Sáng thứ Hai 11/2/2013, giữa Công nghị Hồng y được triệu tập về Thủ đô Vatican của Giáo Hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Biển đức XVI chính thức tuyên bố thoái vị với lời mở đầu như sau: “Các Hiền Huynh thân mến, Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”
Lý do thoái vị được chính Đức Thánh Cha xác định: “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005”.
Rồi ĐTC cho biết, ngày 28/02/2013 sẽ là ngày ngài chính thức rời khỏi chức vụ. “Ngai Tòa Thánh Phêrô sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền”.
Việc Đức Thánh Cha Biển đức XVI tự mình quyết định rời ngai Giáo Hoàng không khỏi gây sửng sốt cho nhiều người vì lẽ từ 600 năm qua, chưa hề có tiền lệ một vị Giáo Hoàng từ nhiệm (từ chức, thoái vị). Tuy nhiên, trong Giáo Hội, chỉ có luật Chúa là bất di bất dịch. Luật Hội Thánh còn phải trải qua nhiều đổi thay huống hồ là một thông lệ. Thông lệ không có nghĩa là không cho phép. Không phải luật cấm hay luật buộc. Cho nên, chúng ta có thể ngạc nhiên hay thậm chí bàng hoàng (sốc) và thoáng một chút đau buồn khi nhận được tin ĐTC thoái vị, nhưng không vì đó mà chúng ta dễ dàng nghe theo những suy đoán hàm hồ hay bi quan, nhất là những lời đồn đại thi phi về nguyên cớ của sự thoái vị bất thường mà lại quên đi sự hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội Chúa Kitô ở trần thế này hầu đưa Giáo Hôi vượt qua bao cơn sóng dữ suốt hơn 20 thế kỷ thăng trầm.
Tuổi già ám ảnh
Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại quyển “Ánh Sáng Thế Gian” ghi lại cuộc trao đổi giữa Đức Thánh Cha Biển đức XVI với nhà báo Peter Seewald năm 2010 (người viết sử dụng bản dịch tiếng Việt từ Đức ngữ của Phạm Hồng Lam, ấn bản 2011) để biết rõ nỗi ưu tư của vị Giáo chủ khi ngài đối diện với trách nhiệm cầm đầu Hội Thánh Chúa ở trần gian vào tuổi 78.
Trong Lời tựa quyển sách, nhà báo Peter Seewald thổ lộ: “Chưa bao giờ trong lịch sử giáo hội có chuyện một giáo chủ để cho người ngoài phỏng vấn và sẵn sàng trả lời trực tiếp.” Seewald ghi nhận: “Riêng chuyện này đã là một dấu ấn mới cho triều đại giáo chủ này.” (trang 7-8). Rồi lại khi từ trong phòng bước ra phòng khách, Đức Giáo Hoàng Biển đức XVI đưa tay cho Peter Seewald bắt, “nhỏ nhẹ chào” Seewald, “và nói như một lời xin lỗi”: “Sức hơi kém lắm rồi.” (trang 10).
Mở đầu cuộc phỏng vấn, nhà báo Peter Seewald nêu thẳng câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, ngày 16.04.2005, dịp sinh nhật 78 tuổi, ngài đã thông báo với các nhân viên cộng tác với mình về niềm vui sẽ được nghỉ hưu. Nhưng ba ngày sau đó, ngài trở thành vị đứng đầu một Giáo hội hoàn vũ với 1,2 tỷ tín hữu. Một nhiệm vụ chẳng thích hợp gì với một người lớn tuổi.”
Đức Thánh Cha đáp: “Quả thật tôi đang chờ được nghỉ ngơi và an thân. Nhưng, đùng một cái, nhiệm vụ to lớn lừng lững trước mắt. Như mọi người đều bết, đó là một cú xốc đối với tôi. Trách nhiệm quả lớn kinh khủng.”
Seewald lại hỏi: “Về sau ngài thổ lộ, giây phút đó mình tưởng như ‘lưỡi đao’ đang rơi xuống cổ?”
