Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Hội Toàn Cầu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

HƯỚNG TỚI NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 23/10/2022


HƯỚNG TỚI NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 
23/10/2022
Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (19.10.2022) – Để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Truyền giáo sắp tới, Chúa Nhật 23/10, vào ngày 06/01, lễ Chúa Hiển Linh, Đức Thánh Cha đã gửi Sứ điệp có chủ đề “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Và trong thời gian qua, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) đã đưa ra nhiều sáng kiến cho việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo.

Trong Sứ điệp, trước khi đi vào nội dung lời nhắn nhủ trên đây của Chúa Kitô cho các môn đệ, được nói đến trong sách Tông đồ Công vụ, Đức Thánh Cha nhắc đến ba kỷ niệm quan trọng trong năm 2022 này: kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin, nay là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, 200 năm thành lập Hội Truyền bá Đức tin, Hội Thánh Nhi, và Hội thánh Phêrô Tông đồ, sau cùng là kỷ niệm 100 năm nâng ba hội này lên hàng Hội “Giáo hoàng”.

Đức Thánh Cha lần lượt diễn giải ý nghĩa của ba yếu tố tóm gọn ba nền tảng của đời sống và sứ vụ của các môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân về Thầy”, “Cho đến tận cùng trái đất”, và “anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần”.

Về yếu tố thứ nhất, “Anh em sẽ là chứng nhân về Thầy”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là điểm chủ yếu, là trung tâm giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ, đứng trước sứ vụ của họ trên thế giới. Tất cả các môn đệ sẽ là chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần mà họ sẽ nhận lãnh, dù họ đi đâu hay ở đâu. Ngài viết: “Cũng như Chúa Kitô là vị đầu tiên được sai đi, nghĩa là thừa sai của Chúa Cha (Ga 20,21), và với tư cách đó, Người là “chứng nhân trung thành” (Kh 1,5). Cũng vậy, mỗi Kitô hữu được kêu gọi trở thành thừa sai và chứng nhân của Chúa Kitô. Giáo hội, cộng đồng các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài việc loan báo Tin mừng cho thế giới, làm chứng về Chúa Kitô”.

Giải nghĩa yếu tố nền tảng thứ hai, “cho đến tận cùng trái đất”, Đức Thánh Cha nhắc rằng các môn đệ đầu tiên mở rộng sứ vụ truyền giáo theo sự hướng dẫn quan phòng của Chúa chứ không với mong muốn chiêu dụ tín đồ. Khi bị bắt bớ, họ mang Tin Mừng đến những miền đất mới. Loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”, theo Đức Thánh Cha, đây cũng là thách đố đối với các Kitô hữu ngày nay trong việc loan báo Chúa Kitô cho những người chưa gặp Chúa.

Điểm cuối cùng, “anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng cũng như “không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không được Thánh Thần tác động (1 Cr 12,3), không Kitô hữu nào có thể làm chứng trọn vẹn và chân thực về Chúa Kitô, nếu không được Thánh Thần giúp đỡ. Vì thế, mỗi môn đệ thừa sai của Chúa Kitô được kêu gọi nhìn nhận tầm quan trọng cơ bản tác động của Chúa Thánh Thần, sống với Chúa trong đời sống thường nhật và liên tục lãnh nhận sức mạnh và sự soi sáng từ Chúa. Đúng hơn, chính trong lúc ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu nghị lực, lạc hướng, chúng ta hãy nhớ chạy đến cùng Thánh Thần trong kinh nguyện, Đấng có một vai trò chủ yếu trong đời sống truyền giáo, và để cho mình được Chúa bồi dưỡng, củng cố. Thánh Thần như là nguồn mạch thần linh không bao giờ cạn của năng lượng và niềm vui mới mẻ trong việc chia sẻ sự sống của Đức Kitô cho người khác”.

Sáng kiến truyền giáo

Theo tinh thần Sứ điệp của Đức Thánh Cha, trong thời gian qua, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) đã đưa ra nhiều sáng kiến cho việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo.

Giáo hội Mông Cổ

Cụ thể, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo đã hỗ trợ để văn phòng mục vụ của Hạt phủ doãn Tông toà Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, được thiết lập và tiếp tục hoạt động. Hiện nay, tại văn phòng này có ba nữ giáo dân người Mông Cổ đang làm việc trong các hoạt động điều phối và tổ chức các lớp đào tạo giáo lý viên, các lớp giáo lý, dịch các tài liệu Giáo hội sang tiếng Mông Cổ, chuẩn bị các buổi gặp gỡ của cộng đoàn Công giáo trong Hạt phủ doãn, và quản lý các hoạt động về truyền thông.

Trên đây là một trong nhiều hoạt động của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong thời gian qua. Tổ chức này cam kết bảo đảm và hỗ trợ đời sống và cơ cấu của các Giáo hội địa phương, đặc biệt các Giáo hội trẻ và đang trong quá trình ổn định, trong các lãnh thổ thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.

Tại Mông Cổ, cô Chamingerel, với tên rửa tội là Rufina, đang là người điều phối của văn phòng mục vụ, chia sẻ: “Chúa Giêsu đã mở mắt và con tim tôi. Văn phòng là một điểm kết nối cho tất cả các giáo xứ và các nhà truyền giáo, tất cả đang trên đường để xây dựng Nước Chúa giữa lòng châu Á”. Giống như Chamingerel, có hàng ngàn thanh niên, thiếu nhi, giáo lý viên, linh mục đã nhận được sự hỗ trợ trong hành trình đức tin và trong hoạt động mục vụ từ Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Nhờ mạng lưới ở các quốc gia, trong những ngày này, Tổ chức đã và tiếp tục chuẩn bị các sáng kiến nâng cao nhận thức về Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 96, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 23/10 tới đây.

Hoạt động truyền giáo hướng đến mọi nơi

Đức Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso, Chủ tịch Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giải thích: “Trong các quốc gia và các hoàn cảnh khác nhau, mỗi văn phòng giám đốc thúc đẩy linh hoạt truyền giáo. Ngày nay, công cuộc truyền giáo không chỉ hướng đến các quốc gia ở xa, nhưng ở khắp mọi nơi và theo mô hình vòng tròn, không còn chỉ liên kết với chuyển động bắc nam của thế giới. Hơn nữa, hoạt động truyền giáo ngày càng sử dụng nhiều các gia đình và các giáo dân thừa sai, như một hồng ân và nguồn lực cho các Giáo hội địa phương. Sứ vụ loan báo Tin Mừng không còn là đặc quyền của các linh mục, tu sĩ, nhưng dành cho tất cả các tín hữu trong mọi hoàn cảnh sống. Bởi vì mỗi người đã được rửa tội là một thừa sai”.

Nhằm giúp tinh thần chia sẻ đức tin nơi các tín hữu luôn được sống động và khẩn trương, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo đã đưa ra một số sáng kiến:

Ở Nigeria, để giúp mọi thành phần tín hữu dễ dàng tiếp cận Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, Tổ chức đã hỗ trợ dịch tài liệu sang bốn ngôn ngữ địa phương.

