Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C 17-02-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Chay năm C 17-02-2013.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C (Lc 4, 1-13)


LỄ TRO TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO

Cùng Mẹ Tàpao bước vào Mùa Chay Năm Đức Tin 2013


Ngày hành hương Đức Mẹ Tàpao 13/2/2013 đúng vào thứ Tư Lễ Tro khởi sự Mùa Chay năm 2013. Không khí xuân mùng 4 Tết Quý Tỵ và sắc tím của áo lễ Mùa Chay làm nên một bầu khí linh thiêng. Đông đảo khách hành hương đã về Tàpao tham dự Lễ Tro do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ và quý cha đồng tế.


Chương trình hành hương bắt đầu với giờ khấn Đức Mẹ Tàpao. Cha Fx. Nguyễn Quang Minh, quản xứ Tánh Linh suy niệm sự thương khó của Đức Mẹ trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để chuẩn bị tâm tình cho cộng đoàn bước vào Mùa Chay thánh. Cộng đoàn hiệp dâng lời khấn nguyện của khách hành hương trong tháng mà nhiều nhất vẫn là lời tạ ơn năm cũ và xin bình an cho năm mới.


Đức Giám Mục GP Phan Thiết chào thăm cộng đoàn hành hương nhân dịp đầu năm. Tiếp đến, ngài giới thiệu Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên GM Phú Cường với cộng đoàn. Thánh lễ do Đức Cha Phêrô chủ sự. 
(gpphanthiet.com)

LỊCH TRÌNH CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Trong những ngày nay "nhất cử nhất động" của một cụ già 85 tuổi đều được đặt trong tầm ngắm của nhân loại, của người công giáo lẫn người khác tôn giáo. Tòa Thánh Vatican, một quốc gia bé nhỏ nhất thế giới đang trở thành điểm hội tụ nóng bỏng của truyền thông thế giới.

Hình như nhiều người đã quên mất những đặt điều vô lối nói xấu về con người Josef Ratzinger, cho rằng ngài là một người cực kỳ bảo thủ, một nhà thần học chứ không phải là một Giáo Hoàng, không cải cách, v.v…, thay vào đó bao nhiêu ca ngợi về sự quyết định táo bạo từ chức của ĐGH Bênêđictô XVI vào sáng ngày 11.02.2013 vừa qua. Còn hơn thế nữa, giới chính trị gia tại Ý còn dùng ĐGH để muốn dạy dỗ "con ngựa bất kham" của họ là cựu tổng thống Silvio Berlusconi, một nhà chính trị đã phải về vườn rất nhiều lần nhưng cứ hám danh muốn tiếp tục tham gia tranh cử.

Nhiều chính trị gia thế giới đang thánh phục khen ngợi cụ già Bênêđictô XVI là hiện đại, quả cảm, lỗi lạc, trách nhiệm, thông minh, sáng suốt… Đúng ra nhiều lời khen ngợi hơn chê trách, có thể lịch sử sau này sẽ nhìn được rõ ràng về con người và tài trí về triều đại 8 năm của ĐGH Bênêđictô XVI.

Còn đúng hai tuần nữa trong trách nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng của ĐGH Bênêđictô XVI, trước khi rời khỏi ngôi vị này Ngài còn phải hoàn thành các nhiệm vụ Giáo Hoàng một cách chu đáo cho đến ngày cuối cùng, lời của cha Federico Lombardi, xướng ngôn viên Tòa Thánh cho biết.

Những nhiệm vụ cuối cùng của ĐGH Bênêđictô XVI được ghi lại chi tiết như sau:

- Thứ tư 13, tháng Hai: Buổi sáng triều yết giáo dân hàng tuần tại đại khánh đường Phaolô VI của Vatican. Buổi chiều 17 giờ chủ tế thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro để khai mạc Mùa Chay Thánh 2013 trong Đền Thánh Phêrô.

- Thứ năm 14, tháng Hai: Buổi sáng họp mặt với hàng giáo sĩ trong TGP Rôma tại đại khánh đường Phaolô VI. Dịp này ĐGH Bênêđictô XVI sẽ đối thoại và trả lời cho các câu hỏi được đặt ra từ các linh mục hiện diện, hoặc ĐGH nói chuyện một cách tự do.

- Thứ sáu 15, tháng Hai: Đón tiếp Tổng thống Rumani, ông Traian Basescu trong một buổi triều yết riêng. Ngoài ra đón tiếp các Đức Giám Mục Ý.

- Thứ bảy 16, tháng Hai: Đón tiếp Tổng thống Guatemala, ông Otto Fernando Pérez Molina. Bên cạnh đó đón tiếp các Đức Giám Mục Ý.

- Chúa nhật 17, tháng Hai: Lúc 12 trưa đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô. Vào buổi tối, bắt đầu tuần Tĩnh Tâm truyền thống Mùa Chay 2013 của Giáo Triều Rôma, ĐGH không xuất hiện trước công chúng trong tuần sau, không có tiếp kiến và triều yết.

- Thứ sáu 22, tháng Hai: Lời cám ơn của Đức Giáo Hoàng vào dịp kết thúc tĩnh tâm Mùa Chay 2013 của Giáo Triều Rôma.

- Chúa nhật 24, tháng Hai: Lúc 12 trưa đọc Kinh Truyền Tin lần cuối cùng trong cương vị Giáo Hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô.

- Thứ tư 27, tháng Hai: Lúc 10g30 triều yết giáo dân lần cuối cùng trong cương vị Giáo Hoàng tại đại khánh đường Phaolô VI của Vatican.

- Thứ năm 28, tháng Hai:
  • Lúc 11g gặp mặt chia tay với Hồng Y đoàn.
  • Lúc 17g rời khỏi Tòa Thánh Vatican bằng trực thăng đến nhà nghỉ hè Castel Gandolfo cách Rôma 30 km. Ngài tạm thời trú ngụ tại đây trong khi chờ tu viện cũ Carmêlô tại nội thành Vatican được sửa xong thì dời về nghỉ hưu.
  • Lúc 20g tối chính thức ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm với ngôi vị Giáo Hoàng. Triều đại GH Bênêđictô XVI chấm dứt. Bắt đầu lúc này Ngôi Tòa Phêrô tại Vatican trống ngôi.
Sau ngày từ chức Giáo Hoàng, Mật Viện Hồng Y gồm 117 vị Hồng Y đang hội đủ điều kiện dưới 80 tuổi chính thức sẽ họp Công Nghị sau đó 2 tuần đến 20 ngày để bầu Giáo Hoàng mới. Cha Federico Lombardi cho biết ĐGH Bênêđictô XVI không tham dự vào Mật Viện Hồng Y lần này. Ngài luôn kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho Ngài và cho vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo.
 
