Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

CHIẾC NHẪN NGƯ PHỦ - ANULUS PISCATORIS


Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI
Hôm thứ Tư, ngày 06.03. 2013, Cha Lombardi, phát ngôn viên tòa thánh Vatican thông báo: chiếc nhẫn ngư phủ của Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI theo luật ấn định đã được đức Hồng Y nhiếp chính Tarcisio Bertone phá hủy không còn giá trị để dùng nữa.

Vậy đâu là ý nghĩa của chiếc nhẫn ngư phủ?
Trong Giáo Hội Công giáo, mọi vị Giám mục, cả những Viện Phụ, từ ngày được tấn phong, luôn đeo nơi ngón tay chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn Giám mục nói lên sự trung thành của vị Giám mục với Giáo hội là hiền thê của Chúa.

Riêng chiếc nhẫn của Đức giáo Hoàng, cũng là vị Giám mục Roma, được gọi là chiếc nhẫn ngư phủ - anulus piscatoris.

Chiếc nhẫn ngư phủ từ thế kỷ 14. trở thành chiếc nhẫn chính thức của Đức giáo hoàng Roma. Trên mặt chiếc nhẫn bên cạnh tên Đức giáo hoàng còn có hình Thánh Phêrô đang bên khoang thuyền kéo lưới. Hình ảnh này có căn nguyên trong Kinh thánh tường thuật Thánh
Phêrô và Thánh Anrê được Chúa Giêsu kêu gọi đang lúc hai Ông thả lưới đánh bắt cá ở bờ hồ Galile: “Anh em hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". (Mc 1, 17)

Chiếc nhẫn ngư phủ từ 1843 trở thành con Triện - con dấu - để xác nhận những văn kiện chính thức của tòa thánh Vatican.

Chiếc nhẫn ngư phủ của ĐGH Benedicto XVI 
Chiếc nhẫn ngư phủ được long trọng trao cho vị tân giáo hoàng ngày lễ đăng quang khai mạc sứ vụ mục tử của ngài cùng với dải khăn Pallium.

Chiếc nhẫn ngư phủ sẽ bị phá hủy không còn giá tr để dùng, khi vị Giáo hoàng qua đời, hay như trong trường hợp thời sự đang xảy ra việc Đức giáo hoàng Benedicto XVI từ nhiệm lui về nghỉ hưu từ ngày 28.02.2013.

Trên lý thuyết chiếc nhẫn ngư phủ khi bị hủy, sẽ được cắt thành những miếng nhỏ tương đương với số những vị Hồng Y trong thời kỳ tòa thánh trống ngôi không có Gíao hoàng. Và những hạt đá của chiếc nhẫn đã bị phá hủy rồi lại sẽ được đem đúc vào chiếc nhẫn ngư phủ mới của vị tân giáo hoàng kế vị được bầu chọn lên sau đó. Đức giáo hoàng Benedicto XVI đã mang chiếc nhẫn ngư phủ không có chất đá nào khắc ẩn trong đó.

Theo truyền thống xưa nay trong Giáo hội, mọi tín hữu Chúa Kitô tỏ lòng kính trọng uy quyền chức vị, đều qu bái gối hôn kính chiếc nhẫn ngư phủ khi đến trước Đức giáo hoàng, là người kế vị Thánh Phêrô, đã được Chúa Giêsu trao quyền Giáo hoàng tiên khởi trong Giáo hội Chúa ở trần gian.

Ngày 24.04.2005 khi cử hành thánh lễ đại trào khai mạc sứ vụ mục tử Phero của mình, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đã có suy niệm về chiếc nhẫn ngư phủ: "Biểu tượng thứ hai được dùng đến trong phụng vụ của ngày hôm nay để diễn tả việc khai mạc Thừa Tác Vụ Phêrô là việc trao chiếc nhẫn ngư phủ".

Lời mời gọi Phêrô trở nên mục tử mà chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, xảy ra sau trình thuật về phép lạ bắt được một mẻ cá lớn, sau một đêm các môn đệ thả lưới không thành công, các vị thấy Chúa Phục Sinh trên bờ hồ. Ngài bảo họ hãy thả lưới thêm lần nữa, và lưới đã nặng trĩu khiến các môn đệ phải khó khăn mới kéo lên được; 153 con cá lớn, "và mặc dầu rất nhiều cá, lưới vẫn không bị rách." (x. Ga 21, 11).

Trình thuật này, xảy ra vào cuối cuộc hành trình tại thế của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài, tương ứng với trình thuật thấy được lúc khởi đầu, cả lần đó, các môn đệ cũng chẳng đánh bắt được gì suốt đêm, và cũng lần đó, Chúa Giêsu đã bảo ông Simon hãy thả lưới chỗ sâu một lần nữa. Và Simon, người lúc đó chưa được gọi là Phêrô, đã đưa ra một lời đáp trả tuyệt vời: "Thưa Thầy, nghe lời Thầy, con sẽ thả lưới". Và tiếp đến là việc trao sứ vụ cho ông: "Đừng sợ. Từ nay trở đi, con sẽ đi chài lưới người." (x Lc 5, 1-11)". 
 
Ngày nay, Giáo Hội và những vị kế nhiệm các Thánh Tông Đồ cũng được mời gọi hãy ra khơi tận bể sâu của lịch sử và thả lưới, để giành lấy những người nam nữ cho Phúc Âm, cho Chúa Kitô, cho sự sống thật. Các Nghị Phụ đã đưa ra một lời bình luận rất có ý nghĩa về sứ vụ nổi bật này.

Các ngài nói rằng: thật là tai họa khi đem một con cá, được tạo dựng cho biển, ra khỏi bể khơi, khỏi các yếu tố thiết yếu của nó để làm thức ăn cho nhân loại. Nhưng sứ vụ của người ngư phủ lưới người, có ý nghĩa ngược lại. Chúng ta hiện đang sống trong sự tha hóa, trong vùng nước mặn của sự khổ đau và chết chóc, trong biển sâu tăm tối không chút ánh sáng. Lưới Phúc Âm cứu vớt chúng ta ra khỏi những dòng nước chết, và đem chúng ta vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa, vào sự sống thật". (Vatican ngày 24.04.2005).

Đức giáo hoàng Benedicto XVI bây giờ trở thành vị nguyên giáo hoàng về nghỉ hưu. Ngài đã tự ý, vì cảm thấy sức khoẻ thể lý kéo nghị lực tinh thần đang xuống dốc không còn cho phép ngài tiếp tục công việc của một người ngư phủ chài lưới, bước xuống khỏi ngai tòa, mọi bổn phận quyền hành của một vị Giáo hoàng đứng đầu Gíao Hội.

Chiếc nhẫn ngư phủ, dấu chỉ tước vị quyền của Giáo Hoàng, mà ngài mang trong suốt triều đại giáo hoàng gần tám năm đã bị phá hủy theo luật Giáo hội ấn định. Nhưng ơn kêu gọi là mục tử người theo chân Chúa vẫn luôn hầng sống động thời sự trong tâm hồn đời sống của ngài.

Ngài trước sau vẫn là Linh mục đời đời của Chúa Kito.

Mùa chay, 09.03.2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long 
(VietCatholic News)

VỊ GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI THEO NHẬN ĐỊNH CỦA MỘT SỐ HỒNG Y

Dù sao, các vị hồng y cũng là người quyết định ai sẽ là giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo trong những ngày tới, nên nhận định của các ngài trong lãnh vực này có giá trị nhất định.

Ngay từ ngày 4 tháng 3, tức ngày đầu tiên có những cuộc họp toàn thể các vị hồng y hiện diện tại Rôma, New York Times đã cho rằng tất cả các vị hồng y trả lời phỏng vấn vào tuần trước đều nhấn mạnh rằng các ngài mong muốn một giáo hoàng có tinh thần cầu nguyện để chuyển giao sứ điệp Công Giáo cách hữu hiệu.

Tuy nhiên, đi vào chi tiết, người ta cũng nghe được nhiều sắc thái trong nhận định chung ấy. Nhiều vị mong một giáo hoàng có khả năng cải tổ bộ máy hành chánh của Vatican, một bộ máy bị nhiều tai tiếng trong năm qua. Nhiều vị ủng hộ một giáo hoàng xuất thân từ Thế Giới Thứ Ba, nơi Đạo Công Giáo đang sinh động hơn tại Âu Châu nhiều lắm. Lại có những vị khác mong một giáo hoàng có bàn tay cai trị mạnh.

New York Times đặc biệt lưu ý tới lời Đức HY Francis George của Chicago phát biểu về tai tiếng giáo sĩ xách nhiễu tình dục. Theo ngài, vị tân giáo hoàng “hiển nhiên cần chấp nhận nguyên tắc chung của Giáo Hội hiện nay là tuyệt đối không khoan nhượng (zero tolerance) đối với bất cứ ai từng lạm dụng một trẻ em”. Ngài cho rằng nguyên tắc ấy đã giúp giáo hội Mỹ giảm thiểu các vụ bê bối này một cách trông thấy. “Tuy nhiên vẫn còn các nạn nhân. Vết thương vẫn còn hằn sâu trong trái tim họ, và bao lâu nó còn hằn sâu trong họ, thì nó cũng hằn sâu trong ta. Vị giáo hoàng cần ghi nhớ điều này”.

New York Times nhận định rằng đây là đề tài ít được bàn luận tại Rôma hiện nay. Trái lại, phần đông các vị hồng y muốn tìm một người có thể phối hợp được nét hấp dẫn (charisma) của Đức Gioan Phaolô II với sự can đảm liều lĩnh của một ai đó mà giới phân tích Vatican gọi bừa là “Giáo Hoàng Rambo I”.

Cho đến hôm thứ Tư vừa qua, tức lúc các hồng y Mỹ chấm dứt các cuộc họp báo của họ, các hồng y thường đề cập tới các thuộc tính mà Giáo Hội hiện nay rất cần: một nhà truyền thông đầy thuyết phục, có sức lôi cuốn cả bằng lời lẫn bằng tư cách thánh thiện của mình, đồng thời là “một cảnh sát trưởng” (sheriff) không biết sợ sẵn sàng giải quyết các bất ổn và tai tiếng tại Vatican.

Theo tờ báo này, việc các hồng y tập chú vào truyền đạt và tài cai trị là một cách nhìn nhận các thiếu sót của Đức Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu của một niềm nhớ tiếc đối với vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô II, một khuôn mặt lôi cuốn như nam châm, luôn nổi bật trong các cuộc tông du khắp thế giới, ngay lúc đã yên nghỉ.

Người ta cho rằng dưới thời Đức Bênêđíctô, ảnh hưởng của Giáo Hội tại Âu Châu, tại Hoa Kỳ và cả tại Châu Mỹ La Tinh đã giảm sút. Nền hành chánh trung ương tại Rôma, tức giáo triều, đã sa vào bế tắc, thậm chí thối nát nữa. Nhiều hồng y tỏ ra bối rối trước các tường trình báo chí về hồ sơ mật nói là chứa đựng các chứng cớ hiển nhiên cho thấy có việc tống tình và tống tiền.

