấn Verbum Domini về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Tông huấn đề cao Đức Trinh Nữ Maria như mẫu mực lắng nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng và đem ra thực hành. Tông huấn cũng nêu cao đời sống các thánh để cho thấy Lời Chúa đã biến đổi đời sống các ngài như thế nào. Trong Mùa Chay năm nay, tôi ước mong các linh mục quan tâm nhiều hơn đến Lời Chúa, nhất là trong các thánh lễ Chúa Nhật và các buổi tĩnh tâm, để tất cả chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình, và để Lời Chúa biến đổi chúng ta nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

6. Mỗi năm trong Mùa Chay, tôi đề nghị với anh chị em một việc làm cụ thể để tất cả giáo phận có một hành động chung, thể hiện quyết tâm chung. Năm nay, tôi đề nghị với anh chị em, cùng với các giáo phận khác, tham gia vào công việc chung của cả Hội Thánh tại Việt Nam. Vì ngôi nhà cũ đã xuống cấp sau hơn 50 năm hoạt động, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội Thánh, nên Hội Đồng Giám Mục đã quyết định xây dựng lại Trung Tâm
Công Giáo , số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TpHCM. Nơi đây sẽ đặt Văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục cũng như văn phòng của các ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức hội nghị của Hội Đồng Giám Mục, của các ủy ban và những sinh hoạt khác. Tất cả đều nhằm phát huy sự hiệp thông trong Hội Thánh và phục vụ sứ mạng Chúa đã trao cho Hội Thánh.

Đây là công trình lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ có thể hoàn thành với sự góp sức của mọi người trong Dân Chúa. Vì thế, trong Mùa Chay này, tôi xin mỗi người trong anh chị em giảm bớt một phần chi tiêu để góp phần vào công trình chung của Hội Thánh. Sự hi sinh của anh chị em vừa nói lên tình hiệp thông trong Hội Thánh, vừa góp phần vào việc thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước.

7. Để kết thúc, tôi mời anh chị em cùng lắng nghe huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI : “Đức Maria thật có phúc vì Mẹ có đức tin, vì Mẹ đã tin, và vì trong đức tin này, Mẹ đã đón tiếp vào lòng mình Ngôi Lời Thiên Chúa để ban tặng Người cho thế giới…. Ước gì mỗi một ngày sống của chúng ta cũng được hun đúc bởi cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Kitô, Ngôi Lời làm người và ở giữa chúng ta… Hãy thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa và suy gẫm Lời ấy, hầu nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Lời ấy tiếp tục ở lại, sống và nói với chúng ta mỗi ngày trong đời chúng ta. Như thế, Hội Thánh sẽ được đổi mới và tươi trẻ lại nhờ Lời Chúa là Lời tồn tại đến muôn đời” (
Tông huấn Lời Chúa, số 124).

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Toà Tổng Giám Mục, thứ Tư lễ Tro,đầu Mùa Chay Thánh 2011

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục

Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám Mục Phụ Tá

(nguồn : WGPSG)

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM

LM Giuse Nguyễn Tấn Tước
được bổ nhiệm
tân Giám Mục Phó Phú Cường


VietCatholic News (14 Mar 2011 08:37)

VATICAN. Ngày 14-3-2011, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú Cường.

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước 53 tuổi, cho đến nay là Giám đốc Trung tâm huấn luyện ứng sinh linh mục của Giáo Phận Phú Cường. Ngài sinh ngày 22-9-1958 tại Chánh Hiệp, Giáo Xứ Mỹ Hảo tỉnh Bình Dương, Giáo Phận Phú Cường. Sau khi theo học 7 năm tại Tiểu chủng viện Phú Cường (1971-1978) và 8 năm tại Đại chủng viện ở địa phương (1980-1988), Thầy Nguyễn Tấn Tước thụ phong Linh Mục ngày 4-4-1991 và nhập tịch Giáo Phận Phú Cường. Sau đó cha làm Phó xứ rồi Cha sở Giáo phận Tha La (1991-2000) trong 9 năm cho đến khi được cử đi du học tại Paris thủ đô Pháp trong 6 năm (2000-2006) và đậu cử nhân giáo luật với một chuyên môn về thần học Kinh Thánh và hệ thống.