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News) 

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI THOÁI VỊ. VÌ SAO?

Sáng thứ Hai 11/2/2013, giữa Công nghị Hồng y được triệu tập về Thủ đô Vatican của Giáo Hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Biển đức XVI chính thức tuyên bố thoái vị với lời mở đầu như sau: “Các Hiền Huynh thân mến, Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”
 

Lý do thoái vị được chính Đức Thánh Cha xác định: “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005”.

Rồi ĐTC cho biết, ngày 28/02/2013 sẽ là ngày ngài chính thức rời khỏi chức vụ. “Ngai Tòa Thánh Phêrô sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền”.

Việc Đức Thánh Cha Biển đức XVI tự mình quyết định rời ngai Giáo Hoàng không khỏi gây sửng sốt cho nhiều người vì lẽ từ 600 năm qua, chưa hề có tiền lệ một vị Giáo Hoàng từ nhiệm (từ chức, thoái vị). Tuy nhiên, trong Giáo Hội, chỉ có luật Chúa là bất di bất dịch. Luật Hội Thánh còn phải trải qua nhiều đổi thay huống hồ là một thông lệ. Thông lệ không có nghĩa là không cho phép. Không phải luật cấm hay luật buộc. Cho nên, chúng ta có thể ngạc nhiên hay thậm chí bàng hoàng (sốc) và thoáng một chút đau buồn khi nhận được tin ĐTC thoái vị, nhưng không vì đó mà chúng ta dễ dàng nghe theo những suy đoán hàm hồ hay bi quan, nhất là những lời đồn đại thi phi về nguyên cớ của sự thoái vị bất thường mà lại quên đi sự hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội Chúa Kitô ở trần thế này hầu đưa Giáo Hôi vượt qua bao cơn sóng dữ suốt hơn 20 thế kỷ thăng trầm.

Tuổi già ám ảnh

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại quyển “Ánh Sáng Thế Gian” ghi lại cuộc trao đổi giữa Đức Thánh Cha Biển đức XVI với nhà báo Peter Seewald năm 2010 (người viết sử dụng bản dịch tiếng Việt từ Đức ngữ của Phạm Hồng Lam, ấn bản 2011) để biết rõ nỗi ưu tư của vị Giáo chủ khi ngài đối diện với trách nhiệm cầm đầu Hội Thánh Chúa ở trần gian vào tuổi 78. 

Trong Lời tựa quyển sách, nhà báo Peter Seewald thổ lộ: “Chưa bao giờ trong lịch sử giáo hội có chuyện một giáo chủ để cho người ngoài phỏng vấn và sẵn sàng trả lời trực tiếp.” Seewald ghi nhận: “Riêng chuyện này đã là một dấu ấn mới cho triều đại giáo chủ này.” (trang 7-8). Rồi lại khi từ trong phòng bước ra phòng khách, Đức Giáo Hoàng Biển đức XVI đưa tay cho Peter Seewald bắt, “nhỏ nhẹ chào” Seewald, “và nói như một lời xin lỗi”: “Sức hơi kém lắm rồi.” (trang 10).

Mở đầu cuộc phỏng vấn, nhà báo Peter Seewald nêu thẳng câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, ngày 16.04.2005, dịp sinh nhật 78 tuổi, ngài đã thông báo với các nhân viên cộng tác với mình về niềm vui sẽ được nghỉ hưu. Nhưng ba ngày sau đó, ngài trở thành vị đứng đầu một Giáo hội hoàn vũ với 1,2 tỷ tín hữu. Một nhiệm vụ chẳng thích hợp gì với một người lớn tuổi.”

Đức Thánh Cha đáp: “Quả thật tôi đang chờ được nghỉ ngơi và an thân. Nhưng, đùng một cái, nhiệm vụ to lớn lừng lững trước mắt. Như mọi người đều bết, đó là một cú xốc đối với tôi. Trách nhiệm quả lớn kinh khủng.”

Seewald lại hỏi: “Về sau ngài thổ lộ, giây phút đó mình tưởng như ‘lưỡi đao’ đang rơi xuống cổ?”

ĐTC Biển Đức trả lời ngay: “Đúng, tôi đã nghĩ tới hình ảnh máy chém: Này là lúc lưỡi đao rơi xuống và nó rơi đúng vào đầu này.” Đến nỗi sau mấy giây bị ám ảnh bởi “máy chém” và “lưỡi đao”, ngài còn nói thêm: “Chúa sẽ cho tôi an thân và nghỉ ngơi sau những tháng năm căng thẳng” tuy rằng ngài tin “Chúa sẽ ở cùng tôi” (trang 17). 

Qua những tâm sự trên đây của ĐTC, rõ ràng chiếc bóng tuổi già, sức yếu bám chặt lấy ngài. Và ai cũng thấy ngài già đi nhiều, yếu đi nhiều. Tuổi già và sức yếu ngày càng hiện rõ mỗi lần vị giáo chủ xuất hiện. Xin nhắc lại lời Đức Thánh Cha (như đã trích dẫn trên): “Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình.”

Vả lại, trong quá khứ, theo bản tin ngày 12/2/2013 của hãng thông tấn AP (Associated Press), thì “trong một cách thức nào đó, tin ĐGH Biển đức thoái vị chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Chính Đức Biển đức năm 2010 đã từng nêu lên việc ngài có thể từ chức khi mà ngài đã quá già hay yếu bệnh liên tục.” 

Bản tin của AP còn trích dẫn lời phát biểu của chính ĐTC trong cuốn Ánh Sáng Thế Gian: “Khi một giáo chủ hiểu rõ, mình không còn năng lực về thể lý, tâm lý hay tinh thần để cáng đáng nhiệm vụ được giao phó nữa, thì vị đó có quyền, và trong một số hoàn cảnh, tự vị đó có nhiệm vụ phải từ chức.” (sđd, tr. 49). Trong khi xác định “Người ta có thể từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc thấy mình không còn kham nổi nữa…”, ĐTC không quên nhấn mạnh rằng “việc từ chức không được phép là một lựa chọn để trốn tránh một trọng trách nào đó… Trong cơn nguy biến, không được chạy trốn.” (sđd, tr.49). 