ĐTC Biển Đức trả lời ngay: “Đúng, tôi đã nghĩ tới hình ảnh máy chém: Này là lúc lưỡi đao rơi xuống và nó rơi đúng vào đầu này.” Đến nỗi sau mấy giây bị ám ảnh bởi “máy chém” và “lưỡi đao”, ngài còn nói thêm: “Chúa sẽ cho tôi an thân và nghỉ ngơi sau những tháng năm căng thẳng” tuy rằng ngài tin “Chúa sẽ ở cùng tôi” (trang 17).
Qua những tâm sự trên đây của ĐTC, rõ ràng chiếc bóng tuổi già, sức yếu bám chặt lấy ngài. Và ai cũng thấy ngài già đi nhiều, yếu đi nhiều. Tuổi già và sức yếu ngày càng hiện rõ mỗi lần vị giáo chủ xuất hiện. Xin nhắc lại lời Đức Thánh Cha (như đã trích dẫn trên): “Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình.”
Vả lại, trong quá khứ, theo bản tin ngày 12/2/2013 của hãng thông tấn AP (Associated Press), thì “trong một cách thức nào đó, tin ĐGH Biển đức thoái vị chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Chính Đức Biển đức năm 2010 đã từng nêu lên việc ngài có thể từ chức khi mà ngài đã quá già hay yếu bệnh liên tục.”
Bản tin của AP còn trích dẫn lời phát biểu của chính ĐTC trong cuốn Ánh Sáng Thế Gian: “Khi một giáo chủ hiểu rõ, mình không còn năng lực về thể lý, tâm lý hay tinh thần để cáng đáng nhiệm vụ được giao phó nữa, thì vị đó có quyền, và trong một số hoàn cảnh, tự vị đó có nhiệm vụ phải từ chức.” (sđd, tr. 49). Trong khi xác định “Người ta có thể từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc thấy mình không còn kham nổi nữa…”, ĐTC không quên nhấn mạnh rằng “việc từ chức không được phép là một lựa chọn để trốn tránh một trọng trách nào đó… Trong cơn nguy biến, không được chạy trốn.” (sđd, tr.49).
Như vậy, việc Đức Thánh Cha Biển đức từ nhiệm là một hành động có ý thức, có trách nhiệm, vì ngài tự “thấy mình không còn kham nổi nữa”.
Những Giáo hoàng đã thoái vị.
Trong quá khứ, mặc dù các giáo hoàng được phép thoái vị, sự thật lịch sử Giáo Hội cho thấy gần đây nhất đã 6-7 trăm năm chỉ xảy ra có hai trường hợp giáo hoàng thoái vị. Đó là Giáo hoàng Grêgôriô XII thoái vị năm 1415; và trước đó là Giáo hoàng Celestine V thoái vị năm 1294.
ĐGH Celestine V vốn là một tu sĩ-ẩn tu chiêm niệm thánh thiện thuộc hệ phái chiêm niệm Dòng Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng để “thanh tẩy” Hội Thánh lúc bấy giờ đang điêu đứng vì rơi vào trào lưu tục hóa nghiêm trọng. Nhưng khi được bầu, Đức Celestine V đã 85 tuổi, được xưng tụng là Papa Angelicus – ĐTC Thiên thần. Tuy nhiên ngài bất lực trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và tài chánh vô cùng phức tạp lúc bấy giờ, nên chỉ sau 6 tháng, ngài thoái vị.
Thời kỳ từ năm 1394 tới 1417, xảy ra cuộc phân ly trong Giáo Hội. Tại Rôma (Ý) có giáo hoàng Grêgôriô XII (1406-1415) trong khi tại Avignon (Pháp) có giáo hoàng Biển đức XIII. Năm 1409, Công đồng Pisa hạ bệ hai vị trên và cử ra một tân giáo hoàng là Alexander V (1409-1410). Nhưng cả Biển đức XIII lẫn Grêgôriô XII đều không chịu thoái vị, thành thử Giáo Hội có tới 3 Giáo hoàng cùng một lúc. Thế nên Công đồng Constance được triệu tập, cách chức hai vị, và đồng ý cho Grêgôriô XII thoái vị năm 1415, chấm dứt cuộc phân ly Avignon và Rôma.
