Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

TÂN GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm 
Tân giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc  


WHĐ (28.02.2013) – Hôm nay, 28-02-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, hiện là Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Gadiaufala. (Giáo phận Xuân Lộc rộng 5,955km2, dân số 2,458,000 người, Công giáo 873,440, với 405 linh mục và 2,314 tu sĩ nam nữ)

Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo sinh ngày 2 tháng Ba 1945 tại Thức Hóa, giáo phận Bùi Chu.

Học Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu (1961-1964), Đại chủng viện Sài Gòn (1964-1965), và Đại học giáo hoàng Roma (1965-1971).

Thụ phong linh mục ngày 27 tháng Ba 1971, trong Tổng giáo phận Sài Gòn.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài giữ các trách vụ:

1971-1976: Du học Roma và tốt nghiệp tiến sĩ thần học luân lý tại Đại học Alfonsianum, cư ngụ tại Đại học giáo hoàng Thánh Phêrô;

1976-2007: Phó Giám đốc và sau đó Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M.);

1980-2009: Giáo sư tại Phân khoa Truyền giáo - Đại học giáo hoàng Urbano, và Viện Giáo lý và Linh đạo Truyền giáo;

1981-2007: Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI;

1982-1983: Dọn Tiến sĩ Truyền giáo Đại học giáo hoàng Gregoriana, cư ngụ tại Đại học giáo hoàng Urbano;

1987-1993: Thành viên Hội đồng Quốc tế về Giáo lý (COINCAT) thuộc Bộ Giáo sĩ;

1992-2001: Thành viên Tổ chức “Nostra Aetate” thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn;

1995-2000: Thành viên Ủy ban Mục vụ Năm Thánh 2000;

1999-2005: Giám đốc Văn phòng phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại, tại Bộ Truyền giáo;

2001-2012: Tư vấn Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn;

Từ năm 2010: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Trong cùng lúc, ĐTC Benêđictô cũng bổ nhiệm Linh mục Fr. Samuel Jofre làm giám mục Villa Maria ở Argentina. Diện tích giáo phận rộng 28,000 km2, dân số 386,000 người, Công giáo 308,000, với 69 linh mục và 32 tu sĩ.


Đây là bổ nhiệm giám mục cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước khi ngài từ nhiệm sứ vụ giáo hoàng.
(Nguồn: press.catholica.va)
(WHĐ & VietCatholic News)

LẼ SỐNG 28.02


28 Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!

Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!

Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...

Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".

Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."

Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...

Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.

Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.

Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.

Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.

Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô

Trích sách Lẽ Sống

ĐỨC TÍNH ANH HÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

“Tôi chỉ muốn có nhiều hơn để cho đi”, một linh mục cao niên Dòng Tên đã nói như thế tại một cuộc tụ tập của cộng đoàn vài ngày trước khi lên đường nhập viện dưỡng lão. Người ta dễ thấy việc Đức GH Bênêđíctô có cùng một tâm tư như thế trong những ngày cuối cùng tại chức. Thời gian để Đức HY Joseph Ratzinger làm Đức Thánh Cha đã tới lúc chấm dứt; ngài đã hoàn toàn đuối sức. Ấy thế nhưng đối với tôi, ngài sẽ luôn luôn là người anh hùng. Tôi không nói ngọt đâu, mà tôi cũng không mong mọi người có cùng một ấn tượng như tôi. Ít ai đoán được một ông già nhỏ bé, được bầu cách nay 8 năm, lại sẽ sống đúng như điều tôi vừa nói. Chính ngài có lẽ cũng không đoán được thế, nên đã cố ý chọn tên một vị giáo hoàng đã lui hẳn vào lịch sử tuy đã làm hết sức cho nền hòa bình của thế kỷ trước. Khi đảm nhiệm ngôi tòa Phêrô, Đức GH Bênêđíctô XVI nói với ta rằng Dân Chúa chúng ta nên chấp nhận con người mà ngài tự biết từ lâu chỉ là “một lao công tầm thường, khiêm hạ trong vườn nho Chúa”. Khi tuyên bố từ nhiệm, ngài xin người ta “tha thứ các thiếu sót” của mình.

Nền văn hóa bình dân của ta đầy rẫy những ước nguyện công khai muốn có người anh hùng. Chứng cớ đọc thấy man vàn nơi các chính khách, nơi các vận động viên thể thao, nơi các siêu anh hùng trong các siêu phẩm điện ảnh. Siêu anh hùng thì chắc chắn không phải là Đức GH Bênêđíctô, vì làm gì có thứ siêu anh hùng ấy. Tuy nhiên, ngài không ngừng chỉ cho thấy Đấng Mêxia thực sự. Trong sự trung trinh của ngài, Đức GH Bênêđíctô nắm được yếu tính của đức anh hùng Kitô Giáo: khiêm hạ, âu yếm hy sinh trong việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô và Dân của Người. Bất chấp là linh mục, là giáo sư, là chuyên viên, là người bảo vệ tín lý Kitô Giáo hay là giáo hoàng, thừa tác vụ thông thái của Ratzinger cũng đều được đánh dấu bằng đức hào hiệp và ý nguyện đạt tới điều Thánh Inhã gọi là magis, “điều hơn nữa” dẫn tới thánh ý Thiên Chúa. Là một người nổi tiếng về đối thoại và thiện chí suốt cuộc đời, ngài cho ta thấy: đó không phải là những đức tính mềm yếu hay ủy mị, trái lại là những nhân đức mạnh mẽ. Chúng lên năng lực giúp ngài dám đương đầu với cả điều ngài gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” trong khi lên tiếng với một khả tín tính đến nỗi Thủ Tướng David Cameron của Vương Quốc Thống Nhất cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã khiến xứ sở ông “ngồi dậy và suy nghĩ”.

Nhìn lại đời ngài, các đức tính ấy không phải chỉ là hồng ân ban cho chức vụ. Chúng là những đức tính từng do cố gắng mà có và được đem ra sống hàng bao thập niên trước khi ngài trở thành giáo hoàng. Là một học giả, Joseph Ratzinger từng nổi tiếng là người nhẫn nại, hiểu biết và cởi mở. Trong một cử chỉ thân hữu lâu đời, ngài vồn vã mời người vốn thách thức mình về thần học là Hans Küng tới Vatican. Ngài kêu gọi Dòng Tên lên “tuyến đầu” và quả quyết với các tu sĩ Dòng Tên đang dự Hội Nghị Toàn Thể lần thứ 35 vào ngày 21 tháng Hai năm 2008 rằng: “Giáo Hội cần anh em, trông cậy vào anh em và tiếp tục hướng về anh em trong tin cậy, đặc biệt để đạt tới những địa điểm thể lý và tâm linh mà người khác không đạt được hay khó khăn lắm mới đạt được”. Như tôi từng trả lời một số người từng bôi lọ Dòng Tên là bất trung: “Vâng, nhưng ít nhất Đức Giáo Hoàng cũng tin chúng tôi!”.

Đời sống của Ratzinger được dành để theo đuổi và rành mạch hóa chân lý trong mọi sắc thái của nó. Ngài dám làm điều mà không vị giáo hoàng nào khác từng làm, là chịu phỏng vấn cho cuốn sách dài “Ánh Sáng Thế Gian”. Khi được tin về sự bộc trực của ngài, tôi nhớ một người bạn của tôi đã nhận định về “sự ngu đần” khi ngài bình luận về áo mưa ngừa thai. Việc đánh giá đạo đức học phức tạp trong tư cách giáo hoàng này thực ra rất nhất quán với con người lúc còn là một giáo sư trẻ tuổi, một con người không sợ phải nói sự thật trong yêu thương. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chỉ mỉm cười khi có ai đó cho ngài hay người ta đang lỗ mãng đối với các nhận định của ngài. Người anh hùng là người tự chủ đủ để không cho phép bất cứ sự thất thường hay ngu dốt nào của người khác tác động trên mình. Như một bậc thầy của tôi từng nhắc nhở, trong suốt cuộc đời của Ratzinger, gần như không một ai có thể nói rằng ngài đích thân đả kích họ. Với một lòng tự tin giống như “Đức Giáo Hoàng Gioan tốt lành”, ngài đã dẫn dắt Giáo Hội với sự khôn ngoan và dịu dàng.

Ratzinger có đủ lý do để tự hào vì như Thánh Phaolô viết trong 1Cor 8:1, “kiến thức làm người ta tự hào”, nhưng thay vào đó, đời ngài chứng minh thực tại này: “tình yêu mới xây dựng”. Kiến thức là sức mạnh, cả hai đều được ngài sở hữu dư thừa. Ngài biểu lộ các khả thể anh hùng của sức mạnh khi được qui hướng về lợi lích của Giáo Hội. Các cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng tại nhiều quốc gia khác nhau quả là cảm động. Một nạn nhân hiện diện tại một trong các cuộc gặp gỡ tại Malta cho hay: Đức Giáo Hoàng đã “khóc” với họ tại đấy.

Việc Ratzinger rời bỏ chức vụ của Phêrô đã thành toàn ơn gọi của ngài như là “đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa”. Xem ra tên lúc rửa tội của Đức GH Bênêđíctô quả là thích hợp. Thánh Giuse, Đấng Che Chở Giáo Hội hoàn vũ, là khuôn mặt anh hùng đã được trao phó cho việc chăm sóc Mẹ Diễm Phúc và Con Thiên Chúa. Nhưng đức anh hùng của Thánh Giuse vốn là một nhân đức giấu kín trong lịch sử; đời ngài là một đời thu nhỏ mình đến độ Thánh Kinh chẳng cho ta biết điều gì đã xẩy ra cho ngài sau biến cố lạc con ở Đền Thờ.

