|
Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer |
Cơ hội cuả HY Scherer
Nhiều vị HY đã công khai cho biết họ sẽ tìm một vị 'mục tử cuả các linh hồn', vậy thì một Tổng giám mục có kinh nghiệm cuả một giáo phận lớn nhất thế giới với một số giáo dân Công Giaó cao tới 6 triệu người thì có đủ điều kiện chưa?
Nhất là khi mà điạ phận ấy thuộc về một thành phố vào loại lớn nhất thế giới (11 triệu dân) nhưng lại có nhiều người nghèo nhất, thiếu mọi dịch vụ cơ bản ngay cả nước, đầy dẫy tội phạm, đang là mảnh đất phì nhiêu cho giáo phái Ngũ Tuần xâm lấn và đồng thời một lý thuyết 'thần học giải phóng' đang lan tràn mạnh mẽ.
Đó là ĐHY Odilo Pedro Scherer, 63 tuổi, tổng giám mục cuả tổng giáo phận São Paulo, Brazil.
Thân Thế Sự Nghiệp
HY Odilo Pedro Scherer sinh năm 1949, tại thành phố Cerro Largo, tiểu bang Rio Grande do Sul ở phiá Nam Brazil. Ngài có họ hàng xa với cố Hồng Y Alfredo Scherer, tổng Giám Mục Porto Alegre. Cha Mẹ cuả ngài là người gốc Đức, cha từ vùng Theley, và mẹ từ vùng Saarland, gần biên giới Pháp.
Học Triết tại Queen of Apostles Seminary ở Curitiba, thủ đô của tiểu bang Paraná ở phía nam của Brazil, sau đó học Thần học tại Giáo Hoàng học viện Paraná. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1976.
Lấy thạc sĩ Triết học tại Giáo hoàng học viện Gregorian ở Rome, và bằng tiến sĩ Thần Học Thánh cũng ở Gregorian vào năm 1991. Trong thời gian theo học, ngài cũng nghiên cứu về giáo dục đại học và ba ngôn ngữ, Đức, Pháp và Anh.
Giống như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, phần lớn sự nghiệp cuả Hồng Y Scherer là một giáo sư. Ngài dạy triết học và thần học tại các trường đại học khác nhau trong tiểu bang Paraná từ 1977 đến 1993 và làm mục vụ ở Toledo từ 1985 đến 1988.
Phục vụ tại Thánh Bộ Giám Mục ở Vatican từ 1994 đến 2001.
Từ 2002 đến 2007 được tấn phong giám mục và bổ nhiệm làm GM phụ tá của São Paulo, Brazil.
Năm 2003, 'GM' Scherer trở thành tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Brazil.
Năm 2007 đươc bổ nhiệm làm Tổng Giám mục São Paulo, thay thế Đức Hồng Y Hummes đi Rome làm bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ. Cùng năm, ngài tổ chức tiếp đón đức Giáo hoàng Benedict XVI tông du đến Brazil.
Năm 2007 được thăng hồng y và năm 2008 được bổ nhiệm là thành viên của Thánh Bộ Giáo sĩ.
|
Tư tưởng về Tân Phúc âm Hoá
Trong suốt sự nghiệp mục vụ, ngài không ngừng lên tiếng về sự cần thiết cuả việc truyền giáo. Trong một bài viết năm 2010, ngài báo động về một "sự thâm hụt về phúc âm hóa" trên thế giới. Do đó không có ai bất ngờ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài là một trong 20 thành viên của Hội đồng Giáo hoàng mới được thành lập để khuyến khích Truyền giáo mới trong tháng 1 năm 2011.
Hồng Y Scherer được xem như là một nhà thần học ôn hoà, mặc dù ở tại quê nhà thì ngài được xem là khá bảo thủ. Ngài thường phê bình cách truyền giáo 'mầu mè' cuả linh mục và ca sĩ lừng danh Cha Marcelo Rossi, người cổ võ Canh Tân Đặc Sủng trong tổng giáo phận. Trước những phong cách và hình thức rực rỡ cuả các Thánh Lễ truyền hình, ngài phê bình rằng: "Các linh mục không phải là diễn viên (showmen.) Thánh Lễ không nên trở thành một màn trình diễn. (show)"
Về Thần học Giải phóng và công bình xã hội
Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả các giáo sĩ ở Châu Mỹ Latinh là thái độ của họ đối với Thần học Giải phóng, một phong trào mưu tìm sự thay đổi xã hội chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mác Xít. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi còn là HY Ratzinger, gọi thần học giải phóng là "một thứ dị giáo". Ngược lại, những vị tiền nhiệm cuả HY Scherer, Đức Hồng Y Paulo Arns là một nhà vô địch của phong trào thần học giải phóng, và Đức Hồng Y Claudio Hummes, dòng Phanxicô, được xem như là một người ôn hòa hơn.
