Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

CƠ HỘI VỊ GIÁO HOÀNG NAM MỸ : ĐỨC HỒNG Y LEONARDO SANDRI CỦA ARGENTINA VÀ ĐỨC HỒNG Y ODILO PEDRO SCHERER CỦA BA TÂY

Đức Hồng Y Leonardo Sandri (Argentina)
Nam Mỹ Châu là nhà cuả 42% dân số Công Giáo trên thế giới nhưng lại là một ngôi nhà có nhiều lỗ giột. Các chình phủ không luôn luôn hoà thuận với Giáo hội, một lý thuyết 'thần học giải phóng' phát triển khá rộng rãi, giáo phái Tin Lành Pentecoste đang tiả lần các giáo xứ Công Giáo và nạn vô thần cũng đang cướp đi nhanh chóng một số lớn giáo dân.

Đức John Paul II đã từng coi Nam Mỹ là tương lai cuả Giáo Hội, mà quả thế nó vẫn là tương lai cuả giáo hội vì không nơi đâu có nhiều giáo dân đến như thế, nhưng tương lai đó cần phải được chăm sóc cho chu đáo hơn.

Người ta nghĩ rằng một giáo hoàng từ Nam Mỹ sẽ là một ống thuốc bổ 'chích vào tay' để kích thích nền tảng Công giáo ở đây.


Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer (Ba Tây)
Hiện có 2 ứng viên sáng giá từ Nam Mỹ: Đức Hồng Y Leonardo Sandri của Argentina và Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer cuả São Paulo, Ba Tây.

Có một điều, cả hai đều có gốc 'nhập cư' chứ không phải là gốc bản thổ (Da Đỏ)hay Latinh (Hispanic), HY Sandri là người gốc Ý và HY Scherer là người gốc Đức, nhưng điều naỳ cũng có cái lợi của nó ở điểm nó có thể thu hút thêm những lá phiếu cuả các HY Âu Châu.

Cả hai vị đều có một lý lịch đầy ắp. Xin hãy bàn về HY Sandri trước.

Cơ hội cuả HY Sandri.

"Nếu người ta chọn một giáo hoàng giống như tuyển dụng một nhân viên, thì lý lịch cuả Hồng Y Sandri có lẽ sẽ là một "cú banh đập qua rổ" (slam-dunk), ít nhất là sẽ vượt qua vòng loại và được mời vào một cuộc phỏng vấn" theo lời bình phẩm cuả John L. Allen Jr.

Allen nói thêm: "Chúng ta đang nói về một người 69 tuổi, là số tuổi vừa phải, không quá già hoặc quá trẻ, ngài là một người sinh ra tại Argentina nhưng sống phần lớn bên Ý, nên ngài có thể hài hoà hai thế giới thứ Nhất và thứ Ba tại một thời điểm khi mà đạo Công giáo đang tìm kiếm một cầu nối giữa hai thế giới; và ngài là một 'tay kỳ cựu' (veteran) cuả Vatican với một danh tiếng là một quản trị viên chuyên nghiệp khi mà nhiều hồng y tin rằng việc kiểm soát Vatican là ưu tiên hàng đầu phải làm cuả vị Giáo Hoàng kế tiếp."

Thân thế sự nghiệp

HY Sandri sinh ra tại Buenos Aires, cha mẹ là người Ý di cư, gốc ở vùng Trentino bên Ý. Ngài học ban Nhân Văn, Triết Học và Thần Học tại Đại Chủng viện Thủ đô Buenos Aires. Năm 1967, ngài thụ phong linh mục.

Ngài đã làm cha phó ở giáo xứ Nuestra Señora del Carmen ở Villa Urquiza và là thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Aramburu cho đến năm 1970, rồi dược cử đi học ở Roma. Tại đây ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật từ Giáo Hoàng Học Viện Gregorian và tốt nghiệp học viện Pontifical Ecclesiastical Academy, là nơi đào tạo các nhà ngoại giao.

Năm 1974, HY Sandri được cử đi phục vụ ở Tòa Khâm sứ ở Madagascar và Mauritius, và phục vụ trong các Phái đoàn Tòa Thánh tới các đảo Comoros và Réunion ở Ấn Độ Dương.

Sau đó, ngài được gọi về Roma làm việc trong phủ Quốc Vụ Khanh từ năm 1977 đến 1989.

Từ 1989 cho đến 1991 ngài phục vụ tại toà khâm sứ ở Hoa Kỳ như là một quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States).

Thời gian ngài phục vụ tại Hoa Kỳ tuy ngắn ngủi nhưng đã tạo nhiều gắn bó thân thiết với một linh mục trẻ quê ở St Louis cũng đang giúp việc tại đó, vị linh mục trẻ đó có tên là Timothy Dolan, ngày nay là Đức Hồng Y nổi tiếng của New York, chủ tịch Hội đồng GMCG Hoa Kỳ.

Năm 1991 ngài về Roma làm nhiếp chính cho văn phòng Giáo Hoàng.

Năm 2002, trở thành giám sát viên các vấn đề tổng quát cuả phủ Quốc Vụ Khanh.

Năm 1997, được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela và được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu toà Aemona.

Sau hai năm làm việc ở Venezuela, ngài trở thành sứ thần Tòa Thánh ở Mexico một thời gian ngắn, rồi được gọi về Roma làm Quyền Tổng Quản (Substitute for General Affairs) ở phủ Quốc Vụ Khanh.

Với chức vụ Quyền Tổng Quản, HY Sandri là nhân vật thứ ba cuả giáo triều, chỉ sau Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh, chủ yếu lo việc nhân viên cho giáo triều.

Trong thời điểm sức khỏe cuả đức Gioan Phaolô II suy giảm, ngài là người thay mặt đức Gioan Phaolô đọc các văn bản cuả giáo hoàng; ngài là người thông báo cái chết của Đức Giáo Hoàng cho thế giới từ Quảng trường Thánh Phêrô, với một câu nói đã đi vào lịch sử như sau "Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã trở về nhà Cha ... Tối nay tất cả chúng ta đều cảm thấy như là những trẻ mồ côi".

Năm 2007, HY Sandri được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội phương Đông. Cùng năm đó ngài dược thăng Hồng Y.

Ngoài nhiệm vụ Tổng Trưởng, Hồng y Sandri cũng là một thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Hội đồng Giáo hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn, Hội đồng Giáo hoàng cho nội dung lập pháp, Ủy ban Giáo hoàng Mỹ Latin và Ủy ban Giáo hoàng về Vatican City, là thành viên của Thánh Bộ Giám Mục, hỗ trợ việc bổ nhiệm các giám mục trong các giáo phận truyền giáo, và là thành viên của Toà án Tối Cao.

Ngài thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Tư tưởng lập trường về Mục vụ

Hồng Y Sandri có ít kinh nghiệm mục vụ, nhưng qua nhận xét của ngài trước các giám mục Hoa Kỳ khi họ thực hiện cuộc hành hương "ad limina" tại Vatican hồi năm ngoái, ngài chứng tỏ là một người biết rõ hình ảnh của giáo hội là có vấn đề , và việc sửa chữa hình ảnh này tùy thuộc ở giáo hội chứ không ở ai khác.

"Ngày hôm nay có nhiều người đã nghi ngờ không biết vẫn còn có sự thánh thiện và trung thực trong hàng giáo sĩ nữa hay không. Chúng ta phải chứng minh là họ sai ", ngài nói.

"Chúng ta cần trở thành một cộng đồng thực sự của các thánh, tỏa sáng gương khiết tịnh và bác ái trước một nền văn hóa đang cần có những chứng nhân như thế."

Phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc truyền giáo mới trong tháng Mười năm ngoái, Hồng y Sandri cho biết rằng những người Công Giáo đông Phương đang phải đối mặt với nguy hiểm và đe dọa cho sự tự do tôn giáo của họ. Nhiều người đã tìm kiếm tự do và an toàn cho bản thân và gia đình ở phương Tây, nhưng lại gặp khó khăn vì khó thích nghi hoặc khó khăn trong việc duy trì đức tin của họ trong một xã hội dường như đã quên là Thiên Chúa còn hiện hữu.

Nhìn vào thực tế của toàn thể giáo hội một cách rộng lớn hơn, ngài nói với Thượng Hội Đồng: "Chúng ta phải cùng nhau thừa nhận rằng, mỗi khi chúng ta pha trộn 'công việc mục vụ' với quyền lực hoặc với lợi ích an ninh kinh tế, thì xảy ra các vấn đề, có sự phân hoá, có sự thiếu trung thành với Tin Mừng. Chúng ta cần thanh lọc tinh thần và sinh hoạt mục vụ của chúng ta cùng với các tín hữu của chúng ta. "

Những tuyên bố về tình hình ở Trung đông

HY Sandri đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong cuộc Tông Du Đất Thánh để tưởng niệm Yad Vashem (Holocaust) và nhận xét rằng bài phát biểu của ĐTC là một nguồn vui cho Kitô hữu và cho cả người Do Thái.

Đề cập đến tình trạng Kitô hữu ở đây, ngài phàn nàn về nạn di cư của các Kitô hữu ra khỏi khu vực, nói rằng, "sự thiếu bình an đã làm cho các Kitô hữu phải di cư ra ngoài và bỏ đất đai của họ lại. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước một khung cảnh thuần túy địa chất, với những di tích vật lý về sự hiện diện của Chúa Giêsu, nhưng không có sự hiện diện của những người đã lớn lên cùng với Ngài và sống đức tin của Ngài, và tiếp tục đi theo Ngài như những môn đệ tại chính quê hương của Ngài."

HY Sandri nói rằng mặc dù chế độ của Saddam Hussein là độc tài, nhưng không thể phủ nhận rằng giáo sĩ và giáo dân ở Iraq đã cảm thấy an toàn hơn dưới chế độ của ông ta và đời sống phụng vụ của họ đã không bị ảnh hưởng.

Nhửng ưu điểm

John L. Allen Jr. cho rằng các ưu điểm cuả HY Sandri thì dễ thấy:

Đầu tiên, nhiều hồng y đã nói về sự mong muốn tìm kiếm được một vị Giáo Hoàng có một tầm nhìn toàn cầu, tập trung hơn vào các mối quan tâm và đấu tranh của người Công giáo trong những nước đang phát triển. Đồng thời, họ không muốn bầu một người thiếu hiểu biết về giáo triều và xa lạ với hình thức năng động của sự lãnh đạo giáo hội ở phương Tây -như áp lực cuả truyền thông, môi trường pháp lý và chính trị, thể chế và gánh nặng tài chính của giáo hội ở những nơi có một cơ sở hạ tầng lớn vv.

Nếu như thế thì HY Sandri có vẻ là con người lý tưởng. Bởi vì có nguồn gốc ở Argentina, ngài được coi như là một "Đức Thánh Cha từ thế giới thứ ba", nhưng đồng thời ngài lại được xem như là một người Ý. Và chắc chắn không ai có thể nói rằng HY Sandri, với một kinh nghiệm ngoại giao lâu dài, không thông hiểu những thực tế của việc lãnh đạo trên sân khấu thế giới.

Thứ hai, hầu hết các hồng y tin rằng vị Giáo hoàng mới cần phải lo toan nhiều hơn về việc quản trị. Chúng ta đã có hai vị giáo hoàng không quan tâm nhiều đến việc quản lý kinh doanh của giáo triều: John Paul II tập trung vào việc mang thông điệp của giáo hội đến đường phố và thay đổi giòng thủy triều của lịch sử trong khi Đức Thánh Cha Benedict XVI là một giáo sư tuyệt đẹp và văn hóa, nhưng cả hai vị hầu như không cầm dây cương để trực tiếp điều khiển giáo triều.

