Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 30.12.2020

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 30.12.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH, 30.12.2020

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 30.12.2020


NHỮNG THÓI QUEN GIÚP CHO NĂM MỚI TỐT ĐẸP VÀ THÁNH THIỆN

 

TGPSG / NCR – Khởi sự năm 2021 với những bước chân thiêng liêng đúng đắn.

Tạm biệt năm 2020, một năm nhiều khó khăn. Nhưng năm 2020 này thực ra lại mạnh mẽ thúc đẩy ta tìm ra một giải pháp tốt đẹp cho Năm Mới 2021. Và tốt đẹp, có nghĩa là thánh thiện. Thế giới luôn khiến chúng ta thất vọng - nhất là vào năm 2020 - nhưng chúng ta biết rằng Chúa luôn có những điều tốt đẹp dành cho chúng ta.

Hãy đặt ra những mục tiêu để cải thiện bản thân trong thế giới này - chẳng hạn như tập thể dục hoặc bỏ hút thuốc - nhưng rồi sau đó, hãy đi sâu hơn nữa, đi sâu vào tâm hồn và xem xét các phương cách để phát triển mạnh mẽ và gần gũi hơn với Chúa vào năm 2021.

Tạo ra những thói quen thánh thiện chính là điều đã thôi thúc tôi viết ‘Holy Hacks’: ‘Phương Thế Hằng Ngày Sống Đức Tin và Vào Cõi Thiên Đường’ để mở rộng khả năng nên thánh trong ngày sống. Làm như thế, ta sẽ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong suốt năm 2021 vì các hành vi mới sẽ dễ dàng trở thành thói quen. Dưới đây là một số ý tưởng:

1. Đáp lại những quà tặng. Khi sử dụng một món quà, hãy đọc ngay một kinh cho người tặng quà. Ví dụ, tôi đọc ngay một kinh Kính Mừng cho người đã tặng cho tôi một cây phong mỗi khi tôi tưới cây này. Khi sử dụng quần áo hoặc đồ trang sức do ai đó tặng cho bạn, hãy đọc một kinh cho người đó.

2. Cầu nguyện ngẫu nhiên. Chọn ai đó để cầu nguyện cho họ trong suốt một ngày. Đó có thể là một chính trị gia mà bạn nghe thấy đang cổ vũ cho việc phá thai, hoặc một người nào đó trong một chiếc ô tô chạy ngang qua, hay một người mua sắm trong tiệm tạp hóa. Nếu ai đó cản trở bạn trong giao thông, hãy cầu nguyện cho họ, và cơn giận của bạn sẽ dịu đi – nhờ thế cả hai cùng được ơn phúc.

3. Gặp Chúa Giêsu thường xuyên hơn. Hẹn hằng tuần đến thăm Chúa Giêsu nơi Nhà Tạm. Bạn càng dành nhiều thời gian cho Chúa Giêsu, thì Ngài càng có thể cho bạn nhiều ơn hơn.

4. Dội lại. Thuở còn thơ bé, chúng tôi hay nói: “Tôi là cao su, còn bạn là keo dán; bất cứ điều gì bạn nói đều dội lại từ tôi rồi dính vào bạn.” Hãy nhớ Chúa nói với ta: “Ta là Chúa, và Ta đã dựng nên ngươi; bất cứ điều gì ngươi làm cho người khác, điều đó sẽ quay trở lại với ngươi”. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7,2)

5. Trở nên vô hình. Hãy tìm kiếm những cách thế vô hình để làm điều tốt. Ví dụ, bỏ qua một chỗ đậu xe tốt gần cửa ra vào và cầu nguyện cho người sẽ đậu xe ở chỗ bạn đã nhường cho họ. Vào siêu thị, hãy xếp một giỏ hàng nào đó vào đúng chỗ cần thiết và cầu nguyện cho người đã bỏ nó ngổn ngang, đồng thời cầu nguyện cho người sắp sử dụng nó. “Bấy giờ, Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 6).

6. Đọc Lời Chúa. Đặt một cuốn Kinh Thánh ở nơi nào đó thuận tiện và mở nó ra đọc mỗi ngày một lần.

7. Gọi cho người quản lý để khen ngợi nhân viên của họ. Khi bạn nhận được một dịch vụ tốt từ một nhân viên, hãy gọi để báo cáo điều này cho người quản lý của nhân viên ấy. Đó sẽ là một ngày đẹp cho nhân viên này. Rồi hãy thêm lời cầu nguyện cho họ.

8. Cầu xin Chúa sắp xếp chỗ ngồi và các cuộc trò chuyện của bạn. Tôi đã biết những người (và cả bản thân tôi nữa) có những trải nghiệm đáng kinh ngạc khi cầu xin Chúa sắp xếp những người đến ngồi bên cạnh tại các sự kiện hoặc trên máy bay, và chỉ đạo các cuộc trò chuyện này (ngay cả khi giãn cách xã hội). Hãy thử làm như thế, và tôi chắc chắn là bạn sẽ rất ngạc nhiên về những sắp xếp tuyệt diệu của Chúa.

9. Chay kiêng hằng ngày. Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ. Để làm cho việc nhịn ăn thành một hy sinh mỗi ngày, hãy bỏ qua một món ăn nào đó đã được dọn ra trong bữa ăn: Bỏ qua khoai tây chiên hoặc nước sốt cà chua hoặc không phết bơ lên ​​bánh mì…

10. Tận dụng lúc phải chờ đợi. Bạn sẽ làm gì trong khi chờ đồ ăn chín dần trong lò vi sóng hoặc chờ ai đó trả lời điện thoại? Hãy biến những khoảnh khắc chờ đợi vụn vặt ấy thành những lời cầu nguyện.

