WHĐ (28.6.2022)- Hôm thứ Bảy 25. 6. 2022, sau thánh lễ kết thúc Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một “Bài sai truyền giáo” tới mọi người hiện diện. Bản sao của Bài sai truyền giáo này cũng sẽ được phân phát cho mọi người tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật 26. 6. 2022. Sau đây là nội dung Bài sai truyền giáo gửi các gia đình của Đức Thánh Cha:
Các gia đình thân mến,
Tôi mời anh chị em tiếp tục cuộc hành trình của mình bằng cách lắng nghe Chúa Cha, Đấng kêu gọi anh chị em: Hãy trở thành những nhà truyền giáo trên mọi nẻo đường của thế giới!
Đừng bước đi một mình!
Anh chị em là những gia đình trẻ, hãy để mình được hướng dẫn bởi những người có kinh nghiệm;
Anh chị em là những gia đình dày dạn hơn, hãy trở thành những người bạn đồng hành trên hành trình với người khác;
Anh chị em là những người đang lạc lối vì những khó khăn, đừng để mình bị nỗi buồn khuất phục.
Hãy tin tưởng vào Tình yêu mà Thiên Chúa đã đặt nơi anh chị em.
Hãy cầu xin hằng ngày với Thần khí để làm sống lại tình yêu đó.
Hãy hân hoan loan báo về vẻ đẹp của gia đình!
Hãy công bố cho trẻ em và người trẻ về ân sủng của hôn nhân Kitô giáo.
Hãy mang lại niềm hy vọng cho những người không có hy vọng.
Hãy hành động như thể mọi thứ tùy thuộc vào anh chị em, cùng với nhận thức rằng mọi sự phải được phó thác cho Chúa.
Anh chị em hãy là người khâu tấm vải của một xã hội và Giáo hội Hiệp hành, tạo nên các mối tương quan, nhân lên tình yêu và sự sống.
Hãy là dấu chỉ của Đức Kitô hằng sống.
Đừng sợ những gì Đức Chúa đòi hỏi anh chị em, và cũng đừng sợ quảng đại với Người.
Hãy mở lòng đón nhận Đức Kitô.
Hãy lắng nghe Người trong sự thinh lặng cầu nguyện.
Hãy đồng hành với những người yếu đuối hơn.
Hãy nâng đỡ những người cô đơn, người tị nạn, và bị bỏ rơi.
Hãy là hạt giống của một thế giới huynh đệ hơn!
Hãy là những gia đình có tấm lòng quảng đại!
Hãy là khuôn mặt ân cần đón tiếp của Giáo hội!
Xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, đến trợ giúp khi chúng ta không còn “rượu”;
Xin Mẹ là người đồng hành trong lúc im lặng và thử thách;
Xin Mẹ giúp anh chị em bước đi cùng với Người Con Phục Sinh của Mẹ.
Amen.
Cùng ngày, Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã thông báo "Năm Thánh Gia đình" sẽ diễn ra tại Roma trong khuôn khổ Năm Thánh năm 2025 của Giáo hội. Do đó, Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ XI sẽ được tiến hành vào năm 2028, nhưng chưa cho biết địa điểm tổ chức.
Hình: Vườn Địa Đàng, Johann
Wenzel Peter, khoảng 1800 – 1829, Room 16, Pinacoteca Vaticana
NGHỈ HÈ: NGHỈ NGƠI NHƯ THIÊN CHÚA
Tác giả: Francis Daoust
WGPQN (27.6.2022)- Trình thuật đầu tiên về tạo dựng (Stk 1,1-2,4a) không phải là chuyên luận khoa học mô tả nguồn gốc vũ trụ mà là một huyền thoại, và như mọi huyền thoại khác, nó có mục đích giải thích những khía cạnh nền tảng nào đó về thế giới và thân phận con người. Và trình thuật này gán một vị trí quan trọng cho việc nghỉ ngơi. Khi xem xét đến trình thuật này cũng như mức độ mà Kinh Thánh nhấn mạnh đến nhu cầu phải giữ ngày nghỉ sabát, ta có thể rút ra được nhiều kết luận về điều có thể gọi là “sự nghỉ ngơi theo Kinh Thánh”.
Thiên Chúa nghỉ ngơi
Trình thuật tạo dựng đầu tiên (Stk 1, 1-2, 4a) kết thúc với bằng việc Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy,[1] sau khi đã làm xong mọi công chuyện của mình (Stk 2, 2). Khẳng định này dường như khá lạc lõng trong thế giới đề cao hiệu năng mà chúng ta đang sống cũng như có thể đặt lại vấn đề toàn năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ý tưởng này hoàn toàn bình thường ở vùng Cận Đông cổ xưa nơi mà sự nghỉ ngơi là một đặc quyền của các thánh thần. ta đặc biệt tìm thấy nó trong Enuma Elish, thiên đại sử thi của Babylon nói về cuộc tạo dựng, được soạn thảo giữa thế kỷ 14 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên, và từ đó những người Do Thái bị lưu đày ở Babylon vào thế kỷ 6 trước Công nguyên đã cảm hứng để sáng tác ra huyền thoại tạo dựng của riêng mình.
Những người Do Thái bị lưu đày đã vay mượn nhiều tình tiết trong Enuma Elish, nhưng đã thay đổi chúng để xác quyết về Thiên Chúa của mình và tương quan của họ với Ngài. Chủ đề về sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa là một trong những xác quyết ấy. Vì thế, trong Enuma Elish, ta thấy rằng những thế hệ thần thánh đầu tiên phàn nàn vì không thể nghỉ ngơi do loài thụ tạo của họ làm quấy động. Trái lại, trong trình thuật Kinh Thánh, Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi dựng nên sinh vật dưới biển, chim trời, muôn thú trên mặt đất và con người mà Ngài muốn thấy họ sinh sôi nảy nở. Tóm lại, Ngài nghỉ ngơi sau khi đã tạo dựng nên thế giới dường như rất náo động và như ý muốn.
Ta cũng thấy một sự khác biệt về lý do nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Trong thiên đại sử thi Babylon, các thần thánh nghỉ ngơi sau khi đánh bại hay tiêu diệt quân thù trong khi Thiên Chúa trong Kinh Thánh nghỉ ngơi sau khi đã tạo dựng thế giới. Như vậy, Ngài nghỉ ngơi sau hành động tạo dựng chứ không phải hủy diệt. Trong hai trường hợp này có liên quan đến chiến thắng trên sự hỗn mang và thiếu trật tự, nhưng hành động của Thiên Chúa không có tính bạo lực và cạnh tranh. Ngài dừng mọi hoạt động sau khi đã tạo dựng một thế giới mà Ngài đánh giá là tốt đẹp (Stk 1, 4.10.12.18.21.25), thậm chí rất tốt đẹp (Stk 1, 31), chỉ bởi quyền năng của lời Ngài.
Cuối cùng, cũng lưu ý đến sự khác biệt đánh dấu thời khắc nghỉ ngơi của các thánh thần. Trong Enuma Elish, thần Ea và Marduk nghỉ ngơi trước hành động tạo dựng, trong khi trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng thế giới. Rõ ràng thời gian nghỉ ngơi sau công việc dường như cao quý hơn. Nhưng còn hơn thế nữa, vì sự khác biệt này có nghĩa là Thiên Chúa nghỉ ngơi trước sự hiện diện của thụ tạo, trong khi các thần thánh Babylon không có sự hiện diện của thụ tạo. Một lần nữa, điều này không chỉ tôn giá trị cho công cuộc tạo dựng trong nhãn quan Kinh Thánh mà còn đem lại ý nghĩa cho sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Theo cái nhìn thần học, Thiên Chúa chắc chắn có thể nghỉ lúc nào Ngài muốn, nhưng sự tích cực của việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau hành động tạo dựng của mình trong trình thuật Kinh Thánh là cố gắng xác định Thiên Chúa trong tương quan với thụ tạo. Sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa không có ý nghĩa trong chính mình, nhưng chỉ trong tương quan của Ngài với vũ trụ đã được tạo dựng.
Hai đặc ân lớn
Như chúng ta thấy ở trên, các thần thánh Babylon chuộng sự nghỉ ngơi. Chẳng mấy ngạc nhiên khi điều này là chính đáng để tránh cho họ khỏi phải làm việc và cho phép họ hưởng hạnh phúc như Marduk, vị thần thủ lĩnh đã tạo dựng con người. Trong nhãn quan của người Babylon, thế giới được tạo dựng là dành cho các thánh thần, và con người được sinh ra là để tránh cho thánh thần khỏi phải làm việc. Chúng ta có mặt trên thế giới này là để làm nô lệ. Động lực này rất khác trong Kinh thánh vì vũ trụ được tạo dựng là dành cho con người và con người được sinh ra là để điều hành thế giới này. Chúng ta hiện diện ở đây theo lý luận hợp tác (partenariat). Thiên Chúa đã dựng nên thế giới này, kỳ diệu và hoàn toàn trật tự, rồi giao cho con người chăm sóc. Đây là một đặc ân vĩ đại và một trách nhiệm cao quý nhất.
Nhưng Thiên Chúa không chỉ mời gọi nhân loại tham gia vào hành động tạo dựng của mình bằng cách trở thành người canh giữ và quản lý công cuộc tạo dựng, Ngài còn mời gọi con người tham gia vào sự nghỉ ngơi của Ngài bằng cách lập nên ngày nghỉ sabát, tiếng Hípri có nghĩa là “sự nghỉ ngơi”. Đây hoàn toàn là một ý không thể có trong tư tưởng của người Babylon, một đặc ân đề cao thân phận con người và ghi dấu vững chắc sự hợp tác của con người với Thiên Chúa. Hơn nữa, ngày sabát được trình bày như một giao ước vĩnh cửu trong Xh 31,16: “Con cái Israel sẽ giữ ngày sabát, nghĩa là nghỉ ngơi trong ngày đó, qua mọi thế hệ: đó là một giao ước vĩnh viễn”. Đây là một giao kèo còn thú vị hơn nữa nếu ta xét rằng con người, được tạo dựng vào ngày thứ sáu, đã bắt đầu công việc mới mẻ này … bằng một ngày nghỉ! Một công việc đáng mơ ước!
