Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN NĂNG: THƯ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN - HÃY NẮM GIỮ NIỀM HY VỌNG DÀNH CHO CHÚNG TA


TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 31-08-2021

Thư gửi gia đình Tổng giáo phận
HÃY NẮM GIỮ NIỀM HY VỌNG 
DÀNH CHO CHÚNG TA” (Dt 6, 18)

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Người dân Sài Gòn đã qua ba tháng giãn cách xã hội, từ nghiêm ngặt tới rất nghiêm ngặt, hy vọng sớm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Chúng ta mong đợi từng ngày, nhưng tới hôm nay tình hình vẫn còn nguy cơ rất cao. Số ca lây nhiễm vẫn tăng lên, nhất là trong tháng 7 và tháng 8, và vì thế từ mấy tuần qua, con số tử vong mỗi ngày là vài trăm. Dịch bệnh kéo dài, rất nhiều gia đình ngày càng thiếu tiền bạc, thiếu của ăn. Virus đã vào trong nhà chúng ta và cướp đi sinh mạng những người thân yêu. Khó khăn thử thách giờ đây không còn chỉ là phương tiện y tế, là tài chánh, là lương thực, nhưng còn là những đau khổ tâm lý và tinh thần vì những người thân yêu nhiễm bệnh, vội vã ra đi mà vẫn chưa được hỏa táng, và sẽ trở về trong phận bụi tro.

Đã có những linh mục bị nhiễm và tử vong. Nhiều cộng đoàn dòng tu đã có các tu sĩ lây nhiễm, đến nay nhiều người đã khỏi, nhưng cũng có nhiều tu sĩ đã lặng lẽ ra đi. Nhiều giáo xứ có 10, 20 người tử vong. Riêng giáo xứ Bình An trong hai tháng qua đã có 70 người qua đời vì Covid-19. Có khi 2, 3 người trong một gia đình đã chết, có gia đình 2 người chết trong một ngày, có gia đình không còn một ai! Làm sao lòng chúng ta không quặn đau khi chứng kiến những cảnh đau thương này. Làm sao chúng ta có thể cầm lòng khi nhìn thấy trẻ thơ còn lại một mình vì cha mẹ anh chị đã mất vì Covid!

“Một bộ phận đau, thì toàn thân cùng đau” (1Cr 12, 26). Gia đình Tổng giáo phận hiệp thông với các bệnh nhân đang chịu đựng những đau đớn thử thách về thể xác cũng như tinh thần. Chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau buồn với quí cha, các dòng tu, các giáo xứ và các gia đình đã mất những người thân yêu. Chúng ta quặn đau, chúng ta khóc, như chính Chúa Giêsu đã “quặn đau” khi đứng trước quan tài của con trai bà góa thành Naim, như Chúa đã khóc trước nấm mộ của Lazarô.

Anh chị em rất thân mến, trước những đau thương của bệnh tật, nghèo đói, chết chóc, chúng ta hãy truyền đi một thông điệp: Đừng để mất niềm hy vọng. “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1, 3-5).

Những ai vừa mất cha mẹ, mất vợ mất chồng, mất con cái hay anh chị em, xin hãy an tâm, hằng ngày tôi và các linh mục vẫn dâng lễ cầu nguyện đặc biệt cho những người thân của anh chị em cũng như cho tất cả mọi người đã qua đời vì Covid-19. Tôi ao ước trong giờ kinh tối, các gia đình đều vang lên lời kinh “Vực sâu” cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Người hấp hối không được lãnh các bí tích sau hết, người chết không được cử hành nghi thức an táng, đối với chúng ta quả thực là mất mát to lớn. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vô cùng lớn lao, đâu có bị giới hạn vào việc làm của con người.

Những ai vừa mất hết người thân, nay còn lại một mình cô đơn không có ai để nương tựa, xin hãy an tâm. Các cha xứ cùng với cộng đoàn giáo xứ có trách nhiệm chăm lo cho anh chị em, nhất là lo cho những em mồ côi được nuôi dưỡng, học hành và được giáo dục chu đáo.

