Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III Mùa Chay năm C .
Thánh vịnh tuần III. Xh3,1-8a, 13-15; 1 Cr 10,1-6, 10-12; Lc 13,1-9. (Không cử hành lễ thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita, tử đạo). Có thể dùng bài đọc (với bài tiền tụng) năm A ; Xh 17,3-7 ; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42 (hay Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42).
Cha Phêrô Lê Văn Chính ĐCV Thánh Giuse - Sàigòn Dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn bài nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

ĐỨC TGM HÀ NỘI ĐI ROMA CHỮA BỆNH

Ngày mai thứ Năm 4/03/2010, Đức TGM Hà Nội sẽ lên đường sang Roma chữa bệnh và dưỡng sức

VietCatholic News (03 Mar 2010 13:32)

HÀ NỘI - Vào lúc 20h00 ngày 4/3/2010 giờ Hà Nội, Đức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ lên máy bay tại phi trường Nội Bài để lên đường đi Roma chữa bệnh và dưỡng sức. Chuyến đi xa của Ngài dự trù sẽ kéo dài trong thời gian 2 tháng.

Các chuyến đi của Đức Tổng ra nước ngoài có thể nói rất nhiều, nhưng chắc chưa có chuyến đi nào được mọi người quan tâm như chuyến đi này.

Trong mấy ngày qua các linh mục thuộc TGP Hà Nội cũng đã loan báo rõ ràng về mục đích chuyến đi của Đức TGM Hà Nội cho giáo dân các giáo xứ biết rõ là chiều ngày thứ Năm này Đức Tổng sẽ lên đường đi Roma chữa bệnh để tránh có dư luận xuyên tạc về chuyến đi lần này của Ngài.

Khi được tin như vậy, nhiều đoàn thể và giáo dân thuộc các giáo xứ tại Hà Nội đã cố gắng muốn biết thời gian chắc chắn giờ bay và dự định tổ chức một cuộc tiễn chân thật đặc sắc như một biểu lộ lòng qúi mến sâu xa và muốn chứng tỏ sự ủng hộ nhiệt tâm đối với Đức Tổng mà họ hằng yêu mến và kính trọng. Hàng ngàn người đã ngỏ ý muốn cùng tiễn Đức Tổng tại sân bay, nhưng chính Đức Tổng đã ngỏ ý và động viên các linh mục và giáo dân rằng vì những lí do tế nhị không nên làm như vậy. Giáo dân đã hiểu được ý của Ngài nên đã bỏ ý định cuộc tiễn đưa long trọng tại sân bay.

Ngày hôm qua và hôm nay đã có rất nhiều đoàn từ các giáo xứ về Tòa TGM Hà Nội chào thăm và chúc mừng Bổn mạng sớm Đức Tổng, và chúc ngài lên đường bình an để mau chóng trở về mạnh khỏe hoàn toàn.

Nhất là vào buổi chiều thứ Tư hôm nay tại Tòa TGM Hà Nội, nhiều đoàn người vào ra, gặp gỡ Đức Tổng nói lời chào tạm biệt. Họ bịn rịn không muốn ra về và lại nuối tiếc việc Đức Tổng sắp lên đường đi trị bệnh, nhưng Ngài thoải mái và rất vui vẻ. Những người được dịp tiếp truyện với Ngài đều có nhận xét là hôm nay Đức Tổng nhẹ nhàng, hiền hậu và chân thành như một người cha, tiếng Ngài nhỏ nhẹ, rõ ràng và âm vang.

Khi có dịp tâm sự với các linh mục và giáo dân Hà Nội tới chào mừng và tiễn đưa, Đức TGM Hà Nội cho biết rằng Ngài cám đội ơn Chúa dồi dào đã tuôn đổ xuống Tổng Giáo phận và Giáo hội Việt Nam, ngay cả khi những sóng gió, những cơn nguy khốn, nhưng Chúa sẽ có cách của Ngài và Chúa sẽ là sức mạnh của chúng ta.

Trong tất cả những biến cố dồn dập xẩy ra từ cuối năm 2007 đến nay, hầu như mọi người Công giáo khắp nơi đều nhận chân ra rằng nơi vị mục tử của Giáo phận Hà Nội chúng ta cảm nhận được một tình thương chân tình của Ngài với giáo dân và một niềm tín thác sâu xa vào ơn quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện vai trò một chủ chăn với tinh thần khiêm cung nhưng rất mực chính đại, phục vụ quên mình, dù đôi khi biết rằng sẽ ảnh hưởng tới sự an ninh của cá nhân Ngài. Một chủ chăn luôn đi tìm sự thật, công lý và an bình cho đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho Ngài. Đó là chân dung của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong lòng giáo dân.

Hôm 1-3-2010, khi Đức Tổng gặp các Giám mục Miền Bắc và Miền Trung tại nguyện đường Sainte Marie của Dòng Phaolô tại Hà Nội nhân dịp 50 tái lập Nhà Dòng tại Hà Nội, các Giám mục đã ngỏ ý muốn tiễn đưa Đức Tổng tại sân bay, nhưng Đức Tổng đã ngỏ ý cám ơn và chối khéo là không cần thiết như vậy.

Tuy nhiên vào trưa ngày thứ Năm 4.3 tất cả các Đức Giám mục của giáo tỉnh Hà nội sẽ về Tòa TGM Hà Nội dùng cơm với Đức Tổng, tất cả các linh mục thuộc TGP Hà Nội cũng sẽ về chào ngài và tiễn ngài lên đường bình an.

