Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 29.6 - 05.7.2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 6, 1-6)


Mời xem videoclip>>

NGẠC NHIÊN
Sưu tầm
Người ta thường nói “không nơi đâu đẹp bằng quê hương”, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn minh chứng rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương, yêu mến nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương, còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của những người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài tại quê hương Nagiarét của Ngài.

Ngài trở về quê hương Nagiarét sau hơn một năm đi giảng dạy khắp nơi. Hôm ấy đúng vào ngày Sabat, mọi người đến hội đường để nghe đọc Kinh Thánh và nghe diễn giảng. Chúa Giêsu cũng vào đây để dự phụng vụ lời Chúa. Hôm nay, sau bài đọc, như luật cho phép, Ngài diễn giảng lời Chúa. Kết quả: dân chúng không nhậnä ra Ngài là ai và họ khinh khi Ngài, họ có thái độ hiểu lầm Ngài, hiểu lệch lạc về con người của Ngài. Bởi vì Ngài nói như một người có uy quyền, như bậc thầy nói với học trò, như một người muốn gây dựng cho mọi người lòng tín nhiệm nhau để tiến tới tin nhau. Điều Ngài dạy vượt mọi khuôn phép cổ truyền đến nỗi mọi người phải thắc mắc.

Nghĩa là trước những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, dân làng Nagiarét ngạc nhiên, vì họ thấy Ngài không đi học ở trường lớp nào mà sao lại có những lời lẽ khôn ngoan, cao siêu, mới lạ. Mặt khác, họ thấy Ngài chỉ là con bà Maria và bác Giuse thợ mộc, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh phó mộc, mà sao có thể đảm nhận chương trình đại sự của Thiên Chúa được? Họ không thể ngờ được giữa bụi đất lại có kim cương, họ không thể hiểu được nơi Chúa có hai bản tính, họ không thể nhận ra yếu tố Thiên Chúa và con người, hữu hạn và vĩnh cửu, trời và đất, hạnh phúc và đau khổ giao hòa lại trong một thực tại duy nhất, là nơi con người Chúa Giêsu. Đó là điều làm cho họ vấp phạm, họ khinh thường Chúa và không thiết nghe lời chân lý của Ngài.

Nói rõ hơn, dân làng Nagiarét đã ngạc nhiên về Chúa Giêsu khi thấy Ngài giảng dạy một cách khôn ngoan, thông thái và có thẩm quyền, nghĩa là họ vừa thán phục vừa kinh ngạc. Nhưng vì biết quá rõ về Chúa: thợ mộc, con thợ mộc, từ thán phục kinh ngạc họ chuyển sang thái độ bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc nhưng nghi ngờ. Càng nghĩ đến thân thế, nguồn gốc, địa vị xã hội và họ hàng Ngài, họ càng thấy khó chịu, nên họ có vẻ châm biếm khi gọi Ngài là thợ mộc. Một người như vậy mà có thể là ngôn sứ, là Đấng Mêsia ư? Trăm lần không, ngàn lần không, và họ đã bị vấp phạm, có nghĩa là bị xúc động mạnh vì bị chạm tự ái. Họ không thể công nhận một người như thế làm ngôn sứ, làm Đấng Mêsia của họ, cho dù Ngài ăn nói giỏi hay làm được phép lạ cũng thế. Từ đó, sự hiện diện của Ngài khiến họ không thể chịu nổi.

Dân làng Nagiarét ngạc nhiên về Chúa, và Chúa cũng ngạc nhiên về họ, Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, kiêu căng và cố chấp. Chính thái độ kiêu căng, cứng lòng đó đã làm tê liệt năng lực làm phép lạ của Chúa như Tin Mừng đã quả quyết: “Ngài không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ cứng lòng tin”.

Chúa Giêsu ngạc nhiên vì dân làng Nagiarét cứng lòng tin, ngày nay chắc Ngài vẫn còn phải ngạc nhiên hơn nữa vì sự cứng lòng tin của nhiều người Công giáo, vì dù sao người Công giáo cũng phải biết Chúa rõ hơn dân làng Nagiarét. Dân làng Nagiarét tưởng rằng họ biết rõ Chúa, nhưng kỳ thực họ biết rất hời hợt, thiển cận, chẳng hạn: ngay nơi sinh của Chúa họ cũng không biết, họ cứ tưởng Ngài sinh ra và lớn lên ở chính Nagiarét, một làng nhỏ bé, nghèo nàn. Nhiều người Công giáo cũng thế, đi đạo vì truyền thống gia đình, vì sinh ra trong gia đình Công giáo, giữ đạo vì thói quen, cho nên tưởng rằng biết Chúa, biết đạo lý, nhưng kỳ thực không biết gì hay biết không được bao nhiêu. Thế nên, mỗi người cần suy nghĩ: Chúa có ngạc nhiên về đức tin non yếu của chúng ta, về sự hiểu biết Chúa quá ít, hiểu biết về Kinh Thánh, giáo lý quá ít, và nhất là có phải Chúa rất ngạc nhiên về cách sống của chúng ta không?