Những ai bệnh tật, đau khổ, nghèo đói…, xin hãy an tâm và đừng để mất niềm hy vọng. Tình hiệp thông Giáo hội luôn ôm ấp và đồng hành với anh chị em. Xã hội đã huy động toàn bộ lực lượng để giúp người dân Sài Gòn vượt qua đại dịch. Tình tương thân tương ái của con dân đất Việt sẽ nắm tay dắt dìu anh chị em vượt qua chặng đường gian khổ này.

Ước gì mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa hãy làm tất cả những gì có thể để niềm hy vọng trở thành hiện thực, bằng lời cầu nguyện, bằng sự thăm viếng ủi an, cảm thông khích lệ, giúp đỡ vật chất. Đừng để một ai phải thất vọng vì sự dửng dưng vô cảm của chúng ta. Xin hãy chuyển thông điệp hy vọng này tới tất cả mọi người.

Tương lai sẽ còn nhiều bất ngờ và khó khăn thử thách. “Hãy giữ vững niềm hy vọng”. Nếu bà góa nghèo kêu cầu một thời gian khá lâu mà ông quan tòa không chịu nghe, nhưng cuối cùng ông cũng phải đáp lời, vậy “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn hay sao? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ”. Vì thế, chúng ta “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Chỉ sợ chúng ta đã đánh mất niềm tin (x. Lc 18, 1-8).

Chúng ta hãy nghe lời mời gọi từ Thánh Tâm Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Niềm hy vọng của chúng ta “cắm neo chắc chắn vững vàng” nơi mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Đức Kitô (x. Dt 6, 19). Đó là bảo đảm để không bao giờ chúng ta phải thất vọng khi bước đi trong đêm tối.

Nguyện xin bình an và ân sủng của Thiên Chúa ở cùng anh chị em, xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ dồi dào năng lượng tình yêu. Xin Mẹ Maria là “Đấng cứu các bệnh nhân, Đấng bầu chữa kẻ có tội và an ủi kẻ âu lo” nâng đỡ và chữa lành nhân loại. Xin thánh Giuse, Đấng bảo vệ Hội Thánh, gìn giữ anh chị em luôn mãi.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục
 
(WGPSG)

MAU VỀ VỚI ANH VÀ CON NHÉ!

MAU VỀ VỚI ANH VÀ CON NHÉ!

TGPSG -- Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh, tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo lắm! Miễn là được biết tin của vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ có thế!”…

Ngồi bên cửa sổ ngắm những hạt mưa rơi, nhâm nhi tách cà phê pha vội sau giờ tan ca, tôi nhớ về một Sài Gòn hoa lệ, tấp nập xe cộ ngược xuôi. Những quán bar, nhà hàng sang trọng hoạt động không có giờ nghỉ. Những đôi bạn trẻ đương yêu nắm tay nhau tung tăng dạo bước trên con phố hoa lộng lẫy. Giọng nói vồn vã trên sóng Radio VOV Giao Thông đưa tin về mật độ xe lưu thông tại các điểm nóng, thỉnh thoảng bị chen ngang bởi những bài hát yêu thích được phát lớn tiếng trên chuyến xe buýt đông người. Những bài thánh ca trong vút, sâu lắng cất lên trong những ngôi thánh đường vào lúc tàn nắng hay sáng bình minh. Một Sài Gòn với những tiếng xe container, xe tải đang tần tảo xình xịch lăn bánh vận chuyển hàng vào lúc rạng đông. Những âm thanh khó nghe từ động cơ tàu bay, xe lửa chạy rần rần đã trở nên quen thuộc tự thuở nào. Tiếng hát karaoke chật nhịp, tiếng nhạc xập xình nhức tai của một giọng ca 'lệ rơi' nào đó đang buông hồn giải tỏa sau những giờ làm mệt mỏi và căng thẳng. Giờ thì còn đâu! Nhớ lắm những lúc kẹt xe, chen cứng người! Những con phố tấp nập giờ trở nên vắng lặng, sâu hút. Những khu chợ giao thương náo nhiệt, giờ đóng cửa ngủ đông im lìm. Những âm thanh ngang tai của một ca sĩ nghiệp dư nào đó được thế bằng tiếng còi réo nhói đau của lớp lớp xe cứu thương đang miệt mài chở bệnh nhân Covid.