Một số người vẫn còn có thắc mắc trong đầu về chuyến đi xa lần này của Đức Tổng, thế nhưng qua những cuộc tiếp xúc thân tình với những người thân tín thì tậm tình của Đức Tổng càng bình an và vô ưu vô lo, Ngài trấn an rằng: “sang đó có bác sĩ riêng của Tòa Thánh lo chữa trị, có thể khoảng 2 tháng hay hơn sẽ về Hà Nội”. Dĩ nhiên Tòa Thánh cũng đã dự liệu việc nhiều người lo ngại là Đức Tổng sẽ không thể trở lại Việt Nam, nhưng ngài nói: yên tâm, không sao đâu! Nghe như vậy nhiều người đã an lòng để Ngài ra đi và luôn luôn theo sát Ngài bằng lời cầu nguyện.

Dầu được trấn an như vậy nhưng không ít người cảm vẫn còn cảm thấy hoang mang và lo lắng. Một làn nữa Ngài nói: “Nếu Chúa muốn, Chúa sẽ cho tôi được khỏe mạnh để tôi sớm trở về làm việc, việc ra đi chữa bệnh nhanh hay chóng phụ thuộc vào bệnh viện và bác sĩ”.

Tín thác vào Chúa là điều Ngài luôn luôn khẳng định. Một lần khác khi gặp anh em cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, Ngài đã khẳng định rằng: “Chúng tôi là những người tu hành, chẳng có gì phải sợ ngoài Thiên Chúa, vì vậy nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ làm việc mà không có gì phải sợ hãi”.

Tại Roma, Đức Tổng sẽ cư ngụ tại Trụ sở của Cor Unum (Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm) theo lời mời của Hội Đồng này, vì ngài cũng là thành viên của Hội Đồng. Tưởng cũng nên biết chính tại tòa nhà lớn nơi có trụ sở Cor Unum, cũng là nơi có Văn Phòng và nơi cư ngụ trước đây của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khi Ngài làm Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.

Khi tạm chia tay những linh mục cộng sự và những người than quen lần này, Đức TGM Hà Nội đã ân cần dặn dò là cần tiếp tục nói lên sự thật, cần giữ vững tinh thần hiệp nhất, và sống torng sự liên kết và thông công trong Giáo hội. Có như vậy, sức mạnh của Giáo hội vững vàng, và nhất là làm gì thì làm luôn phải biết cậy trông và sức mạnh và ơn Chúa thì rồi mọi việc sẽ giúp cho chúng ta được có tâm hồn bình an thanh thòa. Sức mạnh của lời cầu nguyện và sự lien kết là khí giới của người Công giáo chúng ta.


PV VietCatholic

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

CHÓ QUÝ HƠN CHÁU

Con người quý trọng nhất trong mọi loài thọ tạo, vì Đức Kitô chỉ chết cho con người chứ không chết cho bất cứ loài súc vật, hoa lá cỏ cây nào. Phẩm giá của con người đã được chuộc bằng chính giá máu của Đức Kitô, vậy mà con người cứ chối bỏ Chúa để tự hạ mình xuống hàng... súc vật.

Một cô bé vị thành niên lỡ dại với bạn trai, ôm bụng bầu về thú nhận với cha mẹ. Đàng trai “biết điều” xin nhận đứa cháu trong bụng cô gái. Tuy nhiên, cha cô gái nhất định không chịu, vì danh giá như gia đình ông không đời nào chấp nhận chuyện con gái chửa hoang. Ông bắt cô gái phá thai. Các anh chị Nhóm Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) Sàigòn được đã thuyết phục đủ cách, nhưng ông nhất định không chịu giữ lại đứa cháu ngoại còn trong bụng mẹ. Cô bé được đưa về Nhà Tình Thương Giêrađô ẩn náu. Nhưng chỉ vài ngày sau, mẹ cô bé đến đòi cô bé về. Một ngày sau, Nhóm BVSS nhận được tin gia đình cô bé vui mừng vì đã “giải quyết” được cái thai êm đẹp.

Một chị trong Nhóm BVSS quá uất ức chạy đến nhà ông bà để làm cho ra lẽ. Khi đến nơi, chị thấy ông đang ôm ấp nâng niu mấy con chó Nhật lông xù. Chị rớt nước mắt: “Chẳng lẽ ông thương mấy con chó đó hơn cháu ngoại của ông sao ? Tại sao ông không để cháu ngoại ông ra đời để ông bồng ẵm, chẳng sướng hơn ẵm chó hay sao ?” Phép so sánh “cháu và chó” của chị tuy khập khiễng, nhưng không khỏi khiến người ta chạnh lòng. Chị nói cũng đúng. Nếu ông giữ đứa cháu để nâng niu, có thể người ta sẽ cười ông vì ông có một đứa con gái hư. Ông không chấp nhận để thanh danh của ông bị hoen ố. Dù sao ông cũng là một ông tu xuất, một ông trùm Giáo Xứ, ngày nào cũng đọc Sách Thánh và trao Mình Thánh Chúa. Còn nếu ông nuôi chó, nâng niu bồng ẵm chó, người ta sẽ khen ông giàu có, bởi không giàu làm sao mua nổi chó Nhật để mà nuôi. Khi nuôi chó, ông còn được người ta khen ông văn minh y như người ngoại quốc, biết tôn trọng thú quyền.

