28 Tháng BaNgày kia, tại miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân chúng sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Ðem Lại Một Chút Bầu Trời
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!".
Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: "Tại sao ông lại lo lắng cho tôi?". Nhà truyền giáo đáp lại: "Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con".
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: "Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông?". Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: "Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt".
Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau: "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời".
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính mình".
Chúng ta cố gắng áp dụng luật trên với niềm xác tín rằng: với những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, với sự trao nhau một nụ cười, một lời thông cảm, một sự tha thứ, với những hành động chia cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước lã, với các lần thăm viếng các bệnh nhân: nấu cho họ tô canh, chén cháo, quét nhà, giặt giũ quần áo cho họ v.v... là chúng ta mang một chút thực tại Nước Trời đến trong xã hội trần thế.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 28.3
Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010
AUDIO TĨNH TÂM MÙA CHAY 2010
Mùa Chay năm nay 2010, Cha Chánh Xứ Thuận Phát đã mời Cha Giuse Hoàng Văn Quảng, Dòng Tên, đến dâng Thánh Lễ và giảng tĩnh tâm giúp cho cộng đoàn Giáo Xứ chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Đợt tĩnh tâm mùa Chay năm nay kéo dài 3 ngày (25,26 và 27.3.2010).
Cuối Thánh Lễ ngày tĩnh tâm thứ 3 ông Phó Chủ Tịch HĐMVGX Thuận Phát (phụ trách đối nội) đã đại diện cộng đoàn Giáo Xứ cám ơn Cha Chánh Xứ, Cha giảng tĩnh tâm và cầu chúc Cha được nhiều sức khỏe để Cha tiếp tục sứ vụ Mục Tử, đồng gởi đến Cha lòng tri ân sâu sắc của cộng đoàn giáo xứ.
Hai em thiếu nhi đại diện cộng đoàn dâng lên Cha giảng tĩnh tâm bó hoa tươi thắm và quà lưu niệm với ước mong Cha sẽ lại sẵn sàng đến giúp cộng đoàn giáo xứ trong nhiều dịp sắp tới.
Mời quý vị bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn nghe bài giảng tĩnh tâm.
Và xem thêm vài HÌNH ẢNH những ngày tĩnh tâm.
Hữu Toàn
SUY NIỆM MÙA CHAY
Cụ Bường ngồi trên ghế đá, trước đài Đức Mẹ trông buồn bã lắm.
Tôi hỏi cụ: “Cụ khỏe chứ, sao trông buồn vậy ?”
– “Rồi đâu cũng vào đấy, anh ạ !” Tôi chẳng hiểu cụ muốn nói gì.
Trong sân Nhà Thờ tuần này, những đêm trước Chúa Nhật Lễ Lá, cả vài trăm người đang lãnh Bí Tích Hòa Giải để chuẩn bị vào Tuần Thương Khó với Chúa Giêsu. Có hơn mười tòa giải tội… Tòa nào cũng người và người xếp hàng dài nối đuôi nhau. Thật là tuyệt đẹp hình ảnh gối quì tay chắp, miệng thân thưa lời thú lỗi và lời xin xá tội để được quay về trong tình trạng ân sủng. Thánh thiện biết chừng nào. Cụ Bường có lẽ cũng bừng lên niềm vui của cộng đoàn đấy chứ. Sao ông lại nói: “Rồi đâu cũng vào đấy anh ạ”.
Tôi lại hỏi cụ: “Sao cụ lại nói thế, cụ có ý gì ?”
Thế là cụ tâm sự một hơi dài:
“Người Việt Nam sống rất tình cảm anh ạ. Cái tình làng nghĩa xóm, chung cái lũy tre quanh làng, chung cây đa ngàn năm đầu ngõ, chung cái giếng nước cuối xóm lối ra những bờ đê… hình như đã tượng hình nhân ái trong lòng người Việt Nam cách linh thiêng diệu kỳ. Họ đã chung sống thân thương trong cái bầu của tình người đậm đà đến nỗi chuyện của nhà ai cũng là chuyện của mình. Họ khóc chung cả làng. Họ vui chung, cười chung suốt đêm thâu tới sáng. Họ chia nhau nửa chén gạo, chút muối chút tiêu… chia cả con cầy tơ đến vài con cá rô, cá giếc lúc hạn hán mất mùa… Tuyệt đẹp lắm.
Chính đời sống tình cảm Chúa ban cách tự nhiên ấy, đã góp phần cho việc đón nhận một con người tưởng như là xa lạ mang tên Giêsu về với đất nước mình, với làng quê mình, nên rất thân quen, nên rất gần gủi, và nhất là khi con người Giêsu ấy vì yêu nên nỗi mang thương tích đau đớn tột cùng và chết trên Thập Giá.
