Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

KHẮP NƯỚC ĐỨC DÂNG THÁNH LỄ TẠ ƠN


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chính thức từ nhiệm vào tối 28.02.2013 lúc 20g. Ngôi tòa Phêrô đang trống ngôi. Thế giới hiện giờ không có Giáo Hoàng. Đấng kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô đã đi vào lịch sử và triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kết thúc.
Người Đức cách đây tám năm hân hoan tự hào với tựa đề "Chúng ta là Giáo Hoàng", thì hôm nay tít báo đã phải ghi thêm của thời quá khứ "Chúng ta đã là Giáo Hoàng".

Khắp nước Đức cùng dâng các Thánh Tễ Tạ Ơn vào chiều thứ năm, 28.02.2013 lúc 18g để cầu nguyện cho việc kết thúc triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Thí dụ như ở nhà thờ chính tòa Münchner Liebfrauendom với Đức Cha Bernhard Haßlberger, nhà thờ chính tòa Eichstätter Dom với Đức Cha Gregor Maria Hanke, nhà thờ chính tòa Bamberger Dom với Đức TGM Ludwig Schick, nhà thờ chính tòa Hoher Dom zu Regensburg với Đức Cha Rudolf Voderholzer, nhà thờ chính tòa Domkirche Hamburg với Đức TGM Werner Thissen, nhà thờ chính tòa Köln với Đức Hồng Y Joachim Meisner, v.v… Và Thánh Lễ Tạ Ơn do Hội Đồng Giám Mục Đức tổ chức tại thủ đô Berlin với sự chủ tọa của Đức TGM Robert Zollich bên cạnh Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki (TGM Berlin) cũng như Sứ Thần Tòa Thánh Jean-Claude Périsset. Tham dự với đông đảo giáo dân tại nhà thờ chính tòa Berlin có sự hiện diện của chính quyền Đức gồm có Nữ thủ tướng Angela Merkel, Phó thủ tướng Philipp Rösler, Chủ tịch quốc hội Norbert Lammert và gồm nhiều thành viên bộ trưởng trong nội các chính phủ. Thánh lễ tại thủ đô Berlin đã được truyền hình trực tiếp qua kênh Phoenix.
 
Đức Tổng Giám Mục Zollitsch, chủ tịch HĐGM Đức ca ngợi ĐGH Bênêđictô XVI như là một tôi tớ "luôn trung thành như một người hiếm có - thật đơn giản chỉ vì Ngài vẫn trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Chúa." Trong tám năm triều đại Giáo Hoàng, ĐGH Bênêđictô XVI đặc biệt muốn kết hợp đức tin và lý trí với nhau: "Trong ĐGH Bênêđictô XVI chúng ta gặp gỡ một nhà giảng thuyết tài năng, một học giả uyên thâm và thuyết phục, một nhân chứng của Tin Mừng, một người xây dựng không mệt mỏi của các cầu nối giữa khoa học và đức tin sống động".

Đức Cha Zollitsch nhắc nhở trong bài giảng của mình về những thách thức lớn của thế giới trong Thế Kỷ 21 đối với chức vụ Giáo Hoàng. ĐGH Bênêđictô XVI đã tìm thấy trên ngôi Tòa Phêrô trong một thời đại đã được đánh dấu bởi nhiều biến động lớn trong xã hội, sự phát triển khoa học và kỹ thuật tột bậc, nhưng mặt khác họ bỏ mặc đề cao tình gia đình nhân loại. Rất quan trọng cho Đức Giáo Hoàng là luôn luôn hành động như một "người làm việc khiêm tốn trong vườn nho của Chúa", người tôi tớ do Chúa Kitô dẫn dắt và thực hiện. ĐGH Bênêđictô XVI là một nhà thần học lừng danh, luôn luôn được ghi đậm bởi Công Đồng Vatican II.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói trong lời chào mừng: ĐGH Bênêđictô XVI là người "dẫn chúng tôi đến các nguồn của đức tin". Thông điệp ngài luôn gửi đến cho nhân loại trong "những chuyến Tông Du của mình và trong các cuộc gặp mặt với những người trên khắp thế giới để loan báo những Tin Mừng của một Thiên Chúa rất gần gũi và yêu thương."

Sự hiện diện của những người đứng đầu chính phủ Đức ở thủ đô Berlin trong Thánh Lễ Tạ Ơn nói lên lòng kính trọng và biết ơn đến ĐGH Bênêđictô XVI, như Nữ thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ trong ngày ĐGH loan báo việc từ chức: "Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại nhất của thời đại chúng ta." Điều không thể nào quên đối với TT Merkel về cuộc nói chuyện của Đức Giáo Hoàng tại quốc hội Đức trong chuyến thăm mục vụ của ngài đến Đức vào tháng 9 năm 2011: "Những lời phát biểu của ĐGH Bênêđictô XVI sẽ tiếp tục đồng hành với tôi trong một thời gian dài nữa".

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)

VATICAN TRONG NGÀY THỨ NHẤT TRỐNG NGÔI GIÁO HOÀNG

Buổi trưa ngày thứ Sáu 1 tháng Ba, tại Vatican đã diễn ra cuộc họp báo do cha Federico Lombardi Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh chủ toạ có sự tăng cường thêm của cha Thomas Rosica, C.S.B. là linh mục người Canada, Giám Đốc mạng lưới truyền hình Salt + Light để giúp vào việc phiên dịch sang Anh ngữ cho một đội ngũ ký giả hùng hậu đang săn tin tại Vatican.

Cha Federico Lombardi cho biết là Đức Hồng Y Niên Trưởng Angelo Sodano đã gởi thư mời các vị Hồng Y đến Vatican để dự buổi họp chung tại Hội Trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lúc 9 giờ sáng ngày thứ Hai 4 tháng Ba. Hiện nay, Giáo Hội có 207 vị Hồng Y trong đó có 117 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng. Tất cả 207 vị đều được mời tham dự buổi họp chung. Cho đến thời điểm hiện nay đã có 146 vị Hồng Y về đến Rôma. 144 vị đã được gặp Đức Thánh Cha trong buổi sáng thứ Năm 28 tháng Hai.

Buổi chiều ngày thứ Hai 4 tháng Ba, lúc 5h chiều dự kiến sẽ có một cuộc họp nữa của Hồng Y Đoàn. Tuy nhiên, cha Thomas Rosica lưu ý các ký giả là không nên trông đợi là trong ngày thứ Hai sẽ có quyết định về ngày khai mạc Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Có nhiều việc các Hồng Y phải thảo luận chẳng hạn như tình hình tổng quát của Giáo Hội trên thế giới, những khó khăn và thách đố đang chờ đợi triều Giáo Hoàng sắp tới... Tất cả những vấn đề như thế cần phải được thảo luận rộng rãi trước khi tiến hành bầu Giáo Hoàng.

Được hỏi về sinh hoạt của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, cha Thomas Rosica cho biết: “Sáng nay chúng tôi có nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein. Ngài cho biết là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã ngủ ngon trong đêm thứ Năm 28 tháng Hai”.