11. Kết thúc giao dịch mua bán với một lời nói bất ngờ. “Cảm ơn và chúc một ngày tốt lành”: Câu nói ấy bình thường đến nỗi nhân viên thu ngân hầu như không nghe thấy. Với biểu cảm chân thành, hãy thử nói khác đi: “Cảm ơn và cầu Chúa phù hộ cho bạn”. Họ sẽ cảm nhận được lời nói đó của bạn, và sẽ mỉm cười rồi đôi khi đáp lại: "Chúa cũng phù hộ cho bạn!"

12. Hãy biến còi báo động và đèn nhấp nháy của xe cấp cứu thành tín hiệu nhắc ta cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho người đang cần chiếc xe cấp cứu ấy, cũng như cầu nguyện cho bất kỳ ai đang gọi cảnh sát. Vì bất cứ lý do gì, họ cũng đang cần có thêm lời cầu nguyện.

13. Quên mình. Khiêm tốn sẽ dẫn đến thánh thiện. Vì thế, hãy tránh sửa lỗi người khác nếu không cần thiết. Hãy xếp mình ở chỗ chót hết. Hãy cảm ơn Chúa về sự thất bại, và xin Ngài đưa ta đến những nơi Ngài muốn.

14. Hãy nói chuyện với những người không ai trông thấy. Hãy tìm hiểu vị thánh được mừng trong ngày và xin ngài cầu nguyện cho bạn.

15. Hãy cho đi thứ mà bạn yêu thích. Bạn có thể tặng những thứ bạn không dùng đến, nhưng thỉnh thoảng hãy tặng một món đồ bạn yêu thích. Đó là sự khác biệt giữa lễ vật của Cain và Abel dâng lên Thiên Chúa.

16. Hãy đeo Thánh giá – là chứng nhân thầm lặng cho tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giêsu.

17. Hãy chay kiêng thêm chút nữa. Hãy dành một ngày không uống cà phê, không đeo đồ trang sức, không lên mạng xã hội, hoặc chay kiêng một thứ gì đó trong ngày này...

18. Một ngày không phàn nàn. Mỗi tuần hãy dành một ngày không phàn nàn bất kỳ điều gì.

19. Chúc phúc cho ngôi nhà. Hãy xin một linh mục đến ban phúc lành cho ngôi nhà của bạn trong năm 2021.

20. Tặng quà bất ngờ. Hãy tha nợ cho ai đó; âm thầm biếu thẻ quà tặng hoặc cho tiền ai đó vào thời điểm họ gặp khó khăn; gửi bánh pizza hoặc bánh nướng đến: đồn cảnh sát, viện dưỡng lão, nhân viên bệnh viện hoặc một gia đình đông người…

Chúc bạn Năm Mới 2021 hạnh phúc và thánh thiện!

Patti Armstrong (NCR)
Vi Hữu chuyển ngữ (TGPSG
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 30.12.2020


Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật ngày 27.12.2020


THÁNH GIA: THÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG CỦA GIA ĐÌNH


 THÁNH GIA: THÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG CỦA GIA ĐÌNH

Phêrô Phạm Văn Trung
WHĐ (26.12.2020) - Chuyện kể rằng: “Con gái kết hôn mà không được sự đồng ý của cha, sau đó lại ly hôn. Hai cha con vì vậy mà không nhìn mặt nhau. Con gái nghèo khó chật vật nuôi một đứa con nhỏ. Mẹ thương con gái, khuyên con lúc nào cha đi dạo ở ngoài nhà thì dắt cháu đến nhà ăn bữa cơm. Vậy là con gái, vào những lúc cha vắng nhà, thường dẫn con về mẹ ăn cơm. Cho đến một hôm trời mưa, hai cha con vô tình gặp nhau trong sân. Tránh cũng không được, người cha bối rối nói: “Lần sau về nhà ăn cơm không cần phải lén lút nữa, lại để cha phải đi ra ngoài khi mưa to!”.[1]

Cha lúc nào cũng âm thầm yêu thương con, dù con làm điều gì sai, cha đều tha thứ vô điều kiện. Người cha phàm nhân là hình bóng của một người Cha khác, một người Cha đích thực: đó là Thiên Chúa, người Cha hơn mọi người cha, “Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực (Tv 68,6) cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa” (GLHTCG, số 239), “Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử nơi loài người” (Eph 3,14) (số 2214). Thiên Chúa là người Cha không ngơi ưu tư “θεολογία - theologia” và hành động “οικονομία - oikonomia” (số 236) đề cứu độ mọi con cái của mình:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Gioan 3:16-17).

Tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Ítraen nói riêng, và nhân loại nói chung, lớn lao đến nỗi ông “Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel” không còn sợ hãi cái chết và không mong chờ điều chi hơn nữa, “Ông bồng Hài Nhi Giêsu trên cánh tay mình chúc tụng Thiên Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa.” (Lc 2, 25-32).

“Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Gioan 4: 8) như các Thánh đã cảm nghiệm và nói ra:

Thánh Augustinô đã viết: “Nếu trong cả lá thư này của Gioan và trong mọi trang Kinh thánh, không có lời ca ngợi nào khác về tình yêu, mà chỉ có lời này, tức Thiên Chúa là tình yêu… chúng ta hẳn không cần đòi hỏi gì nữa. Đó là tin vui giải thích mọi điều khác(Confession – Tự thú).