Như vậy, việc Đức Thánh Cha Biển đức từ nhiệm là một hành động có ý thức, có trách nhiệm, vì ngài tự “thấy mình không còn kham nổi nữa”.

Những Giáo hoàng đã thoái vị.

Trong quá khứ, mặc dù các giáo hoàng được phép thoái vị, sự thật lịch sử Giáo Hội cho thấy gần đây nhất đã 6-7 trăm năm chỉ xảy ra có hai trường hợp giáo hoàng thoái vị. Đó là Giáo hoàng Grêgôriô XII thoái vị năm 1415; và trước đó là Giáo hoàng Celestine V thoái vị năm 1294. 

ĐGH Celestine V vốn là một tu sĩ-ẩn tu chiêm niệm thánh thiện thuộc hệ phái chiêm niệm Dòng Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng để “thanh tẩy” Hội Thánh lúc bấy giờ đang điêu đứng vì rơi vào trào lưu tục hóa nghiêm trọng. Nhưng khi được bầu, Đức Celestine V đã 85 tuổi, được xưng tụng là Papa Angelicus – ĐTC Thiên thần. Tuy nhiên ngài bất lực trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và tài chánh vô cùng phức tạp lúc bấy giờ, nên chỉ sau 6 tháng, ngài thoái vị.

Thời kỳ từ năm 1394 tới 1417, xảy ra cuộc phân ly trong Giáo Hội. Tại Rôma (Ý) có giáo hoàng Grêgôriô XII (1406-1415) trong khi tại Avignon (Pháp) có giáo hoàng Biển đức XIII. Năm 1409, Công đồng Pisa hạ bệ hai vị trên và cử ra một tân giáo hoàng là Alexander V (1409-1410). Nhưng cả Biển đức XIII lẫn Grêgôriô XII đều không chịu thoái vị, thành thử Giáo Hội có tới 3 Giáo hoàng cùng một lúc. Thế nên Công đồng Constance được triệu tập, cách chức hai vị, và đồng ý cho Grêgôriô XII thoái vị năm 1415, chấm dứt cuộc phân ly Avignon và Rôma.

Sức khỏe suy sụp.
 

Trở lại trường hợp của Đức Thánh Cha Biển đức XVI, một bản tin khác của hãng thông tấn AP từ Luân Đôn ngày 12/02/2013 cho biết, “khi lên ngôi Giáo hoàng ở tuổi 78, Đức Biển đức XVI cũng đã là vị giáo hoàng già nhất từ gần 300 năm nay. Bây giờ ngài đang ở tuổi 85, và trong những năm gần đây sức khỏe của ngài đã suy sụp đáng kể, khiến ngài phải hủy nhiều chuyến tông du hải ngoại và hạn chế các cuộc triều yết.”

AP còn cho biết “khi di chuyển đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ĐGH đã phải sử dụng chiếc bệ có bánh xe lăn trên một lộ trình khoảng trăm mét. Rồi có lúc ngài phải chống gậy.”

Cũng theo nhận xét của hãng tin AP, “năm ngoái khi công chúng đợi chờ ĐTC xuất hiện để ngỏ lời với họ, thì họ thấy ngài bước ra với vẻ yếu mệt, không nói gì được bao nhiêu với họ.” Bản tin cũng nhắc tới chuyện “năm 2009, ĐTC đã bị té ngã và bị thương nhẹ ở khuỷu tay trong dịp nghỉ hè ở vùng núi Alps.”

Theo Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của ĐTC Biển Đức XVI, bác sĩ riêng của ĐTC đã yêu cầu ngài chấm dứt các chuyến tông du xuyên Đại Tây Dương, trong khi đó chỉ có một chuyến tông du ra ngoại quốc duy nhất được dự trù trong năm nay là chuyến đi Ba Tây (Brazil, Nam Mỹ) để chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Toàn Cầu vào Tháng Bảy 2013 tới đây. (Dĩ nhiên, cùng với quyết định từ chức của ngài, chuyến tông du dự trù ấy nay cũng hết hiệu lực).

Bên cạnh những lời bàn ra tán vào về chuyện ĐTC Biển đức thoái vị, người ta còn đồn đại những điều sẽ xảy ra theo “lời tiên tri” của nhà tiên tri này hay nhà tiên tri khác. Rồi hàng loạt tên tuổi các Đức Hồng y danh tiếng, từ Âu sang Á, từ Phi châu tới Nam Mỹ, Bắc Mỹ… được “tiên đoán” sẽ lên ngôi Giáo hoàng kế vị Đức Biển đức XVI!

Người ta quên đi vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần sẽ tác động tới Mật nghị Hồng Y vào Tháng Ba tới đây.

Chúng ta bỏ ngoài tai mọi lời đồn đoán và gia tăng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Mật nghị Hồng y sớm tuyển chọn một vị Giáo hoàng đạo đức và đầy năng lực lên kế nhiệm lèo lái con thuyền Hội Thánh thoát khỏi cơn phong ba của trào lưu tục hóa và vô thần khắp thế giới, đặc biệt trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Lê Thiên
(VietCatholic News)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 08 - 14.02.2013

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
PHANXICÔ

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ,
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Phêrô
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Ông PHANXICÔ TRẦN CÔNG VỤ
Sinh ngày 19.10.1971 tại Saigon

 Cư ngụ tại : 253/24 Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Phêrô - Giáo xứ Thuận Phát


Đã an nghỉ trong Chúa

lúc 15g15 ngày Thứ Sáu 15.02.2013
(Nhằm ngày 06 tháng Giêng năm Quý T)


Hưởng dương 43 tuổi

 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Bảy 16.02.2013
  • 08g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan.
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
    Thứ Hai 18.02.2012
    • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
    • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát
    Sau đó di quan đi hỏa táng
    tại Đa Phước, Bình Chánh, TpHCM.


