Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

CHIẾC BÁNH Ú NGÀY TẾT CỦA MẸ

CHIẾC BÁNH Ú NGÀY TẾT CỦA MẸ

TGPSG -- Khi Tết đến, tôi thường nhớ đến mẹ tôi, với chiếc bánh ú nhỏ nhắn mẹ cầm đưa ngay cho tôi khi bánh vừa chín, vừa lấy ra khỏi nồi, nóng hổi...

Bạn có biết bánh ú chăng? Thay vì làm bánh chưng ngày Tết như phong tục Việt Nam theo truyền thuyết Lang Liêu, thì mẹ tôi lại làm bánh ú. Vì trong xóm tôi chỉ có gia đình tôi là người miền Tây nên bánh ú là độc quyền của mẹ tôi.

Bánh ú có hình tam giác, còn nguyên liệu thì hoàn toàn giống như bánh chưng, cũng có nếp, đậu xanh, thịt… Nhưng mẹ tôi còn thêm vào những nguyên liệu đặc trưng, khiến cho bánh ú của mẹ tôi có một không hai.

Vào dịp Tết thì dù hàng xóm đã có bánh chưng, họ vẫn thích bánh ú của mẹ. Có khi họ đem bánh chưng qua đổi; hay nhà ai có nếp ngon, họ cũng mang sang cho mẹ tôi, để được nhận lại những chiếc bánh ú thật đặc biệt của mẹ.

Tôi sẽ bật mí cho bạn nếu bạn muốn làm một cái bánh ú ngon cho người mà bạn yêu quí nhất. Đó sẽ là một cái bánh để đời. Tôi biết được bí quyết, mà thực ra chỉ là biết các công đoạn và cách làm… chứ bí quyết vẫn là bí mật. Chắc là mẹ có bỏ một chút nguyên liệu bí mật vào đó. Nếu bạn muốn bánh ngon, muốn chinh phục được vị giác của người khác, bạn phải tự mình khám phá ra nguyên liệu bí mật đó. Người ăn sẽ cảm nghiệm tấm lòng của bạn khi những miếng bánh dẻo nhẹo, thơm ngon đang đảo lộn trong miệng. Có lẽ bạn sẽ khám phá ra nguyên liệu ấy khi bạn chú ý theo dõi cách làm của mẹ.

Đầu tiên là chuẩn bị nếp. Mẹ chọn mua loại nếp bắc - nếu tôi không nhầm đó là nếp ngỗng. Mẹ nói: nếp có ngon thì bánh mới ngon được. Rồi sau khi đãi nếp, mẹ xào nếp trên bếp nhỏ lửa với lá dứa và dừa xay. Mẹ phải đứng đảo lâu lắm, và đảo từng ít nếp vừa đủ thôi. Mẹ thật kiên nhẫn như thế với từng chảo nếp. Một điểm đặc biệt không ai có, đó là trong nếp, mẹ bỏ thêm một ít đậu đen. Khi ăn, lúc bạn cắn phải một hột đậu đen, cái vị bùi bùi sẽ chạy đều trong miệng bạn.

Bây giờ là đến phần chuẩn bị phần nhân: thịt ba rọi, đậu xanh và hành lá. Mẹ chọn thịt thật kỹ, không mỡ quá cũng không nạc nhiều. Mẹ không quên bỏ một ít muối vào cho đậm đà nhân bánh. Rồi mẹ nấu đậu xanh: khi đậu đang còn nóng hổi, mẹ cho hành lá xắt nhỏ vào, mùi hành bốc lên thơm phưng phức.

Tiếp theo là phần gói bánh. Mẹ phơi lá chuối cho héo vừa phải, đem vào đúng lúc. Mẹ xé lá chuối ra từng cặp: to ngoài, nhỏ trong, và đúng mặt trái, mặt phải của nó. Còn dây cột thì không dài quá, không ngắn quá. Sau đó xếp lá thành hình một cái quặng, rồi bỏ đó vào theo đúng thứ tự: nếp, nhân, nếp; và theo đúng tỉ lệ giữa nếp và nhân: một muỗng nếp, một viên nhân, hai muỗng nếp. Phải gói cho chặt tay, nếu không chặt thì bánh sẽ bị nước vào khi nấu. Cuối cùng, xếp bánh vào nồi, luộc thật đều lửa, khoảng sáu tiếng là bánh chín.