Mấy hôm nay, Sài Gòn mưa. Sài Gòn buồn. Sài Gòn rơi lệ như đang thổn thức cho những cuộc chia ly không hẹn ngày về và chào biệt những con người đang âm thầm lặng lẽ ra đi. Con virus bé nhỏ chẳng thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng gây bao tang thương và chia cắt. Sự sống và cái chết mong manh quá! Sinh và tử như không có lằn ranh. Chứng kiến bao người ra đi không kèn trống, không hương hoa, không người thân đưa tiễn, tôi càng thấy đời người ngắn ngủi, phận người mỏng manh. Những bệnh nhân trần trụi đang nằm dài thở máy, chỉ đắp hờ một tấm drap trắng bâng quơ. Họ cố giành giật lấy sự sống từ tay tử thần trong từng nhịp thở yếu ớt. Xót xa thay! Thương lắm! Còn lại gì sau một đời mưu sinh?

Cô H là tiểu thương ở một khu chợ nhỏ Q.5, Sài Gòn. Hằng ngày, trên chiếc xe gắn máy đã xỉn màu, cô lấy hàng từ lúc mặt trời còn chưa kịp nhú lên phía hừng đông, chú gà trống cô nuôi còn chưa kịp test giọng báo hiệu ngày mới. Cô phải lấy sớm để về kịp dọn hàng bày bán. Một mình bươn trải kiếm sống từ nhỏ nên đã rèn nắn cô trở nên cứng cáp hơn. Cô là chỗ dựa kinh tế chính cho cả gia đình.

Chú là thương binh thương tật 41%. Chiến tranh đã cướp đi phần nhiều sức lao động của chú. Cô quen chú trong lần lấy hàng giúp. Hai con tim chạm vào nhau từ lúc nào chẳng hay. Hai mảnh đời rệu rã vội vã va vào nhau bởi họ cần nhau, và vì họ đã thấy mảnh ghép phân nửa của đời mình. Số trời đã định. Họ đến với nhau bất chấp hai bên gia đình ngăn cản.

Những năm đầu của thập niên 90, với số tiền dành dụm được từ bấy lâu và vay mướn ngân hàng, cô chú cũng mua được căn nhà đơn sơ 25m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ gọi là có chỗ trú ngụ để tiện bề buôn bán. Sau 10 năm chung sống, cô sinh được một bé trai kháu khỉnh. Và 2 năm sau, là một bé gái dễ thương. Ngỡ tưởng mọi thứ ổn định, nhưng càng lớn hình như những đứa con của cô không được như những đứa trẻ khác, chúng đều chậm phát triển. Chắc có lẽ là hậu quả của những thương tật và chất độc do chiến tranh gây nên. Sống trong cảnh đó, gạt đi nước mắt, họ vẫn yêu thương nhau và lan tỏa yêu thương ấy cho mọi người.

Rồi đến một ngày, trong những ngày đầu Sài Gòn lâm bệnh, cô đi chợ cất hàng, dọn đồ bày bán như thường lệ. Tối hôm đó, nấu bữa cơm còn đang dở, đột nhiên, cô thấy trong người khó chịu, thân nhiệt cứ nóng dần lên, cổ họng cô khô rát. Ngày một ngày hai, những triệu chứng ấy ngày càng nặng hơn, lại thêm khó nuốt. Chú đưa cô tới bệnh viện. Sau khi test nhanh, cô nhận kết quả dương tính với Covid. Cả nhà lo lắng. Cô được vô Bệnh viện Ung Bướu Cơ sở II - nơi được trưng dụng để điều trị các Bệnh nhân nhiễm Covid. Mấy ngày đầu còn khỏe, cô vẫn hay gọi video về cho chú và hai đứa con lớn ngây dại. Họ cười nói và động viên nhau giữ gìn sức khỏe. Không quên nhắc nhau năng xúc miệng và rửa mũi bằng nước muối ấm. “Nhớ uống nhiều nước để tống khứ con virus xuống dạ dày, để tránh nó làm tổ và ủ trong cổ họng rồi chui vô phổi. Nhớ đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi nhận đồ ăn và tiếp xúc với người khác.” - Cô nhắc kỹ chú và các em những điều ấy vì chính cô đã lơ là và đã nhiễm bệnh từ nguồn lây nhiễm đó.