    Thuận Phát, ngày 15 tháng 02 năm 2013
    Kính báo
    Hội Đồng Mục Vụ
    BĐH Giáo Họ Thánh Phêrô
    Gx.THUẬN PHÁT
    và Gia Đình

    NGÀY KHAI GIẢNG LỚP GIÁO LÝ DỰ TÒNG VÀ LỚP GIÁO LÝ HÔN NHÂN KHÓA 24 NĂM 2013


    THƯ CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KÍNH GỞI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

    Hà Nội, ngày 13 tháng 2 năm 2013

    Kính trình Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
    Thành Vatican

    Trọng kính Đức Thánh Cha,

    Nhân danh các anh em trong hàng giám mục Việt Nam và nhân danh Dân Chúa trong xứ truyền giáo này, với sự xúc động và trong tâm tình hiếu kính, con xin kính gửi đến Đức Thánh Cha thư này, sau khi nghe tin Đức Thánh Cha từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, mà Đức Thánh Cha đã loan báo vào ngày 11 tháng 2 vừa qua tại Vatican.

    Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam luôn luôn yêu mến Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam hằng ấp ủ trong tâm hồn và ký ức lòng biết ơn sâu xa đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam trân trọng tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đấng kế vị thánh Phêrô, qua những sứ điệp đầy tình phụ tử, phát xuất từ đức tin trung kiên của ngài vào Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là qua việc ngài vui lòng bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện của ngài tại Việt Nam, như dấu chỉ cụ thể cho sự hiện diện, tình yêu thương và sự hiệp thông của Đức Thánh Cha giữa lòng Hội Thánh Việt Nam và Dân tộc Việt Nam.

    Tất cả anh em chúng con trong hàng giám mục Việt Nam không bao giờ quên buổi triều yết Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 27 tháng 6 năm 2009, khi chúng con đi “ad limina”, cũng như sứ điệp quý giá của Đức Thánh Cha trong dịp này.

    Nhân danh tất cả anh em trong hàng giám mục và nhân danh Dân Chúa tại Việt Nam, xứ truyền giáo này, con xin kính gửi đến Đức Thánh Cha những lời chào quý mến, lời cảm ơn chân thành, lòng hiếu kính và sự trung thành của con đối với Đức Thánh Cha và với Tòa Thánh.

    Nguyện xin Chúa tuôn đổ tràn đầy ân sủng và phúc lành của Chúa trên Đức Thánh Cha.

    (ấn ký)

    + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
    Tổng giám mục Hà Nội
    Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
     
    (WHĐ)

    Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

    TÌM HIỂU VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ QUỐC GIA VATICAN

    TỪ LỊCH SỬ...

    Tòa Thánh Vatican có tên chính thức Thành Quốc Vatican – Status Civitatis Vaticanae (tiếng Latin), Stato della Città del Vaticano (tiếng Ý), là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ gồm một vùng đất được xây tường bao kín. Với diện tích xấp xỉ 44 hecta (108,7 mẫu Anh). Đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nằm trong lòng Thành phố Rôma (Ý quốc), quốc ca là bài “Inno e Marcia Pontificale” (tiếng Ý), nghĩa là “Quốc ca và Hành khúc Giáo hoàng”.
    Quốc gia này được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng, vốn rộng lớn hơn, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên. Vì được Giám mục Rôma (tức Giáo hoàng) điều hành nên Thánh Vatican chính thức là một nền quân chủ. Các quan chức cấp cao nhất của quốc gia đều là giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Rôma.Đây cũng là lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh (Latinh: Sancta Sedes, Anh ngữ: Holy See) và là nơi có Điện Tông Tòa (nơi ở của Giáo hoàng) và Giáo triều Rôma. Vì thế, dù trụ sở Giáo hội Công giáo theo nguyên tắc là Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô (nhà thờ mẹ của các nhà thờ) nằm ở Rôma, ngoài biên giới của quốc gia, nhưng Vatican vẫn được cho là trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo Rôma.
    Tên Vatican có từ thời xưa, trước khi Kitô giáo ra đời, xuất phát từ tiếng Latin là Mons Vaticanus (Đồi Vatican). Lãnh thổ Vatican là một phần của Mons Vaticanus, và sát kề Cánh đồng Vatican nơi có Đền thờ Thánh Phêrô, Điện Giáo hoàng, Nhà nguyện Sistine, nhiều bảo tàng và nhiều công trình kiến trúc khác. Năm 1929, vùng này tách biệt khỏi thành phố và nằm trên bờ phía tây sông Tiber, đây là vùng mở rộng về sau của thành phố và được bảo vệ khi Giáo hoàng Leo IV cho gộp vào trong bức tường bao quanh thành phố, và sau này được mở rộng thành những bức tường kiểu pháo đài như hiện nay bởi các giáo hoàng Phaolô III, Piô IV và Urbanô VIII.

    Hiệp ước Latêranô năm 1929 quy định hình dạng hiện nay của Thành phố được khởi thảo, thực tế đa phần lãnh thổ được đề nghị đều nằm bên trong vòng tường này khiến nó được dùng để định nghĩa ranh giới. Ở một số đoạn biên giới không có tường xây khiến những dãy nhà ở đó trở thành một phần biên giới, và một phần nhỏ biên giới được xây dựng mới ở thời hiện đại. Lãnh thổ bao gồm Quảng trường Thánh Phêrô, không thể tách rời với phần còn lại của Rôma, vì thế mà có một đường biên giới ảo với Ý quốc được quy định chạy dọc giới hạn bên ngoài của quảng trường nơi nó giáp với Piazza Pio XII và Via Paolo VI. Via della Consiliazione nối Quảng trường Thánh Phêrô với Rôma qua Ponte Sant'Angelo (Cầu Thiên Thần). Con đường lớn này được Mussolini xây dựng sau khi ký kết Hiệp ước Latêranô.


    Theo Hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, mà nổi tiếng nhất là Castel Gandolfo và Nhà thờ Thánh Phêrô, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như đối với các đại sứ quán. Những tài sản đó, rải rác trên toàn bộ Rôma và Ý, nơi đóng trụ sở và làm việc của các định chế cần thiết cho tính chất và nhiệm vụ truyền đạo của Tòa Thánh.
    Trong lãnh thổ của thành Vatican là những khu vườn thành Vatican (tiếng Ý: Giardini Vaticani), chiếm hơn một nửa diện tích lãnh thổ. Những khu vườn được thành lập từ thời đại Phục Hưng và thời kỳ Baroque, chiếm xấp xỉ 23 hecta (57 acres), chiếm phần lớn Đồi Vatican. Điểm cao nhất là 60 m (200 ft) so với mực nước biển. Những bức tường đá bao quanh khu vực trên ở phía Bắc, Nam và Tây.
    Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của Thành Vatican. Giáo hoàng cũng là giám mục GP Rôma, và là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Danh hiệu chính thức của Giáo hoàng tại Thành Vatican là Lãnh đạo tối cao của quốc gia Vatican, là vị vua không truyền tử, nắm quyền lực tuyệt đối, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với Vatican. Giáo hoàng là vua chuyên chế duy nhất tại Âu châu.