Ở Thuỵ Sĩ, với trọng tâm “các vị thánh ở ngay cửa nhà”, Tổ chức đã phát động sáng kiến “tìm Pauline”, để các tín hữu nhận ra những người đang sống theo mẫu gương của Pauline Jaricot, vị sáng lập “Hội Truyền bá Đức tin”, tiền thân của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, người vừa được phong chân phước tại Lyon bên Pháp vào ngày 22/5 vừa qua.

Ở Colombia, tạp chí truyền giáo địa phương tổ chức các buổi hội thảo về sự linh hoạt dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên, thanh niên, chủng sinh.

Giáo hội Đông Timor

Ở Đông Timor, quốc gia châu Á nhỏ bé, hoạt động truyền giáo năm nay hướng đến việc nâng cao nhận thức quan tâm đến các nhà tù, bệnh viện, nhà dưỡng lão. Cha Bento Barros Pereira, Giám đốc của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở Đông Timor cho biết, sáng kiến truyền giáo này được kéo dài trong hai năm. Năm nay, sáng kiến đặc biệt nhắm đến các bạn trẻ, các trẻ em của Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo. Khẩu hiệu của chiến dịch năm nay được lấy cảm hứng từ lời Chúa “Hãy để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10,14)

Chương trình cử hành bao gồm Thánh lễ, cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể. Các buổi gặp gỡ được chia thành nhiều phiên, mỗi phiên được hướng dẫn bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đông Timor, Đức cha Norberto de Amaral, một số giám đốc giáo phận và cha Bento Barros Pereira.

Chiến dịch cũng bao gồm các cuộc triển lãm dành riêng cho các em của Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo và cho Chân phước Pauline Jaricot. Những trải nghiệm "trong cánh đồng" đã có tác động lớn đến các tham dự viên khi họ đến thăm các địa điểm truyền giáo đặc biệt như nhà tù, bệnh viện và nhà hưu dưỡng. Giám đốc Tổ chức Truyền giáo của Giáo hội Đông Timor nhấn mạnh "Chiến dịch truyền giáo cũng nhằm làm sinh động sứ vụ bằng những hành động cụ thể. Ngày nay, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa, chúng ta có thể tìm được sức mạnh để tiếp tục sứ vụ với nhiều động lực hơn. Điều quan trọng là phải cùng nhau bước đi, như các môn đệ, để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng trong tinh thần phổ quát”.

Giáo hội Ý

Riêng tại Ý, cha Giuseppe Pizzoli, Giám đốc Tổ chức Missio của Hội đồng Giám mục Ý nhận định rằng, Ngày Thế giới Truyền giáo như là Ngày của Tình huynh đệ phổ quát của người Công giáo. Thực tế, ngay từ khi được thiết lập, năm 1926, ngày này là dịp để các Giáo hội truyền thống giúp đỡ các Giáo hội trẻ, các Giáo hội truyền giáo bằng lời cầu nguyện và hỗ trợ kinh tế. Hiện nay, Ngày này được cử hành trên toàn thế giới và không có sự phân biệt, và các Giáo hội trẻ cũng hiệp nhất cầu nguyện và đóng góp phần bé nhỏ của mình, như bà goá nghèo trong Tin Mừng. Đây chính là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy sự tham gia của tình huynh đệ phổ quát của Giáo hội và cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Cha Giuseppe Pizzoli nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Ngày này có thể nuôi dưỡng niềm tin tưởng mới nơi mọi người trong một thế giới huynh đệ hơn, không có sự phân biệt đối xử, khép kín, hiểu lầm và bất công. Trên hết, ngày này làm cho chúng ta vững tin về một thế giới không có xung đột và chiến tranh. Lắng nghe cuộc đời của các nhà truyền giáo đánh thức trong mỗi người ước vọng lớn lao của Thiên Chúa: làm cho nhân loại trở thành một đại gia đình. Chúng tôi gửi đến mọi người lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp của ngài: "Các môn đệ được yêu cầu sống đời sống cá nhân trong chìa khóa của sứ vụ. Các môn đệ được Chúa Giêsu sai đến thế giới không chỉ để thực hiện sứ vụ, nhưng còn và trên hết là để sống sứ vụ được uỷ thác; không chỉ làm chứng, nhưng còn và trên hết là trở thành chứng nhân của Chúa Kitô”.

Quỹ liên đới Toàn cầu

Trong Ngày Thế giới Truyền giáo, Quỹ liên đới Toàn cầu của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo sẽ tổ chức cuộc quyên góp trên tất các nhà thờ. Số tiền sẽ được Tổ chức phân phối công bằng cho các nhà truyền giáo ở năm châu lục, nhằm phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng, mục vụ, trường học, chủng viện, giáo lý.

Nhờ lòng quảng đại của các tín hữu Công giáo ở 120 quốc gia trên thế giới, sự hỗ trở đảm bảo dành cho tất cả, không có sự phân biệt. Trong năm 2021, số tiền được phân phối là 91 triệu 671 ngàn 762 euro.

(WHĐ) 

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

CHIẾN DỊCH “MỘT TRIỆU TRẺ EM LẦN CHUỖI MÂN CÔI” NĂM 2022

 CHIẾN DỊCH “MỘT TRIỆU TRẺ EM 
LẦN CHUỖI MÂN CÔI” NĂM 2022

Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (26.9.2022) – Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) thông báo chiến dịch “Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi” cho năm 2022 sẽ được bắt đầu vào ngày 18/10, đồng thời mời gọi các giáo xứ, các trường học và các gia đình tham gia.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chủ tịch quốc tế của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cho biết: “Mục tiêu của chiến dịch cầu nguyện là cầu xin sự bình an và hiệp nhất trên toàn thế giới và khuyến khích các trẻ em tin cậy vào Thiên Chúa trong lúc gặp khó khăn”.

Trong lời mời gọi tham gia chiến dịch, Đức Hồng Y viết: “Khi nhìn thấy xung quanh chúng ta có quá nhiều chiến tranh, sự dữ, bách hại, bệnh tật và nỗi sợ hãi đè nặng trên thế giới chúng ta, mọi người có thể tự hỏi ‘Thiên Chúa có thực sự kiểm soát những điều này không? Có, Thiên Chúa đang làm điều này, nhưng chúng ta cũng phải nắm lấy đôi tay Thiên Chúa đang dang rộng hướng về chúng ta”.

Với ý nghĩa này, Đức Hồng Y khẳng định rằng nếu chúng ta trung thành cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, thì Mẹ Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta như một đại gia đình đến vòng tay yêu thương của Cha Trên Trời.

Năm nay, áp phích cho chiến dịch có hình ảnh đôi bàn tay rộng mở bao bọc và hỗ trợ địa cầu cùng với các trẻ em khắp nơi trên thế giới. Đôi bàn tay tượng trưng cho đôi tay của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế giới bằng tình thương và mong muốn cứu tất cả dân tộc và đưa họ đến với Người.