“Ta [Thiên Chúa] thương yêu con nhiều hơn con có thể yêu thương bản thân con, và Ta ân cần chăm sóc cho con cả ngàn lần hơn con có thể chăm sóc bản thân con”. (Thánh Catherine Siena)

“Giả như cần chết bao nhiêu lần, thì Chúa Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết bấy nhiêu lần; tình yêu có lẽ không bao giờ để Người yên cho đến khi Người thực hiện xong điều ấy”. (Chân phúc Julian Norwich).

“Chúa Thánh Thần là vòng tay ôm ấp và nụ hôn của Cha và Con” (thánh Bênađô Clairvaux, Đôi cánh tình yêu).

Đó là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần, chính là thông điệp Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Và Tình yêu này trở thành con người, thể hiện cụ thể một cách rõ nét nhất trong một gia đình có cha, mẹ, con cái, một gia đình yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau, hy sinh cho nhau, sống vì nhau.

Con Thiên Chúa nhập thể làm người “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể ” (Gioan 1: 4) được sinh ra bởi một người mẹ, trong một gia đình có một người cha đứng mũi chịu sào:

“Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Maisen, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa” (Luca 2: 22); “Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nagiarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người” (Luca 2: 39-40).

Sinh xuống cõi trần, Thiên Chúa, mà Kitô hữu chúng ta tin, đã chọn một cung cách tỏ hiện không phải như một vị thần ở cõi trên áp đảo phàm nhân bằng quyền lực thần thiêng - có khi con người chúng ta vẫn mong chờ như thế - nhưng trong hình hài một trẻ nhỏ tùy thuộc hoàn toàn vào một người cha và một người mẹ, tạo nên một gia đình, như mọi gia đình,và trở thành hình mẫu cho mọi gia đình nhân loại.

Chúng ta mừng kính, ngay sau Lễ Giáng Sinh, Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Khi chúng ta tôn vinh các ngài, chúng ta cũng tôn vinh tất cả các gia đình, dù lớn hay nhỏ. Và khi tôn vinh mọi gia đình, chúng ta tôn vinh Hội Thánh là gia đình của Chúa, “Thiên Chúa triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để hợp nhất thành gia đình của Người là Hội Thánh” (GLHTCG, chương I, số 1). Nhưng đặc biệt nhất, chúng ta suy tư về cuộc sống hàng ngày âm thầm của Gia đình Thánh Gia ở Nadarét, một thành vô danh tiểu tốt trong Cựu ước, hơn nữa còn bị khinh bỉ là khác “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê” (Luca 2: 39); “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Gioan 1: 46)

Cuộc sống ngày này qua ngày khác trong gia đình Thánh Giuse như thế nào? Điều gì xảy ra trong gia đình đó, có Chúa Giêsu là một người con trai, Mẹ Maria là vợ và mẹ, và Thánh Giuse là cha và là chồng? Ngôi nhà của các ngài chắc chắn là một nơi đời sống thiêng liêng dạt dào và là nơi bình an và hiệp nhất thực sự. Nhưng có lẽ còn nhiều hơn thế nữa, các nhân đức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria là hoàn hảo, và Thánh Giuse thực sự là một người công chính “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính” (Mt 1:19). Do đó, điều quan trọng dưới mái nhà của các ngài là TÌNH YÊU THƯƠNG.

Nhưng dù như thế, về nhiều phương diện, gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse cũng giống như bất kỳ gia đình nào khác. Các ngài phải làm việc, phải hoàn thành mọi công việc hàng ngày, kiếm sống, bày biện thức ăn trên bàn, ăn uống, nói chuyện, vui vẻ, khác ý kiến, liên hệ với nhau, giải quyết các vấn đề và gặp phải mọi thứ khác tạo nên cuộc sống gia đình hàng ngày. Các ngài sẽ tham dự các buổi họp mặt của gia đình, bạn bè, hội đường Do Thái nơi các ngài sinh sống và những thứ tương tự. Các ngài sống cuộc sống gia đình bình thường về mọi mặt. Gia đình các ngài không được miễn trừ những vất vả, tổn thương và thử thách hàng ngày mà hầu hết các gia đình phàm trần của chúng ta phải đối mặt. Hơn nữa, “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Luca 2: 34-35). Các ngài hẳn bắt đầu cảm nhận lời tiên tri này qua sự soi mói, kém hiểu biết và đàm tiếu từ những người phụ nữ tọc mạch nhiều chuyện, vốn không thiếu ở mọi nơi, trong ngôi làng nhỏ bé Nadarét. Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng phải chứng kiến cái chết của người thân yêu, rất có thể Thánh Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai.

Điều rất quan trọng là gia đình bộc lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với đời sống trong gia đình. Gia đình không chỉ là một đơn vị của xã hội loài người, theo cách nhìn thuần túy xã hội học tục hóa ngày nay, theo đó gia đình bị biến tính thành các kiểu sống chung đồng tính... Con người là hình ảnh của Thiên Chúa như thế nào, thì gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa như vậy, “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1: 26). Hơn nữa, gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm siêu việt mặc khải chính bản thể của Thiên Chúa, “Bản thể của Người là tình thương. Khi cử Con Một Người và Thánh Thần Tình Yêu đến trần thế lúc thời gian đã viên mãn, Thiên Chúa mặc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Người (x. 1Cr 2,7-16; Eph 3,9-12): Chính Người là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và Người đã tiền định cho ta được dự phần vào tình thương ấy” (GLGHCG, số 221); “Gia đình Kitô giáo là một hiệp thông nhân vị, là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần” (số 2205). Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã cho phép Người Con Thần Linh của Ngài sống cuộc đời phàm nhân trong một gia đình và qua đó, trả lại và nâng cao đời sống gia đình lên một vị trí cộng đoàn hợp nhất như sự hợp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự thánh thiện của Gia đình Thánh cho chúng ta thấy rằng mọi gia đình được mời gọi sống cuộc sống đời thường hàng ngày một cách hoàn hảo nhờ ân sủng và nhân đức, tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa.

