Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

MỘT SỐ THAY ĐỔI TRONG NGHI THỨC KHỞI ĐẦU TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG

Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Bênêđictô XVI
WHĐ (24.02.2013) – Nghi thức đánh dấu khởi đầu triều đại giáo hoàng của Đức Tân giáo hoàng đã được thay đổi đôi chút. Hôm thứ Hai 18 tháng Hai 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phê chuẩn một số thay đổi đối với Sách Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Roma (Ordo rituum pro ministerii Petrini initio Romae episcopi). Sau khi đệ trình lên Đức Thánh Cha những thay đổi này, Đức ông Guido Marini, Chưởng nghi Tòa Thánh Vatican, đã giải thích ý nghĩa và trình bày chi tiết các điểm được thay đổi.

Cụ thể, cần “phân biệt việc cử hành Thánh Lễ với những nghi thức khác vốn không liên quan chặt chẽ với Thánh lễ”, chẳng hạn nghi thức phong thánh, nghi thức hát mừng Phục Sinh, và nghi thức trao dây Pallium cho các tân Tổng giám mục.

Có hai cử hành quan trọng đánh dấu việc khởi đầu triều đại giáo hoàng: Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Roma và nghi thức nhận ngai tòa Rôma tại Vương cung thánh đường Latêranô. Đức ông Marini giải thích: “Những nghi thức tiêu biểu sẽ được cử hành trước và ngoài Thánh Lễ chứ không phải trong Thánh lễ nữa”.

Về nghi thức tuyên hứa vâng phục, trước đây, chỉ các hồng y cử tri mới phải hứa vâng phục Đức Thánh Cha ngay sau cuộc bầu cử tại Nhà nguyện Sistine, nhưng nay, tất cả các vị hồng y đồng tế đều phải tuyên hứa. Đức ông Marini giải thích: “Cử chỉ này sẽ mang một chiều kích chung và mở rộng cho tất cả các thành viên của Hồng y đoàn, đồng thời cũng mang đặc tính Công giáo”. Đó không phải là muốn làm điều gì mới lạ “vì như mọi người đều nhớ rõ, khi Đức Gioan Phaolô II khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài, tất cả các hồng y có mặt trong Thánh Lễ đồng tế đều tuyên hứa vâng phục”.

Về việc thăm viếng các Đại Vương cung thánh đường tại Roma của Đức tân giáo hoàng, ngài sẽ xem xét thời điểm nào và hình thức nào “mà ngài cho là thích hợp nhất: trong một Thánh Lễ hoặc một Giờ kinh Phụng vụ, hay trong một cử hành phụng vụ cụ thể khác”.

Tại sao cần thay đổi? Đức ông Marini giải thích hai lý do tại sao Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra quyết định này: “Trước hết, Đức Thánh Cha là người đầu tiên đã có dịp trải nghiệm những nghi thức khởi đầu triều đại giáo hoàng vào năm 2005. Kinh nghiệm này có lẽ đã giúp ngài đưa ra một số cải tiến cho bản Nghi thức. Tiếp theo, ngài cũng muốn đi theo cùng một đường lối của một số thay đổi trong những năm gần đây đối với các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng”.

Bản Nghi thức mới cũng dự trù việc quy định rõ một danh mục âm nhạc. Từ nay những thay đổi được áp dụng sẽ cho phép “tự do hơn trong việc lựa chọn các bài hát, khi đề cao giá trị kho tàng âm nhạc phong phú của lịch sử Giáo hội”.

(Vatican Radio, 23-02-2013)
WHĐ

NHẬN ĐỊNH VỀ NHỮNG HỒNG Y CÓ KHẢ NĂNG LÀM GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI : ĐỨC HỒNG Y TAGLE CỦA PHI LUẬT TÂN


Trong những đồn đóan về vị hồng y nào sẽ có nhiều triển vọng làm giáo hoàng tương lai, ngoài một số có sẵn kinh nghiệm tại Giáo Triều Vatican, còn có một 'danh sách dài' về những vị có đủ khả năng và tăm tiếng, nhưng không có triển vọng vì những lý do ngoại vi thí dụ như vị đó là một người Mỹ như HY nổi tiếng nhân đức Sean O'Malley cuả Boston và HY ăn khách với giới truyền thông Timothy Dolan cuả New York , hoặc chưa có đủ kinh nghiệm như HY Luis Antonio Tagle cuả Manila Phi Luật tân , vị HY trẻ thứ nhì trong Hồng Y đoàn.