Các giáo xứ, trường học, các nhóm thiếu nhi và gia đình tham gia chiến dịch có thể tìm thấy thông tin tại website của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ (https://acninternational.org/millionchildrenpraying/material/), trong đó có các tài liệu giúp hướng dẫn đọc kinh Mân côi, ví dụ như: Các bài suy niệm ngắn về các mầu nhiệm phù hợp với thiếu nhi và lời nguyện dâng mình cho Đức Mẹ; các bức tranh để tô màu bằng 26 ngôn ngữ.

Nguồn gốc của sáng kiến cầu nguyện có từ năm 2005 tại Caracas ở Venezuela. Trong khi một nhóm trẻ em đọc kinh Mân Côi trong một đền thánh ở Caracas thì một số phụ nữ có mặt ở đó đã cảm nhận được sự hiện diện của Đức Trinh nữ Maria. Một người trong số họ đã nhớ lại lời hứa của cha thánh Piô: “Nếu một triệu trẻ em cùng nhau đọc kinh Mân Côi thì thế giới sẽ thay đổi”.

Sáng kiến này nhanh chóng lan sang các quốc gia khác và vào năm 2020, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu tham gia chiến dịch.

(WHĐ)

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN VỀ SỰ QUA ĐỜI CỦA NỮ HOÀNG ELIZABETH II

 

ĐỨC THÁNH CHA CHIA BUỒN 
VỀ SỰ QUA ĐỜI CỦA NỮ HOÀNG ELIZABETH II

Hồng Thủy

Vatican News (09.9.2022) - Trong điện thư gửi đến Vua Charles III hôm chiều tối thứ Năm ngày 8/9/2022, Đức Thánh Cha đã gửi lời chia buồn và cầu nguyện khi hay tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

Nữ hoàng Elizabeth II, quốc vương trị vì lâu nhất của Anh và là người đứng đầu Giáo hội Anh giáo, đã qua đời tại lâu đài Balmoral, nơi cư trú của bà ở Scotland, vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 8/9/2022, hưởng thọ 96 tuổi, sau hơn 70 năm trị vì.

Phục vụ, tận tuỵ, chứng nhân đức tin

Đức Thánh Cha viết trong điện thư: “Vô cùng đau buồn khi hay tin về sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến Nhà Vua, các thành viên của Hoàng gia, người dân Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung.”

Đức Thánh Cha nói rằng ngài hiệp cùng tất cả những ai thương tiếc sự qua đời của Nữ hoàng “cầu nguyện cho bà được an nghỉ đời đời, và bày tỏ lòng tôn trọng đối với cuộc đời phục vụ không mệt mỏi của bà vì lợi ích của Quốc gia và Khối Thịnh vượng chung, tấm gương tận tụy với nghĩa vụ, chứng nhân đức tin kiên định của bà vào Chúa Giêsu Kitô và niềm hy vọng vững chắc của bà vào những lời Chúa hứa.”

Kết thúc điện thư, trong khi phó thác linh hồn Nữ hoàng cho lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời, Đức Thánh Cha bảo đảm cầu nguyện xin Thiên Chúa Toàn năng nâng đỡ Vua Charles với ân sủng của Người khi ông đảm nhận trách nhiệm cao cả của vị Quốc vương. Ngài cũng cầu xin phúc lành của Chúa cho nhà Vua và những người thương khóc Nữ Hoàng, có được sự an ủi và sức mạnh trong Chúa.

Nữ hoàng Elizabeth II và các Giáo hoàng

Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhiều lần thăm Vatican và đã gặp 5 vị Giáo hoàng. Năm 1951, lần đầu bà thăm Vatican khi còn là công chúa Elizabeth và bà đã gặp Đức Piô XII. Nhưng lần đầu bà thăm Vatican trong tư cách Nữ hoàng là vào tháng 5/1961; khi đó bà và hoàng thân Philip đã được Đức Gioan XXIII tiếp kiến. Năm 1980, Nữ hoàng thăm Vatican và được Đức Gioan Phaolô II tiếp kiến. Tháng 9/2010 khi Đức Biển Đức XVI thăm Anh quốc, Nữ hoàng Anh đã gặp ngài. Và cuối cùng, năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa Anh quốc và Toà Thánh, Nữ hoàng Elizabeth II và hoàng thân Philip đã gặp Đức Phanxicô tại Vatican. 
 
(WHĐ)

 

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2022

 

Sáng ngày 5/5, Phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022, được cử hành vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, 8/5 tới đây. Sứ điệp có chủ đề: “Được Kêu gọi để Xây dựng Gia đình Nhân loại.”

SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHANXICÔ 
CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2022

Được Kêu gọi để Xây dựng Gia đình Nhân loại

Anh chị em thân mến!

Trong khi ở thời đại chúng ta, những cơn gió băng giá của chiến tranh và áp bức vẫn thổi và chúng ta thường chứng kiến​​những hiện tượng phân cực. Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta đã bắt đầu một tiến trình hiệp hành: chúng ta nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải bước đi cùng nhau, nuôi dưỡng tinh thần lắng nghe, tham gia và chia sẻ. Cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, chúng ta muốn đóng góp xây dựng gia đình nhân loại, chữa lành các vết thương và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 59 này, tôi muốn cùng anh chị em suy ngẫm về ý nghĩa rộng lớn hơn của “ơn gọi” trong bối cảnh của một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội lắng nghe Thiên Chúa và thế giới.

Tất cả được kêu gọi trở thành nhân vật chính trong sứ mạng của Giáo hội

Sự hiệp hành, bước đi cùng nhau là một ơn gọi nền tảng của Giáo Hội, và chỉ trong bối cảnh này, người ta mới có thể khám phá và trân quý các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau. Đồng thời, chúng ta biết rằng Giáo hội tồn tại vì sứ mạng, bằng cách đi ra khỏi chính mình và gieo hạt giống Tin Mừng trong lịch sử. Do đó, sứ mạng này khả thể chính vì nhờ tất cả các lĩnh vực mục vụ cùng hoạt động và quan trọng hơn là có sự tham gia của tất cả các môn đệ của Chúa. Thật vậy, “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần Dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo (x. Mt 28, 19). Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức vụ của mình trong Giáo hội và mức độ giáo dục đức tin của mình, đều là một chủ thể tích cực của công cuộc loan báo Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Chúng ta phải đề phòng tâm lý tách biệt giữa linh mục và giáo dân, coi linh mục là nhân vật chính và giáo dân là người thi hành, đồng thời cùng nhau thực hiện sứ mạng Kitô hữu với tư cách là Đoàn Dân Chúa duy nhất, giáo dân và mục tử cùng nhau. Toàn thể Giáo hội là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng.

