Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

ĐỨC THÁNH CHA PHANXCÔ TÔNG DU PHILIPPINES : NGÀY THỨ BA

“Chúng ta được kêu gọi làm cho trái đất
trở thành một ngôi vườn đẹp cho gia đình nhân loại”

WHĐ (19.01.2015) – Chúa nhật 18-01, ngày cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Philippines, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ kết thúc chuyến tông du này vào lúc 3g15 chiều tại quảng trường Rizal ở Manila. Trước đó, trong buổi sáng, Đức Thánh Cha có hai cuộc gặp gỡ: với các nhà lãnh đạo tôn giáo của các tôn giáo chính ở Philippines lúc 9g45 và với giới trẻ tại Đại học giáo hoàng Thánh Tôma ở Manila lúc 10g30.

Đại học giáo hoàng Thánh Tôma do các linh mục Dòng Đa Minh điều hành, hiện có bốn mươi ngàn sinh viên theo học. Đây là trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở châu Á, vừa mới kỷ niệm 400 năm thành lập. 

Đến nơi, Đức Thánh Cha được vị Viện trưởng và vị Chưởng ấn đón tiếp, và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã chào mừng ngài. Sau đó xe của Đức Thánh Cha đưa ngài đi một vòng khuôn viên Đại học để chào thăm các sinh viên. Rồi ngài tiến vào sân vận động, nơi đây có thể chứa được 30.000 người, để đọc một bài diễn văn ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha đã trả lời nhiều câu hỏi của các bạn trẻ như “Tại sao trẻ em phải đau khổ?”, “Làm sao để sống tình yêu đích thực?” “Làm sao có thể chuyên lo công việc bác ái mà không rơi vào chủ nghĩa vật chất?”.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với những người tham dự tin buồn về cái chết của Kristel Padasas, một nữ tình nguyện viên trẻ ở Tacloban, hôm thứ Bảy. “Cô ấy 27 tuổi; cô còn trẻ, giống như các con, và đang làm việc cho một hiệp hội. Cha muốn tất cả chúng ta thinh lặng cầu nguyện một phút và sau đó khẩn cầu với Mẹ Thiên Đàng. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cha mẹ của Kristel nữa”.

Sau đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

Các bạn trẻ thân mến,

Quả là một niềm vui đối với cha là hôm nay được ở cùng với các con. Cha xin gửi lời chào thân mật tới mỗi người trong các con và xin cám ơn tất cả những ai đã tạo nên cuộc gặp gỡ này. Trong chuyến viếng thăm Philippines, cha đặc biệt ước ao có được một cuộc gặp gỡ với những người trẻ các con, để nghe các con nói và để nói với các con. Cha ước ao biểu lộ tình yêu thương và niềm hy vọng của Giáo hội đối với các con. Và cha muốn khuyến khích các con, với tư cách công dân Kitô hữu của đất nước này, hăng hái và chính trực hiến mình thực hiện công trình lớn lao là canh tân xã hội của các con và góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Cha đặc biệt cám ơn những người trẻ đã ngỏ lời chào đón cha. Các bạn ấy đã bày tỏ một cách hùng hồn, nhân danh các con, những nỗi bận tâm và lo lắng của các con, niềm tin và niềm hy vọng của các con. Các bạn trẻ ấy đã nói về các khó khăn và chờ đợi của người trẻ. Dù cha không thể trả lời cho từng vấn nạn một cách thấu đáo, nhưng cha biết là các vị mục tử của các con và giữa các con với nhau, các con đã xem xét các vấn nạn này một cách chăm chú nhờ cầu nguyện và đề ra những việc cụ thể phải làm.

Hôm nay, cha muốn đề cập đến ba lĩnh vực then chốt cần có sự đóng góp có ý nghĩa của các con cho cuộc sống của đất nước chúng con. Thứ nhất là thách đố về sự liêm chính. Từ thách đố này có thể được hiểu theo hai nghĩa. Trước hết, nó có thể được hiểu theo cách tiêu cực, như một toan tính hành động chống lại các xác tín luân lý của các con, tất cả những gì chúng con biết là thật, là tốt, là chính đáng. Sự liêm chính của chúng ta có thể bị thách đố bởi những lợi lộc ích kỷ, bởi lòng ham muốn, bởi sự bất lương, hay bởi ý định biến người khác thành những phương tiện.