Đàng khác, bài Tin Mừng hôm nay còn đặt ra cho chúng ta một điều nữa cần suy nghĩ, đó là từ chối hay đón nhận Chúa là thái độ hoàn toàn tự do của con người. Người ta có quyền chối bỏ cũng như có quyền chấp nhận. Thiên Chúa không áp đặt ai hay cố tình đưa ai vào một thế triệt buộc nào đó. Nhưng thời nào cái quyền tự do kia cũng là con dao hai lưỡi khiến phải đề phòng, người khôn ngoan bao giờ cũng dè dặt.

Giả như chúng ta thử đặt mình vào số những người có mặt trong hội đường Nagiarét hôm ấy để nghe Chúa, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta có quyền trách dân làng Nagiarét quá vội vàng hoặc tiếc thay cho họ vì họ đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ tự trách mình, và còn tiếc nuối biết bao cơ may trong đời chúng ta đã đánh mất vì quan niệm hay cái nhìn hẹp hòi của chúng ta.

Nói rõ hơn, thái độ từ khước Chúa Giêsu một cách hấp tấp, hồ đồ, chỉ vì thành kiến của dân làng nagiarét. Thái độ đó nhắc nhở chúng ta kiểm điểm về cách chúng ta phán đoán và đánh giá trị người khác, chúng ta cũng đã nhiều lần phán đoán hay đánh giá người khác hoặc vội vàng, hấp tấp, hồ đồ, hoặc không trung thực vì thành kiến, vì tự ái, vì ganh tị, đôi khi còn bài bác, dèm pha nữa. Chúng ta hãy kiểm điểm và sửa chữa lại tật xấu này để mối tương giao của chúng ta với mọi người được tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy nhớ: người hay phán đoán, nhất là phán đoán hồ đồ, không sống được với ai, không chơi được với ai, và cũng không ai dám chơi với họ, họ bị mất niềm tin nơi mọi người. 
(tinmung.net)

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

THÁNH LỄ GIA NHẬP KITÔ GIÁO - LỚP DỰ TÒNG KHOÁ 22


Vào lúc 17g30 ngày 06-7-2012 giáo xứ Thuận Phát đã long trọng cử hành Thánh Lễ Gia Nhập Kitô Giáo và Cha Chánh xứ đã ban Bí Tích Rửa Tội cho 43 anh chị dự tòng khoá 22 và ban phép Thêm sức cho 4 anh chị.

Cuối Lễ một vị đại diện cho các tân tòng gởi lời cám ơn đến Cha Chánh xứ, quý Soeurs, quý thầy cô và cộng đoàn đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các anh chị tân tòng và hứa sẽ cố gắng thể hiện tốt những điều mà Cha Chánh xứ, quý Soeurs và quý thầy cô chỉ dạy.

Sau Thánh Lễ Cha Chánh xứ, quý Soeurs và thầy cô đã chụp hình lưu niệm với các anh chị tân tòng.

Hữu Toàn.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

VỊ TÂN BỘ TRƯỞNG TÍN LÝ ĐỨC TIN TRONG GIÁO TRIỀU ROMA

Vị Bộ trưởng Tín lý Đức tin mới trong Giáo triều Roma

Đức Thánh Cha Benedictô 16. hôm nay, ngày 02.07.2012, đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Gerhard Ludwig Müller, Giám mục giáo phận Regensburg, Đức quốc, vào chức vị Bộ Trưởng Tín lý đức tin ở giáo triều Roma.

Với sự bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng trong giáo triều Roma, Đức giám mục Müller được nâng lên hàng Tổng giám mục.

Đức tổng giám mục Müller, là người kế vị Đức Hồng Y William Leveda, người giữ chức Bộ trưởng của Bộ này từ năm 2005. Nay vì lý do tuổi tác đã xin nghỉ hưu.

Trước khi được tuyển chọn bầu là Giáo Hoàng Giáo Hội Công giáo Roma, Đức Hồng Y Giuse Ratzinger đã quản trị Bộ Tín lý Đức tin trong triều đại Giáo Hòang của Đức cố Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị từ năm 1981- 2005.

