Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

TRONG GIÊSU, CHÚNG TA LÀ TẤM BÁNH

TRONG GIÊSU, CHÚNG TA LÀ TẤM BÁNH

TGPSG -- Sáng nay, đôi bạn trẻ “ship” đồ thiện nguyện hỏi tôi rằng: “Thầy ở đây gần với các bệnh nhân mà thầy không thấy sợ sao?” Thật ra, không chỉ đôi bạn trẻ tốt lành kia mà câu hỏi này tôi đã được rất nhiều người thân quen đặt ra. Có phải các tu sĩ không sợ dịch bệnh? Có phải các tu sĩ dại dột? Để có được câu trả lời, tôi thiết nghĩ, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su trên thánh giá và nơi bí tích Thánh Thể.

Chấp nhận trong vâng phục

Có lẽ các tu sĩ ở tuyến đầu cũng mang trong mình nỗi sợ hãi xen lẫn lo lắng, nhưng họ đã dám chấp nhận. Đúng thật, không phải họ không sợ nhưng họ dám chấp nhận. Đời tu chưa bao giờ là một chọn lựa, một lối sống dễ dàng, nhất là dám can đảm dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất. Và chúng ta thấy, đứng trước khổ hình thập giá, Đức Giê-su cũng đã toát mồ hôi máu, trái tim thổn thức và xao xuyến bồi hồi. Nhưng Ngài đã không trốn chạy, không cay đắng tức giận trách móc một ai. Chúa đã chấp nhận thánh ý Cha, can đảm mang lấy sức nặng của thập giá và hiến mình trở nên của lễ quý trọng dâng lên Chúa Cha tựa hương thơm ngào ngạt (Ep 5,1). Chấp nhận trong tinh thần vâng phục, đó là con đường của Thầy Giê-su và đó cũng là con đường của Ki-tô hữu, và nhất là của những người sống đời thánh hiến.

Chấp nhận trong tình yêu

Chúa Giê-su tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Trong tông huấn Sacramentum Caritatis, ĐGH. Biển Đức XVI viết rằng: “Trong Bí tích Thánh Thể, không phải Chúa Giêsu trao ban “một điều gì”, nhưng Người tự hiến chính mình; Người đã hiến dâng thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thủy của tình yêu này. Người là Chúa Con hằng hữu, được Cha trao ban cho chúng ta” (số 7). Vì tình yêu, Chúa Giê-su trở nên quà tặng, trở nên Bánh ban sự sống vĩnh cửu cho con người. Đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể để được nên một, được ở lại trong tình thương, được thông phần sự sống với Chúa. Chẳng có tấm bánh nào lại hỏi: “Tại sao ông lại ăn tôi?”. Bởi vì, chấp nhận trở thành bánh là chấp nhận cho người ta ăn lấy mình, nghiến lấy mình. Chấp nhận trở thành bánh là chấp nhận thành thức ăn cho cả người tốt lẫn kẻ xấu, cả người thiện lành lẫn đứa bất lương. Trong nhiệm tích Thánh Thể, mỗi lần chúng ta lên đón rước Chúa Giê-su, điều quan trọng chúng ta phải luôn ghi nhớ, đó là không phải chúng ta đã mở lòng đón nhận Chúa trước nhưng là chính Ngài đã chết và đã đón nhận chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5,8 ; 1Ga 4,10). Chúa Giê-su chấp nhận chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Bài học cao trọng mà Chúa Giê-su dạy chúng ta nơi bí tích Thánh Thể chính là bài học chấp nhận trong tình yêu.

Trong Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta là tấm bánh

Có lẽ, sẽ có ai đó thầm trách các tu sĩ thiện nguyện tại sao dại dột đi vào chỗ nguy hiểm như các bệnh viện dã chiến này? Cũng sẽ có ai đó trách các bề trên sao lại “đẩy” đàn em của mình đi vào nơi dịch bệnh như thế này? Xin đừng trách các tu sĩ và các bề trên của họ, bởi vì họ đang sống triệt để ơn gọi dâng hiến của mình – hiến mình cho Chúa và cho tha nhân, theo gương của Thầy Chí Thánh Giê-su. Thật vậy, đời tu không phải là một cuộc sống không tình yêu nhưng ngược lại, họ sống cho một tình yêu trọn hảo, một tình yêu trải rộng không bờ mé. Đời tu không phải sống cho riêng mình nhưng là sống cho thánh ý Thiên Chúa và sống để phục vụ anh chị em mình, nhất là những mảnh đời đau khổ. Chính khi chiêm ngắm và kết hợp với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, tu sĩ được “thúc đẩy trở thành ‘bánh được bẻ ra’ cho người khác, và nỗ lực để xây dựng một thế giới công bằng hơn, huynh đệ hơn” (Sacramentum Caritatis, số 88). Và hơn nữa, không chỉ có các tu sĩ, mà mỗi người Kitô hữu chúng ta “thật sự được kêu gọi cùng với Chúa Giêsu trở thành tấm bánh được bẻ ra cho sự sống trần gian” (Sacramentum Caritatis, số 88).

“Trong Giêsu chúng ta là tấm bánh gọi thế giới sống sẻ chia.
Trong Giêsu chúng ta là yêu thương mời thế giới vui tình người.”
(Nhóm Lửa Hồng)


Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 9 tháng 8 năm 2021
Tu sĩ Giuse Lương Thanh Tùng, C.Ss.R.
(WGPSG)