Vì thế, chuyện đạo đức cũng vậy. Mỗi năm, đến Tuần Thánh, người Việt Nam sốt sắng lắm, vì họ thương Chúa Giêsu bị hàm oan, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị vác thập giá, bị đóng đinh, như chính người thân, người làng của họ vậy. Họ khóc lóc, họ tang chế, họ ăn chay cầu nguyện, họ sám hối, họ rất thành tâm trở về với Chúa. Ở nơi nào càng có những tổ chức Tuần Thánh thống thiết hơn thì Giáo Dân càng sốt sắng. Thế nhưng, “rồi đâu cũng vào đấy thôi anh ạ”. Hết Tuần Thánh và các nghi thức, thì cũng hết ngay những cảm tình chóng qua ấy, những giọt nước mắt khô đi, và gối không còn quì thống thiết nữa…
Tôi chỉ mong sao, lòng yêu mến Chúa Giêsu Chịu Tử Nạn không phải là một thứ xúc động nhất thời, một thứ tình cảm mau qua, nhưng là một tâm tình yêu mến triền miên phát xuất từ Đức Tin và lòng trông cậy ơn cứu rỗi cho chính mình và cho nhiều người.
Yêu mến Chúa Giêsu không phải là khóc thương Chúa tội nghiệp, nhưng là khóc thương chính thân mình tội lỗi mà gây ra cái chết của Ngài. Đạo đức không phải là những giọt lệ bên ngoài, những gối quì, những than vãn, những xúc động… nhưng chính là “hết lòng ăn năn”, “đau đớn vì tội lỗi”, “quyết lòng tự hối” và “nhất là theo đường Chúa đi mà thôi”.
Tôi tâm đắc bài hát ấy lắm. Theo đường Chúa đi cả đời mình, mới là yêu mến Chúa. Chúa bảo những người phụ nữ Giêrusalem theo Chúa trên đường Thập Giá: “Đừng khóc thương ta, hãy khóc thương các ngươi và con cháu các ngươi” (Lc 23, 27 – 28).
Như vậy, Tuần Thánh không chỉ có một tuần. Thứ sáu Tuần Thánh không chỉ có một ngày. Rồi sau tuần ấy, sau ngày ấy… rồi đâu cũng vào đấy… Rồi cứ những lối đi xa… đi xa… xa nữa…, chờ đến Mùa Chay năm sau…, Tuần Thánh lại trở về... Khóc lóc !
Tôi cũng không tránh khỏi những lần sướt mướt ấy. Nhưng tôi cũng đã từng không chịu cách giữ đạo của mình như thế đâu. Tôi ước ao mỗi Tuần Thánh, giúp tôi tiến gần hơn chút nữa tới cuộc tử nạn của chính mình cho phần rỗi của mình và cho nhiều người. Cuộc tử nạn ấy là có thật từng ngày. Chiến đấu và bằng lòng chịu thương tích, chịu thiệt thòi, chịu nhục nhã, chịu đổ máu.
Tôi ví mình như con ốc sên bò lên đồi thập tự. Nếu con ốc sên sợ đổ máu, vì những cạnh đá sắc bén, nó sẽ rút mình vào trong vỏ ốc cho an toàn. Nhưng như vậy thì nó sẽ không theo Chúa được. Nó phải biết xấu hổ vì nó đã tuyên xưng là theo Chúa mà không chịu thò đầu, đưa thân mình nó ra để chịu đau khổ. Nó chỉ làm bộ đau khổ với Chúa mấy ngày, rồi lại thụt đầu vào… Thật đáng tủi hổ !
Tôi cũng vậy, đời tôi chối Chúa nhiều gấp 77 lần ông Phêrô, thụt đầu vào cả ngàn lần như con ốc sên sợ chết, nhưng rồi, giờ này tôi mới hiểu ra, càng giữ cho mình yên thân, mình càng cảm thấy bất xứng với danh xưng Kitô hữu, vì mình không có một chút gì giống Chúa Kitô của mình cả. Làm sao mong được cứu rỗi ? Làm sao mong được phục sinh ? Tôi nghĩ, giữ đạo là phải giữ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu gắn liền với hành trình Đức Tin của mỗi người chúng ta...”