Bộ Tín lý Đức tin là Bộ đứng hàng thứ ba trong Giáo Triều Roma. Bộ Tín lý đức tin có nhiệm vụ bảo vệ gìn giữ trong việc cắt nghĩa cùng thực hành đức tin của Giáo Hội Công giáo cho tinh tuyền trong sáng như ý Chúa muốn. Vì thế vị Bộ trưởng bộ này thường bị cho là người bảo thủ.

Đức Tổng giám mục Geherd Ludwig Müller sinh ngày 31.12. 1947 ở Mainz-Finthen, Đức quốc. Sau khi hoàn tất chương trình trung học đậu bằng Tú Tài, ngài theo học ngành Triết Học và Thần học ở các đại học Mainz, München và Freiburg, đồng thời trong thời gian này ngài cũng tích cực dấn thấn sinh cho hoạt giới trẻ nơi xứ đạo quê nhà, giáo xứ Thánh Martin ở Mainz.-Finthen.

Năm 1978 ngài được truyền chức linh mục do Hồng Y Hermann Volk. Sau đó vừa làm cha phó nơi ba giáo xứ, vừa nghiên cứu học tiếp lên cấp hàm Tiến sĩ Thần học.

Năm 1977 Linh mục Müller là học trò tiến sĩ của Hồng Y Lehmann, nghiên cứu về nhà thần học Tin Lành Dietrich Bonhoeffer. Sau đó Linh mục tiến sĩ Müller học tiếp cấp hàm Thạc sĩ về môn Tín lý với chủ đề trọng điểm „ Cộng đoàn và việc tôn kính các Thánh „

Năm 1986 Linh mục G.L. Müller trở thành giáo sư môn Tín lý ở Đại học thần học Ludwig Maximilian, München. Khi đó vị giáo sư này mới 38 tuổi, và là vị giáo sư trẻ nhất lúc đó của Đại học München. Giáo sư thần học Müller đã viết trước tác phổ biến hơn 400 bài nghiên cứu khoa học về thần học. Trọng tâm nghiên cứu của Giáo sư Müller là những vấn đề đại kết, thời đại mới và sự hiểu biết về mạc khải, suy luận thần học, chức Linh mục và chức Phó tế.

Năm 1999 Linh mục Giáo sư Müller được bổ nhiệm là Cố Vấn ở Thượng Hội đồng về Giáo Hội Âu châu, và năm 2001 là Cố Vấn ở Thượng hội đồng các Gíam mục thế giới nhóm họp ở Vatican.

Linh mục giáo sư Müller đã từng đựợc mời là Giáo sư giảng dạy môn thần học ở các Đại học trên thế giới như ở Cusco, nước Peru; đại học bên Roma, đại học Philadelphia bên USA, đại học Kerala bên Ấn độ, đại học Madrid, đại học Santiago de Compostela, nước Tây ban Nha, đại học Salamanca, Lugano và Sao Paolo, nước Brazilia.

Ngày 01.10.2002 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã tuyển chọn bổ nhiệm Linh mục giáo sư Müller lên làm Gíam mục giáo phận Regensburg, Đức quốc. Như thế ngài là vị Giám mục thứ 77. từ khi giáo phận được thành lập.



Giáo phận Regensburg ở miền Nam nước Đức bên bờ sông Donau. Giáo phận này theo lịch sử có từ thời thế kỷ thứ 8. sau Chúa Giáng sinh. Ở đây có ca đoàn gồm toàn các bạn trẻ nam hát nổi tiếng trên thế giới „ Regensburger Domspatzen“, từ năm 1964-1994 Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã từng điều khiển ca đoàn này

Giáo phận Regensburg có Thánh Gaubald, Thánh Wolgang đã là Gíam mục của giáo phận Regensburg; Thánh Alberto cả, tiến sĩ thầy dậy trong Hội Thánh một nhà đạo đức thông thái, cũng đã là Giám mục của giáo phận Regensburg từ năm 1260 đến 1262.

Giáo phận Regensburg có khoàng 1,26 triệu tín hữu Công giáo, với 770 Gíao xứ trong toàn giáo phận, nhà thờ chính tòa xây cất theo kiểu Gotique uy nghi từ thời thế kỷ thứ 13.

Giáo phận Regensburg có phân khoa đại học Thần học nổi tiếng, ngày xưa khi còn là Linh mục giáo sư Ratzinger, Đức giáo Hoàng Benedictô 16. đã từng dạy môn Thần học ở đây lâu năm.

Đức Giám mục Gerharh Ludwig Müller là một nhà nghiên cứu thần học uyên bác. Trong Hội đồng Giám mục Đức, Đức gíam mục Müller là Chủ tịch Ủy ban về Đại Kết, Phó chủ tịch Ủy ban Tín lý đức tin, và thành viên của Ủy ban Giáo Hội hoàn vũ. Ngoài ra Đức giám mục Müller còn là thành viên trong Ủy ban chung của Hội đồng Giám Mục Đức, cùng trong Hội đồng liên lạc với Chính Thống Hy Lạp ở nước Đức.