Sau khi về nước, từ năm 2006, Cha Nguyễn Tấn Tước làm Giám đốc trung tân huấn luyện các ứng sinh linh mục, đồng thời phụ trách ơn gọi trong giáo phận.

Giáo Phận Phú Cường được thành lập ngày 14-10-1965, tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn, với diện tích 9.543 cây số vuông, 125.274 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2 triệu 580 ngàn dân cư, tương đương với 4,85%. Giáo phận có 78 giáo xứ với 140 linh mục, trong số này có 102 LM giáo phận, 38 LM dòng, 405 nữ tu và 34 đại chủng sinh. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước sẽ phụ giúp Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ năm nay 74 tuổi và sẽ kế nhiệm ngài trong tương lai (SD 14-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP

LẼ SỐNG 15.3

15 Tháng Ba
Ðời Là Một Chuyến Ði

Một tác giả nọ đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau:

Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ nhà thờ có thói quen mà không ai có thể lay chuyển được. Mỗi ngày, cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến cho người tổng đài trong vùng và hỏi giờ? Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã đặt câu hỏi: "Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin cho ông biết lý do hỏi giờ như thế mỗi ngày?". Ông từ nhà thờ mới giải thích: "Ồ, có gì đâu. Tôi là người phải kéo gác chuông mỗi ngày vào giờ ngọ. Tôi cần biết giờ chính xác".

Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra. Ông nói với ông từ nhà thờ như sau: "Thật là buồn cười. Trong khi ông hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi lại điều chỉnh đồng hồ theo tiếng chuông của ông".

Tác giả của câu chuyện trên đây kết luận rằng: cuộc sống quả là một bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời. Chúng ta cần một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, Chủ tế của sự sống.

Kinh thánh, Lời của Chúa, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Noe xuống tàu, qua Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Ðức Maria và cả cuộc đời không ngừng di động của Ðức Kitô: tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình Ðức Tin của người Kitô chúng ta.

Ðời là một cuộc hành trình... Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng. Tuổi thơ và thanh niên được dệt bằng những năng động để không ngừng dự phóng và tiến tới. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi; vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm... Rồi tuổi già chợt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ...

Ðời là một cuộc hành trình. Ðức Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tị nạn. Năm 12 tuổi lạc mất trong một cuộc hành trình... Ra đời, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestina. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Calvê là điểm đến của cuộc hành trình.

Qua cuộc hành trình không nghỉ ngơi ấy, Ðức Kitô đã tuyên bố với chúng ta: "Ta là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống".

Chỉ trong Ngài, qua dấu chân của Ngài, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta... Ngài là Con Ðường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang. Nhưng Con Ðường của Ngài chính là Con Ðường của yêu thương và phục vụ... Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta sống yêu thương, sống phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên Con Ðường của Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 14.3

14 Tháng Ba
Tôi Muốn Con Tôi Sống

"Tôi muốn con tôi sống" đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.

Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa... Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".

Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu".

Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúa.

Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá... Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn... Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 13.3

13 Tháng Ba
Nếu Tôi Biết Tha thứ

Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại thành.

Ðức Thánh Cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt Mân Côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này". Nói rồi anh bật khóc: "Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con". Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...

Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người... Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: "Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời". Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: "Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?".

Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.

Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I mùa Chay năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A (Mt 4, 1-11)

CƠN CÁM DỖ THỰC DỤNG

Sách Sáng Thế Ký hôm nay ghi lại cái thất bại của Nguyên Tổ loài người vì bất tuân Thiên Chúa, rồi nghe và làm theo lời xúi dại của ma quỷ:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 4-7)

Ảnh hưởng, và hình phạt do tội nguyên tổ còn lưu truyền đến chúng ta và muôn đời sau, và chỉ được giải thoát nhờ Chúa Giêsu mà thôi.