    Giáo hoàng được bầu với quyền lực trọn đời bởi một Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Các quan chức chính phủ chủ yếu của Vatican là Hồng y Ngoại giao (ngoại trưởng), Chủ tịch Ủy ban Nghi lễ của Vatican, và Chưởng ấn của Vatican.

    Hồng y Tarcisio Bertone (người Ý) là ngoại trưởng, Tổng giám mục Giovanni Lajolo vừa là Chủ tịch Ủy ban Lễ nghi vừa là Thủ hiến Vatican. Hai vị này được Giáo hoàng Biển Đức XVI chỉ định vào tháng 9-2006.

    Tháp kỷ niệm Vatican được Caligula sáng tạo một cách độc đáo bởi để trang hoàng trường đấu và cũng là vật còn sót lại đến ngay nay. Khu vực này là nơi tử đạo của nhiều Kitô hữu hồi năm 64 sau công nguyên. Truyền thuyết kể rằng Thánh Phêrô đã bị đóng đinh treo ngược vào thập giá tại nơi này. Đối diện đấu trường là một nghĩa trang tách rời với Via Cormelia. Những hầm mộ, lăng tẩm và mồ mả nhỏ cũng như bàn thờ thần ngoại của những tôn giáo khác được xây dựng kiên cố trước khi công trình quảng trường Constrantinian Thánh Phêrô được xây dựng một nửa hồi thế kỷ IV sau công nguyên. Những tàn tích của nghĩa trang tăng dần qua các triều đại giáo hoàng khác nhau suốt thời kỳ Phục hưng, cho đến khi chúng được khai quật có hệ thống theo lệnh của giáo hoàng Piô XII từ 1939-1941.

    Năm 326, ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên mộ Thánh Phêrô. Từ khi xuất hiện thánh đường, bắt đầu có dân cư nhưng thưa thớt quanh quảng trường. Nơi ở của giáo hoàng nằm gân quảng trường, được xây dựng ngay từ thế kỷ V trong thời giáo hoàng Symmachus (qua đời ngày 19-6-514, triều đại từ 498-514). Các giáo hoàng trong vai trò không thuộc tôn giáo đã đến cầm quyền các khu vực lân cận, lập ra Quốc gia Giáo hoàng, có quyền lực trên phần lớn bán đảo Ý hơn một ngàn năm cho đến giữa thế kỷ XIX, khi lãnh thổ của Quốc gia Giáo hoàng bị tịch thu bởi sự thành lập của Vương quốc Ý. Trong thời gian ấy, Vatican (đúng ra là Điện Latêranô) không phải là nơi ở thường xuyên của giáo hoàng, mà là ở Avignon (Pháp quốc).
    Năm 1970, tài sản của giáo hoàng bị bỏ lại trong một trường hợp không rõ ràng khi Rôma tự sáp nhập bởi Piedmontesse sau khi kháng cự yếu ớt của lính giáo hoàng. Từ những năm 1861 tới 1929, uy tín của giáo hoàng được đề cập trong cuốn “Những Câu Hỏi Về Giáo Hội Công Giáo La-mã”. Giáo hoàng không bị làm phiền tại nơi ở của mình, và được pháp luật công nhận. Nhưng giáo hoàng không được vua Ý công nhận khi ra luật ở Rôma, và họ từ chối cấp phép cho vùng đất Vatican tới khi sự bất hòa của đôi bên được giải quyết vào năm 1929. Các nước khác tiếp tục duy trì sự công nhận quốc tế rằng Tòa Thánh là một thực thể tối cao. Ý không có ý định can thiệp vào Tòa Thánh trong thành Vatican. Tuy nhiên, họ đã tịch thu tài sản của Giáo hội ở nhiều nơi, đặc biệt bao gồm lâu đài chính phủ Ý, nơi ở chính thức trước kia của giáo hoàng. Giáo hoàng Piô IX (13/3/1792 – 7/2/1878, triều đại từ 1846-1878), quốc trưởng cuối cùng của Quốc gia Giáo hoàng, đã nói rằng sau khi Rôma sáp nhập, ngài là “Người tù của Vatican”. Mốc quan trọng là ngày 11-2-1929, Tòa Thánh và Vương quốc Ý, Hiệp ước được ký kết giữa Benito Mussolini và Hồng y Pietro Gasparri đại diện vua Victor Emanuel III, và Giáo hoàng Piô XI (31/5/1857 – 10/2/1939, triều đại từ 1922-1939) đại diện Tòa Thánh. Hiệp ước Latêranô và Giáo ước (hiệp ước giữa Giáo hoàng và chính phủ một nước) đã thành lập Thành Quốc Vatican (Quốc gia Vatican), đồng thời công nhận Công giáo có vai trò quan trọng tại Ý. Năm 1984, một Giáo ước mới giữa Tòa Thánh và Ý sửa đổi một số điều khoản của Giáo ước trước đây, gồm vị thế của Công giáo như quốc giáo của Ý.

    ... TỚI HIỆN TẠI

    Mọi lần, khi giáo hoàng qua đời thì mật nghị mới được tính đến thời gian triệu tập. Nhưng lần này, việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI tạo ra một chuỗi sự kiện phức tạp khi chọn vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma. Việc chuẩn bị mật nghị và luật bầu cử không thay đổi, chỉ khác là không có thời gian tang chế.

    Đây là tiến trình: Tòa Thánh triệu tập một mật nghị gồm các hồng y trong khoảng 15-20 ngày sau khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI có hiệu lực từ 20 giờ ngày 28-2-2013, các hồng y phải dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu và biệt lập trong TP Vatican, đồng thời phải thề giữ bí mật.

    – Hiện nay có 118 hồng y dưới 80 tuổi và có quyền tham dự mật nghị này, 67 vị được ĐGH Biển Đức XVI tấn phong hồng y. Tuy nhiên, có 4 trong số hồng y này sẽ 80 tuổi trước khi hết tháng Ba. Tùy vào thời gian tổ chức mật nghị, các vị này có thể hoặc không thể được quyền bỏ phiếu.

