Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

SỰ KỲ DIỆU CỦA ĐÔI BÀN TAY

SỰ KỲ DIỆU CỦA ĐÔI BÀN TAY

TGPSG Ngày Người Cha năm nay được mừng vào Chúa nhật 19-6-2022. Khi nhớ về thân phụ của mình, nữ tu Thánh Quế đã kể lại: “Lúc 7 tuổi, lần đầu tiên tôi để ý và phát hiện ra đôi tay của ba chẳng đẹp tí nào. Nó vừa đen sậm vì cháy nắng, và khi chạm vào thì đầy cảm giác khô ráp, cả những sần sùi, chai cứng…”

Nhưng vị nữ tu này đã kết luận: “Đôi tay ba má trở nên nhiệm mầu và đẹp đẽ nhất vì đó là tất cả tình yêu thương và hy sinh cả một đời mà ba má dành cho chị em chúng tôi…”

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc với tình yêu thương của ba má và các chị em.

Ba tôi từng là tu sinh của Đan viện Biển Đức, sau năm 1975, vì thời cuộc, ba không còn được tiếp tục con đường tu trì. Có lẽ đó cũng là cơ duyên để ba gặp má tôi.

Má là một thiếu nữ ngoại đạo, nhưng như lời má kể, trước khi quen ba, má đã được lôi cuốn cách kì lạ mỗi khi đi ngang nhà thờ trong xứ đạo, nhất là khi nghe ca đoàn hát thánh ca, có lúc má đứng lặng người dù chưa hiểu hết những gì mà những bài hát ấy diễn tả.

Thế rồi, ba má tôi kết hôn và dĩ nhiên má được theo đạo. Cuộc sống mưu sinh ngày càng vất vả hơn khi ba má dần dần có đến 5 mặt con, thế nhưng tinh thần đạo đức bình dân cùng đức tin đơn sơ của ba má luôn là nền tảng cho việc nuôi dạy con cái.

Những kí ức tuổi thơ còn nguyên trong tôi với những dấu ấn thật sâu đậm. Lúc ấy tôi mới độ 7 tuổi, một buổi chiều khi ba đi làm về, tôi mang một ly nước mời ba. Ba đưa bàn tay ra nhận lấy với nụ cười rạng rỡ cùng những giọt mồ hôi lăn dài trên trán. Đôi mắt tôi bỗng tròn xoe và ngạc nhiên nhìn vào bàn tay của ba. Lần đầu tiên tôi để ý và phát hiện ra đôi tay của ba chẳng đẹp tí nào. Nó vừa đen sậm vì cháy nắng, và khi chạm vào thì đầy cảm giác khô ráp, cả những sần sùi, chai cứng. Nó làm cho đứa bé như tôi có chút ngần ngại, thậm chí hơi sợ vì chẳng mềm mại, dễ nhìn chút nào. Nó cũng không giống với đôi tay mập mạp và trắng trẻo, sạch sẽ của bác Hai bán vàng ở cửa hàng đầu chợ. Hình ảnh đôi tay của ba mà tôi bắt gặp hôm ấy làm tôi không khỏi tò mò tìm hiểu.

Một lần khác, tôi lén nhìn đôi tay của má xem có đẹp hơn tay của ba không. Nhưng tôi cũng thất vọng vì dù là nữ, má không để móng tay dài hay sơn phết các màu sặc sỡ như mấy cô dì khác. Đôi tay của má dù có thon nhỏ hơn tay ba, nhưng dường như nó cũng chai sần và còn thêm những vết sẹo nho nhỏ có lẽ do dao cắt, và vài vết phỏng nữa.

Những đôi tay ấy theo tôi mãi trong tâm trí với câu hỏi “Tại sao” của trẻ nhỏ. Và theo năm tháng, tôi đã dần tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Ngày nhỏ khi đi học, nếu có ai đó hỏi ba má tôi làm nghề gì, tôi thường lảng đi để khỏi trả lời. Vì lẽ, ba tôi bán cà-rem đá, còn má thì bán bánh bao ngoài bến xe. Nhiều lần tôi cũng thắc mắc, sao ba má tôi không là bác sĩ hay giáo viên hay một nghề nào khác để tôi có thể hãnh diện khoe với bạn bè.

Vâng, ba má tôi chỉ làm những công việc rất bình thường của những người nghèo. Và đó là câu trả lời cho việc những đôi tay kia trở nên sần sùi, hao mòn đi.

Hằng ngày, đôi tay của ba phải tiếp xúc với đá, với muối để ướp kem, thứ kem đá chứ không phải kem hộp như bây giờ nên đôi tay của ba bị ăn mòn và chai cứng. Trên chiếc xe thồ cộc kệch, ba đẩy thùng kem đi khắp làng xóm, ngõ ngách để bán. Chiếc áo xanh ngắn tay, bạc màu không đủ để che đôi tay ấy giữa nắng gió, vì thế mà nó cháy đen lên tận cùi chỏ.