Trong những ngày sau khi tuyên bố thoái vị Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thường chơi đàn piano về đêm, có lẽ để giảm những căng thẳng. Tuy nhiên, buổi tối thứ Năm ngài đã xem hai chương trình tin tức của hai đài truyền hình Ý và đọc những thiệp của các nơi gởi đến cho ngài.

Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Ba, như thường lệ, ngài đã dâng thánh lễ cùng với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein trong nhà nguyện riêng của biệt điện Castel Gandolfo, sau đó đọc các tài liệu về nghiên cứu thần học.

Lúc 4 giờ chiều, ngài lần chuỗi Mân Côi với Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein như thường lệ.

Trong cuộc họp báo cha Lombardi cũng giới thiệu con tem mới của Tòa Thánh trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng - Sede Vancante.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

VATICAN LÚC 8 GIỜ TỐI NGÀY 28.02.2013

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

NÓI CHUYỆN CÕI TRÊN

Dân Hai Lúa chúng tôi thường không thích nói chuyện cõi trên. Chuyện thường nhật của Hai Lúa là đồng ruộng, thuốc sâu, thuốc rầy, gạo nàng tiên, gạo tám thơm hay trâu bò, cày bừa… Má tôi có đời sống đạo đức thực tiển hơn nên bà thường hay nhắc nhở chúng tôi là: Làm chuyện đó hay nói chuyện đó có ích gì cho phần rỗi linh hồn hay không?

Chuyện cõi trên là chuyện xa xôi, đồng nghĩa với chuyện trên mây. Như trong những ngày nầy người ta bàn tán xôn xao về việc đức đương kim Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI thoái vị và đoán xem ai sẽ là Đức Giáo Hoàng tương lai? Đúng là chuyện cõi trên, xa xôi và không ích gì cho phần rỗi linh hồn mình? Chắc chắn nhiều bậc trí thức sẽ phản đối, vì theo họ đó là chuyện sống đạo của người Công Giáo có hiểu biết, có trách nhiệm với Giáo Hội và có ích cho phần rỗi linh hồn. Thôi thì mỗi người một lập trường, một hướng sống đạo, miễn sao ngày sau gặp nhau ở cõi trên là được.

Tôi cũng bị lây chuyện trí thức cõi trên nầy. Hàng ngày sống trong nhà chung, gần với nhiều người ở cõi trên và sắp về cõi trên. Nên tôi cũng hay bàn những chuyện không ích lợi gì cho phần rỗi linh hồn của tôi. Giả dụ như chuyện Đức Giáo Hoàng tương lai là người nước nào? Có hy vọng sẽ có một Giáo Hoàng người Mỹ không?

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo dài hơn 2000 năm, tôi thấy liệt kê tất cả tên 265 Giáo Hoàng tính từ Thánh Phêrô, được coi là Giáo Hoàng tiên khởi cho đến Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI vừa từ nhiệm. Đúng ra chỉ nên tính 263 vị thôi vì Đức Giáo Hoàng Bênêdictô IX làm Giáo Hoàng tới ba lần: Lần đầu từ năm 1032-1045. Lần thứ hai chỉ trong năm 1045 và lần thứ ba từ 1047-1048. Trong số nầy có 206 vị người Ý; 15 vị người Pháp; 13 vị người Hy Lạp; 8 vị người Đức… vị chi là 242 vị… Thiểu số còn lại, tức 23 vị, chia cho mỗi nước 1 vài vị như 5 vị người Syria, 3 vị người Phi Châu, 3 vị người Tây Ban Nha, hai vị người Gallia (Cực Nam của Nước Pháp) … Không thấy một vị nào từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ hay Á Châu bao giờ. Tại sao?

Tại vì Hồng y đoàn đa số là người Ý. Bằng chứng là hiện tại tổng số Hồng y còn sống trên toàn thế giới là 207 vị, trong số nầy có 49 vị là người Ý. Hiện tại Công nghị Hồng Y gồm 117 vị, tức những vị còn trong hạn tuổi 80, có thể bầu Giáo Hoàng, trong số nầy có 29 vị người Ý(Báo chí nói chỉ có 25, nhưng tôi đếm từng tên được 29) Như vậy Hồng Y người Ý trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng vẫn chiếm 34%. Đang khi đó, Hồng Y người Mỹ có tất cả 21 vị, nhưng chỉ có 10 vị trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng. Tỷ lệ 11.7% thôi.

Tin giờ chót, tính đến hôm nay, ngày 27 tháng 2.2013 chỉ còn 115 Hồng Y sẽ vào Công Nghị bầu Giáo Hoàng. Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja, 78 tuổi, Tổng Giám Mục về hưu của Jakarta tuyên bố không đi Rôma, vì nhãn quan quá kém. Hồng Y Keith O’Brien, Anh Quốc từ chối đi Rôma bầu tân Giáo Hoàng. Trong số 115 vị Hồng y vào Công Nghị bầu Giáo Hoàang có 60 Hồng Y Châu Âu; 19 Hồng Y Châu Mỹ Latinh; 14 Hồng y Bắc Mỹ; 11 Hồng Y Phi Châu và 1 Hồng Y thuộc Châu Đại Dương, tức Australia, Hồng Y George Pell, Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney. Nếu bình thường hay vẫn giữ truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, thì vị Tân Giáo Hoàng cũng sẽ đến từ Âu Châu. Vì có những 60 Hồng Y trong công nghị là người Âu Châu.

Như vậy không có nhiều Giáo Hoàng ở các nước ngoài nước Ý, vì Hồng Y đoàn phần nhiều là người Ý. Cũng không có Giáo Hoàng từ các châu khác vì số Hồng Y Âu Châu bao giờ cũng chiếm đa số, như lần nầy, số Hồng Y Âu Châu chiếm hơn phân nửa tổng số cử tri, tức 60/115. Như vậy trong Giáo Hội cũng có sự không công bằng hay kỳ thị chăng? Giáo Hội trần thế chắc chắn khó thoát khỏi vấn đề nầy. Ít nhiều cũng có! Ai cũng thấy vậy, nên mới cầu cho Chúa Thánh Thần đến “sửa lại mọi sự trong ngoài” là vậy. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề cõi trên tôi đang nói.

Chuyện cõi trên là: Có hy vọng gì để có một Giáo Hoàng người Mỹ hay ít là người Bắc Mỹ như nhiều người mong ước không? Hiện tại báo chí trên thế giới đang nêu danh 10 hồng Y có hy vọng được bầu làm Giáo Hoàng, trong số nầy có hai Hồng Y từ Bắc Mỹ Châu: Hồng Y Timothy Dolan, Hồng Y Tổng Giám Mục New York và Hồng Y Marc Ouellet, nguyên tổng Giám Mục Quebec và hiện đang là Bộ Trưởng Bộ Giám Mục.