    – Bất kỳ người đàn ông nào đã được rửa tội đều có thể được chọn làm giáo hoàng, nhưng từ năm 1378 thì chỉ hồng y mới có thể được chọn làm giáo hoàng. Hai đợt bỏ phiếu vào buổi sáng và hai đợt vào buổi chiều được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine. Ai được hơn 2/3 số phiếu trong tổng số sẽ trở thành giáo hoàng. Nhưng sau 12 ngày bỏ phiếu mà không được, ai đạt 2/3 số phiếu sẽ trở thành giáo hoàng.

    – Các lá phiếu được đốt sau mỗi đợt bỏ phiếu. Khói đen là chưa có kết quả; khói trắng là đã có kết quả. Chuông đổ báo hiệu đã có giáo hoàng để tránh lầm lẫn màu khói tỏa lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine.

    – Tân giáo hoàng được giới thiệu từ hành lang (loggia) phía bên trên Quảng trường Thánh Phêrô với lời tuyên bố: “Habemus Papam!” (tiếng Latin nghĩa là “Chúng ta có Giáo hoàng rồi!”). Và lúc đó giáo hoàng ban phép lành đầu tiên.Trầm Thiên Thu(VietCatholic News)

    ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI : HÃY CẦU NGUYỆN CHO VỊ GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI



    Ngày Lễ Tro: 
    ĐTC Bênêđíctô thứ 16 đã giảng bài suy niệm cuối cùng trong triều đại của ngài

    Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã giảng bài suy niệm cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của ngài trong buổi chiều thứ Tư Lễ Tro cảm động tại đền thờ Thánh Phêrô.

    Thông điệp của ngài với các tín hữu tụ họp xung quanh ngài tại đền thờ và thông qua các phương tiện truyền thông toàn cầu là không bao giờ là quá muộn để quay lại với Thiên Chúa và đức tin nhất thiết phải có tính cộng đoàn giáo hội.

    Theo thông lệ thì Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức làm phép tro và xức tro ngày thứ Tư Lễ Tro tại đền thờ thánh nữ Sabina trên đồi Avventino. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức có đông đảo anh chị em tín hữu tham dự nên Tòa Thánh đã quyết định dời về Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc 5 giờ chiều.

    Đức Thánh Cha đã bắt đầu Phụng Vụ ngày thứ Tư lễ tro bằng việc cảm ơn các tín hữu hiện diện, đặc biệt là các tín hữu của giáo phận Rôma – là những người đã hỗ trợ và cầu nguyện cho ngài trong 8 năm sứ vụ Mục Tử Toàn Hội Thánh của ngài.

    Sau đó, Đức Thánh Cha trình bày những suy tư của ngài liên quan đến bài đọc thứ nhất trích trong Chương 2 sách Tiên Tri Joel, trong đó Thiên Chúa nói "Hãy quay lại với Ta với tất cả tâm hồn con".

    Ngài nhấn mạnh rằng sự trở về cùng Chúa chỉ trở thành một thực tại cụ thể trong đời sống chúng ta nếu chúng ta để ơn thánh Chúa thấm nhập vào nội tâm sâu thẳm và đánh động tâm hồn ta, ban cho ta sức mạnh của của sự “xé lòng”. Tiên Tri Joel đã làm vang dội những lời này của Thiên Chúa: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Thực vậy, cả ngày nay, nhiều người sẵn sàng xé áo trước những vụ tai tiếng và bất công - dĩ nhiên là do người khác phạm - nhưng ít người sẵn sàng hành động trên chính con tim, trên lương tâm, trên những ý hướng của mình, để cho Chúa đổi mới và hoán cải.

    Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng lời kêu gọi hoán cải ấy không phải chỉ với tư cách cá nhân, nhưng cả với tư cách cộng đoàn. “Chiều kích cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu trong đức tin và trong đời sống Kitô. Thật vậy, Chúa Kitô đã đến để tập hợp những con cái Chúa bị tản mác” (Xc Ga 11,52).

    Đức Thánh Cha gây xúc động đặc biệt cho những người tham dự thánh lễ khi nhấn mạnh lời Tiên Tri Joel “Xin Chúa thương xót dân Chúa, đừng để gia nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: Chúa của chúng ở đâu?” (v.17).

    Ngài giải thích rằng: “Lời cầu nguyện này làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của chứng tá đức tin và đời sống Kitô của mỗi người chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta để biểu lộ khuôn mặt của Giáo Hội, một khuôn mặt nhiều khi đã bị tủi hổ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những tội lỗi chống lại sự hiệp nhất trong Giáo Hội, những chia rẽ trong nhiệm thể Hội Thánh Chúa. Muốn sống mùa chay trong tình hiệp thông nồng nhiệt và hiển nhiên hơn của Giáo Hội, chúng ta phải vượt thắng những thái độ cá nhân chủ nghĩa và cạnh tranh, đó là một dấu chỉ tuy khiêm tốn nhưng quí giá đối với những ai đang xa lìa hoặc dửng dưng với đức tin”.

    Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chứng tá của chúng ta sẽ càng có ảnh hưởng quyết định hơn nếu chúng ta càng ít tìm kiếm vinh quang cho chúng ta và nếu chúng ta ý thức rằng phần thưởng của người công chính là chính Thiên Chúa, là được kết hiệp với Chúa, ngay đời này trong hành trình đức tin, và đời sau, trong an bình và trong ánh sáng cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa mãi mãi”

    Sau bài giảng là nghi thức làm phép và xức tro. Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêro đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha trước khi đến lượt ngài xức tro cho một số Hồng Y và một số linh mục, tu sĩ và anh chị em tín hữu.

    Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Tarsicio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã có đôi lời với Đức Thánh Cha thay mặt cho cộng đoàn.

    Ngài nói: Trọng Kính Đức Thánh Cha,

    Với tâm tình rất xúc động và rất kính trọng, không chỉ trong Giáo Hội nhưng cả thế giới đã hay tin về quyết định của Đức Thánh Cha thoái vị khỏi sứ vụ Giám Mục Rôma và Người Kế Vị Thánh Phêrô.

    Thưa Đức Thánh Cha, sẽ là không thành thực nếu chúng con không thưa thật với Đức Thánh Cha rằng chiều hôm nay có một màn buồn sầu bao phủ tâm hồn chúng con. Trong những năm qua, Giáo Huấn của Đức Thánh Cha là một cửa sổ mở ra cho Giáo Hội và thế giới, để những tia sáng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa có thể chiếu rọi mang đến ánh sáng và nhiệt tình cho hành trình của chúng con, nhất là trong những khi mây đen dầy đặc che phủ.