Bây giờ mời bạn thưởng thức. Mở cọng dây mẹ cột thật điệu nghệ vừa chắc lại vừa dễ mở, bóc từng lớp lá chuối ra: nóng hổi và thơm phức là những hạt nếp đượm màu xanh tươi của lá chuối. Đưa lên miệng cắn một miếng ngay góc nhọn của cái bánh thật vừa vặn với miệng, bạn sẽ thấy được độ dẻo nhẹo của nếp, béo béo của dừa, thơm thơm của lá dứa. Cắn miếng thứ hai, bạn đã đụng tới phần nhân đậu xanh thật bùi, có mùi thơm của hành, beo béo của thịt mỡ, mềm ngọt của thịt nạc… Cái thích thú nhất và cũng là nét đặc trưng của bánh ú mẹ làm là phần nhân có vị hơi mặn làm cho người ăn không ngán, nhưng thích thú với vị đậm đà khó quên.

Mỗi lần nấu bánh xong, mẹ sai tôi đem bánh biếu tặng cho cả xóm. Có những lần tôi ngại không đem đi: 

- Mẹ à! Bánh ú rẻ rề, ai mà chẳng mua được, mẹ cho người ta làm chi?

Xoa đầu đứa con gái ở cái tuổi ương bướng hay thắc mắc, mẹ nói: 

- Đúng rồi, bánh ú rẻ tiền lắm, nhưng mỗi cái bánh là một chút tình làng nghĩa xóm mẹ gửi vào đó cho mọi người. Con thay mẹ đem đi chia sẻ cho mọi người nhé!

Mà đúng thật như vậy, ai nhận được bánh của mẹ tôi cũng đều rất vui. Cả bà Năm khó tính hay la bọn con nít cũng khen nức nở với nụ cười hiếm hoi nở đẹp trên môi: “Bánh ngon lắm, năm nào cũng đợi bánh ú miền Tây đó, con ơi…” Cả ông Bảy khác đạo trong xóm này, mẹ cũng gửi bánh biếu ông.

Mọi người trong xóm tôi, tính nết khác nhau, hiền lành có, khó tính cũng có, người theo đạo này, kẻ theo đạo khác… nhưng đều có chung một niềm vui khi nhận được chiếc bánh ú nhỏ bé của mẹ tôi, khiến tôi trân quý mọi người vì thấy họ thật dễ mến.

Và mãi sau này tôi mới hiểu rằng: mẹ sai tôi đem biếu bánh cho mọi người để dạy tôi bài học của sự cho đi và tử tế với mọi người. Mẹ dạy tôi biết giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự hiệp thông với nhau, từ những điều nhỏ bé làm nên tình người ấm áp cho thế giới này.

Và rồi chiếc bánh ấy giờ đây chắc chẳng bao giờ tôi được ăn nữa: Mẹ tôi đã mất trong đại dịch.

Giờ đây, Tết về, một nỗi buồn man mác trong lòng tôi khi nhìn thấy những cái bánh ú của ai đó làm. Có lần tôi cũng cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách ra tay tự làm bánh ú cho cả nhà, và đem biếu mọi người. Mặc dù mọi người đều khen tay nghề của tôi không thua kém mẹ tôi, nhưng chính tôi, tôi phải ngậm ngùi vì thấy nó không ngon như bánh mẹ làm. Những chiếc bánh ú tôi làm ấy thiếu một thứ gia vị nào đó mà tôi phải tiếp tục khám phá bằng cả cuộc đời để đem gói vào chiếc bánh ấy như Mẹ

Cầm nén hương trầm trước di ảnh Mẹ, cho hương khói quyện vào lời nguyện cầu, mong cho Mẹ sớm hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa, con thì thầm với Mẹ rằng: “Mẹ ơi, con tuy lớn nhưng với Mẹ, con mãi mãi là đứa bé còn thèm vị Tết có Mẹ.”