Tôi giật mình, nhìn cụ già 79 tuổi – một đời người đã đi qua 79 Tuần Thương Khó, hoặc ít là cũng 70 Tuần Thương Khó từ tuổi có trí khôn. Tôi không dám nói là cụ đang chê trách cách giữ đạo của người khác, nhưng cụ đang nói chính cách sống đạo của mình, chính ước muốn nên thánh của mình, phải thoát ra cái vỏ bọc hình thức hay tình cảm nhất thời mà vươn tới một sự kết hiệp toàn bích giữa Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc và người được cứu chuộc.
Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta, một tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cụ Giáo Dân rất tầm thường đã có những suy nghĩ cũng rất đơn sơ, tầm thường theo cách thấy sao nói vậy, về chính cách sống Tuần Thánh rất tầm thường của chúng ta. Nhưng những suy nghĩ ấy, để lại không ít nỗi bàng hoàng cho tôi, chắc là cho cả bạn, cho mọi người.
Có lẽ nào chúng ta đang giả vờ yêu mến Chúa, yêu mến Chúa Giêsu đầy thương tích, Chúa Giêsu tử nạn, để rồi đời mình lại “đâu cũng vào đấy” mãi sao ?
Có lẽ nào chúng ta lại diễn vở tuồng “cuộc tử nạn Giêsu”, mỗi người trong vai Giêsu, rồi xong vở tuồng ấy, ta lại là ta sao ?
Có lẽ nào chúng ta lại đành đoạn xuất chiêu những trò đùa tình yêu gian dối như thế đối với một Thiên Chúa đã thật lòng yêu thương thế gian đến nỗi sai chính Con mình đến để chết mà đền thay tội lỗi chúng ta sao ?
Không ! Trăm ngàn lần không thể như thế được.
Lạy Chúa Giêsu chịu tử nạn vì con, xin cho con biết yêu mến Chúa thật lòng. Và vì yêu mến Chúa thật lòng mà con nhận ra là con đã dối trá. Xin cho con yêu Chúa suốt đời. Và vì muốn yêu Chúa suốt đời, nên con vui vẻ mà bước đi theo con đường của Chúa: con đường không vương tội lỗi, con đường chịu thương tích, thiệt thòi, chịu đau khổ, và sẵn sàng chịu chết còn hơn phạm tội mất lòng Chúa. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 25.3.2010
(nguồn : huongvedaihoidanchua.net)
(nguồn : huongvedaihoidanchua.net)
LẼ SỐNG 27.3
27 Tháng Ba
Người Vỗ Tay
Một nữ văn sĩ kia thuật lại một kinh nghiệm như sau:
Mỗi khi tôi bị thất vọng với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi thường để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về em bé mang tên Jamie Scott. Jamie mơ ước được đóng một vai trong vở kịch được tổ chức hằng năm tại trường. Ðêm trình diễn vở kịch này là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt của học đường. Mẹ em Jamie cho tôi biết là em để hết tâm hồn vào vở kịch sắp được trình diễn, mặc dầu bà sợ là Jamie sẽ không được chọn để đóng một vai trò nào.
Vào ngày ủy ban phụ trách đêm văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc chọn các diễn viên, tôi theo mẹ Jamie đến trường đón em. Từ xa, chúng tôi đã thấy Jamie chạy nhanh về phía chúng tôi với tất cả niềm vui và phấn khởi được diễn tả qua gương mặt và nhất là qua đôi mắt chiếu sáng lên vẻ tự hào.
Sau khi đã lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những điều sau đây mà tôi luôn giữ trong ký ức để làm bài học cho mình: "Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn để vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích".
Câu chuyện của nữ văn sĩ chấm dứt nửa vời, không một lời giải thích tại sao câu nói của em bé đáng làm bài học cho mình. Nhưng một cách nào đó, câu chuyện trên đây cũng hội tụ vào cùng một ý nghĩa với kinh nghiệm được Ðức Gioan 23 thuật lại như sau:
Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi: "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng". Tôi đã đem áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng.
"Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích". "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng".
Có lẽ hai câu nói và hai kinh nghiệm trên giúp chúng ta phần nào trong việc sống Lời Chúa Giêsu: "Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên".
Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác với tính tự cao, tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi, đức khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trủng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trủng thấp dưới chân đồi.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 26.3
26 Tháng BaÐời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.
Mua Nghĩa
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".
"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".
Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.
Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:
- Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.
- Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.
- Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.
- Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.
- Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
KINH MÂN CÔI
Hồi ấy ở Florence, có một người phụ nữ tên là Bênêđicta. Cô sống một cuộc đời vô cùng thác loạn gây biết bao cớ vấp phạm cho nhiều người trong thành. Nhưng thật may cho cô, hôm ấy Thánh Đa Minh ghé đến Florence để giảng thuyết. Khi nghe biết có vị Thánh đến giảng đạo, Bêneđicta vì hiếu kỳ nên cũng đến Nhà Thờ xem thử. Nào ngờ đâu, khi Thánh Đa Minh bắt đầu rao giảng, thì bất chợt cô không còn thấy ngài nữa. Cô chỉ thấy chính Chúa Giêsu đứng trên tòa thao thao thuyết giảng. Chúa cũng cho cô thấy tất cả tội lỗi của cô - những tội đáng làm cho cô phải sa hỏa ngục ngàn lần. Thế nhưng, vì lòng từ bi nhân hậu của Chúa, Ngài vẫn còn ban thêm cơ hội cho cô để cô ăn năn hối cải quay về cùng Ngài. Lúc bấy giờ, Bênêđicta liền nhìn ra các tội lỗi của mình đã phạm và cảm biết được tình yêu của Chúa đối với cô như thế nào. Tình yêu thương của Ngài dành cho cô thật vô bờ bến. Cô xúc động quá nên đi tìm một nơi thanh vắng mà khóc lóc ăn năn tội mình. Rồi sau đó, cô đến xin xưng tội với Thánh Đa Minh. Sau khi ban phép Giải Tội, Ngài truyền cho cô lần hạt Mân Côi làm việc đền tội.
Ngày tháng trôi qua, ngựa quen đường cũ, Bênêđicta trở lại với cuộc đời tội lỗi xưa. Nghe biết vậy, Thánh Đa Minh liền đi tìm gặp cô để khuyên cô trở về với Chúa mà đi xưng thú tội. Thế nhưng cô vẫn cương quyết không ăn năng thống hối. Lúc ấy, thấy cô quá cứng lòng, Thánh Đa Minh nâng tâm hồn lên khẩn cầu cùng Chúa. Chỉ trong phút chốc, Chúa hiện đến tại đó đứng trước mặt cô. Chúa mmở mắt cho cô thấy hỏa ngục. Rồi chỉ cho cô biết ao linh hồn đã vì cô mà phải sa vào lửa hỏa hào muôn kiếp. Họ đau đớn rên xiết trong lửa đời đời. Bấy giờ, Chúa Giêsu cũng mở một quyển sổ ghi chép từng tội lỗi mà cô đã phạm. Nhất là những gương mù, gương xấu của cô đã làm cho nhiều người phải sa ngã. Mùi hôi thối nồng nặc từ quyển sổ tội xông lên khiến cô phải buồn nôn. Thấy tội lỗi mình quá ghê tởm, cô phát run lên mất hết cả tinh thần. Bỗng chốc cô thấy mình như đang rơi xuống một vực sâu thăm thẳm. Cô rơi xuống mỗi lúc một nhanh hơn. Lúc bấy giờ, không còn biết phải làm gì nữa, cô chợt nhớ đến chuỗi Kinh Mân Côi mà Thánh Đa Minh đã rao giảng. Cô dồn hết tâm sức cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Vừa thốt lên câu "Kính Mừng Maria, đầy ơn phước..." thì thân cô dừng lại lơ lững giữa không trung. Đức Mẹ hiện đến mà bao che bênh đỡ cho cô trước Toà Thiên Chúa. Mẹ xin Chúa cho cô thêm thời giờ để ăn năn đền tội. Bỗng chốc, cô trở về hiện tại đối diện với Thánh Đa Minh. Lần này, cô dốc lòng ăn năng thống hối và đi xưng tội.
Sau thị kiến hỏa ngục ấy, đêm nào Bênêđicta cũng đều bị quyển sổ kia ám ảnh. Mùi hôi thối của nó vẫn cứ vương vấn trên mình cô. Không cách nào cô có thể tẩy sạch được mùi tanh hôi ghê tởm ấy. Vì vậy cô ngày đêm van xin cùng Đức Mẹ cứu giúp. Một hôm, cô đến Nhà Thờ quỳ trước ảnh Đức Mẹ và thiết nguyện xin: "Mẹ ơi, vì những tội ác tày trời của con, con thật đáng phải sa xuống tận đáy hỏa ngục. Nhưng vì lòng nhân từ của Mẹ, Mẹ đã xin cho con thêm thời gian để con ăn năn đền tội. Và chính Mẹ đã cứu vớt con khỏi sa hỏa ngục. Mẹ ơi, nay con đến nài xin Mẹ một ân huệ khác nữa. Lạy Mẹ Maria rất nhân từ, xin Mẹ dủ lòng thương xoá đi hết tất cả những tội lỗi tanh hôi đã ghi chép trong quyển sổ của Chúa Giêsu. Con hứa rằng cuộc đời còn lại, con sẽ ăn năng đoạn tuyệt với tội lỗi của con. Con cũng xin tận hiến toàn thân con cho Mẹ."