Trong cuốn Linh Thao, Thánh Inhã tìm cách giúp người ta đáp trả “Lời Kêu Gọi của Đức Vua” sống dưới “Lá Cờ Chúa Kitô” tới độ bị bác bỏ và bước theo Thần Khí Thiên Chúa, Đấng sai ta đi làm mọi điều để Thiên Chúa được hiển vinh hơn. Ta sẽ làm tốt việc đó nếu biết chiêm niệm cuộc đời của Joseph Ratzinger và cầu nguyện cho ngài trong quãng đời cầu nguyện và hãm mình còn lại. Ngài không lạnh lùng sử dụng quyền lực, thứ hành động vốn có của những chính khách nổi tiếng như nhà độc tài Rôma Cincinnatus. Trái lại đây là điều Đức TGM Gomez của Los Angeles gọi là “hành động của một thánh nhân”. Joseph Ratzinger tiến hành công việc trong đức vâng lời đối với Đấng bị đóng đinh vào cây gỗ, chấp nhận sỉ nhục với Người và trong Người. Ngài chắc chắn nhớ rằng Giám Mục đầu tiên của Rôma vốn công khai bị đóng đinh ngược. Nhiều người nghĩ rằng sứ mệnh của Đức GH Bênêđíctô là một sứ mệnh thất bại. Các hoàn cảnh thời ngài làm giáo hoàng không phải là lý tưởng; nhiều mục tiêu trượt khỏi tay ngài. Ấy thế nhưng ta đừng quên rằng một Người khác về cuối đời cũng bị coi là thất bại như thế. Và không đầy tớ nào lớn hơn Chủ mình.

Nhận định của người không Công Giáo

Trên đây là các nhận định của Linh Mục John Roselle, S.J. trên tạp chí America, số ngày 26 tháng Hai, 2013. Điều đáng nói là nhiều người không Công Giáo cũng có cùng một nhận định như linh mục Roselle. Theo tin Zenit ngày 26 tháng Hai, Gaia, một tín hữu Chính Thống Giáo tại Moscow cho hay: “tôi cảm thấy một nỗi buồn và một cảm giác mất mát lớn lao. Tôi hy vọng rằng hành động này của Đức Bênêđíctô XVI sẽ là tấm gương yêu thương cho vị tân giáo hoàng, một tấm gương không hề sợ hy sinh”. Ali, một người Hồi Giáo Marốc, thì viết rằng: “Chúng ta đang mất một người hết lòng phục vụ hòa bình và hợp nhất thế giới”. Abdou, một người Hồi Giáo Algeria, cho hay: “Hành động quan trọng như thế này có tính độc đáo chưa từng có. Nó nên dùng làm điển hình cho toàn thể nhân loại”. Racim, cũng là người Hồi Giáo Algeria, phát biểu: “Tôi muốn cám ơn ngài về tất cả những gì ngài đã cống hiến. Tôi hy vọng vị giáo hoàng kế tiếp sẽ luôn có được quan điểm y hệt về tình huynh đệ, về sự cởi mở đối với các tín ngưỡng khác, để xây dựng một thế giới huynh đệ phổ quát”. Còn Metta, một phật tử Thái Lan , thì cho rằng “Được sống với anh chị em Công Giáo, tôi hiểu sâu xa rằng cốt yếu của thừa tác vụ này có tính thiêng liêng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng và năng khiếu. Tôi sẽ hiện diện với ngài và các Kitô hữu khác bằng lời cầu nguyện. Tôi cũng cầu nguyện cho việc bầu cử vị giáo hoàng kế tiếp, để Giáo Hội tiếp tục phục vụ lợi ích của nhân loại”. 

Vũ Văn An
(VietCatholic News)

HÀNG TRĂM NGÀN TÍN HỮU CHIA TAY VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

VATICAN, Thứ tư 27.02.2013 - Khi một Đức Giáo Hoàng qua đời, các tín hữu thường thương tiếc và u buồn. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuộc gặp gỡ lần cuối cùng trong tư cách Giáo Hoàng với tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng thứ tư, 27.02.2013 hình như ngược lại, mọi người sống trong tâm trạng của lễ hội và vui tươi. Bầu trời trong xanh, mặt trời chiếu tỏa quảng trường Thánh Phêrô ngay giữa mùa đông. Vui, buồn, nhớ thương, cảm tạ là những tâm tình trộn lẫn trong sáng nay.

Các biện pháp gìn giữ an ninh làm việc theo nhịp độ khẩn cấp: Cảnh sát bao bọc xung quanh Vatican với một đội ngũ đông đảo. Hơn 50.000 khách hành hương và khách du lịch có vé vào cổng, các quan chức an ninh của Ý cho biết ít nhất 200.000 người hiện diện. Tòa Thánh Vatican nói khoảng 150.000 tín hữu. Đúng là không còn một chỗ trống. Tất cả muốn nhìn thấy vị Cha chung lần cuối.

Trong 8 năm điều khiển Giáo Hội, ĐGH Bênêđictô XVI đã đón tiếp 5.000.000 tín hữu trong 348 lần triều yết Giáo Hoàng được tổ chức vào những thứ tư hàng tuần, trừ những ngày nghỉ hè. Một con số làm việc không nhỏ cho một cụ già đã gần 86 tuổi đời.

Đức Giáo Hoàng nói lời tạm biệt và vô số khách hành hương muốn hưởng được giây phút này. Hàng đoàn người từ sáng sớm đã đổ về quảng trường Thánh Phêrô. Nhiều hàng chữ CÁM ƠN được ghi to giơ lên cao trong biển người. Những tiếng reo hò của đám đông, họ vẫy cờ dành cho Đức Giáo Hoàng trước khi chiếc xe Giáo Hoàng Popemobile chạy qua. Liên tục vang lên tên gọi "Bê-nê-đết-tô" trên quảng trường. Trong bài phát biểu của mình, ĐGH đã đưa ra "những khoảnh khắc khó khăn" trong triều đại Giáo Hoàng của mình.

Hôm nay ngày tiếp kiến thư tư thường tổ chức tại Đại Khánh Đường Phaolô VI, nhưng vì số người tham dự quá đông phải được dời sang quảng trường Thánh Phêrô, thế mà đoàn người vẫn còn phải đứng vòng ngoài xa cho đến con đường đại lộ Hòa Giải Via della Conciliazione.

Nhìn thấy quang cảnh thương mến như thế đã làm cho ĐGH Bênêđictô XVI bồi hồi thố lộ: "Tôi thực sự xúc động" và ngài tiếp lời "Chúng ta cám ơn về món quà của đức tin này".

Đây là một thời khắc lịch sử của Giáo Hội cả trăm năm không có được: Đức Giáo Hoàng từ nhiệm và chia tay với giáo dân. Sau khi xe chạy một vòng, ĐGH trở về chỗ ngồi bắt đầu làm dấu thánh giá để cử hàng nghi thức nghe Lời Chúa từ thơ của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côlôxê bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. ĐGH Bênêđictô XVI chăm chú ngồi nghe. Sau đó ngài diễn giải bằng tiếng Ý trong 17 phút.

Tâm tình biết ơn Giáo Hội và các tín hữu

Hôm nay ĐGH Bênêđictô XVI không như thường lệ diễn giải tri thức, nhưng ngài dùng ngôn ngữ con tim để nói lên lòng biết ơn Giáo Hội và các tín hữu: "Như Thánh Phaolô, mà lời người chúng ta vừa được nghe, trái tim tôi thổn thức tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng trông nom Giáo Hội Người, và sự tăng trưởng trong đức tin và tình yêu của Giáo Hội. Tôi chào đón tất cả anh chị em với niềm vui và lòng biết ơn". Đoạn khác ngài lại nhắc thêm lần nữa: "Tôi cũng biết ơn sâu xa sự hiểu biết, những nâng đỡ, và lời cầu nguyện của đông đảo anh chị em không chỉ ở Rôma này, mà còn trên khắp thế giới".

ĐGH Bênêđictô XVI đã cho biết "không bao giờ cảm thấy cô đơn" trong Giáo Hội. Ngài cảm thấy mọi người luôn ở bên cạnh, nhiều người đã giúp ngài với một "tình bạn vô giá", đặc biệt là các vị Hồng Y. ĐGH đề cập riêng đến Quốc Vụ Khanh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, người đã luôn đứng bên cạnh ngài trong nhiều năm nay.

ĐGH Bênêđictô XVI cảm tạ Thiên Chúa với tất cả trái tim của ngài trong những ngày này. "Tôi phó thác Giáo Hội trên toàn thế giới cho Thiên Chúa. Mong muốn của tôi là tất cả cảm thấy niềm vui và nhận ra vẻ đẹp là trở thành một Kitô hữu và thuộc về Giáo Hội."

ĐGH Bênêđictô XVI nhắc lại rằng ngài đã từ chức chỉ vì lý do sức khỏe. "Đôi khi bạn phải có can đảm để thực hiện những quyết định khó khăn", ĐGH nói trong tiếng vỗ tay của giáo dân. Ngài nhấn mạnh rằng ngài không chạy trốn khó khăn của Giáo Hội và không rút lui vào cuộc sống riêng tư, nhưng sẽ tiếp tục để phục vụ Thiên Chúa. Theo ĐGH, sự phục vụ không phải là "quay trở lại một cuộc sống của tông du mục vụ, các cuộc họp, tiếp khách và hội nghị". Việc từ nhiệm không phải là "rời khỏi thập giá", nhưng ĐGH sống trong "một cách thế mới bên Chúa Kitô chịu đóng đinh".