Do đó trong tám năm qua, giáo hội đã phải trả một cái giá rất đắt - vụ Williamson (giám mục phái Lefebvre không tin có Holocaust, sẽ nói sau), vụ Vatileaks, phản ứng chậm trước những vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em, và tham nhũng tài chính. Nhiều Hồng y tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ cần phải giám sát một cuộc cải cách triệt để, theo hướng hiện đại hoá phương pháp và quản lý các triển vọng, áp dụng tính minh bạch và trách nhiệm, và bổ nhiệm nhân viên thích hợp với công việc.

Về điểm này, thì HY Sandri là một ứng viên đáng kính trọng không thua bất cứ ai có thể tìm thấy được.

Ngài có một danh tiếng lừng lẫy kể từ nhiệm kỳ làm Quyền Tổng Quản dưới thời GH John Paul II. Hầu hết ở Vatican, người ta công nhận ngài là hiệu quả, chi tiết, quan tâm tới sự việc cần thực hiện hơn là chơi những đòn chính trị.

Bởi vậy nếu các vị hồng y tìm kiếm một "Đức Giáo Hoàng cầm quyền," thì 'logic' theo con đường ngắn sẽ dẫn họ tới HY Sandri.

Thứ ba, HY Sandri là một 'tay kỳ cựu' ở Vatican, nhưng trong tâm trí của hầu hết các hồng y thì ngài không bị 'cháy' như trường hợp Quốc Vụ Khanh Hồng Y Tarcisio Bertone.

Năm 2007 khi HY Sandri được đổi làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương thì có vẻ như là bị 'xuống chức' dù cho là ngài được thăng Hồng Y. Tuy nhiên, hình như đó là một sự dự phòng cuả Chuá, vì nó giúp ngài tránh khỏi nhiều tai tiếng cuả giáo triều qua những biến cố 'bùng nổ' sau này như 'vụ giám mục cuả phái Lefebvre được cho phép thông công nhưng sau đó khám ra là vị giám mục này đã không công nhận nạn diệt chủng Do Thái', trường hợp 'từ chức cuả Dino Boffo chủ bút báo Công Giáo Avvenire, bị coi là giáo hội nhượng bộ tên thủ tướng 'râu xồm' Silvio Berlusconi' và vụ Vatileaks vv.

Thứ tư, thật khó tìm ra một ai đó không thích HY Sandri. Một số người còn gọi ngài là "có sức hấp dẫn", nhưng phần đông coi ngài là ấm áp, cởi mở và sống động hài hước. HY Sandri có rất nhiều bạn bè, không có kẻ thù.

Thứ năm, là một sản phẩm cuả ngoại giao, HY Sandri có một cái nhìn quân bình trên hầu hết các vấn đề chính trị và thần học. Là một quan chức Vatican sành sõi, ngài được lòng cả hai phiá bảo thủ và ôn hoà trong Hồng Y đoàn. Trong một cuộc Mật Nghị, nếu không có hy vọng một ai có đủ số phiếu hai phần ba, thì HY Sandri có thể là một ứng viên mà các HY có thể 'thoả hiệp' được. (compromised)

Những nhược điểm

Tuy nhiên, cũng theo John Allen, có ít nhất bốn nhược điểm về ứng viên HY Sandri.

Đầu tiên, nhiều người coi HY Sandri có thể là một vị Quốc Vụ Khanh tuyệt vời, nhưng không phải là Giáo Hoàng. Ngài có khả năng làm cho đoàn tàu chạy đúng giờ, nhưng không có 'sức thúc đẩy' Tin Mừng của Đức Gioan Phaolô II và cũng không có cái trí tuệ của Đức Bênêđictô XVI. Nhiều Hồng y muốn có một sự kết hợp những phẩm chất tốt nhất của cả hai vị giáo hoàng, họ có thể không thấy sự pha trộn đó ở HY Sandri.

Thứ hai, mặc dù được sinh ra tại Argentina, nhiều hồng y vẫn nghĩ ngài là một người Ý. Do đó một phiếu cho HY Sandri là một phiếu tiếp tục cái vòng phong toả cuả người Ý ở Vatican. Đây là một thời điểm tế nhị khi mà nhiều HY trên thế giới đang thất vọng vì những gì họ cho là "Italianization" (Ý hoá ) dưới thời cuả đức Benedict (bổ nhiệm và thăng tước Hồng Y cho nhiều người Ý) với kết quả đôi khi thảm họa.

Thứ ba, HY Sandri có ít kinh nghiệm mục vụ. Nhiều HY, trong số đó có các HY Hoa Kỳ, đã tỏ ý họ sẽ không tìm một viên chức hành chánh chuyên nghiệp nhưng sẽ tìm một vị giáo hoàng trong số các 'mục tử cuả các linh hồn'.

Thứ tư, có một số lo ngại về gánh hành lý cuả HY Sandri, tức là những tư tưởng và hành động trước đây của ngài.

Ví dụ, HY Sandri đã phục vụ trong phủ Quốc Vụ Khanh dưới thời Hồng Y Angelo Sodano dưới triều ĐGH John Paul, lúc đó HY Sodano đã hỗ trợ mạnh mẽ cho vị LM Mexico Marcial Maciel Degollado, người sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô, và sau đó bị khám phá ra một loạt lạm dụng tình dục và hành vi sai trái. Khi LM Maciel tổ chức kỷ niệm 60 năm linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành ở Rome vào năm 2004, HY Sandri đã được cử đến đọc một lá thư khen ngợi cuả ĐGH John Paul.

Măc dù HY Sandri không được xem như là người ủng hộ LM Maciel, vài hồng y có thể sẽ không thoải mái về cái triển vọng là giới truyền hình sẽ trình chiếu lên TV cảnh vị giáo hoàng mới đã từng ca ngợi một linh mục lạm dụng tình dục, dù cho đó không phải là lời lẽ cuả ngài.

Một trường hợp khác, truyền thông Ý đã liên hệ HY Sandri với một vụ bê bối xung quanh nhân vật Angelo Balducci, một người Ý bị truy tố tham nhũng. Balducci, có danh hiệu là 'quí ông danh dự cuả toà thánh' ("Gentleman of his Holiness"), đã dính liú vào một đường dây mại dâm đồng tính và đã bị thu thanh đang đàm phán dịch vụ với một thành viên của một Ca đoàn của Vatican.

Những 'thu thanh nghe lén' cho thấy HY Sandri và Balducci là bạn với nhau, ngài đã từng giới thiệu cho Balducci đấu giá và thắng lợi một hợp đồng $400 triệu cuả chính phủ.

Không ai buộc tội HY Sandri làm việc gì sai trái, nhưng sự liên hệ với Balducci có thể bị các HY coi xét nhiều hơn trước cuộc họp kín bầu Giáo hoàng.

Tổng quát hơn, vì nắm giữ những chức vụ cao trong phủ Quốc Vụ Khanh có nghĩa là đã tham gia vào bối cảnh tài chính và chính trị Ý, cho nên một số hồng y có thể tự hỏi, liệu có những 'bộ xương khô' nào khác bị giấu trong tủ áo không, hoặc, có lẽ, có những tình huống vô tội nhưng rất khó khăn để giải thích không?

Một lý lịch lý tưởng cho chức vụ giáo hoàng có lẽ khó mà tìm thấy và do đó hầu như chưa có một đồng thuận nào về việc phải có một hồ sơ như thế nào cho chức vụ giáo hoàng. Khi nhìn tới lý lịch cuả HY Sandri, các HY sẽ tìm thấy nhiều điểm họ thích, nhưng cũng có những điểm làm cho họ rụt rè, và như vậy thì cơ hội cuả vị HY người Argentina có gốc Ý này, về cơ bản không khác bao nhiêu so với nhiều vị sáng giá khác.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

TRƯỚC KHI CHẾT TỔNG THỐNG CHAVEZ LÀM HÒA VỚI GIÁO HỘI VÀ TRỞ VỀ VỚI CHÚA

CARACAS, VENEZUELA - Thông tấn xã CNA của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy ở Venezuela cho biết Tổng thống Hugo Chavez trước khi chết đã sám hối trở về với Giáo Hội Công Giáo và đã được chịu các phép bí tích sau cùng.
Khi thông báo cho quốc dân biết về cái chết của Tổng Thống Chavez vào ngày 5 tháng 3, Phó Tổng thống Nicolas Maduro nói Tổng Thống đã trở về với Chúa và ông đã dùng cụm từ “bám lấy Chúa Kitô (Clinging to Christ) để chỉ hành động của Tổng Thống Chavez trong những tuần lễ cuối đời. Vào lúc lâm chung Tổng Thống đã yêu cầu được phó linh hồn và xin nhận bí tích xức dầu.

Kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 1999, Tổng thống Chavez là một người hung hăng chống đối Giáo Hội Công Giáo. Ông chống lại chính sách công bằng xã hội của Kitô Giáo và muốn thiết lập một chính sách xã hội chủ nghĩa theo ý mình. Năm 2002, Tổng thống Chavez đã gọi các Giám Mục Venezuela là "khối ung nhọt" phá hoại các mục tiêu cách mạng của mình. Đồng thời ông nêu đích danh Tòa Thánh Vatican đừng can thiệp vào công việc nội bộ đất nước của ông.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Chavez đôi khi tham dự nghi thức tôn giáo tại các nhà thờ của giáo phái khác. Rồi vào tháng Tư năm 2012, giới truyền thông rất ngạc nhiên khi ông xuất hiện tại một nhà thờ Công giáo ở quê hương mình là vùng Barinas để tham dự nghi thức Tuần Thánh. Ông đeo tràng hạt quanh cổ của mình và cầu nguyện xin cho được lành bệnh. Các ống kính truyền hình ngoại quốc thường chiếu hình ông Chavez cầm thánh giá hôn trước mặt các ký giả. Tháng Bảy năm ngoái, Tổng thống Chavez đã yêu cầu được gặp Hội Đồng Giám Mục Venezuela

Sau cái chết của Tổng thống Chavez, Đức Hồng Y Jorge Urosa của tổng giáo phận Caracas đang ở tại Rome tham dự bầu Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn tới chính quyền Venezuela và yêu chính quyền áp dụng các điều khoản trong Hiến pháp để duy trì trật tự công cộng, hòa bình và đoàn kết nhân dân.

Nguyễn Long Thao (VietCatholic News) 

MỘT SỐ TIN TỨC TẠI VATICAN TRONG 3 NGÀY QUA

Trong cuộc họp báo vào lúc 13 giờ thứ ba 05/03, linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh, cho biết cộng nghị hồng y vào các phiên họp lúc 9 giờ 30 và 17 giờ thứ hai, 9 giờ 30 sáng thứ ba, có 33 vị hồng y phát biểu về tân phúc âm hóa và các vần đề khác.

Sáng thứ Hai (04/03), linh mục Cantalamessa, dòng Phanxicô, đã thuyết giảng mở đầu công nghị hồng y. Theo hiến chế của Đức Gioan-Phaolô II, một vị hồng y sẽ thuyết giảng bắt đầu mật nghị bầu giáo hoàng.

Cũng trong ngày thứ Hai, tuần báo Chi của Ý in hình Đức Bênêdictô XVI chụp lần đầu tiên sau ngày ngài từ nhiệm. Tấm hình chụp đức thánh cha đang đi bách bộ trong khu vườn biệt điện Castel Gandolfo, cùng với thư ký riêng người Đức Georg Gänswein. Ngài sẽ lưu lại đây trong vòng hai tháng, chờ tu bổ xong một đan viện ở Vatican, nơi ngài sẽ sống ấn dật và cầu nguyện.

Sáng thứ ba (05/03), có 148 vị hồng y tham dự công nghị, trong số này có 110 vị sẽ dự mật nghị bầu giáo hoàng. 5 vị hồng y cử tri còn lại sẽ lần lượt đến Rôma là ĐHY Nycz (Varsovie), ĐHY Phạm Minh Mẫn (Việt Nam), ĐHY Thang Hán (Hồng Kông), ĐHY Lehmann (Đức) và ĐHY Gharib (Ai Cập). Mật nghi hồng y chỉ có thể khai mạc với sự hiện diện đông đủ của 115 vị hồng y cử tri. Trước khi đáp máy bay sang Rôma, ĐHY Phạm Minh Mẫn đã tuyên bố: ‘‘Vị giáo hoàng sắp tới phải đánh động tâm tư mọi người.’’