Lấy lại hơi thở
Ta chưa nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của ngày sabát trong Kinh Thánh. Đây là ngày duy nhất được chúc phúc và thánh hóa trong trình thuật tạo dựng đầu tiên (Stk 2, 3: “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người”), là giới răn dài nhất trong Mười điều răn (Xh 20, 8-11[2]) và là chỉ dẫn quan trọng nhất trong Luật tư tế (Xh 25-31). Quả thật, ta thấy sự quan trọng ấy ở đoạn cuối bộ luật dài này diễn tả chi tiết tất cả những điều phải làm[3] để xây dựng và phục vụ cung thánh, nhấn mạnh rõ rằng: “Cách riêng, các ngươi sẽ giữ các ngày sabát của Ta” (Xh 31, 13). Đây là một chuỗi sự kiện giống với trình thuật tạo dựng đầu tiên nơi mà trước hết Thiên Chúa làm việc (Xh 1, 7.16.25.26.31; 2, 2a) và sau đó nghỉ ngơi (Stk 2, 2b.3).
Tuy nhiên, hướng dẫn tuân giữ ngày sabát trong bộ Luật tư tế xác định một điều không thấy có trong trình thuật tạo dựng đầu tiên: “Con cái Israel sẽ giữ ngày sabát, nghĩa là nghỉ ngơi trong ngày đó, qua mọi thế hệ: đó là một giao ước vĩnh viễn. Đó là một dấu hiệu vĩnh viễn giữa Ta và con cái Israel; vì trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy Người đã ngưng các việc và nghỉ xả hơi” (Xh 31, 16-17). Ta thấy cùng một động từ trong Xh 23, 12[4] nói về sự nghỉ ngơi sabát cần thiết cho các nô lệ và những người ngoại quốc. Động từ Hípri dùng trong hai câu này (naphash) có cùng gốc Hípri với từ nephesh, chỉ hơi thở mà Thiên Chúa thổi vào trong con người để ban sự sống (Stk 2, 7). Được sử dụng 756 lần trong Cựu Ước, từ này được dịch bằng nhiều cách: hơi thở, hơi thổi, sự sống, linh hồn, sinh vật, con người, ước muốn, sự ngon miệng, cảm xúc, đam mê. Tóm lại, nephesh là yếu tính của sự sống và là điều cho phép sự sống vươn lên.
Nhận xét này buộc chúng ta không thể nghi ngờ sự toàn năng của Thiên Chúa, vì cho rằng Ngài phải làm đầy lại yếu tính của sự sống. Đúng ra, nó khiến chúng ta suy nghĩ về cách thức hoạt động của Ngài. Sự toàn năng này không mở ra như một sức mạnh thường hằng, lúc nào cũng căng thẳng, nhưng như một nhịp đập nhịp nhàng luân chuyển giữa sự căng thẳng và nghỉ ngơi. Nó khiến chúng ta tránh xa quan niệm về một Thiên Chúa tĩnh và bất biến, đưa chúng ta đến gần với ý tưởng rằng Ngài năng động và luôn dịch chuyển. Hãy thêm rằng Thiên Chúa rất dứt khoát về vấn đề ngày sabát: con người cũng phải theo nhịp sóng của Ngài và bố trí một thời gian đều đặn để tách mình riêng ra, lấy lại yếu tính của sự sống.
Để nghỉ ngơi đúng theo Kinh Thánh
Cái nhìn thoáng về trình thuật tạo dựng đầu tiên và lệnh truyền phải giữ ngày sabát có thể soi sáng cho chúng ta về kiểu nghỉ ngơi của Kinh Thánh nói riêng để có thể hướng những kỳ nghỉ của chúng ta về đó.
Trước hết, sự nghỉ ngơi này không cần thiết là vấn đề phải tĩnh lặng. Theo hình ảnh của Thiên Chúa nghỉ ngơi trong sự hỗn độn của vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng cơ bản là tốt đẹp, chúng ta được mời gọi sống thời gian lấy lại sức trong sự tràn trề sức sống của nó. Có ích gì khi phải cật lực cả năm để chi tiền cho một bể tắm hay chuyến đi đến biển nếu chỉ để truyền lệnh cho bọn trẻ không được làm ồn và giữ yên lặng? Đừng trở thành những người Babylon!
Chúng ta cũng nhận xét rằng Thiên Chúa nghỉ ngơi sau hành động tạo dựng, đánh giá chúng khá cao. Trong nhãn quan này, phải nhận rằng thật ích lợi khi có thời gian xét lại những gì mình đã hoàn thành trong suốt năm làm việc vừa mới chấm dứt. Trong bối cảnh công việc, cái nhìn của chúng ta thường hướng về tương lai, đến những mục tiêu phải đạt được và những kế hoạch phải vạch ra. Kỳ nghỉ phải là thời gian bù lại khi nhìn về phía sau, xem xét những gì mà chúng ta đã thực hiện trong năm qua và ý thức rằng chúng ta không làm việc uổng công.
Cuối cùng, ta cũng lưu ý rằng chính Thiên Chúa đã lấy lại hơi thở sau khi tạo dựng và truyền cho nhân loại làm như thế, cho chính mình (Xh 20, 8-11), cho thú vật (Xh 23, 12) và ngay cả cho đất đai (Lv 25, 1-7). Ta không thể đi theo trào lưu sản xuất tối đa 24 giờ trên 24 và 365 ngày mỗi năm. Trái tim con người không cho phép máu lưu thông đến toàn thân thể nếu nó thường xuyên trong tình trạng phải dồn nén; nó làm cho máu lưu thông là vì có sự luân phiên giữa ép lại và giãn ra. Phổi không thể bơm ôxy cho thân thể nếu nó không được hít vào thở ra. Chẳng phải chúng ta đã đến với thế giới bằng một loạt co thắt đó sao? Đối với các vận động viên, người ta cũng khẳng định rằng sẽ ích lợi hơn khi tập chạy từng quảng hơn là cứ chạy lúc nào cũng ở vận tốc cực đại. Ngay cả những nghiên cứu mới đây về vật lý thiên văn cũng khẳng định rằng trước khi có “vụ nổ lớn” (big bang) thì cũng có một “vụ co lớn” (big crunch), nghĩa là cả vũ trụ co lại thành một điểm cô đặc cực lớn, rằng chúng ta sẽ hướng đến một vụ co lớn mới và rằng vũ trụ đã hoạt động như thế từ thời vĩnh hằng, cô đặc và giãn nở luân phiên nhau.
Theo hình ảnh của trái tim, buồng phổi, của vũ trụ và của chính Thiên Chúa, cần phải có thời gian phục hồi hơi thở, không có nghĩa là không làm gì, nhưng đúng hơn là đi vào trong một hoạt động khác mà những kỳ nghỉ tạo nên một đối trọng với tất cả những gì cấu thành công việc quen thuộc của chúng ta. Có lẽ phải hoạch định những kỳ nghỉ nghịch lại với công việc của chúng ta chăng? Một người thường xuyên di chuyển vì công việc phải trải qua kỳ nghỉ của mình tại chỗ và không đi du hành. Người trí thức có lẽ phải lánh xa thư viện; vận động viên phải rời xa sàn tập; người quản lý rời xa những trách nhiệm; và nhạc sĩ ở trong thinh lặng?
Nhu cầu thay đổi giữa công việc và nghỉ ngơi có thể cho thấy một cuộc sống chỉ toàn là kỳ nghỉ không phải cuộc sống đáng mơ ước. Điều này có thể giải thích được sự trống rỗng của người nào đó đến tuổi về hưu. Có lẽ người hiểu được một ngày nghỉ tuyệt vời là người… của công việc!
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính Chuyển ngữ từ: Parabole, Juin 2019, vol. xxxv, no 2, tr. 6-8 Nguồn: gpquinhon.org
[1] Bản văn Kinh Thánh chơi chữ trên sự trùng âm giữa hai từ trong tiếng Hípri: shabbat (nghỉ ngơi) và sheva‘ (bảy), trong tiếng Hipri, chữ “b” và chữ “v” cùng một mẫu tự. [2] Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh. [3] Động từ ‘asah trong tiếng Hípri, nghĩa là “làm”, được lập lại không dưới 95 lần trong bảy chương này.
[4] Trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức.
NHẬT KÝ CỦA PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM TẠI ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X: NGÀY CUỐI CÙNG
Lm. Giuse Hà Đăng Định
WHĐ (28.6.2022) - Ấn tượng nổi bật trong ngày hội nghị cuối cùng là hai chứng từ của các gia đình đến từ Indonesia và Australia.
Bầu khí của hội nghị trở nên sôi động hơn những ngày qua khi các tham dự viên được lắng nghe chứng từ liên quan đến chủ đề “khi vợ hoặc chồng không phải là người tín hữu” (Quando un coniuge non è credente) của ông bà Taufiq Hidayat và Agnès Sandra Wigianti đến từ Indonesia. Cô Agnès là người công giáo. Khi lập gia đình cô đã gia nhập đạo Hồi. Vì không thật tâm cải đạo, mà chỉ xem việc gia nhập đạo như là thủ tục để kết hôn, cô luôn bất an trong lòng ròng rã 6 năm trời. Cuối cùng, vì không thể chịu được sự ray rứt của lương tâm, cô đã quyết định trở về sống ơn gọi kitô hữu. Nhờ cuộc sống chứng tá kitô hữu của cô, sau gần 15 năm, ông Taufiq Hidayat, chồng cô, đã thật tâm gia nhập đạo Công Giáo, đã chịu phép rửa tội năm 2021 và hôm nay ông bà đã đến với hội nghị để chia sẻ chứng tá của đời sống đức tin về cuộc hôn nhân khác đạo của chính mình.