Nhưng từ “thách đố” này cũng có thể được hiểu một cách tích cực, như một lời mời gọi các con hãy dũng cảm làm chứng, một chứng từ có tính cách ngôn sứ, về niềm tin của mình và về tất cả những gì được hiểu là thánh thiêng. Theo nghĩa này, thách đố về sự liêm chính là một thứ gì đó mà người ta phải đối đầu, lúc này đây và trong cuộc sống của mình. Đây không phải là một thứ gì đó các con có thể để lại tới lúc các con có thêm tuổi tác, khi mang nhiều trách nhiệm lớn hơn. Nhưng ngay từ bây giờ, các con phải đáp lại bằng hành động với lòng liêm chính và đúng mực trong các quan hệ của các con với người khác dù trẻ hay già. Đừng lẩn trách thách đố này! Một trong những thách đố lớn nhất người trẻ phải đối mặt đó là học biết yêu thương. Yêu thương có nghĩa là chấp nhận liều lĩnh: bị từ chối, bị sử dụng hay tệ hơn nữa, sử dụng kẻ khác. Đừng ngại yêu thương! Nhưng ngay cả khi yêu thương, hãy bảo vệ sự liêm chính của các con! Cả ở đây nữa, các con hãy sống một cách chính trực và chân thành!

Trong bài đọc chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô nói với Timôtê: “Ðừng có ai khinh thường tuổi trẻ anh. Trái lại, anh hãy nên kiểu mẫu cho các kẻ tin, trong lời nói, trong cách cư xử, về đức mến, đức tin, sự thanh khiết” (1Tm 4, 12). 
Như vậy, các con được mời gọi làm gương về sự liêm chính. Dĩ nhiên, làm vậy, các con sẽ phải đương đầu với những chống đối và chỉ trích, sự nản lòng và cả sự chế giễu. Nhưng các con đã nhận được một ân sủng giúp các con vượt qua được các khó khăn này. Đó là ân sủng của Thánh Thần. Nếu các con nuôi dưỡng ân sủng này bằng cầu nguyện hằng ngày và múc thêm sức mạnh trong việc tham dự bí tích Thánh Thể, các con sẽ có đủ tầm cỡ để đạt tới sự lớn lao về mặt đạo đức mà Đức Giêsu kêu gọi các con vươn tới. Các con cũng sẽ trở thành một chiếc la bàn cho các bạn bè của các con vốn cũng đang tìm kiếm. Cha đặc biệt nghĩ tới những người bạn này, những người đang bị cám dỗ đánh mất niềm hy vọng, từ bỏ các lý tưởng cao cả của họ, từ bỏ trường học hay sống ngày qua ngày trên các đường phố.

Do đó, điều thiết yếu là không được để mất sự liêm chính của các con! Đừng làm vẩn đục các lý tưởng của các con! Đừng sa chước cám dỗ đi ngược lại sự tốt lành, thánh thiện, lòng can đảm và sự thanh khiết! Hãy vượt qua thách đố! Với Đức Kitô, các con sẽ là –thực tế, chúng con đã là– những kẻ kiến tạo một nền văn hóa Philippines được canh tân và chính trực hơn.

Một lĩnh vực khác các con cũng được kêu gọi góp sức làm tăng mối quan tâm đối với môi trường. Không phải chỉ bởi vì đất nước của các con dễ bị sự thay đổi khí hậu tác động một cách trầm trọng hơn các nước khác. Các con được kêu gọi chăm sóc vạn vật được tạo dựng, không chỉ với tư cách những công dân có trách nhiệm, mà còn như những môn đệ của Đức Kitô! Sự tôn trọng môi trường có ý nghĩa lớn hơn là chỉ đơn thuần sử dụng các sản phẩm sạch, hay tái chế những gì chúng ta sử dụng. Đó là những khía cạnh quan trọng, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải thấy được với con mắt đức tin, vẻ đẹp của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và phẩm giá của con người. Con người, nam và nữ, được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa và việc chế ngự trên vạn vật đã được giao phó cho con người (cf. Kn 1, 26-28). Với tư cách là những người quản lý thế giới Thiên Chúa đã tạo dựng, chúng ta được kêu gọi làm cho trái đất trở thành một ngôi vườn đẹp cho gia đình nhân loại. Khi chúng ta phá rừng, khi chúng ta hủy hoại đất đai và làm ô nhiễm biển và đại dương, chúng ta quay lưng lại với lời kêu gọi cao cả này!