Từ quê hương của ngài ở miền Nam Đức Bavaria, có đến 5.000 người tham dự và ngay cả một ban ban nhạc diễu hành từ thành phố Traunsteiner đã trình tấu bài quốc ca trong ngày chia tay. Thống đốc Tiểu Bang Bavaria, ông Horst Seehofer (CSU) và Tổng giám mục München, Đức Hồng y Reinhard Marx đã hiện diện tham dự buổi tiếp kiến chung này.

Đức Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran trong cuộc nói chuyện với Đài phát thanh Vatican vào sáng nay đã khen ngợi ĐGH Bênêđictô XVI. ĐGH là vị "Giáo Hoàng của nền tảng" luôn mời gọi các tín hữu tập trung vào "cội rễ tâm linh của họ". Ngài đã khéo léo nối kết được "đức tin và lý trí" lại với nhau.

Vỏn vẹn còn một ngày nữa, ĐGH Bênêđictô XVI với tuổi gần 86 mới bắt đầu được nghỉ ngơi. Ngài vẫn luôn kêu gọi các tín hữu nhớ cầu nguyện cho Ngài và cho vị Giáo Hoàng mới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chính thức nghỉ hưu vào ngày 28.02.2013 lúc đồng hồ điểm 20g, như đã được Tòa Thánh đưa tin thì ngài sẽ gọi tên là "Giáo Hoàng danh dự" hoặc là "Giáo Hoàng danh dự của Rôma" hoặc ngắn gọn hơn "Đức Thánh Cha". Phẩm phục ngài mặc vẫn là chiếc áo dòng đơn giản mầu trắng với 33 nút áo, tuy nhiên không mang "giày đỏ" (được dành riêng cho chức vụ Giáo Hoàng), có tờ báo đưa tin ngài đã quyết định sẽ mang giầy nâu được làm từ Mêxicô đã tặng ngài lúc đi tông du mục vụ ở Leon. Còn "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ" biểu tượng của người kế vị Thánh Phêrô không được ngài mang theo lúc nghỉ hưu vì theo truyền thống phải được đập tan từ một chiếc búa bạc, cái dấu ấn triện của triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng được phá hủy cùng lúc. Lương nghỉ hưu cho một vị Hồng Y của Tòa Thánh vào khoảng 2.200 Euro được dành cho ngài.

GRAZIE SANTO PADRE !

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)

TƯỜNG TRÌNH CỦA MỘT GIÁO DÂN VIỆT NAM TẠI VATICAN : ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TỪ GIÃ DÂN CHÚNG


Hôm nay thứ tư ngày 27.02.13 trong buổi tiếp kiến hàng tuần ĐTC Bênêdictô 16 đã từ giã toàn thể Giáo Hội, như ngài đã loan báo bắt đầu từ ngày mai 28.02.13 sau gần tám năm trên cương vị Giáo Hoàng. Ngài sẽ từ nhiệm, vì lý do tuổi già sức yếu lui về nghỉ hưu.

Ngay từ sáng sớm hàng trăm ngàn người với cờ quạt và biểu ngữ đã kéo về công trường Thánh Phêrô để tiễn bịêt vị Cha chung lần cuối. Đoàn người gồm đại đa số các ban trẻ đến từ các thành phố trong nước Ý, từ các vùng ở nước Đức đặc biệt từ vùng Bayern quê hương của ĐTC đến rất đông, nước Pháp, nước Áo, nước Tây Ban Nha, nước Bồ Đào Nha, nước Ba Lan, nước croatia, nước Slowia, nước Thụy Sỹ, nước Lybalon, nước Brasil và có cả những phái đoàn đến từ Phi Châu, Á Châu…

Đúng 10giờ 30 ĐTC xuất hiện trong chiếc xe dành riêng cho ngài. Xe đi một vòng công trường để chào đón mọi người giữa tiếng vỗ tay reo mừng cùng với rừng cờ và rừng biểu ngữ viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để chào mừng ĐTC. Dọc đường xe của ngài dừng lại nhiều trạm để ôm hôn và chúc lành cho các trẻ em.

Sau phần công bố lời Chúa, ĐTC dẫn giải bài giáo lý cuối cùng trên cương vị Giáo Hoàng. Trong bài giáo lý ngài đã nói đến những khó khăn cùng những thử thách trong triều đại giáo hoàng từ 8 năm qua. Nhưng Thiên Chúa luôn hằng cùng đồng hành với ngài và Thiên Chúa không để con thuyền Giáo Hội bị đi lạc mất hướng. Ngài kêu gọi mọi người cùng tạ ơn Thiên Chúa, và cầu nguyện cho Giáo Hội. Như ngài nói: Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội nhất là trong những lúc khó khăn. Người luôn ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới.

Bài giáo lý của ngài dài 20 phút đã bị dán đoạn tất cả 12 lần do những tràng pháo tay của rừng người ở quảng trường nổi lên.

Sau bài giáo lý lần lượt các Đức Ông đại diện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Ba Lan và Ý…Đã nói lên tâm tình lòng biết ơn và từ giã ĐTC. Sau mỗi bài từ giã, ĐTC đều bằng chính ngôn ngữ mà vị đại diên vừa nói lời cám ơn chân thành mà họ đã dành cho ngài. Ngài nói lên tâm tình lòng qúi mến của ngài đối với mọi dân tộc trên thế giới, một lần nữa ngài nói với mọi người rằng: nay đã đến thời điểm không còn đủ nghị lực, sức khoẻ như trước nữa. Nên ngài theo ơn Chúa gọi lui về đời sống cầu nguyện. Chúa Giêsu và Hội Thánh của người phải là trung tâm đời sống đức tin của chúng ta.

Kết thúc buổi triều yết lần cuối cùng lúc 12 giờ trưa ĐTC Bênêdictô 16 cùng với hàng trăm ngàn người, đứng ngồi chật công trường Thánh Phêrô và trải dài xuống tận đại lộ Hoà giải phía trước đền thờ Thánh Phêrô, cùng cảm động hát kinh Lạy Cha bằng tiếng La Tinh và sau đó ngài ban phép lành toà thánh lần cuối cùng cho công chúng.

ĐTC Bênêdictô 16 là một nhà thần học uyên bác luôn diễn giải đức tin vào Chúa dựa theo lý luận cuả lý trí, nhưng lại đượm mầu sắc của một tâm hồn đầy lòng yêu mến. Vì thế những suy tư của ngài luôn được mọi người ưa chuộng lắng nghe. Đức Hồng Y người Pháp Taurant đã gọi ĐTC Bênêdictô là một con người đi vào „chiều sâu của bản tính“. Đức Tổng Giám Mục Zollitsch người Đức, đã đánh giá ĐTC Bênêdictô 16 là người „bắc cầu“ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

Việc ngài từ nhiệm khỏi ngôi vị giáo hoàng đã gây hoang mang, chao đảo cho mọi người trong giáo hội. Nhưng sau cùng mọi người đều kính phục lòng khiêm nhượng, nếp sống can đảm cùng đầy lòng yêu mến Hội Thánh của ngài. Và vì thế hôm nay hàng trăm ngàn người từ khắp nơi cùng kéo về Vatican tiễn biệt vị Cha chung lần cuối trong tiếng reo hò vang dội và dòng nước mắt cảm động, lòng thương cảm biết ơn.

Vatican ngày 27.02.2013

Thu Hồng BTV Radio VNHN tường trình từ Vatican


(VietCatholic News)

CHI TIẾT VỀ NGÀY CUỐI CÙNG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ được gọi là "Đức Giáo Hoàng danh dự" (Pope emeritus). Cha Federico Lombardi, SJ, Trưởng phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba 26 tháng Hai. Ngài cũng được gọi là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật cho biết sáng thứ Sáu 22 tháng Hai vừa qua. Về y phục, ngài sẽ mặc y phục trắng như hiện nay nhưng không có mozzetta (áo choàng vai – xem hình)
Mozetta - áo choàng vai

Hơn 50,000 vé đã được phát ra cho buổi triều yết chung cuối cùng của Đức Giáo Hoàng vào ngày thứ Tư 27 tháng Hai, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều anh chị em tín hữu tham dự hơn. Sau khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Giáo Hoàng sẽ đến điện Clementine để gặp gỡ một số viên chức chính quyền dân sự trong đó có tổng thống Slovakia và chủ tịch vùng Bavaria của Đức.

Vào buổi sáng ngày 28 tháng Hai, ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ một lần nữa tại điện Clementine, các vị Hồng Y đang có mặt tại Rome.

Lúc 4:55 chiều tại sân San Damaso của Điện Tông Tòa và trước đội vệ binh Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các thành viên khác trong giáo triều Rôma sẽ chia tay với Đức Thánh Cha.

Máy bay trực thăng chở Đức Giáo Hoàng sẽ hạ cánh tại Castel Gandolfo lúc 5:15 chiều. Đón Đức Thánh Cha tại đây có Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Đức Giám mục Giuseppe Sciacca, là thống đốc và tổng thư ký của thành Vatican cùng với Đức Giám mục Marcello Semeraro là Giám Mục Giáo phận Albano, chính quyền dân sự và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ xuất hiện trên ban công của biệt điện Castel Gandolfo để chào đón những người tập trung tại quảng trường này để chào ngài.

Vacante Sede, tức là thời gian trống ngôi Giáo Hoàng sẽ bắt đầu lúc 8:00 tối và đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo được giải tán. Hiến binh Vatican sẽ thay thế các Ngự Lâm Quân để bảo vệ cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Cha Lombardi cũng cho biết thêm là Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ không còn sử dụng "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ", vì chiếc nhẫn này sẽ bị phá hủy cùng với dấu ấn của triều đại giáo hoàng.

