Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

TẾT MỚI NƠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

 

TẾT MỚI NƠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG -- Tết mới ở đây, bữa cơm không đường cũng ngọt, bữa cơm không ngọt cũng có ‘nhiều đường’…

Chuyến xe đưa đón Tết mới

"Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta. Đường về nhà là vào tim ta, dẫu có muôn trùng qua. Vật đổi sao dời, nhà vẫn luôn là nhà”. Lời bài hát của Đen Vâu đưa chúng tôi trở về tâm trạng nô nức trên chuyến xe về quê vào mỗi dịp Tết dân tộc. Tết là dịp tất cả mọi người được trở về quê nhà và dành thời gian cho gia đình.

Thế nhưng, Tết năm nay có lẽ sẽ là một Tết thật đặc biệt của chúng tôi. Chúng tôi nhanh chân bước lên chuyến xe đến bệnh viện “Dã Chiến 3 Tầng Số 16”. Đây là chuyến xe đưa chúng tôi đón một “Tết mới”. Như mọi năm, Tết năm nay vẫn đến đúng hẹn, đúng lúc, không trễ, không sớm, khi chúng tôi - những người tu sĩ đã tình nguyện sắm vai thiện nguyện viên - đi vào bệnh viện đón Tết cùng với các bệnh nhân Covid-19.

Đối với chúng tôi, niềm vui Tết không chỉ là được ở gần người thân, an vui bên người thương, trong mái ấm gia đình của mình, mà còn là niềm vui được lan tỏa cho người khác, bất kể họ là ai. Đó có thể là các y bác sĩ mà chúng tôi sẽ cùng cộng tác. Đó cũng có thể là các bệnh nhân covid mà chúng tôi sẽ đồng hành. Dù không biết họ là ai, không thể thấy mặt nhau, chỉ biết nhau qua những câu chuyện và những lần thăm hỏi ngắn ngủi, chúng tôi vẫn hy vọng truyền cảm hứng, khích lệ nhau và dìu dắt nhau bước qua những nỗi đau thể xác và tinh thần.

Với tất cả những lạc quan đó, chúng tôi đã bước lên chuyến xe mang biển số “Yêu Thương” và tiến về phía ánh sáng mặt trời ấm áp của mùa Xuân mới.

Gặp nhau trong Xuân mới

Sáng đó thật đẹp, sáng màu nắng nhạt mà ấm áp. Sáng đó thật vui, 6 con người chúng tôi lạ lẫm lò mò bước vào trong khu “ICU1” và “ICU2”.

Bước chân đon đả của 2 thầy và 4 nữ tu lướt nhanh qua các phòng bệnh viện cùng một lúc, nhưng không sao tránh được sự rụt rè pha chút lo ngại. Ấy thế mà, chỉ trong chốc lát, với sự đón tiếp nồng nhiệt của quý bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng và các bệnh nhân, chúng tôi ai nấy đều lấy lại được tinh thần, hân hoan nhận việc và học việc…

Sau khi tham quan và học việc, chúng tôi chia nhau các phòng bệnh và tiến hành dọn dẹp. Ấn tượng nhất với tôi lúc này đó là số lượng bệnh nhân không nhiều… Điều này làm tất cả chúng tôi đều thấy vui. Vui vì con số bệnh nhân ít ỏi còn lại trong các phòng bệnh, báo hiệu một dấu hiệu số lượng lây nhiễm của dịch bệnh đang giảm xuống. Tuy vậy, chúng tôi được cảnh báo không được lơ là và chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh trong khi thực hiện chăm sóc các bệnh nhân ở đây.

Cho dù phải qua lớp áo bảo hộ và găng tay y tế mới có thể tiếp xúc được với bệnh nhân, chúng tôi vẫn cảm nhận được một tình yêu lan tỏa khi thấy những giọt nước mắt cảm động của một người đàn ông chạc tuổi bố tôi. Ông ấy thì thào chia sẻ: “Sơ ơi, buồn lắm! Nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu… nhớ… nhớ… mà không dám gọi điện thoại, sợ vợ con buồn, lo lắng rồi sốt ruột. May mà có các bác sĩ ở đây bầu bạn, có các cháu điều dưỡng chăm sóc tận tình. Và còn có các thầy, các sơ để tâm sự. Không thì… không thì… tui chết vì buồn mất!”