Ba tháng trước đây, các Đức giám mục của các con đã đề cập đến các chủ đề này trong một bức thư mục vụ mang tính ngôn sứ. Các ngài đã kêu gọi mỗi người suy nghĩ về chiều kích luân lý của các hoạt động của chúng ta và của lối sống của chúng ta, cách chúng ta tiêu thụ và sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên. Hôm nay, cha kêu gọi các con hãy làm điều này trong môi trường sống của các con và của việc các con dấn thân trong công trình xây dựng Nước Đức Kitô. Các bạn trẻ thân mến, việc sử dụng chính đáng và việc quản lý một cách phải phép các nguồn nguyên liệu tự nhiên là một nghĩa vụ khẩn thiết và các con có phần đóng góp quan trọng. Các con là tương lai của Philippines. Hãy quan tâm tới tất cả những gì đến với đất nước tốt đẹp của các con!

Lĩnh vực cuối cùng các con có thể đóng góp lại rất tha thiết đối với tất cả mọi người. Đó là việc quan tâm chăm sóc người nghèo. Chúng ta là những Kitô hữu, thành viên của gia đình Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta, bất luận giàu nghèo, đều được kêu gọi giang tay và phục vụ anh chị em của mình trong cơn túng thiếu. Bên cạnh chúng ta luôn có ai đó đang ở trong sự thiếu thốn về mặt vật chất, tâm lý, tinh thần. Quà tặng lớn nhất chúng ta có thể đem đến cho họ là tình bằng hữu của chúng ta, sự quan tâm ưu ái của chúng ta, tình yêu thương Đức Giêsu của chúng ta. Tiếp nhận Ngài là có tất cả. Ban tặng Ngài là ban tặng món quà to lớn nhất trong tất cả các quà tặng.

Nhiều người trong các con đã hiểu nghèo nghĩa là gì. Và nhiều người trong các con cũng đã trải nghiệm được chút gì là hạnh phúc mà Đức Giêsu đã hứa ban cho những kẻ có “tinh thần nghèo khó” (cf. Mt 5, 3). Cha muốn nói ở đây một lời khích lệ và cám ơn tới những người trong các con đã chọn con đường đi theo Chúa chúng ta trong sự nghèo khó của Ngài qua ơn gọi linh mục và tu sĩ; đến với sự khó nghèo này, các con sẽ trở nên giàu có gấp bội. Nhưng với tất cả các con, đặc biệt với những ai có thể làm và cho nhiều hơn, cha yêu cầu: hãy làm nhiều hơn nữa, hãy cho nhiều hơn nữa! Khi các con dành thời gian, tài năng, của cải của các con cho nhiều người túng thiếu đang phải sống bên lề, đó là các con đang tạo nên một sự khác biệt. Một sự khác biệt quá cần thiết và các con sẽ được Chúa ban thưởng bội hậu. Bởi vì, như Ngài đã nói: “Con sẽ có một kho tàng trên trời” (Mc 10, 21).

Cách nay 20 năm, cũng tại nơi này, thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng thế giới cần “một mẫu người trẻ mới” – dấn thân trong những lý tưởng cao cả nhất và ước ao xây dựng nền văn minh tình thương. Các con hãy là những người trẻ như thế. Đừng để mất lý tưởng của các con! Hãy là những chứng tươi vui về tình yêu thương của Thiên Chúa và về chương trình tuyệt vời của Người đối với chúng ta, đối với đất nước này và đối với thế giới chúng ta đang sống. Xin các con cầu nguyện cho cha. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng con!

***

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Sứ thần Toà Thánh ở Manila.

Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi một vài giờ, Đức Thánh Cha đến sân vận động “Quirino Grandstand-Rizal Park” để cử hành Thánh lễ kết thúc chuyến tông du. Sân vận động này nằm trong một khu đô thị rộng sáu mươi hécta và được xây dựng để chuẩn bị cho lễ công bố độc lập vào ngày 04-07-1946. Tên của sân vận động được đặt theo tên người anh hùng dân tộc Jose Rizal, là một nhà thơ, nhà văn, và nhà cách mạng bị người Tây Ban Nha hành quyết vào năm 1896. Ngay tại nơi người anh hùng Rizal hy sinh là cột mốc mang số 0, và các con đường ở Luzon được tính bắt đầu từ cột mốc này.