Vừa dứt lời nguyện, thì Đức Mẹ Maria đã hiện ra trước mặt cô. Đức Mẹ khuyên dạy: "Benêđicta, con ơi! Con muốn được xoá sạch mọi tội nhơ trong quyển sổ của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, thì con phải ghi nhớ và làm theo những điều sau đây:
Thứ nhất, con hãy luôn xét mình và nhớ lại những tội ác con đã phạm đáng làm con sa hoả ngục đời đời.
Thứ hai, con hãy luôn nhớ đến Lòng Thương Xót của Chúa. Vì Lòng Thương Xót ấy đã cứu độ con.
Thứ ba, con hãy luôn suy ngắm về sự Thương Khó của Chúa Giêsu - nhất là suy gẫm những vết thương Chúa đã phải lãnh chịu trên thân mình thay cho con, vì tội lỗi con và vì thương yêu con.
Thứ tư, con hãy luôn nhớ rằng có nhiều người phạm tội ít hơn con mà đã phải mất linh hồn. Trong khi đó, tội của con không những nặng nề và lại còn ngập đầy trong sổ tội, thế mà con vẫn được cứu."
Lúc bấy giờ, Đức Mẹ tỏ cho Bênêđicta thấy một em bé tám tuổi sắp phải sa hỏa ngục chỉ vì một tội trọng mà thôi. Nếu em biết khẩn cầu cùng Đức Mẹ, chắc chắn em sẽ được cứu. Đức Mẹ cho Bênêđicta thấy rằng Chúa rất nhân từ đối với ai sùng kính và mến yêu Mẹ Ngài. Xong, Đức Mẹ dạy tiếp: "Và điều cuối cùng con hãy ghi lòng tạc dạ: con đã được cứu vì con đã nài xin Mẹ dủ tình thương con. Vậy từ nay hằng ngày con hãy nhớ lần hạt Mân Côi. Vì chính chuỗi Kinh Mân Côi tẩy sạch mọi tội lỗi của con trong sổ phán xét của Chúa." Đoạn Đức Mẹ biến đi để lại cô một mình.
Lúc bấy giờ, Bênêđicta dốc lòng trung thành tuân giữ những gì Đức Mẹ truyền dạy. Rồi một ngày kia, Chúa Giêsu hiện ra với Bênêđicta. Trên tay cầm quyển sổ tội của nàng, Ngài mở ra rồi nói: "Con có thấy không! Quyển sổ này nay hoàn toàn tinh sạch. Tất cả mọi tội lỗi của con đã được xoá hết. Ấy vì con mến yêu Mẹ Thánh của ta và năng lần hạt Mân Côi. Từ bây giờ, con hãy ghi vào đó những việc lành phúc đức con làm."
Vâng lênh Chúa Giêsu và đức Mẹ Maria, Bênêđicta đã tận hiến cuộc đời cho Chúa. Cô chọn sống một cuộc đời thánh thiện. Ngày ngày, cô rèn luyện các nhân đức và dùng chuỗi Kinh Mân Côi để liên lỉ tạ ơn Đức Mẹ đã cứu cô và cô cũng không quên cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong luyện ngục. Cuối cùng, Bênêđicta được Chúa gọi về trong ân sủng thánh thiện.
Trích sách Mầu Nhiệm Ánh Quang Năm Sự Sáng
LM. Michael Joseph Trường Luân
(Sent by G.htc)
Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 25.3
25 Tháng BaMột người hà tiện, bủn xỉn kia có thói quen giữ tất cả vàng bạc và những vật quý giá trong một chiếc hầm bí mật tự tay ông ta lén lút xây cất dưới nền nhà.
Căn Hầm Bí Mật
Một ngày kia, như thường lệ, ông ta lẻn xuống hầm để ngắm những vật quý, nâng niu những thỏi vàng và những dây chuyền, những cà rá nạm kim cương, hột xoàn to bằng những hạt đậu. Rủi thay, vì vô ý gài cửa không kỹ, nên bộ phận bí mật vụt bật lên đóng sầm chiếc cửa cực kì kiên cố lại, chắn lối ra duy nhất.