Ở Roma, người ta thường nhắc tới một câu ngạn ngử rằng: "Vị nào đi vào cuộc Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" (he who enters a conclave as pope exits as a cardinal), nghiã là không có gì chắc chắn cả, dù cho dư luận có thuận lợi thế nào chăng nữa thì luôn luôn vẫn có những bất ngờ từ những cuộc Mật Nghị. Lịch sử cuả Mật Nghị chứng minh một điều "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên".

Nhưng theo ông John L. Allen Jr, ký giả và cũng là một học giả nổi tiếng về giáo hoàng, "người ta có thể biện luận một cách hùng hồn rằng, không một vị hồng y nào lại có nhiều cơ hội trở thành giáo hoàng nhờ vào việc thoái vị cuả đức Benedicto cho bằng Đức Hồng Y Tagle."

Bình thường mà nói, thì HY Tagle hầu như không có cơ hội nào. Với số tuổi 55, trẻ hơn đức John Paul II 3 tuổi lúc đăng quang, do đó một phiếu bầu cho HY Tagle cũng có nghiả là bầu cho một triều đại dài lê thê, có thể kéo dài 30 năm.

Vẻ bề ngoài cuả HY Tagle còn trông trẻ hơn nữa. Câu chuyện kể rằng vào năm 1990, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giới thiệu 'cha' Tagle lên Đức Giáo Hoàng John Paul II khi Cha mới gia nhập ủy ban Thần Học, thì HY Ratzinger đã nói đuà với ĐGH rằng trên thực tế cha Tagle đã được "rước Lễ Lần đầu xong rồi."

Nhưng bây giờ thì khác, theo ông Allen, "với tiền lệ một giáo hoàng có thể thoái vị, bài toán đã có thêm một yếu tố mới. Người ta nghĩ rằng HY Tagle có thể sẽ cống hiến cho giáo hội từ 10 tới 15 năm, rồi bước sang một bên. Một sự suy nghĩ như vậy giúp cho người ta bỏ qua yếu tố tuổi tác và chú trọng hơn tới các nhân đức khác."

Và như vậy người ta sẽ có thể tìm thấy ở HY Tagle điều mà một nhà bình luận Phi Luật Tân đã viết về Ngài là "có tâm trí của một nhà thần học, linh hồn của một nhạc sĩ và trái tim của một mục tử."

Tờ báo kinh doanh Phi Luật Tân đã tặng cho HY Tagle danh dự "Nhân vật trong Năm" ("Man of the Year,") mô tả ngài là "trẻ, không cứng nhắc và không kênh kiệu," là một giám mục "thông hiểu về những vấn đề đương đại hơn người khác."

Sinh ra tại Manila, HY Tagle đã theo học tại đại chủng viện ở Quezon và sau đó nghiên cứu luận án tiến sĩ tại Đại học Công giáo Mỹ "The Catholic University of America " ở Washington. Ngài cũng du học tại Roma trước khi trở về Phi Luật Tân để làm chánh xứ và giáo sư. Ngài được xem như là một ngôi sao đang lên cuả giáo hội Á Châu, do đó mà Ngài đã được bổ nhiệm vào chức vụ tư vấn cuả hội đồng Giáo lý Đức tin cuả Vatican vào năm 1997. Năm 2001 Ngài được chọn làm giám mục giáo phận Imus.

Thần học và chính trị, HY Tagle được xem là có sự cân bằng cho cả hai lãnh vực. Ngài có lập trường mạnh mẽ chống lại những dự luật thúc đẩy kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, Ngài cũng đặt mối quan tâm hàng đầu cho việc bảo vệ người nghèo, và bảo vệ môi trường sinh thái.

Luận án tiến sĩ cuả Ngài tại The Catholic University of America, được viết dưới sự bảo trợ cuả linh mục giaó sư Komonchak, là một sự ca ngợi những nỗ lực cuả 'giám mục đoàn' cuả Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, HY Tagle cũng đã hợp tác 15 năm với ban biên tập cuả nhóm Bologna trong việc biên khảo "Lịch sử của Công Đồng Vatican II", đây là một dự án cuả giáo sư Giuseppe Alberigo cuả viện đại học Bologna, nhưng nhiều phần cuả bộ sách biên khảo đã bị phe bảo thủ chỉ trích là có một cái nhìn 'cấp tiến' quá.

Trong thời gian coi sóc giáo phận Imus, 'GM' Tagle được nổi tiếng vì không mua xe hơi và đã dùng xe bus đi làm việc mỗi ngày, Ngài mô tả việc này là để được gần gũi với dân chúng và đồng thời giúp giảm chi phí văn phòng. Ngài thường mời những kẻ ăn xin bên ngoài nhà thờ vào dùng bữa chung với Ngài. Một phụ nữ kể lại rằng có một lần cô ta đi tìm ông chồng bị loà cuả cô, đang thất nghiệp mà lại mắc chứng nghiện ngập, cô đinh ninh sẽ 'chụp' được ông ta trong một quán bar, vậy mà lại thấy ông ta đang ngồi ăn trưa với đức giám mục.