“Nếu có ước muốn trên cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại...”, nghe lời bài hát ấy, tôi bỗng tha thiết xin được quay ngược thời gian, trở về thời quá khứ trong vòng năm phút thôi, vào đúng lúc Mẹ nấu bánh vừa xong, để được ăn cái bánh ú mới ra lò đầu tiên, và ôm lấy Mẹ…

Maria Hồng Hà, CMR (TGPSG
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 07.02.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 07.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 53: TẤM LÒNG CỦA MẸ

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN LẦN THỨ 30 (11.02.2022)

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 
LẦN THỨ 30, 11.02.2022

WHĐ (06.02.2022) - “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ ( Lc 6, 36); Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái” là chủ đề của Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30, sẽ được cử hành tại Roma vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11.02.2022. Sau đây là toàn văn nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha.

“Anh em hãy có lòng nhân từ, 
như Cha anh em Ðấng nhân từ” (Lc 6, 36).
Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái

Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế giới Bệnh Nhân để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công giáo và xã hội dân sự lưu tâm đến bệnh nhân và những người chăm sóc họ.[1]

Chúng ta tạ ơn Chúa vì những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Đã có nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đảm bảo rằng tất cả mọi bệnh nhân, ngay cả những người sống ở những nơi, những hoàn cảnh đói nghèo cùng cực và bị loại ra bên lề, đều nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ, để giúp họ trải nghiệm bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Ước mong Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ 30 năm nay – dù vì đại dịch, nên không thể diễn ra tại thành phố Arequipa ở Peru như dự kiến nhưng tại Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican – giúp chúng ta gia tăng sự gần gũi và phục vụ bệnh nhân và gia đình của họ.

1. Thương xót như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới lần thứ 30 này, “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc 6, 36), mời chúng ta, trước hết hãy hướng nhìn lên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4); Đấng luôn đoái nhìn đoàn con bằng tình yêu thương của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng với Ngài. Thương xót là danh xưng hoàn hảo của Thiên Chúa; thương xót, không hiểu như một tình cảm ủy mị nhất thời mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, diễn tả chính bản tính của Thiên Chúa. Lòng thương xót kết hợp cả sức mạnh và sự dịu dàng. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể nói, với sự ngạc nhiên và biết ơn rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa bao gồm cả tình phụ tử lẫn tình mẫu tử. (x Is 49, 15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và bằng sự dịu dàng của một người mẹ; Ngài luôn mong muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao cho tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho bệnh nhân là Con Một của Ngài. Biết bao lần các sách Phúc âm kể lại những lần gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều chứng bệnh khác nhau! Người “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.” (Mt 4, 23). Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra quan tâm đến những người đau yếu như vậy, đến nỗi Người coi đó là điều tối quan trọng trong sứ mạng của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành những người đau yếu (x. Lc 9, 2).

Một nhà tư tưởng của thế kỷ XX gợi ý cho chúng ta một lý do: “Đau đớn là sự cô lập tuyệt đối và chính từ sự cô lập tuyệt đối này làm nảy sinh nhu cầu thu hút người kia, kêu gọi người kia”.[2] Khi một người trải qua sự yếu đuối và đau đớn trong thân xác của mình vì bệnh tật, trái tim họ trở nên nặng trĩu, nỗi sợ hãi lan rộng, những bất ổn nhân lên, và những câu hỏi về ý nghĩa của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ trở nên cấp thiết hơn. Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên được rất nhiều bệnh nhân, những người trong thời gian đại dịch này, đã trải qua chặng cuối cùng của cuộc đời trần thế trong cô đơn, tại một phòng chăm sóc đặc biệt, tuy được các nhân viên y tế tận tình chăm sóc, nhưng lại phải xa cách những người thân yêu, và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Điều này giúp chúng ta thấy quan trọng biết chừng nào sự hiện diện của những chứng nhân về lòng nhân từ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, họ là những người, theo gương Chúa Giêsu là chính lòng thương xót của Chúa Cha, đổ dầu an ủi và rượu hy vọng lên vết thương của bệnh nhân.[3]

3. Chạm vào thân xác đau khổ của Đức Kitô

Lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy có lòng nhân từ như Chúa Cha có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, trợ lý và nhân viên chăm sóc bệnh nhân, cũng như rất nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để giúp đỡ những người đau khổ. Các nhân viên y tế thân mến, việc phục vụ của các bạn bên cạnh bệnh nhân, được thực hiện bằng tình yêu và năng lực, vượt qua ranh giới của nghề nghiệp và trở thành một sứ mạng. Bàn tay của các bạn, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, có thể là dấu chỉ của bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy nhớ đến phẩm giá cao cả của nghề nghiệp của các bạn, cũng như trách nhiệm mà nghề này đòi hỏi.

Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về những tiến bộ mà y khoa đã đạt được, nhất là trong thời gian gần đây; những công nghệ mới đã giúp thiết lập các liệu pháp mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân; nghiên cứu tiếp tục đóng góp có giá trị trong việc đánh bại các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng rất nhiều về chuyên môn và kỹ năng. Tuy nhiên, tất cả những điều này không bao giờ được phép khiến chúng ta quên đi tính độc nhất, phẩm giá và sự yếu đuối của từng bệnh nhân.[4] Người bệnh luôn quan trọng hơn căn bệnh của họ, và đó là lý do tại sao bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng không thể bỏ qua việc lắng nghe bệnh nhân, câu chuyện của họ, những lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn có thể chăm sóc. Luôn có thể an ủi, luôn có thể làm cho người ta cảm nhận được sự gần gũi, đó là quan tâm đến chính con người hơn là đến bệnh lý của họ. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng các khóa đào tạo nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và tương tác với người khác.

4. Các trung tâm chăm sóc, "ngôi nhà của lòng thương xót"

Ngày Thế giới Bệnh nhân cũng là một dịp thuận lợi để tập trung sự chú ý của chúng ta vào các trung tâm chăm sóc. Qua nhiều thế kỷ, việc bày tỏ lòng nhân ái đối với bệnh nhân đã khiến cộng đoàn Kitô mở ra vô số “những nhà trọ của người Samaritanô nhân hậu”, nơi mà những bệnh nhân thuộc mọi loại bệnh tật có thể được chào đón và chăm sóc, cách riêng những người không được đáp ứng những nhu cầu sức khỏe vì nghèo túng hoặc bị xã hội loại trừ hoặc do những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý nhất định. Trong những tình huống này, trẻ em, người già và những người yếu đuối nhất thường phải hứng chịu hậu quả. Nhân từ như Chúa Cha, vô số các nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà dưỡng lão. Đây là những phương thế quý giá nhờ đó đức ái Kitô giáo được thành hình và tình thương của Đức Kitô, mà các môn đồ của Người làm chứng, trở nên đáng tin hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở những khu vực nghèo nhất trên hành tinh của chúng ta, nơi mà đôi khi phải đi một quãng đường dài để tìm các trung tâm điều trị, mặc dù với nguồn lực hạn chế, chỉ cung cấp được những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi; tại một số quốc gia, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc thích hợp vẫn còn là điều xa xỉ. Chúng ta thấy điều này, chẳng hạn, trong sự khan hiếm vắc-xin phòng chống Covid-19 tại các nước nghèo; nhưng hơn thế nữa, trong việc thiếu phương tiện điều trị cho những căn bệnh cần những loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự hiện diện của những cơ sở này đã ghi dấu ấn trong lịch sử của Giáo hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo hội với người bệnh tật và người nghèo, và với những tình huống bị người khác coi thường.[5] Có biết bao các vị sáng lập các gia đình Dòng tu đã lắng nghe tiếng kêu than của những anh chị em của họ, những người không được tiếp cận chăm sóc hoặc được chăm sóc kém, và đã hết mình hiến thân phục vụ họ!

Ngày nay cũng thế, ngay tại những nước phát triển nhất, sự hiện diện của các trung tâm y tế này là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc thể lý với các kiến thức chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể cống hiến món quà của đức ái, tập trung vào bản thân người bệnh và gia đình của họ. Trong thời đại mà văn hóa vứt bỏ lan tràn và sự sống không phải lúc nào cũng được nhìn nhận là đáng được chào đón và sống, thì những cơ sở này, như “ngôi nhà của lòng thương xót”, có thể là mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc dành cho mọi sự sống, dù là mong manh nhất, ngay từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc cách tự nhiên.