Dĩ nhiên không ai trong nhà biết về chiếc hầm bí mật. Vì thế, mọi người đã bỏ cuộc sau khi lục lạo tìm kiếm ông ta mọi nơi trong nhà cũng như mọi gốc cây, bụi kiểng ngoài vườn.
Sau một thời gian dài chờ đợi nhưng không nghe thấy tăm hơi của ông ta ở đâu, người ta quyết định bán căn nhà. Người chủ nhà mới có ý định sửa chữa lại một vài căn phòng của ngôi nhà và trong khi các người thợ nề đập một bức tường, người ta khám phá ra cánh cửa bí mật ăn thông xuống chiếc hầm. Khi những ngọn nến được thắp lên, người ta không khỏi sợ hãi thấy bộ xương của một người đang ngồi bên cạnh một chiếc bàn con với một số vàng bạc, kim cương bị quăng tung tóe xung quanh. Có dấu hiệu cho thấy là thậm chí người chết đã phải ăn một cây nến trước khi bị chết đói.
"Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, khốn cho các ngươi là những người tự cho mình là an toàn trên núi Samaria".
Lời chúc dữ những người giàu có bất nhân và kiêu căng trên của tiên tri Amos cũng như những lời Chúa Giêsu chúc dữ những kẻ giàu trong Tin Mừng không phải là những lời lên án tiền bạc và của cải cách chung. Nhưng đây là những lời nêu lên sự nguy hiểm của quan niệm kiêu hãnh, của tính tự cao, tự đại và nhất là thái độ và nếp sống ích kỷ, dửng dưng không để ý đến những người nghèo khổ đang sống bên cạnh. Ðây là thái độ và nếp sống thường thấy nơi những người giàu có.
Mahatma Gandhi, người đã đưa dân tộc Ấn Ðộ đến nền độc lập khỏi ách thống trị của Anh quốc đã tuyên bố một tư tưởng cách mạng có thể đổi mới xã hội: "Trong hoàn cảnh đói khổ của những người đồng bào, đồng chủng, nếu ta giữ một vật gì mà ta không cần dùng đến ngay bây giờ thì đó là những của chúng ta ăn cắp".
Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tinh thần liên đới và sự sẵn sàng chia sẻ cơm ăn áo mặc cho những người cần đến là những ngọn đuốc sáng, là những đức tính giúp người Kitô chúng ta đóng trọn vai trò men trong bột ở giữa xã hội chúng ta đang sống.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010
HIỆP THÔNG
HIỆP THÔNG
Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :
Cụ Cố PHANXICÔ XAVIÊ LƯU TRUNG
Sinh năm 1919
Sinh năm 1919
Thân phụ ông Lưu Quang Sự
Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Thuận Phát
đã an nghỉ trong Chúa lúc 02 giờ 00,
ngày Thứ Tư 24.3.2010,
tại tư gia : thôn Vĩnh Trung, xã Cam An,
thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà,
thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà,
hưởng thọ 92 tuổi.
Nghi thức tẩm liệm
lúc 05 giờ 00 ngày Thứ Năm 25.3.2010.
Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo Xứ Vinh Trang,
Giáo Hạt Cam Ranh, Giáo Phận Nha Trang,
lúc 04 giờ 00, ngày Thứ Sáu 26.3.2010.
Sau đó mai táng tại nghĩa trang Giáo xứ Vinh Trang, Cam Ranh.
Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Cụ Cố PHANXICÔ XAVIÊ sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo
LẼ SỐNG 24.3
24 Tháng Ba
Vững Niềm Tin
Vững Niềm Tin
Vào năm 1856 các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino tại thành phố Roma. Khi đào bới những lớp đất bao phủ một trại lính Roma cổ, trên vách một bức tường, họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao khắc vụng về vào tường. Bên cạnh là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính cây thập giá. Trên cây thập giá có vẽ hình một người, nhưng đầu người ấy là hình một con lừa. Dưới hai hình vẽ, người ta thấy có viết hàng chữ: Alexamenos thờ lạy Chúa của hắn.
Các nhà khảo cổ cho rằng: Có thể bức tranh đã được thực hiện vào những năm 123 đến năm 126. Nếu sự phỏng đoán về niên hiệu này là đúng thì đây có lẽ là hình vẽ thập giá cổ nhất, nhưng lại là hình thập giá bị nhạo báng, chê cười: Nếu Thiên Chúa lại chết trên thập giá thì đây là hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế.
Vào năm 1870, các nhà khảo cổ lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin Kitô tên là Alexamenos. Ở một cột trụ bằng đádựng hình thần Mars tức là vị thần chiến tranh, người ta khám phá thấy được khắc vào đó dòng chữ: "Alexamenos vẫn vững tin".