Suy ngẫm về cuộc sống gia đình của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta thấy gì? Một số gia đình vững vàng về nhân đức, một số khó khăn về giao tiếp cơ bản. Một số gia đình trung thành hết ngày này qua ngày khác, một số thì tan nát và bị tổn thương sâu sắc. Dù trong trường hợp nào, người Kitô hữu biết rằng Thiên Chúa muốn tham dự sâu sát hơn vào đời sống gia đình của họ ngay bây giờ và bất cứ lúc nào, nếu họ hướng lòng lên Ngài và kêu lên: “Xin Ngài ngự đến!” (Kh 22: 17). Thiên Chúa nhập thể, sống như mọi người, trong một tổ ấm, chính là tỏ lộ khát mong ban cho chúng ta sức mạnh và đức hạnh để sống như một Gia đình Thánh, và nhờ Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta biến gia đình mình thành một gia đình thánh ngay hôm nay.

Thánh Phaolô Tông đồ nói với tín hữu Côlôxê:

“Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện(Cl 3: 12-14).

Hôm nay, chúng ta đặc biệt khám phá ra rằng Thiên Chúa thường hoàn thành chương trình cứu độ của Ngài qua tình yêu thầm lặng và ẩn giấu của gia đình. Có điều gì tự nhiên hơn đối với con người ngoài gia đình? Những nỗ lực mà mỗi thành viên dành cho nhau chuẩn bị cho người đó phục vụ như một dụng cụ của ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Trong trường học của tình yêu và sự hy sinh này, Thiên Chúa chuẩn bị cho những người tin yêu Ngài cứu độ thế giới. Tôi có cố gắng học hỏi mỗi ngày để trở thành công cụ tình yêu của Thiên Chúa dành cho các thành viên trong gia đình tôi không? Tôi có đang biến gia đình mình thành một trường học rao truyền tình yêu Thiên Chúa bằng cách noi gương các nhân đức của Ngài và xây dựng một nền văn hóa sống trong và ngoài gia đình mình không?

Sách Huấn Ca dạy chúng ta: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của người”. (Hc 3, 3-7. 14-17a).

Chuyện kể rằng: “Cha luôn ao ước tặng mẹ một chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà, đeo vòng rất đẹp. Nhưng mỗi khi cha định mua, mẹ lại can. Mẹ bảo: “Để tiền ấy mua sách vở cho tụi nhỏ”. Bao nhiêu năm qua đi, bàn tay mẹ đã sạm đen, chai sạn vì sương gió cuộc đời. Bao nhiêu năm qua đi, chị em tôi cũng trưởng thành cả, rồi lập gia đình, rồi sinh con. Bao nhiêu năm ấy, mẹ vẫn chưa một lần đeo vòng cẩm thạch.

Ngày sinh nhật mẹ, chúng tôi mua tặng bà một chiếc vòng đẹp nhất. Mẹ vui lắm, cứ cười mãi. Bà cất kỹ trong tủ, chỉ thi thoảng mới mang ra ngắm nghía một lát. Tôi hỏi: “Sao mẹ không đeo?”. Mẹ nheo mắt cười: “Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ cần nhìn cũng thấy vui”. Chị em tôi chẳng ai bảo ai, lặng lẽ nhìn nhau nước mắt rưng rưng.”[2]

Nadarét không có nhiều khả năng là nơi cư ngụ của Đấng Mêsia, nhưng rốt cuộc đó là nơi Thiên Chúa muốn ngự. Đôi khi tôi có nghĩ rằng gia đình tôi không phải là nơi Thiên Chúa thực sự hiện diện, bởi vì tôi dễ nhận ra những lỗi lầm của vợ/chồng, con cái hoặc cha mẹ tôi? Tôi có ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện nơi những con người yếu đuối và giới hạn, nhưng lại thật tuyệt vời này không? Giáo hội cũng là gia đình của tôi. Đôi khi tôi có chỉ trích lỗi lầm của những người khác trong Giáo Hội, Giáo Xứ và họ đạo không? Tôi có tập trung vào điều tích cực, sử dụng sức lực của mình để sống và rao truyền giá trị Tin Mừng thay vì lãng phí sức lực đó vào việc phàn nàn, chê trách không? Tôi có thực sự tin vào Tình thương của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, sống trong mái nhà của Mẹ Maria và Thánh Giuse, có thể biến đổi lòng người và nhờ đó thay đổi cộng đồng xã hội không?

Nhà thơ thời Đường, Hạ Tri Chương, trong một bài thơ nổi tiếng nhất của mình đã viết:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi


Nghĩa là:

Lúc nhỏ xa nhà, lúc già về thăm.
Giọng quê không thay đổi, chỉ có tóc đã điểm bạc.


Và ông kết luận: trong đời người như dòng sông cuộn chảy, chỉ có gia đình mới là sợi dây níu giữ tình yêu, lòng cảm thông của con người.

Hãy Làm Điều Yêu Thương Cụ Thể Trước Khi Quá Muộn

Chuyện kể rằng: “Một người đàn ông dừng lại ở cửa tiệm bán hoa để đặt hoa tặng mẹ của mình. Mẹ của ông ở xa cách đấy hơn 200 dặm và ông sẽ nhờ cửa tiệm giao hoa đến tận tay cho bà. Khi ông bước ra khỏi xe, ông đột nhiên chú ý đến một cô gái trẻ đang khóc thút thít bên lề đường. Ông hỏi cô gái có sao không, cô trả lời, “Cháu muốn mua hoa hồng tặng mẹ. Nhưng cháu chỉ có 75 cent nhưng hoa hồng thì đến 2 dollar."