    Tất cả chúng con cũng hiểu rằng chính lòng yêu mến sâu đậm của Đức Thánh Cha với Thiên Chúa và Giáo Hội của Người đã thúc đẩy Đức Thánh Cha đi tới quyết định thoái vị ấy. Điều này biểu lộ một tâm hồn thanh khiết, một đức tin vững mạnh, một sức mạnh của sự khiêm tốn và dịu hiền cùng với lòng can đảm mạnh mẽ, nổi bật trong mỗi bước tiến trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Thánh Cha, và chúng chỉ có thể đến từ sự thân mật kết hiệp với Chúa, dưới ánh sáng Lời Chúa, liên tục lên núi gặp gỡ Chúa để rồi trở xuống nơi xã hội con người.

    Trọng Kính Đức Thánh Cha,

    Cách đây vài ngày, Đức Thánh Cha đã nói với các chủng sinh của Giáo Hội tại Rôma này rằng là Kitô hữu, chúng ta biết tương lai là của chúng ta, tương lai là của Thiên Chúa, và cây Giáo Hội luôn tiếp tục tăng trưởng. Giáo Hội luôn đổi mới, luôn tái sinh. Chúng ta phải phục vụ Giáo Hội với ý thức mạnh mẽ Giáo Hội không phải là của chúng ta nhưng là của Thiên Chúa, và không phải chúng ta xây dựng Giáo Hội, nhưng là Thiên Chúa, vì sự thật: “Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta chỉ làm điều chúng ta phải làm” (Lc 17,10). Hoàn toàn tín thác nơi Chúa, đó là giáo huấn lớn lao mà Đức Thánh Cha, qua quyết định đau thương này, không những dành cho chúng con là những mục tử của Giáo Hội, nhưng còn cho toàn thể Dân Chúa.

    Thánh Lễ là lời tri ân cám tạ Thiên Chúa. Chiều hôm nay chúng con muốn cảm tạ Chúa vì hành trình mà toàn thể Giáo Hội đã thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và chúng con muốn nói với Đức Thánh Cha tự thâm tâm chúng con, với tất cả lòng quí mến, xúc động và ngưỡng mộ rằng: Cám ơn Đức Thánh Cha vì đã cho chúng con tấm gương rạng người về người thợ đơn sơ và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa, nhưng là một người thợ đã muốn thực hiện trong mọi lúc điều quan trọng nhất là mang Chúa đến cho con người và đưa con người về cùng Thiên Chúa”.
     
    Đồng Nhân
    (VietCatholic News) 

    Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

    TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG THÁNH MẪU TÀPAO - THÁNH LỂ MỒNG 3 TẾT QUÝ TỴ

    Thánh Lễ Mùng 3 Tết
    Cầu Nguyện Cho Các Bệnh Nhân Tại Tàpao

    Tối mùng 3 Tết Quý Tỵ, ngày 12/2/2013, lúc 19g00, tại quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, khoảng 6 ngàn khách hành hương từ muôn phương nô nức tìm về bên Mẹ và sốt sắng tham dự Thánh Lễ xin thánh hóa công ăn việc làm, cách đặc biệt cầu nguyện cho những người đau yếu, tàn tật nhân ngày Quốc tế Bệnh Nhân (11.2).


    Trong suốt những ngày cuối năm, mùng 1 – mùng 2 Tết, Tàpao rộn ràng bước chân của khách hành hương về kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Chiều mùng 2 Tết, trong tâm tình của ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, rất nhiều người già cả, đau yếu, bệnh tật đã được người thân dắt dìu đến hành hương Mẹ Tàpao để xin ơn chữa lành phần hồn phần xác. Trên những chiếc xe lăn, các bệnh nhân tươi nở nụ cười với nhau, nhận lời chúc lành của mọi người và sốt sắng hướng về Linh đài Mẹ cùng hiệp dâng lời cầu nguyện.



    (gpphanthiet.com)

    THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2013

    THƯ MÙA CHAY 2013
    Tòa TGM Thành phố HCM

     
    Kính gửi : Quý Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, trong gia đình Giáo phận

    Anh Chị Em rất thân mến,

    1. Như anh chị em biết, Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã diễn ra rất tốt đẹp. Các giám mục đã họp tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 10 -15 tháng 12 năm 2012. Sau đó, các ngài chia ra thành nhiều nhóm, đi thăm Đại chủng viện Thánh Giuse và 14 giáo hạt trong Tổng giáo phận Thành phố, và cử hành Thánh Lễ bế mạc tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn.

    Các giám mục Á châu đã có những ấn tượng thật tốt đẹp về đất nước, con người, nhất là về Giáo Hội công giáo tại Việt Nam. Các ngài ca ngợi đời sống đức tin kiên trung và sống động của người tín hữu Việt Nam, và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của anh chị em. Được như thế là nhờ ơn Chúa, cùng với sự đóng góp tích cực và đầy tình huynh đệ hiệp nhất của mọi thành phần Dân Chúa trong gia đình giáo phận. Tôi hết sức vui mừng và xin gửi đến tất cả anh chị em lời cảm ơn chân thành nhất.

    2. Cùng với niềm vui khi thấy Giáo Hội tại Việt Nam phát triển, các giám mục Á châu cũng khuyên chúng ta phải đào sâu và củng cố đức tin hơn nữa, để có thể vững vàng trước những cám dỗ của lối sống văn hóa thế tục đang lan rộng khắp nơi tại châu Á. Đây chính là điều cần phải quan tâm đặc biệt trong Năm Đức Tin, nhất là trong Mùa Chay.

    Mùa Chay là thời gian củng cố đức tin vào mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy là trung tâm của Tin Mừng mà các thánh Tông đồ và toàn thể Giáo Hội phải loan báo cho trần gian. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất “một lần cho mãi mãi” (Dt 9,25) nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người.

    3. Vì thế, trong Mùa Chay này, dựa vào Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và những tài liệu đã được Tòa Tổng giám mục gửi đến các giáo xứ, xin anh chị em cố gắng học hỏi, tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Càng hiểu biết, chúng ta càng yêu mến Đức Kitô và mong muốn bước theo Người sát hơn. Do đó, Mùa Chay cũng là thời gian sám hối và canh tân đổi mới đời sống. Ngay từ đầu Mùa Chay, Giáo Hội đã kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái. Tất cả đều nhằm mục đích giúp chúng ta canh tân đổi mới, để nên giống Chúa Giêsu hơn trong tâm tình, trong suy nghĩ, cũng như trong lời nói và cách sống hằng ngày, như thánh Phaolô kêu gọi : “Hãy mang trong anh em những tâm tình của Đức Giêsu Kitô” (Phil 2,5).