Vâng, hình ảnh Thiên Chúa chết treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp, yếu đuối, dại khờ. Nhưng Thánh Phaolô đã biện hộ cho hành động có thể gọi được là điên rồ của Thiên Chúa như sau:
"Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với các người được cứu rỗi, tức là chúng ta, thì là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho điều đó là xấu xa, còn các người ngoại giáo thì cho là dại dột. Song với tất cả được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa".
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 23.3
23 Tháng Ba
Cầu Xin và Cảm Tạ
Cầu Xin và Cảm Tạ
Một buổi sáng kia, một cô giáo dạy vườn trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tuyệt đẹp trên chiếc bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em bé nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những chiếc hoa màu vàng lợt và em nói với cô giáo: "Có phải Chúa đã làm ra những bông này không, em muốn gọi dây nói để cảm ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp".
Nếu đất với trời được nối kết với nhau bằng dây điện thoại, thiết nghĩ Thiên Chúa sẽ phải đặt ra hai đường dây: Một đường dây cho những kẻ cầu xin và một đường dây dành cho những lời cám ơn. Và người ta sẽ thấy một đường điện thoại luôn luôn bận rộn. Trong khi đường dây kia thỉnh thoảng mới được dùng đến như một chuyện ngụ ngôn kia thuật lại như sau:
Hai Thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau để đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như những kẻ nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.
Sau một thời gian, hai Thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần nặng như chì, còn chiếc giỏ của Thiên Thần kia có vẻ nhẹ như đựng toàn bông gòn.
"Ông mang gì mà nặng thế?", một Thiên Thần hỏi. Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời: "Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Còn ông, cái giỏ của ông xem ra nhẹ nhàng thế?".
"À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời cám ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài luôn ban cho họ".
Sự thật về hai cái cân nặng nhẹ của những lời cầu xin và những lời cám ơn trên cũng được bài Tin Mừng về 10 người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh thuật lại như sau: Một trong bọn họ thấy mình được làm sạch, bèn quay trở lại lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả 10 người được làm sạch sao? Còn 9 người kia đâu? Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?".
Ðể sống trọn lời Chúa, ước gì cuộc sống chúng ta được diễn ra hằng ngày theo lời khuyên sau đây: Hãy chỗi dậy với tâm hồn thư thái và hãy tạ ơn cho một ngày mới mình được yêu thương.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 22.3
22 Tháng BaMột ngày kia, trái tim, bộ óc và cái lưỡi đồng ý với nhau là sẽ không bao giờ nói những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Trái Tim, Bộ Óc Và Cái Lưỡi
Trái tim phát biểu: "Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm bận rộn ta thôi. Chúng làm cho ta trở nên yếu đuối. Sống trong thời buổi này trái tim phải trở nên cứng rắn, cương quyết, chứ không thể mềm nhũn dễ bị xúc động được".
Bộ óc biểu đồng tình: "Vâng, đúng thế, thời buổi này chỉ có những tư tưởng cao siêu, những công thức tuyệt diệu, những chương trình vĩ đại mới đáng cho bộ óc suy nghĩ tới. Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm mất thời giờ, mà thời giờ là vàng bạc".
Cái lưỡi nghe trái tim và bộ óc nói thế không khỏi hãnh diện và tự cảm thấy mình trở nên rất quan trọng, mặc dù lưỡi chỉ là bộ phận bé nhỏ của thân thể, vì thế lưỡi cũng hội ý: "Hai anh quả thật đã đạt được tột đỉnh của sự khôn ngoan. Nếu hai anh nghĩ thế thì, tôi sẽ chỉ nói những danh từ chuyên môn, những câu nói văn hoa bóng bẩy, những bài diễn văn sâu sắc, hùng hồn".
Như đã đồng ý, kể từ dạo ấy, trái tim chỉ gửi lên lưỡi những lời nói cứng cỏi, bộ óc chỉ sản xuất và gửi xuống lưỡi những tư tưởng cao siêu và lưỡi sẽ không còn nói những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Với thời gian, mặt đất trở nên tẻ lạnh như cảnh vật vào mùa đông: Không có lấy một chiếc lá xanh, không còn một cánh hoa đồng nội và lòng người cũng trở nên chai đá như những thửa ruộng khô cằn, nứt nẻ trong những tháng hè nóng bức.