5. Mục vụ thương xót: hiện diện và gần gũi

Trong suốt 30 năm qua, mục vụ chăm sóc sức khỏe cũng được coi là sự phục vụ không thể thiếu và ngày càng được nhìn nhận. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu – kể cả người đau bệnh, tức là nghèo về sức khỏe – là sự thiếu quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta không thể không cống hiến cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, phúc lành và Lời của Người, cũng như việc cử hành các Bí tích và cơ hội cho một hành trình tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin.[6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi với bệnh nhân và chăm sóc mục vụ dành cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; việc thăm viếng bệnh nhân là một lời mời mà Chúa Kitô ngỏ với tất cả các môn đệ. Có biết bao bệnh nhân và biết bao người già đang sống tại nhà và chờ người đến thăm! Thừa tác vụ an ủi là bổn phận của mỗi người đã được rửa tội, hãy tâm niệm lời của Chúa Giêsu: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm Ta” (Mt 25, 36).

Anh chị em thân mến, tôi xin phó thác tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ cho lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn. Ước gì nhờ hiệp nhất với Đức Kitô, Đấng gánh chịu nỗi đau của thế giới, họ có thể tìm được ý nghĩa, sự an ủi và niềm tín thác. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp nơi, rằng, với đầy lòng nhân ái, họ có thể trao tặng cho các bệnh nhân sự chăm sóc thích hợp, cùng với sự gần gũi huynh đệ của họ.

Tôi ưu ái ban phép lành Toà thánh cho tất cả mọi người.

Roma, Đền thờ thánh Gioan Lateran, ngày lễ Đức Mẹ Loreto 10/12/2021

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (04.01.2022)


[1] X. Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi Đức hồng y Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động, để thành lập Ngày thế giới bệnh nhân (ngày 13.5.1992)

[2] E. Lévinas, «Une éthique de la souffrance», trong Souffrances. Corps et âme, épreuves partagées, biên tập bởi J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, trang 133-135.

[3] X. Sách lễ Roma, Kinh tiền tụng chung VIII, Đức Giêsu Người Samaritanô nhân hậu.

[4] X. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Liên đoàn quốc gia của các hội bác sĩ và nha sĩ Ý, ngày 20.9.2019

[5] X. Kinh Truyền Tin từ bệnh viện Gemelli, Rome, ngày 11.7.2021. [6] X. Tông huấn Evangelii Gaudium (ngày 24.11.2013), 200.
 
(WHĐ)

 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 06.02.2022

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 06.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

‘TRANG PHỤC DU XUÂN’ CHÚA GỬI

‘TRANG PHỤC DU XUÂN’ CHÚA GỬI

TGPSG -- Vậy mà đó lại chính là ‘trang phục du Xuân’ mà các thiện nguyện viên tu sĩ chúng tôi đã cũng các y bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến Tân Bình trưng diện cách đặc biệt trong suốt mùa Tết này…

“Ôi, đúng là những ngày giáp Tết, đường phố Sài Thành rực rỡ nồng nàn những hương sắc hoa Xuân…” Câu nói bỏ dở, chất chứa đầy tâm trạng của một chị trong nhóm không khỏi làm chúng tôi chạnh lòng, vì “thế giới” - nơi chúng tôi vừa bước ra - quá khác với cái “thế giới phồn thịnh” mà chúng tôi chợt thấy trước mắt.

22g tan ca, bước đi lững thững trên đường phố - vậy là đã quá khuya đối với tu sĩ chúng tôi rồi. Bầu khí thinh lặng dành cho việc chiêm niệm trong tu viện được thay bằng những ồn ã của dòng đời. Tiếng nhạc xập xình sôi động quyện vào dòng người du xuân đang xúng xính với quần quần, áo áo. Tết mà! Một cái Tết thật lạ! Tôi cảm thấy ngạt thở, không ngạt theo kiểu vẫn thường gặp khi mặc đồ bảo hộ, nhưng là ngạt vì tình Chúa, ngạt vì tình người… Hít một hơi thật sâu, tôi ngước mắt lên trời như để tìm kiếm một kết nối riêng tư với Thiên Chúa. Lạy Chúa, Tết năm nay Chúa cũng sắm cho tu sĩ chúng con ‘trang phục du Xuân’ nữa cơ đấy! Trang phục du Xuân đặc biệt mà Chúa đích thân gửi, chúng con đã nhận được rồi! Nói theo kiểu thời thượng thì nó quả thực không những cực đẹp cực chất, mà còn cực… thời đại nữa.