Khi đám chó Nhật xuất hiện trong nhà ông chẳng ai bàn cãi, tranh luận gì cả. Cả nhà xúm xít quanh đàn chó. Điều này có thể thấy rõ qua thái độ yêu quý bầy chó đó của ông và gia đình ông. Nhưng khi đứa cháu ngoại tượng hình trong bụng con ông, ông và gia đình phải cân nhắc thiệt hơn và đi đến quyết định từ chối nó. Ngẫm lại, lời chị Bảo Vệ Sự Sống nói không sai: ông quý chó hơn cháu ngoại ông. Cháu của ông xét cho cùng cũng là cốt nhục của ông. Ông coi rẻ cháu ông hơn bầy chó chẳng khác nào ông cũng coi rẻ chính ông. Ông bắt con ông phá thai để giữ danh giá cho mình, nhưng gậy ông đập lưng ông, hành động đó lại hạ ông xuống thua bầy chó. Ngày ngày ông đọc Sách Thánh, phát Mình Thánh Chúa với danh nghĩa là phục vụ việc Nhà Chúa. Nhưng thật ra ông phục vụ ai khi ông xua đuổi chính Chúa ra khỏi nhà ông. Chẳng phải Chúa đã nói: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” hay sao ? (Mt 18, 5).

Nói đến ông lại ngẫm đến mình. Đã bao nhiêu lần mình đã vì danh giá của chính mình mà đẩy Chúa ra đường ? Đã bao nhiêu lần giữa những chọn lựa trong cuộc sống mình đã bỏ Chúa để chọn những thứ tưởng là có giá trị nhưng bản chất lại là rác rưởi ? Đã bao nhiêu lần mình cố nâng danh giá mình lên nhưng lại tự hạ phẩm giá mình xuống ?

Con người quý trọng nhất trong mọi loài thọ tạo, vì Đức Kitô chỉ chết cho con người chứ không chết cho bất cứ loài súc vật, hoa lá cỏ cây nào. Phẩm giá của con người đã được chuộc bằng chính giá máu của Đức Kitô, vậy mà con người cứ chối bỏ Chúa để tự hạ mình xuống hàng... súc vật.

Còn mê muội nào hơn ?
DANH NGỌC

(Nguồn : daihoidanchua.net)


Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

DẤU THÁNH GIÁ

DẤU THÁNH GIÁ - NIỀM TỰ HÀO CỦA TÔI

Sáng nay tôi được cấp trên cử đại diện đi dự hội thảo về du học Malaysia. Đây là buổi giới thiệu về một trường của Malaysia lần đầu tiên vào Việt Nam tuyển sinh. Khách mời tham dự là đại diện của các công ty du học trong thành phố. Vì là “đối thủ” của nhau trên thương trường nên mọi người cũng ít cởi mở.
Sau khi hội thảo kết thúc, chúng tôi được mời lại ăn trưa. Ngồi cùng bàn với tôi là 4 chị em gái đến từ các công ty khác. Mọi người cũng chỉ cười nói xã giao khi vào bàn an. Và vẫn như mọi lần trước khi ăn, tôi đưa tay làm dấu Thánh Giá. Đột nhiên có một chị lên tiếng “Em có Đạo hả ?” – “Dạ, ủa chị cũng có Đạo hả ?” – “Ừ !” Vui quá, giữa một nơi xa lạ, lại là trung tâm xúc tiến giáo dục của Malaysia nổi tiếng về đạo Hồi, lại có hai người Công Giáo ngồi đây. Tôi thấy vui lắm. Rồi một chị nữa ( chị Hạnh ) ngồi xuống bên cạnh chị vừa hỏi chuyện tôi khi nãy, chị ấy nói: Em này có Đạo nè. Wow, thế là 3 trong số 6 người chúng tôi là người Công Giáo. Thế là thay vì hỏi các chị làm ở đâu, công việc gì thì tự nhiên mọi đề tài lại đề cập tập trung vào 3 người chúng tôi nói về đạo Công Giáo. Nào là hay đi Lễ ở đâu, sinh hoạt gì ở Nhà Thờ nào, có tham gia ca đoàn không ? Bữa cơm trưa trở nên thân mật gần gũi từ lúc nào không biết.
Chị Hạnh đang có người yêu là gia đình cán bộ Đảng nên bây giờ chị đang lo lắng và tim chỗ để anh ấy đi học Giáo Lý Tân Tòng và Giáo Lý Hôn Nhân. Tôi chộp ngay cơ hội và mời chị tới liên hệ với DCCT Sàigòn để đăng ký các lớp học mà anh chị đang tìm. Tôi nói thêm để chị yên tâm rằng tôi đang cộng tác với một số Linh Mục ở Nhà Dòng, nếu chị thấy khó khăn trong việc thuyết phục và truyền giáo với hôn phu của mình thì các cha sẽ hỗ trợ, hướng dẫn thêm vì các ngài cũng đã có nhiều kinh nghiệm với những người theo Đảng mà nay trở lại Đạo. Khuôn mặt chị giãn ra và vui cười nhẹ nhõm. Chị cũng không quên nhờ tôi báo cho chị biết khi nào khai giảng lớp Giáo Lý Hôn Nhân mới.
Trong khi chúng tôi đang thảo luận về việc học Giáo Lý thì một chị khác sắp lập gia đình nhưng không cùng tôn giáo, nghe chuyện thì lại gần hỏi tôi: Ủa, mọi người đi học cái gì vậy ? Tại sao lại phải đi học ? Tôi vừa ăn vừa giải thích với chị rằng, đạo Công Giáo chúng tôi có khóa học cho các bạn trước khi bước vào đời sống gia đình để chuẩn bị cho đôi vợ chồng những kiến thức cần thiết về Đạo và đời để có thể cùng nhau chung sống đến đầu bạc răng long. Đặc biệt là có sự tham gia của các bác sĩ hướng dẫn về đời sống vợ chồng, sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trước và sau khi sinh. Thế là chị thấy hứng thú tìm hiểu thêm về lớp học hữu ích này. Chị e dè hỏi thăm tôi: Người không có Đạo có học được không ? Sẵn sàng chị ơi. Các cha, các bác sĩ rất hoan nghênh tinh thần học hỏi để gìn giữ gia đình trước thời kỳ khủng hoảng với bao nhiêu là đổ vỡ hôn nhân ngày nay. Chị này rất muốn sinh con trai, thế là tôi tíu tít tư vấn cho chị cứ như thể tôi là bác sĩ khoa sản vậy. Thật ra, tôi cũng đã được học từ các bác sĩ để phục vụ cho công tác Bảo Vệ Sự Sống. Tôi cũng nói luôn về những tác hại về tinh thần cũng như thể xác của việc ngừa thai nhân tạo và nạo phá thai.