Nhưng những ông già, bà cả vẫn còn nhớ những lời đơn sơ nhỏ bé. Ðôi lúc miệng họ vô tình bật phát nói ra chúng. Lúc đầu họ sợ bị bọn trẻ chê cười. Nhưng kìa, thay vì cười chê, những lời nói đơn sơ nhỏ bé lại được truyền từ miệng này sang miệng khác, từ bộ óc này đến bộ óc khác, từ trái tim này qua trái tim nọ. Cuối cùng, chúng xuất phát như những chiếc hoa phá tan lớp tuyết giá lạnh để ngoi lên làm đẹp cuộc đời.
Câu chuyện trên không tiết lộ những lời đơn sơ nhỏ bé là gì, nhưng chúng ta có thể đoán: đó có thể là hai chữ: "Xin lỗi!", thốt lên để xin nhau sự tha thứ.
Hay đó là lời chào vắn gọn: "Mạnh giỏi không?" đồng nghĩa với câu hỏi: "Tôi có thể làm gì được cho anh cho chị không?".
Nhất là hai tiếng : "Cám ơn!" thốt lên chân thành từ cửa miệng của những kẻ được giúp đỡ, của những con người mang công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hay của những vợ chồng trung tín chia sẻ với nhau những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống hoặc của những người được bạn bè đỡ nâng sau những thất bại ê trề hay sau những lần vấp ngã.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010
TĨNH TÂM GIỚI TRẺ MÙA CHAY 2010
THÁNH LỄ TĨNH TÂM GIỚI TRẺ MÙA CHAY 2010
Chúa Nhật 21-3-2010 vào lúc 19g00 Thánh Lễ Tĩnh Tâm dành cho giới trẻ Giáo Xứ Thuận Phát do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sàigòn dâng Thánh Lễ và giảng. Các bạn trẻ tham dự khá đông.
Mời các bạn NGHE BÀI GIẢNG (xin kéo thanh trượt bên phải để chon bài nghe).
Sau Phép Lành cuối Lễ hai bạn trẻ đại diện cho giới trẻ Giáo Xứ Thuận Phát nói lời cám ơn Cha và trao tặng Cha bó hoa tươi để tỏ lòng tri ân Cha đã không quản ngại đường xá xa xôi, đã bớt thời gian nghỉ ngơi quý báu để đến dâng Thánh Lễ và chia sẻ tâm tình thống hối Mùa Chay, lòng thương yêu tha thứ, mở đường chỉ lối cho các bạn trẻ con đường quay trở về với Thiên Chúa Tình Yêu luôn luôn chờ đón những đứa con tội lỗi trở về và tha thứ tất cả.
Đại diện giới trẻ cũng không quên cám ơn Cha Sở, Quý Soeur đã quan tâm đặc biệt đến giới trẻ nên Cha đã cất công mời Cha khách đến dâng Thánh Lễ và giảng Tĩnh Tâm giúp cho các bạn trẻ dọn tâm hồn xứng đáng để đón nhận Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh. Sau Thánh Lễ các bạn trẻ đã ngồi lại sinh hoạt chung khoảng 30 phút.
Ban Mục Vụ Giới Trẻ Thuận Phát mời gọi các bạn trẻ tham gia các hoạt động của Giáo Xứ trong dịp Đại Lễ Mừng Chúa Phục Sinh sắp tới và tham gia chương trình Đại Hội Giới Trẻ. 20 giờ 45 chương trình kết thúc.
Xem thêm hình TẠI ĐÂY.
Hữu Toàn tường trình .
LẼ SỐNG 21.3
21 Tháng Ba
Hãy Ðếm Những Vì Sao!
Hãy Ðếm Những Vì Sao!
Trong cuốn truyện thuộc loại tự thuật, một người cha ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây:
Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: "Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có mấy ngôi sao". Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm, dễ mến của con tôi bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4... rồi tôi chú tâm vào việc đọc báo, không còn để ý đến những tiếng đếm của nó nữa. Ðến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm: 223, 224. Ðếm đến đây nó ngừng lại quay sang tôi bảo: "Bố ơi, con không dè trên trời có nhiều sao đến thế".
Nghe con bình luận như trên, tôi chợt nhớ: Thỉnh thoảng tôi cũng thầm nói với Chúa: "Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa ban". Và càng đếm hình như trái tim tôi càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu nhưng vì bị nhiều hồng ân đè nặng. Và tôi cũng thường bật lên lời bình luận như đứa con gái của tôi: "Lạy Chúa, con không dè đời con có nhiều ơn Chúa đến thế!"
Một trang nhật ký kia cũng mang một nội dung tương tự như những tư tưởng trên: Nếu có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.
Một trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên Chúa là những vật quý giá hơn vàng.
Nhiều người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)