Theo chính quyền địa phương, có khoảng 6 triệu người đã tham dự Thánh lễ này.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ:


“Một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9, 5). Quả là một niềm vui lớn đối với tôi là được cử hành lễ Chúa nhật Chúa Hài Đồng với anh chị em. Hình ảnh Chúa Giêsu Hài Đồng đã đồng hành với sứ vụ loan báo Tin Mừng trên đất nước này ngay từ buổi đầu. Mang phẩm phục như một nhà vua, đầu đội vương miện, tay cầm vương trượng, trái cầu và thập giá, Ngài tiếp tục nhắc nhở chúng ta mối quan hệ giữa Nước Chúa và mầu nhiệm tuổi thơ ấu tinh thần. Ngài nói điều này trong Tin Mừng của Thánh lễ hôm nay: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào Nước ấy!” (Mc 10, 15). Chúa Hài Đồng tiếp tục loan báo với chúng ta rằng ánh sáng của ân sủng của Thiên Chúa đã chiếu toả trên một thế giới tối tăm, đem Tin Mừng về sự giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ, và dẫn chúng ta bước đi trên các nẻo đường của bình an, chính trực và công chính. Ngài cũng nhắc nhở là chúng ta đã được mời gọi mở rộng Nước Đức Kitô khắp nơi trên trái đất.
 Những ngày này, trong thời gian tôi viếng thăm đất nước của anh chị em, tôi đã được nghe anh chị em hát: “Tất cả chúng ta là con Thiên Chúa”. Đó là điều Chúa Hài Đồng nói với chúng ta. Ngài nhắc nhở với chúng ta về căn tính thâm sâu nhất của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con Chúa, thành viên của gia đình Thiên Chúa. Hôm nay, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta đã trở thành những người con được Chúa đón nhận, những anh chị em trong Đức Kitô. Chúng ta là như thế. Đó là căn tính của chúng ta. Chúng ta đã được chứng kiến một cách diễn tả đẹp đẽ về điều này khi người Philippines được huy động đến với các anh chị em của chúng ta là nạn nhân của cơn bão.

Thánh tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng, bởi vì Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chúng ta đã được chúc lành một cách vô cùng bội hậu! Thiên Chúa “đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần khí, từ cõi trời, trong Ðức Kitô” (Ep 1, 3). Những lời này có một âm vang đặc biệt nơi người Philippines, bởi vì đây là nước công giáo chính tại châu Á; đó đã là một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, một phúc lành đặc biệt của Người. Nhưng đây cũng là một ơn gọi. Người Philippines được kêu gọi trở thành những thừa sai dũng cảm của đức tin tại châu Á.

Thiên Chúa đã chọn và chúc lành cho chúng ta vì một mục đích: trở thành thánh thiện và vô phương trách cứ dưới cái nhìn của Người (Ep 1, 4). Người đã chọn chúng ta, mỗi người chúng ta, để trở thành chứng nhân cho sự thật và sự công chính của Người trong thế giới này. Người đã dựng nên thế giới như một ngôi vườn đẹp đẽ và đã giao cho chúng ta chăm sóc. Nhưng, do tội lỗi, con người đã làm biến dạng vẻ đẹp của thiên nhiên; do tội lỗi, con người cũng đã phá hủy sự thống nhất và vẻ đẹp của gia đình nhân loại chúng ta, khi tạo nên những cơ cấu xã hội duy trì sự nghèo đói, sự ngu dốt và đồi bại.