Giống như mắc bệnh nghề nghiệp, đã nói thì phải nói cho ngọn nguồn để mọi người hiểu được cơ bản về sự thật mà từ trước tới nay họ không hề hay biết. Kể cả chỉ tiêu phải đạt... 5 triệu ca phá thai trong năm Con Heo Vàng cũng khiến mọi người khó tránh khỏi nghi ngờ. Làm sao lại có chuyện kinh khủng tàn nhẫn đó ? Vô lý ! Nhưng sự thật lại quá phũ phàng. Chính tôi là người đã từng đi vào bệnh viện trong thời điểm đó và chứng kiến biết bao nhiêu người phải giết con “oan” chỉ vì cái chỉ tiêu vô cùng bất nhân đó. Tôi còn dẫn chứng cho các chị những bài viết của những người là nạn nhân, là bác sĩ và những người đã, đang công tác trong mục vụ Bảo Vệ Sự Sống này qua các trang web. Bên cạnh đó, nếu ai có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà không biết ai, ở đâu hay không tin tưởng thì cũng có thể liên hệ với địa chỉ tin cậy này.
Bữa ăn kết thúc, chúng tôi cảm thấy quyến luyến vì thời gian gặp nhau trò chuyện trao đổi sao quá ngắn ngủi. Không còn khoảng cách giữa các đối thủ cạnh tranh nữa mà thay thế vào đó là sự thân thiện, gần gũi của những người bạn, những người chị em phụ nữ với nhau.
Ra về, chúng tôi lưu lại những thông tin của nhau để sau này sẽ còn tiếp tục trao đổi với nhau về các khóa học, những nỗi niềm, kinh nghiệm trong đời sống. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi về lại công ty thì một cô bé hầu như im lặng từ đầu đến cuối, chỉ chăm chú nghe tôi trao đổi với các chị khác, lại nhảy vào chat với tôi và nhờ tôi tư vấn về… căn bệnh thế kỷ ! Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn bình tĩnh vì tôi tin: chính lúc ấy Chúa đang ở trong tôi và linh hướng cho tôi biết tôi phải làm gì. Tình hình không đến nổi quá xấu hay nghiêm trọng như cô bé ấy đang lo lắng. Kết quả hiện tại chưa xác định được điều gì chắc chắn. Tôi an ủi, động viên cô bé ấy và hứa sẽ cầu nguyện để em được bình an và không phạm phải sai lầm ngớ ngẩn như trước nữa.
Thế là với chỉ mỗi cử chỉ đơn giản là làm dấu Thánh Giá mà đã phá tan những rào cản ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, kể cả lợi nhuận kinh tế thị trường, mà đưa mọi người nhích gần lại với nhau hơn, thân thiện và gần gũi hơn.
Thế là chỉ với một cử chỉ đơn sơ là làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn mà tôi đã có thêm nhiều người bạn mới, đã kể về Chúa cho những người chưa quen trước đó: từ chuyện đi Lễ ở Nhà Thờ nào, sinh hoạt cái gì, học ở đâu cho tới chuyện Giáo Lý Hôn Nhân và cả Bảo Vệ Sự Sống.
Tôi cũng hơi ngạc nhiên với chính mình: Sao mình liều thế ? Tôi cứ thao thao bất tuyệt kể hết chuyện nọ sang chuyện kia và sẵn sàng giải đáp thắc mắc hoặc giới thiệu đến các Linh Mục, các Bác Sĩ để tư vấn hướng dẫn nếu họ cần. Nhưng không, tôi biết là Chúa đang hoạt động trong tôi cho nên không chỉ những chị có Đạo quan tâm mà cả ba người bạn theo tôn giáo khác cũng háo hức hồ hởi không kém.
Tôi thật sự xúc động và cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Chúa dành cho tôi và các bạn đồng nghiệp. Trước đây tôi tự tin và có một chút hãnh diện về khả năng giao tiếp, tư vấn và thuyết phục của mình nhưng đó chỉ là “quảng cáo bằng môi miệng” khi kể về Chúa với người khác nếu như không có Thánh Thần tác động.
Lúc ấy, tôi thầm cảm ơn Chúa và sáng lên trong tôi một niềm tự hào khác:
Tự hào là người Công Giáo. Tôi càng tự hào hơn khi tôi là người Công Giáo mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin của mình ngay giữa bữa cơm với những người lạ tại nơi làm việc của quốc gia đạo Hồi.
Cám ơn Chúa đã cho chúng con được làm con cái Chúa.
Cám ơn Chúa đã cho chúng con được cùng thông phần khổ nạn với Chúa.
Cám ơn Chúa đã luôn cùng hiện diện và đồng hành với chúng con trong từng phút giây của cuộc sống.
Xin Chúa tiếp tục sống cùng chúng con, ở lại trong chúng con và ban thêm Thần Khí để chúng con can đảm làm chứng cho Sự Thật, cho Tình Yêu và Tin Mừng của Chúa ngay giữa thế gian này. Amen.
Fiat NGÔ THU THUỶ, Sàigòn 25.1.2010
(daihoidanchua.net)

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C. Thánh vịnh tuần II. St 15,5-12 ; Pl 3,17-4,1 ( hay Pl 3,20-4,1 ) ; Lc 9,28b-36.
Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông DCCT dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Xin mời bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn bài nghe.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CN II MÙA CHAY - NĂM C (Lc 9, 28b-36)

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

GIÁO HỘI VIỆT NAM SẮP CÓ TÂN HỒNG Y?