Vậy đó, ngày đầu làm việc chưa kịp thấm mệt, đã nhận được một lời chia sẻ và động viên hết sức chân tình của một bệnh nhân - người đáng lẽ cần được an ủi thì nay lại cho chúng tôi những lời khích lệ. Chúng tôi nhủ nhau rằng: “Đó không phải là công lao của chúng ta, nhưng đó là cơ hội cho chúng ta khi được thừa hưởng sự hy sinh của các nhóm anh chị thiện nguyện viên đi trước.”

Vâng, câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu từ sự quảng đại của người đi trước và đang được chúng tôi viết tiếp những tình tiết mới.

Bữa cơm Tết mới ngọt ngào

Những bữa cơm như thường lệ, không có cố định thời gian, lúc sớm lúc muộn, nhưng không bệnh nhân nào phàn nàn cả. Vì sao vậy? Không phải vì họ quen ăn muộn, không phải vì họ không dám lên tiếng. Nhưng vì họ thấu hiểu được sự khó khăn khi chuyển thức ăn từ bộ phận dinh dưỡng. Họ thông cảm cho sự vất vả của các nhân viên chăm sóc, không thể nhanh chóng đến nhận và phát đồ ăn…

Vậy nên khi thấy các bữa ăn đến, dù sớm dù muộn, họ cũng đều đón nhận với tất cả sự biết ơn. Họ ăn và gật gù khen: “Ngọt! Ngọt! Ngọt!”

Tôi thắc mắc, liệu có phải vì mất vị giác nên họ mới cảm thấy thế không? Nhưng bữa một, bữa hai, rồi dần dà sau đó, tất cả chúng tôi đều khám phá ra rằng: Vị ngọt của các hộp cơm đến từ tấm lòng của con người, vị ngọt của những tình thương họ dùng để chăm sóc nhau như người thân. Bữa cơm không đường cũng ngọt, bữa cơm không ngọt cũng có ‘nhiều đường’.

Tôi thường thấy một anh điều dưỡng trẻ hay phụ giúp các bữa ăn cho một cụ bà. Bà cụ này đã có phần nào lú lẫn do tuổi già, nhưng vẫn luôn miệng nói với anh ấy: “Cơm này của ai vậy ạ? Cho em à? Bao nhiêu tiền?”

Anh ấy cười sảng khoái và đùa với cụ bà: “Ha ha ha, bà ơi, ăn đi! Cơm của bà đó, miễn phí, miễn phí! Ăn nhiều, mau khỏe, về với con cháu nghen!”

Cứ như vậy, bữa nào anh ấy và bà cụ cũng trải qua một bữa ăn ‘nhiều đường’. Sau đó, thì tôi chợt nghe một giọng hát thật dịu dàng cất lên: “Ta chỉ sống một lần trên đời, suy nghĩ lắm chi em ơi! Bao nhiêu yêu thương trên đời, là vị ngọt trên đôi môi…” Thế là, cả khu ICU 2 được pha cười ngọt lịm…

Vậy đó, chúng tôi đang đón một Tết mới, Tết Nhâm Dần 2022, ngọt lịm tình người nơi bệnh viện dã chiến…

Tructimsac (TGPSG
(WGPSG) 

XUÂN YÊU THƯƠNG BÊN BỆNH NHÂN

XUÂN YÊU THƯƠNG BÊN BỆNH NHÂN

TGPSG -- Tết là thời gian sum họp gia đình, nên với những đứa con xa quê, Tết là thời điểm được mong đợi nhất trong năm để quay về đoàn tụ với người thân.

Chị cũng thế, mặc dầu cha mẹ đã khuất bóng nhưng chị vẫn còn có gia đình với các anh chị em ruột thịt. Chị cũng muốn về thăm lại ngôi nhà thân thương của mình và thắp những nén hương nơi mộ phần của cha mẹ.

Tuy nhiên năm nay, chị có một cái Tết rất khác: không ăn Tết với gia đình, cũng không ăn Tết với các chị em trong cộng đoàn, nhưng là ăn Tết ở bệnh viện với các bệnh nhân.

Cứ ngỡ Tết trong bệnh viện sẽ buồn lắm, nhưng không, bầu khí nơi đây cũng rộn ràng. Các chị điều dưỡng trang trí hoa mai, hoa đào thật sặc sỡ: “Trăm hoa đua nở khoe sắc thắm / Vạn vị chen lấn tỏa hương nồng”. Những bánh chưng, bánh tét giả được trưng bày trong khoa bệnh, những bài hát về mùa xuân được mở lên bằng một âm thanh vừa đủ nghe làm cho không khí Tết cũng tràn lan nơi bệnh viện. Các bệnh nhân nhờ đó mà vơi đi nỗi buồn đau khi không được ăn Tết đoàn viên với gia đình.