Đây là một câu chuyện điển hình khác xảy ra sau khi 'GM' Tagle nhận giáo phận Imus không bao lâu. Một 'họ đạo lẻ' nằm trong một khu phố nghèo nàn phục vụ cho những người lao động thường được một linh mục tới dâng Thánh Lễ Chuá Nhật rất sớm vào lúc 4 giờ sáng. Hôm đó vị linh mục đã không xuất hiện mà thay vào đó là một giáo sĩ 'hơi trẻ', mặc đồ thường phục, gò lưng trên một chiếc xe đạp rẻ tiền. Một giáo dân bỗng sững sờ nhận ra vị đó không ai khác hơn là chính đức giám mục mới, và lập tức rối rít xin lỗi ĐGM vì đã không chuẩn bị để đón tiếp ngài một cách thích hợp hơn. 'ĐGM' Tagle vui vẻ cho biết 'họ đạo' không nên đặt vấn đề gì cả, Ngài vừa nhận được tin là vị linh mục bị bệnh cho nên quyết định tự mình thay thế tới dâng Thánh Lễ mà thôi.

HY Tagle là một người có năng khiếu giao tiếp, là một diễn giả và là một 'nhân vật' được săn lùng mời mọc. Báo chí đã không tiếc lời ca tụng Ngài tại Đại Hội Thánh Thể Quốc tế năm 2008 ở Quebec, khi Ngài làm cho toàn thể sân vận động rơi nước mắt. Ngài là một vị giám chức cuả thế kỷ 21, có một chương trình trên YouTube, và một trang 'mạng' trên Facebook.

HY Tagle cũng là một nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy các giáo hội châu Á tích cực hơn trong việc ngăn ngừa những lạm dụng cuả giáo sĩ. Ngài là một trong số các diễn giả chính cuả hội nghị thượng đỉnh quốc tế về tình trạng lạm dụng tổ chức hồi năm ngoái tại Đại học Gregorian ở Roma.

"Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, tức là những đứa trẻ", Ngài nói.

Về việc HY Tagle có khả năng vinh thăng lên làm Giaó Hoàng, ông Allen đưa ra ba cơ sở như sau.

Thứ Nhất, Ngài là một người có tài giao tiếp và có kinh nghiệm truyền giáo có hiệu quả tại một thời điểm khi mà mối ưu tiên cao nhất trong nội bộ Công giáo là tân phúc âm hóa. Chất lượng quan trọng nhất cuả 'nhân vật' Tagle là: Khi Ngài nói, mọi người lắng nghe.

Trong cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc truyền giáo mới tổ chức vào mùa Thu năm ngoái, nhiều vị GM đã cho rằng bài phát biểu cuả HY Tagle gây nhiều ấn tượng nhất trong những bài phát biểu mà họ đã nghe cả một tháng trời. HY Tagle lập luận rằng trong bối cảnh cuả châu Á, việc rao giảng Tin Mừng hiệu quả có nghĩa là một giáo hội cần phải khiêm tốn hơn, đơn giản hơn, và có khả năng im lặng hơn.

Thứ Hai, HY Tagle là biểu tượng cho sự tăng trưởng rất ấn tượng của đạo Công giáo bên ngoài phương Tây, là một khuôn mặt đại diện cho hình thức sống đạo cuả 'miền Nam bán Cầu' là linh hoạt, tương đối không âu sầu. Ngài chắc chắn sẽ là một biểu tượng của một giáo hội mới của thế giới, và với phẩm chất trí tuệ sẵn có, đây không phải là một biểu tượng trống rỗng.

Thứ ba, HY Tagle là một mục tử có kinh nghiệm làm việc 'dưới chiến hào' đang cai quản một tổng giáo phận rộng lớn và phức tạp. Mặc dù Ngài chỉ mới nhận chức từ năm 2011, HY Tagle đã được đánh giá tốt về khả năng làm cho 'đoàn tàu luôn chạy đúng giờ.'

Nhưng cũng có những nhược điểm, có thể tóm tắt vào bốn điểm chính, theo ông Allen.