Trong Tin Mừng hôm nay (Mt 4, 1-11), Chúa Giêsu cũng đã bị những cám dỗ thực dụng vẫn còn rất thời sự trong thời đại chúng ta: cái ăn, cái quyền, và niềm tin. Ma quỷ tưởng rằng: với bản tính con người, Chúa Giêsu cũng sẽ nhẹ dạ mà sa bẫy của chúng.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh".

Ai cũng cần có cơm bánh để ăn. Đó là một nhu cầu tự nhiên. Nhưng có nhất thiết phải ăn liền khi đang đói không, lại một vần đề cần lựa chọn theo sự khôn ngoan. Món ăn mà ma quỷ đưa ra cho Chúa Giêsu là cái bẫy cho Ngài thực hiện theo ý nó. Nó vẫn biết “Con Thiên Chúa” đang đói. Và Chúa Giêsu có thể thực hiện liền một phép lạ đá biến thành bánh mà ăn ngay. Nhưng điều quan trọng ở đây là: cũng cái cám dỗ về chuyện ăn, nhưng Chúa Giêsu khác hẳn với ông bà nguyên tổ, Ngài đã không làm theo ý của Ma Quỷ. Ngài phán: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".

Khi chiến thắng được cám dỗ về cái ăn, Chúa Giêsu còn chịu cám dỗ về việc phải thể hiện quyền năng thống trị theo lệnh của ma quỷ, rồi cuối cùng, nó cám dỗ Chúa Giêsu chống lại Thiên Chúa.

"Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá".

"Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi".

Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ nhờ một mực tuân theo Lời của Thiên Chúa, là thánh ý, là thánh của Cha, Đấng đã sai Con đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài:

"Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'".

"Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'".

Vâng, trước cái bẫy của Satan, thuở xưa, Adong, nguyên tổ loài người đã lọt bẫy mà phạm tội vì bất phục tùng Thiên Chúa, đã bị án phạt rằng lòng trí ra tối tăm, đau khổ và phải chết. Ngược lại, hôm nay, Chúa Giêsu được sai đến để chuộc lại tội lỗi ấy, Ngài đã chiến thắng nhờ sự tuân phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế” (Rm 5, 19)

Trong cuộc lữ hành của mỗi tín hữu hôm nay, vẫn còn phải đương đầu trước bao cám dỗ thực dụng

Trả lời cho câu hỏi “chúng ta đang sống trong thời đại nào?”, có người nói “chúng ta đang sống trong thời đại “mì ăn liền”.

Có người không chấp nhận, lại nói: “Mì ăn liền có lâu rồi, ít là 500 năm rồi, từ thời có chữ quốc Ngữ. Nghe nè nhé:

“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu”
………
“Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười! (liền)”

Có người khác không chịu, cho rằng “Mì ăn liền có từ thời ông Adong bà Evà”, và dẫn chứng:

“Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra (liền), và các ngươi sẽ (liền) biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn (liền) để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn (liền), rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn (liền). Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 4-7)

Cái bản tính khoái “ăn liền” của ông bà nguyên tổ đã hơn ngàn đời nay rồi, mà vẫn còn ảnh hưởng đến con cháu loài người thời nay, riêng ở Việt Nam, thì cực thịnh.

Cơn cám dỗ thực dụng của thời đại mì ăn liền dẫn con người ta tới chỗ “thỏa mãn liền” những ước muốn rất con người, rất bản năng, mà con người duy vật vẫn cho là tốt, và được cổ xúy cách nào đó.

Được thăng quan tiến chức, phải tính ngay chuyện ăn liền. Nếu không biết, không lo ăn liền, sẽ không còn kịp thời gian vì việc thay ngôi đổi chủ vẫn luôn là một ám ảnh cận kề.

Đối với giới trẻ, cả người đương là sinh viên học sinh, lẫn những bạn không may mắn đến trường, thì khi “Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng”. Và đến khi gặp em, thì tính ngay chuyện “ăn trăng ăn hoa liền”, làm thành một trào lưu “ăn cơm trước kẻng” hay “sống thử” -nói hơi quá là “liền sống thử cách bừa bãi”.