Cũng bầu khí ấy, vào lúc 12g00, ngày 25-6-2022, ông Daniel và bà Leila Abdallah đến từ Australia đã trình bày chứng từ về sự tha thứ như con đường nên thánh (Il Perdono come Via di Santità). Gia đình của ông bà Daniel có 7 người con. Vào một ngày hè tuyệt vời, 7 đứa trẻ đi bộ để mua kem cho người cháu gái của ông Daniel nhân dịp sinh nhật lần thứ 13. Một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra khi một người lái xe say rượu và say thuốc đã tông vào 7 đứa trẻ với tốc độ 150 km/ giờ, gấp 3 lần tốc độ cho phép. Khi Daniel đến hiện trường, ông không thể tin vào mắt mình. Tai nạn thảm khốc này đã lấy đi sinh mạng của 4 đứa trẻ, đẩy ba gia đình tan nát, một đại gia đình bị tàn phá, một cộng đồng mất niềm tin và một quốc gia tang tóc. Cô Laila, mẹ của 7 đứa trẻ cũng đến hiện trường sau chồng mình. Cô bình tĩnh xin mọi người cầu nguyện. Tuy nhiên cô không thể nén được xúc động khi hay tin 4 đứa con của cô đã qua đời. Cô gào thét. Cô cảm thấy nặng nề giống như đang “đi đàng thánh giá” cùng với Chúa Giêsu. Cô Laila cho biết: “Khi giới truyền thông tiếp cận tôi, họ không thể nói nên lời. Làm sao những người làm truyền thông có thể nói được điều gì với một người mẹ vừa mất hơn phân nửa số con của mình. Tuy nhiên, trong giây phút kinh hoàng ấy, tự trong sâu thẳm cõi lòng, tôi không ghét người lái xe. Tôi đã tha thứ cho anh ta... Những người làm công tác truyền thông yêu cầu tôi cho họ biết tôi muốn họ giúp đỡ như thế nào. Tôi đã xin họ cầu nguyện và hàng ngàn người đã đến cầu nguyện hàng đêm cho đến khi hoàn tất việc an táng cho các con của tôi...”. Cô nói tiếp: “Chúng tôi cầu nguyện cho các bạn không phải trải qua những đau khổ hoặc những nỗi phiền muộn mà chúng tôi đã trải qua, nhưng các bạn cũng phải chuẩn bị đối diện với những thử thách bằng việc cầu nguyện và sự tha thứ và cũng hãy dạy cho con của bạn thực hành như vậy”. Dứt phần chứng từ đầy ấn tượng này, cả hội nghị cùng đứng và không ngớt vỗ tay trong sự cảm phục. Riêng cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, trưởng ban nghiên huấn, thành viên của phái đoàn Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi đã không cầm được nước mắt nghi nghe hai chứng từ này”. Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ cảm xúc của mình, khi cùng với hội nghị đứng lên vỗ tay tán thưởng các gia đình sau khi nghe hai chứng từ rất cảm động và đầy thuyết phục này.
Việc suy tư về con đường nên thánh của các gia đình, chủ đề chính của ngày hội nghị cuối cùng, các chứng từ về “hành trình nên thánh”, “phân định trong đời sống gia đình hằng ngày” và “đồng hành thiêng liêng với những đôi hôn nhân mới cưới” cũng đã được trình bày trong hội nghị.
Trong giờ thư giãn giữa ngày, Cha Gioan Đinh Công Lịch, Chủ tịch Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Rôma cũng đã rất ấn tượng bởi hình ảnh của một gia đình đến từ Hoa Kỳ với 9 người con: người con lớn nhất năm nay 12 tuổi và người con út vừa tròn 1 năm 6 tháng. Đây quả là một chứng từ sống động không thể diễn tả bằng lời, minh họa cho bài thuyết trình “luôn đón nhận sự sống mới” của ông bà Gianluigi De Paolo và Anna Chiara Gambini, quốc tịch Italia, trong ngày hội nghị thứ nhất.
Cũng trong ngày hội nghị cuối cùng này, từ 08g45 – 09g45, hội nghị đã dành thời gian để Chầu Thánh Thể tại đại thính đường Phaolô VI. Một linh mục Dòng Phanxicô dựa trên câu chuyện Tin Mừng về tiệc cưới tại Cana đã thay cho hội nghị thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể về sự thiếu vắng rượu tình yêu trong các gia đình. Vì vậy, mỗi người cần nhận ra sự thiếu hụt của mình và xin Ngài đổ đầy rượu tình yêu, một thứ rượu ngon hảo hạng như tình yêu ban đầu mà chúng ta đã lãnh nhận khi con người được tạo dựng. Do đó, trong việc mục vụ gia đình, từ giáo xứ cho đến giáo phận, mọi người hãy biết chia sẻ cho nhau thứ rượu tình yêu ấy. Trước Thánh Thể Chúa, vợ chồng hãy cầu nguyện cho nhau. Xin chúa đổ đầy bình rượu tình yêu của mình để trao ban cho mọi người trong gia đình và cả những gia đình khác nữa.
14g30, các tham dự viên di chuyển sang vương cung thánh đường thánh Phêrô để chuẩn bị cho thánh lễ bế mạc của Hội Nghị Quốc Tế về Gia Đình lần thứ X, năm 2022 tại Rôma.
Các nữ tu thiện nguyện chuẩn bị lên đường phục vụ trong bệnh viện điều trị Covid-19
CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN GIỮA MÙA ĐẠI DỊCH
Caritas Việt Nam - Nhóm Tư Vấn Rosa Lima
WHĐ (27.6.2022) - Trong giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tại Sài Gòn, đã có khá nhiều nhóm thiện nguyện được thành lập nhằm giúp đỡ lương thực, thuốc men, thậm chí quan tài với giá 0 đồng... cho bà con. Chúng ta hy vọng sẽ có dịp được đọc những chứng từ trong các nhóm ấy. Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ có thể lắng nghe một vài chứng từ của các anh chị em trong nhóm Ros (Rosa Lima). Đây là nhóm tự phát, quy tụ một số bác sĩ Công giáo về hưu, sau đó có thêm các bác sĩ và nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện, cùng với những anh chị em văn phòng Caritas Việt Nam, một số tình nguyện viên, cùng với sự cộng tác của một số linh mục, tu sĩ Dòng Đaminh, Dòng Chúa Cứu Thế, các nữ tu và một số anh chị em giáo dân trong việc đồng hành tâm linh và cầu nguyện.
Giáo hội Việt Nam đã có một hoàn cảnh khá đặc biệt: sống trong một nền kinh tế thị trường - định hướng XHCN. Trong nền kinh tế thị trường, Giáo hội có được một bầu không khí dễ thở và có thể phát triển trong nhiều khía cạnh, những trung tâm học vấn, những cộng đoàn đào tạo, việc xây cất nhà thờ và những sinh hoạt tôn giáo... Tuy nhiên, yếu tố tạm gọi là “định hướng XHCN” lại khiến cho Giáo hội luôn phải né tránh các vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến chính trị. Điều đó khiến phần lớn các đấng bậc chẳng những không muốn dính dáng đến chính trị, nhưng cũng ngại đụng đến những vấn đề tệ nạn, công bằng xã hội, vấn đề quyền công dân và quyền con người...; và điều đó cũng làm cho tình trạng đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam, vốn đã có sự so le lớn giữa sinh hoạt đạo và trách nhiệm của cuộc sống đời thường, lại càng ngày càng trở nên một thứ “đạo thiêng liêng” nhiều hơn nữa.
Đại dịch Covid là một cơn bão lay động toàn bộ cuộc sống xã hội, và hình như đại dịch cũng góp phần đưa các chủ thuyết triết học, các tôn giáo và cả những sinh hoạt y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí... trở lại với ý nghĩa ban đầu trong một môi sinh nền tảng và chân thực của kiếp người. Tất cả những công trình, những dự án lớn lao, cao cấp của đời sống xã hội, trước đây, dường như đang hí hửng vươn lên những tầm cao. nay được lôi xuống “mặt đất” để nhìn lại chính lý do hiện hữu của mình, nhìn lại dự phóng ban đầu của mình. Kinh tế có phát triển đúng đắn không? Giáo dục cao cấp có ý nghĩa gì? Ngành y tế có thực sự góp phần làm giảm nỗi đau của nhân loại không? Những hoạt động dịch vụ, giải trí có thể làm thăng hoa cuộc sống không, khi mà còn có bao người phải đối diện với thách đố của cuộc sống?
Riêng trong đời sống đức Tin Kitô giáo, hình như cơn đại địch đã ít nhiều góp phần thanh lọc những gì hào nhoáng và cả những gì bị lạc vào thế giới thiêng liêng, để khơi dậy một sức sống mạnh mẽ và thiết thực cho dòng chảy của cuộc sống. Cơn đại dịch giúp cho đức Tin tìm lại được dưỡng chất nhân sinh khi nhận ra trách nhiệm của mình trước những hoàn cảnh đau thương, và tìm thấy ý nghĩa thiết thực của tình yêu.
1. ĐỨC TIN VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
Có một thực tế mà con người luôn muốn quên đi: đó là cái chết. Những người đang khỏe mạnh, những người đang thành đạt, những người đang tràn trề sinh lực… thường không muốn nghĩ đến cái chết; và người ta tự lừa dối mình để quên đi bóng ma của cái chết vẫn đang chờ sẵn đối với mọi người… Dù bi quan hay lạc quan, dù coi thường hoặc bị ám ảnh,… thì con người vẫn chỉ có thể tìm giải đáp toàn vẹn cho cuộc sống của mình khi thực sự đối diện với thách đố của cái chết. Sự thật của cái chết chắc chắn phải có chỗ đứng trong mọi lựa chọn ý nghĩa cuộc sống con người.
Trong cuộc sống của mình, con ngày càng nhận ra một điều là Thượng Đế công bằng vô cùng. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đều có một thánh giá; và mọi thánh giá quý giá về mặt này thì lại là gánh nặng về mặt khác.
Đại dịch xảy đến có thể làm rõ ràng điều này hơn. Ban đầu dịch bệnh bắt đầu từ những người giàu về từ nước ngoài bằng đường hàng không, rồi lan đến khu dân cư giàu có, rồi mới đến khu lao động nghèo khó. Người giàu có con cái đi học hay sống xa nhà thường sống đơn lẻ; khi mắc bệnh covid khó kiếm người chăm sóc, khó điều trị tại nhà, vào bệnh viện lẻ loi khó chia sẻ. Người nghèo sống đại gia đình dẫu lây lan nhưng cũng dễ chăm sóc chia sẻ, khi bệnh nặng có thể giúp nhau vào bệnh viện sớm và thông tin. Nếu tử vong vì covid nặng thì kết cục gần như nhau, đều tử vong tại phòng cấp cứu hồi sức, không người thân hiện diện, chết được nhà nước hỏa táng, và thân nhân nhận tro sau đó. […]
Đại dịch cho thấy số phận con người mỏng giòn, run sợ, và các nước phản ứng khá giống nhau trước làn sóng tsunami của các biến chủng virus lan tới...
Bác sĩ Giuse Bùi Quang Vinh, tổ trưởng tổ tư vấn
Quả thật, trong trận sóng thần Covid 19, người ta không phải chỉ gặp thấy câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì?” nhưng còn phải đối diện với rất nhiều câu hỏi tương tự: “Thành đạt để làm gì?”, “Quyền lực để làm gì?”
Dù bị không ít người chỉ trích về một não trạng quá bi quan, đức Tin Kitô giáo vẫn luôn đặt ý nghĩa cuộc đời con người trong ánh sáng của một Đức Giêsu “Tử nạn và Phục sinh”, vẫn luôn xác tín trọng tâm của đức Tin là vấn đề sự sống và ý nghĩa đích thực của sự sống con người... Trong ý nghĩa ấy, đức Tin Kitô giáo đóng góp câu trả lời khi mà nhân loại phải đối diện với cái chết “bên cửa nhà mình”.