Ngày 12.2.2013 khi báo chí phao tin rằng: Hồng Y Timothy Dolan rất có thể được chọn làm Giáo Hoàng. Hồng Y Dolan đặt vấn đề rằng: Giáo Hội Công Giáo thật sự có cần Giáo Hoàng phải là người Mỹ không? Ngài trả lời: Không cần. Tuy nhiên, dư luận và báo chí cho rằng Hồng Y Timothy Dolan nói thế vì Ngài sẽ không có phiếu trong việc chọn tân Giáo Hoàng. Lý do: Ngài đã quyết định trả cho vài linh mục $20,000, để họ đồng ý từ bỏ đời sống linh mục hơn là phải đưa ra toà án dân sự vì tội ấu dâm, Ngài sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Cũng hôm nay, ngày 27.2.2013 tư vấn của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Anthony Figueredo cũng trả lời phỏng vấn xem có hy vọng có một Giáo Hoàng người Mỹ không? Ngài trả lời: Rất hy vọng! Thật ra, không khó để nói “rất hy vọng!” vì qui chế bầu Giáo Hoàng luôn cho mọi nam giới đã rửa tội công giáo và có đời sống đạo đức tốt đều có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Điều nầy đã được đề cập trong Tông Hiến UNIVERSI DOMINICI GREGIS, số 83, 88, 89, và 90 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22.2.1996. Tuy nhiên lịch sử cho thấy là Đức Giáo Hoàng Urbanô VI năm 1378 là vị Giáo Hoàng sau cùng được chọn ngoài Hồng Y Đoàn. Cũng như Đức Giáo Hoàng Leo X, năm 1513 khi được chọn, Ngài chưa là linh mục.

Người ta cũng đề cập đến tỷ lệ người Công Giáo ở các Châu Lục để nuôi hy vọng là sẽ có một Giáo Hoàng ngoài Âu Châu. Tổng số Công Giáo trên toàn thế giới là một tỉ 200 triệu. Trong số nầy, Châu Mỹ Latinh có 483 triệu tức 41.3%; Âu Châu có 227 triệu, chiếm 23.7%; Phi Châu có 177 triệu, chiếm 15.2%; Á Châu có 137 triệu, chiếm 11.7%; Bắc Mỹ Châu có 85 triệu, chiếm 7.3% và Châu Đại Dương có 9 triệu, chiếm 0.8%. Thống kê cho thấy rằng: Số người Công Giáo cũng như số giáo sĩ Công Giáo ở Âu Châu càng ngày càng giảm. Đang khi đó, số tăng đáng kể ở Phi Châu và Á Châu. Cũng có những nhà bình luận nhiều lạc quan cho rằng: Không hy vọng có lại Giáo Hoàng người Ý, vì đại đa số Hồng Y người Ý, nhất là trong 10 vị mới được chọn dù là người Ý, nhưng rất ít vị là Tổng Giám Mục, đại đa số chỉ là viên chức Vatican thôi. Phẩm vị hồng y như là một tưởng thưởng cho công khó phục vụ Giáo triều Roma của các Ngài. Đây cũng là một giải thích đầy an ủi và mang hy vọng. Có người tiên đoán lạc quan rằng: Trong tương lai, nếu Hồng Y được chọn theo dân số Công Giáo thì sẽ có Giáo Hoàng từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu và Á Châu. Nhưng trên thực tế, việc chọn Hồng Y là quyền dành riêng cho Giáo Hoàng. Trong hai Giáo Hoàng vừa qua, Gioan Phaolô II và Bênêdictô XVI số Hồng Y người Ý và Âu Châu vẫn đông, dù có tăng số Hồng Y các nước.

Kinh nghiệm của Hai Lúa trong sinh hoạt Giáo Hội:

Hiện tại chúng ta có ba Giám Mục người Việt Nam ở Mỹ, Canada và Úc. Lý do: dân số Công Giáo Việt Nam đông ở những nơi có Giám Mục phụ tá người Việt Nam nói trên. Điều nầy không sai. Tuy nhiên, chúng ta phải nói là: Nhờ những Đấng có quyền nhận ra số đông người Việt Nam hay nhận ra nhu cầu cần một Giám Mục không là dân bản xứ. Những Đấng có quyền nầy phải thật sự đạo đức và nhìn thấy ích lợi cho Giáo Hội, cho đoàn chiên Chúa hơn là chuyện hẹp hòi địa phương. Ai cũng phải thầm khen và thán phục là các Ngài thức thời, tức thấy cần phải thay đổi và những người nầy dù không là Mỹ, không là Canada, không là Úc nhưng có khả năng làm Giám Mục không thua Mỹ, Canada hay Úc.

Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong lịch sử cũng phải gánh chịu thương đau vì việc kém thức thời nầy hay không muốn thức thời nầy. Các thừa sai sang Việt Nam truyền đạo từ năm 1533. Đạo Công Giáo phát triển mạnh, dân số Công Giáo tăng nhanh, người tử vì đạo đếm không xuể.. nhưng mãi đến ngày 11.6.1933 mới có Giám Mục Việt Nam tiên khởi, Đức Cha GB. Nguyễn bá Tòng. Rồi mãi đến 24.11.1960 mới thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các Giáo Phận ở Việt Nam từ hiệu toà mới thành chánh toà. Suốt 400 năm Giáo Hội Việt Nam như một em bé bú nhờ sữa mẹ là Giáo Hội Pháp hay Âu Châu…Suốt 400 năm, người ta không nghĩ là người Việt Nam biết làm Giám Mục hay có khả năng làm Giám Mục. Nên cần phải duy trì Giám Mục người Pháp cũng như cần duy Giáo Hội VN là một xứ truyền giáo lệ thuộc Toà Thánh hoàn toàn.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô rất thức thời. Ngài thoái vị, một hành động thật “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Ngài thật dũng cảm nhận rằng mình không còn đáp ứng với sự thay đổi quá nhanh chóng của thế giới. Ngài thật sự yêu mến Giáo Hội và muốn phúc lợi cho Giáo Hội với vị tân Giáo Hoàng. Rất có thể và rất có hy vọng về một Giáo Hoàng đến từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu hay từ Á Châu thay vì Âu Châu….. nếu 115 Hồng Y trong Công Nghị bầu Giáo Hoàng biết thức thời và biết nhận ra rằng: Không phải chỉ người Ý hay người Âu châu mới biết làm Giáo Hoàng, nhưng nhiều người da đen, da vàng hay da ngâm ngâm.. rất có khả năng cáng đáng vai trò Giáo Hoàng. Xin hãy thức thời, hãy mở mắt mà nhận rằng: nhiều linh mục, nhiều Giám Mục, nhiều tu sĩ nam nữ và nhiều chuyên viên kinh tế chính trị không sinh ra và lớn lên từ Âu Châu, nhưng có khả năng làm việc hơn cả người Âu Châu.