Sức khỏe suy sụp.
Trở lại trường hợp của Đức Thánh Cha Biển đức XVI, một bản tin khác của hãng thông tấn AP từ Luân Đôn ngày 12/02/2013 cho biết, “khi lên ngôi Giáo hoàng ở tuổi 78, Đức Biển đức XVI cũng đã là vị giáo hoàng già nhất từ gần 300 năm nay. Bây giờ ngài đang ở tuổi 85, và trong những năm gần đây sức khỏe của ngài đã suy sụp đáng kể, khiến ngài phải hủy nhiều chuyến tông du hải ngoại và hạn chế các cuộc triều yết.”
AP còn cho biết “khi di chuyển đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ĐGH đã phải sử dụng chiếc bệ có bánh xe lăn trên một lộ trình khoảng trăm mét. Rồi có lúc ngài phải chống gậy.”
Cũng theo nhận xét của hãng tin AP, “năm ngoái khi công chúng đợi chờ ĐTC xuất hiện để ngỏ lời với họ, thì họ thấy ngài bước ra với vẻ yếu mệt, không nói gì được bao nhiêu với họ.” Bản tin cũng nhắc tới chuyện “năm 2009, ĐTC đã bị té ngã và bị thương nhẹ ở khuỷu tay trong dịp nghỉ hè ở vùng núi Alps.”
Theo Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của ĐTC Biển Đức XVI, bác sĩ riêng của ĐTC đã yêu cầu ngài chấm dứt các chuyến tông du xuyên Đại Tây Dương, trong khi đó chỉ có một chuyến tông du ra ngoại quốc duy nhất được dự trù trong năm nay là chuyến đi Ba Tây (Brazil, Nam Mỹ) để chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Toàn Cầu vào Tháng Bảy 2013 tới đây. (Dĩ nhiên, cùng với quyết định từ chức của ngài, chuyến tông du dự trù ấy nay cũng hết hiệu lực).
Bên cạnh những lời bàn ra tán vào về chuyện ĐTC Biển đức thoái vị, người ta còn đồn đại những điều sẽ xảy ra theo “lời tiên tri” của nhà tiên tri này hay nhà tiên tri khác. Rồi hàng loạt tên tuổi các Đức Hồng y danh tiếng, từ Âu sang Á, từ Phi châu tới Nam Mỹ, Bắc Mỹ… được “tiên đoán” sẽ lên ngôi Giáo hoàng kế vị Đức Biển đức XVI!
Người ta quên đi vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần sẽ tác động tới Mật nghị Hồng Y vào Tháng Ba tới đây.
Chúng ta bỏ ngoài tai mọi lời đồn đoán và gia tăng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Mật nghị Hồng y sớm tuyển chọn một vị Giáo hoàng đạo đức và đầy năng lực lên kế nhiệm lèo lái con thuyền Hội Thánh thoát khỏi cơn phong ba của trào lưu tục hóa và vô thần khắp thế giới, đặc biệt trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Bên cạnh những lời bàn ra tán vào về chuyện ĐTC Biển đức thoái vị, người ta còn đồn đại những điều sẽ xảy ra theo “lời tiên tri” của nhà tiên tri này hay nhà tiên tri khác. Rồi hàng loạt tên tuổi các Đức Hồng y danh tiếng, từ Âu sang Á, từ Phi châu tới Nam Mỹ, Bắc Mỹ… được “tiên đoán” sẽ lên ngôi Giáo hoàng kế vị Đức Biển đức XVI!
Người ta quên đi vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần sẽ tác động tới Mật nghị Hồng Y vào Tháng Ba tới đây.
Chúng ta bỏ ngoài tai mọi lời đồn đoán và gia tăng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Mật nghị Hồng y sớm tuyển chọn một vị Giáo hoàng đạo đức và đầy năng lực lên kế nhiệm lèo lái con thuyền Hội Thánh thoát khỏi cơn phong ba của trào lưu tục hóa và vô thần khắp thế giới, đặc biệt trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Lê Thiên
(VietCatholic News)