VietCatholic News (24 Feb 2010 02:07)
Công nghị sắp tới, sẽ có tân Hồng y Việt Nam?

Như trong bài trước chúng tôi đã có dịp trình bày, hiện có đến 30 Tòa Hồng Y đang trống do các vị Hồng Y khắp thế giới qua đời trong những năm gần đây, mà chưa có một Công Nghị mới để bổ sung các tân chức kể từ năm 2007, Công Nghị tấn phong Hồng Y sau cùng cho tới giờ, đã 3 năm.

Từ trước đến nay, Hà Nội đã có truyền thống là Tòa Hồng Y, và vị nào ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám Mục thủ đô thì nghiễm nhiên sẽ có tương lai được phong làm Hồng Y, chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn. Sẽ cực kỳ khó, nếu không muốn nói là gần như không thể, để thay đổi một Tòa vốn truyền thống có Hồng Y trở lại thành một tòa bình thường. Điển hình như Giáo phận Mainz (nước Đức), nơi đây từ nhiều năm đã là Tòa Hồng Y dù Mainz chỉ là một giáo phận trực thuộc TGP Freiburg im Breisgau.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc Hà Nội với vị thế là Thủ đô một nước có
cộng đồng Công giáo lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, nên xứng đáng có một Tòa Hồng Y.

Khác với Hà Nội, Sài Gòn chỉ mới có Hồng Y từ năm 2003 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng hàng giáo sĩ, giáo dân và tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước cũng tập trung ở khu vực phía Nam mà thủ phủ là Sài Gòn, và đặc biệt là hoàn cảnh rất phức tạp vào thời điểm 2003 đang khi đương kiêm ĐHY Phạm Đình Tụng đã đến tuổi hồi hưu và sức khoẻ lại không được khả quan, thêm vào đó sự phát triển và tăng tiến về mọi mặt -- khi so sánh giữa hai miền Bắc và Nam -- vẫn còn có những mức không đồng đều, ngay cả về con số linh mục, tu sĩ và giáo dân thì trong Nam vẫn đông hơn miền Bắc nhiều, đấy là chưa nói tới sự khác biệt
về cách thế nhập thế và hội nhập ảnh hưởng từ các trào lưu, văn hóa, tài liệu... do sự tiếp cận gần gũi hơn với thế giới bên ngoài mang lại. Thế nên việc có thêm một vị hồng y ở tại Miền Nam trong thời điểm đó là một giải pháp tuyệt vời như một món quà tặng vô giá từ Vatican hầu tiếp tục tiến trình hiệp thông, trao đổi và hiện đại hóa trong chính lòng Giáo hội tại Việt Nam.

Còn Huế thì có lẽ chưa đủ tầm “chiến lược” để được vinh dự có một vị Giáo chủ áo đỏ đàng khác nếu có một Tòa hồng y nữa thì cho Việt Nam thì không biết sẽ phải nói sao với các quốc gia lân cận hay các quốc gia có dân số Công giáo ngang hàng với Việt Nam mà từ trước tới nay cũng chỉ có một Tòa hồng y.

Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, thế nên giả như khi mà Việt Nam có ngoại giao với Vatican thì Tòa Thánh sẽ đặt Tòa Sứ Thần ở nơi này. Nên Tòa Tổng giám mục Hà Nội dĩ nhiên luôn là ưu tiên cao nhất nếu Đức Giáo Hoàng tính đến chuyện bổ nhiệm một Hồng Y cho Việt Nam thay cho Đức cố Hồng Y Phạm Đình Tụng.

Có nhiều dư luận thắc mắc tại sao Đức cha Ngô Quang Kiệt đã về làm Tổng Giám Mục Hà Nội từ năm 2005, và trước đó nữa làm Giám quản thủ đô từ 2003, thậm chí khi đó chưa có những căng thẳng với chính quyền và Đức Giáo Hoàng đã triệu tập 3 Công Nghị trong suốt thời gian này để bổ nhiệm các tân Hồng Y như Công Nghị tháng 10-2003, Công Nghị tháng 03-2006 và Công Nghị gần đây nhất vào tháng 11-2007, nhưng Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn chưa được chọn để lãnh mũ đỏ?

Cần một lý giải

Thắc mắc trên có thể phần nào giải tỏa khi người ta nhìn vào trường hợp tương tự ở Tổng Giáo Phận Washington D.C., thủ đô Hoa Kỳ, nơi đây đang được coi sóc bởi Đức TGM Donald William Wuerl từ năm 2006, nhưng Công Nghị Hồng Y lần trước cũng bỏ qua việc nâng TGM Wuerl lên tước vị Hoàng Tử Giáo Hội. Phải chăng vì ĐHY Theodore Edgar McCarrick (nguyên TGM Washington) vẫn còn sống? Rồi TGP Los Angeles (Hoa Kỳ) cũng tương tự như vậy nhưng đi lùi hơn một chút về quá khứ, khi Đức TGM Roger Michael Mahony lên cai quản giáo phận này năm 1985 thì vị nguyên TGM Los Angeles lúc ấy là Đức cố Hồng Y Timothy Manning vẫn còn sống, và trải qua 2 Công Nghị năm 1985 và 1988
nhưng Đức cha Mahony vẫn chỉ là Tổng Giám Mục. Mãi cho đến khi Hồng Y Manning qua đời năm 1989 thì Công Nghị năm 1991 mới đưa TGM Mahony lên tước Hồng Y. Tuy vậy, dường như đây vẫn chưa phải là câu trả lời thỏa đáng, vì cùng một lúc, một TGP lớn vẫn có thể có 2 Hồng Y, ví dụ như Philadelphia (Hoa Kỳ) do ĐHY Justin Francis Rigali dẫn dắt và vị nguyên TGM nơi đây vẫn còn sống là ĐHY Anthony Joseph Bevilacqua. Nhưng quả thực, trường hợp một giáo phận có đến 2 Hồng Y như Philadelphia thì cả thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Một lý luận khác đó là Việt Nam khó có thể có 3 Hồng Y trong nước cùng một t
hời điểm (nếu giả sử như Đức cha Kiệt được vinh thăng Hồng Y khi vừa làm TGM Hà Nội và lúc ấy ĐHY Tụng còn sống). Nhưng, với sự qua đi của ĐHY Phạm Đình Tụng đầu năm 2009, Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y ở Sài Gòn, và từ đó đến nay chưa có Công Nghị tấn phong tân Hồng Y nào, nên trong Công Nghị sắp tới, hoàn toàn có thể lạc quan về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt được vinh thăng, để giữ số Hồng Y ở Việt Nam tại mức độ “ổn định”.