Ít có ứng viên nào hoàn toàn nắm được cả hai phương diện nói trên. Nên báo chí Ý có lúc đã thả nổi ý niệm cho rằng các hồng y đang cân nhắc “các liên danh” (tickets) nghĩa là bầu một vị giáo hoàng mục vụ đi đôi với một quốc vụ khanh cứng rắn và hiểu biết giữ vai quản trị và nếu cần chấp pháp (enforcer). Vị giáo hoàng kế tiếp không cần trực tiếp ra tay dẹp tan những vụ tranh chấp trong nội bộ Vatican cũng như các vụ tai tiếng khác, nhưng ngài cần có nhậy cảm quản trị đủ để cử nhiệm một vị phụ tá đủ đảm lược để thách thức nền hành chánh cố thủ của Vatican.

New York Times trích dẫn lời Đức HY Edward Egan, TGM hưu trí của New York: “Việc đầu tiên ngài phải làm là đặt để một trật tự lớn hơn cho nền hành chánh trung ương là Giáo Triều”. Đồng thời, “ngài phải là người thông hiểu đức tin và có khả năng loan báo đức tin ấy một cách quyến rũ và đơn giản”. Đức HY Egan từng tham dự cơ mật viện bầu Đức Bênêđíctô, nhưng nay đã quá 80, nên không tham gia cơ mật viện lần này.

Như thế, bất cứ ứng viên giáo hoàng nào muốn “sáng giá” phải là người cầu nguyện, thông thạo thần học và tiếng Ý, là ngôn ngữ của Rôma, thành phố mà dù gì giáo hoàng vẫn là giám mục. Nhiều hồng y cũng cho hay vị giáo hoàng sắp tới phải có kinh nghiệm làm giám mục giáo phận. Điều này thực tế sẽ loại bỏ một số hồng y vốn phục vụ lâu năm tại Giáo Triều, ít có kinh nghiệm mục vụ như Đức HY Gianfranco Ravasi, nhà bác học người Ý, từng có vinh dự giảng tĩnh tâm Mùa Chay vừa qua cho Đức Bênêđíctô XVI. Đức Hồng Y Donald Wuerl, TGM Washington, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Thiển nghĩ làm mục tử một giáo hội địa phương có lẽ là một nhân tố rất quan trọng nếu bạn muốn dấn thân vào lý tưởng canh tân Giáo Hội về phương diện thiêng liêng”. Một số hồng y cũng nhấn mạnh tới việc vị giáo hoàng sắp tới phải có khả năng bắt tay với các tín ngưỡng khác, cải thiện liên hệ với các giám mục khắp thế giới và mạnh mẽ trình bày giáo huấn Công Giáo

Nhiều vị được báo chí cho là có triển vọng làm giáo hoàng (papabile) đều là người giỏi về quản trị hoặc ở giáo phận mình hoặc ở Giáo Triều. Đó là các HY Angelo Scola, TGM Milan; Odilo Pedro Scherer, TGM São Paulo, Ba Tây; Peter Erdo, TGM Esztergom-Budapest và là giáo chủ Hung Gia Lợi; Leonardo Sandri, người Á Căn Đình làm việc lâu năm tại Giáo Triều; và Marc Ouellet, người Gia Nã Đại, cầm đầu Thánh Bộ Giám Mục.

Nhưng nhiều vị trong số này thiếu lôi cuốn. Các phụ tá hay học trò cũ cho rằng các đức HY Erdo và Ouellet chỉ quen đọc từ một bản văn soạn sẵn chứ không ứng khẩu nói trước một đám đông hay trong các cuộc phỏng vấn. Trong khi đó, nhiều vị hồng y khác rất có tài lợi khẩu với một khả năng cao độ trong việc truyền đạt với những cử tọa đông đảo, trong đó, có đức HY Luis Antonio G. Tagle của Phi Luật Tân. Chỉ ngại với 55 tuổi đời, ngài khó được bầu. Ngài là hồng y trẻ thứ hai của hồng y đoàn, hơn tuổi Đức HY Baselios Thottunkal của Ấn Độ.

Tuổi là một tiêu chuẩn quan trọng, nhất là sau việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI, lúc 85 tuổi. Nhiều hồng y đồng ý rằng vị giáo hoàng sắp tới lý tưởng nhất là ở tuổi 60. Đức HY Wilfrid F. Napier của Nam Phi cho hay: lý tưởng nhất là ở đầu tuổi 60. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài cho hay ở tuổi ấy, ta bảo đảm có một triều giáo hoàng lâu dài hơn, để thi hành các cố gắng củng cố Giáo Hội. Ngài nói: “Bạn cần có thì giờ để bồi đắp các nền tảng này. Theo tôi, ta cần một triều giáo hoàng lâu hơn để sản sinh năng lực và giữ cho đà tiến tiếp tục… Trong các cuộc đàm đạo riêng, một số vị hồng y khác cũng nhìn theo hướng này”.

Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

CƠ MẬT VIỆN SẼ KHAI MẠC VÀO NGÀY THỨ BA 12.3.2013




Hồng Y Đoàn sẽ bắt đầu bầu Giáo Hoàng vào thứ ba, 12.03.2013

VATICAN - Thứ sáu, 08.03.2013 - Cuối cùng toàn thể Giáo Hội Công Giáo và cả nhân loại đã nhận được tin về ngày khởi sự bầu Giáo Hoàng của 115 vị Hồng Y cử tri, thường được gọi là Mật Nghị Hồng Y dành cho những Hồng Y dưới 80 tuổi. Ngày bắt đầu là thứ ba, 12.03.2013.

Để chọn được ngày bắt đầu Mật Nghị Hồng Y, Hồng Y Đoàn đã cần đến 8 ngày và thông qua đến 9 buổi họp mới đưa ra được quyết định quan trọng trên vào chiều thứ sáu, 08.03.2013.

115 Hồng Y cử tri đã nhất trí sau 8 ngày làm quen, bàn thảo và trao đổi quan điểm về tình hình Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, những khủng hoảng cũng như những thách thức trong tương lai và sau đó các ngài đã xác định cho ngày bắt đầu mật nghị.

Vào sáng thứ Ba, 12.3.2013 tất cả các Hồng Y sẽ cùng nhau dâng thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và ban chiều chỉ có 115 Hồng Y cử tri bước vào nhà nguyện nổi tiếng Sixtine để bắt đầu bầu cử Giáo Hoàng. Từ lúc này 115 Hồng Y sẽ bị tách ra khỏi thế giới bên ngoài: không điện thoại cầm tay, không Internet, không báo chí lẫn truyền thanh truyền hình.

Cuộc mật nghị kéo dài bao lâu là còn tùy thuộc vào số phiếu cần thiết. Tân Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội được đắc cử phải cần đến 2 phần 3 số phiếu được bầu – nghĩa là 77 phiếu.

Cuộc bầu cử được kéo dài qua nhiều vòng, không có thủ tục theo quy định nhưng trong một ngày có thể có đến 4 vòng bầu cử: buổi sáng 2 vòng và buổi chiều 2 vòng. Cuộc bầu cử có thể kéo dài trong nhiều ngày cho đến khi người đắc cử đạt được 2 phần 3 số phiếu.

Khi chưa có Tân Giáo Hoàng thì các phiếu bầu sẽ bị đốt cháy sau mỗi vòng bỏ phiếu, lúc đốt phiếu được bổ xung với một hợp chất để tạo ra khói màu đen, mà người ta có thể được quan sát từ Quảng trường Thánh Phêrô. Bất kể buổi sáng hoặc chiều mọi người luôn hồi hộp chờ đợi nhìn về ống khói trên nhà nguyện Sixtine. Cho đến khi một Hồng Y đắc cử Giáo Hoàng, thì khói trắng sẽ được đốt lên ngay liền lập tức.

Mặc dù phỏng đoán đến đại lễ Phục Sinh 2013 sẽ có một Giáo Hoàng mới, nhưng về mặt lý thuyết có thể mất một thời gian dài hơn trong cuộc họp kín bầu Giáo Hoàng.

Theo thống kê được biết chưa có một mật nghị Hồng Y nào đã kéo dài hơn 5 ngày trong 100 năm qua. Năm 2005 mật nghị Hồng Y chỉ mất có 2 ngày để bầu cử cho Hồng Y Josef Ratzinger với tước hiệu Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Số 115 Hồng Y cử tri của năm 2013 thì có 67 vị được ĐGH Bênêđictô XVI vinh thăng lên bậc Hồng Y và 48 vị được trao mũ Hồng Y từ thời ĐGH Gioan Phaolô II.

Theo thông lệ 115 Hồng Y cử tri sẽ cư ngụ trong nhà khách Santa Marta nằm trong nội địa của Tòa Thánh Vatican, phòng ốc ở đây rất đơn giản. Để được công bằng trong việc chọn phòng thì các vị Hồng Y tự bốc thăm cho phòng của mình, không có ưu tiên cho bất kỳ ai. 115 Hồng Y đã bốc thăm nhận phòng vào thứ sáu, 08.3.2013.

Từ chỗ ở Santa Marta đi đến nhà nguyện Sixtine các vị Hồng Y phải đi băng qua các khu vườn, có thể đi bộ hoặc được các xe buýt đón đưa.

Có một phòng đặc biệt mang số 201 tại Santa Marta vì Tân Giáo Hoàng sẽ trú ngụ tại phòng này cho đến khi Điện Giáo Hoàng được chuẩn bị xong cho ngài.
 
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News) 

GƯƠNG THA THỨ CỦA MỘT VỊ HỒNG Y VENEZUELA

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino
Trong điện văn gởi về quê hương từ Vatican, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám Mục thủ đô Caracas, đã khích lệ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của tổng giáo phận Caracas hãy cầu nguyện cho linh hồn của cố tổng thống Hugo Chavéz.

Ngay sau khi biết tin Hugo Chavéz qua đời hôm thứ Ba 5 tháng Ba, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 70 tuổi, đang tham dự các cuộc họp khoáng đại của các vị Hồng Y để bầu Giáo Hoàng tại Vatican, cho biết ngài sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho sự an nghỉ của linh hồn Hugo Chavéz.

Chavez thường xuyên đụng độ với Đức Hồng Y và thường lên truyền hình để mắng nhiếc ngài. Hồi năm 2008, ông ta nói: "Nếu Chúa Kitô hiện ra ở đây bằng xương bằng thịt, Ngài sẽ nện cho Urosa mấy roi nên thân, rồi ném ông ta ra khỏi Giáo Hội, bởi vì ông ta là người vô đạo đức và chẳng quan tâm gì về đạo đức hay chức tư tế của mình."

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Kuriakose Bharanikulangara của tổng giáo phận Faridabad, Ấn Độ vừa lên tiếng tiết lộ là vào năm 2002 chính ngài đã cứu mạng Hugo Chávez trong cuộc đảo chính vào năm ấy. Vào thời điểm này, ngài là phụ tá sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela.

Ngài nói: "Chávez đã nài nỉ tôi để cứu anh ta. Anh ta nói: Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi và gia đình đang bị giữ làm con tin bị chĩa súng vào đầu. Hãy đến cứu tôi, và các con tôi. "

"Tôi nói với Chávez bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Giáo Hội Công Giáo không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống. Ông Tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ để cứu mạng sống của ông. Và tôi đã quyết định để giúp anh ta bất cứ giá nào."

Đức Tổng Giám mục Bharanikulangara, đã đi kèm với một Hồng Y và một linh mục để thương lượng với quân đảo chính cho ông rời khỏi đất nước. Chávez đã đồng ý làm như vậy, nhưng trong vòng vài ngày sau đó ông lật lại được thế cờ.