Cô vô đây, chú và các em không được gặp. Bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên là người nhà của cô tự bao giờ. Thay vì chiếc xe gắn máy cũ kỹ, cái sọt đồ hàng rỉ sắt, chiếc mũ bảo hiểm trầy xước bạc màu, thì mớ dây rợ, máy móc, ống thở là những vật dụng dần trở nên quen thuộc với cô. Lúc còn tự thở, cô cũng thường hay kể cho chú nghe về cô được mọi người nơi đây yêu thương, hỏi thăm và chăm sóc ra sao.

Nhưng đã hơn tuần nay, chẳng còn cuộc gọi nào reo lên từ số Vợ yêu đều đặn 8g hay 21g như những ngày trước nữa. Chú bồn chồn lo lắng, trong lòng cứ rạo rực như có một điều gì đó không hay xảy ra. Đúng là cô đã được chuyển xuống khoa ICU - khoa Hồi sức Tích cực chăm sóc những bệnh nhân nặng và rất nặng từ hôm đó.

Giờ đây, cô nằm trong phòng này, thứ âm thanh quen thuộc là những tiếng bíp bíp của máy trợ thở, trợ tim đang hoạt động hết công suất hòa lẫn với những tiếng bước chân vội vã của y bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm giúp cô tranh đấu với tử thần. Đúng là con virus quái ác, chúng tấn công và đánh gục hệ miễn dịch hô hấp quá nhanh, nhất là với những người có bệnh nền. Giờ cô đang nằm bất động, được trợ thở bằng máy thở hạng nặng.

Thật ra, chú và tôi liên lạc được với nhau là cả một kỳ tích. Chú đã tìm kiếm bôn ba cùng khắp để kiếm thông tin về cô, chỉ một tuần thôi mà ngỡ dài như cả đời. Chú nhờ cả một cô bạn thân bên Mỹ liên hệ với một người quen làm ngành y ở Việt Nam để tìm kiếm thông tin. Tạ ơn Chúa! Qua mấy số liên lạc, cuối cùng, chú và tôi liên hệ được với nhau.

Tiếng chuông điện thoại reo. Một số máy lạ gọi tới. Quẹt nút xanh, tôi nghe giọng nói run run từ đầu đây kia vang lên: “Chào thầy, con là chồng của bệnh nhân V.T.K.H. Nếu thầy có gặp vợ con thì cho con biết tình hình sức khỏe của vợ con nhé! Đã hơn tuần nay con không được thấy vợ con rồi. Con lo lắm! Miễn là được biết tin của vợ con, mọi thứ giờ với con chỉ có thế!”…

Đúng là giờ này, với chú, chẳng còn gì quý hơn là tình yêu, vì người mình yêu mà phải lao lực tìm kiếm, không ngưng nghỉ thì cũng đáng. Cuộc tìm kiếm đó dẫu có chênh chao mờ tối nhưng còn hy vọng là còn nắm, còn giữ, còn kiếm tìm. Quả thật, những lúc gian nan mới thấy tình yêu người ta dành cho nhau được hiển lộ đáng quý dường bao!

Hôm nay, đúng ca trực, tôi xin phép chị điều dưỡng trưởng được gọi video cho chú gặp cô. Gọi là gặp nhưng đâu có nói được câu nào. Chú nhìn cô lặng lẽ với tấm thân trần trụi, cơ thể tiều tụy, tiếng thở yếu ớt cùng với mớ dây rợ chằng chịt quanh người. Tôi nghe thấy chú khóc. Nước mắt của người đàn ông khi chứng kiến "một nửa đời mình" đang nằm thoi thóp mà không thể làm gì hơn. Bất lực. Cổ họng đông cứng. Đôi tay như ngắn lại, như thể càng vươn tới thì càng không thể chạm được. Vô vọng. Lặng nhìn người mình yêu một đời bôn ba, tảo tần, hết mình vì chồng vì con vì tổ ấm yêu thương giờ đây đang ngã quỵ mà nuốt từng nỗi đau. Tôi nghe tiếng nấc nghẹn vội vã, dồn dập không thành câu:

“Em ráng khỏe nhé! Đừng lo cho anh và hai con. Anh và con tự chăm sóc cho mình được. Yên tâm. Hai đứa vẫn khỏe. Anh cũng khỏe. Mau về với anh và con nhé! Cả nhà chờ em!”