Sáng thứ Tư (06/03), các vị hồng y tiếp tục thảo luận về tân phúc âm hóa. Các thông dịch viên đều tuyên thệ không tiết lộ nội dung các cuộc thảo luận.

Trả lời câu hỏi của truyền hình Canada về triển vọng được bầu làm giáo hoàng, ĐHY Marc Ouellet (Canada) đã nhắc lại câu ngạn ngữ quen thuộc: ‘‘Vị nào được coi là giáo hoàng khi bước vào mật nghị, khi ra khỏi mật nghị vẫn chỉ là hồng y.’’

ĐHY O’Malley trả lời đài truyền hình Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha, cho biết ảnh hưởng của châu Mỹ thật là lớn lao, mở ra nhiều triển vọng cho tương lai.’’

Các vị hồng y đã gửi điện văn đến Đức Bênêdictô XVI bầy tỏ lòng biết ơn về triều đại tươi sáng và tinh thần mục vụ ân cần, quảng đại lượng của ngài đối với Hội thánh và khắp thế giới.

Mặt khác, văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết đã nhận được 5032 ủy nhiệm thư của 4432 nhà báo có nhiệm vụ tường thuật biến cố đặc biệt này, không kể 600 nhà báo thường trú, đại diện 104 cơ sở truyền thông của 65 quốc gia, sử dụng 24 ngôn ngữ khác nhau.

Lê Đình Thông
(VietCatholic News)

CƠ MẬT VIỆN BẦU TÂN GIÁO HOÀNG - TƯỜNG TRÌNH TỪ VATICAN NGÀY 06.3.2013

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

HỒNG Y ĐOÀN TIẾP TỤC HỌP KÍN

VATICAN : Ngày mai (06/03), Hồng y đoàn sẽ họp phiên khoáng đại. Các hồng y đã tuyên thệ không tiết lộ bí mật, trong khi các cơ quan truyền thông bên ngoài đưa ra nhiều tin đồn về danh sách các vị hồng y có triển vọng trở thành giáo hoàng (short list des papabili): ĐHY Christoph Schönborn (TGM Vienna), ĐHY Odilo Scheler (TGM Sao Paulo), ĐHY Luis Antonio Tagle (TGM Manila - Phi Luật Tân), ĐHY Wilfrid (TGM Napier - Nam Phi).

Truyền thông bên ngoài cũng nói các vị hồng y có khuynh hướng muốn vị tân giáo hoàng từng là chủ chăn một giáo phận, thay vì từ giáo triều như trường hợp ĐHY Joseph Ratzinger từng là bộ trưởng Thánh bộ Đức tin vào năm 2005 trước khi được tôn cử lên ngôi vị giáo hoàng. Họ cũng đưa ra quan điểm vị tân giáo hoàng cần chú trọng đến việc truyền giáo, thực hiện tân phúc âm hóa, từng được 250 vị giám mục trên khắp thế giới thảo luận trong thượng hội đồng giám mục họp vào tháng 10/2012.

Trong khi đó, ông Giovanni Maria Vian, giám đốc nhật báo Osservatore Romano của Tòa thánh cho rằng‘‘nguồn gốc địa dư của vị tân giáo hoàng không quan trọng. Có thể tân giáo hoàng đến từ châu Mỹ’’.

Hiện nay có 117 hồng y có quyền tham dự mật nghị bầu giáo hoàng, trong số có 67 vị là do đức Bênêdictô XVI bổ nhiệm. Tuy nhiên, ĐHY Patrick O’Brien (Edimbourg) và ĐHY Darmaatmadja (Jakarta) sẽ không tham dự mật nghị, một vị vì lý do đã từ chức và một vị vì lý do sức khỏe. Như vậy, số hồng y tham dự mật nghị là 115 vị. Trong số 115 vị có 5 vị vẫn chưa đến Roma. Đó là Thượng phụ Antonios Naguib của Ai Cập, Hồng Y Karl Lehmann của Đức, Hồng Y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn của Việt Nam, Hồng Y Kazimierz Nycz của Ba Lan và Hồng Y John Tong Hon của Hồng Kông.

115 vị hồng y sẽ tham dự mật nghi chia ra như sau:

Châu Phi: 11 vị
Nam Mỹ: 19 vị
Bắc Mỹ: 14 vị
Châu Á + Châu Úc: 11 vị
Châu Âu (không kể Ý): 32 vị
Ý: 28 vị
Tổng cộng: 115 vị

Hai vị hồng y vắng mặt:
1) Julius Darmaatmadja, Jakarta, Indonesia
2) Keith O'Brien of St. Andrews and Edinburgh, Scotland.


Lê Đình Thông
(VietCatholic News) 

ĐIỆN THƯ HỒNG Y ĐOÀN GỬI CÁM ƠN ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

VATICAN - Trong Công Nghị Chung ngày 5 Tháng Ba 2013, các vị Hồng Y đã viết một điện tín gửi đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đây là nội dung bức điện thư:

KÍNH GỬI ĐỨC THÁNH CHA
NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
CASTEL GANDOLFO

CÁC HỒNG Y NGHỊ PHỤ ĐÃ QUY TỤ VỀ VATICAN ĐỂ DỰ CÔNG NGHỊ CHUNG VỚI TRỌNG ĐIỂM LÀ BÀN VỀ CUỘC MẬT NGHỊ SẮP TỚI, KÍNH GỬI ĐẾN ĐỨC THÁNH CHA LỜI CHÀO NỒNG NHIỆT CÙNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN SÂU SẮC CỦA HỌ ĐỐI VỚI TOÀN THỂ SỨ VỤ THÁNH PHÊRÔ MÀ ĐỨC THÁNH CHA ĐÃ THỰC THI CÁCH LỖI LẠC VÀ MẪU GƯƠNG CHĂM SÓC MỤC VỤ THẮM TÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA VÌ LỢI ÍCH CỦA GIÁO HỘI VÀ CỦA THẾ GIỚI.

VỚI LÒNG BIẾT ƠN NÀY, HỌ HY VỌNG ĐƯỢC ĐẠI DIỆN CHO TOÀN THỂ GIÁO HỘI XIN GHI NHẬN NHỮNG CÔNG VIỆC KHÔNG MỆT MỎI CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG VƯỜN NHO CỦA CHÚA.

THAY LỜI KẾT, CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỒNG Y ĐOÀN TIN TƯỞNG VÀO LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO HỌ CŨNG NHƯ CHO TOÀN THỂ GIÁO HỘI.

+ HỒNG Y ANGELO SODANO
NIÊN TRƯỞNG HỒNG Y ĐOÀN

---------------------------------------

TO HIS HOLINESS
POPE EMERITUS BENEDICT XVI
CASTEL GANDOLFO

THE CARDINAL FATHERS, GATHERED AT THE VATICAN FOR THE GENERAL CONGREGATIONS IN VIEW OF THE NEXT CONCLAVE, SEND YOU THEIR DEVOTED GREETINGS AND EXPRESS THEIR RENEWED GRATITUDE FOR ALL YOUR BRILLIANT PETRINE MINISTRY AND FOR YOUR EXAMPLE OF GENEROUS PASTORAL CARE FOR THE GOOD OF THE CHURCH AND OF THE WORLD.

WITH THEIR GRATITUDE THEY HOPE TO REPRESENT THE RECOGNITION OF THE ENTIRE CHURCH FOR YOUR TIRELESS WORK IN THE VINEYARD OF THE LORD.

IN CONCLUSION, THE MEMBERS OF THE COLLEGE OF CARDINALS TRUST IN YOUR PRAYERS FOR THEM, AS WELL AS FOR THE WHOLE CHURCH.

+ CARDINAL ANGELO SODANO
DEAN OF THE COLLEGE OF CARDINALS
 
Tiền Hô
(VietCatholic News) 

VATICAN VẪN ĐANG CHỜ ĐỢI 5 HỒNG Y CHO CUỘC HỌP KÍN BẦU GIÁO HOÀNG

Vatican vẫn đang chờ đợi 5 hồng y cho cuộc họp kín bầu Giáo hoàng 
trong đó có ĐHY Phạm Minh Mẫn

VATICAN CITY - Cha Lombardi cho biết là Tòa Thánh còn đang chờ đợi thêm 5 hồng y đến Vatican trước khi ấn định ngày cho cuộc bầu cử. Tổng cộng có 110 trong số 115 hồng y tuổi bỏ phiếu tham dự ngày thứ hai của cuộc họp chuẩn bị tổ chức các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, thảo luận các vấn đề của Giáo Hội và có cơ hội nhận biết nhau.

Các vị hồng y chưa có mặt tại Roma gồm có: Thượng phụ Antonios Naguib của Ai Cập, Hồng Y Karl Lehmann của Đức, Hồng Y Jean-Baptiste Phạm của Việt Nam, Hồng Y Kazimierz Nycz của Ba Lan và Hồng Y John Tong Hon của Hồng Kông.

Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican cho biết các vị hồng y nêu trên sẽ tới Roma trong những ngày tới và không quan tâm về sự chậm trễ của các vị.

Hiện các vị hồng y có mặt đã có một số các cuộc họp quan trọng nhằm bàn đến các thông tin về việc quản lý các văn phòng và các bộ của Tòa Thánh.

Hôm nay thứ Ba (5/3) các hồng y đã ký tắt trên một điện tín gửi cho Đức Thánh Cha Benedict XVI cám ơn ngài vì sứ vụ giáo hoàng "rực rỡ" và "làm việc không mệt mỏi trong vườn nho của Chúa."

Ngoài ra hôm nay Nhà nguyện Sistine đóng cửa cho du khách vì cần thi công xây dựng công trình đã được tiến hành để chuẩn bị cho các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, các hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập hợp để bầu Giáo hoàng mới sau khi ĐGH Bênêđictô XVI từ chức vào tháng trước.

Đồng Nhân
(VietCatholic News) 

CƠ HỘI MỘT VỊ GIÁO HOÀNG NGƯỜI CANADA : ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET, HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH

Đức Hồng Y Marc Ouellet
Nếu các Hồng Y chọn một tân giáo hoàng căn cứ trên 'lời bàn tán' (chatter) hay việc 'bỏ phiếu bằng chân' thì ĐHY Marc Ouellet có lẽ sẽ là vị giáo hoàng tương lai.

Có thể phải mất một thời gian Mật Viện mới chọn được một Giáo hoàng, nhưng tại ngôi làng nhỏ bé có tên là La Motte ở phía Bắc Quebec, là nơi sinh quán cuả vị hồng y, người ta đã bắt đầu phải xử lý một số lượng khách du lịch bắt đầu tuôn đến, và có vẻ họ không cáng đáng nổi.

"Chúng tôi đã nhìn trên internet số liệu khách hành hương cuả nơi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI", ông René Martineau, thị trưởng La Motte nói. "Nhưng chúng tôi chỉ là một ngôi làng nhỏ có 450 người thôi. Nếu quả thật sẽ có 200.000 người đến đây, thì chúng tôi không biết phải làm gì."

Nhà văn Andrea Tornielli, một ký giả kỳ cựu cuả Vatican, viết trên tờ La Stampa rằng, "một cách để đánh giá một ứng viên giáo hoàng là việc đếm xem có bao nhiêu 'tin đồn thì thầm' về vị ấy. Dùng tiêu chuẩn đó mà thôi, thì Đức Hồng Y Marc Ouellet đã là một ứng viên thực sự sáng giá."

Nổi tiếng là thông minh, thông thạo nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Đức), lại có nhiều kinh nghiệm, HY Ouellet là điển hình cho những gì cần có cho chức vụ Giáo Hoàng ngày hôm nay.