Đức Giám Mục Gerhard Ludwig Müller một nhà thần học uyên bác, có tầm suy tư nhìn xa trông rộng. Nhưng luôn trên nền tảng phương hướng Đức tin của Chúa và theo truyền thống Giáo Hội. Chính vì thế, mà phong trào cởi mở cấp tiến cho ngài là bảo thủ "hardline".

Xin dâng lời tạ ơn Chúa, và dâng lời chúc mừng Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller trong chức vụ mới là người đứng đầu Bộ gìn giữ bảo vệ Đức Tin Công Giáo của Chúa Giêsu ở trần gian.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM TÂN TỔNG TRƯỞNG BỘ TÍN LÝ ĐỨC TIN

Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin


VATICAN. Hôm 02-7-2012, ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa).

Đồng thời ngài bổ nhiệm người kế vị là Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller, cho đến nay là GM giáo phận Regensburg bên Đức. Cùng với việc bổ nhiệm này, Đức Cha Mueller được thăng TGM, đồng thời cũng là Chủ tịch của 3 Ủy ban Ecclesia Dei, Kinh Thánh và Thần Học quốc tế.

ĐHY Levada người Mỹ, năm nay 76 tuổi (15-6-1936), nguyên là TGM giáo phận Portland, Oregon, rồi làm TGM San Francisco, trước khi được Đức tân Giáo Hoàng Benedicto 16 bổ nhiệm kế vị ngài trong chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin hồi tháng 5 năm 2005. 10 tháng sau đó, Đức TGM Levada được thăng Hồng Y.

Đức TGM Mueller năm nay 65 tuổi (31-12-1947), nguyên là giáo sư tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Ludwig Maximilians ở Munich từ năm 1986, trước khi được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM giáo phận Regensburg năm 2000 là nơi ĐTC Biển Đức 16 từng làm khoa trưởng thần học trước khi được bổ nhiệm làm TGM Munich.

Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller là tác giả của hơn 400 ấn phẩm khoa học, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn ”Tín lý Công Giáo. Nghiên cứu và thực hành Thần Học” (Katholische Dogmatik. Fuer Studium und Praxis der Theologie”. Ngài từng là thành viên Ủy ban thần học quốc tế và thành viên Bộ giáo lý đức tin.

Một Giám Mục Slovak bị cách chức

Cũng ngày 02-7-2012, ĐTC đã cách chức Đức Cha Robert Bezak, 52 tuổi, dòng Chúa Cứu Thế, TGM giáo phận Trnava, thuộc Cộng hòa Slovakia. Đức Cha được bổ nhiệm làm TGM giáo phận này hồi năm 2009, kế nhiệm Đức TGM Jan Sokol.

Phòng báo chí Tòa Thánh không cung cấp chi tiết gì về lý do vụ cách chức này, nhưng báo chí Slovakia cho biết hồi cuối tháng giêng và đầu tháng hai năm nay, Bộ Giám Mục đã cho thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa tại giáo phận Trnava vì có những vấn đề trầm trọng thuộc lãnh vực quản trị và tài chánh, chứ không phải vì đời sống luân lý của vị GM này.

Bình thường, khi có vấn đề trầm trọng, Tòa Thánh đề nghị vị GM có lỗi từ chức, nhưng nếu đương sự không chấp nhận đề nghị, thì Tòa Thánh đi tới quyết định ”cất khỏi nhiệm vụ săn sóc mục vụ giáo phận”.

Trong thánh lễ chúa nhật 1-7-2012, chính Đức TGM Bezaks thông báo cho các tín hữu về việc mình bị cách chức bằng cách đọc một văn thư của Tòa Sứ Thần Tòa thánh về vấn đề này. Đức GM Phụ tá Jan Orosch, Tổng đại diện, được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận. (SD 2-7-2012)

LM Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News)

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

GIÁO PHẬN DALAT PHONG CHỨC PHÓ TẾ

Thánh Lễ Phong Chức Phó Tế Tại Giáo Phận Đalat 
29.6.2012

 
Dù bầu trời Đàlạt se lạnh, có dấu báo hiệu một cơn bão sắp đến, nhưng tại Nhà Nguyện của Trung Tâm Mục vụ Giáo phận, vào lúc 9 giờ 30 ngày thứ sáu 29 tháng 6 năm 2012, nhằm ngày lễ trọng kính Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, thánh lễ phong chức Phó tế được Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đàlạt, cử hành. Cùng đồng tế thánh lễ có trên 100 linh mục và đông đảo các tu sĩ nam nữ và thân nhân bạn hữu các tiến chức hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các thầy trong sứ vụ mới. 
 
