Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 28.01.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 28.01.2022
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 3 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 28.01.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

KHAO KHÁT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG TRÊN CHIẾC GIƯỜNG BỆNH

KHAO KHÁT ĐIỀU BÌNH THƯỜNG 
TRÊN CHIẾC GIƯỜNG BỆNH

TGPSG -- Khi nằm trên giường với những ống trợ thở chằng chịt, nghe những tiếng máy chạy “tít…tít…tít”, vây quanh toàn những người lạ chẳng biết tên và chẳng biết mặt, người ta mới “ngộ” ra một điều gì đó.

Chịu khó bước ra đường, thả bộ chầm chậm bạn sẽ nghe được nhiều điều: “Ê, qua cơn dịch bệnh này, liệu tất cả sẽ lại bình thường như xưa? Liệu sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng với giá thực phẩm bùng nổ? Rau, củ, quả có còn khan hiếm và đắt đỏ như trong mùa dịch? Có thể tiếp tục đến nhà thờ cầu nguyện và tham dự các nghi thức nữa chăng? Liệu ở đó sẽ còn có nhiều người nữa không hay là sẽ ít người hơn? Học sinh, sinh viên sẽ quay lại trường như thế nào?Ai là người quan tâm đến những người không còn công việc làm sau mùa dịch?”

Rồi cùng một dòng tư tưởng đó, người ta thường sẽ nghĩ rằng: “Ôi cơm-áo-gạo-tiền, câu chuyện muôn thuở! Suốt ngày chăm bệnh rồi sẽ nghe bệnh nhân người ta than thở, chuyện bệnh tật, chuyện cá nhân, hết chuyện buồn đến chuyện vui… Việc ta nên làm là cứ tiếp tục khuyên bệnh nhân mạnh mẽ lên, can đảm lên.”

Tôi thì có nhiều hình dung rất khác về những ngày hậu đại dịch này cũng như ý nghĩa mà nó mang lại, đặc biệt là khi tôi được phục vụ và chăm sóc các bệnh nhân tại khoa 2B-ICU thuộc Bệnh viện Ung Bướu II. Tôi nghĩ rằng những định kiến đóng khung cuộc sống của con người trong một sự “ngắn gọn và đơn giản” Những gì mà tôi nghe, không hề mô tả được thực tại cuộc sống và cũng không diễn tả được những gì đang diễn ra nơi những người bệnh mà tôi đang nhìn thấy hàng ngày bằng đôi mắt của thể lý và bằng đôi mắt của tâm hồn.

Trăm năm nhìn xuống đời hư ảo,
Một phút nhìn lên ngộ lẽ trời


Khi nằm trên giường với những ống trợ thở chằng chịt, nghe những tiếng máy chạy “tít…tít…tít”, vây quanh toàn những người lạ chẳng biết tên và chẳng biết mặt, người ta mới “ngộ” ra một điều gì đó. Không phải chuyện cơm-áo-gạo-tiền, không phải chuyện đất nước, chuyện xã hội, không phải chuyện tiếp tục nỗ lực để lành bệnh… Tất cả đều không phải.

Các bệnh nhân mà tôi gặp, họ khao khát sống và khao khát muốn sống để làm những điều bình thường. Họ muốn được thở thật mạnh và thật sâu. Họ muốn được ăn và ăn thật ngon miệng. Họ muốn nhìn mọi người thật gần và thật rõ. Họ muốn về nhà với người bạn đời và đám cháu nội, cháu ngoại. Họ muốn mình không bao giờ quên những phút giây bình thường của cuộc sống mà mình đã từng có…

Có lẽ nhiều người và trong đó chắc chắn có tôi nữa, đang quên mất một điều thật quý giá và quan trọng: sự hiện diện bình thường nhưng đầy ý nghĩa của mình trong cuộc sống này. Đại dịch nhắc nhở con người ngày hôm nay phải hiện diện thật ý nghĩa trong từng hơi thở và đi vào chiêm nghiệm cái lẽ sống sâu thẳm nhưng lại bình dị ấy. Nhưng để đi vào cuộc chiệm nghiệm “bình dị” ấy, có lẽ cần một sự “ngước nhìn lên.”