Đầu tiên, tuổi của Ngài vẫn còn là một vấn đề. Ít nhất có một số hồng y không thích cái ý tưởng thoái vị cuả một Giáo Hoàng, vì như vậy thì những sự vĩ đại cuả vị thế Giáo Hoàng bị giảm đi, (một viên chức cao cấp Vatican đã than thở với ông Allen rằng: "Bây giờ thì Giáo Hoàng cũng giống như là tổng giám mục Canterbury mà thôi!" ) hoặc là như vậy thì cũng giống như gián tiếp thú nhận rằng mình thất bại. Trong mọi trường hợp, giáo luật không cho phép ai có thể buộc một giáo hoàng thoái vị, do đó, việc thoái vị là hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý chí cuả vị giáo hoàng kế tiếp. Do đó, việc có khả năng thoái vị 'sớm' vẫn không đủ làm cho một số hồng y bỏ qua yếu tố tuổi tác quá trẻ cuả HY Tagle.

Thứ hai, HY Tagle không có một kinh nghiệm nào ở Vatican ngoài việc thỉnh thoảng tham dự các Thượng Hội Đồng, và thái độ ăn nói nhỏ nhẹ và khiêm tốn có thể làm cho một số hồng y nghĩ là không thích hợp cho việc 'dọn dẹp nhà cửa' mà nhiều người tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ phải thực hiện bên trong nội bộ Vatican.

Ông Allen 'nói mớm' rằng HY Tagle có thể vượt qua trở ngại nêu trên nếu ngài 'noí bóng gió' về việc sẽ chỉ định ai làm 'quốc vụ khanh' cho ngài. Tuy nhiên việc này khó có thể xảy ra vì dựa vào nhân cách cuả Ngài, HY Tagle không bao giờ có ý định muốn 'tranh cử.'

Thứ ba, một số hồng y có thể cho rằng HY Tagle hơi thiên về 'phiá tả', điển hình là sự hợp tác cuả Ngài với nhóm Bologna cuả giáo sư Alberigo.

Thứ tư và cơ bản nhất, một số hồng y có thể nhìn thấy HY Tagle là một giáo sĩ trẻ đầy hứa hẹn, nhưng chưa hoàn toàn đạt đến cao điểm (Primetime). Và họ có thể thì thầm với nhau rằng "Ngài sẽ là một vị Giáo Hoàng vĩ đại. .. trong tương lai."
 
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic news) 

BUỔI ĐỌC KINH TRUYỀN TIN CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C 24-02-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay năm C 24-02-2013
Cha chánh xứ dâng Lễ.
Ca đoàn cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C (Lc 9, 28b-36)



THẬP GIÁ VINH QUANG

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Có một nhà vua đã hỏi các quan đại thần rằng:

- "Trong chiến trận thì cái gì cần nhất?".

Một đại thần trả lời:

- Tâu bệ hạ, cần nhất là lòng dũng cảm.

Nhà vua liền hỏi:

- Thế còn sức mạnh và vũ khí? Nhà ngươi quên à?

Vị quan nói:

- Tâu bệ hạ, nếu người lính đã không có tinh thần dũng cảm thì sức mạnh và vũ khí của anh ta cũng chẳng giúp được tí gì.

Thực vậy, lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta không bỏ cuộc trước nghi nan. Giữa giòng đời chúng ta đang sống đâu mấy khi bình yên! Sóng gió luôn làm cho cuộc đời đong đầy những nghi nan. Người không có lòng dũng cảm sẽ khó có cơ hội vươn lên. Người không có lòng dũng cảm sẽ bất lực buông xuôi mặc cho giòng đời đẩy đưa.

Những khó khăn, những thử thách theo ky-tô giáo chính là những thập giá trong cuộc đời. Thập giá cuộc đời như bóng với hình hòa quyện vào trong cuộc sống chúng ta. Thập giá trong bổn phận phải thi hành. Thập giá trong hy sinh từ bỏ những đam mê bất chính. Thập giá trong hy sinh để phục vụ anh em. Thập giá đôi khi đưa đến bất ngờ như những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời. Thập giá quá nặng, nhưng sức người lại yếu đuối. Đó chính là một cám dỗ khiến chúng ta đôi khi muốn trốn chạy thập giá hay giũ bỏ để tìm sự nhàn rỗi cho bản thân.

Có lẽ, chính trong hành trình đầy cam go của giòng đời này. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu đã tỏ rõ dung nhan của một vì Thiên Chúa quyền năng. Ngài muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết... Đau khổ làm cho con người sợ hãi, nhưng Chúa bảo "phải qua đau khổ mới tiến tới vinh quang". Cái chết đó là nỗi sợ hãi tột cùng của con người. Nhưng Chúa bảo đừng sợ, vì sau ba ngày chôn cất trong mồ Ngài sẽ sống lại. Vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống. Nơi Ngài có sự sống đời đời. Trên núi Tabor, Chúa Giê-su cho ba môn đệ nếm trước sự sống thần linh vinh quang của Chúa để thêm sức cho các ông, nhờ đó mà vượt qua những thập giá gian truân. Chính nhờ ánh sáng trên núi Tabor, sẽ giúp cho các ông can đảm đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan.