Từ đó về sau Chávez lại đem lòng oán giận các Giám Mục nước này nghi ngờ các ngài cấu kết với các tướng lãnh nhằm lật đổ ông ta. Chính vì thế, trong một thập niên qua, Chávez thường xuyên đụng độ với giáo quyền Công Giáo tại Venezuela.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

CÁNH CỬA SỔ VÀ KINH TRUYỀN TIN

Ngôi đền thờ, dinh thự, nhà tư nào cũng đều có nhiều cửa sổ. Nhưng cánh cửa sổ dinh Đức giáo hoàng ở bên Vatican mang một ý nghĩa đặc biệt khác thường. Vì từ nơi đó hằng tuần kinh Truyền tin được xướng đọc lên cầu nguyện.

1. Kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin - Angelus - là kinh cầu nguyện trong Giáo Hội Công giáo, được đọc ba lần trong ngày vào buổi sáng, trưa và chiều tối.

Thông thường vào buổi sáng lúc 6. hay 7. giờ, trưa lúc 12.00 giờ và buổi chiều lúc 18.00 hay 19.00 giờ chuông thánh đường được kéo lên và kinh Truyền tin được đọc lên theo cùng với tiếng chuông giáo đường.

Kinh Truyền tin nhắc nhớ lại biến cố Chúa Giêsu, ngôi hai Thiên Chúa xuống trần gian làm người. Lời kinh Truyền tin bao gồm những lời trong cuộc đối thoại giữa Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel hiện ra với Đức Mẹ Maria, để báo tin Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng Đức Mẹ Maria.

Chen vào giữa những lời kinh của cuộc đối thoại là ba lần đọc kinh Kính mừng Maria.

Kinh Truyền tin như hiện nay đang đọc trong Giáo Hội đã có một qúa trình lịch sử dài trong việc phát triển.

Từ thế kỷ 13. Dòng Phanxico đã đưa tập tục đọc kinh Truyền tin vào ban chiều lúc đọc kinh buổi tối với tâm tình chào kính Đức Mẹ Chúa Trời, đang khi hồi chuông thánh đường được kéo đổ lên ngân vang dài.

Đến thế kỷ thứ 14. kinh này được đọc thêm vào buổi sáng có tiếng chuông kéo vang lên để cầu nguyện xin sự bình an .

Từ thế kỷ 16. kinh này được đọc thêm vào giữa ban trưa để cầu nguyện xin hòa bình cho Âu châu lúc đó đang trong thời kỳ chiến tranh đe dọa bị xâm chiếm.

Việc đọc kinh Truyền tin ba lần trong ngày như hôm nay bắt đầu từ thời Đức giáo hoàng Pio V. năm 1571 chính thức đưa vào nếp sống đạo đức trong Gíáo Hội.

Vào mùa phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại, từ ngày lễ phục sinh đến lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền tin , kinh Lạy nữ vương thiên đàng được đọc cũng ba lần trong ngày.

Đức Giáo hoàng Roma vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng lúc 12.00 giờ trưa từ cửa sổ phòng làm việc của ngài cùng với dân chúng hành hương tụ tập bên dưới quảng trường Thánh Phero, đọc Kinh Truyền Tin và sau đó ngài ban phép lành Tòa Thánh cho dân chúng.

2. Từ cánh cửa sổ phòng làm việc

Cánh cửa sổ căn phòng làm việc của Đức giáo hoàng ở tầng thứ ba, chiếc cửa sổ thứ hai từ phía bên phải nhìn từ dưới quảng trường Thánh Phêrô lên căn nhà dinh thự giáo hoàng. Vào mỗi ngày Chúa nhật hằng tuần lúc 12.00 giờ trưa cánh cửa sổ ̉được mở ra, một dải khăn mầu đỏ thẫm có thêu huy hiệu giáo hoàng được trải phủ rũ xuống tường phía trước , chiếc gía sách và Mikrophon được dựng lên và Đức giáo hoàng bước ra xuất hiện cùng đọc kinh Truyền tin với dân chúng tụ tập hàng chục ngàn người phía bên dưới quảng trường Thánh Phero.

Sau kinh Truyền tin, Đức giáo hoàng huấn dụ một bài suy niệm ngắn về Phúc âm ngày Chúa nhật bằng tiếng Ý. Và sau đó ngài chào mừng các phái đoàn về Roma hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây ban Nha, Bồ đào nha, Balan...và ban phép lành cho mọi người.

Đây là tập tục nếp sống đạo đức trong nếp sống đạo Công giáo. Nếp sống đạo đức này nói lên lòng tin sâu thẳm vào mầu nhiệm Chúa Giêsu, ngôi hai Thiên Chúa, từ trời cao xuống trần gian làm người mang ơn cứu chuộc cho con người.

Tập tục thói quen tốt lành thánh đức này, trong thời đại ngày càng bị tục hóa coi thường những gía trị đạo đức như ngày hôm nay, càng thể hiện sâu đậm chiều sâu tâm linh sự cần thiết của việc cầu nguyện, nhất là việc cầu nguyện chung với nhau.

Tập tục này cũng biểu hiện sự liên kết hiệp thông giữa mọi người tín hữu trong đức tin vào Chúa với vị cha chung, Đức Thánh Cha đứng đầu Giáo hội Chúa ở trần gian. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2006 đã có 1,3 triệu người đến cùng đọc kinh Truyền tin với Đức giáo hoàng Benedicto XVI.

3.Tiếng chuông vẫn đổ hồi ngân vang

Khi Đức giáo hoàng ở nhà trong điện Vatican, và khi ngài còn sống cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin mới được mở ra. Nhưng khi Đức giáo hoàng đi vắng hay lúc tòa thánh trống ngôi, vì Đức giáo hoàng băng hà, cánh cửa sổ này đóng khép lại không được mở. Cho dù chuông thánh đường vẫn đổ hồi ngân vang. Từ ngày 28.02.2013 cánh cửa số này cùng vời các cửa phòng làm việc của Đức giáo hoàng Roma được niêm phong đóng kín. Lý do vì Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đã từ nhiệm về nghỉ hưu. Sức khoẻ tuổi gìa không còn cho phép ngài tiếp tục làm việc được nữa.

Cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin nơi phòng làm việc Đức giáo hoàng sẽ được mở tung cánh ra khi Giáo Hội có Đức Giáo hoàng mới. Từ lúc đó Đức giáo hoàng mới sẽ tiếp tục truyền thống đạo đức đọc kinh Truyền tin, kinh Lạy nữ vương thiên đàng với dân chúng tụ họp ở quảng trường Thánh Phero vào mỗi trưa ngày Chúa Nhật và lễ trọng của Giáo Hội. Từ 2005 - 2013 , chỉ trừ khi đi vắng xa nhà, hằng tuần vào lúc 12.00 giờ trưa ngày Chúa nhật và lễ trọng, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. đều chuyên chăm việc cầu nguyện đọc kinh Truyền tin, giảng huấn suy niệm Lời Chúa ngỏ lời với mọi người tín hữu từ cánh cửa sổ phòng làm việc.

Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Bertone, sau Thánh lễ hôm thứ tư lễ Tro, đã nói lên tâm tình cám ơn từ gĩa Đức giáo hoàng khi ngài so sánh đưa ra hình ảnh cánh cửa sổ: “Trong những năm qua giáo huấn lời giảng dậy của Đức thánh Cha là cánh cửa sổ mở ra truyền phát đi tia sáng sự chân thật và tình yêu Thiên Chúa hướng về Gíao Hội và đến thế giới bên ngoài.“ Từ cửa sổ phòng làm việc, sau khi đọc kinh Truyền tin với hàng trăm ngàn người tụ họp ở quảng trường Thánh Phero, Đức giáo hoàng Benedicto XVI. lần sau cùng trong tư cách là Giáo hoàng đương nhiệm, đã có tâm tình với mọi người: "Chúa đang kêu gọi tôi ‘lên núi’ để dành thêm thời gian cầu nguyện và chiêm niệm, nhưng điều này không có nghĩa là tôi từ bỏ Giáo Hội. Thực ra, Chúa yêu cầu tôi như thế chính là để tiếp tục phục vụ Giáo Hội với sự cống hiến và tình yêu mà tôi đã phục vụ cho đến nay, nhưng trong một cách thức khác phù hợp hơn với tuổi tác và sức khoẻ của tôi. " ( Buổi đọc kinh Truyền tin ngày 24.02.2013.)

Cánh cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng bên Vatican đã tạm thời đóng khép lại sau buổi đọc kinh Truyền tin ngày 24.02.2013. Và lời chào mừng „Cari fratelli e sorelle“ cũng chìm vào yên lặng không vang lên. Dù bây giờ tạm thời cánh cửa sổ đóng khép lại. Nhưng qua cánh cửa sổ, Giáo Hội loan báo, mang tình yêu Thiên Chúa hướng ra bên ngoài thế giới. Cánh cửa sổ vẫn rộng mở. Vì thế, niềm hy vọng vẫn luôn sống động tràn đầy, mà Đức giáo hoàng Benedicto XVI. cách đây tám năm đã được kêu gọi thành „người chài lưới tâm hồn con người về cho Chúa“ luôn sống niềm hy vọng cậy trông vào Chúa của một người thợ khiêm hạ. Bây giờ người thợ khiêm hạ đó trở về cuộc sống chiêm niệm của một người lữ hành trên trần gian đi về đích điểm quê hương nơi Thiên Chúa tình yêu.

********************

Và niềm hy vọng tràn đầy đó sẽ lan tỏa khi cánh cửa sổ đọc kinh Truyền tin được mở ra trở lại với vị tân Giáo Hoàng của Giáo Hội sẽ được bầu chọn nay mai. Một khi cánh cửa sổ phòng làm việc Đức giáo hoàng mở ra trở lại, lời cầu nguyện sứ điệp kinh Truyền tin lại vang lên tới tận Trời cao thẳm, cùng lan đi khắp nơi trên thế giới. Và lời chào mừng „Cari fratelli e sorelle“ lại phát tỏa vang lên hòa lẫn trong những nụ cười mừng rỡ hân hoan, và tiếng vỗ tay dòn dã vang dội khắp không gian quảng trường Thánh Phero! Mùa chay, 08.03.2013 Nhớ về triều đại Đức giáo hoàng Benedicto XVI. 2005 - 2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

PHIÊN HỌP THỨ 9 CỦA HỒNG Y ĐOÀN : 09.3.2013

VATICAN - Sáng thứ bẩy, 9-3-2013, với sự tham dự của 145 Hồng Y, Hồng y đoàn đã nhóm phiên họp thứ 9 để tiếp tục nghe ý kiến của các Hồng Y.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 9-3, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết đã có 17 HY lên tiếng phát biểu về các vấn đề như những mong đợi nơi vị Giáo Hoàng tương lai, hoạt động của Tòa Thánh, giáo triều Roma, đời sống và hoạt động của Giáo hội tại các nơi, v.v.

Trong phiên họp, các Hồng Y đã rút thăm để lấy phòng tại Nhà trọ thánh Marta trong nội thành Vatican, nơi các vị cư ngụ trong thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các Hồng y có thể dọn vào nhà này từ lúc 7 giờ sáng thứ ba, 12-3-2013. Tiếp đến vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, các vị sẽ đồng tế thánh lễ do ĐHY Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô.