Nếu có những dịch vụ xổ số liền, thì cũng có những nghề lãnh lương liền, không đợi đến tháng. Nếu có nơi chụp ảnh 3 phút lấy liền, thì cũng có những điểm nạo phá thai, 30 phút, xong liền. Nếu có những dịch vụ lo giấy tờ kết hôn 3 giờ, lấy liền, thì cũng có những dịch vụ lo giấy tờ ly hôn cũng 3 giờ, bỏ được liền.

Đời sống đức tin cũng bị ảnh hưởng cách “mì ăn liền” đến độ không ngờ. Đến với Chúa, với Mẹ Maria, với các thánh, người ta cũng cầu xin với tâm thức Chúa làm phép lạ liền liền, yêu cầu Mẹ ban ơn khẩn cấp, yêu cầu các thánh linh hiển ngay trước mắt họ.

Đâu đâu cũng đều phục vụ để thỏa mãn liền những những nhu cầu của con người.

Từ cái nhu cầu thỏa mãn thể xác, dẫn đến nhu cầu tự khẳng định đời mình cho thỏa mãn lòng kiêu ngạo hơn người.

Trong gia đình, ngoài xã hội, và ngay trong giáo hội, cơn cám dỗ kiêu ngạo vẫn hoành hành làm tan tác từ tâm hồn mỗi người đến tan tác cả những cộng đồng tưởng phải là bền vững.

Cái tôi của một thành viên luôn đòi hỏi phải được lớn hơn uy tín của một tập thể, thì còn gì là bền vững. Khi cái tôi được đề cao một cách lầm lẫn với tự do, con người ta lại dùng tự do để củng cố cái tôi mà thống trị kẻ khác.

Và cuối cùng, con đường của người thống trị là phủ nhận Thần Linh “đấng trên đầu trên cổ” vì tự nhận mình là thần linh của vạn vật. Họ bỗng trở nên người vô thần. Kể cả người có đạo, nếu không tỉnh thức trước cơn cám dỗ “coi Trời bằng vung” thì không sớm thì chầy sẽ biến thành người có đạo mà sống cách vô thần, phản nghịch lại Thiên Chúa.

Cả ba cuộc cám dỗ của ma quỷ đều nhắm vào cái khoái thực dụng của con người: có ăn là hạnh phúc, thống trị là tự do, và vô thần là độc lập.

Cơn cám dỗ thực dụng dần dà đưa con người đến chỗ không còn nghĩ đến đời sau, mà chỉ nghĩ đến đời nầy. Đến khi đối diện với “ngày phải đến”, thì không còn ai trở tay kịp nữa. Tất cả đã muộn màng, vỡ mộng: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng”.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ mỗi người phải tỉnh thức trước những cơn cám dỗ tinh vi của ma quỷ, để khỏi bị sa bẫy. Và để bảo đảm sự tỉnh thức và chiến thắng cám dỗ, thiết tưởng, phải tuyệt đối tuân theo những chỉ thị của Thiên Chúa, qua việc sống Lời Chúa dạy, đúng theo tinh thần của Tin Mừng, tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng những chước cám dỗ bằng việc chỉ tuân thủ ý của Thiên Chúa Cha mà thôi.

Lạy Chúa, vào mùa chay 40 đêm ngày, tượng trưng cho một hành trình trên dương thế tiến về cõi phục sinh, chúng con luôn phải chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ thực dụng và hấp dẫn. Nguyện xin cho chúng con biết tuân hành thánh ý Chúa để sống và phụng sự chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. A men.

PM. Cao Huy Hoàng
10-3-2011
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 12.3

12 Tháng Ba
Chúng Ta Không Phải Là Thiên Thần

Một cuốn phim Mỹ có tựa đề "Chúng ta không phải là Thiên Thần" do hai tài tử nổi tiếng là Robert de Niro và Sean Penn thủ diễn, đã kể lại một cuộc vượt ngục rất kỳ thú của hai tử tội bị giam trong một trại khổ sai nằm giữa biên giới Hoa Kỳ và Canada.