Cuộc đời luôn có khó khăn, nhưng lại luôn mở ra những lối đi để chúng ta vượt qua. Khó khăn nào cũng sẽ qua đi. Sau bóng đêm là ánh bình minh. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm đi vào thử thách với niềm tín thác vào Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Thập giá là nhịp cầu đưa ta tới vinh quang Nước Trời. Chính Chúa Giê-su đã đi trước trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi qua thập giá để tiến vào vinh quang phục sinh. Chính Chúa vẫn đang chờ đợi để trao phần thưởng Nước Trời cho những ai trung tín theo Ngài.

Người ta kể rằng: Một hôm, có một bác nông dân có một chú lừa chẳng may bị lọt xuống một cái giếng cạn. Chú lừa tội nghiệp kêu la thảm thiết cả buổi mà bác chẳng biết làm cách nào đưa nó lên. Cuối cùng bác nông dân nghĩ rằng chú lừa đã già lắm rồi, thôi thì đành lấp giếng đi vậy. Hơn nữa, một con lừa cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nghĩ thế bác liên gọi hàng xóm giúp bác một tay.

Tất cả mọi người hè nhau lấy xẻng xúc cát đổ xuống giếng. Lúc đầu, chú lừa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình nên la hét khủng khiếp. Rồi bỗng dưng lừa ta im lặng khiến mọi người ngạc nhiên. Sau khi đổ đất được một hồi, bác nông dân nhìn xuống và kinh ngạc vô cùng trước những gì mình thấy: cứ một lớp đất đổ xuống lưng mình, nó giũ lớp cát xuống và giẫm chân lên. Khi mọi người tiếp tục đổ xuống đầu con vật, nó lại giũ lớp cát và giẫm chân lên một bước nữa. Cứ thế, cứ thế. Chẳng bao lâu con vật đã leo lên được thành giếng và bước ra ngoài trước sự sửng sốt của mọi người.

Cát bụi cuộc đời luôn đổ xuống trên chúng ta, như muốn nhậm chìm cuộc đời chúng ta. Nhưng vẫn còn có một cách để thoát khỏi chúng là giũ bỏ lớp cát và bước lên chúng mà đi. Bởi đâu ai muôn mình mãi là chú lừa mắc cạn mãi đâu! Cuộc sống luôn có thập giá nhưng Chúa bảo phải qua đau khổ mới tới vinh quang. Đừng thất vọng than van trước khó khăn cuộc sống, nhưng hãy kiên nhẫn vượt qua. Đừng bi quan về những gì đang diễn ra chung quanh cuộc sống chúng ta, vì Chúa bảo sau đêm dài là ánh bình minh. Hãy can đảm đứng lên từ trong khó khăn vì phẫn thưởng chiến thắng đang chờ chúng ta phía trước. Hãy như con lừa biết trút bỏ mọi lo âu để tâm hồn được thảnh thơi, được nhẹ nhõm để bước theo Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận thập giá trong đời sống của mình với hai tiếng xin vâng. Xin cho chúng ta cùng đi với Chúa trong cuộc khổ nạn để mai sau cùng được chia sẻ vinh phúc vinh quang trên trời. Amen.

(tinmung.net)

NHỮNG BỔ NHIỆM NGOẠI GIAO CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Đức TGM Ettore Balestrero
WHĐ (23.02.2013) – Ngày 22-02-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức ông Ettore Balestrero (47 tuổi), Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, làm Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia. Đức ông từng là Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại các vòng đàm phán với Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam (Trong dịp này, ngày 29.02.2012 Đức ông đã đến thăm giáo xứ Thuận Phát, Quận 7, Saigon). Cùng với việc bổ nhiệm này, vị Tân Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia cũng được nâng lên hàng Tổng giám mục, hiệu tòa Vittoriana.

Đồng thời ĐTC cũng đã bổ nhiệm Đức ông Antonio Camilleri (48 tuổi), hiện là cố vấn Sứ thần Tòa Thánh tại Ouganda và Cuba, làm Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh.

Một bổ nhiệm khác được dư luận quốc tế chú ý, là Đức ông Michael Banach (Hoa Kỳ) được ĐTC nâng lên hàng Sứ thần Tòa Thánh. Với việc bổ nhiệm này, ĐTC nâng quan hệ ngoại giao, từ cấp Đại diện thường trực lên hàng Sứ thần, đối với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, và Ủy ban Trù bị Tổ chức Hiệp ước cấm các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Tổ chức Liên hiệp quốc về phát triển công nghệ và Cơ quan Liên hiệp quốc tại Vienna (Áo).
 