Cha Lombardi cũng thông báo thời khóa biểu của mật nghị:

- Lúc 15.45 chiều ngày thứ ba, 12-3-2013, các HY sẽ rời nhà trọ thánh Marta tới dinh Tông Tòa. Lúc 16.30 các vị sẽ đi rước từ nhà nguyện Paolina đến nhà nguyện Sistina. Tại đây, lúc 16.45, có nghị thức tuyên thệ, vị trưởng nghi sẽ tuyên bố ”Extra omnes!” Tất cả những người không phải HY cử tri phải ra ngoài!

Các HY sẽ nghe bài suy niệm do ĐHY Prospero Grech, 88 người Malta, trình bày và sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.

Tiếp đến, các HY đọc Kinh chiều và 19 giờ 30 sẽ trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 8 giờ.

Trong những ngày mật nghị bầu Giáo Hoàng:

- Tại nhà trọ thánh Marta, các HY có thể dùng bữa sáng từ 6.30. Rồi 7.45 đi tới dinh Tông Tòa để đồng tế thánh lễ lúc 8.15 tại Nhà nguyện Paolina.
- 9.30 các HY đi vào nhà nguyện Sistina, nguyện kinh và bắt đầu bỏ phiếu. Có hai lần bỏ phiếu ban sáng.
- 12.30 các HY trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa trưa lúc 13 giờ.
- Lúc 16.00 các HY trở lại nhà nguyện Sistina để bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 16.50. Có hai lần bỏ phiếu ban chiều.
- 19.15 các HY nguyện kinh chiều tại nhà nguyện Sistina rồi
- 19.30 trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 20 giờ.

Việc đốt phiếu để có khói báo cho dân chúng được thực hiện sau lần bỏ phiếu chót ban sáng (khoảng 12.00) và ban chiều (khoảng 19 giờ chiều). Nếu có kết quả sau lần bỏ phiếu thứ I ban sáng thì khoảng 10.30 và sau lần bỏ phiếu thứ I ban chiều thì khoảng 17.30.

Phiên họp thứ 8 của Hồng y đoàn: chiều 8-3-2013

Đầu phiên họp này, với đại đa số phiếu (90%), các HY đã quyết định ngày 12-3-2013 sẽ bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng các Hồng Y đã chia làm hai khối đối nghịch: một nhóm muốn kéo dài các cuộc thảo luận, một nhóm muốn bắt đầu mật nghị. Thực tế là tới 9 phần 10 các HY đã bỏ phiếu chấp thuận bắt đầu mật nghị vào ngày 12-3-2013.

Trong phiên thứ 8, đã có 15 HY phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau. Cha Lombardi cho biết như vậy, tính đến trưa ngày 9-3, đã có 133 HY lên tiếng phát biểu, trong đó có một số nói hai lần. Cha cũng thông báo một số tin tức:

- Lúc 17.30 chiều thứ hai, 11-3, tất cả các chức sắc và nhân viên phụ giúp mật nghị sẽ tuyên thệ giữ bí mật, trong một nghi thức tại Nhà nguyện Paolina.

- Sáng thứ hai, 11-3, các HY sẽ tiếp tục họp vì còn một số Hồng y muốn phát biểu ý kiến. Như thế tổng cộng sẽ có khoảng 150 Hồng y lên tiếng bày tỏ lập trường.

- Cha Lombardi cho biết đã thấy tận mắt 5 triện của ĐGH cũ bị hủy đi bằng cách rạch để không sử dụng được nữa, trong đó có 2 nhẫn như phủ của Đức Giáo hoàng. Nhẫn này có có hai hình thức: 1 cái ĐGH đeo ở tay và 1 cái dùng để đóng dấu. Tiếp đến có 2 triển nổi: một cái lớn và một cái nhỏ. Sau cùng là một mẫu triện bằng chì.
Nhẫn ngư phủ mới của Đức tân Giáo Hoàng cũng có hình tương tự, nhưng với tên mới của vị tân Giáo Hoàng ở chung quanh.

- Lúc 11 giờ sáng 9-3-2013, các nhân viên kỹ thuật Vatican đã gắn ống khói trên nhà nguyện Sistina nơi diễn ra mật nghị bầu Giáo Hoàng. Đây là phương tiện duy nhất để thông tin giữa mật nghị với thế giới bên ngoài. Khói đen báo hiệu cho thấy chưa có Giáo Hoàng mới và khói trắng thông báo cuộc bầu cử có kết quả. Lúc đó chuông đền thờ thánh Phêrô cũng được gióng lên. Ban tối ống khói sẽ có đèn chiếu sáng để dân chúng có thể thấy khói mầu gì.

- Một Ủy ban đã được thiết lập với nhiệm vụ niêm phong các lối vào mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng. Ủy ban này tùy thuộc ĐHY nhiếp chính Bertone, và một số thành viên như vị chỉ huy trưởng vệ binh Thụy Sĩ, đại diện đoàn Hiến binh Vatican, một vị công chứng viên, v.v..

Lm. Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News) 

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C 10-3-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IV mùa Chay năm C 10-3-2013.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C (Lc 15, 1-3.11-32)


CƠ HỘI VỊ GIÁO HOÀNG NAM MỸ (phần II) : ĐỨC HỒNG Y ODILO PEDRO SCHERER CỦA SÃO PAULO, BA TÂY


Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer
Cơ hội cuả HY Scherer

Nhiều vị HY đã công khai cho biết họ sẽ tìm một vị 'mục tử cuả các linh hồn', vậy thì một Tổng giám mục có kinh nghiệm cuả một giáo phận lớn nhất thế giới với một số giáo dân Công Giaó cao tới 6 triệu người thì có đủ điều kiện chưa?


Nhất là khi mà điạ phận ấy thuộc về một thành phố vào loại lớn nhất thế giới (11 triệu dân) nhưng lại có nhiều người nghèo nhất, thiếu mọi dịch vụ cơ bản ngay cả nước, đầy dẫy tội phạm, đang là mảnh đất phì nhiêu cho giáo phái Ngũ Tuần xâm lấn và đồng thời một lý thuyết 'thần học giải phóng' đang lan tràn mạnh mẽ.

Đó là ĐHY Odilo Pedro Scherer, 63 tuổi, tổng giám mục cuả tổng giáo phận São Paulo, Brazil.

Thân Thế Sự Nghiệp

HY Odilo Pedro Scherer sinh năm 1949, tại thành phố Cerro Largo, tiểu bang Rio Grande do Sul ở phiá Nam Brazil. Ngài có họ hàng xa với cố Hồng Y Alfredo Scherer, tổng Giám Mục Porto Alegre. Cha Mẹ cuả ngài là người gốc Đức, cha từ vùng Theley, và mẹ từ vùng Saarland, gần biên giới Pháp.

Học Triết tại Queen of Apostles Seminary ở Curitiba, thủ đô của tiểu bang Paraná ở phía nam của Brazil, sau đó học Thần học tại Giáo Hoàng học viện Paraná. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1976.

Lấy thạc sĩ Triết học tại Giáo hoàng học viện Gregorian ở Rome, và bằng tiến sĩ Thần Học Thánh cũng ở Gregorian vào năm 1991. Trong thời gian theo học, ngài cũng nghiên cứu về giáo dục đại học và ba ngôn ngữ, Đức, Pháp và Anh.

Giống như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, phần lớn sự nghiệp cuả Hồng Y Scherer là một giáo sư. Ngài dạy triết học và thần học tại các trường đại học khác nhau trong tiểu bang Paraná từ 1977 đến 1993 và làm mục vụ ở Toledo từ 1985 đến 1988.

Phục vụ tại Thánh Bộ Giám Mục ở Vatican từ 1994 đến 2001.

Từ 2002 đến 2007 được tấn phong giám mục và bổ nhiệm làm GM phụ tá của São Paulo, Brazil.

Năm 2003, 'GM' Scherer trở thành tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Brazil.

Năm 2007 đươc bổ nhiệm làm Tổng Giám mục São Paulo, thay thế Đức Hồng Y Hummes đi Rome làm bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ. Cùng năm, ngài tổ chức tiếp đón đức Giáo hoàng Benedict XVI tông du đến Brazil.

Năm 2007 được thăng hồng y và năm 2008 được bổ nhiệm là thành viên của Thánh Bộ Giáo sĩ.

Tư tưởng về Tân Phúc âm Hoá

Trong suốt sự nghiệp mục vụ, ngài không ngừng lên tiếng về sự cần thiết cuả việc truyền giáo. Trong một bài viết năm 2010, ngài báo động về một "sự thâm hụt về phúc âm hóa" trên thế giới. Do đó không có ai bất ngờ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài là một trong 20 thành viên của Hội đồng Giáo hoàng mới được thành lập để khuyến khích Truyền giáo mới trong tháng 1 năm 2011.

Hồng Y Scherer được xem như là một nhà thần học ôn hoà, mặc dù ở tại quê nhà thì ngài được xem là khá bảo thủ. Ngài thường phê bình cách truyền giáo 'mầu mè' cuả linh mục và ca sĩ lừng danh Cha Marcelo Rossi, người cổ võ Canh Tân Đặc Sủng trong tổng giáo phận. Trước những phong cách và hình thức rực rỡ cuả các Thánh Lễ truyền hình, ngài phê bình rằng: "Các linh mục không phải là diễn viên (showmen.) Thánh Lễ không nên trở thành một màn trình diễn. (show)"


Về Thần học Giải phóng và công bình xã hội

Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả các giáo sĩ ở Châu Mỹ Latinh là thái độ của họ đối với Thần học Giải phóng, một phong trào mưu tìm sự thay đổi xã hội chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mác Xít. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi còn là HY Ratzinger, gọi thần học giải phóng là "một thứ dị giáo". Ngược lại, những vị tiền nhiệm cuả HY Scherer, Đức Hồng Y Paulo Arns là một nhà vô địch của phong trào thần học giải phóng, và Đức Hồng Y Claudio Hummes, dòng Phanxicô, được xem như là một người ôn hòa hơn.

Hồng Y Scherer thì có vẻ giữ một thái độ trung dung, ngài công khai hoan nghênh những mục tiêu của phong trào nhằm cắt giảm sự bất công xã hội và nghèo đói, trong khi vẫn chỉ trích việc sử dụng "Chủ nghĩa Mác Xít như là một công cụ phân tích".

Về Môi trường

HY Scherer ủng hộ các mối quan tâm mạnh mẽ về môi trường của các giám mục Brazil, đặc biệt là đối với rừng Amazon. Năm 2004, ngài kêu gọi chính phủ Brazil kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng thêm đất nông nghiệp ở khu vực Amazon, "để sự tàn phá không còn lan rộng sau khi vốn đã có vấn đề rồi, tức là sau khi cây rừng đã bị hạ và đốt cháy."

Tháng sáu năm ngoái Hồng Y Scherer làm đại diện cho Tòa Thánh tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc 'Rio + 20' về phát triển. Ngài chủ trương rằng việc hướng tới phát triển phải được tập trung vào "phẩm giá của mỗi con người". "Con người chịu trách nhiệm quản lý thiên nhiên ", ngài nói, và" việc quản lý này cần phải có một chiều kích đạo đức ".

Về các giáo hội ngoài Công Giáo

Trên trang web và trên các tờ báo của tổng giáo phận, Đức Hồng Y Scherer thường xuyên bình luận về những tin tức ở Brazil. Ngài cũng dùng Twitter rất tích cực và có hơn 20.000 người theo dõi. Ngài thường đăng những phản ánh ngắn vào ngày chủ nhật và các ngày lễ, và trả lời những câu hỏi và ý kiến ​​từ dân chúng.