Giữa những gian nan bất ổn của cuộc sống, đặc biệt là khi đến đường cùng tuyệt vọng, ví dụ như ở giữa bốn bức tường bệnh viện, một nhà thơ đã lo âu khắc khoải:
Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết Ngày với đêm có phân biệt gì đâu Gương mặt người nhợt nhạt như nhau Và quần áo một màu xanh ố cũ Người ta khuyên “lúc này đừng suy nghĩ Mà cũng đừng xúc động, lo âu” Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu Dường trong suốt một màu vô tận trắng.
(Xuân Quỳnh, Thời gian trắng, 6/1988)
Trong bài thơ viết cuối cùng của mình khi bị bệnh, trước lúc ra đi, nhà thơ than thở vì bị cắt rời khỏi người thân và quá khứ:
Dù cùng một thời gian, cùng một không gian Ngoài cánh cửa với em là quá khứ Còn hiện tại của em là nỗi nhớ Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.
Tác giả thật sự cô đơn vì không còn ai kể chồng con và người thân. Nhưng đối với người Kitô hữu, người bệnh vẫn nhận ra còn có người bên cạnh mình, cùng lắng nghe nhịp đập trái tim mình, cùng thở với mình làn hơi yếu ớt, cùng đi với mình đến tận cùng cuộc sống, người ấy chắc chắn sẽ hài lòng và thanh thản biết bao nhiêu. Người đó có thể là vị bác sĩ trong y phục y tế xanh đang khám bệnh cho thuốc hằng ngày. Người đó có thể là cô điều dưỡng dịu dàng nâng đỡ bữa ăn và vệ sinh thân thể. Những con người ấy toát lên nụ cười và tấm lòng nhân hậu đằng sau chiếc khẩu trang che kín mặt. Sự hiện diện của họ chứng tỏ thế giới vật chất u ám này vẫn còn những người tốt với tấm lòng rộng mở hy sinh. Nhiều hơn nữa, thế giới của người có đức Tin Công giáo còn có Chúa Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, luôn ở với chúng ta. Người vẫn âm thầm và đồng hành cùng chúng ta từ lúc chào đời đến hơi thở cuối cùng. Chính người đã tạo dựng vũ trụ với tất cả cái Thiện và cái Ác, đầy rẫy sự bất toàn, nhưng lần lượt gởi các tiên tri và Con mình đến để hướng dẫn và cứu độ chúng ta trong lịch sử nói chung và trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Cuộc sống mỗi người chắc chắn không toàn vẹn, nhưng đức tin sống với Chúa trong cuộc đời làm cho họ ngày càng gần Đấng toàn thiện. Đến lúc lâm chung, họ mất đi ở thế giới này nhưng tìm lại được niềm vui vĩnh cửu.
Lời Kinh Hòa Bình, một bài hát quen thuộc của người Kitô hữu cho thấy sự sống của con người không phải chỉ là một sự sống đơn thuần, nhưng sự sống ấy chỉ trọn vẹn khi mang lấy ý nghĩa đích thực của sự sống: đó là tình yêu thương, là thái độ quảng đại dâng hiến và “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Lạy Chúa xin hãy dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu; vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Bác sĩ Giuse Bùi Quang Vinh
2. ĐỨC TIN NHƯ NGUỒN CẬY TRÔNG
Khi cuộc sống ổn định, dường như đức Cậy là một nhân đức bị bỏ quên. Khoa học tiến bộ, con người như thể có quá nhiều “tầu sân bay” để có thể an toàn trên mặt biển... và đức Cậy chỉ còn là một thứ “phao cứu sinh” cho cuộc sống mai sau. Nhưng khi bỗng nhiên người ta rơi vào tình huống bấp bênh, cuộc sống có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, ý nghĩa của đức Cậy lại trở nên sống động hơn bao giờ hết:
Giữa những nguy cơ và nghi ngờ trong thời đại dịch Covid, người không có đức tin dễ dàng chao đảo, và khi mắc bệnh dễ lo lắng tuyệt vọng. “Không đức tin” là mảnh đất màu mỡ cho những tư tưởng hoang dại phản khoa học, phản luân lý, phản xã hội phát sinh. [...]. Ngược lại, một đức tin đúng đắn biết tôn trọng những chứng cứ khoa học và quy định của xã hội giảm khả năng lây nhiễm bệnh. Khi đang mắc Covid, ngoài thuốc men, người có đức tin vào Thượng đế thường sống lạc quan, ăn đủ, ngủ sớm, tránh rượu bia và các thói hư tật xấu, do đó tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng giao tiếp xã hội để chia sẻ hoạn nạn, dễ vượt qua diễn tiến bệnh nặng…
Theo con nghĩ, đức Tin của người Kitô hữu, là tin vào Đức Kitô, mà Kinh Thánh gọi là Đấng Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Chúa ở cùng, ta còn sợ chi ai?
Bác sĩ Giuse Bùi Quang Vinh 2/1/2022
Chắc hẳn có những người nhìn đại dịch Covid 19 như một lời chất vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Quả thật, đau khổ và sự ác vốn là những khúc mắc nan giải nhất cho mọi tôn giáo, gồm cả Kitô giáo. Thiên Chúa ở đâu khi mà con người phải chịu những đau thương khốn cùng? Niềm tin có giúp gì cho con người trong những thời khắc khó khăn nhất?
Thật ra, đau khổ, sự dữ, nhất là những đau khổ của trẻ em là những câu hỏi muôn đời và lời chất vấn gai góc đối với lương tri của nhân loại, cả với người có niềm tin tôn giáo cũng như người vô tín. Nhưng nếu như những lý thuyết để lý giải đau khổ dường như bế tắc, thì trong thực hành, với lòng trông cậy, người Kitô hữu có thể nhận ra một Đức Giêsu đã “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8), để rồi khám phá ra “Chúa đau nỗi đau cùng con”:
1. Ngoài kia bao người hoang mang hỏi Chúa đâu? Ngài ở trên cao, hay nơi xa cuộc đời bể dâu? Đất sầu cô liêu - Hoa vẫn nở đường xưa vẫn còn. Trời vẫn xanh trong, sao lòng người như mất hy vọng.
ĐK: Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con. Ngài vẫn bên con mà, lo lắng làm con không nhận ra. Chúa đang bước đi cùng con, nếu lòng tin còn người ơi. Tình Chúa ôi tuyệt vời, Ngài ở bên san sẻ đời buồn vui.
2. Người ơi! Hãy vững tâm Chúa vẫn ở bên. Dịch bệnh lan nhanh, cho ta hay cuộc đời mong manh. Sống chậm để nghe, đây tiếng gọi dựng xây hằng ngày Rộng mở đôi tay, trao tình người tô thắm môi cười.
3. Lạy Chúa! Con nguyện xin dâng Ngài nước Việt. Và toàn dương gian đang hoang mang tìm nguồn ủi an. Chúa giầu lòng thương, nương náu Ngài đời con hy vọng. Một lòng cậy trông, dâng về Ngài sự sống hôm nay.
Chúa đau nỗi đau cùng con, Lời nguyện cầu trong cơn dịch Covid 19, Sr. Quỳnh Thoại, Phi Luật Tân, 15-3-2020
Quả thật điều người ta hay quên: Chúa cứu độ ta không phải theo cách ở trên trời, ban bố “cái gì,” nhưng Ngài ban cho ta chính Ngài, bằng cách “đi lại” chính hành trình đời người, chịu khổ như con người, chết như con người, và Ngài sống lại để tiếp tục cùng sống với người tín hữu như một người Bạn luôn sẵn sàng đồng hành, liên lụy với phận người. Chúa chịu chết khi xưa, đó là chứng tá giúp ai tin thì nhận ra “Chúa đau nỗi đau cùng con” ngày hôm nay. Đó chính là sức mạnh lớn để người tín hữu vượt qua được khổ đau.
3. ĐỨC TIN NHƯ LÒNG MẾN
Đối diện với những đau thương của đồng bào trong mùa dịch bệnh, đã có biết bao tấm lòng quảng đại được biểu lộ, những tấm lòng quảng đại không chỉ nơi người có tiền nhưng nơi cả những người nghèo, thậm chí nơi những người nghèo khổ đến tận cùng; không phải chỉ nơi những người có ăn học hoặc có lý tưởng, nhưng cũng nở rộ ở những con người bình thường chân chất. Chúng ta đã thấy trên các phương tiện truyền thông biết bao nhiêu nghĩa cử cao đẹp của đủ mọi hạng người. Trong lúc xã hội hoang mang tột đỉnh vì dịch bệnh, thì mỗi ngày, tâm hồn người dân Sài Gòn lại được bổ dưỡng bởi những “dưỡng chất của tình thương,” những món quà tình nghĩa là chai nước, là ổ bánh mì, là chai xăng để tiếp sức về quê, là những xe rau quả phân phối cho khu cách ly, là những nhà trọ miễn phí, là những ATM gạo, rồi ATM khẩu trang và ATM oxy. Trong bệnh viện, khi phải đối diện với cái chết, chính những bệnh nhân lại biết giúp sức cho nhau, những tình nguyện viên lao vào nơi nguy hiểm nhất để có thể làm được một chút gì cho bệnh nhân... Có một linh mục bác sĩ đi làm tình nguyện viên phục vụ bệnh nhân đã phải thốt lên: “chưa bao giờ người ta yêu thương nhau như lúc này” (linh mục bác sĩ Phaolô Nguyễn Văn Quý O.P). Có lẽ điều đẹp nhất trong mùa dịch chính là một thứ “văn hóa miễn phí”, “văn hóa 0-$”, mà nói theo đức Tin, đó chính là “văn hóa phúc” mà Chúa Giêsu đã công bố trong Hiến Chương Nước Trời. Nếu một xã hội đang vươn lên như trước đây, quy luật chung của mọi người là cạnh tranh, thì chính trong mùa dịch, người ta lại thấy một quy luật rộng khắp, đó là quy luật chia sẻ. Nhìn thấy sự thay đổi ấy, ta không khỏi thốt lên: thật là kỳ diệu!