Được kêu gọi trở thành người bảo vệ của nhau và của tạo vật

Từ ngữ “ơn gọi” không nên hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chỉ những ai theo Chúa trên con đường dâng hiến cụ thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô là quy tụ nhân loại đã phân tán và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Mỗi người, ngay cả trước khi gặp gỡ Chúa Kitô và đón nhận đức tin Kitô, đều nhận được ơn gọi căn bản là: mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa. Tại mỗi thời điểm của cuộc đời, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng tia sáng thiêng liêng này, hiện diện trong trái tim của mỗi người nam và người nữ, và do đó góp phần vào sự phát triển của một nhân loại được truyền cảm hứng bởi tình yêu và sự chấp nhận lẫn nhau. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ lẫn nhau, xây dựng mối dây hòa hợp và chia sẻ, chữa lành vết thương của tạo vật để vẻ đẹp của nó không bị phá hủy. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi trở thành một gia đình duy nhất trong ngôi nhà chung kỳ diệu của thụ tạo, trong sự hài hoà đa dạng của các yếu tố. Theo nghĩa rộng này, “ơn gọi” không chỉ dành cho các cá nhân, mà còn cho cả các dân tộc, cộng đồng và các nhóm thuộc nhiều loại khác nhau.

Được kêu gọi để chào đón ánh nhìn của Thiên Chúa

Trong ơn gọi chung vĩ đại này, Thiên Chúa đặt một lời kêu gọi cụ thể cho mỗi người chúng ta. Người chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu của Người và hướng nó đến mục đích tối hậu, đến sự viên mãn vượt trên cả ngưỡng cửa của cái chết. Đó là cách Thiên Chúa đã muốn và đang nhìn cuộc sống của chúng ta.

Michelangelo Buonarroti được cho là đã khẳng định rằng: “Mỗi khối đá đều có một bức tượng bên trong và nhiệm vụ của nhà điêu khắc là phải khám phá ra bức tượng đó”. Nếu đây có thể là cái nhìn của người nghệ sĩ, thì Thiên Chúa còn nhìn chúng ta hơn biết dường nào: nơi cô gái làng Nadarét, Người đã nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa; nơi ngư phủ Simon, con ông Giôna, Người đã thấy Phêrô, tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Người; nơi người thu thuế Lêvi, Người nhận ra vị tông đồ và thánh sử Matthêu; nơi Saulô, một người bắt bớ khắc nghiệt các Kitô hữu, Người đã thấy Phaolô, tông đồ của dân ngoại. Ánh mắt yêu thương của Người luôn hướng nhìn chúng ta, chạm vào chúng ta, giải thoát chúng ta và biến đổi chúng ta, khiến chúng ta trở thành những con người mới.

Đây là động lực của mọi ơn gọi: chúng ta gặp được cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta. Ơn gọi, giống như sự thánh thiện, không phải là một kinh nghiệm đặc biệt dành riêng cho một số ít. Cũng như “sự thánh thiện ở kề bên” (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 6-9), ơn gọi cũng dành cho mọi người, vì tất cả đều được Thiên Chúa nhìn và kêu gọi.

Ngạn ngữ Viễn Đông có câu: “Người khôn nhìn trứng biết đại bàng; nhìn hạt giống thoáng thấy một cây to; nhìn một tội nhân biết thoáng thấy một vị thánh”. Đây là cách Thiên Chúa nhìn chúng ta: trong mỗi chúng ta, Người nhìn thấy những tiềm năng, đôi khi chính chúng ta chưa biết, và trong suốt cuộc đời của chúng ta, Người làm việc không mệt mỏi để chúng ta có thể phục vụ lợi ích chung.

Ơn gọi đã được sinh ra theo cách này, nhờ nghệ thuật của Nhà điêu khắc là Thiên Chúa, với “bàn tay” của mình, Người làm cho chúng ta ra khỏi chính mình để trở nên kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành. Đặc biệt, Lời Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính tự cao tự đại, có khả năng thanh tẩy, soi sáng và tái tạo chúng ta. Vậy chúng ta hãy lắng nghe Lời, để mở lòng đón nhận ơn gọi mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta! Và chúng ta cũng hãy học cách lắng nghe anh chị em của mình trong đức tin, bởi vì sáng kiến ​​của Thiên Chúa có thể được ẩn giấu nơi lời khuyên và gương sáng của họ, điều này cho chúng ta thấy những con đường luôn luôn mới để bước đi.

Được kêu gọi để đáp lại cái nhìn của Thiên Chúa

Nói về người thanh niên giàu có, thánh sử Máccô ghi nhận: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10, 21). Ánh mắt tràn đầy tình yêu này của Chúa Giêsu hướng về mỗi người chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để mình được chạm vào ánh mắt này và hãy để mình được Người dẫn dắt ra khỏi chính mình! Và chúng ta cũng học cách nhìn nhau để những người chúng ta cùng sống và gặp gỡ - dù họ là ai - đều có thể cảm thấy được chào đón và khám phá ra rằng có một người nào đó đang nhìn họ bằng tình yêu và mời gọi họ phát huy tất cả tiềm năng của họ.

Cuộc sống của chúng ta thay đổi khi chúng ta đón nhận ánh mắt này. Mọi thứ trở thành một cuộc đối thoại ơn gọi, giữa chúng ta và Chúa, và cũng giữa chúng ta và những người khác. Một cuộc đối thoại và sống chiều sâu làm cho chúng ta ngày càng trở nên chính mình hơn: trong ơn gọi của chức linh mục thừa tác, trở thành khí cụ của ân sủng và lòng thương xót của Chúa Kitô; trong ơn gọi sống đời thánh hiến, là lời ngợi khen Thiên Chúa và ngôn sứ về một nhân loại mới; trong ơn gọi hôn nhân, trở thành một món quà cho nhau và là những người trao ban và giáo dục sự sống. Nói chung, trong mọi ơn gọi và chức vụ trong Giáo Hội, điều này kêu gọi chúng ta nhìn người khác và thế giới bằng con mắt của Thiên Chúa, để phục vụ điều thiện và lan tỏa tình yêu, bằng lời nói và việc làm.

Ở đây, tôi muốn đề cập đến kinh nghiệm của bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros. Trong khi làm bác sĩ ở Caracas, Venezuela, ông muốn trở thành một thành viên Dòng Ba Phanxicô. Sau đó, ông nghĩ đến việc trở thành một tu sĩ và linh mục, nhưng sức khỏe của ông không cho phép. Khi đó ông hiểu rằng ơn gọi của ông là nghề y, nơi đó ông đặc biệt cống hiến mình cách đặc biệt cho những người nghèo. Vào thời điểm đó, ông đã dấn thân hết mình cho những người bệnh do dịch cúm “Tây Ban Nha” lan rộng khắp toàn cầu. Ông chết vì bị ô tô đâm vào khi bước ra từ một hiệu thuốc, nơi ông mua thuốc cho một bệnh nhân lớn tuổi của mình. Chứng tá của ông là gương mẫu về ý nghĩa của việc chấp nhận lời kêu gọi của Chúa và đón nhận nó cách trọn vẹn, ông đã được phong chân phước cách đây một năm.