Rồi cũng có một buổi văn nghệ giao lưu cùng bữa buffet thật thân mật. Từng dòng người tiến về phía hội trường của bệnh viện, trong đó có các bác sĩ, các anh chị điều dưỡng, các tình nguyện viên tu sĩ Công giáo và các tình nguyên Phật giáo, các cô chú bảo vệ… đã hoà chung trong bầu khí không kém phần sôi động, tạo nên sự ấm áp tình người yêu thương.

Ngạc nhiên hơn, ở đây họ cùng nhau đón Tết sum vầy như ở gia đình. Bác sĩ trưởng khoa chỉ đạo diễn gói bánh chưng, mỗi người chung tay giúp bác, người này rửa lá, người kia xắt hành, người khác vo gạo...

Khuôn mặt của các bác sĩ, các anh chị điều dưỡng ánh lên một niềm hạnh phúc khó tả, mặc dù năm nay họ không được về ăn Tết với gia đình. Họ ở lại cùng với bệnh nhân như là để xoa dịu bớt nỗi buồn và những đau đớn của các bệnh nhân.

Những phần quà được trao tận tay các bệnh nhân: cái bánh chưng nho nhỏ, hộp xôi thật đơn sơ… khiến các bệnh nhân cảm động: “Ngoài kia, hoa nở rực tươi / Ở trong bệnh viện, lòng người như hoa.”

Vâng, hoa mai, hoa đào ngoài kia đang nở rất thắm để đón chào Tết đến, thì nơi đây, tại bệnh viện này cũng rất nhiều bông hoa đang nở. Đó là những tiến triển hồi phục của các bệnh nhân. Đó là những người làm công việc bác ái yêu thương. Họ như những bông hoa chào đón Tết.

Đâu đó trong bệnh viện vẫn có những mảnh đời cô đơn. Nhưng họ đơn mà không độc, vì họ còn có các y bác sĩ, những tình nguyện viên chăm sóc họ chu đáo và nhiệt thành.

Ngày Tết bên bệnh nhân đã cho chị thêm thấu hiểu được “hạnh phúc là cho đi...” bởi lẽ chị còn có cái để cho đi, đó là sức khỏe, bình an và tình thương được dâng hiến để phục vụ người anh em đồng loại. Thiết nghĩ, đó chính là hoa lòng đầu xuân để dâng lên Thiên Chúa Chí Tôn.

Những ca từ của bài hát “Xuân hi vọng” của tác giả Hiền Hòa lại vang vọng lên: “…. Lạy Chúa là Chúa của mùa Xuân, nguyện Chúa đổ phúc ân tràn lan cho nhân gian được sống trong yên hàn. Ngày tháng nguyện Chúa luôn ủi an, cuộc sống ngàn khó khăn lầm than, nay Xuân sang xin Chúa ban phúc lành…”

Ước mong rằng đại dịch sẽ chấm dứt để mọi người có thể an vui, không còn lo lắng bị nhiễm bệnh, để mọi sinh hoạt của người dân được trở lại bình thường.

Bệnh viện Hồi sức Covid 19- Thủ Đức
Bích Huyền- MTG Đà Lạt (TGPSG)
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 05.02.2022


Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 04.02.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 04.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 03.02.2022


MÙA XUÂN NƠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID

MÙA XUÂN NƠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID

TGPSG -- Chúng tôi được chia vào các khoa, làm việc theo ca trực 8 giờ/ngày. Những ngày trong Tết thì mỗi ca trực là 12 giờ/ngày…

Xuân năm nay, một mùa Xuân đặc biệt. Chúng tôi, 14 nữ tu dòng Đa Minh Gò Vấp đón Xuân tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, Thủ Đức, từ ngày 24-1 đến ngày 6-2-2022.

Cùng đi thiện nguyện như chúng tôi có cha dòng Phanxicô và các thầy Dòng Tên. Đang phục vụ tại đây còn có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, có sư cô và các anh chị Phật Giáo.

Ngày làm việc đầu tiên, chúng tôi đầy bối rối trong việc di chuyển bởi bệnh viện khá rộng.