Thế nào là mức độ “ổn định”? Nếu trong nước, xét theo tình hình Việt Nam, cùng lúc có 2 Hồng Y ở hai đầu Bắc - Nam thì như thế là vừa phải, nếu Bắc 2 - Nam 1 hoặc Nam 2 - Bắc 1 thì như vậy là không “cân đối”. Có lúc Việt Nam đã có 3 Hồng Y, nhưng đó là trường hợp đặc biệt vì ĐHY Nguyễn Văn Thuận ở Rôma chứ không ở quê nhà. Giờ đây Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y duy nhất (chưa tính đến thế ưu tiên Hà Nội truyền
thống là Tòa Hồng Y), nên có thể xem việc này là sự “mất cân đối”, mở đường cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt trở thành Hoàng Tử Giáo Hội với cơ hội cao hơn bao giờ hết.

Một số nước ở Châu Á khác vẫn “ghen tị” vì Việt Nam có số người Công giáo không cao hơn nước họ, nhưng trong quá khứ đã có những lúc Việt Nam nhiều Hồng Y hơn họ xét theo tỷ lệ giáo dân.

Theo Niên Giám Tòa Thánh số liệu mới nhất, tại Á châu, Philippines có số ng
ười Công giáo đứng đầu, vào khoảng 73 triệu, chiếm 80% dân số nước này, nhưng hiện chỉ có 3 Hồng Y, và cả 3 vị này đều quá cao tuổi. Tiếp đó, nước xếp thứ nhì châu Á là Ấn Độ, với khoảng 17 triệu người Công giáo so với hơn 1.1 tỷ toàn dân số, và Ấn Độ có 7 Hồng Y đang còn sống, trong đó 3 vị đã nghỉ hưu. Kế nữa là Indonesia với khoảng 7.2 triệu người Công giáo trên tổng số 240 triệu dân, và chỉ có 1 Hồng Y đang giữ chức TGM Jakarta. Việt Nam xếp thứ tư châu Á với khoảng 6.5 triệu người Công giáo so với hơn 88 triệu dân (chiếm khoảng 7.3%), và chỉ còn 1 Hồng Y giữ chức TGM Sàigòn.


Nếu so với toàn châu Á thì số dân Công giáo của Việt Nam đứng th 4 sau Philippines, Ấn Độ, Indonesia; và đứng thứ ba Đông Nam Á sau Philippines, Indonesia. Nhưng nếu gộp chung khoảng 1 triệu người Công giáo Việt Nam tại hải ngoại nữa thì Việt Nam xếp thứ 3 châu Á sau Philippines, Ấn Độ; và đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á chỉ sau Philippines.

Như vậy, yếu tố Hà Nội có truyền thống là Tòa Hồng Y cộng thêm sự mất “cân đối” giữa Hồng Y hai miền Bắc - Nam là một viễn tượng về tân Hồng Y tại Hà Nội đã rất gần.

Thêm vào đó, Hồng Y Đoàn trên thế giới hiện nay tuyệt đại đa số các vị đều đã hơn tuổi 60, chỉ duy nhất có ĐHY Péter Erdõ (sinh: 25-06-1952) của Hungary là 57 tuổi và ĐHY Philippe Xavier Ignace Barbarin (sinh: 17-10-1950) của Lyon (Pháp) năm nay 59 tuổi. Hồng Y Đoàn cần một vài vị trẻ trung dưới tuổi 60, như đợt ĐHY Péter Erdõ được vinh thăng tại Công Nghị 2003 ở tuổi 51 và bây giờ vẫn là Hồng Y trẻ nhất thế giới. Tính về yếu tố tuổi tác, Đức TGM Ngô Quang Kiệt (sinh: 04-09-1952) của Hà Nội, Việt Nam cũng sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho mũ đỏ Hồng Y, vì ngài cùng tuổi với ĐHY trẻ nhất hiện nay. Hơn nữa, các gương mặt nắm giữ những vị trí quan trọng tại Giáo triều, được báo chí “điểm danh” sẽ lãnh mũ Hồng Y vào đợt tới, đều đã trên 60 tuổi. Còn những TGP lớn trên thế giới như New York của TGM Timothy Dolan (60 tuổi), Washington D.C của TGM Donald Wuerl (69 tuổi) cũng như các vị Tổng Giám Mục đang giữ một số Tòa Hồng Y trống cần điền khuyết đều đã trên tuổi 60, ngoại trừ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội. Như vậy, trong hơn 30 ứng viên có thể (hoặc chắc chắn) làm Hồng Y sắp tới, Việt Nam góp được một vị trẻ tuổi nhất.