HY Ouellet, 68 tuổi, người gốc Quebec, hiện đang là tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục và đồng thời là chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh. Trước đó, ngài từng là Tổng Giám Mục của Quebec và là niên trưởng cuả HĐGM Canada.

"HY Ouellet còn được biết đến như là một người làm việc chăm chỉ ", theo lời bà Anne Leahy, cựu đại sứ Canada ở Tòa Thánh. "Nhiều người đã biết rằng lúc ngài nhận việc (làm tổng trưởng).. . đã có nhiều ứ đọng về những quyết định chọn giám mục, nhưng ngài đã làm sáng tỏ rất nhiều tồn đọng. Đã thực hiện nhiều quyết định và công việc lại được ổn định."

Nhưng cũng như những người có một sự nghiệp lâu dài, ngài cũng vác trên vai một gánh hành trang lớn, với nhiều thành công và thất bại, và với nhiều sự việc từng gây tranh cãi sôi nổi trên dư luận.

Thân thế sự nghiệp

HY Ouellet sinh năm 1944 trong một gia đình Công giáo có tám người con ở La Motte, Quebec. Cha ngài, ông Pierre, gốc nông dân, tự học, và trở thành chủ tịch của hội đồng giáo dục trong khu vực.

Lớn lên trong khung cảnh cuả một giáo xứ nhỏ bé là Eglise Saint-Luc (bây giờ là một trung tâm cộng đồng), HY Ouellet đã mô tả gia đình của mình là 'có đạo', nhưng không phải 'mộ đạo'. Kỷ niệm thời thơ ấu bao gồm việc đọc nhiều sách, chơi hockey (khúc côn cầu trên băng), săn bắn chim đa đa, và câu cá, trong muà hè thì giúp việc chữa cháy rừng.

Hồi 17 tuổi, trong khi nằm dưỡng bệnh vì bị chấn thương trong một trận khúc côn cầu, ngài đã đọc 'truyện một tâm hồn' cuả thánh Têrêsa thành Lisieux và bắt đầu có ý nghĩ tìm một lẽ sống cho đời mình. Bố ngài, ông Pierre đã miễn cưỡng về cái ý tưởng làm linh mục của đứa con trai, nhưng với một quyết tâm vững chắc, ngài đã được thụ phong linh mục vào năm 1968 tại quê nhà là Eglise Saint-Luc và làm chánh xứ nhà thờ Saint-Sauveur ở Val-d'Or.

Vào năm 1970, sau khi học tiếng Tây Ban Nha, ngài xin đi Nam Mỹ để truyền giáo, ngài trở thành 'cha giáo' cuả đại chủng viện ở Bogotá, Colombia. Đây là một chủng viện do Hội LM Xuân Bích thành lập. 2 năm sau ngài chính thức gia nhập Hội LM Xuân Bích.

Và rồi 'cha' Ouellet đã thực hiện hầu hết các công việc cuả mình trong khuôn viên các chủng viện, như dạy học, làm giám đốc chủng viện, làm Bề trên Hội LM Xuân Bích và tu nghiệp ớ nhiều địa điểm ở âu Châu và Mỹ Châu. Ngài lấy tiến sĩ 'giáo điều thần học' (dogmatic theology) tại Giáo Hoàng Học viện Gregorian vào năm 1980.

Năm 2001 ngài được bổ nhiệm làm thư ký cuả Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu và được thăng lên hàng tổng giám mục hiệu toà Agropoli, lễ thụ phong do chính Đức Giáo Hoàng John Paul II chủ tế tại Thánh đường Thánh Phêrô.

Năm sau, 2002, ngài được bổ nhiệm tổng giám mục Quebec và trở thành niên trưởng cuả HĐGM Canada.

Năm 2003, ngài thăng Hồng Y. Trong cuộc Mật Nghị năm 2005, đã có lời đồn đãi là ngài có thể sẽ làm giáo hoàng.

Năm 2008, ngài tổ chức thành công đại hội Thánh Thể tại Quebec. Đây là một đại hội rất lớn vì trùng hợp với kỷ niệm 400 năm sinh nhật cuả thành phố Quebec.

Năm 2010, ngài được gọi về Roma giữ chức tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục và làm chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh.

Tại giáo triều, ngài cũng đảm nhiệm nhiều chức vụ như làm thành viên của các Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Giáo sĩ, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Ủy ban Giáo hoàng về Đại hội quốc tế Thánh Thể, Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin, Hội đồng Hồng Y Đoàn nghiên cứu các vấn đề kinh tế của Tòa Thánh, Hội đồng Giáo hoàng của việc Truyền giáo mới, Ban Thư ký của Nhà nước, Hội đồng Giáo hoàng về nội dung Lập pháp và Thánh Bộ các Giáo Hội Đông Phương.

Tư tưởng thần học

HY Ouellet thường viết trên báo Communio, một tạp chí thần học bàn về các vấn đề cuả Công đồng Vatican II, và làm bạn thân thiết với Hans Urs von Balthasar, một nhà thần học Thụy Sĩ nổi tiếng.

Ngài phàn nàn rằng cái nhìn 'tương đối' về Kinh Thánh, tức là phủ nhận giá trị tuyệt đối cuả lời Chuá, đã tạo thành một cuộc khủng hoảng thực sự ở bên ngoài và ở bên trong Giáo Hội. Ngài nói: "Trong những thập kỷ qua, một cuộc khủng hoảng sâu sắc đang làm rung chuyển đến nền tảng văn hóa cuả châu Âu. Một loại lý luận mới áp đặt những phạm trù mới để cố gắng hạ thấp 'căn bản' Kitô giáo của châu Âu xuống một hàng thứ yếu. Có vẻ như người ta muốn nhân danh chủ nghĩa thế tục để duyệt xét lại bản Kinh Thánh, và hoà tan Kinh Thánh vào một thứ đa nguyên tôn giáo và coi Kinh Thánh chỉ là một tài liệu tham khảo về văn hóa mà thôi".

Ngài cũng lo ngại rằng nhiều người Công giáo đã giải thích giáo huấn của Công Đồng Vatican II một cách quá tự do và làm như vậy, họ cắt đứt những kết nối từ cốt lõi của đức tin của họ. Thuyết tương đối dẫn đưa các linh mục đến việc từ bỏ đời sống độc thân, giảm bớt việc giáo dục tôn giáo, và đưa chính trị đi về phiá tả - tất cả đều không phải là ý định của Công đồng. HY Ouellet viết: "Sau Công đồng, ý thức trách nhiệm đã bị thay thế bởi ý tưởng đối thoại. Nghiã là chúng ta cần đối thoại với các tôn giáo khác và không cố gắng đưa Tin Mừng đến cho họ ".

Tư tưởng về Phá Thai

Năm 2010, HY Ouellet một lần nữa xác định ý kiến rằng mọi phá thai là vô lý, tại một cuộc biểu tình chống phá thai ngài nói những phụ nữ nếu bị có bầu sau khi bị hãm hiếp cũng nên từ chối phá thai vì "đã có một nạn nhân rồi thì chúng ta có nên tạo thêm ra một nạn nhân khác nữa không?" ngài đặt câu hỏi như thế. "Lấy đi mạng sống của người khác luôn luôn là một tội phạm đạo đức."

Toàn thể chính giới không phân biệt đảng phái cuả Canada đã phản đối mạnh mẽ. Một tờ báo ở Montréal gọi ngài là "Người theo chủ nghiã chính thống của Quebec" (fundamentalist of Quebec).

Một vài tháng sau, trong bài giảng từ giã trước khi đi Vatican làm tổng trưởng, HY Ouellet đưa ra một lời xin lỗi, thừa nhận rằng một số phát biểu của mình đã gây ra những tổn thương và đau đớn. "Thông điệp của sự thật không phải lúc nào cũng dễ nghe," ngài nói "thật là một đau đớn cho những người nghe và đôi cũng là một đau đớn cho những người đã nói".

Ngài thường đưa ra chủ trương này: "Chính phủ đang tài trợ cho các phòng phá thai, tôi muốn có sự công bằng cho các tổ chức bảo vệ sự sống. Nếu chúng ta có sự quân bình trong việc tài trợ để giúp phụ nữ thì tôi nghĩ rằng chúng ta đạt được nhiều tiến bộ ở Canada".

Xin lỗi những sai sót cuả Giáo Hội

Năm 2007 trong một lá thư viết bằng tiếng Pháp công bố cho báo chí ở Quebec, Đức Hồng Y Ouellet công khai xin lỗi cho những gì ngài mô tả là những quá khứ "sai sót" của Giáo hội Công giáo La Mã ở Quebec. Trong số các lỗi lầm, là thái độ cuả giáo hội trước năm 1960 đã thúc đẩy những việc "chống Do Thái, phân biệt chủng tộc, thờ ơ với các bộ lạc Da đỏ (First Nations) và phân biệt đối xử với phụ nữ và người đồng tính."

HY Ouellet cho biết bức thư của ngài được viết để làm sáng tỏ những điểm ngài đã đệ trình lên Ủy ban Bouchard-Taylor (nghiên cứu về những điều cần làm về vấn đề văn hoá và tôn giáo cho các dân thiểu số), và đồng thời là noi gương một bức thư tương tự đã được Đức Giáo Hoàng John Paul II ban hành vào năm 2000.

Tư tuởng về chức vụ Giám Mục

Là tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục, HY Ouellet đóng một vai trò chính trong việc lựa chọn các giám mục và tổng giám mục trên khắp thế giới. Những vị giám mục bổ nhiệm trong nhiệm kỳ của ngài thường là những nhà thần học và bảo vệ đức tin. Số giám mục nổi tiếng được bổ nhiệm bao gồm: Angelo Scola (nay là HY, Ý), Charles J. Chaput (Mỹ ), Luis Antonio Tagle (nay là HY, Phi Luật Tân), và Charles Morerod (Thuỵ Sỹ ).

HY Ouellet nói: "Bây giờ, đặc biệt là trong bối cảnh thế tục hóa xã hội, việc đầu tiên chúng ta cần là các giám mục truyền giáo, chứ không chỉ là quản trị viên của các giáo phận, đó những người có khả năng rao giảng Tin Mừng, những người không chỉ là trung thành với huấn quyền và Đức Giáo Hoàng, nhưng cũng có khả năng giảng và, nếu cần thiết, bênh vực đức tin cách công khai ". Ngài cũng cảnh báo rằng nếu một linh mục hay một giám mục muốn 'nổi' để được thăng chức thì "tốt hơn là cứ để vị ấy ở lại chức vụ cũ ".

Một kinh nghiệm Mục Vụ đau thương

Có nhiều thay đổi vào năm 2002 khi Đức Giáo Hoàng John Paul II cử ngài làm tổng giám mục Quebec. Canada đã tổ chức cuộc hôn nhân đồng tính đầu tiên, và có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến cuối cùng trên toà án. Số giáo dân sụt giảm đáng kể, kể cả ở Quebec từng là một pháo đài Công Giáo. Pháo đài này lúc đó trở thành một chiến tuyến giữa những giáo huấn cuả Hội Thánh và một phe tả chính trị với một chủ nghiã 'giải phóng' (liberalism).

HY Ouellet đến Quebec với một nhiệm vụ ngăn chặn sự suy thoái này, nhưng nhiệm kỳ cuả ngài đã bị giới truyền thông luôn chế nhạo như là một hình ảnh cuả một người bảo thủ cứng rắn chống chọi lại một xã hội hiện đại. Những người chung quanh ngài cho biết trong thực tế đó là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với một người mà họ biết, là một trí tuệ cương quyết nhưng luôn luôn đi kèm với một nhân cách đơn giản, ấm áp.