Nhiệm vụ này sẽ do Đức Hồng Y Nhiếp Chính Tarcisio Bertone và các phụ tá của ngài thực hiện.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng sẽ không còn mang đôi giày đỏ Giáo Hoàng.

Sáng 01 tháng Ba, Đức Hồng Y Niên Trưởng sẽ gởi thư mời các Hồng Y về Rôma để tham dự Cơ Mật Viện. Cha Lombardi nói thêm: "Do đó, có khả năng, là Mật Nghị Hồng Y sẽ bắt đầu vào tuần tới".
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 
 

CƠ HỘI HỒNG Y HOA KỲ : ĐỨC HỒNG Y DOLAN HAY ĐỨC HỒNG Y O'MALLEY TRỞ THÀNH GIÁO HOÀNG KHÔNG?

Lý do một người Mỹ có thể trở thành giáo hoàng.

Trong bài nói về ĐHY Tagle cuả Phi Luật Tân, chúng ta đã bàn về một câu ngạn ngử rằng : "Vị nào đi vào cuộc Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" (he who enters a conclave as pope exits as a cardinal), nghiã là không có gì chắc chắn cả, dù cho dư luận có thuận lợi thế nào chăng nữa thì vẫn luôn luôn có những bất ngờ từ những cuộc Mật Nghị. Lịch sử cuả các cuộc Mật Nghị chứng minh một điều "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên".

Tuy nhiên những cơ hội bàn về thân thế cuả các hồng y 'có khả năng làm giáo hoàng' cũng đem lại một kết quả tích cực, đó là nêu cao những đức độ cuả các đấng bản quyền đang chăm sóc giaó hội ngày hôm nay, điều mà báo chí thường xuyên và cố tình bỏ qua.

Một Giáo Hoàng người Mỹ là một điều khó tưởng tượng bởi vì cũng như Liên Hiệp Quốc, người ta không chọn một công dân cuả một siêu cường làm Tổng Thư Ký, vì như vậy Liên Hiệp Quốc sẽ có nguy cơ trở thành một sân chơi riêng cho một cường quốc.

"Hoa Kỳ đang thống trị thế giới về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa" theo lời cuả Linh mục dòng Tên Thomas Worcester, giáo sư Sử cuả đại học Holy Cross... chỉ còn lại Tôn Giáo, "người ta không muốn nhìn thấy bị thống trị cả về tôn giáo nữa".

Tuy nhiên đã có một số suy đoán, rằng quyền lực chính trị cuả Hoa Kỳ đã suy yếu, và sự 'toàn cầu hóa' đã làm giảm bớt tầm quan trọng của vấn đề quốc tịch, do đó các vị hồng y có thể mạo hiểm chọn một người Mỹ.
Theo tờ báo La Repubblica bên Roma thì các hồng y của nước Ý có vẻ đi tiên phong trong việc mạo hiểm này, tờ báo loan tin đồn rằng Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đầy quyền lực đang lặng lẽ làm việc đằng sau những vận động hành lang để thúc đẩy 'ứng viên' Dolan.

Đức Hồng Y Timothy Dolan
Đức Hồng Y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, có biệt tài ăn nói và là chủ tịch của Hội đồng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài đang tranh đấu chống lại những đạo luật 'phá thai' cuả Chính Quyền Mỹ với lý do bảo vệ Tự Do Tôn Giáo.

Ngay sau khi tin thoái vị loan ra, cuộc sống thường nhật cuả HY Dolan bị xáo trộn hoàn toàn. Bất kỳ những sinh hoạt nào trong các chương trình mục vụ của ngài đều bị báo chí và ánh sáng truyền hình theo dõi 'hơn bình thường'. Và có vẻ sự 'xâm lấn ồn ào' như thế sẽ còn tiếp tục cho tới khi cuộc Mật Nghị bầu giáo hoàng chấm dứt.

Các chính khách Hoa Kỳ cũng tìm cách xuất hiện bên cạnh DHY, hôm thứ Hai, cả hai Thị trưởng Michael R. Bloomberg và Thống đốc. Andrew M. Cuomo cuả New York cùng tới tham dự cuộc gây quĩ cuả giáo phận. Trong dịp này, HY Dolan đã trả lời một số câu hỏi từ các phóng viên về khả năng có thể có một 'Giáo Hoàng Dolan'.

Với sự hài hước điển hình cố hữu, trước một câu hỏi Ngài sẽ làm gì khi thấy tên mình lọt vào danh sách ứng viên, ngài noí : "Tôi sẽ bảo họ, quí vị chọn nhầm người rồi." (“I’ll tell them they have the wrong guy.”)

"Đừng đánh cá tiền ăn trưa của bạn vào việc đó," Ngài nói thêm, ý nói rằng sẽ 'thua là cái chắc'. "Đánh cá vào đội Mets thì hơn." (đội bóng chày cuả New York)

Nhưng đó là ở bên Hoa Kỳ, ở bên Ý, theo ông John Thavis, tác giả sách "The Vatican Diaries: ..." ("Nhật ký Vatican:..."), thì sự chú ý cuả các nhà báo trong tuần qua đã không dành cho DHY Dolan mà lại đổ dồn về một nhân vật 'trong bóng tối', Đức Hồng Y Sean Patrick O'Malley, OFM Cap,Tổng Giám Mục Boston.

Trong hồng y đoàn, Ngài là vị hồng y duy nhất thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn, còn gọi là Dòng PhanXiCô (Order of Friars Minor Capuchin).

"Có lẽ là vì thiếu tin tức sốt dẻo do việc các vị hồng y đều giữ im lặng, cho nên các nhà báo Ý muốn 'điền vào những chỗ trống' đó," ông Thavis phỏng đóan như vậy.

Về việc phẩm chất cuả báo chí Ý là đáng tin cậy bao nhiêu, thì theo linh mục dòng Tên Thomas J. Reese, một giáo sư của Đại học Georgetown, cho rằng "báo chí Ý vẽ vời tin tức giống như đang viết tiểu thuyết hơn là làm phóng sự."

Tuy nhiên, theo ông Thavis thì vấn đề quan trọng là ở việc báo chí vẫn có ảnh hưởng trên cuộc Mật Nghị, (xin xem Chuyên gia ít thế tục nhất nhìn cơ mật viện tương lai của Vũ Văn An ) ít ra là có ảnh hưởng tới số 28 phiếu cuả các hồng y người Ý. Thí dụ trong năm 2005 đã có một hồng y thú nhận với Thavis rằng ngài đã đọc báo và nhận thấy cơ hội cuả HY Ratzinger đang 'trên đà đi lên'.

Và vì thế "Chúng ta không nên hạ giá cái tác dụng cuả báo chí Ý, đặc biệt là ở trong giai đoạn sớm suả này, nó có thể định nghiã ai sẽ có khả năng làm giáo hoàng."

Thân thế sự nghiệp HY O'Malley
Đức Hồng Y O'Malley
Hồng Y O'Malley, 68 tuổi, sinh tại Ohio, lớn lên ở miền tây Pennsylvania, nhập tiểu chủng viện dòng Phanxicô lúc 12 tuổi. Ngài có bằng thạc sĩ về giáo dục tôn giáo và bằng Tiến sĩ về văn học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington (Catholic University of America).

Ngài ở lại dạy trường Đại học Công giáo và thành lập trung tâm cho người Hispanics (Centro Hispano Católico), một tổ chức giúp đỡ những người nhập cư. Sau đó ngài được cử đi làm giám mục ở đảo St Thomas, quần đảo Virgin, rồi ở các giáo phận Fall River, Mass., và Palm Beach, Fla.

Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Boston năm 2003 và được thăng tước hồng y năm 2006.

Hồng Y O'Malley nổi tiếng là một tu sĩ khiêm tốn, thích mặc áo choàng nâu đơn giản của Dòng Capuchin và thích người ta gọi 'tên thánh' cuả mình là 'Hồng Y Seán' (Gioan). Thành quả được ghi nhận ở Mỹ và ở Roma là đã làm sạch Tổng Giáo Phận Boston sau khi ngài tiếp nhận từ HY Bernard Law, sau những vụ cáo buộc gây chấn động toàn cầu về những lạm dụng tình dục cuả hàng giáo sĩ và về những che đậy cuả giáo quyền.

Vào tháng Giêng năm 2012, kỷ niệm 10 năm cuộc khủng hoảng nói trên, HY O'Malley nói ưu tiên hàng đầu của ngài vẫn là tiếp tục tiếp cận và chăm sóc cho các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục và "làm tất cả những gì khả thi để cho tình trạng lạm dụng này không bao giờ xảy ra nữa. '

Ngài sử dụng thông thạo các phương tiện truyền thông, dùng Twitter và blog để kết nối với giáo dân và làm việc truyền giáo.

Những lợi thế

Theo ông John Allen thì có hai lý do chính tạo ra làn sóng quan tâm tới HY O'Malley, đó là (1) danh tiếng là một nhà cải cách trên những vụ bê bối lạm dụng tình dục và (2) là hình ảnh cuả một tu sĩ Capuchin khó nghèo khiêm tốn không vướng mắc vào những cái bẫy giàu sang. Những nhân đức này được nhiều báo chí Ý coi như là những tài sản cần có để bù lấp vào những tai tiếng chia rẽ đấu đá nội bộ và tham nhũng tài chính ở Vatican.