Trong bầu khí phụng vụ sốt sắng và tràn đầy hân hoan, sau khi đoàn rước tiến vào thánh đường bắt đầu thánh lễ, với 14 tiến chức - trong đó có 10 thầy thuộc giáo phận và 04 thầy thuộc Tu Hội Tận Hiến -, Đức Cha Antôn mời gọi cộng đoàn cùng hiệp lòng hiệp ý để cầu nguyện cho các tiến chức trong phận vụ mà họ sắp lãnh nhận, nhất là khi cử hành lễ phong chức này trong ngày lễ kính Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, càng làm rõ nét ơn gọi của mỗi người và của các tiến chức. Hãy nhìn vào gương hai Thánh Tông đồ để sống và thi hành sứ mạng của mình.
 
 
(simonhoadalat.com)

ĐỨC THÁNH CHA NHẬN ĐƠN TỪ CHỨC

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của ĐGM Phú Cường và Qui Nhơn

VATICAN. Hôm 30-6-2012, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, GM Quy Nhơn và Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú Cường. Hai vị GM Phó của hai giáo phận đương nhiên kế nhiệm theo luật.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn năm nay 76 tuổi, sinh ngày 15-12-1936 tại Gò Thị, thụ phong LM ngày 21-12-1968 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM chính tòa Quy Nhơn cách đây 13 năm, ngày 3-6-1999.

Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, tân GM chính tòa Qui Nhơn, năm nay 61 tuổi, sinh ngày 13-10 năm 1951 tại Phước Sơn, tỉnh Bình Định, thụ phong linh mục ngày 10-5-1989 lúc 38 tuổi. Cách đây gần 3 năm, ngày 31-12-2009, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Qui Nhơn.

Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ năm nay 75 tuổi, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1937 tại Thái Bình, và thụ phong LM ngày 29-4-1965. Ngày 5-11 năm 1998, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phú Cường và được ĐTC Gioan Phaolô truyền chức GM tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rona ngày 6-1-1999.

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, tân GM chính tòa Phú Cường, năm nay 54 tuổi, sinh ngày 22-9-1958 tại Chánh Hiệp và thụ phong linh mục ngày 4-4-1991 khi được 33 tuổi. Hồi năm ngoái ngày 14-3-2011, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Phú cường.

Cùng ngày 30-6-2012, ĐTC đã bổ nhiệm 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10 năm nay về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”, đó là:

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, nguyên GM Hong Kong; ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM giáo phận Guadalajara, là GM lớn thứ hai tại Mêhicô; sau cùng là ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, Tòa ThánhM giáo phận Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân Chủ Congo bên Phi châu. 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy sẽ thay phiên, đại diện ĐTC chủ tọa các khóa họp của Thượng HĐGM kỳ thứ 13.

LM Đức Anh O.P
(VietCatholic News)

TÂN GIÁM MỤC CHÍNH TOÀ QUY NHƠN

TÒA GIÁM MỤC QUI NHƠN THÔNG BÁO

Kính gửi: Quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong toàn giáo phận Qui Nhơn.

Văn Phòng Tòa Giám Mục Qui Nhơn trân trọng thông báo:
 
Theo tin từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh, ngày 30 tháng 06 năm 2012 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ưu ái chấp thuận đơn xin được nghỉ hưu của Đức Cha chính Phêrô Nguyễn Soạn. Theo đó, kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2012, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi sẽ kế vị và đảm nhận trọng trách làm Giám Mục Chính Tòa giáo phận Qui Nhơn thay cho Đức Cha Phêrô. Từ nay, trong Kinh nguyện Thánh thể II, lời cầu nguyện cho Hội Thánh, xin quý cha đọc như sau: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Đức Giám Mục Matthêô chúng con, Đức Giám Mục Phêrô và toàn thể hàng giáo sĩ”.
 
Như chúng ta biết, trong thời gian dài gần mười ba năm qua, trong cương vị chủ chăn, Đức Cha Phêrô với sự khôn ngoan và thận trọng đã tận tụy chăm lo cho giáo phận về đời sống tinh thần cũng như vật chất ngày càng phát triển. Vì giới hạn tuổi tác và sức khỏe không cho phép nên Đức Cha Phêrô đã thỉnh nguyện xin Tòa Thánh được nghỉ ngơi. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa đồng thời cảm ơn Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đã đáp ứng nguyện vọng của Đức Cha. Trong tâm tình biết ơn Đức Cha Phêrô vì với tấm lòng mục tử nhân hậu Ngài đã tận tâm tận lực chăm lo cho giáo phận, xin mọi người tiếp tục hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cha được nhiều ơn lành hồn xác.
 