Nghĩ cũng lạ, trong điều kiện thời tiết 140C của mùa xuân Hà Nội, việc cơ thể được bao bọc kín kẽ bằng một chiếc áo bông êm ái, một đôi bao tay mềm mại và một đôi giày ấm áp hẳn là điều khiến người ta cảm thấy an toàn và dễ chịu lắm thay! Thế nhưng, với tiết trời 330C, cơ thể phải trùm kín trong bộ quần áo nilon bảo hộ, với mũ trùm đầu, khẩu trang N95, kính chống giọt bắn và 4 lớp bao tay cao su nơi bệnh viện dã chiến thì hẳn đó phải là một cực hình! Vậy mà đó lại chính là trang phục du Xuân mà các thiện nguyện viên tu sĩ chúng tôi đã cũng các y bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến Tân Bình trưng diện cách đặc biệt trong suốt mùa Tết này. Quả thế, cũng một kiếp người, có người an nhàn sung sướng, lại có người vất vả lầm than; cũng một Tết Nhâm Dần, có người xum vầy yên ấm, cũng có người đẫm ướt mồ hôi, đơn côi bệnh viện, dã chiến âm thầm. Và chúng tôi gọi đó là “nghịch lý mùa Xuân”.

Sau gần 2 tuần được đồng hành cùng các y bác sĩ khoa Hồi Sức tích cực và khoa Bệnh nặng của Bệnh viện dã chiến Tân Bình trong việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Covid, chúng tôi - 7 nữ tu dòng Đa Minh Gò Vấp và 6 thầy Dòng Tên - đã cảm nhận cách sâu sắc nỗi vất vả và sự hy sinh cao cả của những “chiến sĩ áo trắng” nơi đây.

Điều đó lại càng trở nên thấm thía hơn khi đây lại là thời gian mà mọi người đang vui Xuân đón Tết, còn những y bác sĩ và thiện nguyện viên tu sĩ chúng tôi thì phải tiết kiệm từng hơi thở, giấu vội nó vào cơ thể cách cẩn trọng, trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt nóng nực ít nhất 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày, vì sự bủa vây tư bề của Corona virus.

Với những người đã từng mặc bộ đồ bảo hộ ấy, có lẽ chỉ cần nhắc đến thôi cũng đủ khiến người ta phải rùng mình sợ hãi. Đó là chưa kể những anh chị điều dưỡng, bác sĩ và nhân viên bị nhiễm Covid trong lúc chăm sóc cho bệnh nhân. Thật khó cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh họ vừa làm việc, vừa trải qua những cơn ho dài, những lần hụt hơi và những cơn đau đầu bất chợt do di chứng hậu Covid gây ra. Những người may mắn không bị lây nhiễm thì lại phải chịu đựng những sang chấn tinh thần, suy nhược và trầm cảm. Hơn nữa, nỗi nhớ quê hương và người thân trong ngày Tết lại càng xoáy sâu và xé toạc những vết thương vốn đã trầm trọng và đau nhói ấy.

Vậy, câu hỏi đặt ra là: động lực nào đã thôi thúc họ làm như vậy?

Tiền bạc ư? Liệu một ai đó có còn cho rằng tiền bạc là một thứ đáng để đánh đổi bằng mọi giá nếu họ đã từng liệm hàng trăm xác chết của những người giàu có và đưa họ đi hỏa thiêu trong tình trạng trần trụi hay không? Như thế, xét cho cùng, tiền bạc luôn luôn và mãi mãi chỉ là phương tiện chứ tự nó không bao giờ là mục đích cả.

Danh tiếng ư? Thử hỏi bây giờ có ai còn biết đến các vua nhà Ottoman hay các vua Hy Lạp cổ đại đã từng một thời vang danh khắp thiên hạ? Thực tế là một người nổi tiếng chỉ được coi là nổi tiếng bởi những người biết đến anh ta mà thôi. Vậy có ai lại lao mình vào nơi nguy hiểm nhất của đại dịch chỉ để có được thứ hư danh đó không?