Vào khoảng giữa tháng 10/2021, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại nhờ tư vấn về Covid. Người gọi là một phụ nữ, sau này tôi biết chị đã 41 tuổi. Lúc đầu tôi tưởng chị là F0 nhưng sau khi hỏi chuyện tôi mới biết chị nhờ tôi tư vấn cho người chị ruột của chị bị nhiễm Covid. Người chị ruột này sống một mình, chồng chết, không con cái, ở một quận khác. Vài ngày sau, chị lại điện thoại cho tôi báo rằng 2 con trai của chị, một cháu 20 tuổi, một cháu 16 tuổi vừa test nhanh dương tính với Covid. Tôi nói chuyện với 2 người con của chị, trấn an các cháu, hướng dẫn các cháu uống thuốc. Chị có vẻ lo lắng cho 2 người con, và luôn miệng hỏi tôi: “Con của con có sao không bác?” Tôi khuyên chị nên khai báo việc 2 người con nhiễm Covid với y tế phường nhưng chị có vẻ lưỡng lự. Chỉ 1 ngày sau, chị điện thoại báo cho tôi biết có 4 người nữa cùng sống trong nhà có test nhanh Covid dương tính. Chị cho tôi số điện thoại của từng người để tôi tham vấn cho họ. Qua nói chuyện với họ tôi biết những người này là công nhân làm việc trong xưởng may thêu thủ công của chị. Tôi khuyên chị khai báo y tế phường để tránh những rắc rối về mặt pháp lý. Lần này chị nghe tôi. Khai báo buổi sáng thì buổi tối cả 6 người, trong đó có 2 con trai của chị, được đưa đi cách ly tập trung. Hai ngày sau, chị báo cho tôi biết chị dương tính với Covid. Sức khoẻ của chị suy sụp một cách nhanh chóng nhưng tâm lý của chị khá vững. Tôi khuyên chị nên đi bệnh viện. Lúc đầu chị từ chối bảo không sao đâu. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục chị mới chịu đi bệnh viện và xin tôi đừng nói cho 2 con trai chị đang bị cách ly biết là chị phải nhập viện, đơn giản vì chị sợ các cháu lo lắng cho chị. Những ngày đầu tiên nằm viện, được hỗ trợ thở oxy, chị gửi cho tôi một tin nhắn qua mạng Zalo: “Lần đầu tiên trong cuộc đời, con mới thấy cần hơi thở như thế nào.” Ở trong bệnh viện, chị còn nhớ ngày sinh nhật con trai chị và tha thiết nhờ tôi nhắn tin mừng sinh nhật cháu để động viên cháu đang bị cách ly tập trung. Sau 2 tuần cách ly tập trung và xét nghiệm Covid âm tính, hai con trai của chị và những người làm công được trở về nhà. Ba ngày sau chị cũng được về nhà sau 2 tuần nằm viện. Đáng chú ý, trong thời gian nằm viện, chị còn gửi tin nhắn nhờ tôi tham vấn cho một người mà chị nói là em bà con đang có bầu bị nhiễm Covid. Sau này tôi mới biết người này chả phải “em bà con” mà là người hàng xóm của chị. Về nhà, sức khoẻ của chị cũng không khá hơn, huyết áp thường không ổn định và hay mệt mỏi, mất ngủ. Tôi có giới thiệu cho chị một đồng nghiệp chuyên về Tim mạch để tham vấn. Chị được tham vấn đến BV Đại Học Y Dược để thực hiện một số xét nghiệm về tim mạch, nhưng chị nại nhiều lý do để khất lần. Chị rất ít khi than phiền với tôi về sức khỏe của chị, nhưng lại rất quan tâm, lo lắng đến sức khỏe của người khác. Chị đã trực tiếp giới thiệu cho tôi 23 (hai mươi ba) người nhiễm Covid để tôi tham vấn; trong đó có 7 người là bố mẹ chồng và em chồng. Chị rất thương bố mẹ chồng, chị còn cẩn thận chụp các đơn thuốc mà hai người đang sử dụng để điều trị các bệnh nền theo diện Bảo hiểm y tế. Chị bảo tôi chị cầu nguyện và sẵn sàng gánh bệnh thay cho bố mẹ chồng. [...]. Chị bảo với tôi là có những đêm chị chỉ biết khóc và cầu nguyện với Chúa và chị tin rằng Chúa luôn đồng hành với chị.
Một phụ nữ có trình độ học vấn không cao (lớp 5), ngay cả khi bản thân nhiễm Covid, vẫn quan tâm đến người khác và sẵn sàng phục vụ tha nhân đến nỗi quên cả thân mình là điều làm tôi ngạc nhiên. Rõ ràng cuộc sống quanh ta vẫn còn nhiều điều để ta học tập.
Antôn Lê Hùng Thái
Quả thật, nếu chúng ta lưu ý đến chiều kích “phẩm tính” nhiều hơn “lượng tính”, nếu chúng ta chú ý đến cuộc đời mỗi con người như một “câu chuyện” hơn là một “bài toán”, chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều nét đẹp của tình yêu cũng như nhận ra chất thánh thiện của Kitô giáo trong đời thường!
4. ĐỨC TIN NHƯ LỜI CHỨNG
Kinh nghiệm đức Tin thì mỗi người mỗi khác, nhưng mọi kinh nghiệm đức Tin đích thực thì luôn có khả năng tác động như một lời chứng để bộc lộ quyền năng và tình yêu của Chúa. Có những chứng nhân, vốn yếu đuối bỗng lại trở nên mạnh mẽ; vốn chậm chạp lại bỗng khôn ngoan lạ lùng, vốn có thái độ ù lì quay quắt với chính mình bỗng lại trở nên cởi mở hoạt bát... Trong mùa đại dịch, người ta thấy nở rộ rất nhiều lời chứng, lời chứng thuộc đủ mọi dạng và nơi mọi thành phần.
Tôi còn nhớ mãi cái cảm giác run run, sờ sợ, hơi rùng mình, khi phải đối diện với chốt chặn dọc đường ngày hôm đó. Khi ấy, một nhân viên chốt kiểm soát có dáng nghiêm nghị, cất giọng hơi cứng cỏi và đầy uy quyền “đi đâu?”
Lúc đầu tôi không khỏi luống cuống... Tuy nhiên, trong công việc phục vụ này, bản chất nhát cáy có sẵn trong tôi tự nhiên được thay bằng một thái độ bình tĩnh. Tôi nói bằng một cung giọng nhẹ nhàng nhưng không thiếu quả quyết: “Tôi đi cứu người!”
Mặc dù người tôi vã hết mồ hôi trong bộ áo bảo hộ (PPE) giữa trời nắng chang chang và chắc cũng vì nỗi sợ vẫn còn lảng vảng trong tâm, nhưng lúc ấy tôi cũng nhận ra có một sức mạnh nào đó nâng đỡ mình. Không rõ đó là sức mạnh của “sứ mạng” hay sức mạnh của Chúa, hoặc là của cả hai… vì biết rằng, nếu chậm trễ thì bệnh nhân có thể ngưng thở.
“Đi đi!” nhân viên chốt kiểm soát nói.
“Tôi mừng quá, chạy thật nhanh, vừa đi vừa tạ ơn Chúa, và lại một lần nữa, tôi nhận ra rằng: Bao nhiêu dấu chân qua bấy nhiêu lần cảm tạ.
(Chút tâm tình của thầy Lưu, bs Nhu Hương ghi lại)
Có phải không khi sự sống đức Tin tìm lại được chất liệu sống chân thật, chứ không chỉ là những biểu tượng cao vời và lạ lẫm với đời thường, thì sức năng động của niềm Tin cũng được khơi dậy một cách kỳ diệu?
Trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến người chủ quán trọ như một phần không thể thiếu, cùng với người Samari cứu giúp cho người bị nạn. “Người Samari đã tìm được một chủ nhà trọ có thể chăm sóc cho nạn nhân” (số 78). Cách nào đó, chủ quán trọ cũng là “người chủ quán nhân hậu.”
Và trong mùa dịch này, tại Việt Nam đã có khá nhiều “quán trọ” mọc lên.
[…] Thấu hiểu nỗi đau đớn, khát khao được chữa lành của các bệnh nhân, “Quán trọ Ros” - tham vấn điều trị Covid online - ra đời… Khởi đầu từ hai ba vị bác sĩ, rồi liên kết nhiều vị bác sĩ khác cũng như điều dưỡng, dược sĩ, tình nguyện viên và shipper cùng cộng lác. cùng với sự tham gia của anh chị em văn phòng Caritas Việt Nam, quý cha và các tu sĩ Dòng Đaminh, Dòng Chúa Cứu Thế…
Ánh đèn của “Quán trọ” dường như không tắt. Bất cứ lúc nào, thậm chí vào lúc nửa đêm, Quán trọ đều có thể có những tiếng khóc lóc kêu cứu, giọng nói hoảng loạn, nỗi lo lắng vì thiếu bình oxy hoặc tình trạng bế tắc vì không tìm được xe cấp cứu... Tổ tiếp nhận làm việc 24/24; và các tổ tư vấn y tế, tổ dược cũng chia ca hoạt động xuyên suốt. Các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên lật đật liên lạc với nhau, trao đổi với nhau, hiến kế cho nhau…
Các bác sĩ “hiến kế” cho người nhà bệnh nhân: dùng xe Honda chở bệnh nhân và có một người ôm đằng sau. Đi qua các chốt chặn thông báo cho người canh gác biết người bệnh đang trong cơn nguy tử, rất khẩn thiết cần được đưa vào nhà thương cấp cứu. Đến được nhà thương, cứ la to lên cho mọi người biết có bệnh nhân cần được cấp cứu vì quá mệt và có nguy cơ tử vong. Nhờ sự hướng dẫn đó, nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Anh Lưu, chị Nga và anh Chí Thiện, là các tình nguyện viên nhiệt thành của “Quán trọ”, đã xông pha đến bất cứ quận nào, ngõ ngách nào, kể cả Hóc Môn hay Bình Chánh, Thủ Đức…; mà “xăng nhớt” của những chuyến công tác này là chính là sức mạnh của niềm tin: mỗi chuyến đi, họ cầu nguyện xin Chúa đồng hành và xin Chúa cứu sống bệnh nhân.
Điều dưỡng Lan Hạ, mới vừa đến tuổi đôi mươi, nhưng đã có nhiều năm chăm sóc cho các bệnh nhân HIV, đã dấn thân hết mình vào việc chăm sóc bệnh nhân. Trên đường công tác, cô còn phải đối diện với cả những bệnh nhân quấy rối…, nhưng “niềm vui của tình yêu Giêsu” đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn…
Âm thầm trong một góc nhà, Anh Vương đã chia được hàng trăm gói thuốc F0 gửi cho các bệnh nhân tại Sài Gòn và hàng ngàn gói thuốc F0 đã được gửi đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Nhiều bình oxy, gói thuốc yểm trợ F0, máy Sp02, các túi lương thực đã đi xuyên đêm, vượt qua nhiều chốt chặn vì sự khẩn cấp cứu sống bệnh nhân...