Hai tử tội này có lẽ đã từng phạm những tội ác như cướp của giết người. Nhưng từ một ngục thất kiên cố, họ không bao giờ có ý định trốn thoát. Thế rồi, một hôm, một người tử tội đang được đưa lên ghế điện, bỗng cướp súng hạ sát một số viên cai ngục và tìm đường tẩu thoát. Trên đường trốn chạy, hắn đã cưỡng bách hai người tù cùng trốn thoát.

Sau một đêm đào tẩu giữa núi rừng phủ đầy tuyết, hai người tử tội đã mon men tìm đến một ngôi làng. Một lão bà đã ngộ nhận là hai linh mục nổi tiếng trong vùng. Bất đắc dĩ họ đành phải đội lốt linh mục và được một tu viện gần đó tiếp đãi nồng hậu.

Giữa lúc đó, cảnh sát lại đi lùng khắp nơi để tìm cách bắt lại ba kẻ đào thoát. Người tử tội đã giết các viên cai ngục để trốn thoát nay bị sa lưới lại. Hôm đó là một ngày rước kiệu trọng thể kính Ðức Mẹ do tu viện nói trên tổ chức. Nhờ lớp áo nhà tu, một trong hai tên tù đã lẻn vào nhà giam để giải thoát kẻ vừa bị bắt lại. Người tù hung hãn cũng được khoác lên người chiếc áo dòng và nép mình trong chiếc kiệu vĩ đại có tượng Ðức Mẹ...

Giữa những tiếng cầu kinh sốt sắng của mọi người, hắn xuất hiện trước công chúng và dùng súng uy hiếp mọi người. Một em bé gái câm trong đám rước kiệu đã bị hắn bắt làm con tin. Trong khi mọi người ngã rạp xuống đường vì sợ hãi, thì một trong hai vị linh mục giả đã nhào lên chiếc kiệu để giải thoát em bé gái câm. Cuộc xô xát đã làm cho người tù hung hãn bị trúng đạn, nhưng em bé gái câm và tượng Ðức Mẹ lại bị quăng xuống dòng sông giá buốt...

Không chút do dự, vị linh mục giả còn lại đã nhào xuống dòng sông và cứu sống em bé. Mở mắt nhìn vị ân nhân, em bé bỗng nhận ra người tù vượt ngục mà hình ảnh được dán đầy trong khu phố...

Trong đoạn kết thúc cuốn phim, một người đã xin được tiếp tục tu trong tu viện, còn người cứu sống em bé tiếp tục làm lại cuộc đời với người mẹ của em...

"Chúng ta không phải là Thiên Thần". Thiên thần một lần vấp ngã là vĩnh viễn trầm luân. Con người không phải là Thiên Thần, cho nên vấp ngã có chồng chất, vẫn còn có cơ may để trỗi dậy và làm lại cuộc đời.

Cuộc phiêu lưu của người tù trên đây có lẽ cũng là hình ảnh của chính cuộcđời chúng ta. Chúng ta không là Thiên Thần, cho nên sau bao nhiêu lần vấp ngã, Chúa vẫn còn tiếp tục cho chúng ta một cơ may khác để bắt đầu lại. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Lịch sử của loài người phải chăng đã không là những mò mẫm, té ngã và chỗi dậy không ngừng ư? Thiên Chúa không bỏ cuộc vì con người, cho nên con người cũng không nên thất vọng về mình.