Chữ Hán, ngôn ngữ tượng hình và chuyên chở ý nghĩa rất hay. Chữ NHÂN là hình một con người dứng dạng chân và giang tay. NHÂN là người đầu đội trời và chân đạp đất. NHÂN là người hướng về cõi trên, nhưng chạm đất, và có cảm nghiệm thực sự cuộc sống ở cõi trần. Xin Chúa Thánh Thần ban cho có nhiều NHÂN trong công nghị Hồng Y sẽ diễn ra trong ít ngày gần đây. Amen

Hai Lúa.
(VietCatholic News)

GIÁO PHẬN BẮC NINH TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục
tại Giáo Phận Bắc Ninh

BẮC NINH ngày 28/02/2013: Khí hậu Miền Bắc phần nào rất phù hợp với bầu khí của Mùa Chay. Tiết trời mùa này nhiều mây, trời có vẻ u ám và mưa nhè nhẹ… Tuy nhiên ngày hôm nay bầu trời như không tuân theo quy luật tự nhiên đó. Ngay từ sáng sớm trời quang, ít mây, trời hừng sáng như báo trước một ngày mới với một thời tiết tốt đẹp. Phải chăng bầu trời cũng hòa cùng với tâm tình của mọi người con giáo phận Bắc Ninh! Phải chăng bầu trời như báo trước một niềm hy vọng tốt đẹp của Giáo hội nói chung và của giáo phận Bắc Ninh nói riêng!

 
Từ sáng sớm, mọi người từ mọi ngả miền của Giáo phận tiến về Tòa Giám Mục. Đúng 09h 45 trong tiếng nhạc kèn trầm hùng, đoàn rước gồm đông đảo các linh mục từ các giáo phận, cùng với Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám Mục Bắc Ninh; Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám Mục Thanh Hóa tiến vào nhà thờ Chính Tòa. 

 
Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt giới thiệu và chúc mừng 3 Thầy tiến lên chức linh mục:

1. Thầy Giuse Hoàng Văn Thập, sinh ngày 20.10.1977 tại giáo xứ Nhã Lộng

2. Thầy Giuse Nguyễn Văn Trường, sinh ngày 03.03.1974 tại giáo xứ Nhã Lộng

3. Thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tuân, sinh ngày 15.10.1981 tại giáo xứ Trung Xuân
 
 
 
 (giapphanbacninh.org)

NHỮNG GIÂY PHÚT ĐẦU TIÊN TRỐNG TÒA PHÊRÔ

WHĐ (01.03.2013) – Đúng 20g ngày 28-02 (giờ Roma), Giáo hội bắt đầu sống trong tình trạng “Trống Tòa”. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chính thức rời Tòa Phêrô, trở thành “Nguyên giáo hoàng”.

Trước đó, gần 17g, ngài rời Vatican với sự tháp tùng của Đức hồng y Vallini, Giám quản Roma, và Đức hồng y Comastri, Giám quản Vatican. Hai đội vệ binh Thụy Sĩ đứng dàn chào. Đức hồng y Quốc vụ khanh Bertone và các cộng sự viên đón ĐTC rời Điện Vatican. Đông đảo quan chức và nhân viên làm việc tại Vatican đến chào từ biệt ĐTC.

Tiếp đến, ĐTC và Đức TGM Georg Gänswein, Tổng quản Tư dinh Giáo hoàng, lên xe đến sân đáp trực thăng của thành phố. Tại đây, ĐHY niên trưởng Sodano nghênh đón ĐTC. Lúc đoàn xe chở ĐTC và các vị tháp tùng rời Điện Vatican, chuông Vương cung Thánh đường Vatican và các nhà thờ trong thành phố Roma đồng loạt đổ hồi.

Sau khi bay qua Roma, Coliseum và Lateran, đúng 17g25, trực thăng chở ĐTC đáp xuống Castel Gandolfo. Tại đây, ĐHY Bertello, Thủ hiến Vatican và Đức ông Tổng thư ký Sciacca, ông Petrillo, Giám đốc các biệt điện Giáo hoàng, Đức cha Semeraro, giám mục Albano, và các viên chức chính quyền địa phương nghênh đón ĐTC.

ĐTC đã gặp đông đảo tín hữu và khách hành hương đến chào ngài. ĐTC ngỏ lời: “Cảm ơn anh chị em đã tỏ lòng quý mến đối với tôi. Anh chị em biết, hôm này là ngày đặc biệt với tôi, khác mọi ngày trước đây. Tôi không còn là Đức giáo hoàng. Nói một cách chính xác, sau 8 giờ tối, tôi không còn làm giáo hoàng nữa. Tôi chỉ là một người hành hương đang đi trên chặng cuối của hành trình trần thế. Với tấm lòng và trọn vẹn tình yêu của mình, với cầu nguyện, suy tư và hết sức lực nội tâm, tôi mong được làm việc phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh và nhân loại. Tôi thấy mình đã được anh chị em hết lòng nâng đỡ. Nào, có Chúa cùng đi, chúng ta hãy tiến bước vì lợi ích của Giáo hội và thế giới”.

Sau đó, ĐTC ban phép lành cho mọi người hiện diện.

Đúng 20g, triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI kết thúc.

Vào giây phút đó, đội Vệ binh Tòa Thánh chuyển sang nhiệm vụ bảo vệ Hồng y đoàn. Tài khoản Twitter của Đức Bênêđictô XVI ngưng hoạt động. Nhẫn ngư phủ và ấn triện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không còn giá trị pháp lý và các phòng làm việc của Đức giáo hoàng được ĐHY Nhiếp chính niêm phong.

Tình trạng “Trống Tòa” của Giáo hội bắt đầu.
 
Thành Thi
(WHĐ)

ĐI VÀO LỊCH SỬ TRONG MỘT LÀN SÓNG MẾN YÊU : NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Từ cửa sổ 'lâu đài muà hè' Castel Gandolfo, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tuyên bố những lời cuối cùng cuả triều đại giáo hoàng cuả Ngài lúc 6:30 chiều trước một đám đông khoảng 1000 cư dân trong vùng như sau:

Các bạn thân mến, tôi rất vui được ở cùng các bạn, được bao quanh bởi vẻ đẹp của công trình sáng tạo (cuả Thiên Chúa) và những lời cầu chúc cuả các bạn làm cho tôi phấn khởi. Xin cảm ơn tình bạn hữu và tình thương yêu của các bạn dành cho tôi. Các bạn hẳn biết với tôi thì ngày này là khác nhiều so với những ngày trước: Tôi không còn là Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, hoặc tôi sẽ chỉ còn là (giáo hoàng) đến 8 giờ tối nay rồi sau đó không còn nữa.

Tôi chỉ đơn giản là một người hành hương bắt đầu những bước chân cuối cùng của cuộc hành hương của mình trên trái đất này. Nhưng tôi sẽ vẫn... cảm ơn các bạn... Tôi sẽ vẫn, với trái tim tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự chiêm nghiệm của tôi, và với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, thích làm việc vì lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi sự thương mến của các bạn.