Những nhà bình luận khác thêm vào (3) một ưu thế khác đang thiếu ở Vatican là làm sao để giao tiếp cách tốt hơn với những người trẻ tuổi với một tốc độ cao, trong một môi trường truyền thông công nghệ cao, thì Hồng Y O'Malley đã là người đầu tiên có blog riêng của mình. Ngài cập nhật nó hàng tuần, cung cấp cho thế giới một cửa sổ nhỏ vào cuộc đời của một hồng y.

(4) Ngài nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha và có nhiều kinh nghiệm mục vụ tại Nam Mỹ và vùng biển Caribbean, là những nơi mà 42% tổng số giáo dân Công Giáo toàn cầu đang cư ngụ.

Những nhược điểm

Mặt khác, cũng theo ông Allen, HY O'Malley có tính nhút nhát, và đôi khi dường như đau buồn tuyệt vọng về gánh nặng giám mục trong bối cảnh những năm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng và phải đóng cửa nhiều nhà thờ.

"Rỏ ràng một nhân vật để tháo gỡ cái mớ bòng bong cuả Vatican ngày nay thì không có vẻ là Sean O'Malley," Allen nói.

James Weiss, một giáo sư thần học cuả Boston College, thì cho rằng HY O'Malley thiếu kinh nghiệm về giáo triều Vatican, cũng như nhân cách của ngài không thích hợp với chức vụ giáo hoàng: "Ngài không cởi mở, không thích hiện diện nơi công cộng. Điều đó (sự hiện diện công cộng) đã trở thành cái mốt từ thời giáo hoàng Gioan Phaolô II, và thực sự bị thiếu ở giáo hoàng Benedict. "

Và một chỉ trích nữa từ ông Allen là tuy HY O'Malley đã công bố trực tuyến danh sách những giáo sĩ bị buộc tội lạm dụng tình dục ở Boston, nhưng hình như quá muộn và không đầy đủ.

Phản ứng

Nếu người ta tham khảo trực tuyến để xem có những báo chí nào đã đề cập đến chữ "O'Malley" thì thấy rằng không chỉ ở Hoa Kỳ, ở Ý mà đã tiếp tục loan truyền qua cả bên Đức nữa.

"Tôi có thể xác nhận những lời đồn về HY O'Malley từ kinh nghiệm cá nhân. Ngay bây giờ, thật là khó khăn cho một nhà báo Mỹ như tôi bước vào Văn phòng báo chí Vatican mà không bị ai đó đặt một câu hỏi về ngài ", theo lời ông Allen.

Cảm tưởng cuả DHY O'Malley về chuyện này thì sao? tại cuộc họp báo tuần trước ở Braintree Ngài cho biết "Tôi đã không bị mất bất kỳ giấc ngủ nào về chuyện ấy cả, và tôi đã mua một vé khứ hồi rồi, tôi đã tính sẽ trở về nhà. "

Trên blog cá nhân của mình, DHY O'Malley viết thêm:

"Tôi biết mọi người đang muốn ủng hộ gà nhà - ai mà không muốn có một Giáo Hoàng đến từ giáo phận quê hương của mình nhỉ ? - và, tất nhiên, tôi hân hạnh vì được tham gia vào các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng. Nhưng, tôi đảm bảo với tất cả mọi người, không một vị hồng y nào đi vào cuộc họp kín bầu Giáo hoàng với tham vọng được bầu làm Đức Thánh Cha. "

DHY O'Malley nói rằng bất kỳ lời đồn đãi nào thì cũng toàn là những việc "nhàn rỗi trò chuyện" mà thôi:

"Tôi biết rằng đã có nhiều dự đoán về những người có thể thay thế đức Giáo hoàng Benedict. Tuy nhiên, tôi cho những dự đóan đó toàn là những chuyện hão huyền. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào việc cầu nguyện để Đức Thánh Linh ngự xuống giúp đỡ và hướng dẫn các vị hồng y bầu cho được một Người cần cho Giáo Hội tại thời điểm này."
 
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

HƯU TRÍ TRONG TU VIỆN GIỮA HOA HỒNG QUÝ HIẾM VÀ VƯỜN RAU

VATICAN– 28.02.2013. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chính thức nghỉ hưu vào ngày 28.02.2013 lúc đồng hồ điểm 20g, như đã được Tòa Thánh đưa tin thì ngài sẽ gọi tên là "Giáo Hoàng danh dự" hoặc là "Giáo Hoàng danh dự của Rôma" hoặc ngắn gọn hơn "Đức Thánh Cha". Phẩm phục ngài mặc vẫn là chiếc áo dòng đơn giản mầu trắng với 33 nút áo, tuy nhiên không mang "giày đỏ" (được dành riêng cho chức vụ Giáo Hoàng), có tờ báo đưa tin ngài đã quyết định sẽ mang giầy nâu được làm từ Mêxicô đã tặng ngài lúc đi tông du mục vụ ở Leon. Còn "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ" biểu tượng của người kế vị Thánh Phêrô không được ngài mang theo lúc nghỉ hưu vì theo truyền thống phải được đập tan từ một chiếc búa bạc, cái dấu ấn triện của triều đại Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng được phá hủy cùng lúc. Lương nghỉ hưu cho một vị Hồng Y của Tòa Thánh vào khoảng 2.200 Euro được dành cho ngài.

 
Trước khi tu viện Mater Ecclesiae nằm trong nội thành Tòa Thánh Vatican được tu sửa xong trong 2 tháng tới thì vị "Giáo Hoàng danh dự của Rôma" sẽ tạm trú ngụ tại nhà nghỉ hè Castel Gandolfo. Đây là cách trọn lựa tốt nhất để tránh xa tất cả mọi việc đang liên quan sôi nổi đến bầu cử Giáo Hoàng mới.

Tu viện Mater Ecclesiae là nơi nghỉ hưu của ĐGH Bênêđictô XVI, ngài chọn một cuộc sống thầm lặng trong lời kinh nguyện cho đến cuối đời, ngài ví như một cuộc lên núi Tabore sống mật thiết với Đức Giêsu (bài giảng Kinh Truyền Tin ngày 24.2.2013). Tu viện Mater Ecclesiae đã được Cố GH Gioan Phaolô II tu sửa và vào năm 1992 ngài cho lập một vườn hoa và rau ngay ở đây trong nội thành Vatican. Từ đó các nữ tu từ nhiều quốc gia khác nhau đến tu viện này sinh sống và làm việc.

Nếu Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến tu viện Mater Ecclesiae nghỉ hưu thì lúc đó Vatican chưa bao giờ có một tình huống lạ thường từ nhiều thế kỷ là Giáo Hoàng mới và Giáo Hoàng cũ cùng lúc sống chung trong một quốc gia bé nhỏ Vatican.

ĐGH Bênêđictô XVI rất thích vườn hoa và vườn trái cây, trong 8 năm Giáo Hoàng ngài luôn đi dạo vòng quanh nơi đây trong lúc thư giãn, trong lúc lần hạt mân côi. Lúc đi nghỉ hưu thì ngài đã chọn nơi đây để sống cho đến cuối đời. Nơi đây có hai loại hồng qúy hiếm màu hồng nhạt và màu trắng. Chỗ vườn này cung cấp rau xanh như ớt tây, bí xanh và bắp cải. Trên cây ăn trái của khu vườn cũng có chanh và cam.

Trong tòa nhà tu viện Mater Ecclesiae gồm có ba tầng với 12 phòng. Trang trí rất đơn sơ với thánh giá bằng gỗ và các bức tranh đạo trên các bức tường. Tại tầng trệt được đặt bên cạnh là một nhà nguyện, một phòng ngủ và phòng khách, thư viện và một nhà bếp.

Viết và học tập như là một bài học của cuộc sống

Tại tu viện Ecclesiae Mater vị "Giáo Hoàng danh dự" sẽ có một cuộc sống hoàn toàn tách biệt hay không?, thì cha Federico Lombardi, người phát ngôn Tòa Thánh không tin như thế: "Tôi không cho rằng Đức Thánh Cha sẽ trở thành một vị ẩn tu", cha cho biết. Đức Thánh Cha đã thường nói rằng ngài muốn cống hiến tuổi già của mình bằng cách viết và nghiên cứu, tôi nghĩ rằng ngài sẽ làm tốt điều này", cha Lombardi nói và còn thêm chi tiết: "Đây là một tình huống chưa từng có, chúng ta hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra".

ĐGH Bênêđictô XVI đã một lần phát biểu muốn "xa lánh trần thế". Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lần cuối cùng tại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật 24.2.2013 trước 200.000 tín hữu, ngài đã chia sẻ: "Thiên Chúa đã mời gọi tôi đi lên núi để tôi cống hiến nhiều hơn cho việc cầu nguyện và suy niệm". Từ tu viện Ecclesiae Mater trên đồi cao của Vatican vị "Giáo Hoàng danh dự" chắn chắn có một điểm nhìn tốt hướng về Đền Thánh Phêrô và thành Rôma.
 