Ngài không né tránh những chủ đề gây tranh cãi, bao gồm cả việc chỉ trích giáo hội Ngũ Tuần đang tranh giành ảnh hưởng với Công Giáo.

Trong một bài bình luận trên trang web của tổng giáo phận, ngài cho biết sự bùng nổ của các cộng đồng tôn giáo mới ở Brazil là một dấu hiệu rõ ràng rằng mọi người vẫn còn khao khát Thiên Chúa. Nhưng, ngài nói, thường xuyên việc khao khát Thiên Chúa cuả người dân đã bị "khai thác như là một nguồn lợi và là một cái cớ để lấy tiền của họ."

Về tiền dâng cúng

Trong một bài vào đầu tháng hai có tiêu đề "Đức Giám Mục kiếm được bao nhiêu tiền?" Đức Hồng Y Scherer đã thẳng thắn đối phó với sự tức giận ở trong nước Brazil vì một cuộc điều tra về việc sử dụng số tiền mà người Brazil dâng cúng vào các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác. Ngài cho biết số tiền tổng cộng là "ấn tượng", nhưng nói rằng thật là cần thiết để phân biệt giữa những nhà thờ công chính, có những hoạt động giáo xứ, trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội và đối lại, với các nhóm khác mà các nhà lãnh đạo chỉ lo làm giàu cá nhân.

Luật Giáo hội Công giáo yêu cầu mỗi giáo xứ và giáo phận có một hội đồng tài chính điều hành bởi những nhân viên có đủ điều kiện để đảm bảo sự "chặt chẽ, minh bạch và trách nhiệm", ngài lưu ý như vậy và nhấn mạnh rằng chính phủ có quyền và nghĩa vụ kiểm tra các tổ chức được miễn thuế vì lý do tôn giáo.

Về quyền giáo huấn và lý tưởng đại học

Hồng Y Scherer cũng thường xuyên thẳng thắn lên tiếng bênh vực các giáo huấn của giáo hội và bản sắc Công Giáo của các tổ chức của giáo hội.

Trong lúc thuyết tương đối đang là cái 'mốt' cho văn hóa, Đức Hồng Y Scherer cho biết, "một trường đại học Công giáo giúp cho thấy rằng có những giá trị không thể thương lượng, chẳng hạn như việc theo đuổi chân lý, giá trị của cuộc sống con người trong tất cả các giai đoạn và nhân phẩm của phụ nữ." Trong một xã hội, nơi mọi người đang kêu gọi đa nguyên và dân chủ, các trường đại học Công giáo có quyền tồn tại và đóng góp, ngài nói.

Ngài tỏ ra rất cương quyết khi thi hành những chọn lựa dù cho có khó khăn đến đâu.

Ví dụ trong năm 2012, các sinh viên, giáo sư và nhân viên tại Giáo Hoàng học viện São Paulo đã bỏ phiếu để tái cử khoa trưởng của trường đại học. HY Scherer, tuy nhiên, lấy tư cách là viện trưởng, đã chỉ định một ứng viên đứng hàng thứ ba. Các sinh viên nộp đơn phản đối, sau đó biểu tình bãi khoá, và thậm chí đã ngăn chặn không cho vị khoa trưởng mới đi vào văn phòng. Vị nữ khoa trưởng mới, nhờ có các vệ sĩ bảo vệ đã phải chạy trốn trên một taxi.

HY Scherer, tuy nhiên, đã không lùi bước, và ngày nay thì người được lựa chọn, khoa trưởng Anna Cintra, thực sự đã điều khiển được trường đại học cách tốt đẹp.

Trong tháng mười hai, Đức Hồng y đã viết một bài trên báo địa phương để biện hộ cho quyết định cuả ngài. Ngài cho biết rất tự hào đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường căn tính Công giáo của trường đại học, vì trường đại học "đã không được thành lập để chỉ bảo vệ quyền lợi cuả nhà thờ, nhưng mục đích chính là để phục vụ cho sự thật và những điều tốt đẹp của con người ".

Về phá thai

Đức Hồng Y đã kiên quyết phản đối mọi cổ võ luật phá thai của Brazil. Khi Tòa án Tối cao bỏ phiếu vào năm 2012 để hợp pháp hoá việc phá thai các bào thai có bộ não bị hư, Hồng Y Scherer đã trở thành 'đề tài' trên trang nhất cuả báo chí khi ngài hỏi rằng Tòa án sẽ định nghĩa ai là người tiếp theo không xứng đáng được sống?

Vào tháng Chín, cho ý kiến ​​về đề nghị 'giải trừ án phạt' (decriminalize) phá thai, và thậm chí hợp thức hoá nó nếu có bác sĩ chứng nhận sức khỏe tâm lý của người mẹ, Hồng Y Scherer đã nêu ra hàng chục câu hỏi về việc liệu Chính phủ sẽ đảm bảo như thế nào để kết quả sẽ không chỉ đơn giản là phá thai theo yêu cầu. Các biện pháp gọi là bảo vệ, ngài nói, thực sự chỉ bảo vệ phụ nữ và các chuyên gia y tế khỏi bị truy cứu hình sự, nhưng không phải là "bảo vệ những người vô tội, là những người sẽ phải trả giá với sự sống của họ."

Những lý lẽ ủng hộ

John L. Allen Jr. đã liệt kê 5 lý lẽ ủng hộ và 5 lý lẽ chống lại ứng viên HY Scherer.

5 lý lẽ ủng hộ như sau:

Đầu tiên, HY Scherer sẽ biểu tượng là một giáo hoàng đến từ thế giới đang phát triển. Tuy nhiên nhờ nguồn gốc là một người Đức, tức là có một liên hệ với văn hóa và ngôn ngữ cuả Cựu thế giới, thì, trong một ý nghĩa nào đó, ngài có thể là một cầu nối "an toàn" giữa quá khứ và tương lai của giáo hội.

Thứ hai, Brazil có thể vẫn là quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới, nhưng tất cả không tốt đẹp gì lắm. Các phong trào Ngũ Tuần đang mọc lên như nấm và các giáo phái Tin Lành cũng đang bòn rút đi một phần đáng kể dân số Công giáo. Trong năm 2007, tại thời điểm tông du cuả GH Benedict XVI tới Brazil, viện Thống kê cuả nhà nước đã ước tính rằng tỷ lệ người Brazil không theo đạo đã tăng vọt từ 0,7% đến 7,3% trong hai thập kỷ.

Trong bối cảnh đó, sự lựa chọn một vị Giáo Hoàng Brazil có thể cung cấp một 'ống thuốc chích' trên cánh tay cuả Hội Thánh trong một đất nước đang trở thành một siêu cường của thế kỷ 21.

Thứ ba, HY Scherer đã có kinh nghiệm làm việc trong một bộ phận quan trọng nhất của Vatican, là Thánh Bộ Giám Mục, và có danh tiếng là một chuyên viên hành chính vững vàng, điều đó có thể cho thấy rằng ngài có thể thực hiện được một cuộc cải cách cho bộ máy quan liêu của Vatican.

Ngài đã từng chứng tỏ trong nhiều năm qua là có khả năng và nắm vững công việc hiện đại hóa các hoạt động của Vatican. Ví dụ trong năm 2009, trong tột điểm cuả cuộc tranh cãi toàn cầu về việc giải vạ tuyệt thông cho một giám mục từ chối không nhận hoạ Holocaust, HY Scherer thẳng thừng thừa nhận rằng Vatican đã không giải thích tốt về 'logic' của mình với thế giới.

HY Scherer nói: "Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ của chúng ta, đôi khi tất cả mọi thứ có vẻ sáng suả đối với chúng ta, nhưng không phải với bất kỳ ai khác". "Người phát ngôn của Giáo Hội phải nhớ rằng nền văn hóa nói chung không còn có tính cách tôn giáo, do đó, lời nói hoặc hành động của chúng ta có thể bị hiểu lầm hoặc hiểu sai."

Thứ tư, HY Scherer nói tiếng Ý rất sành sõi và quen biết nhiều giáo dân của vùng đất 'il bel paese' (đất nước mỹ miều), cho nên ngài sẽ rất thoải mái khi làm Giám Mục Rôma.

Thứ năm, HY Scherer 'trên sách vở' thì là một người có giáo lý chính thống, làm cho ngài trở thành một sự lựa chọn an toàn cho đa số bảo thủ trong Hồng Y Đoàn, nhưng ngài cũng được xem như là một người thực tiễn và sẽ không nhất thiết áp đặt quan điểm riêng của mình trên toàn thể giáo hội.

Những lý lẽ chống

Đầu tiên, nhiều hồng y cho biết họ không biết nhiều về vị HY cuả Brazil này. Bản chất của mọi người làm việc tại Thánh Bộ Giám Mục là tránh né ánh đèn sân khấu, có nghĩa là ngài đã không để lại một ấn tượng sâu sắc nào trong suốt nhiệm kỳ ở Rome, và kể từ khi trở về Brazil, HY Scherer cũng không duy trì một sự hiện diện cao trên trường quốc tế.

Thứ hai, đối với các vị hồng y muốn có một "vị tổng tư lệnh truyền giáo", thì một số người Brazil sẽ cho biết rằng HY Scherer không nhất thiết là vị đó. Ngài là một cá nhân duyên dáng và dễ tiếp cận, nhưng ở những nơi công cộng, ngài quá lễ nghi và thận trọng, và rất ít người mô tả ngài là "năng động" hay "lôi cuốn". Những yếu điểm đó không chỉ là về phong cách cá nhân của ngài mà thôi, nhưng cũng là những tư tưởng về đạo Công giáo cuả ngài.

Ví dụ, HY Scherer đã rất dè dặt về Cha Rossi, một linh mục Công giáo nổi tiếng nhất của Brazil, có những nghi thức phụng vụ 'mầu mè' (exuberant) nhưng hấp dẫn hàng chục ngàn người Brazil, có khi qui tụ tới 2.000.000 người trên một trường đua ngựa. HY Scherer phê bình rằng "linh mục không phải là diễn viên (showmen)", nhưng nhiều người Brazil lại nhấn mạnh rằng LM Rossi thực sự là một "việc truyền giáo mới" trong hành động.

Thứ ba, vì có gốc Đức, một số hồng y có thể coi HY Scherer không nhất thiết là một giáo hoàng đầu tiên của Brazil, nhưng là một giáo hoàng người Đức thứ hai liên tiếp.

Thứ tư, hai vị HY Brazil đang làm việc tại Rome, HY Hummes và Hồng Y João Braz de Aviz (Bộ Tu Sĩ), đều bị cho là 'xoàng' (inconsequential) mà thôi, vì vậy, một ứng viên Brazil khác có thể cũng bị 'vạ lây.'

Thứ năm, một số nhà quan sát nghi ngờ về hiệu quả cuả HY Scherer trong việc ngăn chặn sự soi mòn giáo hội bởi Phong trào Ngũ Tuần, bởi chủ nghĩa thế tục và bởi sự thờ ơ với tôn giáo ở Brazil. Dĩ nhiên không ai mong đợi một cá nhân có để đảo ngược nhiều thập kỷ xuống dốc một cách tức thời, nhưng một số hồng y vẫn có thể nghĩ rằng, "Liệu chúng ta có muốn cho toàn bộ giáo hội đi theo con đường của Brazil không?"