Người đàn ông mỉm cười và nói, “Đi với chú. Chú sẽ mua cho cháu một bông hồng.” Ông mua cho cô bé hoa hồng như đã hứa và đặt hoa giao đến tận nhà mẹ mình. Khi họ rời khỏi, ông ngỏ ý chở cô bé về nhà. Cô bé đồng ý để ông chở đến chỗ mẹ của mình. Cô chỉ cho ông đến một nơi vắng vẻ, phải đến khi dừng xe lại người đàn ông mới nhận ra đó là một nghĩa trang. Và cô gái đã đặt bông hoa ấy lên một ngôi mộ sạch sẽ.

Người đàn ông trở về cửa tiệm hoa, hủy gói giao hoa và ông ta đã mua hẳn một bó hoa to, lái xe đến thẳng nhà của mẹ mình, ngôi nhà cách nơi đấy hơn hai trăm dặm đường đi, nhưng cuộc gặp gỡ cô gái đã cho ông hiểu rằng, nếu hôm nay ông không đến, có khi ngày mai ông sẽ chẳng còn cơ hội để đến nữa.”
[3]

Trong Tông Huấn Familiaris Consortio (Gia Đình Kitô Hữu) Của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Ngày 22-11-1981), Ngài viết:

“Sứ điệp mục vụ này, một sứ điệp muốn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người về những trách nhiệm, tuy nặng nề nhưng lôi cuốn, của gia đình Kitô hữu, giờ đây tôi tha thiết nài xin sự bảo trợ của Thánh Gia Nadarét”.

“Ước gì Thánh Giuse, là “người công chính”, là người công nhân không biết mỏi mệt, là người bảo vệ nguyên vẹn tuyệt đối những gì đã được uỷ thác, luôn luôn gìn giữ các gia đình ấy, bênh vực họ, soi sáng cho họ!

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Hội Thánh, cũng nên Mẹ của “Hội Thánh tại gia”! Ước gì nhờ sự trợ giúp từ mẫu của Mẹ, mẹ gia đình Kitô hữu đều có thể thực sự trở nên một “Hội Thánh nhỏ”, trong đó mầu nhiệm của Hội Thánh Đức Kitô được phản ảnh và sống lại! Mẹ là Nữ Tỳ của Chúa, ước gì Mẹ là gương mẫu cho mọi gia đình biết khiêm tốn và quảng đại đón nhận ý của Thiên Chúa! Mẹ là Người Mẹ đau khổ dưới chân thập giá, ước gì Mẹ cũng ở đó để xoa dịu những đau khổ và lau sạch nước mắt của những ai đang ưu phiền vì những khó khăn gia đình họ đang gặp phải!


Ước gì Đức Kitô Chúa, là Vua vũ trụ, là Vua các gia đình, Đấng đã hiện diện ở Cana, cũng hiện diện trong mọi tổ ấm Kitô hữu, để thông ban cho nó ánh sáng niềm vui, sự bình an và sức mạnh. Hôm nay là đại lễ kính Vương quyền của Ngài, tôi cầu xin Ngài cho mọi gia đình biết quảng đại đóng góp phần độc đáo của mình, để Vương quốc Ngài được hiển trị trên thế giới, “Vương quốc của sự sống và sự thật, của ơn sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình”, Vương quốc mà lịch sử đang lần bước tiến về”.

Hạnh phúc không phải do “những cái ngoài kia” mang lại, nhưng do tình yêu chân thật của mỗi thành viên trong gia đình trao tặng, nơi Thánh Gia Thất chúng ta có thể an tâm tìm được tình yêu ấy, bởi chính Thiên Chúa là tình yêu đang sinh ra trong gia đình khó nghèo ấy…

Lạy Chúa Kitô, nguyện cho bình an của Chúa làm chủ trong lòng chúng con. Nguyện cho lời Chúa cư ngụ dồi dào trong chúng con (Cl 3, 12-21). Hôm nay chúng con dâng chính mình cho Chúa và dâng gia đình của chúng con cho Chúa. Chúng con thân thưa với Chúa mọi mối tương quan của chúng con, dù tốt hay xấu, dễ dàng hay khó khăn, và chúng con trình lên Chúa mọi thử thách mà chúng con đang phải đối mặt. Xin Chúa hãy đến và thánh hóa gia đình chúng con, làm cho gia đình chúng con trở nên thánh thiện theo gương gia đình Nadarét của Chúa. Amen.

[1] 5 câu chuyện đáng suy ngẫm về tình phụ tử, https://phong-manulife.moma.vn/tin-tuc/5-cau-chuyen-dang-suy-ngam-ve-tinh-phu-tu

[2] Câu chuyện Vòng cẩm thạch, https://vungoi.vn/cau-hoi-21585  
 
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 27.12.2020


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Bảy, ngày 26.12.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 26.12.2020
 tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

LỜI CHÚA LỄ THÁNH GIA: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE NĂM B (Lc 2,22-40)

 

GIÁNG SINH TRÊN DÒNG NƯỚC LŨ

 WHĐ (25.12.2020)Lần đầu tiên, đại lễ Giáng sinh được tổ chức trên sân khấu nổi trên sông, được kết từ hàng chục chiếc thuyền nhôm mà người dân đã cùng nhau vượt qua đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung.