Trong những tấm ảnh mà các họa sĩ vẽ lại chân dung của thánh Inhaxiô, tôi ít khi thấy người ta mô tả cảnh tượng thánh nhân đứng trên ban công tòa lâu đài Loyola ngắm trời sao, mặc dù chính ngài trong cuốn “Tự thuật” đã mô tả cảnh tượng trên như một biến cố đáng nhớ của cuộc đời mình. Ngài kể lại: “… Và sự an ủi lớn nhất mà tôi nhận được là khi nhìn ngắm bầu trời và các tinh tú, điều mà tôi thường làm lâu giờ, vì tôi cảm nhận nơi mình có được một nghị lực lớn lao để phục vụ Chúa chúng ta. Tôi cũng thường xuyên nghĩ đến những dự phóng của mình, ước mong được hoàn toàn bình phục để lên đường”. (Tự thuật, 11).

Thánh Inhaxiô, những bệnh nhân trên giường bệnh, cả tôi và bạn hẳn không cần “ngước nhìn lên” một cách tùy hứng vô định. Nhưng có lẽ mỗi người cần ngước nhìn lên để nhận ra rằng mình được tặng ban một tâm hồn thật đẹp, một tâm hồn đủ rộng để gom góp vào lòng tất cả những gì là bao la, là sâu thẳm, là tuyệt đối nhưng cũng là bình dị, là đơn sơ. Ngước nhìn lên để biết mình đang hiện diện vô cùng ý nghĩa. Và biết đâu, bất chợt bạn và tôi cũng cảm nhận được một sự bình an rất lạ, một khao khát mạnh mẽ, một ý nghĩa tròn đầy vốn đã có sẵn nơi bạn và tôi mà trước giờ ta chưa bao giờ nhận ra.

Liệu qua cơn đại dịch này, tất cả sẽ trở lại như bình thường? Có lẽ tất cả vốn vẫn bình thường cho đến khi mỗi người nhận ra cái ý nghĩa thật bình thường ấy.

J.Bosco Nhật Tài, Dòng Tên (TGPSG
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2021 CỦA LINH MỤC ĐOÀN

TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2021 CỦA LINH MỤC ĐOÀN
 TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON

TGPSG -- “Linh mục đối diện với tính thế tục” là chủ đề của Tuần Tĩnh tâm năm 2021 dành cho linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn, diễn ra tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ ngày 24 đến 27-01-2022.

Tuần Tĩnh tâm này đã dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11-2021, nhưng phải dời lại 2 tháng do hoàn cảnh dịch bệnh.

Tham gia Tuần Tĩnh tâm này có Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng và 339 linh mục. Vị giảng phòng là Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long.

Khai mạc

Ngày đầu tiên của Tuần Tĩnh tâm đã khởi sự vào lúc 09g với huấn từ của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Ngài nói với các linh mục về việc tổ chức Thánh lễ và giáo lý trong mùa dịch bệnh; nhắc nhở về đức khiết tịnh, cách sống hiệp hành và sinh hoạt mục vụ của các linh mục. Ngay sau đó, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã trình bày về Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023 cấp Giáo phận.

Trong các ngày tĩnh tâm, các linh mục đã cùng nhau dâng Thánh lễ, đọc Phụng vụ các Giờ Kinh, Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, xét mình, xưng tội, cầu nguyện lâu giờ và suy niệm nội dung của các bài giảng tĩnh tâm.

Vì vẫn còn trong thời gian dịch bệnh Covid nên khi tĩnh tâm, các linh mục thường xuyên đeo khẩu trang, trừ khi ăn cơm (ăn uống trong không gian thoáng rộng của nhà cơm và khoảng sân thoáng đãng của chủng viện).

Nội dung các bài giảng tĩnh tâm

Với những lời tha thiết khi giảng tĩnh tâm, Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long cho thấy các nguy hại của tính thế tục trong đời sống linh mục:
  • Tính thế tục hủy hoại đời sống thánh thiện, tàn phá các đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục của các linh mục.
  • Tính thế tục tạo nên phong cách đạo đức giả, lối sống công chức, chạy theo tiền bạc và tinh thần giáo sĩ trị.
  • Tính thế tục khiến cho linh mục không còn tha thiết và nhiệt huyết với sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Đức cha Anphong đã đưa ra những bản xét mình rất kỹ lưỡng để giúp các linh mục, khi nhận ra và vượt thắng chủ nghĩa thế tục hóa, sẽ từng ngày được trở nên thánh thiện hơn trong đời sống cá nhân, trong cách thi hành sứ vụ và trong nhiệt tâm loan báo Tin Mừng.

Mừng lễ đặc biệt

Trong Tuần Tĩnh tâm, các linh mục đã có cơ hội chúc mừng sinh nhật Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long vào ngày 26-1; mừng 60 năm Linh Mục (4 cha), 50 năm Linh Mục (12 cha) và 25 năm Linh Mục (1 cha) trong Thánh lễ sáng 27-01-2022.