Cảm tưởng cuả HY Scherer về chức vụ giáo hoàng

Vào đầu tháng 3, khi được hỏi ngài có nghĩ rằng đây là thời gian cho một người Châu Mỹ Latin làm Giáo Hoàng không, Hồng Y Scherer cho biết rằng việc quyết định về vị giáo hoàng kế tiếp không phải tuỳ thuộc vào nguồn gốc địa lý cũng không phải vì tuổi tác. Ngài nói: "Những suy tư tại cuộc Mật Nghị sẽ không là về việc một giáo hoàng đến từ nơi này hoặc nơi nọ, hoặc ngài có nguồn gốc ở đây hoặc ở đó, nhưng mà là liệu ngài có điều kiện, nhất là chuẩn bị sẵn sàng để lãnh đạo Giáo Hội tại thời điểm này của lịch sử. "

Khi được hỏi ngài có tự coi mình là một ứng viên không, Hồng Y Scherer cho biết: "Sẽ là rất kiêu căng cho một hồng y nói rằng 'tôi sẵn sàng'. Không ai sẽ nói:'Tôi là một ứng cử viên'".

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

CƠ MẬT VIỆN BẦU TÂN GIÁO HOÀNG - TƯỜNG TRÌNH TỪ VATICAN NGÀY 08.3.2013

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

NĂM GƯƠNG MẶT TRẺ NHẤT HỒNG Y ĐOÀN

ROMA, (Zenit.org) - Trong số 115 Hồng Y có quyền tham gia cơ mật viện để bầu giáo hoàng, chỉ có năm vị dưới 60 tuổi. Trong số này, ba người thuộc Châu Âu và hai vị còn lại đến từ Châu Á, đồng thời cũng là Hồng Y mới nhất và trẻ tuổi nhất chỉ vừa được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vinh thăng gần đây ngày 24/11/2012 trong mật nghị Hồng Y cuối cùng của ngài.

Danh tánh các Hồng Y này là Willem Jacobus Eijk, 59 tuổi người Hà Lan; hai người đồng hương của Đức Thánh Cha là Reinhard Marx, 59 tuổi và Rainer Maria Woelki, 56 tuổi; Luis Antonio Tagle, 55 tuổi, người Philippin và cuối cùng là Hồng Y người Ấn Độ Baselios Cleemis Thottunkal, 53 tuổi, trẻ nhất đoàn.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal
Hồng Y út đoàn

Giống như Hồng Y Tagle, Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal cũng được vinh thăng vào ngày 24/11/2012 vừa qua, mà trước đó đã được ĐTC Bênêđictô XVI loan báo trong một “mật nghị Hồng Y bất ngờ” diễn ra ngay cuối thượng hội đồng giám mục về tân Phúc Âm Hóa vào tháng Mười 2012.

Ngài là Tổng Giám Trưởng Trivandrum, Giáo chủ Công giáo Siry - Malankara kể từ năm 2007, kiêm Phó Chủ tịch HĐGM Ấn Độ, đồng thời là thành viên Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, và Thánh Bộ về các Giáo Hội Đông Phương. Đậu tiến sĩ thần học tại Angelicum, Roma, ngài cũng đã tham dự thượng hội đồng giám mục về Tân Phúc Âm hóa diễn ra từ 7 đến 28 tháng Mười 2012 vừa qua. Quan niệm về Tân Phúc Âm hóa dựa trên “chứng tá cá nhân” và đặt trọng tâm “thăng tiến nhân vị, lên tiếng cho những ai không có tiến nói, trở nên biểu tượng của công lý, khuyến khích các giá trị dân chủ”. Ngài đã cụ thể lời nói bằng hành động thành lập tại bang Kerala hai cơ sở đón tiếp bệnh nhân sida, một trung tâm tiếp đón người nghèo, một trường học dành cho trẻ em nghèo, và một trường cho các em khuyết tật.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle
Hồng y thần học gia Á châu

Đức Hồng Y Tagle, Tổng Giám Phục Manilla, đã được giới thiệu là “một tiếng nói đại diện cho tư tưởng thần học tại Á Châu”. Sinh năm 1957 tại Manila, là con trưởng cuả một gia đình ngoan đạo có gốc Hoa từ vùng Thượng Hải, vị hồng y tương lai đã tỏ ra là một thiếu niên xuất sắc và có chí đi tu. Ngay từ lúc mới 3 tuổi ngài đã có thể xướng kinh Mân Côi, và mặc dù cha mẹ mong muốn ngài trở thành một bác sĩ y khoa, cậu thanh niên Tagle đã quyết chí xin vào chủng viện sau khi tốt nghiệp cử nhân Triết tại đại học San Jose ở Manila năm 1977.

Ông John L. Allen Jr đã hết lời khen ngợi sức hấp dẫn cuả ngài như sau: "Ngài có một năng khiếu giao tiếp đặc biệt, là một diễn giả được săn lùng bởi các hệ thống truyền thông. Tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Quebec năm 2008, Ngài đã thu hút khán thính giả đến nỗi làm cho toàn bộ cử toạ cuả sân vận động phải rơi nước mắt."


Đức Hồng Y Reinhard Marx
Hồng Y lôi cuốn đối với Châu Âu

Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising kể từ năm 2007, giữ chức Chủ Tịch Liên Hiệp HĐGM Châu Âu từ năm 2012. Ngài được vinh thăng Hồng Y ngày 20 tháng 10 năm 2010.

Hồng Y Marx từng theo học triết học và thần học tại Đại Học Công Giáo Paris và Paderborn, mà chính tại nơi này ngài đã là giáo sư về học thuyết xã hội của Giáo Hội. Tại Tòa Thánh, ngài còn là thành viên Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thánh Bộ về các Giáo Hội Đông Phương, và Bộ Công Lý và Hòa Bình.

Trong một tuyên bố ngay sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thoái vị, Hồng Y Marx đã nhấn mạnh rằng suy tư thần học của ĐTC “vốn luôn luôn tìm sự hòa hợp giữa Đức Tin và Lý Trí, giữa Giáo Hội và Chính Trị” đã ghi dấu ấn Giáo Hội với “cách thức mang tính quyết định”.

Ngài cũng thường xuyên cổ võ Giáo Hội Châu Âu “tuyên xưng trong tình hình hiện nay thông điệp hoàn vụ của Tin Mừng, một thông điệp của niềm hy vọng” nhưng được thực thi với một thái độ “khiêm nhường và trong tinh thần tôn kính”, với “một đức tin tìm kiếm và thán phục”.

Đức Hồng Y Willem Jacobus Eijk
Một thầy thuốc và thần học gia

Sau khi đậu tiến sĩ y khoa tại trường đại học Amsterdam vào năm 1978, Willem Jacobus Eijk bước vào chủng viện đồng thời cũng đi chuyên sâu về đạo đạo đức sinh học. Chịu chức linh mục năm 1985, ngài tiếp tục nghiên cứu tiến sĩ về đạo đức sinh học với đề tài về an tử vào năm 1987. Ngài hoàn tất việc học của mình vào năm 1990 với một công trình tiến sĩ về nghiên cứu triết học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas d’Aquino và một đề tài nghiên cứu về di truyền học.

Sau khi được tấn phong giám mục và coi sóc giáo phận Groninge, ngài được ĐTC Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Utrecht năm 2007, và được bầu làm Chủ Tịch HĐGM Hà Lan vào năm 2011. Đến đầu năm ngoái, đức cha Willem Jacobus Eijk được vinh thăng lên tước vị Hồng Y ngày 18 tháng Hai 2012.

Bảo vệ nhiệt thành Công Đồng Chung Vaticano II, “ân sủng của Chúa Thánh Thần trong một thời điểm thích hợp và thuận tiện”, ngài chủ trương một sự Phúc Âm hóa với “một giáo huấn trong sáng về Lời Chúa”: cần phải đưa ra “một ý tưởng trong sáng của đức tin Công Giáo”.

Đức Hồng Y Eijk cũng là thành viên Tòa Thánh của Bộ giáo sĩ và Bộ Giáo Dục Công Giáo.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki
Hồng Y đón tiếp ĐTC trong lần trở về Đức lần cuối cùng

Khi vừa với được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Berlin vào tháng Bảy 2011, hai tháng sau đó, đức cha Rainer Maria Woelki đã đón tiếp Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong chuyến thăm mục vụ tại quê hương lần cuối cùng vào tháng Chín 2011. Cũng chỉ vài tháng sau, ngài được vinh thăng lên tước vị Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai 2012.

Có học vị tiến sĩ thần học, Hồng Y Woelki từng là giám mục phụ tá giáo phận Cologne. Ngài cũng là thành viên Tòa Thánh trong Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thánh Bộ về sự thúc đẩy hiệp nhất Kitô giáo.

Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Berlin rất ưu tư về sự nghèo túng gia tăng nơi trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời mời gọi người tín hữu không những “tham gia vào các dự án chống đói nghèo” mà còn “làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa” để giúp người nghèo nhất có thể “cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa”.

 Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
(VietCatholic News)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 01 - 07.3.2013

PHIÊN HỌP THỨ 5 CỦA HỒNG Y ĐOÀN : 07.3.2013

VATICAN. 152 Hồng Y đã tham dự phiên họp khoáng đại thứ 5 của Hồng y đoàn sáng thứ năm 7-3-2013, tại Hội trường Thượng HĐGM từ 9 giờ 30 đến 12.30 như mọi khi. Hồng y đoàn chưa ấn định ngày bắt đầu mật nghị.

Đầu phiên họp, 2 Hồng Y mới đến đã tuyên thệ, đó là ĐHY Kazamierz Nycz, TGM Varsava Ba Lan, 63 tuổi, và ĐHY Giovanni Coppa, 88 tuổi.

Như vậy chỉ còn thiếu ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Việt Nam. Trong cuộc họp báo lúc 13 giờ trưa, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết theo chương trình, ĐHY Việt Nam đến Roma trưa ngày 7-3-2013, và có thể ngài sẽ tham dự phiên họp ban chiều lúc 5 giờ của Hồng y đoàn.

Thực tế là máy bay của hãng Emirates chở ĐHY Mẫn từ Dubai đã đến Roma khoảng 2 giờ 15, tức là trễ 1 giờ 45 phút.

Tiếp đến, các Hồng y đã bỏ phiếu chọn 3 Hồng y để trợ giúp ĐHY Nhiếp chính Tarcisio Bertone trong các công việc thông thường với thời hạn là 3 ngày. 3 Hồng y được chọn là: ĐHY Becharai Rai, Thượng Phụ Maronite Liban, đại diện HY đẳng Giám Mục; ĐHY Laurent Monsengwo, TGM Kinshasa Congo, Đại diện HY đẳng LM và ĐHY De Paolis, đại diện HY đẳng Phó tế.

ĐHY niên trưởng Sodano đã đọc dự thảo điện văn chia buồn với Nhà Nước Venezuela về việc qua đời của tổng thống Ugo Chavez, nhân danh Hồng Y đoàn, và các HY đã chấp thuận văn bản.

Theo Tông hiến Pastor bonus (số 117), 3 HY đã bá cáo cho Hồng y đoàn về tình trạng tài chánh của Tòa Thánh: ĐHY Versaldi, đại diện sở Kinh tế tài chánh của Tòa Thánh, ĐHY Calgagno, đại diện cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh (Apsa), và sau cùng là ĐHY Giuseppe Bertello, đại diện Phủ thống đốc Quốc gia thành Vatican.
Tiếp đến đã có 13 HY đã lên tiếng phát biểu về các vấn đề như truyền giáo, tình trạng Giáo Hội trên thế giới, Giáo triều Roma, Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, đối thoại đại kết, hoạt động bác ái trong Giáo Hội dành cho người nghèo, những mong đợi nơi vị giáo hoàng tương lai, v.v.

