Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

CÁC HỒNG Y HỌP BÀN VỀ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI TRƯỚC KHI VÀO MẬT VIỆN HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG


VATICAN (CNS) – Các hồng y trên thế giới sẽ khởi sự hội họp ngày 4 tháng 3, và trong khi mọi người theo dõi đều chú tâm vào việc ai sẽ là vị giáo hoàng mới, họ có nhiều công việc phải làm.

Hồng y người Hondura Oscar Rodriguez Maradiaga
Hồng y người Hondura Oscar Rodriguez Maradiaga thuộc tổng giáo phận Tegucigalpa nói các buổi họp khoáng đại sẽ bắt đầu với công việc điều hành Giáo Hội trong thời gian không có giáo hoàng.

Trong khi các hồng y không phải thiết kế và ấn định một ngân sách cho việc ma chay – vì không phải lo cho sự băng hà của một giáo hoàng như các lần trước – vẫn còn có một ngân sách “trống tòa” (sede vacante) phải chuẩn y và việc phê chuẩn các con tem và tiền đồng để ghi nhớ việc “trống tòa”.

Trong các buổi họp khoáng đại, các hồng y lựa chọn ngày khởi sự mật nghị, nhưng theo phát ngôn viên Tòa Thánh thì điều này sẽ không xẩy ra vào ngày đầu tiên.

Hồng Y Rodriguez Maradiaga nói với Catholic News Service ngày 1 tháng 3: Các hồng y cũng sẽ bắt đầu cùng nhau xem xét kỹ lưỡng các quy luật của mật nghị và thể thức bầu một giáo hoàng mới. Họ mời các chuyên gia về luật Giáo Hội cùng tham dự và cố vấn họ về một vài điểm chưa được rõ hay cần phải thảo luận.

Ngài nói, chỉ khi nào họ đã lo xong các công việc thực tiễn, họ mới bắt đầu thảo luận các thách đố chính giáo hội đang phải đối phó.

Ngài nói: Năm 2005, họ có những thảo luận đại cương, rồi chia thành các nhóm nhỏ, theo đại lục, “để chúng tôi có thể xác định các thách đố rõ ràng hơn” tại mỗi điạ phương. “Tôi tin là chúng tôi cũng sẽ làm như vậy lần này.”

Được hỏi là sẽ có những buổi họp kín trong các phòng riêng và các phòng ăn trước mật nghị hay không, ngài nói: “Đây chỉ là các câu chuyện đồn thổi. Tôi chưa bao giờ tham dự những buổi họp như vậy trong các mật nghị trước đây. Việc bầu một giáo hoàng khác với việc bầu lên một ứng cử viên của một đảng chính trị rất nhiều. Chúng tôi, thay vì nghĩ về các ứng viên, chúng tôi chỉ nghĩ về thách đố chính, các vấn đề chính, và sau đó cố gắng suy nghĩ trong cầu nguyện, xem ai là người thích nghi nhất để đối phó với các thách đố và sẽ cố gắng để giúp đỡ giáo hội".

Ngày sau khi Đức Benedict tuyên bố từ nhiệm, hồng y nói: tất cả các thánh lễ tại tổng giáo phận Tegucigalpa bắt đầu bằng một kinh nguyện về việc bầu tân giáo hoàng. “Và dĩ nhiên, kinh nguyện của tôi đều hướng về Chúa Thánh Thần, xin được soi sáng và có trí khôn ngoan” trong khi chuẩn bị cho mật nghị.

Ngài nói: Một khi đã vào mật nghị, “sẽ có rất nhiều tên” các ứng viên được đưa ra. “Nhưng với thời gian. Chúng tôi cố gắng chú tâm, đặc biệt vào thách đố chính của Giáo Hội và ai là người có thể đáp ứng vói các thách đố này.”

Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, 70 tuổi, nói: các hồng y cần phải xem xét tuổi tác của các ứng viên, nhưng điều này không có nghĩa là yếu tố quyết định” vì biết rằng từ nay đã có một tiền lệ về việc thoái vị, thì vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ không buộc phải phục vụ cho đến chết; và có thể phục vụ một số năm rồi về hưu. Tại sao lại không?"

Hồng y nói có thể là các bạn cử tri của ngài sẽ quyết định nhìn ra bên ngoài Âu Châu để tìm một giáo hoàng mới, “nhưng không phải là vấn để quốc tịch hay nơi sanh trưởng, mà là các vấn đề chính của giáo hội và người nào có thể giải đáp, bất kể đến nơi sanh của người ấy."

Ngài nói: "Nhưng, dĩ nhiên, giáo hội đang bành trướng mạnh mẽ trên đại lục Mỹ Châu. Chúng tôi có đa số người Công Giáo trên thế giới, và đây là một yếu tố đáng phải chú tâm. Á Châu là một thách đố lớn và là một chân trời lớn vì có trên một phần ba dân số của toàn cầu và con số người Công Giáo lại ít nhất, do đó trên khía cạnh truyền giáo, Á Châu rất quan trọng. Phi Châu đang phát triển mạnh mẽ và bành trướng về con số người Công GIáo".

Ngài nói: Tất cả các vấn đề của các điạ phương thuộc về sứ mệnh mục vụ hoàn vũ của tân giáo hoàng.

Ngài nói: Giáo Hội là một cơ cấu siêu việt, thần linh và thiêng liêng bao gồm các con người, và sống giữa trần thế, có nghĩa là “vấn đề chính của giáo hội là làm sao để loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa,” nhất là trong các nền văn hóa hiện đại đang loại bỏ hay từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngài nói: Tất các các vấn đề khác giáo hội và nhân loại phải đối phó đều xuất phát từ vấn đề này. Khi con người từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa, “Làm sao có thể rao giảng các nguyên lý về đạo đức?"

Hồng Y Rodriguez Maradiaga nói rằng, theo kinh nghiệm bản thân và ngành chuyên môn của ngài về tâm lý con người, ngài biết là các nỗ lực sử dụng các nhãn hiệu “cấp tiến” và “bảo thủ” để định nghĩa và phân loai các hồng y đều không đúng và chỉ nói lên nhiều về những ai gán cho họ những nhãn hiệu ấy, hơn là về chính các hồng y.

Hồng y nói: ngài đã bị một số người đề quyết ngài là một thần học gia cấp tiến, trong khi nhiều người khác lại cho là ngài quá bảo thủ.

Ngái nói: "Điều quan trọng nhất là đức tin của vị hồng y này ra sao. Đức tin là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống của một hồng y, và dĩ nhiên là của một vị khả dĩ là một hồng y.”

Khi bầu tân giáo hoang, hồng y người Hondura nói: ngài sẽ tìm “một vị có đức tin vững mạnh, biết yêu thương, và có một trái tim rộng lớn để thấu hiểu, nhất là về những đau khổ của nhân loại ngày nay và hiểu rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ thay vì những bậc vua chúa."

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News)