Nghe những lời này, tim tôi quặn thắt. Đôi dòng nước mắt rơi tự thuở nào hòa lẫn với những giọt mồ hôi lăn dài trên má trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Chắc cô cũng nghe được những lời ấy, mắt cô ngấn lệ. Bế tắc thật sự! Tôi chẳng biết phải làm gì khi chứng kiến cảnh ấy. Tôi trân người nhìn cô hồi lâu rồi lấy khăn ướt lau mặt cho cô và nắm tay cô một cái thật chặt. Tôi thầm khẩn cầu cùng Chúa cho cô và gia đình được bình an đón nhận mọi thử thách dù chẳng biết tương lai sẽ thế nào. Và khẽ nói gần tai cô:

"Cô ơi! Chú và hai em đang đợi cô! Họ đang rất nhớ cô! Mau khỏe, cô nhé!"

Phóng tầm mắt nhìn trời, Sài Gòn giờ đã tạnh mưa. Những vạt nắng lấp ló sau làn mây đang vươn mình trỗi dậy. Hy vọng hồi sinh!

Thương Sài Gòn, những ngày lâm bệnh! Thương bao cảnh, người đi tìm người! Thương…! 
 
Joseph Vulo
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 31.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 31.8.2021

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Ba, ngày 31.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 30.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 22 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 30.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ỦY BAN PHỤNG TỰ: VỀ CỬ HÀNH BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN VÀ NGHI THỨC AN TÁNG TRONG HOÀN CẢNH DỊCH BỆNH


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ

Ngày 29 tháng 8 năm 2021
 
VỀ CỬ HÀNH BÍ TÍCH
XỨC DẦU BỆNH NHÂN VÀ NGHI THỨC AN TÁNG
TRONG HOÀN CẢNH DỊCH BỆNH
 
Ủy Ban Phụng Tự đã nhận được những câu hỏi của một số linh mục, tu sĩ và thiện nguyện viên muốn giúp đỡ phần thiêng liêng cho các bệnh nhân Công giáo trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng tôi xin trình bày những điều có thể thực hiện không chỉ trong lĩnh vực phụng vụ, nhưng bao hàm cả nội dung của việc đồng hành thiêng liêng với các bệnh nhân.
  1. Khi một tín hữu nhiễm bệnh truyền nhiễm (như COVID-19) và phải nhập viện hoặc cấp cứu mà không kịp nhận lãnh các bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân cần phải làm gì để dọn mình chết lành?
  2. Khi chăm sóc bệnh nhân đang hấp hối (hoặc được dự đoán sẽ tử vong) mà không có linh mục thì có thể làm gì để giúp bệnh nhân về phần thiêng liêng?
  3. Khi một bệnh nhân COVID-19 đã qua đời trong bệnh viện mà không có người thân bên cạnh, cũng không thể mời thừa tác viên có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục) đến cử hành các nghi thức thì sao?
Vấn đề được đặt ra liên quan đến 3 việc:
  • Dọn mình chết lành
  • Cử hành và lãnh nhận các bí tích sau hết
  • Cử hành nghi thức An táng
1. Dọn mình chết lành
 
Các tín hữu vẫn được nhắc nhở phải luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa vào bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, các bệnh nhân, đặc biệt những người đã nhiễm COVID-19, càng cần đến sự ý thức nơi chính bản thân, sự nâng đỡ của Hội Thánh và anh chị em trong việc chuẩn bị cho giây phút đến trước tòa Chúa.
 
Thuật ngữ “dọn mình chết lành” chính là lời nhắc nhở các bệnh nhân về ý hướng chủ yếu trong tâm tình cầu nguyện và thái độ sẵn sàng của những người tin vào sự sống vĩnh cửu đời sau. Vì thế, nếu không gặp được linh mục để lãnh Bí tích Hòa giải thì:
 
- Bản thân người tín hữu:
 
+ thành tâm ăn năn tội cách trọn, sau khi xét mình, nhớ lại các tội đã phạm, nhất là những tội chưa được xưng thú qua Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, phải tránh tâm trạng bối rối, ngã lòng, vì không có tội nào mà Chúa không tha thứ khi chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa.
 
