Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

HABEMUS PAPAM, PHÓNG SỰ NHỮNG GIÂY PHÚT LINH THIÊNG

Xin gửi tới độc giả những nhận định và suy tư trong những giờ phút linh thiêng cuả Giáo Hội, được chứng kiến qua màn ảnh TV và trao đổi cùng với anh chị Trần Vinh ở Dallas.

Một sự bất ngờ

Cả thế giới ngỡ ngàng trước cái tin Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ châu Mỹ Latin và lấy tên là Giáo hoàng Francisco.

Xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha với gương mặt còn ngỡ ngàng, chào đón đám đông dưới Quảng trường Thánh Phêrô bằng tiếng Ý và yêu cầu mọi người giữ một phút thinh lặng để cầu nguyện cho vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Benedict XVI.

"Như các con đã biết, nhiệm vụ của cuộc Mật Nghị là bổ nhiệm một vị giám mục thành Rôma, và có vẻ đối với Cha thì các vị hồng y anh em cuả Cha đã đi đến tận cùng cuả Trái Đất để bốc (fetch ) vị đó lên", Ngài nói. "Nhưng này Cha đây."

Ngài mời gọi các tín hữu tại quảng trường "cầu nguyện cho toàn thế giới". Và Ngài nói thêm: "Cha hy vọng rằng con đường mới này cho giáo hội sẽ có hiệu quả cho việc truyền giáo."

Trước khi ban phép lành cho thành Roma và cho toàn thế giới, Ngài xin giáo dân cầu nguyện và chúc lành cho Ngài trong mấy phút thinh lặng, ngài cúi đầu xuống. Sau đó Ngài mới ban phép lành cho dân chúng.

Trước đó, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran cuả Pháp, vị 'hồng y phó tế' cao cấp nhất, đã công bố "Habemus Papam" (chúng ta có Đức Thánh Cha) và nói tên thật và tên hiệu của vị Tân Giáo Hoàng, cũng bằng tiếng Latin. Nhưng lời nói của ngài hầu như không được ai hiểu, vì danh tính của vị thủ lãnh mới cuả 1.2 tỷ người Công Giáo đã ít được nghe qua.

Trong nhiều ngày qua, người ta đã đưa ra hàng 'tá' tên tuổi cuả các hồng y nổi tiếng có cơ hội trở thành giáo hoàng. Nhưng như câu châm ngôn ở Roma là "Vị nào đi vào Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" lại một lần nữa chứng tỏ là đúng.

Bởi vì mọi người liên hệ tới cuộc Mật Nghị đã thề sẽ không tiết lộ một điều gì xảy ra trong thời gian đó, cho nên sẽ không bao giờ có ai biết chắc sự gì đã thực sự diễn ra. Tất cả chỉ là đồn đoán theo phương pháp suy diễn mà thôi. Tuy thế một số báo chí cũng phỏng đoán là ngay lúc ban đầu các phiếu đã bị chia đều cho ba vị hồng y, Angelo Scola của Ý, Marc Ouellet của Canada, và Odilo Pedro Scherer của Brazil.

Bởi vì không có một khối hồng y đủ lớn để tạo ra số 77 phiếu cần thiết sau 3 vòng phiếu, một ứng viên 'thỏa hiệp' đã được đưa ra vào buổi trưa thứ Tư, là buổi nghỉ ngơi kéo dài gần tới 5 tiếng đồng hồ. Và như vậy, hai vòng phiếu tiếp theo đã kết thúc cuộc Mật Nghị.

Nhân cách

Đức Thánh Cha Francisco (HY Bergoglio,) sinh năm 1936 (76 tuổi), con của một công nhân đường sắt trong một gia đình di cư người gốc Ý di dân sang sống ở Argentina và sinh 5 người con. Ngài là sĩ tử dòng Tên đầu tiên làm Giáo Hoàng, và đã thực hiện toàn bộ sự nghiệp của mình tại quê nhà Argentina.

Ngài nổi tiếng là khiêm tốn, trí tuệ, sống thanh bần và ưu tiên mọi công việc cho người nghèo. Khi được bổ nhiệm hồng y, ngài thuyết phục hàng trăm người quen biết ở Argentina đừng bay qua Rome để ăn mừng với ngài, nhưng thay vào đó dùng số tiền mua vé máy bay đó cho người nghèo.

Lúc làm tổng giám mục Buenos Aires, ngài không ở trong toà giám mục hoành tráng mà sống trong một căn hộ nhỏ, tự nấu cơm lấy, không dùng xe có tài xế mà dùng xe buýt công cộng.