Những hình ảnh cuối cùng tại Vatican
 
Chúng ta hãy đi tiếp với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và thế giới. Cảm ơn quí bạn, bây giờ tôi ban phép lành của tôi với hết cả tấm lòng. Chúc tụng Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúc ngủ ngon! Cảm ơn tất cả các bạn!

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

NGÀY CUỐI CÙNG TRONG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

VATICAN - Lúc 11 giờ sáng 28-2-2013 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp 144 Hồng Y hiện diện tại Roma trong phòng Clemente để chào từ biệt các vị.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn nói: ”Trong sự rúng động lớn lao các Hồng Y hiện diện tại Roma vây quanh Đức Thánh Cha hôm nay, để bầy tỏ một lần nữa sự trìu mến sâu xa và lòng biết ơn đối với chứng tá hy sinh phục vụ tông đồ của Đức Thánh Cha, vì thiện ích cho Giáo Hội của Chúa Kitô và của toàn nhân loại.

Thứ bẩy vừa qua, vào cuối tuần tĩnh tâm tại Vaticăng Đức thánh Cha đã muốn cám ơn các cộng sự viên của các Cơ quan trung ương Tòa Thánh, khi dùng những lời cảm động sau đây: ”Các bạn thân mến, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn không phải chỉ vì tuần này, mà vì tám năm này, trong đó các bạn đã cùng tôi vác gánh nặng của sứ vụ Phêrô, với khả năng chuyên môn, lòng trìu mến, tình yêu thương và đức tin”.

Kính thưa Người Kế Vị Thánh Phêrô kính yêu, chúng con phải cám ơn Đức Thánh Cha vì gương sáng Ngài đã cho chúng con trong tám năm Triều đại giáo hoàng của ngài. Ngày 19 tháng 4 năm 2005 Đức Thánh Cha đã được tháp nhập vào danh sách dài các Người Kế Vị Thánh Phêrô và hôm nay 28 tháng 2 năm 2013 Đức Thánh Cha sắp rời bỏ chúng con, trong khi chờ đợi bánh lái của con thuyền Giáo Hội được trao vào bàn tay khác. Và như thế sẽ tiếp nối việc kế vị tông đồ, mà Chúa đã hứa cho Giáo Hội thánh thiện của Người, cho tới khi sẽ nghe được tiếng của Thiên Thần sách Khải Huyền công bố: ”Thời gian không còn nữa: mầu nhiệm của Thiên Chúa đã hoàn tất” (Kh 10,6-7). Lịch sử Giáo Hội sẽ kết thúc mhư thế cùng với lịch sử thế giới, với biến cố trời mới đất mới đến.

Thưa Đức Thánh Cha, với tình yêu thương sâu xa chúng con đã tìm cách đồng hành với Đức thánh Cha trên Con đường của ngài, bằng cách sống lại kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmaus. Sau khi cùng đi với Chúa Giêsu một đoạn đường dài, các vị nói với nhau: ”Con tim của chúng ta đã không bừng cháy lên, khi Người nói với chúng ta dọc đường sao?” (Lc 24,32).

Vâng, kính thưa Đức Thánh Cha, xin ngài cũng biết cho rằng con tim của chúng con cũng đã bừng cháy lên khi chúng con cùng đi với Đức thánh Cha trong tám năm qua. Hôm nay chúng con muốn một lần nữa bầy tỏ tất cả lòng tri ân của chúng con đối với Đức Thánh Cha. Chúng con xin cùng nhau lập lại với Đức Thánh Cha một kiểu bầy tỏ đặc thù nơi quê sinh của Đức Thánh Cha: ”Vergelt's Gott”, xin Thiên Chúa thưởng công cho Đức Thánh Cha”.

Ngỏ lời với các Hồng Y Đức Thánh Cha cám ơn Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã luôn luôn nói lên các tâm tình của toàn Hồng Y Đoàn một cách ”Con tim với con tim”. Quy chiếu về câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, Đức Thánh Cha nói: ”Đối với tôi cũng thế, đã là một niềm vui lớn lao cùng đi với anh em trong các năm này dưới ánh sáng sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Như tôi đã nói trước hàng ngàn tín hữu đầy quảng trường thánh Phêrô, sự gần gũi và lời cố vấn của anh em đã trợ giúp tôi rất nhiều trong sứ vụ của tôi. Trong 8 năm qua chúng ta đã sống với đức tin những lúc rất đẹp đầy ánh sáng rạng rỡ trên con đường của Giáo Hội cùng với những lúc, trong đó có vài đám mây dầy đặc trên trời. Chúng ta đã tìm cách phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội Người với tình yêu thương sâu xa và hoàn toàn, là linh hồn sứ vụ của chúng ta. Chúng ta đã trao ban hy vọng, niềm hy vọng đến với chúng ta từ Chúa Kitô, và chỉ có nó có thể soi dẫn đường đi. Chúng ta có thể cùng nhau cảm tạ Chúa, là Đấng đã làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông, cùng nhau cầu xin Người trợ giúp anh em lớn lên hơn nữa trong sự hiệp nhất sâu xa này, để Hồng Y Đoàn giống như một dàn nhạc, trong đó các khác biệt, diễn tả Giáo Hội đại đồng, luôn luôn cùng quy hướng về sự hòa hợp cao hơn. Tôi muốn để lại cho anh em một tư tưởng đơn sơ mà tôi rất thích, một tư tưởng về Giáo Hội, về mầu nhiệm của Giáo Hội, tạo thành lý do và nỗi đam mê của cuộc sống, có thể nói vậy, đối với tất cả chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã mượn một tư tưởng mà thần học gia Romano Guardini đã viết trong cuốn sách cuối cùng với lời đề tặng ngài, và ngài đặc biệt ưa thích cuốn sách đó. Romano Guardini viết: ”Giáo Hội không phải là cơ cấu được nghĩ ra và xây dựng trên bàn giấy, nhưng là một thực tại sống động. Như mọi sinh vật, Giáo Hội sống dọc dài thời gian trở thành, bằng cách biến đổi mình, tuy trong bản chất nó vẫn luôn luôn là thế. Trái tim của Giáo Hội là Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong lời từ biệt các Hồng Y: ”Đó xem ra đã là kinh nghiệm của chúng ta hôm qua, tai quảng trường thánh Phêrô. Nhìn thấy rằng Giáo Hội là một thân thể sống động, được Chúa Thánh Thần linh hoạt và sống một cách thực sự bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Giáo Hội ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Nó là của Thiên Chúa, của Chúa Kitô, của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã thấy hôm qua. Vì thế một kiểu diễn tả nổi tiếng khác nữa của thần học gia Guardini cũng thật hùng hồn: đó là ”Giáo Hội thức tỉnh nơi các tâm hồn”. Giáo Hội sống, lớn lên, và thức tỉnh trong các tâm hồn, và cũng như Đức Trinh Nữ Maria họ tiếp nhận Lời Chúa và thụ thai bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Họ hiến dâng cho Thiên Chúa thịt xác mình, và trong sự nghèo nàn và khiêm tốn họ trở thành những người có khả năng sinh ra Chúa Kitô mỗi ngày trong thế gian. Qua Giáo Hội mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi hiện diện. Chúa Kitô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Anh em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong mầu nhiệm này, trong lời cầu nguyện, một cách đặc biệt trong Thánh Thể hằng ngày, và như thế chúng ta phục vụ Giáo Hội và toàn nhân loại. Đó là niềm vui của chúng ta, mà không ai có thế lấy mất được.