Có thể đọc lời kinh sau đây hoặc tương tự: 
 
“Lạy Chúa, con thành tâm thống hối vì đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa. Con chê ghét các tội lỗi đã phạm, con đau buồn vì đã xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của con, Đấng đầy lòng tốt lành và là Đấng con phải luôn trọn tình yêu mến. Amen.” 
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu bạn làm những điều đó, bạn sẽ trở về ngay với ơn của Chúa. “Chính bạn có thể nhận được ơn tha thứ của Chúa khi không thể gặp được linh mục. Hãy nhớ: “Đây là lúc”, và ngay chính lúc này, việc Ăn Năn Tội Cách Trọn, được thực hiện với lòng thành, sẽ làm tâm hồn chúng ta trở nên trắng như tuyết.” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay, 20.3.2020)
 
+ rước Chúa cách thiêng liêng, khi nhớ đến Chúa vào bất cứ lúc nào trong ngày.
 
Có thể dùng lời kinh sau đây hoặc tương tự:
 
“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen.”
 
- Người thân trong gia đình hoặc thiện nguyện viên đang giúp đỡ bệnh nhân: an ủi, cùng cầu nguyện, gợi ý và thông hiệp trong tâm tình thống hối, rước Chúa cách thiêng liêng, lãnh ơn Toàn xá ... 
 
Theo hướng dẫn của Tòa Ân giải (văn thư ngày 20.3.2020) có những ân xá đặc biệt trong đại dịch:
 
Để giúp các bệnh nhân COVID-19, những người đang thực sự sống trong mầu nhiệm đau khổ, có thể nhận ra một lần nữa “cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Đức Kitô” (Salvifici Doloris, 30), Tòa Ân giải, do thẩm quyền Tông Tòa, tin tưởng vào lời Chúa Kitô và nhận định trong tinh thần đức tin đối với đại dịch hiện nay, được sống thời điểm này trong tâm tình thống hối cá nhân, nay thuận ban các ân xá theo những quy định sau đây.
 
Các tín hữu đã [nhiễm COVID-19], những người đang bị cách ly trong các bệnh viện hay tại tư gia theo quyết định của thẩm quyền y tế, được lãnh ơn Toàn xá khi quyết tâm từ bỏ tội lỗi và hợp ý qua các phương tiện truyền thông để tham dự cử hành Thánh Lễ, đọc kinh Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá hay những thực hành đạo đức khác, hoặc ít là đọc một kinh Tin kính, một kinh Lạy Cha và một lời khẩn cầu với Đức Trinh Nữ Maria, dâng cơn đau bệnh trong tinh thần đức tin hướng về Chúa và đức ái hướng đến anh chị em tha nhân, với ý định sẽ chu toàn sớm hết sức có thể những điều kiện thông thường để lãnh ân xá (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) ngay sau khi khỏi bệnh.
 
Ơn Toàn xá cũng được ban theo những điều kiện nói trên, cho các nhân viên y tế, người nhà của bệnh nhân và tất cả những ai, theo gương người xứ Samaria nhân hậu, tự nguyện chấp nhận nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đang chăm sóc cho những bệnh nhân COVID-19, như lời Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
 
Trong cơn đại dịch toàn cầu hiện nay, Tòa Ân giải cũng sẵn lòng ban ơn Toàn xá theo những điều kiện nói trên, cho các tín hữu dâng những giờ viếng, giờ chầu Thánh Thể, đọc Thánh Kinh ít là trong 30 phút, đọc kinh Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá, lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót, để khẩn cầu Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt đại dịch này, nâng đỡ những người nhiễm bệnh và ban ơn cứu rỗi muôn đời cho những kẻ đã được Chúa gọi về bên Chúa.
 
