Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

MÙA XUÂN NƠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID

MÙA XUÂN NƠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID

TGPSG -- Chúng tôi được chia vào các khoa, làm việc theo ca trực 8 giờ/ngày. Những ngày trong Tết thì mỗi ca trực là 12 giờ/ngày…

Xuân năm nay, một mùa Xuân đặc biệt. Chúng tôi, 14 nữ tu dòng Đa Minh Gò Vấp đón Xuân tại bệnh viện Hồi sức Covid-19, Thủ Đức, từ ngày 24-1 đến ngày 6-2-2022.

Cùng đi thiện nguyện như chúng tôi có cha dòng Phanxicô và các thầy Dòng Tên. Đang phục vụ tại đây còn có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, có sư cô và các anh chị Phật Giáo.

Ngày làm việc đầu tiên, chúng tôi đầy bối rối trong việc di chuyển bởi bệnh viện khá rộng.

Chúng tôi được chia vào các khoa, làm việc theo ca trực 8 giờ/ngày. Những ngày trong Tết thì mỗi ca trực là 12 giờ/ngày. Công việc chủ yếu là khử khuẩn bề mặt, vệ sinh môi trường, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, cộng tác trong khoa dinh dưỡng. Đối với các bệnh nhân nhẹ còn có thể nói chuyện được, chúng tôi thăm hỏi, lắng nghe các câu chuyện vui buồn của đời họ.

Riêng cha trưởng nhóm thì, ngoài công việc như chúng tôi, ngài còn thăm viếng mục vụ bệnh nhân và dâng thánh lễ mỗi ngày tại nơi chúng tôi trú ngụ. Đây thật là nguồn ơn thánh đặc biệt cho chúng tôi cũng như các bệnh nhân. Hy lễ trên bàn thánh mà chúng tôi dâng mỗi ngày, là chính các bệnh nhân chúng tôi đang cận kề.

Tôi được phân công làm việc tại khoa ICU – khoa Hồi sức tích cực, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, chăm sóc những bệnh nhân nguy kịch. Nhìn cách làm việc nhiệt tâm của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, các nhân viên trong khoa, chúng tôi không khỏi xúc động vì chúng tôi chỉ tham gia phục vụ trong một thời gian ngắn, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng… còn họ thì đã ở đó và vẫn sẽ ở đó, bên cạnh bệnh nhân cho tới khi không còn dịch bệnh. Thật đáng quý bởi họ vẫn kiên trì và nhiệt tâm cho tới lúc này.

Mỗi lần vào ca trực, lòng tôi se lại khi nhìn thấy các bệnh nhân nằm đó, với hơi thở khó nhọc, muốn thở mà không thở được một cách dễ dàng. Tôi giúp gì được cho họ đây? Động viên họ, đôi khi chỉ là đến bên, chạm nhẹ vào họ như một sự vỗ về, an ủi. Rồi chợt nghĩ vu vơ, nếu đó là bố, mẹ hay anh chị em của mình, tôi phải làm gì nhỉ? Không biết nữa! Tôi cảm thấy thật xao xuyến mỗi khi tan ca. Tôi ra về và tự hỏi liệu mình có còn gặp lại chú A, cô B trong ca làm việc tiếp theo không.

Và quả thật, mỗi ca làm việc, số bệnh nhân và tình trạng bệnh nhân trong khoa đều có sự thay đổi. Tôi cảm thấy vui mừng khi nghe tin họ được chuyển lên khoa nhẹ hơn, nhưng lại nghẹn lòng khi thấy họ yếu đi, phải đeo thêm những sợi dây chằng chịt; mới hôm qua còn có thể nói chuyện, hôm nay đã nằm thở một cách khó khăn với sự hỗ trợ của máy móc…

Khi đăng ký tham gia thiện nguyện, tôi ước mong làm được điều gì đó cho bệnh nhân, gieo hy vọng, sự tin tưởng để họ vượt qua khó khăn. Nhưng giờ đây, khi nhìn thấy các bệnh nhân nằm bất động, chứng kiến các bác sĩ, nhân viên y tế tận tâm, tận lực, xoay sở mọi cách để giành lại sự sống cho bệnh nhân, chính tôi lại là người được thắp lên tia hy vọng để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn, để trải nghiệm và trân trọng những giây phút đẹp nhất trong hiện tại.

Thời khắc Giao thừa đã đến gần; mùa Xuân đang về trên quê hương. Xuân Nhâm Dần năm nay, chúng tôi thấy Xuân vẫn thật đẹp, vì số các bệnh nhân covid đã giảm dần; những bệnh nhân còn ở lại bệnh viện, thì chúng tôi đang mong đón Xuân trong yêu thương với họ.

Xuân đã về đây:
  • bên những cánh mai vàng rực rỡ từ các phòng khoa của bệnh viện Hồi sức Covid19;
  • trong sự ân cần của các bác sĩ và nhân viên y tế;
  • trên môi cười yêu thương của các tình nguyện viên tu sĩ;
  • trong niềm khát khao “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10), mong ngày trở về với người thân của các bệnh nhân.
Xuân đã ở đây rồi, vì nơi đâu có tình người, ở đó có mùa Xuân.

Viết tại Bv. Hồi sức Covid-19, Thủ Đức
Kim Loan & Nguyễn Hiến (TGPSG)
 
(WGPSG)