Viễn tượng Rôma

Hiện tại trong tuần này Đức TGM Ngô Quang Kiệt đang nghỉ dưỡng sức tại Dòng Châu Sơn. Trong những tháng ngày qua hầu như mỗi đêm Ngài chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ, do vậy nó ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ và sinh hoạt của Ngài. Về căn nguyên bệnh lý và cách chữa trị tại Việt Nam hiện tại còn chưa đủ phương tiện nghiệm xét, do vậy có lẽ trong vòng thời gian rất gần, có thể Ngài sẽ qua Roma để nghỉ ngơi và điều trị dứt căn bệnh mất ngủ. Một số vị chức trách thẩm quyền rất quan tâm tới sức khỏe cho Ngài và đó là ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Việc quyết định đi chữa trị bệnh là hoàn toàn do Đức Tổng Hà Nội tự định đoạt và nếu một khi quyết định được đưa ra thì mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam cũng như Tòa Thánh sẽ hết lòng ủng hộ và cầu nguyện cho Ngài.

VietCatholic

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

LẦM LỖI LÀ CHUYỆN THƯỜNG

Lầm Lỗi Là Chuyện Thường
Hôm nay kỷ niệm ngày sinh của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Con người đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh ấy nổi tiếng là người nóng nảy, nhưng luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình...
Ngày kia, cậu bé George được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình. Cha của George đau lòng nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm, nên mới hỏi cậu: "Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa...". George suy nghĩ một lúc và trả lời: "Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi". Và George ngạc nhiên vô cùng khi nghe cha cậu trả lời: "Ðiều con vừa làm là một điều sai trái. Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp như thế...".
Không ai trong chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ, mà lại không sống với hy vọng tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng phải thành thật mà nói thì cuộc đời không phải lúc nào cũng là con đường trải hoa, vì nhiều lần chúng ta gặp hoàn cảnh vô cùng tệ hại. Ðối với nhiều người, dường như hy vọng về những điều tốt đẹp chỉ thành tựu trong mơ mộng mà thôi và thực tế rất phũ phàng. Tuổi trẻ đi qua rất nhanh. Ngày tháng trôi qua, chúng ta chẳng mấy chốc già đi. Tóc trên đầu chúng ta mỗi lúc một điểm thêm nhiều muối tiêu. Sau khoảng 45, mỗi lần nhìn vào trong gương, chúng ta giật mình thấy mình già mau quá. Nhìn lại tập ảnh của gia đình, lắm khi chúng ta không có can đảm ngắm lâu hơn. Chẳng những gương mặt, mái tóc bên ngoài, mà tuổi già còn gặp nhiều hạn chế hơn tuổi trẻ. Những môn thể thao trước kia ưa thích, nay không còn đủ sức để chơi nữa. Cặp mắt sắc sảo đã phải đeo thêm kính mới đọc được sách. Khi bước vào lớp tuổi 60 trở lên, bước đi của chúng trở nên chậm chạp hơn. Trí nhớ mỗi lúc một ra kém cỏi... Tuổi trẻ là một chuỗi những vấp ngã, tuổi già là những tháng ngày để ân hận và hối tiếc khi chợt nhận ra giới hạn của mình.
Cuộc đời là thế. Chúng ta có nên bi quan không? Người Kitô hữu chúng ta luôn được mời gọi để sống hy vọng. Ðổ vỡ, thất bại không phải là những ngõ cụt trong cuốc sống, nhưng phải là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Cuộc đời không phải là một chuỗi ngày giữa chiếc nôi và ngôi mộ. Cuộc đời là một hành trình đi từ chỗ hữu hạn đến chỗ vô hạn, từ chỗ tuyệt vọng đến chỗ đầy hy vọng. Và cuối cùng cánh cửa của sự chết mà chúng ta rồi đây sẽ bước qua chỉ là một khúc quanh của cuộc hành trình này mà thôi...

Hữu Toàn đăng .


Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

SUY TƯ MÙA CHAY

HÃY THAY ĐỔI HƯỚNG ĐI CỦA BẠN


Chuyện : Một viên thuyền trưởng nhìn qua sương mù ban đêm trên biển, thấy xuất hiện ánh sáng của một “chiếc tàu khác” (thực ra là một hải đăng) đang hướng thẳng vào tàu của ông.

Ông ra lệnh cho thuỷ thủ đánh tín hiệu bằng đèn tiếp xúc với chiếc tàu lạ và gởi đi một thông điệp : “Hãy thay đổi hướng đi của bạn, chếch về phía Bắc khoảng 10 độ. Tôi là đô đốc chỉ huy”.

“Tàu lạ đáp” : “Đã nhận được tín hiệu, nhưng bạn phải thay đổi hướng đi, chếch xuống phía Nam”.

Điều này làm cho đô đốc tức điên lên. Ông cho đánh tiếp tín hiệu : “Tôi là chiến hạm, vậy hãy thay đổi hướng đi của bạn về phía Bắc nếu không thì …”.

Tín hiệu kia đáp lại : “Tôi là hải đăng đây. Hãy thay đổi hướng đi của bạn, nếu không thì…”.

Suy nghĩ : Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy hoán cải. Hoán cải cụ thể là thay đổi hướng đi của mình. Và điều cần thiết trước tiên là chính bản thân tôi phải đổi hướng chứ không phải là người khác.

Hữu Toàn đăng .

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C . Thánh vịnh tuần I . Đnl 26,4-10 ; Rm 10,8-13 ; Lc 4,1-13. ( Không cữ hành lễ thánh Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh ).
* Cha Chánh Xứ dâng Lễ .
* Ca đòan Monica hát Lễ .
Mời bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn bài nghe .