Chúng ta cũng không quên sẵn sàng cộng tác và cầu nguyện đặc biệt cho Đức Cha Matthêô được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để Ngài chu toàn nhiệm vụ chủ chăn của mình. Đây là một trọng trách cần đến nhiều sự chia sẻ và cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa. Xin tất cả chúng ta hiệp nhất và quảng đại góp công góp sức để cũng nhau xây dựng gia đình giáo phận ngày càng thăng tiến hơn.

Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 30 tháng 06 năm 2012

Anrê Huỳnh Tấn Nha
Linh mục đặc trách văn phòng Tòa Giám Mục
(bttvhqn.blogspot.com)

TÂN GIÁM MỤC CHÍNH TOÀ PHÚ CƯỜNG

Tân Giám mục Chính Tòa Phú Cường

Đức Thánh cha Bênêđíctô 16 đã nhận đơn từ chức của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục chính tòa Phú Cường. Đồng thời bổ nhiệm theo giáo luật, Đức cha Phó Giuse Nguyễn Tấn Tước sẽ lên làm Giám mục Chính tòa Phú Cường.

Ngày 30 tháng 6 năm 2012. Đức Thánh cha Bênêđíctô 16 đã nhận đơn từ chức của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục chính tòa Phú Cường. Đồng thời bổ nhiệm theo giáo luật, Đức cha Phó Giuse Nguyễn Tấn Tước sẽ lên làm Giám mục Chính tòa Phú Cường.

Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ sinh ngày 2 tháng 3 năm 1937 tại Thái Bình, và thụ phong linh mục ngày 29-4-1965.
Ngày 5 tháng 11 năm 1998, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Phú Cường và được Chân Phước Gioan Phaolô II truyền chức giám mục tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma ngày 6-1-1999.

Khẩu Hiệu Giám Mục “Yêu Rồi làm”.

Với 2 văn bằng Giáo Hội là cử nhân Giáo luật và tiến sĩ Phụng vụ, Ngài đã phục vụ giáo phận Phú Cường với những phận vụ quan trọng: như là Giám đốc Chủng viện, cha sở Chánh tòa.

Nhậm chức vụ chủ chăn của một giáo phận trống ngôi, Đức cha Phêrô, vị sứ giả của niềm hy vọng như lời của chân phước Gioan Phaolô II, đã xây dựng lại giáo phận và tập họp lại đàn chiên của Chúa Kitô, đồng thời ngài chú tâm vào việc đạo tạo nhân sự cho Giáo phận. Được biết là Đức cha Giuse, Tân giám mục chính tòa, cũng là học trò và là người được Đức cha Phêrô gởi đi du học. Hơn nữa, Đức cha Phêrô cũng đang đặt con tim của Ngài vào việc xây dựng nhà thờ chánh tòa, công trình đến nay đã hoàn thành 80%. Bên cạnh công việc mục vụ tại giáo phận, Đức cha Phêrô còn là đương kiêm chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự. Mới đây Ngài đã hoàn thành việc dịch thuật sách lễ Rôma và các bài đọc, đang chờ Tòa Thánh phê duyệt.

Được biết, sau khi tham dự Đại hội Thánh thể quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland, Đức cha Phêrô tiếp tục đi thăm thân nhân và công tác tại Hoa Kỳ. Ngài sẽ trở về Việt nam vào cuối tháng 7. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Ngài.

Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Tân giám mục Chính tòa Phú Cường, năm nay 54 tuổi.

Sau đây là tiểu sử của Đức cha Giuse:

- 22/09/1958: Sinh tại giáo xứ Mỹ Hảo, xã Chánh Hiệp (nay là xã Chánh Mỹ), thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, giáo phận Phú Cường.

- 1971: Vào tiểu chủng viện thánh Giuse Phú Cường.

- 1978: Theo học chương trình Đại Chủng Viện tại Gp. Phú Cường.

- 04/04/1991: thụ phong linh mục tại nhà thờ chính toà Phú Cường, do Đức Cha Louis Hà kim Danh.

- Từ 08/05/1991 đến 02/12/1999: Phục vụ tại giáo xứ Thala, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh: Phụ tá cho cha Gioakim Nguyễn Văn Nghị, rồi làm chính xứ sau khi cha Gioakim Nghị qua đời vào ngày 15/07/1995.

- Từ 02/12/1999-11/07/2006: Du học tại Học Viện Công Giáo Paris.