Trong nửa giờ giải lao, có sự trao đổi giữa các Hồng Y.

Cha Lombardi cho biết trong phiên khoáng đại thứ 6 vào ban chiều từ 17 đến 19 giờ, theo dự kiến, các Hồng Y tiếp tục phát biểu ý kiến. Danh sách các Hồng y đăng ký xin lên tiếng vẫn còn dài.

Trong khi đó nhà nguyện Sistina được chuẩn bị cho mật nghị: bịt mờ các cửa kiếng gần nhà nguyện, làm các giàn để đặt ghế cho các Hồng y và bàn. Hai cái lò cũng được bố trí để đốt các lá phiếu bầu cử của các HY. Ngoài ra, các nhân viên làm vườn đã tháo gỡ huy hiệu của ĐGH Biển Đức làm bằng các cây kiểng trong vườn Vatican trước phủ Thống Đốc.

Họp báo

- Trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của một ký giả, Cha Lombardi cho biết ngài hiện diện trong các buổi họp của Hồng y đoàn để có thể thông báo cho giới báo chí. Sự hiện diện này được phép của ĐHY niên trưởng Sodano và của Hồng y đoàn. Và trước khi gặp báo chí trong cuộc họp báo mỗi ngày vào lúc 1 giờ trưa, cha Lombardi vẫn trao đổi với ĐHY Sodano về những gì có thể thông báo cho giới báo chí trong cuộc họp báo.

- Trả lời một câu hỏi khác của ký giả: tại sao Hồng y đoàn chưa xác định ngày bắt đầu mật nghị? Tại sao kéo dài những ngày chuẩn bị như hiện nay?

Cha Lombardi cho biết sở dĩ những ngày tiền mật nghị có vẻ kéo dài, vì trong thời gian mật nghị các HY chỉ tiến hành việc bầu cử, 4 lần bỏ phiếu mỗi ngày, do đó các vị sẽ không có giờ trao đổi sâu rộng với nhau nữa. Vì thế thời gian chuẩn bị hiện nay là quan trọng. Cho đến nay, đa số các Hồng y chưa thấy đến lúc ấn định ngày bắt đầu bầu Giáo Hoàng. ĐHY Niên trưởng chỉ là ”primus inter pares” (người đứng đầu giữa những người đồng hàng), ngài không thể áp đặt ý riêng của mình. Các quyết định có tính chất tập thể.

- Một ký giả hỏi xem các HY có nói về Vatileaks hay không? Cha Lombardi trả lời: các Hồng y nói về tất cả những vấn đề các vị thấy là cần được biết thêm về tình hình và các vấn đề của Giáo Hội, những vấn đề quan trọng đối với việc cai quản Giáo Hội. Đó là điều hiển nhiên. Các Hồng y trong những ngày này đang chuẩn bị cho việc bầu Giáo Hoàng, nên các vị phải tìm hiểu tình hình, để có thể có ý kiến. Các HY cũng nói về nhiều vấn đề khác nữa, ngoài những điều tôi đã nhắc đến như việc rao giảng Tin Mừng, Tòa Thánh, Giáo triều Roma, quan hệ với các hàng Giám Mục, đại kết, v.v..
LM. Trần Đức Anh, OP
(VietCatholic News) 

CƠ HỘI VỊ GIÁO HOÀNG NAM MỸ : ĐỨC HỒNG Y LEONARDO SANDRI CỦA ARGENTINA VÀ ĐỨC HỒNG Y ODILO PEDRO SCHERER CỦA BA TÂY

Đức Hồng Y Leonardo Sandri (Argentina)
Nam Mỹ Châu là nhà cuả 42% dân số Công Giáo trên thế giới nhưng lại là một ngôi nhà có nhiều lỗ giột. Các chình phủ không luôn luôn hoà thuận với Giáo hội, một lý thuyết 'thần học giải phóng' phát triển khá rộng rãi, giáo phái Tin Lành Pentecoste đang tiả lần các giáo xứ Công Giáo và nạn vô thần cũng đang cướp đi nhanh chóng một số lớn giáo dân.

Đức John Paul II đã từng coi Nam Mỹ là tương lai cuả Giáo Hội, mà quả thế nó vẫn là tương lai cuả giáo hội vì không nơi đâu có nhiều giáo dân đến như thế, nhưng tương lai đó cần phải được chăm sóc cho chu đáo hơn.

Người ta nghĩ rằng một giáo hoàng từ Nam Mỹ sẽ là một ống thuốc bổ 'chích vào tay' để kích thích nền tảng Công giáo ở đây.


Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer (Ba Tây)
Hiện có 2 ứng viên sáng giá từ Nam Mỹ: Đức Hồng Y Leonardo Sandri của Argentina và Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer cuả São Paulo, Ba Tây.

Có một điều, cả hai đều có gốc 'nhập cư' chứ không phải là gốc bản thổ (Da Đỏ)hay Latinh (Hispanic), HY Sandri là người gốc Ý và HY Scherer là người gốc Đức, nhưng điều naỳ cũng có cái lợi của nó ở điểm nó có thể thu hút thêm những lá phiếu cuả các HY Âu Châu.

Cả hai vị đều có một lý lịch đầy ắp. Xin hãy bàn về HY Sandri trước.

Cơ hội cuả HY Sandri.

"Nếu người ta chọn một giáo hoàng giống như tuyển dụng một nhân viên, thì lý lịch cuả Hồng Y Sandri có lẽ sẽ là một "cú banh đập qua rổ" (slam-dunk), ít nhất là sẽ vượt qua vòng loại và được mời vào một cuộc phỏng vấn" theo lời bình phẩm cuả John L. Allen Jr.

Allen nói thêm: "Chúng ta đang nói về một người 69 tuổi, là số tuổi vừa phải, không quá già hoặc quá trẻ, ngài là một người sinh ra tại Argentina nhưng sống phần lớn bên Ý, nên ngài có thể hài hoà hai thế giới thứ Nhất và thứ Ba tại một thời điểm khi mà đạo Công giáo đang tìm kiếm một cầu nối giữa hai thế giới; và ngài là một 'tay kỳ cựu' (veteran) cuả Vatican với một danh tiếng là một quản trị viên chuyên nghiệp khi mà nhiều hồng y tin rằng việc kiểm soát Vatican là ưu tiên hàng đầu phải làm cuả vị Giáo Hoàng kế tiếp."

Thân thế sự nghiệp

HY Sandri sinh ra tại Buenos Aires, cha mẹ là người Ý di cư, gốc ở vùng Trentino bên Ý. Ngài học ban Nhân Văn, Triết Học và Thần Học tại Đại Chủng viện Thủ đô Buenos Aires. Năm 1967, ngài thụ phong linh mục.

Ngài đã làm cha phó ở giáo xứ Nuestra Señora del Carmen ở Villa Urquiza và là thư ký cho Đức Tổng Giám Mục Aramburu cho đến năm 1970, rồi dược cử đi học ở Roma. Tại đây ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật từ Giáo Hoàng Học Viện Gregorian và tốt nghiệp học viện Pontifical Ecclesiastical Academy, là nơi đào tạo các nhà ngoại giao.

Năm 1974, HY Sandri được cử đi phục vụ ở Tòa Khâm sứ ở Madagascar và Mauritius, và phục vụ trong các Phái đoàn Tòa Thánh tới các đảo Comoros và Réunion ở Ấn Độ Dương.

Sau đó, ngài được gọi về Roma làm việc trong phủ Quốc Vụ Khanh từ năm 1977 đến 1989.

Từ 1989 cho đến 1991 ngài phục vụ tại toà khâm sứ ở Hoa Kỳ như là một quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States).

Thời gian ngài phục vụ tại Hoa Kỳ tuy ngắn ngủi nhưng đã tạo nhiều gắn bó thân thiết với một linh mục trẻ quê ở St Louis cũng đang giúp việc tại đó, vị linh mục trẻ đó có tên là Timothy Dolan, ngày nay là Đức Hồng Y nổi tiếng của New York, chủ tịch Hội đồng GMCG Hoa Kỳ.

Năm 1991 ngài về Roma làm nhiếp chính cho văn phòng Giáo Hoàng.

Năm 2002, trở thành giám sát viên các vấn đề tổng quát cuả phủ Quốc Vụ Khanh.

Năm 1997, được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela và được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu toà Aemona.

Sau hai năm làm việc ở Venezuela, ngài trở thành sứ thần Tòa Thánh ở Mexico một thời gian ngắn, rồi được gọi về Roma làm Quyền Tổng Quản (Substitute for General Affairs) ở phủ Quốc Vụ Khanh.

Với chức vụ Quyền Tổng Quản, HY Sandri là nhân vật thứ ba cuả giáo triều, chỉ sau Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh, chủ yếu lo việc nhân viên cho giáo triều.

Trong thời điểm sức khỏe cuả đức Gioan Phaolô II suy giảm, ngài là người thay mặt đức Gioan Phaolô đọc các văn bản cuả giáo hoàng; ngài là người thông báo cái chết của Đức Giáo Hoàng cho thế giới từ Quảng trường Thánh Phêrô, với một câu nói đã đi vào lịch sử như sau "Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã trở về nhà Cha ... Tối nay tất cả chúng ta đều cảm thấy như là những trẻ mồ côi".

Năm 2007, HY Sandri được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội phương Đông. Cùng năm đó ngài dược thăng Hồng Y.

Ngoài nhiệm vụ Tổng Trưởng, Hồng y Sandri cũng là một thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Hội đồng Giáo hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn, Hội đồng Giáo hoàng cho nội dung lập pháp, Ủy ban Giáo hoàng Mỹ Latin và Ủy ban Giáo hoàng về Vatican City, là thành viên của Thánh Bộ Giám Mục, hỗ trợ việc bổ nhiệm các giám mục trong các giáo phận truyền giáo, và là thành viên của Toà án Tối Cao.

Ngài thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Tư tưởng lập trường về Mục vụ

Hồng Y Sandri có ít kinh nghiệm mục vụ, nhưng qua nhận xét của ngài trước các giám mục Hoa Kỳ khi họ thực hiện cuộc hành hương "ad limina" tại Vatican hồi năm ngoái, ngài chứng tỏ là một người biết rõ hình ảnh của giáo hội là có vấn đề , và việc sửa chữa hình ảnh này tùy thuộc ở giáo hội chứ không ở ai khác.

"Ngày hôm nay có nhiều người đã nghi ngờ không biết vẫn còn có sự thánh thiện và trung thực trong hàng giáo sĩ nữa hay không. Chúng ta phải chứng minh là họ sai ", ngài nói.

"Chúng ta cần trở thành một cộng đồng thực sự của các thánh, tỏa sáng gương khiết tịnh và bác ái trước một nền văn hóa đang cần có những chứng nhân như thế."

Phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc truyền giáo mới trong tháng Mười năm ngoái, Hồng y Sandri cho biết rằng những người Công Giáo đông Phương đang phải đối mặt với nguy hiểm và đe dọa cho sự tự do tôn giáo của họ. Nhiều người đã tìm kiếm tự do và an toàn cho bản thân và gia đình ở phương Tây, nhưng lại gặp khó khăn vì khó thích nghi hoặc khó khăn trong việc duy trì đức tin của họ trong một xã hội dường như đã quên là Thiên Chúa còn hiện hữu.