(WHĐ)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

HỌP BÁO CỦA CHA LOMBARDI VỀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

VATICAN. Sáng thứ năm, 28-2-2012, ĐTC Biển Đức 16 sẽ tiếp Tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, rồi ngài tiếp Hồng y đoàn.

ĐTC sẽ gặp gỡ các Hồng y hiện diện ở Roma, bắt tay chào giã từ từng vị, nhưng không có diễn văn.
Trong cuộc họp báo trưa ngày 21-2-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết đây là cuộc tiếp kiến giã từ trong ngày cuối cùng của triều đại Giáo Hoàng.

Hôm trước đó, thứ tư 27-2-2013, sẽ là buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC, và sinh hoạt này diễn ra bình thường: ĐTC sẽ đi xe một vòng tại quảng trường để chào các tín hữu, rồi ngài bắt đầu bài huấn giáo bằng tiếng Ý, tiếp đến các bài tóm tắt ngắn kèm theo lời chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. Bầu không khí chắc chắn là cảm động.

Lúc 5 giờ chiều ngày 28-2, ĐTC giã từ Vatican. ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bertone, sẽ chào từ biệt ngài tại sân Damaso, rồi tại sân bay trực thăng ở góc thành Vatican, có ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn hiện diện. Khi đến Castel Gandolfo, ngài sẽ được ĐHY Bertello, Chủ tịch và Đức Cha Sciacca, Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican, cùng với thị trưởng và cha sở Castel Gandolfo đón tiếp. Sau đó, ngài sẽ lên bao lơn Dinh Tông Tòa để chào các tín hữu tụ tập tại Quảng trường vào khoảng 6 giờ chiều.

Chưa có ngày bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng
 

Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng ngày bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng là 11-3-2013. Cha nói: việc ấn định ngày này là điều thuộc thẩm quyền của Hồng y đoàn. Người ta cũng chưa biết trong phiên họp ngày nào các Hồng y sẽ ấn định.

Ngoài ra, cha Lombardi cũng chỉ có thể nói ĐTC cứu xét dự thảo Tự Sắc xác định vài điểm trong Tông Hiến về việc bầu Giáo Hoàng mới. ĐTC chưa ký và chưa công bố thì chưa thể nói gì được về nội dung của những quyết định này.

Vấn đề Huynh đoàn thánh Piô 10

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo chí cho rằng vấn đề Huynh đoàn thánh Piô 10 (nhóm Công Giáo thủ cựu, đồ đệ của Đức TGM Lefebvre) kết thúc và được giải quyết trong tiến trình trở về hiệp nhất với Tòa Thánh. Tuy nhiên, vấn đề này được nhường lại cho trách nhiệm của ĐGH mới. Vì thế, không nên chờ đợi trong những ngày tới việc xác định quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn này.

Cha Lombardi cũng cảnh giác giới báo chí về nhiều tin tưởng tượng và bịa đặt được loan đi trên một số báo chí những ngày này. Cha cũng nhận xét rằng trong những ngày này có nhiều bình luận, nhận xét nhắm tạo sức ép. Phần lớn đến từ những quan điểm hoàn toàn xa lạ với những điều mà ĐGH và Giáo Hội mời gọi chúng ta về vấn đề bầu Giáo Hoáng.

”Các tín hữu được mời gọi cầu nguyện, suy tư và tháp tùng các Hồng Y trong một thời điểm suy tư sâu xa, cùng tìm hiểu về mặt thiêng liêng xem đâu là thiện ích đích thực của Giáo Hội và việc phục vụ của Giáo Hội dành cho nhân loại.
LM. Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News) 

ĐỨC HỒNG Y DARMAATMADJA NGƯỜI INDONESIA SẼ KHÔNG THAM GIA MẬT VIỆN BẦU GIÁO HOÀNG

Đức Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja
JAKARTA (AsiaNews) - Cơ mật mật bầu giáo hoàng sắp tới sẽ có 116 thay vì 117 vị hồng y cử tri như danh sách chính thức, bởi vì Đức Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja người Indonesia, 78 tuổi, nguyên là tổng giám mục thủ đô Jakarta sẽ không tham dự. Ngài nói rằng việc ngài quyết định không có mặt ở mật viện là mang tính "tự do và cá nhân" bởi những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Nói chuyện qua điện thoại từ Nhà Emmaus (nhà hưu dưỡng Dòng Tên dành cho các linh mục và giám mục cao niên trong thành phố Ungaran thành phố, trung tâm Java), Đức Hồng Y Darmaatmadja nhấn mạnh: tình trạng sức khỏe của ngài "suy giảm rõ rệt" kể từ khi ngài rời khỏi tổng giáo phận Jakarta để nghỉ hưu hai năm trước đây.