Được kêu gọi cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ

Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ được kêu gọi riêng biệt, nhưng chúng ta được kêu gọi cùng nhau. Chúng ta giống như những mảnh ghép của một bức tranh khảm, mỗi mảnh có một vẻ đẹp, nhưng chỉ khi được ghép lại với nhau, chúng mới tạo thành một bức tranh. Mỗi người chúng ta tỏa sáng như một ngôi sao trong cung lòng Thiên Chúa và trên bầu trời của vũ trụ, nhưng chúng ta được kêu gọi để tạo ra những chòm sao định hướng và soi sáng con đường của nhân loại, bắt đầu từ môi trường chúng ta đang sống. Đây là mầu nhiệm của Giáo hội: trong sự tươi vui của những khác biệt, Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ của điều mà toàn thể nhân loại được mời gọi đến. Vì điều này, Giáo hội phải ngày càng trở nên hiệp hành hơn: có khả năng bước đi cùng nhau trong sự hài hòa của sự đa dạng, trong đó tất cả mọi người đều có đóng góp của riêng mình để thực hiện và có thể tham gia một cách tích cực.

Do đó, khi chúng ta nói về “ơn gọi”, không chỉ là vấn đề lựa chọn hình thức sống này hay hình thức sống khác, cống hiến cuộc đời mình cho một sứ vụ nào đó hoặc được lôi cuốn bởi đặc sủng của một dòng tu, phong trào hay cộng đoàn giáo hội. Đó là việc biến ước mơ của Thiên Chúa thành hiện thực, viễn tượng tuyệt vời về tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã ấp ủ khi cầu nguyện với Chúa Cha “xin cho tất cả nên một” (Ga 17:21). Mỗi ơn gọi trong Giáo hội, và theo nghĩa rộng hơn trong xã hội, đều góp phần vào một mục tiêu chung: làm vang lên nơi những người nam nữ sự hài hoà của nhiều ân sủng khác nhau mà chỉ có Chúa Thánh Thần làm được. Các linh mục, nam nữ thánh hiến, giáo dân bước đi và làm việc cùng nhau để làm chứng rằng một đại gia đình nhân loại hiệp nhất trong tình yêu không phải là viễn tượng không tưởng, mà là chính mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện để Dân Chúa, giữa những biến cố bi thương của lịch sử, có thể ngày càng đáp lại lời kêu gọi này. Chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người trong chúng ta có thể tìm thấy vị trí của mình và cống hiến hết sức mình trong kế hoạch vĩ đại này!

Roma, Gioan Laterano, ngày 8 tháng 5 năm 2022, Chủ nhật thứ Tư Phục sinh.

Phanxicô 
(WGPSG)

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

ĐÔI NÉT VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÂNG HIẾN NƯỚC NGA VÀ UKRAINE

ĐÔI NÉT VỀ VIỆC ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
DÂNG HIẾN NƯỚC NGA VÀ UKRAINE
 
WHĐ (24.3.2022) - Kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào ngày 24.02.2022, cho đến nay, tình trạng bạo lực ngày càng leo thang, mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là cuộc thảm sát tàn bạo, hoàn toàn “vô nhân”, “phạm thánh” và “không thể biện minh”. 
 
Đứng trước thảm cảnh ngày càng tồi tệ này, Đức Thánh Cha đã mời các giám mục trên toàn thế giới, cùng với các linh mục, và toàn thể Dân Chúa hiệp với ngài trong lời cầu nguyện cho hoà bình và trong việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Mẹ Maria.
 
Để chuẩn bị cho việc hiệp thông với Vị Cha Chung, chắc hẳn sẽ rất hữu ích nếu chúng ta biết thêm về một số điểm liên quan đến việc rất quan trọng này. 
 
1. Việc dâng hiến nước Nga và Ukraine sẽ được tiến hành như thế nào? 
 
Hôm 21.3.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư mời gọi tất cả các giám mục trên toàn thế giới tham gia với ngài trong lời cầu nguyện cho hòa bình cũng như sự phó dâng nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 
 
Nghi thức dâng hiến sẽ do chính Đức Thánh Cha cử hành vào lúc 5 giờ chiều, ngày lễ Truyền Tin 25. 3. 2022 tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Rôma. Cũng vào thời điểm này, Đức Hồng Y Konrad Krejewski, người Ba Lan, với tư cách là sứ thần của Đức Giáo hoàng sẽ cử hành nghi thức dâng hiến tại đền thờ Đức Mẹ Fátima, Bồ Đào Nha. 
 
Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục tham gia việc cử hành này bằng cách mời gọi các linh mục, tu sĩ và các tín hữu quy tụ tại các nhà thờ và các nơi cầu nguyện, cùng lúc khi có thể, vào ngày 25/3, “để Dân Thánh của Thiên Chúa có thể cất lên lời khẩn cầu chân thành và đồng lòng với Đức Maria, Mẹ chúng ta”. 
 
2. Việc dâng hiến cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ nghĩa là gì?

- Dâng hiến cho Đức Maria nghĩa là sao? 
 
Dâng hiến cho Đức Maria có nghĩa là “giao phó thể xác, linh hồn, tài sản, công việc và toàn bộ cuộc sống của một người cho sự bảo vệ, hướng dẫn và cầu bầu của Đức Mẹ”. 
 
Lịch sử của thực hành này bắt đầu với chính Chúa Giêsu, khi bị treo trên Thập giá, đã giao phó tông đồ Gioan, người môn đệ yêu dấu, cho mẹ mình (Ga 19, 26-27). Sau đó, các Kitô hữu đã khấn xin Mẹ Maria chuyển cầu và nâng đỡ họ ngay từ thời Giáo hội sơ khai. 
 
Là một việc sùng kính, người ta cũng có thể dâng hiến bản thân (qua lời nguyện dâng hiến) cho Chúa Kitô qua Mẹ Maria và việc tận hiến này trở nên chính thức hơn vào những năm 1600. Hơn nữa, việc dâng hiến cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố hoặc vùng miền vào thời Trung Cổ. Vua Louis XIII đã dâng hiến nước Pháp cho Đức Maria vào năm 1638, và hành động này đã được các giám mục và giáo hoàng làm theo đối với các quốc gia và địa điểm cụ thể khác, và thậm chí đối với toàn thế giới. 
 
- Nhưng tại sao lại là Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ? 
 
Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ là một lòng sùng kính mang tính Công giáo cụ thể đối với một yếu tố của sự thánh thiện của Mẹ Thiên Chúa: sự trong sạch hoàn toàn của Mẹ, thường được phác hoạ với vòng hoa và một thanh gươm, liên quan đến lời tiên tri của ông già Simeon trong đền thờ: “và một thanh gươm cũng sẽ xuyên thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). 
 
Trong dòng lịch sử của Giáo hội, việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ là một sự sùng kính vào khoảng Thế kỷ 19, được nêu ra trong tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được tuyên tín cách long trọng vào năm 1854. Tuy nhiên, việc sùng kính này đã được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về Thánh Mẫu học của các nhà thần học thời Trung cổ như Thánh Anselm thành Canterbury và Thánh Bernard thành Clairvaux, và bắt nguồn từ đức tin thời Giáo hội sơ khai. 
 