- 12/07/2006 : đặc trách ơn gọi linh mục giáo phận và phục vụ tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Phú Cường.

- 14/03/2011: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Phú Cường.
-29/4/2011: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ đã truyền chức Giám mục cho ngài tại Nhà Chung giáo phận Phú Cường.
Khẩu Hiệu: “Ngài Phải Lớn Lên” (Ga 3,30)
- 30/6/2012: Sau khi Tòa thánh chấp nhận đơn từ chức vì tuổi tác của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước trở thành Giám mục Chánh tòa theo giáo luật và là Giám mục chính tòa thứ IV từ khi giáo phận được thành lập và là Giám mục thứ V của Giáo Phận.

(gpphucuong.org)

TỪ NHIỆM VÀ KẾ NHIỆM GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Giáo phận Phú Cường và giáo phận Qui Nhơn: 
Từ nhiệm và kế nhiệm giám mục giáo phận


WHĐ (01.07.2012) – Trong thông báo về “Miễn nhiệm và Bổ nhiệm” được phổ biến vào hôm qua, 30 tháng Sáu 2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:

– Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ nhiệm giám mục giáo phận Phú Cường (Việt Nam) của Đức giám mục Phêrô Trần Đình Tứ, theo khoản 401 § 1 của Bộ Giáo luật.

Kế nhiệm ngài là Đức giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục phó giáo phận Phú Cường.

– Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ nhiệm giám mục giáo phận Qui Nhơn (Việt Nam) của Đức giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, theo khoản 401 § 1 của Bộ Giáo luật.

Kế nhiệm ngài là Đức giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi, giám mục phó giáo phận Qui Nhơn.
 
(Nguồn: press.catholica.va)

Huy Hoàng
(WHĐ)  

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ NHA TRANG VĨNH KHẤN

Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang: 23 Nữ Tu Khấn Trọn Đời

Sáng ngày 28.6.2012, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chủ sự Lễ Khấn Trọn Đời 23 Nữ Tu và Ngân Khánh Khấn Dòng 2 Nữ Tu tại nguyện đường hội dòng MTG Nha Trang. Đồng tế thánh lễ có Đức Ông TĐD GP Nha trang, cha TĐD GP Đà nẵng cùng với hơn 80 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Các tu sĩ nam nữ và quý thân nhân ân nhân các Tân Khấn Sinh hiệp thông tạ ơn và chung lời cầu nguyện.


Người Nữ Tu đã hiến dâng đời mình cho Chúa, bước theo Chúa trên con đường Thánh Giá và thuộc trọn về Chúa suốt đời.
 
Có một nhà văn đã gọi các Nữ Tu là “những con người mạnh mẽ”, là phái mạnh, chứ không phải phái yếu. Sự mạnh mẽ của các Nữ Tu là “sự mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần, là Sức Mạnh của Thiên Chúa”, chứ không phải là sự mạnh mẽ của xác phàm. Xác thịt của con người thì yếu đuối như nhau. Sự từ bỏ mọi sự là điều rất khó.Chính vì thế mà phải mạnh mẽ lắm, hy sinh nhiều lắm, mới từ bỏ thế gian được. Từ bỏ mọi sự và theo Chúa là ý nghĩa cơ bản và thâm sâu nhất của đời tu, đời sống thánh hiến dành riêng cho Chúa và công trình cứu độ của Ngài.

(giaophannhatrang.org)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B 01-7-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XIII thường niên năm B 01-7-2012.
Cha Chánh xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng ).



Hữu Toàn.

TỈNH DÒNG PHAOLÔ SAIGON VĨNH KHẤN

Tỉnh Dòng Phaolô Sài Gòn: Thánh Lễ Vĩnh khấn

 
WGPSG - Trong ngày lễ mừng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chị em Dòng Thánh Phaolô tỉnh Dòng Sài Gòn đã hân hoan mừng lễ bổn mạng của Hội Dòng và cử hành nghi thức tuyên khấn vĩnh viễn cho 19 Khấn Sinh.

Thánh lễ vĩnh khấn được cử hành vào lúc 8g30 ngày 29/6/2012 tại nguyện đường của Tỉnh Dòng, do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá TGP TPHCM chủ sự. Đồng tế với ngài có 54 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự Thánh lễ có quí nam nữ tu sĩ, phụ huynh, thân nhân, ân nhân của các khấn sinh.