Trước khi chào anh em từng người một tôi ước mong nói với anh em rằng tôi sẽ tiếp tục gần gũi anh em với lời cầu nguyện, đặc biệt trong các ngày sắp tới, để anh em tràn đầy ngoan ngoãn đối với hành động của Chúa Thánh Thần trong việc bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Xin Chúa chỉ cho anh em thấy người được Chúa muốn. Và giữa anh em, giữa Hồng Y Đoàn có một Giáo Hoàng tương lai, mà ngay từ hôm nay tôi hứa kính trọng và vâng phục. Vì tất cả những điều này, với lòng trìu mến và biết ơn, tôi hết lòng ban phép lành tòa thánh cho anh em.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã bắt tay từ giã từng Hồng Y một, trong sự cảm động và luyến tiếc của mọi người.

Lúc 5 giờ chiều 28-2-2013 Đức Thánh Cha đã lấy trực thăng đi Castel Gandolfo, cách Roma 30 cây số. Trong sân Damaso toàn Vệ Binh Thụy Sĩ trong lễ phục đứng giàn hàng chào danh dự. Hai bên là các Đức Ông, các tu sĩ nam nữ và giáo đân làm việc trong thành Vaticăng. Tiễn chân Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Xe chở Đức Thánh Cha đến bãi đậu của trực thăng ở góc cao nhất của đồi Vaticăng. Khi trực thăng cất cánh chuông đền thờ thánh Phêrô và các nhà thờ toàn giáo phận Roma đã đổ hồi, từ biệt Đức Thánh Cha. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng ở Castel Gandolfo có Đức Cha Franco Marando Giám Mục giáo phận Albano, ông thị trưởng Castel Gandolfo và một số giới chức đạo đời.

Từ lúc 4 giờ chiều ngày 28-2-2013, hàng chục ngàn tín hữu đã tụ tập tại quảng trường nhỏ trước dinh nghỉ mát.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha họ đã lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ dười sự điều khiển của cha sở giáo xứ. Họ đem theo rất nhiều cờ, khăn quàng và biểu ngữ viết ”Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng con cám ơn ngài”; ”Cám ơn Đức Thánh Cha”; ”Lòng khiêm tốn của ngài khiến cho ngài vĩ đại hơn nữa. Xin Cám ơn” vv... Chuông các nhà thờ Castel Gandolfo cũng rộn rã đổ hồi.

Lúc 5 giờ 40 Đức Thánh Cha đã ra bao lơn chào tín hữu thành phố và du khách. Vừa thấy ngài tín hữu đã hoan hô vẫy cờ và gọi tên Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói: ”Tôi rất sung sướng được ở với anh chị em. Xin cám ơn tình bạn mà anh chị em dành cho tôi. Hôm nay khác với những ngày khác, vì từ sau 8 giờ tối tôi không còn là Giáo Hoàng Roma nữa, mà chỉ là một người lữ hành bình thường thôi. Nhưng với tất cả sức lực, các suy tư và lời cầu nguyện, tôi vẫn phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em, và chúc anh chị em một đêm an lành”.

Quả thế, đây là lần xuất hiện cuối cùng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Vì từ lúc 8 giờ tối 28-2-2013 ngài không còn giữ chức Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nữa. Tuy vẫn tiếp tục được gọi là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hay Đức Nguyên Giáo Hoàng, nhưng Đức Ratzinger sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai, cũng không có nhẫn Giáo Hoàng, vì nhẫn này sẽ bị phá hủy, và cũng không mang giầy mầu đỏ, nhưng mang giầy mầu nâu. Cũng từ lúc 8 giờ tối thứ năm 28-2-2013 đội cận vệ Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo chấm dứt nhiệm vụ bảo vệ Đức Ratzinger và giao quyền lại cho đội Hiến Binh Vaticăng.

Đức Ratzinger sẽ cư ngụ tại Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong đan viện của các nữ tu dòng kín được tu sửa lại, tại nội thành Vaticăng trong thinh lặng và cầu nguyện. (SD 28-2-2013)

Linh Tiến Khải
(VietCatholic News) 

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ ĐÃ RỜI VATICAN : CHẤM DỨT NGÔI VỊ GIÁO HOÀNG

VATICAN CITY - Lúc 5 giờ chiều giờ Roma ngày thứ Năm, 28 tháng 2 năm 2013, ĐTC Benedict XVI đã lên máy bay trực thăng đến Castel Gandolfo. Ngài rời Toà Thánh Vatican 3 giờ đồng hồ trước giờ chính thức chấm dứt ngôi vị Giáo Hoàng là 8 giờ tối cùng ngày.

Khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô và dân chúng thành phố Roma leo lên nóc nhà vẫy cờ từ biệt Đức Thánh Cha.

Đến Castel Gondolfo,Ngài sẽ cư ngụ tại đây trong mấy tháng sau đó di chuyển về một tu viện gần Vatican.

Trước khi rời Vatican, ĐTC đã gặp gỡ chào lời từ biệt đến hơn 100 vị Hồng Y tại sảnh đường Clementine. Ngài nhắn nhủ các vị Hồng Y rằng vì sự tốt lành cho Giáo Hội Công Giáo, xin các vị hãy như một ban hoà tấu có được sự hài hoà. Ngài cũng hứa với các vị Hồng Y rằng: Ngài sẽ kính trọng và vâng phục vô điều kiện vị Giáo Hoàng kế vị. Sau đó Ngài đã đến bắt tay từng vị Hồng Y và nói : “Tôi sẽ ở gần Đức Hồng Y trong lời kinh nguyện”.

Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 22 - 28.02.2013

BUỒN VUI ĐỜI GIÁO HOÀNG

Ngài vòng quanh Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô lần cuối cùng trên chiếc giáo hoàng xa. Ngài vẫy tay lần chót với đám đông đang nhiệt liệt hoan hô. Và một cách sâu sắc chưa từng thấy, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ban những lời từ biệt đối với thế giới trong một bài diễn văn chân thành, đôi lúc tiếc nuối làm nổi bật cái giá làm giáo hoàng, và nhiều tia hạnh phúc của nó.

Tám năm làm giáo hoàng của ngài có những lúc “hân hoan và đầy ánh sáng”, đôi lúc giống con thuyền chở Thánh Phêrô và các Tông Đồ trên Biển Galilê, được hưởng nhiều ngày nắng ấm, gío hiu hiu và đầy cá. Đức Giáo Hoàng nói thế với hàng chục ngàn người trong buổi triều yết chung được di chuyển từ thính đường thông thường qua Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngợp nắng để có thể tiếp đón đoàn người đông đảo. Ngài nói thêm: “Nhưng cũng có những thời điểm trong đó mặt nước nổi sóng và gió quật ngược dòng. Dường như Chúa thiếp ngủ”.