"Chủ yếu là thị lực của tôi, nó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng trong cơ mật viện vì không được phép mang thêm người trợ lý vào đó. Không thể đọc các văn kiện và tài liệu cũng là một trở ngại vượt quá đối với sứ vụ lớn lao đòi hỏi sự thanh thản và tự chủ" - ngài nói chậm rãi nhưng rõ ràng.

"Tôi tin chắc rằng tôi không còn phù hợp để ngồi cùng với các vị hồng y khác bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng mới. Vì vậy, tôi đã quyết định không đến Rôma tham dự sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội".

Ngài cũng cho biết thêm rằng ngài "hoàn toàn thấu hiểu" quyết định từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vì lý do sức khỏe. "Tôi trải nghiệm chuyện này đầu tiên khi tôi còn là tổng giám mục của Jakarta và tôi quyết định từ chức khi tôi đủ 75 tuổi". Bởi vì làm giám mục của một thành phố lớn, vị đó phải "có sức khỏe thể chất tốt".

Trong lời kết luận, Đức Hồng Y Darmaatmadja chia sẻ cảm nhận "buồn bã sâu sắc" khi không thể đến Rôma và tham dự các cuộc họp kín bầu giáo hoàng, nhưng tin rằng đây là quyết định đúng đắn để không "phá vỡ các nghi thức" và cản trở công việc của các hồng y khác. (AsiaNews)
Tiền Hô
(VietCatholic News)

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

SAU NGÀY 28.02.2013, XƯNG HÔ VỚI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHƯ THẾ NÀO? ĐÃ CÓ CÂU TRẢ LỜI

Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio
Cuối cùng đã có câu trả lời cho câu hỏi được nhiều người nêu ra. Sau khi Đức Đương Kim Giáo Hoàng thoái vị vào lúc 8h tối ngày 28 tháng Hai theo giờ Rôma, chúng ta vẫn tiếp tục gọi ngài là “Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16” - “Your Holiness Benedict XVI.” Nhưng không gọi ngài là Đức Giáo Hoàng nữa.

Đó là tuyên bố của Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật được đưa ra vào sáng thứ Sáu 22 tháng Hai.

Tưởng cũng nên biết thêm rằng Đức Giáo Hoàng cũng đương nhiên là Giám Mục Rôma. Sau khi thoái vị ngài sẽ không còn là Giám Mục Rôma nữa. Vị Tân Giáo Hoàng sẽ là Giám Mục Rôma. Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio cho biết thủ tục áp dụng cho các Giám Mục và Tổng Giám Mục cũng được áp dụng cho Đức Giáo Hoàng Đương Kim. Nghĩa là ngài trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Rôma “Bishop Emeritus of Rome”.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

BÍ MẬT MỘT VÀI SỰ KIỆN CỦA CUỘC MẬT NGHỊ BẦU TÂN GIÁO HOÀNG

Khi tham dự cuộc Mật Nghị bầu cử tân giáo hoàng, các hồng y sẽ cầu nguyện và bỏ thăm mỗi ngày 2 lần tại nguyện đường Sistine bên trong cung điện Vatican. "Nội bất xuất, ngoại bất nhập" là luật cuả cuộc Mật Nghị. Chỉ trừ một vị Hồng Y duy nhất là vị 'chánh án' cuả toà Ân Giải Tối Cao (HY Manuel Monteiro de Castro) có thể nhận những thỉnh cầu và ban ơn xá tội trong các trường hợp khẩn cấp, còn tất cả các hồng y khác đều không liên lạc với người ngoài.

Trong những thời gian ở giữa các buổi họp, các hồng y sẽ về ở trong một nhà khách hiện đại, tiện nghi, có vườn rộng rãi để trò chuyện thoải mái. đó là khách sạn Domus Sanctae Marthae (Nhà Thánh Martha), nằm bên cạnh tường thành Vatican, ngay sau Sảnh đường Paul VI (Paul VI Hall), đối diện với hông bên trái cuả Đền Thờ Thánh Phêrô.

Toà nhà năm tầng lầu này được xây dựng vào năm 1996 để làm chổ nghỉ ngơi cho các giáo sĩ và giáo dân tham dự các cuộc hội nghị cuả Vatican. Trong cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, tất cả 131 phòng sẽ 'dành riêng' chỉ để cho các hồng y sử dụng.