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News) 

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

BUỔI TRIỀU YẾT CHUNG CUỐI CÙNG TRIỀU GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI



Lời tạm biệt của ĐTC Bênêđictô XVI:
Giáo Hội được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, ngay cả trong gian truân và thử thách

Trong buổi tiếp kiến ​​chung cuối cùng và cũng là lần chót ngài xuất hiện trước công chúng trong tư cách người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cám ơn Giáo Hội vì tất cả các nâng đỡ trong thời gian triều Giáo Hoàng của ngài và đặc biệt trong thời gian chuyển tiếp sắp tới. Suy niệm về ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ anh chị em tín hữu rằng Giáo Hội được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, ngay cả trong gian truân và thử thách.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi gởi lời chào nhiệt liệt đến anh chị em và các khách hành hương, là những người đang tham dự với tôi trong buổi triều yết chung cuối cùng này. Như Thánh Phaolô, mà lời người chúng ta vừa được nghe, trái tim tôi thổn thức tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng trông nom Giáo Hội Người, và sự tăng trưởng trong đức tin và tình yêu của Giáo Hội. Tôi chào đón tất cả anh chị em với niềm vui và lòng biết ơn.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta đã được kêu gọi để làm mới niềm tín thác hân hoan nơi sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo Hội. Cá nhân tôi biết ơn tình yêu không lay chuyển của Ngài và sự hướng dẫn của Ngài trong suốt tám năm kể từ khi tôi chấp nhận ơn gọi của mình là phục vụ Giáo Hội như người kế vị Thánh Phêrô. Tôi cũng biết ơn sâu xa sự hiểu biết, những nâng đỡ, và lời cầu nguyện của đông đảo anh chị em không chỉ ở Rôma này, mà còn trên khắp thế giới.

Quyết định mà tôi đã đưa ra, sau khi cầu nguyện nhiều, là kết quả của một sự tin tưởng trong an bình nơi Thánh Ý Chúa và một tình yêu sâu sắc Giáo Hội của Chúa Kitô. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin mỗi người trong anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho Đức Tân Giáo Hoàng. Trong tình hiệp thông với Đức Maria và tất cả các thánh, chúng ta hãy phó dâng chúng ta trong đức tin và đức cậy nơi Thiên Chúa, Đấng tiếp tục dõi theo cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn cuộc hành trình của Giáo Hội và thế giới chúng ta dọc theo những con đường của lịch sử.

Với lòng mến chân thành, tôi phó dâng tất cả anh chị em cho sự chăm sóc trìu mến của Người, xin Chúa củng cố anh chị em trong một niềm hy vọng mở lòng chúng ta ra đón nhận sự viên mãn của cuộc sống mà chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em và gia đình. Cám ơn anh chị em!

Đồng Nhân
(VietCatholic News) 

LẼ SỐNG 27.02


27 Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN TẠI ĐAN VIỆN CHÂU THỦY

THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN 
XÂY DỰNG NHÀ NGUYỆN ĐAN VIỆN CHÂU THỦY 
 
Sáng ngày 22 tháng 2 năm 2013, khuôn viên Đan viện Xitô Thánh mẫu Châu Thủy tưng bừng nhộn nhịp khác lạ so với bầu khí mọi ngày nơi đây. Băng rôn, biểu ngữ, cờ xí tưng bừng chào đón dòng người nô nức về tham dự Thánh lễ Đặt viên đá đầu tiên Xây dựng Nguyện đường của Đan viện, do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết chủ sự vào lúc 9g30.

Hiện diện trong Thánh lễ còn có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Cha Tổng Đại diện GB. Hoàng Văn Khanh, Viện phụ Gioan Bosco Trần Văn Thành bề trên đương nhiệm Đan viện Châu Thủy, cùng với trên 50 linh mục đồng tế.

Bắt đầu Thánh lễ, Đức cha Giuse bày tỏ niềm hân hoan vui mừng của những ngày đầu xuân Quý Tỵ, cho dẫu “Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân” đã đi qua, nhưng tại sân lễ muôn hoa vẫn khoe sắc. Tức cảnh sinh tình, ngài gởi đến mọi người lời chúc xuân bằng ba câu thơ ngũ ngôn:

Bước vào xuân Quý Tỵ
Chúc mọi người hoan hỷ
Trong tình Chúa diệu kì

Chính “Trong tình Chúa diệu kì” mà mọi người hiện diện nơi đây, trong ngày Giáo hội mừng kính lễ Lập Tòa Thánh Phêrô, dưới bầu trời mát mẻ (bởi ảnh hưởng Áp thấp Nhiệt đới), để cử hành Thánh lễ Đặt viên đá đầu tiên Xây dựng Nguyện đường Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy.
 


(gpphanthiet.com)

CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU GIÁO HOÀNG


Đức Hồng Y Gioan Baotixia Phạm Minh Mẫn
Tòa Tổng Giám Mục, ngày 25.02.2013

CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU GIÁO HOÀNG

Kính gởi : Linh mục, tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận,

Anh chị em rất thân mến,

1. Như anh chị em đã biết, ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI đã thông báo quyết định từ nhiệm của Ngài. Ngài nói: “Trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi mau chóng, một thế giới đặt ra những vấn đề khẩn thiết cho đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và để loan báo Tin Mừng, cần có sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác; và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến mức không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính nghiêm trọng của quyết định này, cùng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà các Đức Hồng Y đã trao cho tôi từ ngày 19 tháng 4 năm 2005. Do đó, kể từ 20g00 ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trống và Mật Tuyển viện sẽ được triệu tập do các vị có thẩm quyền”.

2. Chắc chắn tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc nuối trước quyết định của Đức Bênêđictô XVI, vì Ngài đã tận tụy phục vụ Giáo Hội với sự sáng suốt và lòng nhiệt thành của vị mục tử gương mẫu. Tôi cảm nhận sự tiếc nuối này rất rõ trong những ngày qua, ở khắp các nơi mà tôi đến thăm Tết, trong Thành phố cũng như khắp đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, chính sự kiện này đánh thức lòng tin của nhiều người, làm cho hồng ân đức tin lan tỏa trong xã hội hôm nay. Vì thế, trong sự đồng cảm với Giáo Hội, chúng ta đón nhận quyết định của Đức Bênêđictô XVI với tinh thần vâng phục của đức tin, đồng thời vững bước tiến tới tương lai dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

3. Sau khi Đức Bênêđictô XVI chính thức từ nhiệm vào ngày 28-2-2013, các hồng y sẽ được triệu tập về Rôma để chuẩn bị việc bầu Giáo hoàng mới. Riêng tôi có thể sẽ lên đường đi Rôma vào những ngày cuối tuần I, đầu tháng 3, 2013. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tất cả các hồng y sẽ tham dự Mật tuyển viện sắp tới, để chúng tôi biết đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mà bầu ra vị giáo hoàng như lòng Chúa mong muốn và như Dân Chúa mong đợi.

4. Cũng vì thế, trước khi đi Rôma, tôi muốn đề nghị với anh chị em hiệp lòng, hiệp ý cầu nguyện cho việc bầu vị Giáo Hoàng mới :

- tại Nhà Thờ Chính tòa vào Thánh lễ lúc 8:30g ngày thứ Bảy 09.03.2013

- tại mỗi giáo xứ và tại mỗi Dòng tu, vào Thánh lễ Chúa Nhật, 10.03.2013

Kể từ 20g00 ngày 28-2 (giờ Rôma), tức là rạng sáng ngày 01.03.2013 tại Việt Nam, cho đến khi có Giáo hoàng mới, trong Kinh nguyện Thánh Thể, các linh mục chỉ xướng tên của giám mục giáo phận mà thôi.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI và cho vị Giáo hoàng tương lai, để ngài tiếp nối các vị tiền nhiệm đáng kính, hướng dẫn chúng ta bước theo Chúa Giêsu Đấng Cứu độ, trên con đường hòa nhập vào gia đình nhân loại, yêu thương đến cùng, khiêm tốn phục vụ cho sự sống mới và sự phát triển toàn diện của con người.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Tp. HCM
(WGPSG)

MỘT SỐ THAY ĐỔI TRONG NGHI THỨC KHỞI ĐẦU TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG

Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Bênêđictô XVI
WHĐ (24.02.2013) – Nghi thức đánh dấu khởi đầu triều đại giáo hoàng của Đức Tân giáo hoàng đã được thay đổi đôi chút. Hôm thứ Hai 18 tháng Hai 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phê chuẩn một số thay đổi đối với Sách Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Roma (Ordo rituum pro ministerii Petrini initio Romae episcopi). Sau khi đệ trình lên Đức Thánh Cha những thay đổi này, Đức ông Guido Marini, Chưởng nghi Tòa Thánh Vatican, đã giải thích ý nghĩa và trình bày chi tiết các điểm được thay đổi.

Cụ thể, cần “phân biệt việc cử hành Thánh Lễ với những nghi thức khác vốn không liên quan chặt chẽ với Thánh lễ”, chẳng hạn nghi thức phong thánh, nghi thức hát mừng Phục Sinh, và nghi thức trao dây Pallium cho các tân Tổng giám mục.

Có hai cử hành quan trọng đánh dấu việc khởi đầu triều đại giáo hoàng: Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Roma và nghi thức nhận ngai tòa Rôma tại Vương cung thánh đường Latêranô. Đức ông Marini giải thích: “Những nghi thức tiêu biểu sẽ được cử hành trước và ngoài Thánh Lễ chứ không phải trong Thánh lễ nữa”.

Về nghi thức tuyên hứa vâng phục, trước đây, chỉ các hồng y cử tri mới phải hứa vâng phục Đức Thánh Cha ngay sau cuộc bầu cử tại Nhà nguyện Sistine, nhưng nay, tất cả các vị hồng y đồng tế đều phải tuyên hứa. Đức ông Marini giải thích: “Cử chỉ này sẽ mang một chiều kích chung và mở rộng cho tất cả các thành viên của Hồng y đoàn, đồng thời cũng mang đặc tính Công giáo”. Đó không phải là muốn làm điều gì mới lạ “vì như mọi người đều nhớ rõ, khi Đức Gioan Phaolô II khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài, tất cả các hồng y có mặt trong Thánh Lễ đồng tế đều tuyên hứa vâng phục”.