Một cách cụ thể, việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ đã trải qua sự phát triển quan trọng ở Pháp từ năm 1830 với sự hiện ra của Đức Trinh Nữ tại Rue du Bac, trong đó bản chất vô nhiễm nguyên tội Đức Maria đã được mạc khải cho Thánh Catherine Labouré. Theo đó, vào ngày 27.11.1830, Mẹ Maria đã yêu cầu nữ tu Catherine Labouré đeo một huy hiệu có hình Thánh Tâm và Mẫu Tâm cạnh nhau, kèm theo lời cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, được tượng thai vô nhiễm tội, xin cầu bầu cho chúng con là những kẻ đã trông cậy vào Mẹ”.

Nhưng bắt đầu từ năm 1917, qua các cuộc hiện ra của Đức Mẹ với 3 trẻ chăn chiên Giacinta, Phanxicô, và Lucia tại Fatima, tại Bồ Đào Nha thì việc sùng kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ mới được nâng lên một tầm quan trọng. Trong lần hiện ra lần thứ hai vào ngày 13.6.1917, Đức Trinh Nữ được cho là đã tuyên bố rằng để cứu loài người khỏi hoả ngục, Thiên Chúa muốn “thiết lập trên thế giới lòng sùng kính đối với Trái tim vẹn sạch của Mẹ”. 
 
Vì thế, lòng sùng kính Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ được liên kết mật thiết với các cuộc hiện ra ở Fatima. 
 
3. Việc dâng hiến nước Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ đã được thực hiện chưa? 
 
Sau biến cố Fatima, có nhiều hành vi khác nhau để dâng hiến cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ:
 
- Đức Giáo Hoàng Piô XII vào ngày 31.10.1942 đã dâng hiến toàn thế giới, và ngày 7.7.1952, ngài đặc biệt dâng hiến nước Nga cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ với Tông Thư Sacro Vergente Anno, trước tình cảnh khó khăn của những Kitô hữu bị buộc phải sống trong một chế độ cộng sản vô thần. 
 
- Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1964, một lần nữa dâng hiến toàn thể nhân loại cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 
 
- Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981, 1982, đã tiếp tục dâng hiến toàn thể nhân loại cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Đặc biệt, vào ngày 25.3.1984, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đặc biệt đề cập đến lời thỉnh cầu của Đức Mẹ tại Fatima, và trong sự kết hợp thiêng liêng với các giám mục toàn thế giới, đã ủy thác cho tất cả các dân tộc, và “một cách đặc biệt… những người và các quốc gia đang cần đặc biệt về sự giao phó và dâng hiến này” cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 
 
- Đức Thánh cha Phanxicô đã dâng hiến toàn thể nhân loại vào ngày 13.10.2013, khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Và lần này, vào ngày 25.3.2022, ngài sẽ dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ trong sự hiệp thông với các giám mục trên thế giới. 
 
4. Làm sao cả một quốc gia có thể được dâng hiến khi không phải tất cả mọi người trong đó, đều là Kitô hữu? 
 
Sự dâng hiến một quốc gia thực sự là một sự khấn nguyện dâng hiến, một sự cầu thay cho đất nước chứ không phải là một sự dâng hiến chính thức cần phải có sự đồng ý của người được dâng hiến. 
 
Trong khi tôn trọng tự do của mỗi người, một hành động dâng hiến kêu gọi sự hoán cải của trái tim. 
 
Sứ điệp của Đức Piô XII gửi nước Bỉ đã nêu rõ: “Bằng cách đặt các hoạt động cá nhân, gia đình và quốc gia của anh chị em dưới sự bảo vệ của Đức Maria, anh chị em nài xin sự bảo vệ và sự giúp đỡ của Mẹ trong mọi nỗ lực của mình, nhưng anh chị em cũng hứa sẽ không thực hiện bất cứ điều gì có thể làm buồn lòng Mẹ và để cả đời mình phù hợp với hướng đi và mong muốn của Mẹ". 
 
Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, Đức Gioan Phaolô II cũng giải thích tiến trình này, được hỗ trợ bởi một con đường hoán cải: 
 
Tiếng “xin vâng” của mẹ là đánh dấu khai mạc “thời viên mãn” mà sự hòa giải của con người với Thiên Chúa qua Đức Kitô đã được thực hiện. Chính trong bàn tay của mẹ, chính trong trái tim vẹn sạch đó – nơi chúng ta hằng ký thác toàn thể nhân loại bị tội lỗi vây bủa và bị xâu xé bởi biết bao căng thẳng và xung đột – tôi lặp lại đặc biệt ý hướng này: ước mong nhờ sự bầu cử của Mẹ, nhân loại khám phá và bước đi trên con đường sám hối, con đường độc nhất có thể dẫn tới sự hòa giải toàn vẹn. 
 
Trên thực tế, đã có nhiều quốc gia đã được dâng hiến cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria. Chẳng hạn như: 
 
Các giám mục Bồ Đào Nha đã dâng hiến Bồ Đào Nha vào ngày 13.5.1931; Ba Lan được dâng hiến vào năm 1946; và Úc vào năm 1948. 
 
Gần đây hơn, trong năm 2017, Congo được dâng hiến vào ngày 4.2, trước sự chứng kiến ​​của Đức Hồng Y Parolin, Ngoại trưởng của Tòa thánh; Anh và xứ Wales được Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, dâng hiến vào 18.2; và Scotland vào ngày 3.9. 
 
Tại Fatima vào ngày 25.3.2020, 24 quốc gia đã được dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ để cầu xin sự bảo vệ, nâng đỡ khi đối mặt với đại dịch Covid-19 bao gồm: Albania, Bolivia, Colombia, Costa Rica, Cuba, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Hungary, Ấn Độ, Kenya, Mexico, Moldova, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha và Đông Timor. 
 
5. Đâu là ý nghĩa của việc Đức Thánh Cha dâng hiến nước Nga và Ukraine lần này? 
 
Như chính Đức Thánh Cha khẳng định trong lá thư gửi cho các giám mục: 
 
“Hành vi dâng hiến này muốn trở thành một cử chỉ của Giáo hội hoàn vũ mà, vào thời điểm bi thảm này, mang đến cho Thiên Chúa, qua Mẹ của Ngài và là Mẹ của chúng ta, tiếng kêu đau đớn của tất cả những ai đang chịu đau khổ và cầu xin chấm dứt bạo lực, và phó thác tương lai của nhân loại cho Nữ Vương Hòa Bình”. 
 
Được biết, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng sẽ hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục trên thế giới trong việc cầu nguyện dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. 
 
Cùng quan điểm với Đức Thánh Cha, Đức Giám mục José Ornelas, giáo phận giám sát đền thờ Fatima nhìn nhận rằng, “Đây là một sứ điệp về hòa bình. Nó không chống lại bất cứ ai, nó là một sứ điệp ủng hộ sự hòa giải của con người, để tạo ra một bầu khí hòa bình, thay vì xung đột”. 
 