Cây Da một tháng sau đợt thiên tai lịch sử lũ chồng lũ, ruộng vườn của người dân vẫn ngập trong nước và bùn non. Hai tuần trước, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh báo tin sẽ về xứ đạo bên dòng sông Ô Giang (một nhánh của sông Ô Lâu giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị), làm lễ Canh thức Giáng sinh.

"Đề bài" đón Giáng sinh được Đức Tổng Giám mục giao cho cha linh mục quản xứ Giuse Huỳnh Đình Hào là một sân khấu nổi trên dòng sông trước nhà thờ. Những giáo dân vùng sông nước và quen với việc di chuyển bằng thuyền đã sớm nghĩ ra cách kết những thuyền nhôm lại với nhau tạo thành chiếc phao lớn, rồi dùng gỗ mỏng thảm lên tạo mặt bằng phẳng.


Thời tiết mưa dầm dề, trời rét giá với nhiệt độ chỉ từ 13 - 14 độ C đã không thể cản bước những nỗ lực có một không gian tổ chức Giáng sinh độc đáo của giáo dân ở xứ đạo nhỏ bé này. Họ vừa lo dọn dẹp, sửa soạn lại căn nhà mình sau lũ dữ, vừa gọi nhau đến nhà thờ trang trí cho ngày đại lễ. Hang đá được bày trí ngay trên những chiếc thuyền nổi. Cây thông Noel được dựng. Đèn nháy được lắp ở nhiều nơi khiến Cây Da sáng rực một vùng Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).

Cùng nhau vượt qua bão lũ

Bài Thánh ca do các soeur Dòng Mến Thánh Giá Huế cất lên trên sân khấu giữa dòng nước lũ đã thôi thúc cho nhiều người tìm đến Đêm Diễn nguyện và Canh thức Giáng sinh do quý sơ đảm trách. Chương trình không quá tập trung vào việc tái hiện màu nhiệm Chúa Giêsu xuống thế làm người, mà giành thời gian và không gian trên sân khấu đặc biệt này cho những sự kiện thời sự.

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng. Cuộc sống người dân chưa thoát khỏi "bóng ma" Covid thì thiên tai ập đến, lũ chồng lũ khiến hơn 300 người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị đổ sập, hư hỏng, tốc mái... Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là hai địa phương bị thiệt hại nặng nề. Thực tại đó đã được các sour thuật lại ngắn gọn.

 
Trong thiên tai, dịch họa, tình người đã được thể hiện. Từ nhiều miền của tổ quốc, trong nước cũng như hải ngoại, các tấm lòng hảo tâm đã cùng nhau hướng về mảnh đất miền Trung, chia sẻ kịp thời, cứu đói cho nhiều gia đình và mảnh đời bất hạnh. Linh mục Giuse Huỳnh Đình Hào cho biết ngài đã khóc khi chứng kiến tấm chân tình mọi người dành cho người dân trong vùng.

Buổi diễn nguyện cũng tái hiện cảnh Đức Tổng Giám mục lặn lội xuống vùng lũ để trao quà của các nhà hảo tâm đến từng người, từng nhà. Khai mạc đêm Diễn nguyện, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nói bối cảnh tại giáo xứ Cây Da tổ chức đêm Noel diễn ra rất đặc biệt. Có thể trên thế giới cũng như Việt Nam không một nơi nào mừng Giáng sinh trên sông, trên nước.

Một số giáo dân ngồi trên thuyền dự lễ

Điều chúng ta cùng hiểu ngay, đó là không phải chúng ta mừng lễ ở đây để có quang cảnh chụp hình cho đẹp. Nhưng mà để nói lên rằng chúng ta ở bên cạnh nhau trong và sau cơn lũ lụt", Đức Tổng Giám mục nói, chia sẻ với người dân vùng lũ và cầu mong có nhiều người quảng đại sẽ tiếp tục là những ông già Noel để chia sẻ, hỗ trợ người dân.

Bình an đến từ sự sẻ chia

Thông điệp "Giáng sinh là lễ của bình an, ngày càng mang tính đại đồng và trở thành ngày lễ của toàn xã hội", đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh gửi gắm trong những buổi gặp gỡ, chúc mừng Giáng sinh với các tôn giáo bạn, chính quyền Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng như các lãnh đạo Trung ương.

Trong bài Giảng lễ, Đức Tổng Giuse nói ngài cố ý chọn giáo xứ Cây Da bên dòng sông Ô Giang để cử hành lễ đêm Giáng sinh, là vùng đất khốn khó này đã trải qua những đợt thiên tai, lũ chồng lũ hơn một tháng ròng (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11). Biết bao giờ người dân mới xây lại được căn nhà đã bị đổ sập, hay gom góp tiền để con có thể học đến đại học.


Vào dịp Noel, người Công giáo thường làm hang đá để đặt tượng Hài nhi mới sinh ra. Và để tỏ lòng quý mến, tôn thờ, người ra trang trí nhiều hoa đèn rực rỡ như mọi người đang thấy. Nhưng thực ra nguồn gốc xa xưa, hang đá là một câu chuyện bi thảm, gần đến giờ sinh không tìm được chỗ trọ, bị xua đuổi và đến giờ lâm bồn hai vợ chồng Giuse và Maria phải đến hang lừa hôi hám để hạ sinh trong đêm đông giá rét lạnh lùng.

"Đó là cuộc Giáng sinh của Thiên Chúa làm người. Không cuộc đời nào lại bi thảm như thế. Và Thiên Chúa làm người đã xuống tận cùng nơi sâu thẳm nhất để vực con người lên. Thiên Chúa khi mang kiếp làm người đã chịu tất cả những nỗi khốn cùng để kiến tạo, đem ơn bình an và để trở thành ánh sáng soi dẫn cho muôn người", Đức Tổng Giám mục nói.
 