Thất bại có ê chề, tình người có bạc bẽo, đau khổ có chồng chất, tội lỗi có đè nặng đến đâu: Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta tia sáng của Hy Vọng để mời gọi chúng ta trỗi dậy và tiếp tục tiến bước. Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm chính cái chết của Con Ngài trên thập giá. Loài người xem đó là tận cùng của số kiếp, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vào đó như là khởi đầu của nguồn ơn cứu thoát...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

LẼ SỐNG 11.3

11 Tháng Ba
Cái Tách Thân Thương

Thánh Phanxico Assisi, nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết: "Người nghèo của Chúa" do văn sĩ Hy Lạp Nikos Kazantakis biên soạn, đã kể cho huynh Lêô nghe câu chuyện như sau:

"Có một vị ẩn sĩ nọ được nhìn thấy Chúa, nhưng không bao giờ đạt được ước nguyện. Vẫn còn một cái gì vướng mắc trong cái nhìn khiến ông không thể nào nhìn thấy Chúa được. Càng cố gắng đọc kinh cầu nguyện bao nhiêu, càng ăn chay hãm mình bao nhiêu, ông càng thất vọng bấy nhiêu. Ông vẫn không hiểu đâu là chướng ngại khiến ông không thể trông thấy Chúa được.

Thế rồi, một buổi sáng nọ, khi vừa ra khỏi giường, ông bỗng reo hò sung sướng, thì ra ông đã tìm ra lý do. Ðó là một cái tách uống nước nhỏ, nhưng rất đẹp mà gia đình đã tặng cho ông. Ðây là kỉ niệm duy nhất của gia đình mà ông cố gắng gìn giữ như một báu vật. Và dĩ nhiên, đây cũng là của cải trần thế duy nhất mà ông còn bám víu vào.

Không một chút do dự luyến tiếc, vị ẩn sĩ cầm lấy chiếc tách thân yêu ném xuống nền nhà: Từng mảnh vụn vỡ ra, từng luyến tiếc tan vỡ...

Vị ẩn sĩ ngước nhìn lên, và sáng hôm sau ông đã nhìn thấy Chúa".

Sách xuất hành đoạn 33 từ câu 18 đến câu 23 thuật lại rằng: một hôm Môisen thưa với Chúa rằng ông ước ao được nhìn thấy Dung Nhan Ngài. Lúc bấy giờ Chúa mới trả lời cho Môisen: "Không ai có thể nhìn thấy Ta mà vẫn còn sống". Liền sau đó, Thiên Chúa bảo Môisen nấp sau một tảng đá lớn để chỉ nhìn thấy sau lưng của Ngài mà thôi.

Khao khát được nhìn thấy Chúa: đó cũng phải là ước mơ duy nhất của người tín hữu Kitô. Chúng ta được tạo thành cho Chúa, chúng ta chỉ được yên nghỉ khi được ngắm dung nhan Ngài mà thôi! Nhưng không ai có thể nhìn thấy nhan Chúa mà vẫn còn sống. Ðiều đó có nghĩa là nỗi khao khát được thấy Chúa chỉ lớn lên trong chúng ta khi chúng ta biết dẹp bỏ những vướng bận và vướng ngại trong chúng ta... Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: của cải chúng ta ở đâu thì tâm trí chúng ta cũng ở đó. Nếu chúng ta chạy theo tiền của, danh vọng, lạc thú thì lòng trí chúng ta sẽ không muốn tưởng nghĩ đến Chúa.

Có chết đi cho bản thân, chúng ta mới khao khát gặp gỡ Chúa... Thiên Chúa cho chúng ta thấy được đằng sau lưng của Ngài, phải chăng đó không phải là sự hiện diện và tác động của Chúa trong các biến cố và những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân?... Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới có thể nhìn thấy bóng dáng của Chúa trong các biến cố của cuộc sống chúng ta. Có ra khỏi chúng ta, chúng ta mới thấy được sự hiện diện của Chúa trong người anh em của chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 10.3

10 Tháng Ba
Gieo Gió Gặt Bão

Ðêm 17.5.1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!

Người Ả Rập thường nói: "Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi". Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.

Liên Xô là nước cung cấp cho Iraq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.

Ðể đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.

Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.

Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: "Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật".

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: "Gieo gió thì gặt bão"... Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.

Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.

Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.

Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ... Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho chính bản thân.

Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.

Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.

Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu Thương.

Trích sách Lẽ Sống