Hội Thánh cầu nguyện cho những ai không thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và rước Của Ăn đàng, trong mầu nhiệm các thánh thông công, Hội Thánh phó dâng tất cả và từng người cho lòng Chúa Thương xót, đồng thời ban ơn Toàn xá cho các tín hữu trong giờ lâm tử, miễn là những người ấy đã chuẩn bị tâm hồn cách thích đáng và đã đọc một ít kinh nguyện khi còn sống (trong trường hợp này Hội Thánh sẽ bù đắp cho ba điều kiện thông thường để lãnh nhận ân xá). Cần lãnh nhận ân xá này trước tượng Chúa chịu đóng đinh hoặc Thánh Giá (x. Enchiridion indulgentiarum, số 12).
 
2. Cử hành và lãnh nhận bí tích Hòa giải, Thánh Thể và Xức dầu bệnh nhân
 
 
“Nếu bất ngờ xảy ra nhu cầu phải ban bí tích tha tội cho nhiều tín hữu cùng lúc, linh mục buộc phải báo trước cho giám mục giáo phận ngay khi có thể hoặc, nếu không thể, phải báo lại cho ngài càng sớm càng tốt (x. Ordo Paenitentiae, 32).
 
Do đó, trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch hiện nay, giám mục giáo phận có bổn phận chỉ dẫn các linh mục và hối nhân những điều cần lưu tâm và áp dụng cách thận trọng khi cử hành Bí tích Hoà giải cá nhân, chẳng hạn như có thể cử hành ở một nơi thông thoáng bên ngoài tòa giải tội, giữ khoảng cách phù hợp, sử dụng khẩu trang bảo vệ, miễn là không làm phương hại đến mối quan tâm bảo vệ tuyệt đối ấn tín toà giải tội và sự kín đáo cần thiết.
 
Hơn nữa, trong từng địa giới liên quan đến mức độ ảnh hưởng dịch bệnh, các giám mục giáo phận luôn có thẩm quyền và bổn phận xác định các trường hợp khẩn thiết nghiêm trọng nào được giải tội tập thể cách hợp pháp: ví dụ, khi các tín hữu nhập viện vì nhiễm bệnh với nguy cơ tử vong, cho phép sử dụng các phương tiện âm thanh (hoặc tăng âm) thích hợp để (các) hối nhân có thể nghe được lời xá giải.
 
Khi cần thiết, cần thỏa thuận với các cơ quan y tế, xem xét đến nhu cầu và phương thức thích hợp để thành lập các nhóm “tuyên uý bệnh viện ngoại thường”, để bảo đảm việc trợ giúp thiêng liêng cần thiết cho người bệnh và người hấp hối. Cũng lưu ý đến nguyên tắc tự nguyện và tuân thủ các quy tắc đề phòng lây nhiễm.
 
Trường hợp cá nhân tín hữu thấy mình trong cơn đau đớn không thể lãnh Bí tích Hòa giải, thì nên nhớ rằng khi ăn năn tội cách trọn, vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thể hiện bằng lời chân thành xin ơn tha thứ (mà hiện tại hối nhân có thể bày tỏ) cùng với lòng ước ao xưng tội [votum confessionis], nghĩa là quyết tâm đi xưng tội, càng sớm càng tốt, thì đã được tha tội, kể cả tội trọng (x. GLHTCG, 1452).”
 
3. Cử hành nghi thức An táng
  • Nếu không có linh mục và phó tế, giáo dân có thể chủ sự các nghi thức, tại nhà tang và nghĩa trang, như canh thức cầu nguyện cho người quá cố, nhập quan, từ biệt (xem Nghi thức An táng, Những điều cần biết trước, số 19)
  • Khi nhận tin báo tử, gia đình và cộng đoàn tín hữu, với lời kêu gọi của vị mục tử trong giáo xứ, dù không có thi hài người vừa qua đời, cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ tang gia, thể hiện tình bác ái liên đới chân thành và thiết thực.
Tất cả chúng ta tiếp tục cậy nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ những người trong cơn nguy tử, của Mẹ Maria là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, bàu chữa kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, dâng lên Chúa Giêsu, vị lương y đầy quyền năng và giàu lòng thương xót, những lời khẩn cầu tha thiết trong cơn đại nạn.
 
+Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
Giám mục Giáo phận Bà Rịa,
Chủ tịch Ủy ban Phụng tự