Các linh mục cũng sốt sắng dâng Thánh lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo và cầu cho các vị mục tử đã qua đời vào sáng 26-01-2022.

Bế mạc

Vào ngày 27-01, sau Thánh lễ bế mạc lúc 10g và bữa ăn trưa lúc 11g30, Tuần Tĩnh tâm dành cho linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn đã khép lại vào lúc 12g30, trong niềm vui huynh đệ thánh thiện, với quyết tâm vượt thắng tính thế tục và sống thánh thiện của các vị tham dự.

Lm Giuse Vi Hữu (TGPSG
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 28.01.2022


Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 27.01.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 27.01.2022 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 27.01.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 52: MỌI NẺO ĐƯỜNG ĐỀU DẪN VỀ ROMA (Omnes Viae Roman Ducunt)


ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO: THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN NHÂM DẦN

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN NHÂM DẦN


Các con thân mến,

Chỉ còn đúng một tuần nữa là chúng ta sẽ bước vào năm mới Nhâm Dần. Trong văn hóa Việt Nam của chúng ta, Tết Nguyên Đán sẽ là những thời khắc quan trọng để khởi đầu cho một năm mới. Bởi đó mà các con sẽ thấy rất nhiều phong tục, lễ hội, dù rất xa lạ với thế giới hiện đại, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong sinh hoạt gia đình của những ngày Tết. Vì được coi là những ngày thiêng liêng và trọng đại nhất trong năm, cho nên mọi người luôn có một sự chuẩn bị tốt nhất cho những ngày này. Là những người Công giáo, chúng ta cũng mừng xuân đón Tết như tất cả mọi người. Chúng ta cũng tất bật chuẩn bị nhiều thứ cho sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta không được quyền quên sót, đó chính là những lời tạ ơn Chúa. Trong đời sống của một Kitô hữu, nếu như những ngày cuối năm được coi là để tổng kết mọi sự trong một năm qua, mà lại thiếu vắng lời tạ ơn Thiên Chúa, thì nó sẽ là một việc làm chưa được trọn vẹn và đúng nghĩa để khởi đầu cho một năm mới. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tất cả mọi điều Người đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, vì đó là điều phải lẽ, đẹp lòng Chúa và sinh ơn ích cho chúng ta.

1. Tạ ơn Chúa, một tâm tình xứng hợp

Rất nhiều câu chuyện trong Thánh Kinh cho thấy rằng: tạ ơn là một việc làm thường xuyên và xứng hợp nhất của con người, khi đứng trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bởi vì xét cho cùng, khi nhìn lại những ơn huệ Chúa ban, con người cũng chẳng thể làm được gì gọi là tương xứng để thể hiện lòng biết ơn của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm cũng muốn chúng ta học lấy tâm tình này khi Người luôn sống như thế với Chúa Cha. Người không những tạ ơn khi vui mừng vì đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc mạc khải Nước Trời (x. Mt 11, 25), mà còn tạ ơn lúc phải đối diện với những lo lắng trước mầu nhiệm Thập giá trong bữa Tiệc ly với các Tông đồ (x. Mt 26, 26 – 28).

Thời gian mục vụ giáo xứ đã cho cha một kinh nghiệm đáng quý này: Vào những ngày cuối năm, các gia đình xin lễ tạ ơn nhiều hơn những ngày bình thường. Đó là một truyền thống thật đẹp, đáng quý và đáng được phát huy vì ý nghĩa cao đẹp của nó. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau: “Giáo hội gợi ý rằng: chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Vậy thử hỏi rằng: Chúa đã ban cho chúng ta điều gì trong năm qua, khi mà ai cũng nhận thấy là dịch bệnh đã để lại quá nhiều tổn thất về mọi mặt? Đúng vậy, từ vật chất cho đến tinh thần, từ những sinh hoạt cộng đồng cho đến nếp sống đức tin, dịch bệnh đã lấy đi quá nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, đứng về phía của những người còn được Chúa ban cho cơ hội để nói lời tạ ơn như câu chuyện của vua Khitkigia (x. Is 38, 1- 20 ), chúng ta phải nói lời tạ ơn Chúa: Tạ ơn vì chúng ta còn bình an cho đến ngày hôm nay, tạ ơn vì chúng ta có những phương tiện y tế hỗ trợ, tạ ơn vì chúng ta có những người can đảm đứng ở tuyến đầu trong việc cứu chữa mọi người, tạ ơn vì kết quả học tập của chúng ta, tạ ơn vì tất cả những điều Chúa đã ban cho mình trong năm qua, kể cả những điều mình chưa nhận thấy.