Còn má thường phải dậy từ rất sớm để hấp bánh bao và mang ra bến xe bán cho kịp những chuyến xe khách đầu tiên. Củi lửa và hơi nóng mỗi lần mở nắp nồi bánh đã tạo nên những vết phỏng trên tay má. Thời gian ngồi chờ, má còn tranh thủ gọt thơm, rồi xiên que, cho vào bịch bán cho khách. Con dao gọt thơm sắc bén đã làm tay má đứt nhiều lằn. Chiều đến, má phải về sớm lo cơm nước và chăm sóc cho năm đứa con nheo nhóc ở nhà, thì còn thời gian đâu mà chăm sóc, sửa soạn cho đôi tay

Cứ thế, chị em tôi lớn dần tỉ lệ thuận với sự hao mòn của đôi tay ba má. Những đôi tay kì diệu ấy không chỉ làm ra cơm áo cho chúng tôi, nhưng quan trọng hơn, đôi tay đen sạm, chai sần của ba đã dẫn chị em tôi những bước đi đầu tiên trong đời. Đôi tay ấy cũng luôn giang ra để bảo vệ, chở che cả nhà, lúc nào có ba là tôi lại cảm thấy cả nhà được bình an, an toàn lạ lùng dù phải đối diện bao khó khăn, thử thách.

Còn đôi bàn tay lam lũ của má cũng là đôi tay đã cầm lấy tay tôi mà dạy tôi làm Dấu Thánh giá, dạy tôi viết những nét chữ đầu tiên trong đời, dạy tôi cách mặc quần áo, cách cầm muỗng, cách đánh răng… Đôi tay trở nên mềm mại, dịu dàng kì lạ khi vuốt tóc vỗ về tôi lúc tôi khóc, khi ôm tôi vào lòng thức cả đêm ngày tôi bị bệnh.

Cũng chính những đôi tay kì diệu ấy đã từng bước đưa chúng tôi vào đời. Nhà nghèo, nhưng chị em tôi chưa bao giờ cảm thấy phải thiếu thốn gì, chúng tôi được học hành đến nơi, và cho đến khi mỗi đứa tìm được hạnh phúc của riêng mình. Tất cả đã được đánh đổi bằng những vết tích dường như không thể xóa mòn trên đôi tay của ba má.

Một điều kì diệu hơn nữa là cặp nhẫn cưới dù không mấy giá trị nhưng vẫn luôn được gìn giữ trên đôi tay của cả ba lẫn má như bằng chứng tình yêu và lòng chung thủy, điều mà chị em tôi luôn ngưỡng phục.

Năm tháng trôi qua, ba má giờ tuổi già sức yếu, chị em tôi đều đã khôn lớn. Thế nhưng “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn cha”. Càng xa nhà, tôi càng trân quý vòng tay của ba má, càng lớn khi càng phải đối diện với khó khăn cuộc sống, tôi càng thấm thía những vất vả, hy sinh của ba má. Những dấu vết trên tay ba má vẫn còn đó như minh chứng hùng hồn nhất về tình yêu ba má cả đời dành trọn cho chúng tôi.

Ngày tôi bước vào đời dâng hiến, một lần nữa đôi tay ba má ôm chặt lấy tôi với tất cả nồng nàn, trìu mến. Và kể từ đó đến nay, tôi biết rằng hạnh phúc lớn lao và bến bờ bình yên nhất trên thế gian này chính là vòng tay của ba má.
 
Thỉnh thoảng khi ốm đau, khi khó khăn, mệt mỏi, kể cả khi có niềm vui, tôi lại thèm lắm được sà vào giữa những vòng tay ấy. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, cũng có những người yêu thương và đối xử tốt với tôi, nhưng chưa bao giờ và có lẽ cũng chẳng ai đã hy sinh cho tôi nhiều như thế.

Tôi đã gặp, đã thấy những đôi tay trắng trẻo, tròn trịa hơn nhưng không đôi tay nào giống và sánh được với đôi tay của ba má tôi.

Ngày hồng phúc Tiên Khấn của tôi, ba bất ngờ đeo vào tay tôi một chiếc nhẫn với lời nhắn “Của Chúa Giêsu gửi con”, còn má thì tặng tôi những bộ đồ do tự tay má cắt may. Tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Vẫn là hai đôi tay cháy nắng và gầy guộc ngày nào nhưng giờ đây vượt ra khỏi tất cả những gì nó biểu lộ, tôi nhận được tình yêu, một tình yêu vĩ đại. Những vết tích trên tay ba má không còn là nỗi ám ảnh hay mặc cảm của tôi trước bạn bè. Trái lại, tôi vô cùng tự hào vì nó đã mang lấy một giá trị cao cả, vượt trên bề ngoài tầm thường của nó.

Đôi tay ba má trở nên nhiệm mầu và đẹp đẽ nhất vì đó là tất cả tình yêu thương và hy sinh cả một đời mà ba má dành cho chị em chúng tôi. Đó còn là nơi bảo bọc, chở che, là chỗ mà tôi biết rằng tôi có thể tìm về bất cứ khi nào, vì những đôi tay ấy luôn sẵn sàng mở ra cho tôi, sẵn sàng ôm lấy và tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên đường đời.

Đôi tay ba má cũng là chỗ quy tụ cho 5 chị em, dù giờ đây mỗi đứa một hạnh phúc riêng, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau giữa vòng tay ba má.

Tạ ơn Thiên Chúa đã tạo ra người cha, người mẹ. Và cảm ơn đôi tay kì diệu của ba má. Giờ đây, nếu có ai hỏi về ba má, tôi sẽ không ngần ngại nói rằng, ba má tôi là một Bí tích, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho cuộc đời tôi.

Sr Marie Thanh Quế, SPC (TGPSG)
Nguồn: Nhịp Sống Tin Mừng 04-2019
(WGPSG)