“Quán trọ” không chỉ chăm sóc vết thương thể xác, mà còn chú trọng chữa lành vết thương tâm hồn và an ủi các thân nhân có người thân qua đời bằng lời kinh cầu nguyện: mỗi ngày có thánh lễ và giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót trực tuyến; danh sách những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người đã qua đời được trao cho nhóm G3 để hiệp thông cầu nguyện…
Huyền Trang - Lan Chi
5. ĐỨC TIN NHƯ KHẢ NĂNG ĐỌC Ý NGHĨA
Với công đồng Vatican II, người Kitô hữu hiểu ra rằng đức Tin thiết yếu là sống lịch sử đời mình như một lịch sử ơn cứu độ. Điều đó có nghĩa là sống đức Tin không phải là bước vào một thế giới nào thiêng liêng, nhưng là khám phá ra Chúa đang cùng sống với mình, cùng hiệp thông và liên lụy với mình trong chính những vui buồn của cuộc sống thật hằng ngày.
Thánh Phaolô nói rằng: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28), đó chính là tính lạc quan của người có lòng tin, một tinh thần lạc quan giúp cho người tín hữu có thể đọc dấu chỉ, khám phá những điều tốt đẹp cả trong những lúc khó khăn.
Cá nhân con đã tìm thấy những điều kỳ diệu trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. […] Vợ con thất nghiệp ở nhà nhưng nhờ vậy có thời giờ giúp các cháu học hành và tìm lại được bao điều hay khi đọc sách. Bản thân con có lúc bị Covid dù chủng ngừa 2 mũi, phải uống thuốc Molnupiravir và chịu chăng dây cách ly, con vẫn tìm được niềm vui chia sẻ của người thân bạn bè và niềm vui trong gia đình và sách - internet. Kinh nghiệm bệnh Covid cũng giúp con thêm kiến thức và tự tin để tham vấn cho các bệnh nhân F0 tại nhà. Thu nhập thâm thủng trong giai đoạn này giúp gia đình con có ý thức tiết kiệm hơn, cùng nhau chia sẻ trong cơn hoạn nạn, hướng đến một cuộc sống đơn giản nhưng phong phú. Chúng con đã hình thành thói quen mới là đọc kinh Sáng soi để cảm ơn Chúa trước mỗi bữa ăn, điều mà trước kia gia đình con chưa thực hiện.
Công việc sau đợt dịch trở lại ngày càng bận rộn, nhiều biến cố bất ngờ xảy ra, nhiều lo lắng cho tương lai sắp tới, nhưng con quen dần với việc cầu Chúa, để Chúa sắp xếp, và dù thế nào đi nữa, mình cứ thuận theo ý Ngài. Virus và các biến chủng là những tạo vật trong tự nhiên gây tác hại kinh hoàng cho con người, nhưng cũng tốt khi giới hạn tham vọng ngông cuồng của loài homosapiens sinh sau nhưng tham vọng bá chủ huỷ hoại môi trường và tàn sát các sinh vật khác.
TẠM KẾT
Có lẽ không lúc nào những lời mở đầu Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Vui Mừng và Hy Vọng, lại vang lên như một sự thật về đời sống đức Tin như trong mùa đại dịch này:
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.”
Chính trong mùa đại dịch, khi những ảo ảnh rơi rụng hoặc lu mờ đi, thì người tín hữu lại thấy tỏ hiện hình bóng Nước Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn.
NHẬT KÝ CỦA PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM TẠI ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X: NGÀY THỨ HAI
Lm. Giuse Hà Đăng Định
WHĐ (27.6.2022)- “Không phải các gia đình đã biến mất hay đã khuất dạng, nhưng các gia đình được đặt trên vai các mục tử. Với sức mạnh và sự dịu dàng, người mục tử mang các gia đình trên vai và cùng với họ băng qua các đường phố trên thế giới để nhắc nhở các gia đình khám phá lại con đường nên thánh”. Đó là lời khẳng định của Đức Hồng Y, Angelo De Donatis, Giám Quản Giáo phận Rôma, trong Thánh lễ lúc 08g30, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, sáng ngày thứ hai của Hội Nghị Quốc Tế về Gia Đình tại Rôma, 24-6-2022.
Trong tâm tình đó, ngày thứ hai của Hội Nghị Quốc Tế về Gia Đình tại Rôma được khởi đầu bằng Thánh Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày xin ơn thánh hóa các linh mục. Qua việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành trong Tin Mừng Gioan, Đức Hồng Y chủ tế, trong bài giảng lễ, đã mời gọi các mục tử không chỉ biết và hướng dẫn đoàn chiên của mình, nhưng khi cần, phải vác chiên trên vai. Hướng về Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình, Đức Hồng Y nói: “Sáng nay, với trái tim của Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, trái tim của toàn thể con cái Giáo Hội cùng một nhịp đập. Trái tim của chúng ta vui mừng vì đã đáp lời xin vâng với Chúa, ngay cả khi trái tim chúng ta bị tổn thương bởi những thử thách của lịch sử và thế giới; nhưng trong mọi hoàn cảnh, trái tim của chúng ta luôn mở ra để đón nhận sự mới mẻ của Tin Mừng”. Đồng thời, Vị Đại Diện của Đức Giáo Hoàng đã nhận xét rằng một số gia đình trong thế giới ngày nay đang có sự chia rẽ và bạo lực; thay vì là nơi trú ẩn thanh bình, gia đình lại là nơi đóng cửa để tự vệ. Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, ngài nhấn mạnh, chúng ta cần phải có trái tim noi gương Đức Kitô và chỉ bằng cách này gia đình mới có thể trở thành Giáo Hội hơn và Giáo Hội sẽ trở thành gia đình hơn.
Cảm nghiệm về thánh lễ sáng nay tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức cha trưởng đoàn của Hội Đồng Giám mục Việt Nam Đaminh Nguyễn Văn Mạnh nhận xét: “Dâng thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô với các Hồng Y, các Giám mục, các linh mục, các hiệp hội cũng như các phong trào và các gia đình đến từ 120 quốc gia trên thế giới, chúng ta cảm nghiệm sâu xa sự sống phong phú của Giáo Hội cũng như tính phổ quát, nhưng duy nhất của Giáo Hội”.
Với chủ đề về “ơn gọi”, trong ngày thứ hai của hội nghị, các tham dự viên đã lắng nghe chứng từ của các gia đình, trong đó, các gia đình đã tái khẳng định “căn tính và sứ mạng của gia đình kitô hữu”. Các gia đình cũng nêu lên bối cảnh của “gia đình kitô hữu trong thời đại kỹ thuật số”. Trong bối cảnh ấy, “các gia đình phải đặt trọng tâm nơi Đức Kitô” và phải lưu tâm đến việc “chuyển trao đức tin cho những người trẻ ngày hôm nay” cũng như “môi trường xã hội của con cái”. “Ơn gọi và sứ mạng trong những vùng ngoại vi hiện sinh” của các gia đình cũng là mối bận tâm của hội nghị. Thêm vào đó, những vấn đề về “di dân”,“sự độc lập”, “sự bạo hành”, “giáo lý hôn nhân cho người dự tòng”, “đào tạo cho những người đồng hành và những nhà đào tạo”, “giáo dục người trẻ về tính dục và tình cảm”, “đào tạo linh mục và chủng sinh”, “đồng hành thường xuyên với các đôi hôn nhân”, “hiệp thông gia đình, một cách thức hiệp thông giáo hội”, “hình thức tổ chức của các giáo xứ” cũng là những vấn đề được các gia đình trình bày trong ngày làm việc thứ hai này.
Trong giờ trao đổi riêng, Linh mục Thư ký của Phái Đoàn Việt Nam đã gặp gỡ bà Chiara, một tham dự viên của hội nghị đến từ thành phố Viterbo, thuộc vùng Lazio, Italia, cách Rôma khoảng 100 km về hướng bắc, về mục đích đến với hội nghị. Bà nói: “Tôi đến với hội nghị này vì lòng yêu mến Giáo Hội và muốn dấn thân phục vụ các gia đình”. Anh Anthony đến từ London cho biết: “Tôi 30 tuổi và chưa từng kết hôn. Tôi ước ao có một gia đình riêng. Tôi đến đây để học hỏi những kinh nghiệm của các gia đình hầu có thể quyết định việc kết hôn”. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một động lực, nhưng tất cả đều có mối bận tâm chung đó là gia đình.
18g45 – 22g30, từ đại thính đường Phaolô VI, cùng với các phái đoàn đến từ Bỉ, Tây Ban Nha, Zambia và Mozambique, phái đoàn Việt Nam đã đến thăm viếng, lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đoàn giáo xứ thánh Barnaba, Giáo phận Rôma.
Giáo xứ thánh Barnaba được thành lập năm 1932. Linh mục chánh xứ hiện tại là Cha Mario Trainotti, thuộc Dòng Con Đức Maria Vô Nhiễm (Congregazione dei Figli di Maria Immacolata). Giáo xứ có 27.000 cư dân, có trung tâm mục vụ và khu thể thao. Trong phần chứng từ, ông bà Maurizio và Daniela, những người giáo dân đã sinh ra và lớn lên tại giáo xứ này, có hai người con và ba người cháu, đã cho biết: “Giáo xứ này là gia đình thứ hai của chúng tôi. Giáo xứ đã giúp chúng tôi sống đức tin nhờ những kinh nghiệm của tổ chức Azione Cattolica Italiana”. Azione Cattolica Italiana là một tổ chức công giáo của Ý, trong đó giáo dân cộng tác với hàng giáo sĩ, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục. Ngang qua từ chứng từ này, ông bà Maurizio và Daniela muốn mời gọi các gia đình cộng tác với các linh mục trong các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ và đó cũng chính là môi trường giúp những người sống đời sống gia đình sống tình yêu hôn nhân và thực thi ơn gọi và sứ mạng của các gia đình.
Ngày làm việc thứ hai của hội nghị kết thúc trong sự tiếp đón ân cần và thân thiện của cha xứ, quý cha cũng như cộng đoàn giáo xứ thánh Barnaba. Hơn 100 tham dự viên cũng có dịp hát bài ca chúc mừng sinh nhật lần thứ 71 của cha xứ Mario Trainotti trong bữa ăn tối, từ tấm lòng quảng đại của cộng đoàn giáo xứ thánh Barnaba, Giáo phận Rôma.
TOÀN VĂN HUẤN DỤ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ DÀNH CHO CÁC GIA ĐÌNH NHÂN ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X (22 - 26. 6. 2022)
WHĐ (26.6.2022) - Sau một thời gian bị đình hoãn vì đại dịch Covid-19, Đại hội lần thứ X với chủ đề “Tình yêu gia đình: Ơn gọi và Con đường nên Thánh” do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức đã được khai mạc tại Roma vào chiều ngày 22. 6. 2022. Trước sự hiện diện của khoảng 2.000 đại biểu từ 120 quốc gia tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Đức giáo hoàng Phanxicô đã có bài Huấn dụ dành cho các gia đình.