Ngài chưa tùng bị dính dáng vào một vụ bê bối nào (xin xem note *), và được biết từng tuyên bố là việc cải cách giáo triều phải là một ưu tiên.

Tư tưởng

Ngài phản đối quyết liệt quyết định của Argentina hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2010, tranh luận rằng trẻ em cần phải có quyền được nuôi dưỡng và giáo dục bởi một người cha và một người mẹ. Tuy nhiên, ngài có một cái nhìn thực dụng hơn về ngừa thai, cho rằng nó có thể được dùng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật.

Ngài ủng hộ các nỗ lực đại kết, tin tưởng vào việc đối thoại liên tôn.

Trong năm 2009 'HY Bergoglio' đã gây xôn xao khi ngài chỉ trích chính phủ Ernesto Kirchner, là người chồng của vị tổng thống hiện tại của Argentina, Cristina Fernández de Kirchner, nói rằng là "vô đạo đức, bất hợp pháp và bất công" để cho phép sự bất bình đẳng trong nước phát triển. " Thay vì ngăn chận, có vẻ như họ đã chọn để làm cho sự bất bình đẳng lớn hơn," ngài nói. "Nhân Quyền cuả người dân không chỉ bị vi phạm vì áp bức, khủng bố hay ám sát, nhưng còn bị vi phạm bởi cơ cấu không công bằng về kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn".

Hướng về tương lai

Hồi 2005, Ngài từng nhận được một số phiếu lớn thứ nhì sau Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, nhưng Ngài đã kêu xin các HY loại bỏ tên mình ra.

Kỳ Mật Nghị này, động thái nào đã đưa đẩy tới việc chấp nhận Sứ Vụ mới thì chưa ai rõ, nhưng một điều rất rõ ràng là, qua việc quan sát về đức độ và hoạt động cuả Ngài, người ta thấy rõ ràng đã có tác động cuả Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội.

Người đời lo nghĩ làm thế nào mà Giáo Hội có thể vượt qua được cơn sóng gió hiện tại, nào là Nạn Giáo Sĩ lạm dụng tình dục, Cơ Chế Giáo Triều suy thoái, Tài Chính lủng củng, ảnh hưởng Luân Lý cuả hàng giáo phẩm bị xuống dốc?

Việc bầu chọn một giáo hoàng nổi tiếng 'thánh thiện' và 'thương người' cho thấy Chuá Thánh Linh đã nói lên câu trả lời của Người: "Chúng con chỉ cần Mến Chúa và Yêu Người".

"Đó là một động thái thiên tài," theo Marco Politi, một người viết tiểu sử các giáo hoàng và là một quan sát viên Vatican kỳ cựu. "Đây là một vị không phải người Ý, ở ngoài châu Âu, không dính líu tới chính quyền La Mã. Đây là một cửa mở cho thế giới thứ ba, một người ôn hòa. Việc ngài lấy tên Francisco, cũng có nghĩa là một sự khởi đầu hoàn toàn mới".

Thay mặt cho dân Mỹ, Tổng thống Obama là một trong những người đầu tiên gửi công điện chúc mửng, ghi nhận rằng đây là vị Giáo Hoàng tiên phong từ Tân Thế Giới.

"Là một nhà vô địch tranh đấu cho người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, Ngài đã làm sáng tỏ các thông điệp của tình yêu và lòng từ bi là những cảm hứng cuả thế giới từ hơn 2000 năm - tức là qua tha nhân chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa", Obama nói. "Là giáo hoàng đầu tiên từ châu Mỹ, sự lựa chọn Ngài cũng nói lên sức mạnh và sức sống của một khu vực đang ngày càng có ảnh hưởng lên thế giới của chúng ta, và cùng với hàng triệu người Mỹ gốc Tây Ban Nha, chúng tôi ở Hoa Kỳ xin chia sẻ niềm vui của ngày lịch sử này".

Obama nói rằng ông rất mong muốn được làm việc với Đức Giáo Hoàng mới "để thúc đẩy hòa bình, an ninh và phẩm giá cho người đồng loại, bất kể đức tin của họ".

(Note *) Trừ một tai tiếng có vẻ đang bị moi móc lên. Trong một cuốn sách, El Silencio, một nhà báo nổi tiếng người Argentina, tố cáo rằng HY Jorge Bergoglio đã thông đồng với hải quân Argentina để giúp họ tránh né một cuộc thanh tra cuả Ủy ban nhân quyền đến thăm tù nhân chính trị hồi chính quyền quân sự đang cầm quyền.


 Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)