Tin loan đi quá nhanh và quá bất ngờ, nhiều người đón nhận với lòng tiếc nuối, cảm động và một số ngờ vực. Trên Facebook, các bạn trẻ biểu lộ tâm tình tri ân Đức Thánh Cha và cầu nguyện cho ngài. Tuy nhiên, cũng có một số bạn đặt câu hỏi như một bạn viết trên Facebook “Chúa ơi sao kỳ vậy? Phải chăng là lần đầu tiên Giáo hội có việc này?”
Thật ra biến cố này không phải là kỳ lạ, và đây cũng không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng thoái vị. Ngai toà Phêrô do chính Chúa Giêsu thiết lập, và Người đích thân chọn Đấng đại diện Người trên trần gian từ vị Giáo Hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô. Người giao cho Đấng ấy chìa khoá Nước Trời, với quyền bính mà Giáo luật diễn tả như sau: “Do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành xử quyền ấy” (Giáo Luật 1983, điều 331).
Nhưng Chúa Giêsu và Hội Thánh Người không quy định rằng Đức Giáo Hoàng không thể thoái vị. Và Giáo Luật còn định liệu một vị Giáo Hoàng có thể từ chức. Bộ Giáo Luật 1983 viết: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận”. (Điều 332, triệt 2).
Xét về thực tế lịch sử, trong Giáo Hội đã có những vị Giáo Hoàng từ chức hoặc nói đến việc từ chức. Các sử gia đã từng đồn đoán rằng trong thời gian Đại Chiến Thế Giới thứ hai, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã soạn một văn bản tuyên bố nếu Ngài bị phát xít bắt cóc thì hãy coi như Ngài đã từ chức, và cần chọn người kế nhiệm.
Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không từ chức, nhưng ngài đã từng tuyên bố: "Tôi sẽ từ chức, về nước để đồng cam cùng khổ với dân chúng Ba Lan". (Carl Bernstein, TIME, ngày 24-2-1992). Nhưng sau đó Ba Lan và Đông Âu thoát khỏi ảnh hưởng của cộng sản nên ngài đã an tâm tiếp tục sứ vụ Giáo Hoàng.
Những vị giáo hoàng đã từ chức:
Vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị trong lịch sử Giáo Hội là Thánh Giáo Hoàng Celestine V (1215-1296). Ngài tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý. Năm hai mươi tuổi, ngài bắt đầu sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Do đó, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Đó là một vị Giáo Hoàng khiêm tốn và thánh thiện.
Một vị Giáo Hoàng khác từ chức là Đức Giáo Hoàng Gregory XII, trị vì từ 1406 đến 1415. Ngài sinh tại Venice. Đây là thời kỳ buồn thảm nhất của cuộc ly giáo Tây Phương vì cùng lúc có ba thẩm quyền giáo hoàng: Roma, Avignon và Pisa. Hoàng đế Sigismond triệu tập Công đồng Chung Constancia (1413), trong khi Giáo hoàng Gregory tuyên bố từ chức để chấm dứt thời kỳ Ly Giáo Phương Tây. Hai vị Giáo Hoàng còn lại có một vị cũng mang tông hiệu Benedictô là Đức Giáo Hoàng Benedictô XIII và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (không phải Đức Chân Phúc Gioan XXIII đăng quang năm 1958). Sau đó, Công Ðồng truất chức Ðức Gioan XXIII và Ðức Benedictô XIII. Thời kỳ Ly Giáo hoàn toàn chấm dứt.
Đối với chúng ta, những người tín hữu giáo dân, Đức Giáo Hoàng nào trong 265 vị Giáo Hoàng kể từ thời Thánh Phêrô đã thoái vị thì không quan trọng. Điều quan trọng là nhân cơ hội này, chúng ta tạ ơn Chúa về sự quan phòng kỳ diệu của Ngài đối với Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kytô.
Việc Đức Giáo Hoàng, Đấng có thể cai trị suốt đời, vẫn sẵn sàng thoái vị khi tuổi cao sức yếu, giữa lúc thế gian luôn tham quyền cố vị, cho chúng ta thấy rằng người chủ chăn đích thực trong Hội Thánh luôn sống vì Chúa và vì Hội Thánh.
Đức Benedictô ra đi sau hơn 7 năm và 7 tháng cầm quyền, với lời tuyên bố: “Trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”.
Điều ấy rõ ràng là dấu chỉ Đức Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Những biến động trên thế giới có liên quan đến đời sống Giáo Hội, đặc biệt các biến động trong xã hội Việt nam có ảnh hưởng đến Giáo Hội tại địa phương, sẽ không trôi qua vô nghĩa như một số người hiểu lầm. Vị Đại diện Chúa Kitô biết và hiểu, và các ngài có cách định liệu phù hợp Thánh Ý Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã và đang can thiệp trực tiếp vào lịch sử nhân loại này, nhất là lịch sử Hội Thánh của Ngài. Chúng ta tin vào Thiên Chúa, chúng ta tạ ơn Ngài và cám ơn các Đấng đại diện Ngài ở trần gian, đồng thời chúng ta cầu xin Chúa cho Hội Thánh sớm có một vị Chủ chăn theo đúng ý Chúa.
Và dù ai là Đại diện của Chúa, thì “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23).
Gioan Lê Quang Vinh
(VietCatholic News)