Dưới đây là toàn văn bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha:
Các gia đình thân mến,
Tôi rất vui khi có mặt ở đây với anh chị em, sau những biến cố đáng lo ngại mà tất cả chúng ta đã trải qua gần đây: trước hết là đại dịch, và hiện nay là cuộc chiến ở Châu Âu, thêm vào đó là những cuộc chiến khác đang gây ảnh hưởng đến gia đình nhân loại.
Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrell, Đức Hồng Y De Donatis, và tất cả các cộng tác viên của Bộ Giáo dân, Gia Đình và Sự Sống, và của Giáo Phận Rôma, những người, với sự cống hiến của mình đã làm cho cuộc gặp gỡ này trở nên khả thi.
Tôi cũng muốn cảm ơn các gia đình hiện diện, là những người đến từ nhiều nơi trên thế giới, và đặc biệt là những người đã chia sẻ những chứng từ của mình. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều! Thật không dễ dàng để nói trước một lượng khán giả đông như vậy về cuộc sống, về những khó khăn, và về những hồng ân, tuyệt vời nhưng sâu sắc và riêng tư mà các bạn nhận được từ Đức Chúa. Những chứng từ của các bạn đã đóng vai trò như “bộ khuếch đại”: các bạn đã góp tiếng nói vào kinh nghiệm của nhiều gia đình khác trên thế giới, những người mà, cũng giống như các bạn, đang chia sẻ cùng một niềm vui, nỗi buồn, đau khổ và hy vọng.
Đó là lý do tại sao giờ đây tôi muốn ngỏ lời với các anh chị em đang hiện diện tại đây cũng như những cặp vợ chồng và gia đình đang lắng nghe chúng ta trên khắp thế giới. Tôi muốn anh chị em cảm nhận được sự gần gũi của tôi với anh chị em, ngay tại nơi anh chị em đang ở, và trong hoàn cảnh cụ thể của anh chị em. Lời khích lệ của tôi trên hết chính là điều này: Hãy bắt đầu từ cuộc sống thực tế, và từ đó, hãy cố gắng cùng nhau bước đi: cùng nhau như vợ chồng, cùng nhau trong gia đình, cùng với những gia đình khác, và cùng với Giáo hội. Tôi nghĩ đến câu chuyện dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu gặp một người bị thương trên đường. Ông đến gần, chăm sóc và giúp anh ta tiếp tục cuộc hành trình của mình. Tôi muốn Giáo hội cũng làm điều này cho anh chị em! Một Người Samaritanô nhân hậu đến gần, quan tâm, và giúp anh chị em tiếp tục hành trình, và bước thêm “một bước tiến” nữa, dù chỉ là một bước nhỏ. Xin đừng quên rằng sự gần gũi là “phong cách” của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, và dịu dàng. Giờ đây, tôi cố gắng đề nghị một vài “bước tiến” cần được thực hiện cùng nhau, qua việc suy tư về những chứng từ mà chúng ta đã nghe.
1. "Một bước tiến" hướng tới hôn nhân
Cảm ơn Luigi và Serena, đã kể lại trải nghiệm một cách trung thực, với những khó khăn và khát vọng của chính các bạn. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nghe các bạn nói, "Chúng tôi không tìm thấy một cộng đoàn nào có thể hỗ trợ chúng tôi với vòng tay rộng mở vì chúng tôi như chúng tôi là". Thật là chua xót! Điều này khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cần phải được hoán cải và bước đi như một Giáo hội chào đón, để các giáo phận và giáo xứ của chúng ta ngày càng trở thành “cộng đoàn rộng mở nâng đỡ mọi người”. Trong nền văn hoá thờ ơ ngày nay, chúng ta cần sự chào đón này biết bao! Và các bạn, thật may mắn, đã tìm thấy sự hỗ trợ nơi các gia đình khác mà thực tế, là “những Giáo hội nhỏ”.
Tôi đã được an ủi rất nhiều khi các bạn giải thích lý do thúc đẩy các bạn cho con cái của mình rửa tội. Các bạn đã nói một câu rất hay: “Bất chấp những nỗ lực cao quý nhất của con người, chúng ta vẫn không đủ cho chính mình”. Đúng là, chúng ta có thể có những ước mơ đẹp nhất, những lý tưởng cao cả nhất, nhưng cuối cùng, chúng ta cũng khám phá ra giới hạn của mình -thật là khôn ngoan khi nhận ra điều này- những giới hạn mà chúng ta không thể vượt qua một mình, mà bằng cách mở lòng ra với Chúa Cha, với tình yêu, và ân sủng của Ngài. Đó là ý nghĩa của các Bí tích Rửa tội và Hôn phối: chúng là sự trợ giúp cụ thể mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta không bỏ chúng ta một mình, vì “chúng ta không đủ cho chính mình”. Thật là tốt khi nghe những lời đó: "chúng ta không đủ cho chính mình".
Chúng ta có thể nói rằng khi một người nam và một người nữ yêu nhau, Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ một món quà; đó là hôn nhân. Một món quà tuyệt vời, chứa đựng sức mạnh của chính tình yêu của Thiên Chúa: mạnh mẽ, bền bỉ, chung thủy, sẵn sàng bắt đầu lại sau mỗi lần thất bại hoặc những lúc yếu lòng. Hôn nhân không phải là một hình thức phải hoàn thành. Anh chị em không kết hôn để trở thành người Công giáo “theo nghi thức”, để tuân theo một quy tắc, hoặc bởi vì Giáo hội nói như vậy, hoặc để tổ chức một bữa tiệc… Không, anh chị em kết hôn vì anh chị em muốn xây dựng hôn nhân của mình trên tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu vững chắc như tảng đá. Trong hôn nhân, Đức Kitô tự hiến chính mình cho anh chị em, để anh chị em có sức mạnh để hiến mình cho nhau. Vì vậy, hãy dũng cảm lên! Và xin hãy nhớ: cuộc sống gia đình không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi”! Với ân sủng của bí tích, Thiên Chúa làm cho hôn nhân trở thành một hành trình tuyệt vời, được thực hiện cùng với Ngài và không bao giờ đơn độc. Gia đình không phải là một lý tưởng cao đẹp không thể đạt được trên thực tế. Thiên Chúa bảo đảm sự hiện diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình, không chỉ trong ngày thành hôn, mà trong suốt cuộc đời còn lại của anh chị em. Và Ngài luôn nâng đỡ anh chị em trên hành trình này mỗi ngày.
2. “Một bước tiến" để đón nhận Thánh giá
Cảm ơn Roberto và Maria Anselma, vì đã kể câu chuyện xúc động về gia đình các bạn, và đặc biệt là về Chiara. Các bạn đã đề cập đến thập giá, vốn là một phần cuộc sống của mỗi người và mỗi gia đình. Các bạn đã làm chứng rằng thập giá nặng nề của bệnh tật và cái chết của Chiara đã không phá hủy gia đình, hoặc lấy đi sự thanh thản và bình an trong tâm hồn các bạn. Chúng tôi có thể nhìn thấy điều này trên khuôn mặt của các bạn. Các bạn không chán nản, tuyệt vọng, hay giận dữ với cuộc sống. Hoàn toàn ngược lại! Chúng tôi thấy nơi các bạn một sự thanh thản và niềm tin tuyệt vời. Như các bạn đã nói, “Sự thanh thản của Chiara đã mở ra cho chúng tôi cánh cửa đi vào cõi vĩnh hằng”. Chứng kiến cách Chiara trải qua thử thách của bệnh tật đã giúp các bạn ngước nhìn lên, và không để mình bị giam cầm trong đau buồn, nhưng mở ra cho một điều gì đó vĩ đại hơn: những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, sự vĩnh cửu, thiên đàng. Cảm ơn các bạn vì chứng tá đức tin này! Các bạn cũng trích dẫn điều mà Chiara đã nói: "Thiên Chúa đặt một chân lý trong mỗi chúng ta và không thể sai lầm được". Thiên Chúa đặt vào trái tim Chiara chân lý của một đời sống thánh thiện, và đó là lý do tại sao cô ấy muốn bảo toàn mạng sống của đứa con bằng cái giá là chính mạng sống của mình. Và với tư cách là một người vợ, cùng với người chồng, Chiara đã bước đi trên con đường Phúc Âm của gia đình một cách đơn giản và tự phát. Trái tim của Chiara cũng đón nhận chân lý của thập giá như một món quà của bản thân: một sự sống được trao tặng cho gia đình cô, cho Giáo hội, và cho toàn thế giới. Chúng ta luôn cần những tấm gương tuyệt vời để noi theo: Ước mong Chiara là nguồn cảm hứng trên hành trình nên thánh của chúng ta, xin Chúa nâng đỡ và làm sinh hoa kết trái nơi mọi thập giá mà các gia đình phải gánh chịu.
3. “Một bước tiến” hướng tới sự tha thứ.
Paul và Germaine, các bạn đã thật can đảm để kể về cuộc khủng hoảng mà các bạn đã trải qua trong cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn về điều này, bởi vì cuộc hôn nhân nào cũng có những khủng hoảng. Chúng ta phải nói ra điều này chứ không giấu giếm, và thực hiện các bước để vượt qua những khủng hoảng đó. Các bạn đã không cố xoa dịu vấn đề bằng một chút đường! Các bạn đã gọi mọi nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bằng tên của nó: thiếu thành thật, không chung thủy, lạm dụng tiền bạc, thần tượng quyền lực và sự nghiệp, sự oán giận ngày càng tăng, và sự chai sạn của con tim. Khi các bạn đang nói, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sống lại những trải nghiệm đau đớn của chính mình khi đối diện với những tình huống tương tự của những gia đình bị đổ vỡ. Chứng kiến cảnh một gia đình tan vỡ là một bi kịch mà chúng ta không thể thờ ơ. Tiếng cười của vợ chồng biến mất, con cái gặp rắc rối, và sự thanh thản cũng tan biến. Và hầu hết thời gian, chẳng ai biết chính xác phải làm gì.