Khấn Dòng là một hành vi thờ phượng công khai, tham dự vào việc phụng tự của Giáo Hội. Đây là việc hệ trọng, là một quyết định đứt khoát định hướng cho cả cuộc đời. Ai dám bước theo Chúa nếu không được Ngài mời gọi? Ai dám chắc cuộc đời mình tín trung nếu không cậy dựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa? “Khi nào các ngươi tìm Ta, các ngươi sẽ thấy Ta vì các ngươi thật lòng tìm kiếm” (Gr 29,13)

(WGPSG)

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 13 MÙA THƯỜNG NIÊN B (Mc 5, 21-43)


ĐỤNG VÀO CHÚA
 
Chúa Giêsu đến để đem lại sự sống cho con người. Sự sống phần xác lẫn phần hồn. "Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Chúa Giêsu luôn để ý đến nỗi đau khổ của con người. Đau khổ tinh thần lẫn thể chất. Nỗi đau bên ngoài cũng như nỗi đau thầm kín. Tất cả Ngài đều muốn giải thoát để cho con người được sống hạnh phúc. Điều Chúa chờ đợi là con người có muốn và có thực sự tin vào Ngài hay không. "Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong"(Kn 1).

Người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm đã khổ sở vì bệnh tật của mình, bao phen tìm thầy chạy thuốc, tiền mất mà tật vẫn phải mang nơi mình, lai mang nỗi đau thầm kín - chứng bệnh của giới phụ nữ. Nay bà ta mạnh dạn, liều mình lấn tới và chủ ý đụng vào Chúa Giêsu. Bà chen lấn dữ dội trong đám đông với lòng tin nghĩ rằng chỉ cần động vào áo Chúa là cũng được khỏi bệnh. Quả thật lòng tin của bà đã gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không trách mắng bà mà còn quay lại nói với bà rằng: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh" (x. Mc 5, 25-34). Thật là sung sướng tuyệt vời, vượt trên mọi ước mơ. Bà sướng từ trong ra ngoài. Sướng từ trên xuống dưới. Từ nay máu trong người bà được cầm lại hẳn, sự sống không bị mất đi nữa, sức khoẻ lại được phục hồi. Tất cả đều lệ thuộc hầu hết vào lòng tin của bà trước quyền năng của Thiên Chúa.

Còn trường hợp con gái ông trưởng hội đường thì lại do chính ông đi xin Chúa: "xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống", vì sau đó đứa bé đã chết thật. Nhưng ở đây thì Chúa Giêsu lại động viên đức tin còn non yếu của ông rằng: "ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đức tin của người cha đã thay thế cho con của mình. Nó được phục hồi sự sống là do lời cầu cứu và thái độ tin tửơng của người cha. Vì thế, Chúa Giêsu đã đặt tay trên đứa bé để cho nó trỗi dậy (x.Mc 5, 21-24.35-43).

Hai lần động chạm liên quan đến con người Chúa Giêsu. Nơi Chúa xuất phát một năng lực lạ lùng có khả năng chữa bệnh, giải thoát, phục hồi sự sống đã mất. Sự sống thể xác và sự sống tinh thần. Thiên Chúa là chủ sự sống mà.

Ngày nay chúng ta có biết là mình đang bị thứ bệnh gì liên quan đến sự sống không? Những căn bệnh làm cho chúng ta đang chết dần chết mòn không phải là thể xác mà là linh hồn mới là thứ bệnh đáng sợ. Chúng ta có đến gần Chúa để động chạm vào Ngài không? Hoặc là chúng ta có để cho Ngài động chạm vào chúng ta không? Động vào Chúa qua việc tiếp xúc với Chúa trong lời cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, đụng vào Mình Máu Thánh Chúa. Đó là những sự đụng chạm cần thiết để được sống. Đó là việc đụng chạm hằng ngày để chúng ta được chữa lành và được sống.

Cuộc sống có nhiều sự đụng chạm. Có sự đụng chạm tốt. Có sự đụng chạm không tốt. Có sự đụng chạm cần thiết và có sự đụng chạm không cần thiết. Vì thế phải biết cân nhắc, cẩn thận và tỉnh táo chọn lựa. Nhất là thời đại bây giờ sự lây lan ô nhiễm môi trường và các loại virút mới đang truyền bệnh rất kinh khủng. Đụng chạm vào Chúa luôn là tốt không bao giờ bị lây nhiễm bệnh cả.

Trong tư cách là người cha người mẹ, chúng ta có phát hiện ra con em chúng ta đang bị thế giới đầu độc làm nó đang bị chết rồi không? Trách nhiệm của cha mẹ có biết mời Chúa đến để Ngài đặt tay lên nó, đụng chạm vào nó để nó được cứu thoát và được sống không? Chỉ cần Chúa đụng chạm vào ta một lần mà thôi thì cuộc đời chúng ta cũng được đổi mới. Chúng ta có tin như thế không?
 
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
 
(thanhlinh.net)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 21-28.6.2012