Hồng Y Scherer thì có vẻ giữ một thái độ trung dung, ngài công khai hoan nghênh những mục tiêu của phong trào nhằm cắt giảm sự bất công xã hội và nghèo đói, trong khi vẫn chỉ trích việc sử dụng "Chủ nghĩa Mác Xít như là một công cụ phân tích".
Về Môi trường
HY Scherer ủng hộ các mối quan tâm mạnh mẽ về môi trường của các giám mục Brazil, đặc biệt là đối với rừng Amazon. Năm 2004, ngài kêu gọi chính phủ Brazil kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng thêm đất nông nghiệp ở khu vực Amazon, "để sự tàn phá không còn lan rộng sau khi vốn đã có vấn đề rồi, tức là sau khi cây rừng đã bị hạ và đốt cháy."
Tháng sáu năm ngoái Hồng Y Scherer làm đại diện cho Tòa Thánh tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc 'Rio + 20' về phát triển. Ngài chủ trương rằng việc hướng tới phát triển phải được tập trung vào "phẩm giá của mỗi con người". "Con người chịu trách nhiệm quản lý thiên nhiên ", ngài nói, và" việc quản lý này cần phải có một chiều kích đạo đức ".
Về các giáo hội ngoài Công Giáo
Trên trang web và trên các tờ báo của tổng giáo phận, Đức Hồng Y Scherer thường xuyên bình luận về những tin tức ở Brazil. Ngài cũng dùng Twitter rất tích cực và có hơn 20.000 người theo dõi. Ngài thường đăng những phản ánh ngắn vào ngày chủ nhật và các ngày lễ, và trả lời những câu hỏi và ý kiến từ dân chúng.
Ngài không né tránh những chủ đề gây tranh cãi, bao gồm cả việc chỉ trích giáo hội Ngũ Tuần đang tranh giành ảnh hưởng với Công Giáo.
Trong một bài bình luận trên trang web của tổng giáo phận, ngài cho biết sự bùng nổ của các cộng đồng tôn giáo mới ở Brazil là một dấu hiệu rõ ràng rằng mọi người vẫn còn khao khát Thiên Chúa. Nhưng, ngài nói, thường xuyên việc khao khát Thiên Chúa cuả người dân đã bị "khai thác như là một nguồn lợi và là một cái cớ để lấy tiền của họ."
Về tiền dâng cúng
Trong một bài vào đầu tháng hai có tiêu đề "Đức Giám Mục kiếm được bao nhiêu tiền?" Đức Hồng Y Scherer đã thẳng thắn đối phó với sự tức giận ở trong nước Brazil vì một cuộc điều tra về việc sử dụng số tiền mà người Brazil dâng cúng vào các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác. Ngài cho biết số tiền tổng cộng là "ấn tượng", nhưng nói rằng thật là cần thiết để phân biệt giữa những nhà thờ công chính, có những hoạt động giáo xứ, trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội và đối lại, với các nhóm khác mà các nhà lãnh đạo chỉ lo làm giàu cá nhân.
Luật Giáo hội Công giáo yêu cầu mỗi giáo xứ và giáo phận có một hội đồng tài chính điều hành bởi những nhân viên có đủ điều kiện để đảm bảo sự "chặt chẽ, minh bạch và trách nhiệm", ngài lưu ý như vậy và nhấn mạnh rằng chính phủ có quyền và nghĩa vụ kiểm tra các tổ chức được miễn thuế vì lý do tôn giáo.
Về quyền giáo huấn và lý tưởng đại học
Hồng Y Scherer cũng thường xuyên thẳng thắn lên tiếng bênh vực các giáo huấn của giáo hội và bản sắc Công Giáo của các tổ chức của giáo hội.
Trong lúc thuyết tương đối đang là cái 'mốt' cho văn hóa, Đức Hồng Y Scherer cho biết, "một trường đại học Công giáo giúp cho thấy rằng có những giá trị không thể thương lượng, chẳng hạn như việc theo đuổi chân lý, giá trị của cuộc sống con người trong tất cả các giai đoạn và nhân phẩm của phụ nữ." Trong một xã hội, nơi mọi người đang kêu gọi đa nguyên và dân chủ, các trường đại học Công giáo có quyền tồn tại và đóng góp, ngài nói.
Ngài tỏ ra rất cương quyết khi thi hành những chọn lựa dù cho có khó khăn đến đâu.
Ví dụ trong năm 2012, các sinh viên, giáo sư và nhân viên tại Giáo Hoàng học viện São Paulo đã bỏ phiếu để tái cử khoa trưởng của trường đại học. HY Scherer, tuy nhiên, lấy tư cách là viện trưởng, đã chỉ định một ứng viên đứng hàng thứ ba. Các sinh viên nộp đơn phản đối, sau đó biểu tình bãi khoá, và thậm chí đã ngăn chặn không cho vị khoa trưởng mới đi vào văn phòng. Vị nữ khoa trưởng mới, nhờ có các vệ sĩ bảo vệ đã phải chạy trốn trên một taxi.