Chúng tôi được chia vào các khoa, làm việc theo ca trực 8 giờ/ngày. Những ngày trong Tết thì mỗi ca trực là 12 giờ/ngày. Công việc chủ yếu là khử khuẩn bề mặt, vệ sinh môi trường, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, cộng tác trong khoa dinh dưỡng. Đối với các bệnh nhân nhẹ còn có thể nói chuyện được, chúng tôi thăm hỏi, lắng nghe các câu chuyện vui buồn của đời họ.

Riêng cha trưởng nhóm thì, ngoài công việc như chúng tôi, ngài còn thăm viếng mục vụ bệnh nhân và dâng thánh lễ mỗi ngày tại nơi chúng tôi trú ngụ. Đây thật là nguồn ơn thánh đặc biệt cho chúng tôi cũng như các bệnh nhân. Hy lễ trên bàn thánh mà chúng tôi dâng mỗi ngày, là chính các bệnh nhân chúng tôi đang cận kề.

Tôi được phân công làm việc tại khoa ICU – khoa Hồi sức tích cực, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, chăm sóc những bệnh nhân nguy kịch. Nhìn cách làm việc nhiệt tâm của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, các nhân viên trong khoa, chúng tôi không khỏi xúc động vì chúng tôi chỉ tham gia phục vụ trong một thời gian ngắn, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng… còn họ thì đã ở đó và vẫn sẽ ở đó, bên cạnh bệnh nhân cho tới khi không còn dịch bệnh. Thật đáng quý bởi họ vẫn kiên trì và nhiệt tâm cho tới lúc này.

Mỗi lần vào ca trực, lòng tôi se lại khi nhìn thấy các bệnh nhân nằm đó, với hơi thở khó nhọc, muốn thở mà không thở được một cách dễ dàng. Tôi giúp gì được cho họ đây? Động viên họ, đôi khi chỉ là đến bên, chạm nhẹ vào họ như một sự vỗ về, an ủi. Rồi chợt nghĩ vu vơ, nếu đó là bố, mẹ hay anh chị em của mình, tôi phải làm gì nhỉ? Không biết nữa! Tôi cảm thấy thật xao xuyến mỗi khi tan ca. Tôi ra về và tự hỏi liệu mình có còn gặp lại chú A, cô B trong ca làm việc tiếp theo không.

Và quả thật, mỗi ca làm việc, số bệnh nhân và tình trạng bệnh nhân trong khoa đều có sự thay đổi. Tôi cảm thấy vui mừng khi nghe tin họ được chuyển lên khoa nhẹ hơn, nhưng lại nghẹn lòng khi thấy họ yếu đi, phải đeo thêm những sợi dây chằng chịt; mới hôm qua còn có thể nói chuyện, hôm nay đã nằm thở một cách khó khăn với sự hỗ trợ của máy móc…

Khi đăng ký tham gia thiện nguyện, tôi ước mong làm được điều gì đó cho bệnh nhân, gieo hy vọng, sự tin tưởng để họ vượt qua khó khăn. Nhưng giờ đây, khi nhìn thấy các bệnh nhân nằm bất động, chứng kiến các bác sĩ, nhân viên y tế tận tâm, tận lực, xoay sở mọi cách để giành lại sự sống cho bệnh nhân, chính tôi lại là người được thắp lên tia hy vọng để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn, để trải nghiệm và trân trọng những giây phút đẹp nhất trong hiện tại.

Thời khắc Giao thừa đã đến gần; mùa Xuân đang về trên quê hương. Xuân Nhâm Dần năm nay, chúng tôi thấy Xuân vẫn thật đẹp, vì số các bệnh nhân covid đã giảm dần; những bệnh nhân còn ở lại bệnh viện, thì chúng tôi đang mong đón Xuân trong yêu thương với họ.

Xuân đã về đây:
  • bên những cánh mai vàng rực rỡ từ các phòng khoa của bệnh viện Hồi sức Covid19;
  • trong sự ân cần của các bác sĩ và nhân viên y tế;
  • trên môi cười yêu thương của các tình nguyện viên tu sĩ;
  • trong niềm khát khao “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10), mong ngày trở về với người thân của các bệnh nhân.
Xuân đã ở đây rồi, vì nơi đâu có tình người, ở đó có mùa Xuân.

Viết tại Bv. Hồi sức Covid-19, Thủ Đức
Kim Loan & Nguyễn Hiến (TGPSG)
 
(WGPSG)