Về việc thăm viếng các Đại Vương cung thánh đường tại Roma của Đức tân giáo hoàng, ngài sẽ xem xét thời điểm nào và hình thức nào “mà ngài cho là thích hợp nhất: trong một Thánh Lễ hoặc một Giờ kinh Phụng vụ, hay trong một cử hành phụng vụ cụ thể khác”.

Tại sao cần thay đổi? Đức ông Marini giải thích hai lý do tại sao Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra quyết định này: “Trước hết, Đức Thánh Cha là người đầu tiên đã có dịp trải nghiệm những nghi thức khởi đầu triều đại giáo hoàng vào năm 2005. Kinh nghiệm này có lẽ đã giúp ngài đưa ra một số cải tiến cho bản Nghi thức. Tiếp theo, ngài cũng muốn đi theo cùng một đường lối của một số thay đổi trong những năm gần đây đối với các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng”.

Bản Nghi thức mới cũng dự trù việc quy định rõ một danh mục âm nhạc. Từ nay những thay đổi được áp dụng sẽ cho phép “tự do hơn trong việc lựa chọn các bài hát, khi đề cao giá trị kho tàng âm nhạc phong phú của lịch sử Giáo hội”.

(Vatican Radio, 23-02-2013)
WHĐ

NHẬN ĐỊNH VỀ NHỮNG HỒNG Y CÓ KHẢ NĂNG LÀM GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI : ĐỨC HỒNG Y TAGLE CỦA PHI LUẬT TÂN


Trong những đồn đóan về vị hồng y nào sẽ có nhiều triển vọng làm giáo hoàng tương lai, ngoài một số có sẵn kinh nghiệm tại Giáo Triều Vatican, còn có một 'danh sách dài' về những vị có đủ khả năng và tăm tiếng, nhưng không có triển vọng vì những lý do ngoại vi thí dụ như vị đó là một người Mỹ như HY nổi tiếng nhân đức Sean O'Malley cuả Boston và HY ăn khách với giới truyền thông Timothy Dolan cuả New York , hoặc chưa có đủ kinh nghiệm như HY Luis Antonio Tagle cuả Manila Phi Luật tân , vị HY trẻ thứ nhì trong Hồng Y đoàn.

Ở Roma, người ta thường nhắc tới một câu ngạn ngử rằng: "Vị nào đi vào cuộc Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" (he who enters a conclave as pope exits as a cardinal), nghiã là không có gì chắc chắn cả, dù cho dư luận có thuận lợi thế nào chăng nữa thì luôn luôn vẫn có những bất ngờ từ những cuộc Mật Nghị. Lịch sử cuả Mật Nghị chứng minh một điều "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên".

Nhưng theo ông John L. Allen Jr, ký giả và cũng là một học giả nổi tiếng về giáo hoàng, "người ta có thể biện luận một cách hùng hồn rằng, không một vị hồng y nào lại có nhiều cơ hội trở thành giáo hoàng nhờ vào việc thoái vị cuả đức Benedicto cho bằng Đức Hồng Y Tagle."

Bình thường mà nói, thì HY Tagle hầu như không có cơ hội nào. Với số tuổi 55, trẻ hơn đức John Paul II 3 tuổi lúc đăng quang, do đó một phiếu bầu cho HY Tagle cũng có nghiả là bầu cho một triều đại dài lê thê, có thể kéo dài 30 năm.

Vẻ bề ngoài cuả HY Tagle còn trông trẻ hơn nữa. Câu chuyện kể rằng vào năm 1990, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger giới thiệu 'cha' Tagle lên Đức Giáo Hoàng John Paul II khi Cha mới gia nhập ủy ban Thần Học, thì HY Ratzinger đã nói đuà với ĐGH rằng trên thực tế cha Tagle đã được "rước Lễ Lần đầu xong rồi."

Nhưng bây giờ thì khác, theo ông Allen, "với tiền lệ một giáo hoàng có thể thoái vị, bài toán đã có thêm một yếu tố mới. Người ta nghĩ rằng HY Tagle có thể sẽ cống hiến cho giáo hội từ 10 tới 15 năm, rồi bước sang một bên. Một sự suy nghĩ như vậy giúp cho người ta bỏ qua yếu tố tuổi tác và chú trọng hơn tới các nhân đức khác."

Và như vậy người ta sẽ có thể tìm thấy ở HY Tagle điều mà một nhà bình luận Phi Luật Tân đã viết về Ngài là "có tâm trí của một nhà thần học, linh hồn của một nhạc sĩ và trái tim của một mục tử."

Tờ báo kinh doanh Phi Luật Tân đã tặng cho HY Tagle danh dự "Nhân vật trong Năm" ("Man of the Year,") mô tả ngài là "trẻ, không cứng nhắc và không kênh kiệu," là một giám mục "thông hiểu về những vấn đề đương đại hơn người khác."

Sinh ra tại Manila, HY Tagle đã theo học tại đại chủng viện ở Quezon và sau đó nghiên cứu luận án tiến sĩ tại Đại học Công giáo Mỹ "The Catholic University of America " ở Washington. Ngài cũng du học tại Roma trước khi trở về Phi Luật Tân để làm chánh xứ và giáo sư. Ngài được xem như là một ngôi sao đang lên cuả giáo hội Á Châu, do đó mà Ngài đã được bổ nhiệm vào chức vụ tư vấn cuả hội đồng Giáo lý Đức tin cuả Vatican vào năm 1997. Năm 2001 Ngài được chọn làm giám mục giáo phận Imus.

Thần học và chính trị, HY Tagle được xem là có sự cân bằng cho cả hai lãnh vực. Ngài có lập trường mạnh mẽ chống lại những dự luật thúc đẩy kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, Ngài cũng đặt mối quan tâm hàng đầu cho việc bảo vệ người nghèo, và bảo vệ môi trường sinh thái.

Luận án tiến sĩ cuả Ngài tại The Catholic University of America, được viết dưới sự bảo trợ cuả linh mục giaó sư Komonchak, là một sự ca ngợi những nỗ lực cuả 'giám mục đoàn' cuả Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, HY Tagle cũng đã hợp tác 15 năm với ban biên tập cuả nhóm Bologna trong việc biên khảo "Lịch sử của Công Đồng Vatican II", đây là một dự án cuả giáo sư Giuseppe Alberigo cuả viện đại học Bologna, nhưng nhiều phần cuả bộ sách biên khảo đã bị phe bảo thủ chỉ trích là có một cái nhìn 'cấp tiến' quá.

Trong thời gian coi sóc giáo phận Imus, 'GM' Tagle được nổi tiếng vì không mua xe hơi và đã dùng xe bus đi làm việc mỗi ngày, Ngài mô tả việc này là để được gần gũi với dân chúng và đồng thời giúp giảm chi phí văn phòng. Ngài thường mời những kẻ ăn xin bên ngoài nhà thờ vào dùng bữa chung với Ngài. Một phụ nữ kể lại rằng có một lần cô ta đi tìm ông chồng bị loà cuả cô, đang thất nghiệp mà lại mắc chứng nghiện ngập, cô đinh ninh sẽ 'chụp' được ông ta trong một quán bar, vậy mà lại thấy ông ta đang ngồi ăn trưa với đức giám mục.

Đây là một câu chuyện điển hình khác xảy ra sau khi 'GM' Tagle nhận giáo phận Imus không bao lâu. Một 'họ đạo lẻ' nằm trong một khu phố nghèo nàn phục vụ cho những người lao động thường được một linh mục tới dâng Thánh Lễ Chuá Nhật rất sớm vào lúc 4 giờ sáng. Hôm đó vị linh mục đã không xuất hiện mà thay vào đó là một giáo sĩ 'hơi trẻ', mặc đồ thường phục, gò lưng trên một chiếc xe đạp rẻ tiền. Một giáo dân bỗng sững sờ nhận ra vị đó không ai khác hơn là chính đức giám mục mới, và lập tức rối rít xin lỗi ĐGM vì đã không chuẩn bị để đón tiếp ngài một cách thích hợp hơn. 'ĐGM' Tagle vui vẻ cho biết 'họ đạo' không nên đặt vấn đề gì cả, Ngài vừa nhận được tin là vị linh mục bị bệnh cho nên quyết định tự mình thay thế tới dâng Thánh Lễ mà thôi.

HY Tagle là một người có năng khiếu giao tiếp, là một diễn giả và là một 'nhân vật' được săn lùng mời mọc. Báo chí đã không tiếc lời ca tụng Ngài tại Đại Hội Thánh Thể Quốc tế năm 2008 ở Quebec, khi Ngài làm cho toàn thể sân vận động rơi nước mắt. Ngài là một vị giám chức cuả thế kỷ 21, có một chương trình trên YouTube, và một trang 'mạng' trên Facebook.

HY Tagle cũng là một nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy các giáo hội châu Á tích cực hơn trong việc ngăn ngừa những lạm dụng cuả giáo sĩ. Ngài là một trong số các diễn giả chính cuả hội nghị thượng đỉnh quốc tế về tình trạng lạm dụng tổ chức hồi năm ngoái tại Đại học Gregorian ở Roma.

"Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, tức là những đứa trẻ", Ngài nói.

Về việc HY Tagle có khả năng vinh thăng lên làm Giaó Hoàng, ông Allen đưa ra ba cơ sở như sau.

Thứ Nhất, Ngài là một người có tài giao tiếp và có kinh nghiệm truyền giáo có hiệu quả tại một thời điểm khi mà mối ưu tiên cao nhất trong nội bộ Công giáo là tân phúc âm hóa. Chất lượng quan trọng nhất cuả 'nhân vật' Tagle là: Khi Ngài nói, mọi người lắng nghe.