HY Scherer, tuy nhiên, đã không lùi bước, và ngày nay thì người được lựa chọn, khoa trưởng Anna Cintra, thực sự đã điều khiển được trường đại học cách tốt đẹp.
Trong tháng mười hai, Đức Hồng y đã viết một bài trên báo địa phương để biện hộ cho quyết định cuả ngài. Ngài cho biết rất tự hào đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường căn tính Công giáo của trường đại học, vì trường đại học "đã không được thành lập để chỉ bảo vệ quyền lợi cuả nhà thờ, nhưng mục đích chính là để phục vụ cho sự thật và những điều tốt đẹp của con người ".
Về phá thai
Đức Hồng Y đã kiên quyết phản đối mọi cổ võ luật phá thai của Brazil. Khi Tòa án Tối cao bỏ phiếu vào năm 2012 để hợp pháp hoá việc phá thai các bào thai có bộ não bị hư, Hồng Y Scherer đã trở thành 'đề tài' trên trang nhất cuả báo chí khi ngài hỏi rằng Tòa án sẽ định nghĩa ai là người tiếp theo không xứng đáng được sống?
Vào tháng Chín, cho ý kiến về đề nghị 'giải trừ án phạt' (decriminalize) phá thai, và thậm chí hợp thức hoá nó nếu có bác sĩ chứng nhận sức khỏe tâm lý của người mẹ, Hồng Y Scherer đã nêu ra hàng chục câu hỏi về việc liệu Chính phủ sẽ đảm bảo như thế nào để kết quả sẽ không chỉ đơn giản là phá thai theo yêu cầu. Các biện pháp gọi là bảo vệ, ngài nói, thực sự chỉ bảo vệ phụ nữ và các chuyên gia y tế khỏi bị truy cứu hình sự, nhưng không phải là "bảo vệ những người vô tội, là những người sẽ phải trả giá với sự sống của họ."
Những lý lẽ ủng hộ
John L. Allen Jr. đã liệt kê 5 lý lẽ ủng hộ và 5 lý lẽ chống lại ứng viên HY Scherer.
5 lý lẽ ủng hộ như sau:
Đầu tiên, HY Scherer sẽ biểu tượng là một giáo hoàng đến từ thế giới đang phát triển. Tuy nhiên nhờ nguồn gốc là một người Đức, tức là có một liên hệ với văn hóa và ngôn ngữ cuả Cựu thế giới, thì, trong một ý nghĩa nào đó, ngài có thể là một cầu nối "an toàn" giữa quá khứ và tương lai của giáo hội.
Thứ hai, Brazil có thể vẫn là quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới, nhưng tất cả không tốt đẹp gì lắm. Các phong trào Ngũ Tuần đang mọc lên như nấm và các giáo phái Tin Lành cũng đang bòn rút đi một phần đáng kể dân số Công giáo. Trong năm 2007, tại thời điểm tông du cuả GH Benedict XVI tới Brazil, viện Thống kê cuả nhà nước đã ước tính rằng tỷ lệ người Brazil không theo đạo đã tăng vọt từ 0,7% đến 7,3% trong hai thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, sự lựa chọn một vị Giáo Hoàng Brazil có thể cung cấp một 'ống thuốc chích' trên cánh tay cuả Hội Thánh trong một đất nước đang trở thành một siêu cường của thế kỷ 21.
Thứ ba, HY Scherer đã có kinh nghiệm làm việc trong một bộ phận quan trọng nhất của Vatican, là Thánh Bộ Giám Mục, và có danh tiếng là một chuyên viên hành chính vững vàng, điều đó có thể cho thấy rằng ngài có thể thực hiện được một cuộc cải cách cho bộ máy quan liêu của Vatican.
Ngài đã từng chứng tỏ trong nhiều năm qua là có khả năng và nắm vững công việc hiện đại hóa các hoạt động của Vatican. Ví dụ trong năm 2009, trong tột điểm cuả cuộc tranh cãi toàn cầu về việc giải vạ tuyệt thông cho một giám mục từ chối không nhận hoạ Holocaust, HY Scherer thẳng thừng thừa nhận rằng Vatican đã không giải thích tốt về 'logic' của mình với thế giới.
HY Scherer nói: "Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ của chúng ta, đôi khi tất cả mọi thứ có vẻ sáng suả đối với chúng ta, nhưng không phải với bất kỳ ai khác". "Người phát ngôn của Giáo Hội phải nhớ rằng nền văn hóa nói chung không còn có tính cách tôn giáo, do đó, lời nói hoặc hành động của chúng ta có thể bị hiểu lầm hoặc hiểu sai."