Còn với cha Ivan Hudz, một linh mục Công giáo người Hy Lạp thì: 
 
“Với sự dâng hiến này, người dân Ukraine hy vọng rằng nó sẽ báo trước một thời kỳ hòa bình mới, ‘nhưng không chỉ là bất kỳ thứ hòa bình nào, mà là sự hòa bình đích thực, hòa bình đến từ Thiên Chúa, thông qua Mẹ Maria’”. 
 
Do đó, cha nhấn mạnh: “Không chỉ nước Nga cần phải hoán cải, trong khi chúng ta thì vẫn tiếp tục sống một cuộc sống cứng ngắc về mặt chính trị. Năm 2022 mới bắt đầu được 3 tháng, thử hỏi rằng: đã có bao nhiêu ca phá thai được thực hiện ở Châu Âu? Có bao nhiêu người già bị bỏ rơi? Có bao nhiêu luật trái đạo đức được Chính phủ Liên minh Châu Âu phê duyệt? Sự dâng hiến này không thể chỉ dành cho chiến tranh”. 
 
Vì vậy, nếu chúng ta muốn chân thành tham gia việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, trong khung cảnh của một buổi cử hành sám hối với Đức Thánh Cha và Giáo hội hoàn vũ, thì không nghi ngờ gì nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách “hoán cải tâm hồn và hành động như những người nam và người nữ theo trái tim của Thiên Chúa”. 
 
Để được như thế, ngay lúc này, mỗi chúng ta cùng thầm thĩ cầu nguyện một phần lời Kinh dâng hiến mà chính Đức Thánh Cha sẽ tuyên đọc trong nghi thức Dâng hiến vào ngày 25.3 tới đây: 
 
Mẹ là Ngôi Sao biển, xin đừng để chúng con bị nhấn chìm trong bão táp chiến tranh.

Mẹ là Hòm Bia Giao ước mới, xin gợi mở cho các dự định và con đường hòa giải.
Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, xin tái lập hòa bình của Chúa trên thế giới.
Xin Mẹ dập tắt hận thù, xóa tan lòng báo oán và dạy chúng con biết tha thứ.

Xin giải thoát chúng con khỏi chiến tranh, bảo vệ thế giới này khỏi hiểm họa hạt nhân.

Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin dạy chúng con nhận ra sự cần thiết của cầu nguyện và yêu thương.

Lạy Nữ Vương của gia đình nhân loại, xin chỉ lối cho các dân tộc nẻo đường của tình huynh đệ.
Lạy Nữ vương Hòa bình, xin ban hòa bình cho toàn thế giới. 
 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm

(Cập nhật lúc 05h30 ngày 25.3.2022
(WGPSG)

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

HƯỚNG VỀ NGÀY ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ THÁNH HIẾN NGA VÀ UCRAINA CHO ĐỨC MẸ

HƯỚNG VỀ NGÀY ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
THÁNH HIẾN NGA VÀ UCRAINA CHO ĐỨC MẸ

Trước tình hình chiến tranh tại Ucraina tiếp tục kéo dài và gây ra nhiều đau thương tàn phá, Đức Thánh Cha mong muốn đặt hai dân tộc Ucraina và Nga dưới sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua một cử hành phụng vụ. Do đó, chiều ngày 15/3 vừa qua, Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng “vào thứ Sáu ngày 25/3, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ.

Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết thêm: “Vào cùng ngày (25/3), hành động tương tự sẽ được thực hiện tại Fatima bởi Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha”, người được Đức Thánh Cha phái đến Fatima.

Mời các giám mục và linh mục cùng tham gia thánh hiến Nga và Ucraina

Sau đó, vào ngày 18/3/2022, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh xác nhận với các nhà báo rằng Đức Thánh Cha đã mời các giám mục trên toàn thế giới, cùng với các linh mục của các ngài, hiệp với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện cho hoà bình và trong việc thánh hiến và phó dâng hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.

Hơn thế nữa, các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới cũng được mời gọi hiệp ý cầu nguyện và tham dự nghi thức thánh hiến.

Thánh hiến là gì?

Chúng ta đã từng nghe nói đến việc thánh hiến, vậy thánh hiến nghĩa là gì? Một người hoặc một quốc gia được thánh hiến nghĩa là được dành cho một mục đích thánh. Thuật ngữ thánh hiến được dùng rất nhiều trong Công giáo, được áp dụng cho nơi chốn như nhà thờ, hay cho con người như tu sĩ hay giáo dân thánh hiến, hoặc các đồ vật phụng tự. Bằng lòng đạo đức, một người cũng có thể thánh hiến mình cách cá nhân cho Chúa Ki-tô qua Mẹ Maria. Từ thời Trung cổ, việc thánh hiến cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố. Vào năm 1638 vua Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Mẹ Maria, và hành động này đã được các giám mục hoặc Giáo hoàng noi theo, thánh hiến các quốc gia và nơi chốn, thậm chí là thánh hiến toàn thế giới.

Bộ Phụng tự định nghĩa việc thánh hiến cho Mẹ Maria là sự thừa nhận công khai về “vai trò đặc biệt của Đức Maria trong Mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo hội, về tầm quan trọng phổ quát và gương mẫu của chứng tá Tin Mừng của Mẹ, về sự tin cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ, và hiệu quả của sự bảo trợ của Mẹ.”

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - người đã thánh hiến toàn thể Giáo hội và thế giới cho Mẹ Maria ba lần trong triều đại giáo hoàng của ngài - đã dạy rằng bằng cách thánh hiến mình cho Mẹ Maria, chúng ta chấp nhận sự giúp đỡ của Mẹ trong việc dâng mình trọn vẹn cho Chúa Kitô.

Tại sao lại thánh hiến nước Nga?

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Nữ tu Lucia, một trong ba trẻ mục đồng được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, nói rằng Mẹ Maria đã nói với chị: “Nếu những yêu cầu của Mẹ được chú ý, nước Nga sẽ được hoán cải, và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc sai lầm của mình ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội. Những người tốt phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; các quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt.”

“Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, và nó sẽ được hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới.”

Thánh hiến Giáo hội và thế giới

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều Giáo hoàng đã thánh hiến toàn Giáo hội và thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Vào ngày 31/10/1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và vào ngày 7/7/1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno: “Cũng như cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.” - Đức Giáo Hoàng Piô XII

Vào ngày 21/11/1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội trước sự hiện diện của các nghị phụ của Công đồng Vatican II.

Sau đó, để đáp lại những yêu cầu của Đức Mẹ trọn vẹn hơn, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn thực hiện rõ ràng trong Năm Thánh Cứu chuộc hành động phó thác vào ngày 7/6/1981, được lặp lại tại Fatima vào ngày 13/5/1982. Để nhớ đến lời thưa Xin Vâng của Đức Maria vào giây phút Truyền tin, ngày 25/3/1984, tại Quảng trường thánh Phêrô, trong sự hiệp thông thiêng liêng với tất cả các giám mục trên thế giới, đã được “triệu tập” trước đó, thánh Gioan Phaolô II đã phó thác mọi dân tộc cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Việc Đức Gioan Phaolô II dâng hiến cho thế giới ngày 25/3/1984, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, đã gây ra nhiều tranh cãi và thậm chí cả thuyết âm mưu. Vào tháng 6/2000, Tòa Thánh đã công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Vào thời điểm đó, Đức tổng giám mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng nữ tu Lucia, trong một lá thư năm 1989, đã đích thân xác nhận rằng hành động thánh hiến trọng thể và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn. Chị viết: “Vâng, nó đã được thực hiện giống như Đức Mẹ đã yêu cầu, vào ngày 25/3/1984”.