 
Video Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 2020 
tại Giáo xứ Cây Da, Kênh YouTube: Tổng Giáo phận Huế
 
Ngài cho rằng, trong thời gian người dân miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, thiên tai, nhiều vị ân nhân đã tìm đến để cứu đói, cứu nạn. Vì sự viếng thăm của họ, những người dân vùng rốn lũ tìm lại được một chút hơi ấm để gượng đứng lên, tiếp tục cuộc sống.

"Mỗi người đều có thể tạo được niềm vui nếu biết hy sinh cuộc sống cho người thân, cho đồng bào và cho tất cả những ai gặp gỡ trên đường đời. Khi đó mỗi người sẽ có niềm vui, có được sự bình an và đó cũng chính là thông điệp của Thiên Chúa Giáng sinh làm người mà chúng ta kỷ niệm hôm nay", Đức Tổng nói khi kết thúc bài giảng.

Trong đêm Giáng sinh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi lời chúc Giáng sinh tươi vui và ban bình an cho tất cả những người tham dự, không phân biệt thành phần tôn giáo. Ngài cũng giành 600 suất quà để tặng cho người dân trong dịp này, người lương dân được ưu tiên nhận quà trước, sau đó mới đến bà con giáo dân.

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh là người khởi xướng đêm nhạc "Gánh nhau trong đời", diễn ra tại TP.HCM hồi cuối tháng 11, quyên góp đến nay được 19 tỷ đồng giúp đỡ cho người dân miền Trung. "Tôi sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ thêm cho người dân vùng lũ", Đức Tổng Giuse nói.

Khuôn mặt một người đến xem lễ.


Những người lương dân hôm qua đến xem lễ trên những con thuyền nhỏ. Họ neo thuyền ven bờ, mặc áo mưa cho đỡ rét, chăm chú nghe Đức Tổng Giám mục giảng suốt buổi lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Những phần quà được nhận, họ cẩn thận bọc một lớp nylon ra bên ngoài phòng khi bị ướt, xuống thuyền chèo về nhà mình trong đêm tối. Nhiều người đến trễ, không được ghi danh nên vẫn chưa có quà. 
 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 26.12.2020

 

GIÁNG SINH 2020 VÀ NGƯỜI VIỆT Ở KHẮP NƠI


Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

VATICAN NEWS: TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP PHÉP LÀNH “URBI ET ORBI” GIÁNG SINH 2020

Bắt đầu lúc 18g00 Thứ Sáu, ngày 25.12.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2020

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 25.12.2020


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN HẠT MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ GIÁNG SINH 25.12.2020

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Sáu, ngày 25.12.2020 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 24.12.2020 TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐỨC BÀ SÀI GÒN

 

TGPSG -- Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (ĐTGM) đã chủ sự Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn vào lúc 20g30 ngày 24.12.2020.

Trong bài giảng lễ, ĐTGM đã diễn tả tình yêu đặc biệt cao cả của Chúa nơi mầu nhiệm nhập thể và mời gọi mọi người nhiệt tình làm chứng cho tình yêu cao cả ấy:


Vào cuối Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân - thay mặt đại gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn - trân trọng chúc mừng Giáng Sinh ĐTGM:


Đáp từ, ĐTGM đã cầu chúc các tín hữu luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa, và luôn tìm cách gieo rắc niềm tin tưởng vững vàng này đến cho mọi người chung quanh


 

(WGPSG)

ĐÊM GIÁNG SINH HÀ NỘI: KHÔNG DỪNG LẠI Ở “CÔNG THỨC XÃ GIAO”, HÃY TRỞ NÊN QUÀ TẶNG CHO NHAU


Đêm Giáng sinh Hà Nội:
Không dừng lại ở “công thức xã giao”, hãy trở nên quà tặng cho nhau


Phóng viên: Hà Thanh - Mai Thương
Ảnh: Mạnh Quân
Giọng đọc: Quế Phương


WHĐ (25.12.2020) – Giáng sinh về trên mọi nhà. Nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình sẽ được bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Nhưng việc đón Chúa không chỉ dừng lại ở “công thức xã giao”, Ngài cũng mời gọi ta trở nên quà tặng cho nhau.

Đêm 24-12 khắp mọi ngả đường thủ đô Hà Nội đều hướng về “ánh sao dẫn đường” đến những ngôi Thánh đường đang hoan ca mừng Chúa Giáng sinh. Càng cận kề thời khắc Chúa Giáng sinh, dòng người đổ về ngày một đông.

 

Noel mang đến bình an

Khắp mọi ngả đường, từ trung tâm thương mại đến các tuyến phố đều lung linh sắc màu với ánh sao, cây thông Noel, ngôi nhà tuyết, tuần lộc và đèn giăng khắp lối.

Ghi nhận tại nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Phùng Khoang (ở Hà Nội) từ 19h lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, phân luồng giao thông và nhắc nhở bà con chủ động đeo khẩu trang khi tiến vào Thánh đường để đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19. Ở phía ngoài cổng cũng bố trí đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn cho bà con.


 “Thời tiết không lạnh lắm nhưng cũng đủ để mình cảm nhận được đêm Noel. Noel mang đến bình an, mang hân hoan đến cho mọi người. Chúng mình là người lương dân nhưng vẫn đến đây từ rất sớm để xem diễn nguyện, xem lễ” - sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cùng nhóm bạn lương dân dự lễ Giáng sinh chia sẻ.