Thêm vào những khó khăn đó, người em trai của ngài là Paul Ouellet, một nghệ sĩ và giáo viên nghỉ hưu, đã nhận tội vào năm 2003 là đã xâm phạm tình dục với hai cô gái trong năm 1980, khi họ mới có 13 và 14, trẻ hơn anh ta tới 30 tuổi. HY Ouellet không bao giờ bàn về việc ấy cách công khai, nhưng những người thân với ngài cho biết rằng đó là một vết thương đau đớn sâu xa.

Geoffroy de la Tousche, một linh mục người Pháp đã viết một cuốn sách dựa trên các cuộc thảo luận dài với HY Ouellet, cho biết ngài thường nhìn lại quãng thời gian đó với một nỗi u buồn nào đó. Cha de la Tousche nói "Tôi nghĩ rằng thời gian ở Quebec của ngài là một sự đau buồn khi phải nhìn thấy rằng ngay cả những thông điệp đơn giản nhất cuả mình cũng không được chấp nhận", Cha nói thêm "HY Ouellet chấp nhận nhiệm vụ với một sự hiểu biết rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng tôi không nghĩ rằng ngài đã nghĩ nó có thể khó khăn đến như thế."

Những phê bình

HY Ouellet có nhiều người chống đối.

Một số linh mục ở Quebec vẫn còn ấm ức với ĐHY vì ngài cấm không cho họ 'giải tội tập thể' để ban ơn tha tội chung hàng loạt, tránh cho người Công Giáo khỏi bị khó chịu vì phải vào tòa giải tội, họ ủng hộ giải pháp này vì nó giúp cho số giáo dân tham dự đông hơn.

Tờ baó National Catholic Reporter, một tờ báo Công Giaó lớn nhưng thường bị các giám mục sở tại chê trách, đã phê bình HY Ouellet trong năm 2005 là "những người từng làm việc với HY Ouellet 'mô tả ngài là thân thiện, khiêm tốn và linh hoạt, nhưng cũng là một người bị giam cầm vào một hệ thống trí tuệ cứng nhắc để không có khả năng lắng nghe người khác.'"

Với báo chí bên Canada, tờ Toronto Globe and Mail đặt câu hỏi, "Một Hồng Y đã không thể cứu giáo hội Quebec của mình thì làm sao có thể cứu Vatican được nhỉ?"

Họ muốn nhắc lại cái ý là nhiệm kỳ tổng giám mục cuả HY Ouellet ở Quebec từ 2002 đến 2010 là một thất bại, vì có ít dấu hiệu cho thấy ngài đã lật ngược được cái đà suy giảm giáo dân ở đây, ngay cả một số anh chị em cuả ngài cũng không còn giữ đạo.

Một số người cũng nhắc lại những khoảnh khắc gây tranh cãi ở Quebec, như lời bình luận cuả ngài về phá thai, rằng phá thai là phi lý ngay cả trong những trường hợp bị hãm hiếp.

Những khó khăn ở Quebec đó dặt ra một câu hỏi, tựu trung là việc truyền bá thông điệp đức tin qua ngôn ngữ 'mẹ đẻ' của mình, ngài liệu có thể mang thông điệp đó lên sân khấu cuả thế giới không, nơi mà 'mỗi chữ mỗi nét ' của ngài sẽ được xem xét kỹ lưỡng và bị chỉ trích gay gắt?

Căn cứ vào thời gian phục vụ tại Châu Mỹ Latinh, người ta cũng nhận thấy rằng ngài có xu hướng đấu tranh, tập trung vào việc chống chủ nghĩa thế tục phương Tây cho nên sẽ có một số hồng y từ các nước đang phát triển có thể tự hỏi, liệu ngài có thể quân bình hơn để vừa thúc đẩy những quan hệ với khối Hồi giáo lại vừa phải đấu tranh để bảo vệ Kitô hữu đang bị bách hại tại các điểm nóng như Syria, Ấn Độ và Trung Quốc.

Về vấn đề cải cách giáo triều, một số quan sát viên cho rằng HY Ouellet đôi khi dễ xúc cảm, có lúc đã rướm lệ trong những khoảnh khắc tinh tế, và như vậy thì họ nghi ngờ rằng ngài không có một ý chí sắt đá để cải tổ những yếu kém cuả Vatican.

Những lập luận ủng hộ HY Ouellet.

Theo John Allen, có 6 ưu điểm như sau:

Trước hết, ngài là một nhà trí thức chân chính, là người có văn hóa sâu rộng và sắc sảo về thần học giống như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Thứ hai, nhiều hồng y muốn có một vị giáo hoàng làm cầu nối cho thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba, và HY Ouellet là hợp thời nhất. Ngài nói sáu ngôn ngữ, đã có nhiều thời gian giảng dạy ở Nam Mỹ. Ngài đi khắp nơi, biết được các vấn đề rất khác nhau của thế giới một cách thực tế.

Thứ ba, nhiều hồng y ước muốn có một Giáo Hoàng cải cách Giáo Triều Rôma, và 'thanh trừng' một số nhân vật nếu cần. Mà lý lịch cuả HY Ouellet có vẻ hấp dẫn về việc đó. Từng là tư vấn cuả Thánh Bộ Giáo Sĩ từ 1995 đến 2000 và là thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo từ 2001 đến 2002 trước khi tiếp nhận Thánh Bộ Giám Mục, ngài có nhiều bài viết với một cái nhìn sâu sắc về cách làm việc ở Vatican, tốt cũng như xấu.

Thứ tư, HY Ouellet được nhìn thấy như là một người có đời sống tâm linh sâu sắc và thích cầu nguyện, là người đáng được tin cậy khi nói về phần cốt lõi của niềm tin Kitô giáo. Nếu đánh điểm về sự thánh thiện để bầu chọn Giáo hoàng, thì HY Ouellet đứng gần đầu danh sách.

Thứ năm, là một người Canada, HY Ouellet sẽ đại diện cho một giáo hoàng ngoài châu Âu. Một phiếu cho HY Ouellet có vẻ như là một phiếu để mở rộng chân trời giáo hội.

Hơn nữa HY Ouellet không phải là một người Ý. Một số hồng y từ các muớc khác không tín nhiệm việc quản lý Vatican cuả Quốc Vụ Khanh Hồng Y Tarcisio Bertone, và do đó làm 'rầu nồi canh' cho triển vọng của những ứng viên người Ý.

Sau cùng, thứ sáu, ngài đã phục vụ ở Bắc Mỹ trong lúc tình hình đang ở lúc tệ hại nhất do kết quả của những bê bối lạm dụng tình dục, cho nên ngài nắm vững được những nhược điểm đã làm hao mòn thẩm quyền luân lý của giáo hội. Tại Roma, ngài được xem như là một nhân vật cải cách, từng gọi là cuộc khủng hoảng là "nguồn gốc của sự xấu hổ và tai tiếng khổng lồ" và việc lạm dụng tình dục không chỉ là một "tội ác", nhưng cũng là một "cái chết thực sự cuả các nạn nhân vô tội. "

Cảm tưởng cuả HY Ouellet về chức vụ giáo hoàng.

Trong tháng 6 năm 2011, Đức Hồng Y Ouellet đã bác bỏ những suy đoán về tiềm năng của ngài có thể là một giáo hoàng tương lai với một lời lẽ mạnh mẽ như sau: chức vụ Giáo Hoàng "là một cơn ác mộng".

HY Ouellet nói thêm rằng trong khi "bạn không thể bịt miệng thế giới không cho bàn tán về những chuyện viễn vông," nhưng cứ thử nhìn vào khối lượng công việc của Giáo hoàng Benedict thì sẽ thấy viễn tượng làm giáo hoàng quả là một việc "không đáng mong mỏi tý nào".

"Đó là một trách nhiệm làm tan nát cuộc đời cuả bạn. Đó là một loại công việc mà bạn không vận động để có."

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

GIÁM MỤC GIẢ VÀO CỔNG VATICAN

Giám mục giRalph Napierski (trái)
Sáng thứ hai, 04.03.2013, ngày họp mặt đầu tiên của các Hồng Y tại Tòa Thánh Vatican đã phải đối mặt với một sự cố giả mạo giám mục. Khi được đội vệ binh Thụy Sĩ phát hiện trước phòng họp công nghị Hồng Y và biết người giả danh giám mục tên là Ralph Napierski, một người Đức thì ông ta đã bị an ninh Tòa Thánh đưa ra ngoài nơi hội họp.

Ông Napierski đặt tên cho mình là «Basilius» trong các Blog cá nhân của ông. Người giả danh cũng tự cho mình là người đứng đầu nhóm công giáo «Corpus Dei» và là giám mục công giáo.

Báo La Repubblica của Ý đưa tin vào sáng nay, ông Napierski cho nhân viên Tòa Thánh biết ông ta là thành viên của giáo Hội Chính Thống Giáo của Ý, tuy nhiên giáo hội này không có hiện diện ở Ý.

Theo báo Spiegel của Đức cho biết ông Ralph Napierski đang sinh sống ở Berlin và thường xuất hiện giả danh trong các lễ phục của giáo hội công giáo.

Để phát hiện ra kẻ giả mạo giám mục không khó đối với đội Vệ binh Thụy Sĩ vì ông Napierski mặc chiếc áo dòng đen rất ngắn, đeo một thắt lưng màu tím mà thực chất chỉ là chiếc khăn choàng cổ, hoặc chiếc mũ mà ông ta đội trên đầu chỉ là mũ phớt đen thông thường chứ không phải mũ dành cho hàng giám mục. Khi vào gần nơi hội họp kẻ giả mạo giám mục còn táo gan bắt tay, chụp hình và trò chuyện với các Hồng Y tới tham dự, trước khi bị an ninh phát hiện.

Đó không phải là lần đầu tiên ông Napierski giả danh một giám mục. Trong blog của mình, ông ta tự hào cho lên các bức ảnh chụp của mình với các chính trị gia và các chức sắc giáo hội. Trong số những người chụp hình chung có hình của chủ tịch Giáo Hội Tin Lành Đức, Đức Giám mục Wolfgang Huber và của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức, bà Annette Schavan.

Ông Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức phản đối sự việc và nói rõ ràng: "Hành vi giả mạo giám mục để quấy rối việc chuẩn bị cho cuộc họp Mật Nghị Hồng Y để bầu Giáo hoàng, chúng tôi không thể chấp nhận được".

Qua sự việc giả danh giám mục này, chắc chắn Tòa Thánh Vatican sẽ gia tăng biện phát anh ninh kiểm soát người chặt chẽ hơn trong những ngày tới.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi nói trong cuộc họp báo vào thứ Hai sau buổi họp đầu tiên của Hồng Y Đoàn rằng cha chưa có thông tin về vụ việc này. Tuy nhiên cha Lombardi bảo đảm: "Các Hồng Y hiện diện đều đúng người thật."

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News) 

CƠ MẬT VIỆN BẦU TÂN GIÁO HOÀNG - TƯỜNG TRÌNH TỪ VATICAN NGÀY 05.3.2013

207 HỒNG Y HỌP CHUẨN BỊ MẬT NGHỊ BẦU TÂN GIÁO HOÀNG

SÁNG THỨ HAI (04/03): 209 VỊ HỒNG Y HỌP KÍN
CHUẨN BỊ MẬT NGHỊ BẦU TÂN GIÁO HOÀNG

Sáng 04/03/2013, các vị hồng y họp kín tại phòng công nghị.

Tin tổng hợp - 9 giờ 30 sáng nay (04/03/2013), 207 vị hồng y đã họp đại hội đồng tại phòng công nghị (synode) Auda nuova del sinodo để chuẩn bị mật nghị bầu tân giáo hoàng. Nhân dịp này, các ngài có dịp tìm hiểu về các vị hồng y có triển vọng được bầu làm giáo hoàng (papabili).

Con số 207 hồng y gồm các hồng y cử tri dưới 80 tuối và các vị trên 80 tuổi không phải là cử tri, tham dự đại hội đồng lịch sử lần này do ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng hồng y đoàn, triệu tập. Đại hội đồng hồng y sẽ ấn định ngày khai mạc mật nghị hồng y tại nguyện đường Sixtine.