Thứ tư, HY Scherer nói tiếng Ý rất sành sõi và quen biết nhiều giáo dân của vùng đất 'il bel paese' (đất nước mỹ miều), cho nên ngài sẽ rất thoải mái khi làm Giám Mục Rôma.
Thứ năm, HY Scherer 'trên sách vở' thì là một người có giáo lý chính thống, làm cho ngài trở thành một sự lựa chọn an toàn cho đa số bảo thủ trong Hồng Y Đoàn, nhưng ngài cũng được xem như là một người thực tiễn và sẽ không nhất thiết áp đặt quan điểm riêng của mình trên toàn thể giáo hội.
Những lý lẽ chống
Đầu tiên, nhiều hồng y cho biết họ không biết nhiều về vị HY cuả Brazil này. Bản chất của mọi người làm việc tại Thánh Bộ Giám Mục là tránh né ánh đèn sân khấu, có nghĩa là ngài đã không để lại một ấn tượng sâu sắc nào trong suốt nhiệm kỳ ở Rome, và kể từ khi trở về Brazil, HY Scherer cũng không duy trì một sự hiện diện cao trên trường quốc tế.
Thứ hai, đối với các vị hồng y muốn có một "vị tổng tư lệnh truyền giáo", thì một số người Brazil sẽ cho biết rằng HY Scherer không nhất thiết là vị đó. Ngài là một cá nhân duyên dáng và dễ tiếp cận, nhưng ở những nơi công cộng, ngài quá lễ nghi và thận trọng, và rất ít người mô tả ngài là "năng động" hay "lôi cuốn". Những yếu điểm đó không chỉ là về phong cách cá nhân của ngài mà thôi, nhưng cũng là những tư tưởng về đạo Công giáo cuả ngài.
Ví dụ, HY Scherer đã rất dè dặt về Cha Rossi, một linh mục Công giáo nổi tiếng nhất của Brazil, có những nghi thức phụng vụ 'mầu mè' (exuberant) nhưng hấp dẫn hàng chục ngàn người Brazil, có khi qui tụ tới 2.000.000 người trên một trường đua ngựa. HY Scherer phê bình rằng "linh mục không phải là diễn viên (showmen)", nhưng nhiều người Brazil lại nhấn mạnh rằng LM Rossi thực sự là một "việc truyền giáo mới" trong hành động.
Thứ ba, vì có gốc Đức, một số hồng y có thể coi HY Scherer không nhất thiết là một giáo hoàng đầu tiên của Brazil, nhưng là một giáo hoàng người Đức thứ hai liên tiếp.
Thứ tư, hai vị HY Brazil đang làm việc tại Rome, HY Hummes và Hồng Y João Braz de Aviz (Bộ Tu Sĩ), đều bị cho là 'xoàng' (inconsequential) mà thôi, vì vậy, một ứng viên Brazil khác có thể cũng bị 'vạ lây.'
Thứ năm, một số nhà quan sát nghi ngờ về hiệu quả cuả HY Scherer trong việc ngăn chặn sự soi mòn giáo hội bởi Phong trào Ngũ Tuần, bởi chủ nghĩa thế tục và bởi sự thờ ơ với tôn giáo ở Brazil. Dĩ nhiên không ai mong đợi một cá nhân có để đảo ngược nhiều thập kỷ xuống dốc một cách tức thời, nhưng một số hồng y vẫn có thể nghĩ rằng, "Liệu chúng ta có muốn cho toàn bộ giáo hội đi theo con đường của Brazil không?"
Cảm tưởng cuả HY Scherer về chức vụ giáo hoàng
Vào đầu tháng 3, khi được hỏi ngài có nghĩ rằng đây là thời gian cho một người Châu Mỹ Latin làm Giáo Hoàng không, Hồng Y Scherer cho biết rằng việc quyết định về vị giáo hoàng kế tiếp không phải tuỳ thuộc vào nguồn gốc địa lý cũng không phải vì tuổi tác. Ngài nói: "Những suy tư tại cuộc Mật Nghị sẽ không là về việc một giáo hoàng đến từ nơi này hoặc nơi nọ, hoặc ngài có nguồn gốc ở đây hoặc ở đó, nhưng mà là liệu ngài có điều kiện, nhất là chuẩn bị sẵn sàng để lãnh đạo Giáo Hội tại thời điểm này của lịch sử. "
Khi được hỏi ngài có tự coi mình là một ứng viên không, Hồng Y Scherer cho biết: "Sẽ là rất kiêu căng cho một hồng y nói rằng 'tôi sẵn sàng'. Không ai sẽ nói:'Tôi là một ứng cử viên'".
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)