BÁN TẤT CẢ ĐỂ MUA CỦA CẢI ĐÍCH THỰC
Con người, bước vào trong cõi đời này, có người thì đi tìm vinh quang, có người đi tìm danh vọng, có người đi tìm của cải vật chất ... Vinh quang, danh vọng vật chất thì có thể thấy được, có thể sờ được và còn có thể cho người khác nhờ được bởi cái vinh quang, danh vọng mà người đó đạt được. Bên cạnh những cái mà người ta đi tìm là vật chất, là cái gì đó thấy và sờ được thì có những cái không thấy, không sờ và cũng không ngửi được nhưng người ta cũng đi tìm. Không sờ, không thấy mà người ta cũng đi tìm đó chính là sự khôn ngoan, sự hiểu biết trong cuộc đời, về cuộc đời và gần nhất là về cuộc đời của họ.
Một câu chuyện khá quen thuộc mà chúng ta ít nhiều gì biết đến về cái người không đi tìm vật chất, không đi tìm vinh quang mà chỉ đi tìm sự khôn ngoan nằm trong sách các Vua quyển thứ nhất. Trong chương 3, sách các vua quyển thứ nhất kể lại cho chúng ta nghe về sự chọn lựa của một người trước những ân huệ Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa hứa là sẽ cho tất cả những gì mà người đó cần thiết. Khác với nhiều người, người ta xin trường họ, được của cải hay là cho kẻ thù của mình phải chết (điều mà nhiều người rất nhiều người mong như vậy nếu có thể) nhưng không xin như vậy. Salomôn xin với Chúa ơn khôn ngoan để nhận biết tiếng của dân, lắng nghe tiếng của dân để cai trị dân. Ông xin với Chúa cái ơn để biết phân biệt đâu là sự phải và đâu là sự trái.
Quả là tuyệt vời ! Thiên Chúa đã ban như ý Salomôn xin. Thiên Chúa đã ban ơn khôn ngoan cho ông để rồi cuộc đời ông, ông đã lãnh đạo dân Chúa một cách hết sức tuyệt vời.
Ta thấy đó, không phải làm lãnh đạo là cho mình tài ba, có quân lính nhiều trong tay, có nhiều xe pháo trong thành nhưng chuyện quan trọng của người lãnh đạo đó là xin được ơn khôn ngoan. Nhờ khôn ngoan người ta có thể biết được sự việc để mà xử lý, để mà xử trí. Nếu không có ơn khôn ngoan thì người ta sẽ chọn chuyện phụ thành chuyện chính, chuyện chính thành chuyện phụ, chuyện không đâu vào đâu lại là chuyện quan trọng …
Hôm nay, Chúa Giêsu dùng một cặp dụ ngôn kho báu và ngọc quí. Cặp dụ ngôn này được xây dựng cách cân đối. Không muốn ta chú ý đến những sự vật là kho báu, ngọc quí vì cho ta ít giáo huấn - hai dụ ngôn muốn tập trung chú ý của ta vào thái độ ứng xử của các nhân vật. Việc họ khám phá ra kho báu, viên ngọc chỉ làm nên điều giả sử đã có, điều này gợi cho ta hiểu được cách hành xử, cách chọn lựa mà hai người đã chọn.
Người thứ nhất là một người làm công. Người này đi cày ruộng giúp cho một người khác. Tình cờ đang lúc làm ruộng, anh gặp thấy chôn giấu trong đất một kho báu. Kho báu ấy trong mắt anh nó là vô giá nên anh liền “đi bán tất cả những gì có mà mua thửa ruộng ấy”.
Người thứ hai là một thương gia buôn bán ngọc quý. Tình cờ trong khi chạy hàng anh đã tìm được một viên ngọc thượng thặng, liền “bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”.
Đứng trước hai kho báu cũng quý và ngọc cũng quý nên cả hai đều không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai đó. Cả hai đều không muốn để cho vận may của cuộc đời qua mất, và vì thế họ hành động.
Lời đáp trả cho sứ điệp Tin Mừng về Nước Chúa có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi cá nhân; nhưng không làm tất cả những gì cần thiết để được vào Nước Chúa, không lợi dụng vận may hiếm có đưa đến, đó là tỏ ra một thái độ khờ dại không thể tha thứ được. Chẳng có gì là phải trả giá quá đắt đối với sự thiện có được: lấy tất cả những gì ta có, đem tất cả con người của mình để đặt cọc cho sự thiện này, đó chính là việc mua bán tuyệt vời. Đã cam kết trọn vẹn, lẽ nào lại keo kiệt, đắn đo?
Nếu đặt trong bối cảnh như vậy và hiểu như vậy, ta mới thấy hai dụ ngôn khó ăn ý với nhau để minh hoạ cho lời rao giảng ban đầu của Chúa Giêsu: “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17)
Hôm nay, Chúa Giêsu lại minh họa chuyện Nước Trời bằng những mẫu chuyện hết sức bình dân, hết sức bình thường. Ai mà không hiểu kho báu là gì ? Đã nói đến kho báu thì biết kho báu rất là quý. Một người kia thấy kho báu đó chôn trong đám ruộng. Không nói không rằng, anh ta đi bán tất cả những gì mà anh ta có, bán tất cả những gì anh ta cho là quý để miễn làm sao mua được đám ruộng ấy cho kỳ được mà thôi. Rồi, Nước Trời cũng giống như thương gia đi mua ngọc. Ngọc mà quý thì chắc chắn giá rất đắt. Vì biết nó quý, vì biết nó đắt nên ông thương gia cũng phải đi bán tất cả những gì mà bấy lâu nay ông khư khư nắm giữ để mà mua. Nếu không mua người khác mua mất thì sao ? Nói như thế để biết tính cách quý báu như thế nào của viên ngọc quý.