    4. Nếu chúng ta thật sự yêu mến Đức Kitô thì cũng sẽ yêu mến Giáo Hội vì Giáo Hội chính là Thân Mình của Chúa. Lòng yêu mến Giáo Hội dẫn chúng ta đến chỗ đồng cảm với những ưu sầu và lo lắng, cũng như mừng vui và hi vọng của Giáo Hội. Cách riêng trong Giáo Hội địa phương là giáo phận nhà, tôi muốn nhắc anh chị em nhớ đến sự kiện quan trọng này : chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 150 năm thành lập chủng viện Thánh Giuse-Sàigòn, bắt đầu từ ngày lễ Thánh Giuse, 19 tháng 3 năm 2013, và kết thúc trọng thể vào ngày 19 tháng 3 năm 2014.

    Chủng viện Thánh Giuse được thành lập từ năm 1863 để đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho các giáo phận miền Nam Việt Nam. Trong 150 năm qua, chủng viện đã đào tạo 1.402 linh mục. Trung bình 10LM/năm, trong số đó, có một hồng y và 30 giám mục. Nhắc lại thành quả đó để thấy sự đóng góp lớn lao của chủng viện cho đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam nói chung, và tại Tổng giáo phận Sàigòn trong Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

    Sau 150 năm, chủng viện vẫn tiếp tục sứ mạng cao cả của mình và nhu cầu còn gia tăng hơn trước. Hiện nay, chủng viện Thánh Giuse-Sàigòn không chỉ đào tạo linh mục cho Sàigòn mà còn cho hai giáo phận Mỹ Tho và Phú Cường. Trước đây, chủng viện chỉ chiêu sinh 2 năm 1 lần, nhưng từ ít năm nay đã tổ chức chiêu sinh hằng năm, do đó số chủng sinh tăng gấp đôi. Thêm vào đó, theo yêu cầu của Tòa Thánh, chủng viện phải mở thêm Năm Tu Đức cho chủng sinh trước khi chính thức bước vào chương trình Triết học và Thần học. Vì thế, đến niên khóa 2014-2015, dự kiến số chủng sinh sẽ là 280 thầy cho chương trình đào tạo 7 năm.

    5. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, giáo phận bắt buộc phải sửa chữa những khu nhà cũ đã được sử dụng từ 50 – 80 năm; đồng thời xây dựng khu nhà mới làm nơi cho chủng sinh ở, học tập, cầu nguyện. Chủng viện đã tiến hành việc xây dựng này từ tháng 3 năm 2012 và cho đến nay, nhờ sự giúp đỡ quảng đại của anh chị em, đã hoàn thành được một nửa công trình. Tôi xin hết lòng cảm ơn anh chị em đã rộng lòng giúp đỡ cho công việc đào tạo linh mục, là đòi hỏi hết sức quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Và tôi ước mong anh chị em tiếp tục giúp đỡ cho công trình xây dựng này sớm được hoàn thành.

    Cách cụ thể, trong Mùa Chay này, xin anh chị em tiết giảm chi tiêu cho bản thân và gia đình mình, và dành phần tiết kiệm ấy cho chủng viện. Nếu bình quân mỗi người trong giáo phận có thể góp 50.000 (năm mươi ngàn đồng) trong Mùa Chay này, hy vọng chúng ta sẽ hoàn tất công trình đúng như dự kiến, và chủng viện có thể đón nhận 280 chủng sinh cho niên khóa sắp tới.

    Kết luận

    Đức Trinh Nữ Maria vừa là Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, vừa là môn đệ đầu tiên và mẫu mực của Người. Mẹ đã đồng hành với Chúa từ khi sinh con trong cánh đồng Bêlem đến lúc đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ và Thánh Cả Giuse, nguyện xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần của Ngài xuống trên mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, giúp mọi người sống đời sống môn đệ Chúa Giêsu như lòng Người mong ước.
    Thứ Tư Lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh

    Gioan B. Phạm Minh Mẫn                  Phêrô Nguyễn Văn Khảm
    Giám Mục của Anh Chị Em 
    (WGPSG) 

    ĐỨC HỒNG Y ANGELO SODANO, NIÊN TRƯỞNG HỒNG Y ĐOÀN PHÁT BIỂU CẢM TƯỞNG KHI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TUYÊN BỐ TỪ CHỨC

    VATICAN - Ngày 11.2.2013 Trong bầu không khí hân hoan và vui mừng trước biến cố Giáo Hội vừa có thêm ba vị Thánh mới đã trở nên ảm đạm, im lặng và ngỡ ngàng của các vị Hồng Y khi ĐTC Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm ngôi vị giáo hoàng, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn thay mặt cho các vị Hồng Y ứng khẩu nói như sau:

    Kính Thưa Đức Thánh Cha,

    Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,

    Sứ điệp cảm động của Đức Thánh Cha vang lên trong dinh Tông Tòa này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của Đức Thánh Cha, chúng con nhận thấy lòng yêu mến nồng nhiệt của Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, đối với Giáo Hội mà Đức Thánh Cha đã thiết tha yêu mến dường nào. Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của Đức Thánh Cha, để nói rằng chúng con gần gũi với Đức Thánh Cha hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với Đức Thánh Cha trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật Nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi Đức Thánh Cha: “Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp để lên ngôi Giáo Hoàng hay không?”, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, Đức Thánh Cha đã thưa “xin vâng” và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự kế tục với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, xuyên suốt lịch sử Giáo Hội qua hơn haingàn năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilêa, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

    Kính thưa Đức Thánh Cha,

    Trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của các nước. Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ Tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Rôma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày Chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của Đức Thánh Cha. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con.

    TÌM HIỂU THỂ THỨC MỘT MẬT VIỆN HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG


    Họa đồ diễn giải tiến trình Mật Nghị Hồng Y bầu đức Tân Giáo Hoàng tại điện Sistine ở Vatican và các nghi thức ra sao...

    Xin mời click chuột vào hình để xem ở khổ lớn

    GB.Trần Thế Vinh
    (VietCatholic News)