Sau cùng, thiết nghĩ, chỉ có thể là tình người và tinh thần trách nhiệm thiêng liêng đã thúc đẩy các y bác sĩ đã và đang làm những công việc mà không ai khác có thể làm được, tại những nơi không ai muốn đến, với những người không ai dám tiếp xúc.

Còn những chiến binh của Đức Kitô thì sao? Một thầy trong kíp trực chung đã nói với tôi: “Chúng ta sống tốt ‘mầu nhiệm hiện diện’ thôi, sơ ạ!”.

Đúng thế, khi gấp lại chiếc áo dòng để khoác vào mình ‘bộ đồ du Xuân’ Chúa trao, chúng tôi - những tu sĩ bé nhỏ của Chúa - thật sự cảm thấy bất lực khi chỉ biết nhìn các chỉ số trên máy đo tuột dần, và bệnh nhân bắt đầu bước vào cơn nguy tử. Chúng tôi muốn ôm, muốn nâng họ tựa vào trái tim nhân từ của Chúa để được sự chữa lành, nhưng bất lực.

Đổ bô, gội đầu, bơm thức ăn đường ống, vỗ lưng, thay tã, lau người, xoay chuyển bệnh nhân, trò chuyện với những bệnh nhân còn tỉnh táo để khích lệ họ, và còn cả những cuộc “độc thoại nội tâm” với những bệnh nhân đang trong tình trạng lọc máu hôn mê nữa, hay những câu kinh phó dâng linh hồn khi họ được Chúa gọi về… đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Dẹp sang một bên những nỗi sợ hãi, chúng tôi đã đến, đã hiện diện và đã làm tất cả những điều nhỏ bé ấy với trọn tình yêu dành cho Đức Kitô.

Sống ‘mầu nhiệm hiện diện’ trong dịp Tết dân tộc cũng đã giúp chúng tôi lan tỏa sức mạnh của Tin Mừng và tình yêu Chúa đến với cả các y bác sĩ và các nhân viên phục vụ. đặc biệt là các bệnh nhân Covid-19. Những câu hát, lời chúc, tấm thiệp, phong bao lì xì nhân dịp đầu xuân… nhận được từ các vị ân nhân và lộc xuân, chúng tôi đã gửi đến họ và cả những người nghèo chúng tôi bắt gặp trên đường phố, đã không ngăn được những dòng nước mắt nghĩa tình.

Sống ‘mầu nhiệm tự hủy’ của Đức Kitô, chúng tôi - các tu sĩ của Chúa - đã mong được noi gương Chúa Giêsu, trao ban tất cả, không giữ lại gì cho mình, ngay cả mạng sống. Sứ mạng của Hội thánh là biến nấm mồ của nhân loại thành căn phòng hôn lễ giữa Thiên Chúa với dân người. Là tu sĩ, chúng tôi cảm nhận được sự chung tay góp sức của mọi thành phần dân Chúa trong đại dịch Covid, đã nỗ lực thể hiện Tin Mừng khi biến các căn phòng ảm đạm của bệnh viện trở thành phòng cưới của Nước Trời cho biết bao tâm hồn chán chường tuyệt vọng.

Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, cám ơn Cha Tổng Đại Diện, Cha đặc trách Tu sĩ, Mẹ Hội dòng, Qúy ân nhận đã giúp chúng con có được một trải nghiệm đầy ý nghĩa khi dạy chúng con biết dấn thân đến với những chi thể đang đau đớn của Đức Kitô trong dịp Tết. Nơi đây chúng con học được tình Chúa, cảm được tình người. Chúng con đã hiểu thế nào là mầu nhiệm con người, thế nào là thần học về thân xác và thế nào là Mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô và còn rất rất nhiều những điều khác nữa… Khi những trang giáo trình thần học tạm khép lại thì cũng là lúc chúng con lên đường để học tiếp về “thần học thực hành”.

Mong một năm mới mạnh khỏe, sung túc và bình an đến với các y bác sĩ, các bệnh nhân và tất cả mọi!

Cảm ơn Chúa - “nhà tài trợ” trang phục du xuân cho chúng con!

Mồng Hai Tết Nhâm Dần
Nhóm Tu sĩ thiện nguyện dã chiến Tân Bình (TGPSG)
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 06.02.2022