Đức Bênêđíctô, năm nay 85 tuổi, sẽ từ nhiệm vào ngày thứ Năm, chấm dứt triều đại giáo hoàng vào lúc 8 giờ tối. Vào buổi sáng, ngài sẽ gặp các vị hồng y có nhiệm vụ bầu người kế vị ngài vào một ngày trong tháng tới. Lúc 5 giờ chiều, một trực thăng sẽ đưa ngài tới dinh mùa hè ở Castel Gandolfo, nơi người ta chờ mong ngài sẽ vẫy tay với những người chào đón và tuyên bố ít lời. Đúng 8 giờ 1 phút tối, ngài sẽ mang danh hiệu “giáo hoàng hưu trí”.

Các chức sắc của Giáo Hội cho hay 150,000 đã tụ tập tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vào hôm thứ Tư. Họ vẫy cờ, vỗ tay và hô to “Benedetto” dưới bầu trời trong xanh, trong khi Đức Giáo Hoàng, vận đồ trắng, khoác áo choàng, nói với họ chủ yếu bằng tiếng Ý nhưng cũng đưa ra một số nhận định ngắn bằng các ngôn ngữ khác. Giáo hoàng xa thỉnh thoảng dừng lại để Đức Giáo Hoàng hôn các trẻ thơ được đưa đến cho ngài. Trong phần tư riêng nhất của bài diễn văn, Đức Bênêđíctô đã làm mọi người thấu hiểu một sự thật hết sức thực đối với bất cứ nhân vật tên tuổi nào của thế giới, nhất là những vị giáo hoàng: đời tư không còn hiện hữu nữa, một lời nhắn được coi như lời cảnh báo đối với người kế nhiệm ngài.

Nhắc lại ngày ngài được bầu làm giáo hoàng 19 tháng Tư năm 2005, Đức Bênêđíctô cho hay ngài đã lãnh một công việc mãi mãi. Ngài nói: “Người đảm nhiệm thừa tác vụ của Phêrô không còn cuộc sống tư riêng nữa. Ngài mãi mãi và trọn vẹn thuộc về mọi người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Có thể nói, chiều kích tư riêng hoàn toàn bị lấy mất khỏi đời ngài”. Và điều ấy, theo ngài, sẽ không thay đổi dù nay ngài đã rời thừa tác vụ và hướng về một đời cầu nguyện, không còn tông du, không còn gặp gỡ, không còn tiếp tân và hội nghị vốn lấy đi quá nhiều khỏi đời sống một vị giáo hoàng. Đức Bênêđíctô nhấn mạnh: “Sẽ không có chuyện trở lại cuộc sống riêng tư”, nhưng ngài sẽ phục vụ Giáo Hội “một cách mới mẻ”.

Làm mặt hồ gợi sóng trong những năm thời Đức Bênêđíctô là việc lây lan các tai tiếng lạm dụng tình dục liên hệ tới các linh mục, những bước hẫng gây phẫn nộ cho một số người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Anh Giáo, và việc rò rỉ đầy tai hại các tài liệu nội bộ của Vatican. Gần đây nhất, các tường trình của báo chí Ý cho hay: cuộc điều tra của ba vị hồng y về việc rò rỉ tài liệu cho thấy nhiều chi tiết chung quanh việc thối nát của các chức sắc Vatican.

Đức Bênêđíctô, vị giáo hoàng đầu tiên gần 600 năm nay tự ý từ nhiệm, đã nhắc lại lời giải thích đã đưa ra trong lời tuyên bố ngày 11 tháng 2. Ngài nói: “Trong những tháng gần đây, tôi cảm thấy sức mạnh của tôi đã giảm đi”. Ngài cầu xin Thiên Chúa giúp ngài thực hiện quyết định này “không phải vì lợi ích riêng của tôi, mà là lợi ích của Giáo Hội”. Ngài cho hay: ngài hoàn toàn ý thức được sự nghiêm trọng và mới mẻ khi quyết định như thế, “nhưng hoàn toàn với một thanh thản sâu xa của nội tâm”.

Người tầm thường

Trên đây là tường thuật ngày 27 tháng 2 của Tờ New York Times. Thực ra, buồn vui của vị giáo hoàng còn ôm lấy cả những người tầm thường, rất tầm thường. Trước nhất, họ là những người “không bao giờ lộ diện, chỉ ở hậu trường, trong im lặng, trong dấn thân hàng ngày, với một tinh thần đức tin và khiêm hạ” trong giáo triều Rôma, họ vốn là “sự nâng đỡ chắc chắn và đáng tin cậy đối với tôi”. Họ cũng là “những người tầm thường” không phải quốc vương, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo văn hóa thế giới, “đã viết cho tôi một cách đơn thành phát xuất từ trái tim và cho tôi cảm nhận tình âu yếm của họ, một tình âu yếm phát sinh từ việc chúng ta cùng nhau hiện hữu trong Chúa Giêsu Kitô, trong Hội Thánh. Những người này không viết cho tôi như viết cho một ông hoàng hay một nhân vật vĩ đại mà họ không biết. Họ viết như anh chị em, như con cái nam nữ, với một cảm thức của tình gia đình thân ái. Ở đây ta rờ mó thấy điều làm nên Hội Thánh, không phải một tổ chức, không phải một hiệp hội vì mục tiêu tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một cơ thể sống động, một cộng đồng anh chị em trong Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, Đấng hợp nhất tất cả chúng ta. Cảm nhận Giáo Hội cách này, cách gần như lấy tay đụng vào sức mạnh chân lý và tình yêu của Người, quả là nguồn hân hoan, vào một thời buổi nhiều người nói đến suy thoái”.

Cảm thức ấy đem lại niềm vui bao la, vì “giáo hoàng quả có anh chị em, có con cái nam nữ khắp thế gian, và ngài cảm thấy an ổn trong vòng hợp thông, vì ngài không còn thuộc mình ngài nữa, mà là thuộc về mọi người và mọi người quả thuộc về ngài”.

Chính vì thế mà ngài tiếp tục “đồng hành với Giáo Hội trên con đường cầu nguyện và suy tư”. Buồn vui, lúc nào cũng “tận hiến cho Chúa và Hiền Thê của Người, điều mà từ trước đến nay tôi luôn cố gắng sống hàng ngày và sẽ sống mãi mãi”.