Để đảm bảo phòng dịch, đôi bạn Trần Thị Linh, Vũ Thị Thanh Thủy cùng giáo dân đến dự lễ ở giáo xứ Thái Hà tuân thủ đeo khẩu trang từ đầu đến cuối lễ, chỉ bỏ khẩu trang ra khi chụp hình. Linh là người Công giáo, Thuỷ là người lương dân nhưng năm nào cũng đến vui niềm vui chung trong đêm Giáng sinh. “Suốt 2 năm nay đều theo bạn đến nhà thờ dự lễ Giáng sinh, mình rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Mình đến đây, cảm giác mọi thứ rất an lành, bình yên” - Thuỷ bộc bạch.


Trong khi đó, Nhà thờ Lớn luôn là điểm đến thu hút hàng ngàn người dân đến đây xem lễ từ rất sớm. Không phân biệt lương - giáo, người trong nước hay ngoài nước, họ cùng đến hát vang bài hoan ca Giáng sinh. Nhiều du khách nước ngoài “mắc kẹt” ở Việt Nam vì dịch COVID-19 cũng bày tỏ niềm vui sướng được đón một đêm Giáng sinh an lành và ấm cúng.


“Đây là lần đầu tiên tôi cùng bố mẹ sang Việt Nam. Lúc đầu tôi cũng lo lắng, không biết có được đón Giáng sinh không, nhưng thật bất ngờ người Việt Nam đón Noel cũng vui vẻ và ấm áp”, du khách Elly, người Úc bày tỏ.

“Trở nên quà tặng cho nhau”

Trong bài giảng Đêm Giáng sinh, trước hàng ngàn giáo dân cũng như người dân các tôn giáo bạn, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng giám mục Hà Nội nhắc đến món quà của nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô - món quà mà cách đây 2020 năm, Thiên Chúa từ trời cao đã tặng ban cho nhân loại, để chứng tỏ tình yêu đối với nhân loại.


“Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa không còn là đấng xa vời ở trên chín tầng mây xanh, mà trở nên gần gũi con người. Đức Giê-su là Thiên Chúa thật, và là người thật. Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử chứ không phải là nhân vật của huyền thoại, hay sản phẩm của trí tưởng tượng con người”, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên chia sẻ.

Ngài nhắc đi nhắc lại: “Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Tất cả những ai thiện chí kiếm tìm chân lý đều có thể nhận được quà tặng này”. Đức Tổng Giám mục Hà Nội viện dẫn, suốt 20 thế kỷ qua rất nhiều người đã mở rộng tấm lòng đón nhận “món quà Giê-su”, nhờ đó họ đã tìm được hạnh phúc trong đời và trở nên hoàn thiện, đoạn tuyệt với tội lỗi và trở nên trọn lành”.

Đêm Giáng sinh, toàn nhân loại đón nhận quà tặng của Thiên Chúa tặng ban. Ngài khẳng định, nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình chúng ta sẽ bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Đồng thời, ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta đón Chúa nhưng không chỉ dừng lại ở những công thức xã giao, mà còn phải được thể hiện qua thiện chí thực thi lời Chúa dạy: sống khiêm nhường, thân thiện, liên đới và yêu thương.

  
“Nếu Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người, thì chúng ta - những người đã đón nhận quà tặng có tên Giê-su cũng được mời gọi trở nên quà tặng cho nhau. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, người vợ phải nên quà tặng đối với người chồng? Con cái phải trở nên quà tặng với cha mẹ? Anh em bè bạn phải trở nên quà tặng đối với nhau?


Quà tặng thể hiện sự trân trọng, tình quý mến và lòng quảng đại bao dung. Trở nên quà tặng cho người khác chính là một cuộc sống nhân ái, hài hoà, trân trọng và nâng đỡ nhau”, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên nhấn mạnh.
 
(WHĐ) 

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 25.12.2020

 

LỜI CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2020 CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

Vatican News (23.12.2020)Từ Việt Nam, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGM Việt Nam, gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến các tín hữu Công giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Anh chị em thân mến,

Thay lời cho Hội đồng Giám mục, từ quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu, tôi xin gửi lời cầu chúc Giáng Sinh tốt đẹp nhất đến toàn thể anh chị em Kitô hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Xin Vị Hoàng Tử Hoà Bình gìn giữ anh chị em an toàn thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tôi hiệp ý với anh chị em để cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng này sớm chấm dứt, để anh chị em sớm phục hồi cuộc sống, nhất là để anh chị em có thể đi về thăm viếng quê hương dễ dàng như xưa.

Nhân tiện, tôi xin cám ơn anh chị em đã tận tình thăm hỏi và gửi quà cứu trợ giúp đồng bào lũ lụt miền trung Việt Nam. Xin Chúa trả công bội hậu và bù đắp cho anh chị em bằng sự bình an đích thực của Ngài.

Tôi cũng cầu chúc anh chị em một năm mới dương lịch 2021 đầy ắp ân sủng, một mùa xuân Tân Sửu âm lịch tràn trề nhựa sống và chan chứa yêu thương.

Merry Christmas and Happy New Year.

Thân ái
+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Nguồn: vaticannews.va/vi 

(WGPSG)

CHÚA GIÁNG SINH – LỜI CHÚA THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1,1-5.9-14)

 

CHÚA GIÁNG SINH – LỜI CHÚA THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG (Lc 2,15-20)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 24.12.2020


VATICAN NEWS: TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP THÁNH ĐÊM GIÁNG SINH 2020 DO ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ

Bắt đầu lúc 01g30 Thứ Sáu, ngày 25.12.2020


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020