2. Hãy tạ ơn Chúa bằng đời sống đạo đức

Biết ơn là một hành vi mang đậm tính nhân nhân văn của con người. Thậm chí người ta còn nói rằng: ai càng có lòng biết ơn nhiều, người đó càng trở nên người bấy nhiêu. Thế nhưng trong tinh thần Kitô giáo mà Thánh Giacôbê đã dạy bảo về những hành động của đức tin (x. Gc 2, 17 – 18), cha ước mong rằng: các con cũng hãy nói lời tạ ơn Chúa bằng chính đời sống tốt lành của mình. Nghĩa là, các con hãy sống cuộc đời mình cách đạo đức nhất như một lời tạ ơn Chúa. Có thể ai đó sẽ nói với các con rằng: sống đạo đức là lạc hậu, là thua thiệt, là đi sau thời đại,… Không phải như thế, tài và đức phải luôn sánh đôi với nhau, đó mới là một con người hoàn thiện. Hơn thế nữa, lòng đạo đức có một giá trị trổi vượt trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo. Các con hãy lắng nghe lời Thánh Phaolô hướng dẫn: “Luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức” (1Tim 4, 8). Cha nghĩ rằng đó là lý do mà trong Thánh lễ Giao Thừa, thời khắc tạ ơn long trọng trước thềm năm mới, chúng ta được nghe lại bài Phúc âm mô tả về các Mối phúc. Như vậy, sống đạo đức không những là một thái độ xứng hợp của lòng biết ơn đối với Chúa, mà còn là một bảo đảm cho hạnh phúc ở đời này và đời sau vĩnh cửu.

Các con thân mến! Bên cạnh việc tạ ơn Chúa trong những ngày cuối năm, tết Việt còn là những ngày của lòng hiếu thảo. Truyền thống gia đình Việt Nam coi chữ “Hiếu” như một chuẩn mực đạo đức cho con cái trong nhà. Bằng Giới răn thứ tư, đạo hiếu cũng là lệnh truyền của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Lệnh truyền này mang theo một kết quả tốt đẹp: “Để ngươi được hạnh phúc và để được sống lâu trong phần đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi” (Xh 20, 12b). Sách Huấn ca còn liệt kê thêm bốn phúc lành cho những ai thi hành giới răn này: Được tha thứ tội lỗi, được nhận lời khi cầu xin, được sống trường thọ, được tích trữ kho tàng ơn lành (x. Hc 3, 6). Vậy, các con hãy luôn sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của mình. Nếu vì một lý do nào đó, lòng hiếu thảo chưa được trọn vẹn, các con hãy bắt đầu lại trong dịp thuận tiện này. Cha tin rằng nó sẽ mang lại cho các con một niềm vui mới trong cuộc sống hàng ngày của các con.

3. Lời nguyện đầu năm

Tạ ơn Chúa vì một năm đã qua đi trong sự quan phòng của Người, cũng là lúc chúng ta hướng về một năm mới trong niềm hy vọng. Dù khó khăn và lo sợ vẫn còn đó, dù các con có hay không những cơ hội tham dự Thánh lễ đầu năm, nhưng chúng ta hãy bước vào năm mới bằng lòng tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa Giê-su luôn ở cùng chúng ta” (Trích bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 14/10/2020). Các con đừng quên cầu nguyện cho tất cả mọi người đã qua đời vì đại dịch Covid – 19, cho các em nhỏ mồ côi cha mẹ, cho những người thất nghiệp khốn khó. Chúng ta cùng dâng lên Chúa Xuân quê hương đất Việt thân yêu của mình, xin Người dẫn dắt chúng ta sớm bước qua cơn đại dịch nguy hiểm này.

Các con thân mến! Mùa xuân đang dần đến, năm mới đã gần kề, cha ước mong cho các con thêm một tuổi mới là thêm sự ngoan hiền mới, thêm lòng đạo đức mới và thêm nhiều ơn lành của Chúa. Với tất cả trái tim, chúng ta chúc mừng nhau một Năm mới Nhâm Dần 2022 vui tươi, hạnh phúc, bình an và thánh thiện.

Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu (2021)
 
 + Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
 

 (WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 27.01.2022


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 26.01.2022