Hữu Tòan .

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

BỤI TRO

(THỨ TƯ LỄ TRO và CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM C)

Mùa Chay là thời gian 40 ngày ăn năn sám hối, thanh tẩy tâm hồn, canh tân cuộc sống, để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Mùa Chay cũng là thời gian để chúng ta dành nhiều thì giờ cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho chúng ta nhìn rõ hơn con người của chúng ta; nhìn rõ hơn những khuyết điểm để sửa đổi và biến cải cuộc đời chúng ta nên tốt đẹp hơn trước mặt Chúa và mọi người; làm cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa và tha nhân được mạnh mẽ hơn (Bài Đọc I Thứ Tư Lễ Tro: Sách Tiên Tri Gio-en 2: 12-18).

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Chay Thánh với ngày Thứ Tư Lễ Tro. Trong Thánh Lễ (sau Bài Giảng), chúng ta được dự nghi thức làm phép tro. Sau đó, chúng ta được xức tro trên trán theo hình Thánh Giá với lới mời gọi “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” và chúng ta nghe ca đoàn hát bài “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…” Tất cả đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được dựng nên bằng tro bụi và có ngày thân xác chúng ta sẽ trở thành tro bụi sau cái chết. Điều đó không phải để hù dọa chúng ta, nhưng là để nhắc chúng ta rằng cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ trong một thời gian, rồi chúng ta sẽ qua cuộc đời này để bước sang cuộc sống vĩnh cửu (Sinh Ký Tử Quy: Sống Gửi Thác Về). Chúng ta sẽ được hưỏng phúc trên Nước Chúa, nếu chúng ta biết ăn năn sám hối lỗi lầm, từ bỏ thói hư tật xấu, sống đạo đức, lương thiện theo tinh thần Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng. Chúng ta đã được dựng nên khác với mọi loài; chúng ta được “dựng nên theo hình ảnh của Chúa” (Sách Khởi Nguyên 1: 27), có hồn và xác, có trí khôn, có tự do; chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình trước mặt Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta.

Mùa Chay cũng là “thời gian thuận tiện” (Bài Đọc II Thứ Tư Lễ Tro: 2Corintô 5:20-6:2) để chúng ta ý thức về sự yếu đuối của con người. Là con người, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ sống theo dục vọng, danh, lợi, sự giầu có mà bỏ rơi lề luật Chúa và gây tác hại cho người khác vì tính “ích kỷ hại nhân”. Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay (Luca 4: 1-13), Chúa Giêsu cũng để cho ma qủy cám dỗ, để cho chúng ta thấy con người chúng ta luôn bị cám dỗ nên phải luôn đề phòng và thắng vượt cám dỗ.

Để thắng vượt cám dỗ, chúng ta phải dựa vào ơn Chúa qua việc cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Chúng ta làm những điều đó không phải để khoe mình là người đạo đức như các người Pharisiêu khi xưa, nhưng làm với lòng mến Chúa, yêu người (Bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6, 16-18).

Việc giúp đỡ những người nghèo túng, bệnh tật cũng là một trong những điều rất quan trọng trong việc sống đạo của chúng ta. Đó là việc từ thiện mà ngày xưa thường được gọi là “làm phúc bố thí”. Danh từ này không được thích hợp, vì chúng ta giúp người khác là chúng ta dâng cho Chúa (Bài Đọc I Chúa Nhật Mùa Chay: Sách Thứ Luật 26: 4-10), giúp chính Chúa (Matthêu 25: 31-46). Sự giúp đỡ những người hoạn nạn không phải là một sự “thí bỏ”, nhưng là một sự chia sẻ tình thương với người khác đang cần sự giúp đỡ. Hơn nữa, điều quan trọng là: chúng ta làm không phải để khoe khoang, không làm cách trịch thượng, nhưng làm với tinh thần khiêm tốn, thầm lặng, không cần ai biết đến, “tay phải làm mà tay trái không biết” (Bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6, 16-18).

Trong Mùa Chay, chúng ta sẽ Ăn Chay và Kiêng Thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; kiêng thịt các ngày Thứ Sáu Mùa Chay. Tuổi ăn chay là từ 18 đến 60. Tuổi kiêng thịt là từ 14 trở lên.

Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để trong Mùa Chay, chúng ta biết dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện, dâng Thánh Lễ sốt sắng, làm nhiều việc hy sinh, hãm mình, xa tránh các dịp tội, như cờ bạc, ăn uống say sưa, xem phim ảnh, báo chí xấu… Tránh hoang phí trong việc mua sắm, tiệc tùng, nhưng để dành tiền của cho việc từ thiện, bác ái, xã hội.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta, gia đình chúng ta, để chúng ta sống hoà hợp yêu thương và cùng chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh và chúng ta cũng được đổi mới, được “phục sinh” thật với Chúa. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta.

Lm An Phong Trần Đức Phương
(Vietcatholic)

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

RIP

XIN CẦU CHO LINH HỒN
GIUSE


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 6
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


ÔNG GIUSE LÊ TRỌNG NGHĨA
Sinh năm 1945 tại Gia Định

Cư ngụ tại : 85 đường 47
P.Tân Quy, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 6 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 21g40 ngày Thứ Bảy 13.02.2010
(Nhằm ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Sửu)

Hưởng thọ 65 tuổi

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Bảy 13.02.2010

  • 22g40 : Nghi Thức Tẩn Liệm

Chúa Nhật 14.02.2010
  • 10g00 : Nhập Quan

Thứ Năm 18.02.2010
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát

Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM


Thuận Phát, ngày 16 tháng 02 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 6
Gx. THUẬN PHÁT
và Gia Đình