Những lời ấy đã vang lên lần cuối cùng vào lúc 6 giờ 30 giờ tối ngày 28 tháng hai năm 2013 ở Castel Gandolfo với các cư dân của thị trấn và qua họ tới toàn thể thế giới rằng: “Tôi rất sung sướng được ở với anh chị em. Xin cám ơn tình bạn mà anh chị em dành cho tôi. Hôm nay khác với những ngày khác, vì từ sau 8 giờ tối tôi không còn là Giáo Hoàng Roma nữa, mà chỉ là một người lữ hành bình thường thôi. Nhưng với tất cả sức lực, các suy tư và lời cầu nguyện, tôi vẫn phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em, và chúc anh chị em một đêm an lành”. Người lữ hành là người mãi mãi sẽ đồng hành cùng anh chị em mình, những người cũng yếu hèn như mình.
 
Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CỦA SỨ VỤ GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI


VATICAN, 28.02.2013 - Còn gần 2 tiếng đồng hồ nữa Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ rời Tòa thánh Vatican. Gần 6 tiếng nữa, Tông tòa Phêrô sẽ trống. Ngồi đây, tôi cầu nguyện và cảm nghiệm, sâu lắng và tin tưởng.

Hàng vạn anh chị em tín hữu đến từ khắp các nẻo đường thế giới về đây quây quần bên ngài hôm qua trong buổi gặp gỡ cuối cùng hôm qua. Được là một trong số họ, tôi cảm thấy mình cứ phải tạ ơn mãi. Giờ khắc lịch sử trở thành giờ khắc của hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức mến. Cánh tay mỏi lắm vì vỗ liên tục, càng mỏi càng muốn vỗ thật to, vỗ thật to để tỏ lòng biết ơn một người cha tận tâm, vỗ thật lâu vì quá cảm phục một tinh thần tự do, sự thánh thiện và tình yêu khiêm hạ dám hi sinh. Có đứng tại nơi ấy, đặt mình trong tư cách một con người đối diện với ngài, một con người cũng mỏng manh như mình, mình mới cảm và thấy được tầm vóc tinh thần của ngài lớn như thế nào. Lớn lao không phải bởi ngài mà bởi Đấng hằng hoạt động nơi ngài. Giây phúc chiêm ngắm ngài không còn là chiêm ngắm một vị giáo hoàng khả kính nữa mà là chiêm ngắm một cách sâu xa sống động Thần Khí Phục Sinh đang rợp bóng trên các tín hữu khắp nơi và đang dẫn dắt lịch sử tiến về phía trước một cách vững chắc.

Tôi không thần tượng ngài vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất xứng đáng; nhưng tôi thật sự khâm phục và cảm ơn người cha yêu dấu này, vì:

Giữa một thế giới tranh giành tư lợi, tham quyền cố vị, ngài tự nguyện bước xuống vì yêu hạnh phúc của Hội Thánh nhiều hơn;

Giữa một thời thế điên đảo thèm khát sự tôn vinh cá nhân, ngài - một trong những người lỗi lạc nhất của thế giới - lại nhường lại vị trí mà cả thế giới tôn kính, chỉ vì một lí do đơn giản là: ngài tin rằng một ai đó sẽ làm tốt hơn mình cho dù mình đang là số 1 trong mắt của mọi người.

Giữa những thế hệ cho rằng thành công là chiếm hữu thì ngài khẳng định bằng tự do của mình rằng hạnh phúc là biết yêu đủ, qua hi sinh.

Những lời cuối cùng của vị giáo hoàng đáng kính thoang thoảng vang lên xa gần trong tâm: “Thiên Chúa hướng dẫn Hội Thánh của Ngài, Ngài luôn luôn nâng đỡ Hội Thánh, và đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn. Chúng ta không bao giờ đánh mất cái nhìn đức tin này, đó là cái nhìn đúng đắn duy nhất về con đường của Hội Thánh và của thế giới. Trong tâm hồn chúng ta, trong tâm hồn mỗi người trong anh chị em, luôn luôn có sự chắc chắn vui mừng rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, rằng Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài gần chúng ta và bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Ngài. Cảm ơn anh chị em!”

Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ, tri ân người cha tinh thần vĩ đại, qua tình yêu tự do, can đảm và quảng đại.

Đồng hồ đang điểm từng phút trôi qua để tiễn ngài đi vào miền thánh ý tròn đầy.

Giuse Việt, O.Carm.
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI HỨA SỰ "VÂNG PHỤC VÔ ĐIỀU KIỆN" VỚI ĐẤNG KẾ VỊ

VATICAN, 28.02.2013 - Trong ngày cuối cùng trên ngôi Giáo Hoàng và vài tiếng trước khi rời khỏi Tòa Thánh Vatican, các Hồng Y đã họp mặt chia tay với vị Cha chung tại Điện Tông Tòa Sala Clementina (nơi vẫn quàn xác các vị Giáo Hoàng qua đời). Trong bài diễn văn ngắn với những lời cuối cùng quan trọng được ĐTC Bênêđictô XVI bày tỏ rõ ràng trước Hồng Y Đoàn: "Trong anh em sẽ là vị Giáo Hoàng kế vị có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của người tiền nhiệm". Điều quan trọng hơn nữa dành cho người kế vị từ nơi ĐTC Bênêđictô XVI là "Tôi sẽ chứng minh sự tôn kính và vâng phục vô điều kiện với Tân Giáo Hoàng". 


"Tôi sẽ tiếp tục để được gần gũi với Anh Em trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trong những ngày tới", ĐTC Bênêđictô XVI nói thêm.

Ngài nhắc nhở các Hồng Y hãy làm việc làm việc trong sự hiệp nhất. Hồng Y Đoàn được ví "giống như một dàn nhạc giao hưởng" có thể đạt được đỉnh điểm trong sự hài hòa và phù hợp. Như thế, ngài nhắc lại tầm quan trọng của Mật Viện Hồng Y sẽ sắp gặp nhau để bầu Giáo Hoàng trong những ngày tới.

Trước đó ĐHY Niên Trưởng Angelo Sodano đại diện Hồng Y Đoàn nói lên những lời cảm tạ ngắn và chia tay với ĐTC Bênêđictô XVI: "Đấng kế vị Thánh Phêrô tôn kính và thương mến! Chúng con phải cảm ơn Cha đã ở với chúng con trong tám năm nay. Chúng con đã cố gắng đồng hành với Cha với tình thương sâu đậm. Hôm nay chúng tôi muốn bày tỏ một lần nữa tất cả lòng biết ơn của chúng con đến với Cha. Chúng con dùng từ ngữ từ quê hương (nước Đức) của Cha là "Vergelt's Gott" – "Thiên Chúa sẽ thưởng cho ngươi".

Sau đó từng Hồng Y tiến lên, từng người một chia tay riêng với ĐTC Bênêđictô XVI.

Như ĐTC Bênêđictô XVI đã thông báo không tham dự vào việc bầu Giáo Hoàng và bác bỏ tất cả những tin đồn có thể ảnh hưởng đến việc này kể cả lúc nghỉ hưu. Hôm nay qua lời hứa "vâng phục vô điều kiện" đối Đấng kế vị của ngài muốn xác nhận rõ ràng sự tôn kính và vâng phục hoàn toàn trong những ngày hưu trí của ngài.
 
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)