Và, Chúa Giêsu còn kể cho chúng ta nghe về sự chọn lựa của Nước Trời cũng giống như người chọn cá sau khi đi chài lưới. Hết sức bình thường của người chài lưới đó là cá xấu thì vất đi chứ để chi cho nặng lưới và để chi cho rách lưới. Lưới đang ngon lành vậy mà phải mang thêm mấy con cá xấu chi nữa cho nó rách để mất luôn những con cá tốt.
Rất gần gũi với dụ ngôn cỏ lùng và hạt giống tốt, dụ ngôn thứ bảy và cũng là dụ ngôn cuối cùng này đưa chúng ta gặp lại biển, bờ biển cùng những người ngồi trên bờ lúc Chúa bắt đầu giảng.
Chúa Giêsu loan báo việc Nước Chúa đến là điều sắp xảy ra. Thế nên mọi người biết rằng việc đến này phải bắt đầu bằng một cuộc tẩy rửa lớn lao... Bởi vậy, người ta chờ đợi xem Chúa Giêsu bắt đầu cuộc thanh tẩy: luận phạt kẻ có tội, qui tụ người công chính chung quanh Người. Nhưng sứ vụ của Chúa Giêsu lại chẳng tương xứng chút nào với sự mong chờ đợi này... Chúa Giêsu phải tự giải thích. Người thực hiện điều này bằng nhiều cách khác nhau: Sứ mệnh của Người liên can tới những người tội lỗi mà Chúa muốn cho họ được cứu độ (Mt 20, 1-15; Lc 15); làm cho giờ xét xử đến trước thời gian, việc đó không thuộc quyền Người... Thiên Chúa xử sự không khác với các ngư phủ; họ gom tất cả vào lưới rồi mới tiến hành việc lựa chọn.
Bởi vậy lòng nhân từ yêu thương Chúa Giêsu tỏ ra đối với những người tội lỗi không được là căn cớ gây nên xì-căng-đan: trong viễn ảnh ngày cánh chung khi mà Thiên Chúa ra tay can thiệp, thì sứ vụ của Đức Giêsu được coi là giai đoạn một, giai đoạn mà lưới được đầy cá đủ loại. Thời điểm tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính hãy còn chưa tới. Nhưng sẽ tới, đó là điều chắc.
Lời giải thích tiếp theo ngay dụ ngôn này rõ ràng có một sự chuyển hướng tầm nhìn. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu có ý cắt nghĩa tình trạng hiện hành là việc trà trộn người tốt với kẻ xấu. Còn cách giải thích của Phúc Âm thứ nhất thì nhấn mạnh đến sự trừng phạt sẽ giáng xuống những kẻ có tội vào ngày tận thế, vào giờ sẽ thực hiện sự lựa chọn. Trong lời cảnh giác nghiêm nhặt này, người ta nhận thấy mối bận tâm có tính huấn giáo của thánh sử. Ngài lo lắng vì thấy có biết bao tín hữu mà nơi họ Lời Chúa vẫn trơ trơ không sinh kết quả gì.
Với hai dụ ngôn nhỏ này. Chúa Giêsu gợi ý rằng Nước Trời là giá trị tuyệt đối không thể đem ra so sánh được với cái gì khác. Mọi sự còn lại đều mờ nhạt khi ta nhận thức được Nước Trời là gì và cao quý thế nào. Nhân vật trong dụ ngôn như bị thôi miên, bị choáng ngợp vì sự khám phá của mình, từ nay trở đi chỉ có một cái đó là đáng kể đối với anh mà thôi. Và để cái đáng kể đó trở thành của mình, anh sẵn sàng rũ bỏ mọi sự. Chúa Giêsu chỉ cho thấy chỉ có một thực tại đáng kể chính là Thiên Chúa, Đấng mà ta phải loại trừ và hy sinh tất cả mọi sự khác ở trần gian này để mà chiếm lấy.
Đối diện với kho báu, chúng ta bị dồn vào thế phải chọn lựa và chọn lựa ngay không trì hoãn: bán đi để có được, từ bỏ để chiếm hữu, khước từ để được tự do. Chắc chắn là phải khởi sự đi tìm và tìm cho được, bởi lẽ tài sản quý giá vô cùng này, viên ngọc vô giá kia được chôn giấu trong đất mà chúng ta vẫn dẵm lên mỗi ngày. Kho báu và viên ngọc quý ấy hoà trộn vào cái làm nên sinh hoạt đời thường của ta. Bởi vậy ta có thể đến gần nó mà không biết, của cải ấy ở ngay bên cạnh ta mà chúng mà lại vô tình. Vì thế ta phải biết chú ý đến “những dấu chỉ của thời đại”, những tiếng gọi bí ẩn vẫn dội lên mỗi ngày và trong mọi trường hợp.
Bị loá mắt nếu không muốn nói là mù quáng bởi ánh sáng của những của cải phù vân giả dối, của danh vọng, của quyền lực, của tiền bạc chúng ta có nguy cơ bỏ qua “cơ hội vàng” và lạc đường khi đuổi theo những ảo ảnh.
Xin Chúa mở mắt lòng ta để ta bắt lấy cơ hội khi cơ hội đến với ta. Và, với cơ hội đấy, ta sẽ bán tất cả những gì ta có để ta đi tìm cái kho báu đích thực của đời ta. Của cải đích thực của đời ta đó chính là Nước Trời vậy.
Anmai, CSsR(nguồn : thanhlinh.net)