Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

THỨ MẤY CHÚNG TA CÓ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG

Sau khi Tòa Thánh công bố Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu vào ngày thứ Ba (quý vị nào chưa xem video về biến cố này, xin nhấn vào đây), hàng loạt các “chuyên gia” đã đưa ra những phỏng đoán là ngày thứ mấy trong tuần lễ sắp tới Giáo Hội Công Giáo sẽ có Đức Tân Giáo Hoàng.

Theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh) đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 Tháng Hai năm 1996, vào chiều thứ Ba 12/3, tức là ngày đầu tiên, các vị Hồng Y sẽ chỉ bỏ phiếu một lần. Nhưng các ngày sau đó, mỗi ngày các vị bỏ phiếu bốn lần: hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều.

Dựa vào kết quả của các Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng trước đây, nhiều dự đoán đã được đưa ra.

NămĐức Hồng Y được bầuTước Hiệu Giáo Hoàng Số vòng bỏ phiếuSố Ngày
1903Giuseppe SattoPio X74
1914Giacomo della ChiesaBenedict XV103
1922Achille RattiPio XI145
1939Eugenio PacelliPio XII32
1958Angelo RoncalliGioan XXIII114
1963Gioanni Batista MontiniPaul VI63
1978Albino LucianoJohn Paul I42
1978Karol WojtylaJohn Paul II83
2005Joseph RatzingerBênêđíctô XVI32


Theo các “chuyên gia” của Paddy Power, trung tâm cá cược lớn nhất thế giới, ngày Giáo Hội Công Giáo có Đức Tân Giáo Hoàng được ước tính như sau:

NgàyXác suất
Thứ Ba 12/3/201315.2%
Thứ Tư 13/3/201345.2%
Thứ Năm 14/3/201330.1%
Thứ Sáu trở đi9.5%


Adam Brickley, một quan sát viên về Vatican đang sống tại Washington, người đã trình luận án về các Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng tại khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Colorado ở Colorado Springs hồi năm 2008, nói với tờ Washington Post rằng tình trạng của các Hồng Y hiện nay giống với tình trạng của Cơ Mật Viện năm 1922 hơn là năm 2005, nên ông nghĩ là phải mất 11 vòng bỏ phiếu, tức là sang ngày thứ Sáu 15 tháng Ba, Giáo Hội mới có Tân Giáo Hoàng.

Dù tính cách nào có lẽ hầu chắc là trong tuần tới chúng ta sẽ có vị Tân Giáo Hoàng.

Anh chị em tín hữu theo dõi cuộc bầu cử trên quảng trường Thánh Phêrô có thể nhìn làn khói bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina để biết Giáo Hội đã có tân Giáo Hoàng hay chưa.

Khi một vị Hồng Y đầu tiên nhận được 77 phiếu trở lên, vị ấy sẽ trở thành Giáo Hoàng. Lúc đó, sẽ có làn khói trắng bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistina.

Một vài con số thống kê được ghi nhận khách quan là:


  • Tuổi trung bình của 115 vị Hồng Y cử tri là 71 tuổi.
  • Đức Hồng Y cao niên nhất là Đức Hồng Y Walter Kasper của Đức.
  • Đức Hồng Y trẻ nhất là Đức Hồng Y Baselio Cleemis Thottunkal, người Ấn Độ, 54 tuổi.
  • Người kế tiếp là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle sẽ mừng sinh nhật thứ 56 vào tháng 6 tới.
  • 60 vị Hồng Y đến từ Âu Châu (tức là hơn ½ số vị Hồng Y cử tri). Mỹ Châu La Tinh có 19 vị, Bắc Mỹ 14 vị, Phi châu 11, Á Châu 10 và Úc châu có 1 vị là Đức Hồng Y George Pell.
  • Ý có 28 Hồng Y cử tri, tiếp đến là Hoa Kỳ với 11 vị, Đức 6 vị, Tây Ban Nha và Ba Tây mỗi nước có 5 vị.
  • 67 vị Hồng Y được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 (58%) và 48 vị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong. Cố nhiên, 67 vị Hồng Y được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng là những vị lần đầu bầu Giáo Hoàng. 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News)