Các vị hồng y còn thảo luận về việc vị giáo hoàng thứ 266 là một mục tử, vừa là nhà cải cách, đồng thời là một nhân vật cương quyết (homme à poigne), cầm cương nẩy mực, quyết tâm giữ gìn truyền thống của Giáo hội.

Ngoài phiên khoáng đại, các vị hồng y còn họp từng nhóm nhỏ, đề cập tới tuổi tác của vị giáo hoàng mới. Có nhiều khuynh hướng mong muốn vị giáo hoàng thứ 266 tương đối còn trẻ. Vấn đề nguyên quán của vị giáo hoàng cũng được đặt ra: các hồng y sẽ chọn một vị hồng y người Ý, hoặc từ một nước khác thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á hoặc châu Phi ?

Theo tông hiến hiện hành, mật nghị hồng y sẽ bắt đầu từ 15 đến 20/03. Có nhiều khả năng mật nghị hồng y sẽ bầu xong giáo hoàng trước cuối tháng 3, để vị tân giáo chủ có thể cử hành đại lễ Phục sinh vào ngày 31/03/2013.

Nhà may Gammarelli (34 Via Santa Chiara - Roma), chuyên may phẩm phục giáo hàng từ 200 năm nay, đã may sẵn bộ áo lễ giáo hoàng và phẩm phục thiết triều, gồm ba cỡ: nhỏ, trung và lớn.

Nhà may Gammarelli đã may sẵn phẩm phục giáo hoàng
Chiều ngày 04/03/2013, các vị hồng y họp từng nhóm nhỏ tại phòng Công nghị Tòa thánh

Nguyện đường Sixtine, được xây cất từ 1477 đến 1483, sẽ là nơi mật nghị hồng y nhóm họp. Vào thế kỷ XVI, nhà danh họa Michel-Ange đã thực hiện bức 9 bích họa trên vòm nguyện đường, trình thuật công trình sáng thế, mở đầu lịch sử loài người.
 
Lê Đình Thông
(VietCatholic News) 

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

HỒNG Y ĐOÀN BẮT ĐẦU HỌP HỘI NGHỊ CHUNG

WHĐ (05.03.2013) – Ngày 04-03, Hồng y đoàn đã bắt đầu tiến hành phiên Hội nghị chung đầu tiên. Từng người một, các hồng y bước vào Hội trường Phaolô VI của Vatican. Đây là thời gian thảo luận về những sức mạnh và những thách thức của Giáo hội cũng như về những gì mà vị Giáo hoàng tương lai cần phải có.

Trong Hội nghị này, các ngài cũng thề hứa giữ bí mật, không tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào của các Hội nghị hay của Mật tuyển viện.

Giới truyền thông trên toàn thế giới chờ đợi các ngài ở bên ngoài. Nhưng giữa một rừng phóng viên, máy ảnh và máy ghi âm, các vị hồng y đã không nói gì nhiều. Câu trả lời cho các phóng viên thường là: “Tôi không nhớ gì cả. Mọi thứ được xóa sạch rồi”; “Đây là thời gian để cầu nguyện và suy niệm”; “Tôi sẽ nói bằng sự im lặng”; “Tôi sẽ không nói bất cứ điều gì. Xin lỗi, tạm biệt!”

Một vài hồng y tổ chức họp báo, để nói về các vấn đề chung của Giáo Hội một cách chung chung, nhưng không nêu chi tiết cụ thể. Đức hồng y Francis George, Tổng giám mục Chicago (Hoa Kỳ) phát biểu: “Hạn định tối đa duy nhất mà tất cả chúng tôi đều nghĩ tới là Tuần Thánh. Chúng tôi muốn bầu giáo hoàng xong trước khi bước vào Tuần Thánh để có thể trở về giáo phận mình. Tôi chắc rằng mọi người chúng tôi đều nghĩ về điều đó”.

Trong số 115 vị hồng y tham gia bầu giáo hoàng, có 103 vị đã đến Roma, 12 vị khác dự kiến ​​sẽ đến vào chiều thứ Hai hoặc thứ Ba. Riêng về Đức hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM, thông tin từ Tòa giám mục cho biết ngài sẽ lên đường đi Roma vào ngày thứ Tư, 06-03.

(Theo RomeReports, 04-03-2013)
(WHĐ)

TRUYỀN THÔNG VATICAN BÁO CÁO VỀ BUỔI HỌP KHOÁNG ĐẠI ĐẦU TIÊN

Các hồng y hội họp vào buổi họp khoáng đại đầu tiên
VATICAN, Ngày 4, tháng 3, 2013 (Zenit.org) – Sáng nay buổi họp khoáng đại đầu tiên của các hồng y đã được triệu tập tại Sảnh Đường Phaolô VI. Linh mục Dòng Tên Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican đã trình bầy với giới báo chí về buổi họp này.

Buổi họp được hồng y Angelo Sodano, trưởng đoàn hồng y, cùng với hồng y Tarcisio Bertone, Hồng y Nhiếp Chính, và tổng giám mục Lorenzo Baldisseri, thư ký của Thánh Bộ các Giám Mục điều khiển.

Sau khi đã yên vị theo thứ tự về đẳng cấp (order: hồng y giám mục, hồng y linh mục, hay hồng y phó tế), họ bắt đều bằng kinh “Veni Sancte Spiritus." Hồng y Sodano bắt đầu bằng việc chào mừng các hồng y và thông báo về các thể thức kỹ thuật của buổi họp. Buổi họp được trực tiếp thông dịch sang 5 sinh ngữ (Tây Ban Nha, Anh, Ý, Đức, và Pháp.)

Cha Lombardi nói rằng 207 hồng y đã được triệu tập và đã có 142 vị hiện diện. Trong số các hồng y có mặt có 103 vị được bỏ phiếu bầu tân giáo hoàng.

Theo các tiêu chuẩn bầu giáo hoàng được ấn định trong tông hiến “Universi Dominici Gregis” của Chân phước Gioan Phaolô II, các hồng y đồng thanh đọc lời tuyên hứa của các hồng y tham dự mât nghị:

“Chúng tôi, các hồng y của Giáo Hội Công Giáo Rôma, theo đẳng cấp giám mục, linh mục hay phó tế, xin hứa, cam kết và thề, như một tập thể và từng cá nhân, là sẽ tuân hành chính xác và trung thành tất cả các tiêu chuẩn đã được đề ra trong tong hiến Universi Dominici Gregis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, hay những tiêu chuẩn, theo bản chất, trong khi không có Giáo Hoàng, đòi hỏi phải có cùng một mức độ bí mật.”

Cha Lombardi giải thích là sau khi thề hứa, mỗi hồng y phải đến gần và đặt tay trên cuốn Phúc Âm, và nói: Tôi, Hồng y N., hứa, cam kết và thề như vậy. Xin Thiên Chúa giúp đỡ tôi, và những Phúc Âm này mà tôi đang chạm tay vào.

Cuộc gặp gỡ ‘Thanh Thản và Xây Dựng’

Sau việc thề hứa, ba hồng y được bầu phiếu sẽ trợ Hồng y Nhiếp Chính trong ba ngày đầu của các buổi họp. Ba vị này được lựa chọn bằng cách bỏ phiếu.

Những người được lựa chọn là hồng y Giovanni Battista Re thuộc phẩm trật giám mục, hồng y Crescenzio Sepe thuộc phẩm trật linh mục, và hồng y Franc Rode thuộc phẩm trật phó tế. Sau khi được tuyển lựa ba hồng y này lên bàn chủ tọa ngồi bên cạnh vị Thừa Ủy Nhiệm.

Mặc dầu cha Lombardi không được phép thảo luận chi tiết về những gì được nói tới trong buổi họp khoáng đại, ngài có cho hay, theo truyền thống, vị giảng thuyết của giáo triều là linh mục Raniero Catalamessa, Dòng Phanxicô, sẽ đọc bài suy niệm đầu tiên với các hồng y vào chiều hôm nay.

Cha Lombardi tiếp: “Trong buổi họp, hồng y Sodano đề nghị với các hồng y là nếu họ muốn gửi một văn thư cho ĐTC Benedict, cha sẽ đưa cho họ một thư trả lời vào một trong các buổi họp tới.”

Cha Lombardi kết thúc buổi họp báo, và ghi nhận rằng buổi họp được diễn ra trong một bầu khí “thanh thản và xây dựng”. Cha cũng nói rằng có một “ước muốn thi hành nhiệm vụ” chân thành cũng như có một “ưu tư lớn lao về các nhu cầu của giáo hội hoàn vũ.”
Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News) 

CƠ MẬT VIỆN BẦU TÂN GIÁO HOÀNG - TƯỜNG TRÌNH TỪ VATICAN NGÀY 04.3.2013

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ TRỐNG NGÔI

Ngày 22.02 hàng năm, Giáo hội Công giáo mừng Lễ Kính Tông Tòa Thánh Phêrô Tông đồ để cầu nguyện riêng cho Đức Giáo Hoàng, Người kế vị thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn đứng đầu Hội thánh Ngài. Đó là Ngai Đức Thánh Cha ngự mỗi khi có Hội đồng và ban Giáo huấn cho Dân Chúa. Nó không chỉ tượng trưng uy quyền Giáo huấn mà còn tượng trưng sự kế vị thánh Phêrô với sứ mệnh: ‘chủ tọa công việc bác ái và tập hợp lại những môn đồ của Chúa Giêsu Kitô’. Trong Tin Mừng, Chúa đã xác định vai trò thánh Phêrô: « Ta ban cho nguơi Chìa khóa nước Thiên đàng. Điều gì ngươi tháo gỡ dưới đất thì

Lễ Kính Tông Tòa năm nay có điều đặc biệt vì Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã loan báo sẽ từ nhiệm Giám mục Roma từ 20 giờ ngày 28.02.2013. Do đó, Tông Tòa Thánh Phêrô sẽ trống (Sede Vacante) kể từ giây phút đó và tiến trình bầu chọn Đức Giáo Hoàng thứ 265 kế vị thánh Phêrô, đứng đầu Hội thánh Công giáo và là Quốc trưởng Tòa Thánh khởi sự. Việc tiến cử này được quy định bởi Tông hiến ‘Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa’ (Universi Dominici Gregis) do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị ban hành ngày 22.02.1996.

Văn kiện này đã được Đức Biển Đức XVI tu chỉnh hai lần ngày 11.06.2007 bởi Tông thư tự sắc ‘De aliquibus mutationibus in normis de electione Romani Pontificis’ và ngày 22.02.2013, với Tông thư tự sắc ‘Normas nonnullas’ (Các điều luật là không) để thay đổi có vài liên quan tới các điều luật bầu Giáo Hoàng. Trong bài này, xin lưu ý khi chúng tôi ghi ‘Tông hiến’ có nghĩa là Tông hiến ngày 22.02.1996 và ghi ‘Tự sắc’ tức là Tông thư tự sắc ngày 22.02.2013

I. TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ TRỐNG.

Từ lúc 20 giờ ngày 28.02.2013, khi Đức Thánh Cha rời chức vụ, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, 78 tuổi, không còn là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhưng sẽ hành sử quyền Hồng y Nhiếp chính hay Thị thần (Cardinal Camerlengo, tiếng Anh và Cardinal Camerlingue, tiếng Pháp), đã được cử vào chức vụ này ngày 04.04.2007, lãnh đạo Giáo hội khi trống ngôi Giáo Hoàng. Ngài bảo quản các dinh thự giáo hoàng và, dưới quyền Hồng Y Đoàn họp hàng ngày khi đến Vatican và xử lý thường vụ các hoạt động thường nhật. Ngài được sự trợ giúp của hai Đức Tổng Giám mục Giovanni Becciu, phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Dominique Mamberti, Ngoại trưởng. Những Giáo sĩ này họp thành Văn Phòng Riêng Tông tòa (Apostolic Camera), một bộ mà nhiệm vụ và chức năng có liên quan trực tiếp đến việc trống ngôi Giáo Hoàng tại Vatican và hằng ngày báo cáo lên cho Hồng Y Đoàn, là nơi đưa ra những quyết định.