Toà nhà Domus không phải là một khách sạn sang trọng, chỉ cung cấp một loại tiện nghi tương đối. Tòa nhà có 105 phòng đôi (suite) và 26 phòng đơn. Nói chung mọi phòng ngủ đều có một bàn 'để đèn', một tủ 'nằm' để xếp quần áo và một tủ 'đứng' để treo quần áo, có phòng tắm riêng với vòi hoa sen. Các suite thì có thêm một phòng khách với một cái bàn, ba cái ghế và một bộ tủ lớn.

Các phòng đều có máy điện thoại, nhưng các vị hồng y đều bị cấm sử dụng. Các hệ thống truyền hình cũng sẽ bị cắt.

Vì ở sát tường thành Vatican, một số cửa sổ cuả các tầng bên trên có thể nhìn ra phố, do đó trong cuộc bầu cử giáo hoàng năm 2005, người ta đã niêm kín các cửa chớp không cho nhìn ra phiá ngoài và ở bên ngoài cũng không có máy ảnh nào có thể xoi moí vào phiá bên trong.

Trong tòa nhà có một phòng họp lớn và nhiều phòng họp nhỏ. Nhưng nơi thoải mái nhất vẫn là phòng ăn. Tòa nhà còn có một nhà nguyện nhỏ chính và bốn nhà nguyện tư nhân, nằm ở cuối hành lang trên tầng thứ ba và thứ năm.

Toà nhà được điều hành bởi các Sơ cuả Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (Daughters of Charity of St Vincent de Paul.)

Theo như những kỳ trước, các Hồng Y sẽ bắt thăm lấy phòng của mình. Thứ hạng cuả một vị hồng y sẽ không có hiệu lực về việc sử dụng loại phòng nào. Trong Mật Viện năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã được ở một căn phòng đơn mặc dù ngài là Niên Trưởng cuả Hồng Y đoàn và là một trong những hồng y phục vụ lâu năm nhất trong 'khối hành chánh Vatican' (Curia), sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài được mời chuyển tới một 'suite' cho sang trọng hơn.

Đức giáo hoàng mới, vốn khiêm tốn, được những người chứng kiến lúc đó mô tả là đã sửng sốt trước lời mời đến một phòng cao cấp hơn.

Để đi tới nguyện đường Sistine, phần lớn các hồng y sẽ xử dụng xe buýt, nhưng trong năm 2005 đã có một số vị khăng khăng đòi đi bộ. Con đường từ Domus tới Sistine không xa lắm, đi hết vòng phiá sau cuả Đền Thờ Thánh Phêrô là tới. Trên suốt lộ trình, đoàn an ninh của Vatican rải nhân viên bảo vệ mọi ngõ ngách.

Sẽ có một số nhân viên phục dịch cho cuộc Mật Nghị như nấu ăn dọn dẹp, đứng đầu là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, (cựu) quốc vụ khanh Toà Thánh, nay là 'viên trấn trưởng' (chamberlain) và ba vị hồng y phụ tá lãnh nhiệm vụ tuyễn chọn.

Cũng giống như các hồng y, các nhân viên này phải tuyên thệ im lặng, giữ "bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn" về bất cứ điều gì liên quan đến cuộc bầu cử. Họ phải "hứa ​​và thề sẽ không sử dụng bất kỳ thiết bị âm thanh hoặc video có khả năng ghi lại bất cứ điều gì xảy ra trong thời gian của cuộc bầu cử bên trong Vatican."

Ngay tại cửa chính, các hồng y sẽ đi qua một bức tượng bán thân bằng đồng của Chân Phước Gioan Phaolô II, người đã quyết định vào năm 1996 rằng các vị hồng y nên được hưởng chút tiện nghi trong những ngày Mật Nghị. Trước đây, họ phải ngủ trên các ghế 'bố', ở các phòng ngột ngạt bên cạnh nhà nguyện Sistine.
 
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

THỀ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 15 - 21.02.2013

CHA CHÁNH XỨ GX THUẬN PHÁT THAM DỰ TẤT NIÊN NHÂM THÌN HĐMVGX THUẬN PHÁT


Tứ Hải - Hữu Toàn

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ MÙNG 2 TẾT QUÝ TỴ 2013 GIÁO XỨ THUẬN PHÁT


Tứ Hải - Hữu Toàn

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ MÙNG 1 TẾT QUÝ TỴ 2013 GIÁO XỨ THUẬN PHÁT


Tứ Hải - Hữu Toàn.

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ GIAO THỪA ( NHÂM THÌN ) GX THUẬN PHÁT


Hữu Toàn - Tứ Hải.