Nhìn vào thực tế của toàn thể giáo hội một cách rộng lớn hơn, ngài nói với Thượng Hội Đồng: "Chúng ta phải cùng nhau thừa nhận rằng, mỗi khi chúng ta pha trộn 'công việc mục vụ' với quyền lực hoặc với lợi ích an ninh kinh tế, thì xảy ra các vấn đề, có sự phân hoá, có sự thiếu trung thành với Tin Mừng. Chúng ta cần thanh lọc tinh thần và sinh hoạt mục vụ của chúng ta cùng với các tín hữu của chúng ta. "

Những tuyên bố về tình hình ở Trung đông

HY Sandri đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong cuộc Tông Du Đất Thánh để tưởng niệm Yad Vashem (Holocaust) và nhận xét rằng bài phát biểu của ĐTC là một nguồn vui cho Kitô hữu và cho cả người Do Thái.

Đề cập đến tình trạng Kitô hữu ở đây, ngài phàn nàn về nạn di cư của các Kitô hữu ra khỏi khu vực, nói rằng, "sự thiếu bình an đã làm cho các Kitô hữu phải di cư ra ngoài và bỏ đất đai của họ lại. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước một khung cảnh thuần túy địa chất, với những di tích vật lý về sự hiện diện của Chúa Giêsu, nhưng không có sự hiện diện của những người đã lớn lên cùng với Ngài và sống đức tin của Ngài, và tiếp tục đi theo Ngài như những môn đệ tại chính quê hương của Ngài."

HY Sandri nói rằng mặc dù chế độ của Saddam Hussein là độc tài, nhưng không thể phủ nhận rằng giáo sĩ và giáo dân ở Iraq đã cảm thấy an toàn hơn dưới chế độ của ông ta và đời sống phụng vụ của họ đã không bị ảnh hưởng.

Nhửng ưu điểm

John L. Allen Jr. cho rằng các ưu điểm cuả HY Sandri thì dễ thấy:

Đầu tiên, nhiều hồng y đã nói về sự mong muốn tìm kiếm được một vị Giáo Hoàng có một tầm nhìn toàn cầu, tập trung hơn vào các mối quan tâm và đấu tranh của người Công giáo trong những nước đang phát triển. Đồng thời, họ không muốn bầu một người thiếu hiểu biết về giáo triều và xa lạ với hình thức năng động của sự lãnh đạo giáo hội ở phương Tây -như áp lực cuả truyền thông, môi trường pháp lý và chính trị, thể chế và gánh nặng tài chính của giáo hội ở những nơi có một cơ sở hạ tầng lớn vv.

Nếu như thế thì HY Sandri có vẻ là con người lý tưởng. Bởi vì có nguồn gốc ở Argentina, ngài được coi như là một "Đức Thánh Cha từ thế giới thứ ba", nhưng đồng thời ngài lại được xem như là một người Ý. Và chắc chắn không ai có thể nói rằng HY Sandri, với một kinh nghiệm ngoại giao lâu dài, không thông hiểu những thực tế của việc lãnh đạo trên sân khấu thế giới.

Thứ hai, hầu hết các hồng y tin rằng vị Giáo hoàng mới cần phải lo toan nhiều hơn về việc quản trị. Chúng ta đã có hai vị giáo hoàng không quan tâm nhiều đến việc quản lý kinh doanh của giáo triều: John Paul II tập trung vào việc mang thông điệp của giáo hội đến đường phố và thay đổi giòng thủy triều của lịch sử trong khi Đức Thánh Cha Benedict XVI là một giáo sư tuyệt đẹp và văn hóa, nhưng cả hai vị hầu như không cầm dây cương để trực tiếp điều khiển giáo triều.

Do đó trong tám năm qua, giáo hội đã phải trả một cái giá rất đắt - vụ Williamson (giám mục phái Lefebvre không tin có Holocaust, sẽ nói sau), vụ Vatileaks, phản ứng chậm trước những vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em, và tham nhũng tài chính. Nhiều Hồng y tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ cần phải giám sát một cuộc cải cách triệt để, theo hướng hiện đại hoá phương pháp và quản lý các triển vọng, áp dụng tính minh bạch và trách nhiệm, và bổ nhiệm nhân viên thích hợp với công việc.

Về điểm này, thì HY Sandri là một ứng viên đáng kính trọng không thua bất cứ ai có thể tìm thấy được.

Ngài có một danh tiếng lừng lẫy kể từ nhiệm kỳ làm Quyền Tổng Quản dưới thời GH John Paul II. Hầu hết ở Vatican, người ta công nhận ngài là hiệu quả, chi tiết, quan tâm tới sự việc cần thực hiện hơn là chơi những đòn chính trị.

Bởi vậy nếu các vị hồng y tìm kiếm một "Đức Giáo Hoàng cầm quyền," thì 'logic' theo con đường ngắn sẽ dẫn họ tới HY Sandri.

Thứ ba, HY Sandri là một 'tay kỳ cựu' ở Vatican, nhưng trong tâm trí của hầu hết các hồng y thì ngài không bị 'cháy' như trường hợp Quốc Vụ Khanh Hồng Y Tarcisio Bertone.

Năm 2007 khi HY Sandri được đổi làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương thì có vẻ như là bị 'xuống chức' dù cho là ngài được thăng Hồng Y. Tuy nhiên, hình như đó là một sự dự phòng cuả Chuá, vì nó giúp ngài tránh khỏi nhiều tai tiếng cuả giáo triều qua những biến cố 'bùng nổ' sau này như 'vụ giám mục cuả phái Lefebvre được cho phép thông công nhưng sau đó khám ra là vị giám mục này đã không công nhận nạn diệt chủng Do Thái', trường hợp 'từ chức cuả Dino Boffo chủ bút báo Công Giáo Avvenire, bị coi là giáo hội nhượng bộ tên thủ tướng 'râu xồm' Silvio Berlusconi' và vụ Vatileaks vv.

Thứ tư, thật khó tìm ra một ai đó không thích HY Sandri. Một số người còn gọi ngài là "có sức hấp dẫn", nhưng phần đông coi ngài là ấm áp, cởi mở và sống động hài hước. HY Sandri có rất nhiều bạn bè, không có kẻ thù.

Thứ năm, là một sản phẩm cuả ngoại giao, HY Sandri có một cái nhìn quân bình trên hầu hết các vấn đề chính trị và thần học. Là một quan chức Vatican sành sõi, ngài được lòng cả hai phiá bảo thủ và ôn hoà trong Hồng Y đoàn. Trong một cuộc Mật Nghị, nếu không có hy vọng một ai có đủ số phiếu hai phần ba, thì HY Sandri có thể là một ứng viên mà các HY có thể 'thoả hiệp' được. (compromised)

Những nhược điểm

Tuy nhiên, cũng theo John Allen, có ít nhất bốn nhược điểm về ứng viên HY Sandri.

Đầu tiên, nhiều người coi HY Sandri có thể là một vị Quốc Vụ Khanh tuyệt vời, nhưng không phải là Giáo Hoàng. Ngài có khả năng làm cho đoàn tàu chạy đúng giờ, nhưng không có 'sức thúc đẩy' Tin Mừng của Đức Gioan Phaolô II và cũng không có cái trí tuệ của Đức Bênêđictô XVI. Nhiều Hồng y muốn có một sự kết hợp những phẩm chất tốt nhất của cả hai vị giáo hoàng, họ có thể không thấy sự pha trộn đó ở HY Sandri.

Thứ hai, mặc dù được sinh ra tại Argentina, nhiều hồng y vẫn nghĩ ngài là một người Ý. Do đó một phiếu cho HY Sandri là một phiếu tiếp tục cái vòng phong toả cuả người Ý ở Vatican. Đây là một thời điểm tế nhị khi mà nhiều HY trên thế giới đang thất vọng vì những gì họ cho là "Italianization" (Ý hoá ) dưới thời cuả đức Benedict (bổ nhiệm và thăng tước Hồng Y cho nhiều người Ý) với kết quả đôi khi thảm họa.

Thứ ba, HY Sandri có ít kinh nghiệm mục vụ. Nhiều HY, trong số đó có các HY Hoa Kỳ, đã tỏ ý họ sẽ không tìm một viên chức hành chánh chuyên nghiệp nhưng sẽ tìm một vị giáo hoàng trong số các 'mục tử cuả các linh hồn'.

Thứ tư, có một số lo ngại về gánh hành lý cuả HY Sandri, tức là những tư tưởng và hành động trước đây của ngài.

Ví dụ, HY Sandri đã phục vụ trong phủ Quốc Vụ Khanh dưới thời Hồng Y Angelo Sodano dưới triều ĐGH John Paul, lúc đó HY Sodano đã hỗ trợ mạnh mẽ cho vị LM Mexico Marcial Maciel Degollado, người sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô, và sau đó bị khám phá ra một loạt lạm dụng tình dục và hành vi sai trái. Khi LM Maciel tổ chức kỷ niệm 60 năm linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành ở Rome vào năm 2004, HY Sandri đã được cử đến đọc một lá thư khen ngợi cuả ĐGH John Paul.

Măc dù HY Sandri không được xem như là người ủng hộ LM Maciel, vài hồng y có thể sẽ không thoải mái về cái triển vọng là giới truyền hình sẽ trình chiếu lên TV cảnh vị giáo hoàng mới đã từng ca ngợi một linh mục lạm dụng tình dục, dù cho đó không phải là lời lẽ cuả ngài.

Một trường hợp khác, truyền thông Ý đã liên hệ HY Sandri với một vụ bê bối xung quanh nhân vật Angelo Balducci, một người Ý bị truy tố tham nhũng. Balducci, có danh hiệu là 'quí ông danh dự cuả toà thánh' ("Gentleman of his Holiness"), đã dính liú vào một đường dây mại dâm đồng tính và đã bị thu thanh đang đàm phán dịch vụ với một thành viên của một Ca đoàn của Vatican.

Những 'thu thanh nghe lén' cho thấy HY Sandri và Balducci là bạn với nhau, ngài đã từng giới thiệu cho Balducci đấu giá và thắng lợi một hợp đồng $400 triệu cuả chính phủ.

Không ai buộc tội HY Sandri làm việc gì sai trái, nhưng sự liên hệ với Balducci có thể bị các HY coi xét nhiều hơn trước cuộc họp kín bầu Giáo hoàng.

Tổng quát hơn, vì nắm giữ những chức vụ cao trong phủ Quốc Vụ Khanh có nghĩa là đã tham gia vào bối cảnh tài chính và chính trị Ý, cho nên một số hồng y có thể tự hỏi, liệu có những 'bộ xương khô' nào khác bị giấu trong tủ áo không, hoặc, có lẽ, có những tình huống vô tội nhưng rất khó khăn để giải thích không?

Một lý lịch lý tưởng cho chức vụ giáo hoàng có lẽ khó mà tìm thấy và do đó hầu như chưa có một đồng thuận nào về việc phải có một hồ sơ như thế nào cho chức vụ giáo hoàng. Khi nhìn tới lý lịch cuả HY Sandri, các HY sẽ tìm thấy nhiều điểm họ thích, nhưng cũng có những điểm làm cho họ rụt rè, và như vậy thì cơ hội cuả vị HY người Argentina có gốc Ý này, về cơ bản không khác bao nhiêu so với nhiều vị sáng giá khác.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)