Vì quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp đều do Người Kế Vị Thánh Phêrô đãm nhiệm, nên Tổng trưởng các Thánh Bộ và Chủ tịch các Hội đồng Giáo Hoàng tạm ngưng sứ nhiệm. Các cộng sự của các vị ấy vẫn làm việc bình thường tại các bộ, nhưng lại đệ nạp tất cả mọi vấn đề lên cho Hồng Y Đoàn.

Ngoài ra, Đức Hồng y Manuel Monteiro de Castro, Chánh Tòa Cáo Giải (Major Peniterntiary), với nhiệm vụ quan trọng có liên quan tới phần rỗi của các linh hồn, vẫn hoạt động bình thường. Các vị chánh án những Tòa Án tiếp tục xử lý những vụ việc có liên quan đến luật lệ và quyền hạn cho phép, đúng theo Mục 18, đoạn 1 và 3 của Tông hiến Pastor Bonus.

Nhiệm vụ đầu tiên của Đức Hồng y Nhiếp chính là phá hủy ‘Chiếc Nhẫn Ngư Phủ’ bằng một chiếc búa nhỏ để tránh việc giả mạo cùng với dấu ấn của triều đại giáo hoàng Biển Đức XVI. Phủ Giáo Hoàng sẽ được Đức Hồng y Tarcisio Bertone niêm phong để bảo vệ những hồ sơ chính thức. Đội Ngự Lâm quân Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo được giải tán và thay thế bằng các Hiến binh Vatican để bảo vệ Đức Thánh Cha Danh dự Biển Đức XVI.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ mang danh xưng là ‘Đức Giáo Hoàng danh dự’ (Pope emeritus) hay Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như Đức Hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật cho biết ngày 22.02.2013. Về y phục, Ngài sẽ mặc y phục trắng như hiện nay nhưng không có mozzetta (áo choàng vai) và không mang đôi giày đỏ Giáo Hoàng.

II. - HỒNG Y ĐOÀN CHUẨN BỊ BẦU GIÁO HOÀNG.

A. Điều chỉnh Quy định.

Điều 37 Tông hiến ‘Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa’ quy định Hồng Y Đoàn phải đợi đúng 15 ngày và tối đa là 20 ngày kể từ ngày trống ngôi Giáo Hoàng để hội họp chính thức tiến hành việc bầu chọn Đức Thánh Cha mới. Sở dĩ, Tông hiến ấn định như vậy vì khi một vị Giáo Hoàng băng hà, Tòa Thánh cần thời gian 9 ngày để tổ chức An táng Vị này. Trái lại, lần này, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã loan báo trống ngôi từ 17 ngày trước. Do không muốn để sự trống ngôi quá lâu và ngày Lễ Phục sinh 31.03.2013 đã gần kề, nên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, ngày 25.02.2013, đã cho công bố Tông thư tự sắc ‘Normas nonnullas’ (Các điều luật là không) để thay đổi có vài liên quan tới các điều luật bầu Giáo Hoàng. Tông thư mang chữ ký ngày 22.02.2013, Ngài đã viết lại số 37: « Ngoài ra tôi cũng ra lệnh rằng, từ khi Tông Tòa trống vị một cách hợp pháp, thì đợi 15 ngày trọn trước khi bắt đầu Mật Nghị Hồng Y; tuy nhiên tôi để cho Hồng Y Đoàn quyền bắt đầu Mật Nghị Hồng Y trước, nếu nhận thấy có sự hiện diện của tất cả các Hồng y cử tri, cũng như quyền kéo dài ra vài ngày việc bầu cử, nếu có các lý do nghiêm trọng. Tuy nhiên, lâu nhất là 20 ngày, bắt đầu từ khi Trống Tòa, tất cả các Hồng y cử tri hiện diện phải tiến hành việc bầu cử ».

Chiếu điều này, sáng 01.03.2013, Đức Hồng y Niên trưởng Angelo Sodano, 85 tuổi, đã gởi thư mời các Hồng y cử tri về Rôma để tham dự các phiên họp của Tổng Hồng y Đoàn (xem đoạn C dưới đây) để chuẩn bị Mật Nghị Hồng Y vào ngày 04.03.2013 lúc 9 giờ và một phiên họp khác lúc 17 giờ.

Xin Lưu ý:

1. Đức Hồng y Niên trưởng Angelo Sodano gởi thư mời các Hồng y cử tri về Rôma để tham dự Mật Nghị Hồng Y. Nhưng Ngài không dự Mật Nghị Hồng Y vì quá 80 tuổi và Vị Phó Niên trưởng, Đức Hồng y Roger Etchegaray, 90 tuổi, cũng vậy. Do đó, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, 79 tuổi, sẽ là Hồng y Niên trưởng trong Mật Nghị Hồng Y;

2. Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, 79 tuổi, Niên trưởng các Hồng y đẳng cấp Phó tế sẽ ra trước bao lơn Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để tuyên bố ‘Habemus papam’ (chúng ta có Đức Giáo Hoàng) và tên triều đại của Đức Thánh Cha mới. Đức Hồng y cũng, trong Thánh Lễ Nhậm Chức, sẽ trao pallium cùng lễ phục cho Tân Giáo Hoàng.

B. Hồng Y Đoàn cử tri tham dự Mật Nghị Hồng Y năm nay.

Hồng Y Đoàn có quyền bầu Giáo Hoàng (dưới 80 tuổi ngày Trống Tòa) hiện có 117 vị thuộc:
- Âu châu 61, trong đó: Ý 21, Đức 6; Tây ban nha 5, Pháp và Ba lan 4 mỗi nước;
- Mỹ châu 46: Nam Mỹ 19 (Ba tây 5); Bắc Mỹ 14 (Hoa kỳ 11, Gia nã đại 3);
- Phi châu 11;
- Á châu 10: Ấn độ 5, Việt Nam 1 (Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn);
- Đại dương châu: 1.

Trong số 117 vị này, Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong 50 Hồng y và Đức Biển Đức XVI tuyên phong 67. Con số 117 Hồng y cử tri còn có thể thay đổi vì Đức Hồng y Julius Riyadi Darmaatmadja (Indonésia), 78 tuổi, vừa cho biết Người không thể đến Rôma vì lý do sức khỏe. Ngày 25.03.2013, Đức Hồng y Keith Michael Patrick O'Brien nói rằng Ngài sẽ chống lại những lời cáo buộc đã có quan hệ không thích đáng với 3 tu sĩ và 1 cựu tu sĩ, nhưng sẽ không tham gia Mật Nghị Hồng Y sắp tới. Đức Thánh Cha đã chấp nhận sự từ nhiệm Tổng Giám mục Saint Andrews và Edinburgh của Ngài, dựa theo khoản 401 Giáo luật.

C. Hồng y Đoàn, trong thời gian trống Tòa, gồm hai nhóm (số 7 Tông hiến):

- Tổng Hồng y Đoàn (General Congregations, tiếng Anh và Congrégations générales, tiếng Pháp) tức toàn thể các Hồng y được thông báo cho biết về việc trống ngôi Giáo Hoàng và được triệu tập trước khi bắt đầu họp Mật Nghị Hồng Y. Trong phiên họp chuẩn bị đầu Tổng Hồng y Đoàn, Đức Hồng y Niên trưởng đọc lời hứa tôn trọng các quy định ghi trong Tông hiến ‘Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa’ và sự bí mật về việc bầu Giáo Hoàng. Sau đó, từng Đức Hồng y lần lượt đặt tay lên sách Phúc Âm, xưng danh và tuyên hứa (số 12 Tông hiến). Trong các phiên họp này, các Hồng y có dịp tìm biết nhau, tự do phát biểu những nhận định của mình về Giáo hội hay các Hồng y khác và ấn định ngày khai mạc Mật Nghị Hồng Y;

- Hồng Y Đoàn Đặc Biệt (Particular Congregations, tiếng Anh và congrégation particulière, tiếng Pháp) được thành lập gồm Hồng y Nhiếp chính và ba Đức Hồng y, mỗi vị cho một đẳng cấp Hồng y (Giám mục, Linh mục và Phó tế), rút thăm trong cùng đẳng cấp, có nhiệm kỳ 3 ngày.

Hồng Y Đoàn Đặc Biệt chỉ điều hành những công việc thường nhật, ít quan trọng. Những vấn đề hệ hơn do Tổng Hồng Y Đoàn định liệu. Một điều gì đã được quyết định, giải quyết hay từ khước, bởi một thành viên trong Hồng Y Đoàn Đặc Biệt, thì không thể nào có thể thu hồi hay sửa đổi. Quyền để thực hiện điều này hoàn toàn tùy thuộc vào Tổng Hồng Y Đoàn, thông qua việc bỏ phiếu với đa số thường.

III. – MẬT NGHỊ HỒNG Y.

A.- Chuẩn bị nơi chốn và nhân sự.

Mật Nghị Hồng Y (Conclave, tiếng latin ‘cum clavis’ = khóa cửa bằng chìa), tức vừa chỉ công việc và nơi các Hồng y tự cô lập hoàn toàn sự để bầu chọn ra vị Đức tân Giáo Hoàng sẽ được khai mạc theo quyết định của Tổng Hồng y Đoàn và được tổ chức tại nội thành Vatican, trong những tòa nhà và khu vực qui định, cấm mọi người lưu vãng đến. Những vị Hồng y cử tri cư ngụ tại n ơi ngụ Domus Sanctae Marthae. Nếu vì lý do sức khỏe, cần có một y tá hiện diện, thì phải có sự đồng ý của Tổng Hồng y Đoàn.

Từ lúc khởi đầu bầu chọn cho đến lúc công bố chính thức về danh tánh của vị Tân Giáo Hoàng, hay do quyết định của Vị này, thì tất cả các phòng tại Domus Sanctae Marthae, cách riêng là tại Nhà Nguyện Sixtine và những khu vực dành riêng cho việc cử hành phụng vụ, sẽ bị đóng cửa, theo quyền của vị Hồng Y Thị Thần, với sự trợ giúp bên ngoài của phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Trong suốt thời gian này, các Hồng y được quyền bỏ phiếu, sẽ không được phép liên lạc ra thế giới bên ngoài, dưới mọi hình thức truyền thông, trừ những trường hợp khẩn cấp được xác nhận bởi Hồng Y Đoàn Đặc biệt cùng với vị Hồng y Chánh Án Tòa Cáo Giải Tối Cao. Trong thời gian này, sẽ có những Linh mục chịu trách nhiệm giải tội bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và hai bác sĩ y khoa, để đề phòng trong những trường hợp khẩn cấp.

Số 48 Tông hiến quy định những viên chức không phải là Hồng y cử tri phải tuyên hứa trước Hồng y Nhiếp chính theo văn thức về việc tôn trọng sự bí mật liên quan đến việc tuyển chọn Đức tân Giáo Hoàng.

B.- Khai mạc tuyển cử Đức tân Giáo Hoàng.

Số 49 Tông hiến vì đề cập đến trường hợp có nghi thức tang lể cho vị Giáo Hoàng quá cố, nhưng không phải như lần này Đức Thánh Cha từ nhiệm. Do đó, Đức Biển Đức XVI đã tu chỉnh qua Tự sắc ngày 22.02.2013 để phù hợp với số 37 mới. Theo đó, để bắt đầu Mật Nghị Hồng Y, các Hồng Y đồng tế Thánh Lễ tại Đền thờ thánh Phêrô hay một nơi nào khác theo sự thích hợp tại Vatican, vào buổi sáng, để cầu nguyện cho việc bầu Giáo Hoàng. Buổi chiều, từ nhà nguyện Pauline trong Dinh Thự Tông Đồ (Apostolic Palace, tiếng Anh và Palais apostolique, tiếng Pháp), các Hồng y Cử tri, trang phục như ca đoàn, để cầu khẩn sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần bằng hát kinh ‘Venci Creator’, rồi long trọng kiệu sang Nhà Nguyện Sixtine, nơi khai diễn Mật Nghị Hồng Y.