Nhiều lúc, khi chúng ta chứng kiến những biến động, những khó khăn và những bất công xung quanh chúng ta, chúng ta bị cám dỗ buông xuôi. Những lời hứa của Tin Mừng xem ra chẳng được áp dụng; những lời hứa không thực. Nhưng Thánh Kinh nói với chúng ta rằng mối đe dọa lớn đối với kế hoạch của Thiên Chúa trên chúng ta đã và luôn luôn là sự dối trá. Ma quỷ là cha của dối trá. Bẫy của nó được giăng dưới những lớp vỏ bề ngoài của ngụy biện, dưới cái nhãn hấp dẫn là “hiện đại”, “như mọi người”. Nó làm chúng ta mất tập trung bởi hình ảnh của những thú vui chóng qua, của những trò giết thời giờ một cách hời hợt. Và khi ấy, chúng ta sẽ phí phạm các ân huệ Chúa ban bằng cách sử dụng những vật vô dụng; chúng ta phí phạm tiền bạc trong cờ bạc và nhậu nhẹt; chúng ta phó thác bản thân chúng ta cho các thứ này. Chúng ta sao nhãng việc phải chú tâm vào những thứ thực sự đáng giá. Chúng ta quên mất mình là con Thiên Chúa, trong thâm tâm của chúng ta. Tội là ở chỗ đó: quên rằng mình là con Thiên Chúa trong thâm tâm của mình. Sự khôn ngoan đối với những người con này, –như Chúa đã nói với chúng ta– không phải là sự khôn ngoan của thế gian. Bởi vậy, sứ điệp của Chúa Giêsu Hài Đồng có tầm quan trọng đặc biệt. Sứ điệp ấy vang lên từ cõi thâm sâu của mỗi người chúng ta, nhắc nhở chúng ta về căn tính thâm sâu nhất chúng ta được kêu gọi để thể hiện, với tư cách gia đình của Thiên Chúa.
Chúa Hài Đồng cũng nhắc nhở chúng ta rằng căn tính này cần phải được bảo vệ. Chúa Kitô Hài Đồng là Đấng bảo vệ đất nước lớn lao này. Ngài có một gia đình trần thế: Thánh Gia tại Nazareth. Ngài nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc bảo vệ các gia đình của chúng ta, và các gia đình lớn hơn là Giáo hội, gia đình của Thiên Chúa, và thế giới, gia đình nhân loại của chúng ta. Tiếc thay, ngày nay, gia đình lại cần phải được bảo vệ trước những cuộc tấn công thâm độc và những chương trình đi ngược lại tât cả những gì chúng ta coi là chân thật và thánh thiêng, tất cả những gì là đẹp đẽ nhất và cao sang nhất trong nền văn hóa của chúng ta. 

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đón tiếp các trẻ nhỏ, Ngài ôm chúng vào lòng và chúc lành cho chúng. Cũng vậy, chúng ta phải bảo vệ, hướng dẫn và cổ vũ giới trẻ của chúng ta, bằng cách giúp họ xây dựng một xã hội xứng với di sản tinh thần và văn hóa của họ. Đặc biệt, chúng ta phải nhìn mỗi đứa trẻ như một ân sủng cần phải được tiếp đón, yêu thương và bảo vệ. Và chúng ta cũng cần phải chăm sóc cho tuổi trẻ của chúng ta, bằng cách không để nó đánh mất niềm hy vọng và phải đẩy ra sống ngoài đường phố.

Đấng đã đem đến trong thế gian lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng thương xót và sự công chính, là một trẻ nhỏ mong manh, nên cũng cần phải được bảo vệ. Ngài cũng đã phải đương đầu với sự bất lương và đồi bại vốn là di sản của tội lỗi, và Ngài đã toàn thắng bởi quyền năng của thập giá. Lúc này đây, vào cuối cuộc viếng thăm Philippines của tôi, tôi xin phó thác anh chị em cho Ngài, cho Đức Giêsu, Đấng đã đến giữa chúng ta như một trẻ nhỏ. Xin Ngài cho tất cả dân tộc trên đất nước yêu quý này biết làm việc cùng nhau, bảo vệ lẫn nhau, bắt đầu từ gia đình và các cộng đoàn của anh chị em, qua việc xây dựng một thế giới công bằng, liêm chính và hòa bình. Xin Chúa Hài Đồng tiếp tục chúc lành cho đất nước Philippines và nâng đỡ các Kitô hữu của dân tộc lớn lao này trong sứ vụ là nhân chứng và thừa sai của niềm vui Tin Mừng, tại châu Á và khắp nơi trên thế giới.

Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Cầu Chúa chúc lành cho anh chị em!

***

Sau Thánh lễ, Đức hồng y Luis Antonio G. Tagle cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm của ngài đến Philippines. Đức Thánh Cha mặc lại chiếc áo mưa màu vàng đã sử dụng hôm trước và lên chiếc xe giáo hoàng đi một vòng quảng trường để chào tạm biệt các tín hữu. Sau đó ngài trở về Toà Sứ thần Toà Thánh để ăn tối và nghỉ ngơi.
 
Mai Tâm chuyển ngữ
(WHĐ)