Đó là lý do tại sao câu chuyện của các bạn là một tia sáng hy vọng. Paul đã nói rằng chính trong thời khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, Đức Chúa đã đáp lại ước muốn sâu xa nhất của trái tim anh, và cứu vãn cuộc hôn nhân của anh. Đó là những gì xảy ra. Khát khao sâu thẳm trong trái tim của mỗi người đó là: tình yêu không có hồi kết; câu chuyện tình yêu được xây dựng cùng nhau không dừng lại; và thành quả của tình yêu không bị mai một. Mọi người đều có ước muốn này. Không ai muốn một tình yêu ngắn hạn hoặc được đánh dấu bằng ngày hết hạn. Và đó là lý do tại sao chúng ta vô cùng đau khổ khi những thiếu sót, sai lầm, và tội lỗi của con người làm đắm con thuyền hôn nhân. Nhưng ngay cả giữa cơn giông tố, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy những khát vọng trong trái tim chúng ta. Và, trong sự quan phòng của Ngài, các bạn đã gặp được một nhóm giáo dân tận tụy với gia đình. Đó là khởi đầu của một hành trình tái tạo và hàn gắn mối tương quan của các bạn. Các bạn đã tiếp tục nói chuyện lại với nhau, cởi mở và chân thành với nhau, thừa nhận lỗi lầm, cầu nguyện cùng với các cặp đôi khác, và tất cả những điều này đã dẫn các bạn đến sự hòa giải và tha thứ.
Anh chị em thân mến,
Sự tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ là một món quà được tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô ban tràn trên mỗi cặp vợ chồng và mọi gia đình khi chúng ta để cho Người hành động, và khi chúng ta hướng về Người. Thật tuyệt vời khi các bạn đã cử hành “Ngày lễ tha thứ” với con cái, và làm mới lời thề hứa hôn nhân của mình trong cử hành Thánh Thể. Điều này làm tôi liên tưởng đến bữa tiệc mà người cha tổ chức cho đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15, 20-24). Chỉ có điều, lần này người đi lạc là cha mẹ, chứ không phải đứa con! "Cha mẹ hoang đàng". Tuy nhiên, điều này cũng thật thú vị, và có thể là một chứng tá tuyệt vời đối với con cái. Trên thực tế, những đứa trẻ, ngay từ khi còn thơ bé, đã bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ của chúng không phải là “siêu nhân”; không toàn năng, và trên tất cả, không hoàn hảo. Và con cái các bạn đã thấy điều gì đó quan trọng hơn nhiều nơi các bạn: chúng thấy được sự khiêm nhường cầu xin sự tha thứ và sức mạnh mà các bạn nhận được từ Thiên Chúa để đứng dậy sau khi vấp ngã. Trẻ em thực sự cần điều này! Trên thực tế, chúng cũng sẽ phạm sai lầm trong cuộc sống, và rồi sẽ khám phá ra rằng chúng cũng không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ nhớ rằng Đức Chúa nâng chúng ta lên, rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân được tha thứ, rằng chúng ta phải cầu xin người khác tha thứ, và rằng chúng ta cũng phải tha thứ cho chính mình. Bài học này con cái các bạn học được từ các bạn sẽ còn mãi trong trái tim chúng. Và chúng tôi cũng rất vui khi lắng nghe các bạn. Cảm ơn các bạn về chứng tá về sự tha thứ này!
4. “Một bước tiến” hướng tới sự chào đón.
Cảm ơn Iryna và Sofia về chứng từ của các bạn. Các bạn đã mang lại tiếng nói cho rất nhiều người có cuộc sống bị đảo lộn bởi cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi nhìn thấy nơi các bạn những khuôn mặt và câu chuyện của nhiều người đã phải rời bỏ quê hương của họ. Chúng tôi cảm ơn các bạn, vì đã không đánh mất niềm tin vào Sự Quan Phòng, và các bạn đã thấy Thiên Chúa hành động ra sao trong cuộc đời của các bạn, đặc biệt là qua những con người cụ thể mà Ngài đã cho các bạn gặp gỡ: những gia đình bản xứ hiếu khách, những bác sĩ đã giúp đỡ các bạn, và nhiều người tốt bụng khác. Chiến tranh đã khiến các bạn phải đối mặt với sự giễu cợt và tàn bạo của con người, nhưng các bạn cũng gặp được những người có lòng nhân đạo tuyệt vời. Những điều tồi tệ nhất và tốt lành nhất của con người! Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là đừng tiếp tục chìm đắm trong điều tồi tệ nhất, mà là tối đa hóa điều tốt nhất, điều tốt đẹp nhất mà mỗi con người có thể có, và từ đó bắt đầu lại.
Tôi cũng cảm ơn các bạn, Pietro và Erika, vì đã kể câu chuyện của riêng mình, và vì sự quảng đại mà các bạn đã chào đón Iryna và Sofia vào gia đình vốn đã đông đúc của mình. Các bạn đã chia sẻ với chúng tôi rằng các bạn đã làm điều đó vì lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, và với tinh thần đức tin, như một lời mời gọi từ Đức Chúa. Erika đã nói rằng sự hiếu khách là một "phúc lành từ thiên đàng". Thật vậy, sự chào đón là một “đặc sủng” đích thực của các gia đình, và nhất là các gia đình đông con! Chúng ta có thể nghĩ rằng, trong một ngôi nhà đã có nhiều người thì việc đón tiếp những người khác sẽ khó hơn; Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, vì những gia đình đông con đã quen nhường chỗ cho người khác. Họ luôn có chỗ cho người khác.
Và điều này, suy cho cùng, là động lực của gia đình. Trong gia đình, chúng ta trải nghiệm việc được chào đón nghĩa là gì. Vì trước hết, vợ chồng “chào đón” và chấp nhận nhau, như họ đã nói với nhau trong ngày thành hôn: “Anh/ em đón nhận em/ anh…” Và sau đó, khi sinh ra những đứa con, họ đã chào đón sự sống của những thụ tạo mới. Mặc dù trong những bối cảnh lạnh lùng và không tên, những người yếu nhất thường bị từ chối, trái lại, trong các gia đình, việc chào đón họ là điều đương nhiên: một đứa trẻ khuyết tật, một người già cần được chăm sóc, một người thân khó khăn không còn ai … Và điều này mang lại hy vọng. Gia đình là nơi được chào đón, và thật tồi tệ nếu điều này biến mất! Một xã hội sẽ trở nên lạnh lẽo và không thể tồn tại nếu không có các gia đình biết chào đón. Những gia đình quảng đại và hiếu khách này mang lại hơi ấm cho xã hội.
5. "Một bước tiến" hướng tới tình huynh đệ.
Xin cảm ơn Zakia, đã kể về câu chuyện của bạn. Thật đẹp và thật an ủi khi những gì bạn và Luca đã cùng nhau vun đắp vẫn tồn tại. Câu chuyện của bạn được phát sinh dựa trên sự chia sẻ những lý tưởng rất cao đẹp như bạn đã mô tả: “Chúng tôi xây dựng gia đình của mình dựa trên tình yêu đích thực, bằng sự tôn trọng, liên đới, và đối thoại giữa các nền văn hóa của chúng tôi”. Và không có thứ nào trong số này bị mất, kể cả sau cái chết bi thảm của Luca. Trên thực tế, không chỉ tấm gương và di sản tinh thần của Luca vẫn còn sống và nói lên lương tâm của nhiều người, mà còn cả tổ chức mà Zakia thành lập, theo một nghĩa nào đó, vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng sứ mệnh ngoại giao của Luca giờ đây đã trở thành “sứ mệnh hòa bình” đối với toàn bộ gia đình bạn. Trong câu chuyện của bạn, chúng ta có thể thấy con người và tôn giáo có thể hòa quyện vào nhau và sinh hoa kết trái tốt đẹp như thế nào. Nơi Zakia và Luca, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của tình người, niềm đam mê cuộc sống, lòng vị tha, và cả lòng trung thành với tín ngưỡng và truyền thống tôn giáo, nguồn cảm hứng và sức mạnh nội tâm.
Lý tưởng của tình huynh đệ đã được thể hiện trong gia đình của bạn. Ngoài việc là vợ chồng, các bạn đã sống như anh chị em trong nhân loại, trong những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau, và trong sự dấn thân xã hội. Đây cũng là bài học được học trong gia đình. Sống chung với những người khác mình, trong gia đình chúng ta học trở thành anh chị em. Chúng ta học cách vượt qua sự chia rẽ, định kiến, khép kín và cùng nhau xây dựng một điều gì đó tuyệt vời và tươi đẹp, bắt đầu từ những điểm chung của chúng ta. Những tấm gương sống động về tình huynh đệ, như của Luca và Zakia, cho chúng ta hy vọng và giúp chúng ta tự tin hơn khi nhìn thế giới của mình bị giằng xé bởi sự chia rẽ và thù địch. Cảm ơn bạn về tấm gương của tình huynh đệ này!
Tôi không muốn kết thúc kỷ niệm này của bạn và Luca mà không nhắc đến mẹ bạn. Mẹ của bạn, người đang hiện diện ở đây và là người đã luôn đồng hành cùng bạn trên con đường của bạn. Đây là điều tốt mà các bà mẹ chồng làm trong một gia đình, những bà mẹ chồng tốt, những bà mẹ tốt! Tôi cảm ơn bà ấy vì đã đến đây với bạn ngày hôm nay.
Anh chị em thân mến, mỗi gia đình của anh chị em đều có một sứ mệnh phải thực hiện trong thế giới, và một chứng tá để đưa ra. Đặc biệt, là những người đã lãnh phép rửa, chúng ta được mời gọi trở thành “sứ điệp mà Chúa Thánh Thần rút ra từ sự giàu có của Chúa Giêsu Kitô và ban cho dân Ngài” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 21). Đây là lý do tại sao tôi đề nghị anh chị em tự hỏi mình câu hỏi này: Lời mà Đức Chúa muốn nói, qua cuộc sống của chúng ta, với những người chúng ta gặp gỡ là gì? Thiên Chúa yêu cầu “bước tiến” nào đối với gia đình chúng ta, gia đình tôi hôm nay? Tất cả mọi người nên tự vấn điều này. Hãy ngừng lại và lắng nghe. Hãy để chính anh chị em được Thiên Chúa biến đổi, từ đó, anh chị em cũng có thể biến đổi thế giới và làm cho nó thành “ngôi nhà” cho những ai cần được chào đón, cần gặp gỡ Chúa Kitô, và cảm thấy được yêu thương. Chúng ta phải sống với đôi mắt hướng lên trời: như Chân phước Maria và Luigi Beltrame Quattrocchi thường nói với con cái của họ, khi đương đầu với những khó khăn và niềm vui của cuộc sống, “luôn luôn nhìn từ mái nhà trở lên”.
Xin cảm ơn anh chị em đã đến đây. Cảm ơn anh chị em vì sự cam kết trong việc đưa gia đình của anh chị em tiến lên. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, với lòng can đảm và niềm vui. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.