Trước đó, Nhà Nguyện Sixtine đã được kiểm tra kỹ càng để bảo đảm không có một thiết bị thu ảnh nào được bí mật cài đặt trong khu vực này và được chuyển ra bên ngoài… Khi các Hồng y đã tề tựu đông đủ, thì Đức Hồng y Niên trưởng đọc ‘Luật lệ đầu phiếu’ và, tiếp theo, từng vị Hồng y lần lượt đạt tay lên sách Phúc Âm và đọc lời thề. Sau đó, Đức ông Guido Marini, Trưởng ban Lễ nghi Giáo hoàng (Master of Papal Liturgical Celebrations, tiếng Anh và Maỵtre des Célébrations liturgiques pontificales, tiếng Pháp) đọc huấn lệnh ‘Extra omnes’ để mời những vị không trách nhiệm vào Mật Nghị Hồng Y phải rời Nhà Nguyện Sixtine.

Một Giáo sĩ được chọn trước để giảng cho các Hồng y về lời suy gẫm thứ hai, liên quan đến nghĩa vụ quan trọng đặt nơi trên các Vị và buộc các vị phải hành động vì những điều thiện hảo và tốt đẹp chung cả Giáo hội Hoàn vũ ‘solum Deum praeoculis habentes’. Cuối cùng, Đức ông Marini và Vị thuyết giảng rời Nhà Nguyện Sixtine. Cuộc bầu Giáo Hoàng chính thức bắt đầu.

Các Hồng Y cử tri phải được giữ kín tuyệt đối, không được phép tiết lộ bất kỳ điều gì gián tiếp hay trực tiếp cho bất kỳ ai có liên quan đến các thủ tục bầu chọn, tiến trình bầu chọn, v.v… Nếu vị nào vi phạm, sẽ là trọng tội và vị ấy sẽ được phán xét bởi Đức Giáo Hoàng tương lai (Số 55 Tông hiến). Ngoài ra, các Hồng y, trong lời tuyên thệ, còn hứa tuân giữ các quy định của Tông hiến ‘Universi Dominici gregis’ và chấp nhận ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo Thần Linh quan phòng, được tuyển chọn làm Giáo hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm mục tử Giáo hội Công giáo hoàn vũ’.

“Trong những ngày ấy sẽ thường nói đến vấn đề buộc phải giữ mật về vấn đề tuyển bầu Giáo hoàng. Tuy nhiên, tôi xin lặp lại rằng đây chỉ là một phần của lời tuyên thệ mà thôi. Trước hết, có lời tuyên thệ về việc tuân giữ các quy định của Tông hiến Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa ‘Universi Dominici gregis’; rồi còn có cả lời tuyên thệ khác nữa, tôi xin trích, đó là ‘bất cứ ai trong chúng tôi, theo quan phòng thần linh, được tuyển chọn làm Giáo hoàng sẽ dấn thân trung thành thi hành vai trò là người kế vị Thánh Phêrô làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ’.

C. Thể thức tuyển chọn tại Mật Nghị Hồng Y.

Đức tân Giáo Hoàng được tuyên bố đắc cử khi đạt được 2/3 trên tổng số phiếu bầu kín của các Hồng y cử tri hiện diện (số 62 Tự sắc).

Thể thức kiểm phiếu diễn tiến theo ba giai đoạn:

1) Giai đoạn ‘Chuẩn bị đầu phiếu’ (số 64 Tự sắc) gồm:

a. việc chuẩn bị phiếu bầu,
b. lập ban phụ trách bầu cử: bắt thăm giữa các Hồng y cử tri để chọn 3 vị Kiểm phiếu (scrutineers, tiếng Anh và scrutateurs, tiếng Pháp, 3 vị Phụ trách Bệnh có nhiệm vụ thu phiếu bầu của các Hồng y đau yếu và 3 vị Duyệt lại (revisers, tiếng Anh và réviseurs, tiếng Pháp),
c. bắt thăm lại khi các Hồng y trúng thăm mà vì đau yếu hay vì lý đo khác, không thể thi hành các nhiệm vụ này, thì rút thăm các vị khác không bị ngăn trở thay thế vào.

Giai đoạn này, theo số 66 Tông hiến, chúng ta có thể có những nhận xét sau:
- phiếu bầu hình chử nhật có chữ Eligo in Summum Pontificem trên góc trái, và phía dưới có khoảng trống để chỉ ghi kín tên một Hồng y và phiếu được gấp lại làm tư;
- trong khi bầu cử, chỉ các Hồng y cử tri. Trước đó, Hồng y trẻ nhất đẳng cấp Phó tế đóng và khóa cửa Nhà Nguyện Sixtine (như thế mới có tên Conclave).

2) Giai đoạn ‘Đầu phiếu’ (số 66 Tự sắc) gồm:

a. việc đặt các phiếu bầu vào thùng: Cử tri cầm cao lá phiếu để mọi người đều trông thấy và tiến lên bàn thờ, nơi có 3 Kiểm phiếu viên đang đứng quan sát, và bỏ phiếu vào thùng, được che bằng một cái đĩa, để chứng tỏ đã nhận được phiếu từ Cử tri. Khi tới bàn thờ, Cử tri đọc: « Tôi được mời gọi với tư cách là chứng nhân Đức Giêsu Kitô. Người sẽ phán xét tôi, nên phiếu của tôi phải bầu cho người mà trước mặt Thiên Chúa, tôi tin là xứng đáng để được bầu ». Sau đó, Hồng y cử tri cúi đầu trước bàn thờ và quay trở lại chổ mình. Nếu Cử tri không thể tiến lên bàn thờ, vì lý do đau yếu, thì vị Phụ trách Bệnh sẽ tới tận chổ Vị đó tại Domus Sanctỉ Marthỉ.

b. trộn và đếm các phiếu: Khi phiếu đã được bỏ vào thùng, Kiểm phiếu viên đầu tiên sẽ lắc mạnh thùng nhiều lần để hòa trộn các phiếu, và tiếp theo, vị kiểm phiếu cuối cùng sẽ tiến hành việc đếm phiếu. Nếu số các phiếu không tương xứng với số các Cử tri tham gia, thì tất cả các lá phiếu đó sẽ bị đốt đi, và bắt đầu lại tiến trình bỏ phiếu.

c. mở các phiếu: Các Kiểm phiếu viên ngồi trên một cái bàn đặt trước bàn thờ. Vị đầu tiên sẽ cầm lá phiếu, mở ra, ghi tên người được bầu chọn, và chuyển lá phiếu sang cho vị thứ hai, cũng làm tương tự như vị đầu, rồi sau đó chuyển cho vị thứ ba, và vị này sẽ đọc to và rõ ràng để tất cả các Cử tri lắng nghe và ghi vào trên một tờ giấy được phân phát ra cho mục đích này. Sau khi tất cả phiếu đã được mở ra, thì các Kiểm phiếu viên sẽ cộng tên các Vị được chọn. Kiểm phiếu viên cuối cùng sẽ đọc to Kết quả đầu phiếu.

Ngay buổi chiều khai mạc Mật Nghị Hồng Y, các Hồng y Cử tri có thể đầu phiếu một lần. Trong các ngày sau, mỗi sáng sẽ có 2 vòng đầu phiếu và 2 vòng khác vào buổi chiều. Sau 2 lần bỏ phiếu sáng và 2 lần bỏ phiếu chiều riêng biệt, các lá phiếu và bất cứ những ghi chú nào của các Hồng y đều được đốt đi ở một cái lò đặt trong Nguyện đường Sixtine. Những dấu khói có thể xuất hiện vào khoảng 12 giờ và 19 giờ để báo hiệu cho biết (trừ phi Đức tân Giáo hoàng được tuyển chọn hoặc vào lần bỏ phiếu đầu tiên ban sáng hay lần bỏ phiếu đầu tiên ban chiều thì dấu khói sẽ được thông báo sớm hơn giờ ấn định). Dầu sao thì vấn đề được ấn định là, cùng với khói trắng bốc lên, chuông Đền thờ Thánh Phêrô cũng sẽ vang lên báo hiệu việc tuyển chọn đã hoàn tất.

3) Giai đoạn ‘Sau khi đầu phiếu’ (số 66 Tự sắc) gồm:

a. Các Hồng y Duyệt lại có nhiệm vụ giám sát bằng xem lại tiến trình kiểm phiếu và tính cách chính xác của Kết quả đầu phiếu.
b. Nếu không có vị nào đạt được 2/3 số phiếu bầu, thì vị Giáo Hoàng mới chưa được bầu chọn. Trái lại, nếu kết quả có Hồng y đó đã nhận được 2/3 số phiếu đó, theo Giáo luật, thì vị đó sẽ vị tân Giáo Hoàng. Trong cả hai trường hợp, cho dẫu việc bầu chọn có xảy ra hay không, thì những Hồng y Duyệt lại phải tiến hành việc kiểm tra phiếu và những lời ghi của các Kiểm phiếu.
c. Đốt phiếu: Khi kiểm phiếu xong và trước khi các Hồng Y cử tri rời Nhà Nguyện Sixtine, thì toàn bộ các phiếu bầu phải được những Kiểm phiếu đốt, với sự trợ giúp của vị Thư Ký Mật Nghị Hồng Y. Để duy trì tính bí mật, các Cử tri phải trao lại cho một trong các Hồng y thuộc Hồng y đoàn đặc biệt, tất cả những giấy ghi chú để được đốt cùng các lá phiếu.

D. Đức Giáo Hoàng tân cử chấp nhận Sứ nhiệm (số 87 và 88 Tông hiến).

Sau khi các Hồng y cử tri bầu chọn xong, Đức Hồng y Niên trưởng, nhân danh toàn thể Hồng y đoàn, đến hỏi vị Giáo Hoàng tân cử: « Ngài có chấp nhận việc Ngài được chọn là Giáo Hoàng theo Giáo luật không? ». Ngay sau khi Vị này trả lời ưng thuận, thì Hồng y Niên trưởng hỏi tiếp: « Thế Ngài muốn được gọi Ngài bằng tên gì? ». Khi đó, Trưởng ban Lễ nghi Giáo hoàng, với tư cách công chứng viên ghi nhận hai điều trả lời đó trong một biên bản.
Với những lời ưng thuận này, Đức Thánh Cha tân cử khắc trở thành Tổng Giám mục Roma kiêm Đức Giáo Hoàng, toàn quyêàn và tối cao, Giáo hội Công giáo Toàn cầu.

E. Công bố Đức Giáo Hoàng mới và việc khởi sự triều đại Giáo Hoàng.

Sau khi hoàn thành các thủ tục quy định bởi 'Ordo rituum Conclavis’, các Hồng y tán thành việc lựa chọn và chào mừng Đức Giáo Hoàng và Mật Nghị Hồng Y kết thúc. Tiếp đến, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Niên trưởng Hồng y đẳng cấp Phó tế (trừ khi Ngài đắc cử Đức Thánh Cha) tiến ra loan báo ‘Chúng ta có Đức Giáo Hoàng mới và tên’. Ngay khi đó, Đức Giáo Hoàng mới xuất hiện trước mọi người và ban Phép lành ‘Urbi et Orbi’ cho Roma và Thế giới.

Bài Tin mừng đọc trong Thánh Lễ ngày Lễ Kính Tông Tòa Thánh Phêrô Tông đồ có đoạn: « Thầy bảo cho anh Simôn con ông Giôna biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Matthiêu 16:18) ».
Hà Minh Thảo
(VietCatholic News)