Yêu cầu của các giám mục Ucraina

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo sau khi các giám mục Ucraina xin ngài thực hiện hành động thánh hiến này. Trong thư được đăng trên trang web của các giám mục hôm thứ Tư Lễ Tro ngày 2/3/2022, các giám mục Ucraina nói rằng họ đã viết thư thỉnh cầu Đức Thánh Cha “trong những giờ phút đau đớn khôn lường và thử thách khủng khiếp đối với nhân dân của chúng tôi”. Đáp lại nhiều yêu cầu thánh hiến, các giám mục “khiêm tốn xin Đức Thánh Cha công khai thực hiện hành động thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima.” “Xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa bình, cầu cho chúng con: Regina pacis, ora pro nobis.” Các giám mục Ucraina cũng đăng trên trang web của mình một kinh cập nhật bằng tiếng Ucraina về việc thánh hiến nước này cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, yêu cầu các tín hữu đọc kinh này cách cá nhân và sau mỗi Thánh lễ.

Phản ứng của các giám mục Ucraina về việc thánh hiến

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được các giám mục của Ucraina và Nga hân hoan đón nhận. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 16/3/2022, Đức tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, tổng giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, giải thích rằng đó là một “hành động tinh thần được người dân Ucraina chờ đợi từ lâu”, không chỉ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hiện tại của Nga mà còn kể từ khi bắt đầu bị Nga xâm lược, vào năm 2014, những người Công giáo Ucraina thỉnh nguyện việc thánh hiến này “như một nhu cầu cấp bách để tránh sự gia tăng chiến tranh và những nguy cơ đến từ Nga”. Đức tổng giám mục Shevchuk cho biết thêm rằng sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022, những lời cầu nguyện đã đến từ khắp nơi trên thế giới để sự thánh hiến này diễn ra. Ngài khẳng định: “Với những cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha, tôi đã đệ trình mong muốn này của các tín hữu của Giáo hội chúng tôi”.

Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina tuyên bố cách mạnh mẽ: “Chúng tôi phó thác cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria mọi đau khổ và hy vọng về hòa bình cho dân tộc tử đạo của chúng tôi.” Chính ngài, vào ngày 23/10/2016, tại Fatima, đã thánh hiến Ucraina cho Trái tim Đức Mẹ.

Phản ứng của các giám mục Nga về việc thánh hiến

Về phần mình, Đức tổng giám mục Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mátxcơva, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, khẳng định với hãng tin SIR của Ý rằng ngài đã hoan nghênh quyết định của Đức Giáo hoàng với “niềm vui và lòng biết ơn to lớn”. Ngài nói: “Fatima, ít nhất là đối với Giáo hội Công giáo, có mối liên hệ đặc biệt với Nga và với mọi xung đột phát sinh trên thế giới”. Ngài nhấn mạnh rằng ý nghĩa biểu tượng của sự thánh hiến này tất nhiên gắn liền với nhu cầu để ngăn chặn đổ máu ở Ucraina.

Còn Đức cha Clemens Pickel của giáo phận Saratov của Nga nói rằng các giám mục Nga vui mừng vì Đức Thánh Cha đã quyết định thực hiện việc thánh hiến. Ngài nói với Vatican News rằng các giám mục Nga đang chuẩn bị cho Hành động Thánh hiến bằng cách chú trọng đến việc giúp tín hữu Nga hiểu rõ việc này. Ngài giải thích: “Điều quan trọng là chính chúng ta cùng cầu nguyện và nó thuộc về tấm lòng của chúng ta.” Ngài nói thêm rằng “việc dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria không phải là ma thuật; đó là lời cầu nguyện.” “Chúng tôi muốn cầu xin Đức Mẹ với quyền năng trên trời của Mẹ cho sự đổ máu có thể ngừng lại, càng sớm càng tốt.”

Nhiều giám mục trên thế giới sẽ tham gia việc thánh hiến vào ngày 25/3/2022

Đáp lại lời Đức Thánh Cha mời gọi cùng với ngài thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ, nhiều hội đồng giám mục đã công khai bày tỏ sự ủng hộ và tham gia sáng kiến của Đức Thánh Cha. Tại Hoa Kỳ, nhiều giám mục của các giáo phận đã thông báo chương trình cử hành ngày 25/3 tới đây với các Thánh lễ hay giờ cầu nguyện và mời gọi các tín hữu cùng tham gia cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và trên thế giới. Nhiều nhà thờ sẽ đánh chuông vào giờ quy định để nhắc các tín hữu cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Tại Syria, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, cho biết ngài mời gọi các giám mục Syria hợp với Đức Thánh Cha thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái tim Đức Mẹ. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Liệu chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng xoáy của đau đớn và chết chóc này không? Liệu chúng ta có thể lại học cách bước đi và bước đi trên những con đường hòa bình không? Cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn của Mẹ Thiên Chúa, tôi muốn trả lời: Vâng, điều đó có thể cho tất cả mọi người!’”

Tại Âu châu, các giám mục Anh và xứ Wales thông báo hôm 17/3/2022 rằng họ sẽ tham dự việc thánh hiến. Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, sẽ thực hiện việc thánh hiến trong Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Westminster lúc 5:30 chiều ngày 25/3/2022.

Còn Đức cha Mark O’Toole của Plymouth, miền nam nước Anh, sẽ hướng dẫn giờ lần hạt Mân Côi tại Nhà thờ Chính tòa Đức Maria và Thánh Bonifaxio vào sáng ngày thánh hiến. Ngài nói: “Tôi rất cảm động trước sáng kiến của Đức Thánh Cha và mong muốn được hợp nhất với ngài, các giám mục anh em của tôi, và những người Công giáo ở Anh và xứ Wales trong hành động thánh hiến này.” “Chúng ta biết rằng chúng ta rất cần món quà của hòa bình và hòa giải, và chúng ta sẽ phó thác tất cả những ai đang đau khổ vào thời điểm này cho Đức Mẹ, vì biết rằng Mẹ sẽ dâng tất cả những đứa con đau khổ của Mẹ cho Chúa của chúng ta.”

Trong khi đó, các giám mục Mỹ châu và vùng Caribe cho biết các ngài sẽ tham gia vào sáng kiến thánh hiến được Đức Thánh Cha khởi xướng. Các ngài mời các tín hữu Công giáo, và 22 Hội đồng giám mục trong vùng hợp với ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Từ Á châu, các giám mục Philippines và Malaysia cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Đức Thánh Cha trong việc thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ.

(WGPSG)