Trong cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc truyền giáo mới tổ chức vào mùa Thu năm ngoái, nhiều vị GM đã cho rằng bài phát biểu cuả HY Tagle gây nhiều ấn tượng nhất trong những bài phát biểu mà họ đã nghe cả một tháng trời. HY Tagle lập luận rằng trong bối cảnh cuả châu Á, việc rao giảng Tin Mừng hiệu quả có nghĩa là một giáo hội cần phải khiêm tốn hơn, đơn giản hơn, và có khả năng im lặng hơn.

Thứ Hai, HY Tagle là biểu tượng cho sự tăng trưởng rất ấn tượng của đạo Công giáo bên ngoài phương Tây, là một khuôn mặt đại diện cho hình thức sống đạo cuả 'miền Nam bán Cầu' là linh hoạt, tương đối không âu sầu. Ngài chắc chắn sẽ là một biểu tượng của một giáo hội mới của thế giới, và với phẩm chất trí tuệ sẵn có, đây không phải là một biểu tượng trống rỗng.

Thứ ba, HY Tagle là một mục tử có kinh nghiệm làm việc 'dưới chiến hào' đang cai quản một tổng giáo phận rộng lớn và phức tạp. Mặc dù Ngài chỉ mới nhận chức từ năm 2011, HY Tagle đã được đánh giá tốt về khả năng làm cho 'đoàn tàu luôn chạy đúng giờ.'

Nhưng cũng có những nhược điểm, có thể tóm tắt vào bốn điểm chính, theo ông Allen.

Đầu tiên, tuổi của Ngài vẫn còn là một vấn đề. Ít nhất có một số hồng y không thích cái ý tưởng thoái vị cuả một Giáo Hoàng, vì như vậy thì những sự vĩ đại cuả vị thế Giáo Hoàng bị giảm đi, (một viên chức cao cấp Vatican đã than thở với ông Allen rằng: "Bây giờ thì Giáo Hoàng cũng giống như là tổng giám mục Canterbury mà thôi!" ) hoặc là như vậy thì cũng giống như gián tiếp thú nhận rằng mình thất bại. Trong mọi trường hợp, giáo luật không cho phép ai có thể buộc một giáo hoàng thoái vị, do đó, việc thoái vị là hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý chí cuả vị giáo hoàng kế tiếp. Do đó, việc có khả năng thoái vị 'sớm' vẫn không đủ làm cho một số hồng y bỏ qua yếu tố tuổi tác quá trẻ cuả HY Tagle.

Thứ hai, HY Tagle không có một kinh nghiệm nào ở Vatican ngoài việc thỉnh thoảng tham dự các Thượng Hội Đồng, và thái độ ăn nói nhỏ nhẹ và khiêm tốn có thể làm cho một số hồng y nghĩ là không thích hợp cho việc 'dọn dẹp nhà cửa' mà nhiều người tin rằng vị Giáo hoàng mới sẽ phải thực hiện bên trong nội bộ Vatican.

Ông Allen 'nói mớm' rằng HY Tagle có thể vượt qua trở ngại nêu trên nếu ngài 'noí bóng gió' về việc sẽ chỉ định ai làm 'quốc vụ khanh' cho ngài. Tuy nhiên việc này khó có thể xảy ra vì dựa vào nhân cách cuả Ngài, HY Tagle không bao giờ có ý định muốn 'tranh cử.'

Thứ ba, một số hồng y có thể cho rằng HY Tagle hơi thiên về 'phiá tả', điển hình là sự hợp tác cuả Ngài với nhóm Bologna cuả giáo sư Alberigo.

Thứ tư và cơ bản nhất, một số hồng y có thể nhìn thấy HY Tagle là một giáo sĩ trẻ đầy hứa hẹn, nhưng chưa hoàn toàn đạt đến cao điểm (Primetime). Và họ có thể thì thầm với nhau rằng "Ngài sẽ là một vị Giáo Hoàng vĩ đại. .. trong tương lai."
 
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic news) 

BUỔI ĐỌC KINH TRUYỀN TIN CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C 24-02-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay năm C 24-02-2013
Cha chánh xứ dâng Lễ.
Ca đoàn cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C (Lc 9, 28b-36)



THẬP GIÁ VINH QUANG

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Có một nhà vua đã hỏi các quan đại thần rằng:

- "Trong chiến trận thì cái gì cần nhất?".

Một đại thần trả lời:

- Tâu bệ hạ, cần nhất là lòng dũng cảm.

Nhà vua liền hỏi:

- Thế còn sức mạnh và vũ khí? Nhà ngươi quên à?

Vị quan nói:

- Tâu bệ hạ, nếu người lính đã không có tinh thần dũng cảm thì sức mạnh và vũ khí của anh ta cũng chẳng giúp được tí gì.

Thực vậy, lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta không bỏ cuộc trước nghi nan. Giữa giòng đời chúng ta đang sống đâu mấy khi bình yên! Sóng gió luôn làm cho cuộc đời đong đầy những nghi nan. Người không có lòng dũng cảm sẽ khó có cơ hội vươn lên. Người không có lòng dũng cảm sẽ bất lực buông xuôi mặc cho giòng đời đẩy đưa.

Những khó khăn, những thử thách theo ky-tô giáo chính là những thập giá trong cuộc đời. Thập giá cuộc đời như bóng với hình hòa quyện vào trong cuộc sống chúng ta. Thập giá trong bổn phận phải thi hành. Thập giá trong hy sinh từ bỏ những đam mê bất chính. Thập giá trong hy sinh để phục vụ anh em. Thập giá đôi khi đưa đến bất ngờ như những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc đời. Thập giá quá nặng, nhưng sức người lại yếu đuối. Đó chính là một cám dỗ khiến chúng ta đôi khi muốn trốn chạy thập giá hay giũ bỏ để tìm sự nhàn rỗi cho bản thân.

Có lẽ, chính trong hành trình đầy cam go của giòng đời này. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu đã tỏ rõ dung nhan của một vì Thiên Chúa quyền năng. Ngài muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết... Đau khổ làm cho con người sợ hãi, nhưng Chúa bảo "phải qua đau khổ mới tiến tới vinh quang". Cái chết đó là nỗi sợ hãi tột cùng của con người. Nhưng Chúa bảo đừng sợ, vì sau ba ngày chôn cất trong mồ Ngài sẽ sống lại. Vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống. Nơi Ngài có sự sống đời đời. Trên núi Tabor, Chúa Giê-su cho ba môn đệ nếm trước sự sống thần linh vinh quang của Chúa để thêm sức cho các ông, nhờ đó mà vượt qua những thập giá gian truân. Chính nhờ ánh sáng trên núi Tabor, sẽ giúp cho các ông can đảm đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan.

Cuộc đời luôn có khó khăn, nhưng lại luôn mở ra những lối đi để chúng ta vượt qua. Khó khăn nào cũng sẽ qua đi. Sau bóng đêm là ánh bình minh. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm đi vào thử thách với niềm tín thác vào Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Thập giá là nhịp cầu đưa ta tới vinh quang Nước Trời. Chính Chúa Giê-su đã đi trước trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi qua thập giá để tiến vào vinh quang phục sinh. Chính Chúa vẫn đang chờ đợi để trao phần thưởng Nước Trời cho những ai trung tín theo Ngài.

Người ta kể rằng: Một hôm, có một bác nông dân có một chú lừa chẳng may bị lọt xuống một cái giếng cạn. Chú lừa tội nghiệp kêu la thảm thiết cả buổi mà bác chẳng biết làm cách nào đưa nó lên. Cuối cùng bác nông dân nghĩ rằng chú lừa đã già lắm rồi, thôi thì đành lấp giếng đi vậy. Hơn nữa, một con lừa cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nghĩ thế bác liên gọi hàng xóm giúp bác một tay.

Tất cả mọi người hè nhau lấy xẻng xúc cát đổ xuống giếng. Lúc đầu, chú lừa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình nên la hét khủng khiếp. Rồi bỗng dưng lừa ta im lặng khiến mọi người ngạc nhiên. Sau khi đổ đất được một hồi, bác nông dân nhìn xuống và kinh ngạc vô cùng trước những gì mình thấy: cứ một lớp đất đổ xuống lưng mình, nó giũ lớp cát xuống và giẫm chân lên. Khi mọi người tiếp tục đổ xuống đầu con vật, nó lại giũ lớp cát và giẫm chân lên một bước nữa. Cứ thế, cứ thế. Chẳng bao lâu con vật đã leo lên được thành giếng và bước ra ngoài trước sự sửng sốt của mọi người.

Cát bụi cuộc đời luôn đổ xuống trên chúng ta, như muốn nhậm chìm cuộc đời chúng ta. Nhưng vẫn còn có một cách để thoát khỏi chúng là giũ bỏ lớp cát và bước lên chúng mà đi. Bởi đâu ai muôn mình mãi là chú lừa mắc cạn mãi đâu! Cuộc sống luôn có thập giá nhưng Chúa bảo phải qua đau khổ mới tới vinh quang. Đừng thất vọng than van trước khó khăn cuộc sống, nhưng hãy kiên nhẫn vượt qua. Đừng bi quan về những gì đang diễn ra chung quanh cuộc sống chúng ta, vì Chúa bảo sau đêm dài là ánh bình minh. Hãy can đảm đứng lên từ trong khó khăn vì phẫn thưởng chiến thắng đang chờ chúng ta phía trước. Hãy như con lừa biết trút bỏ mọi lo âu để tâm hồn được thảnh thơi, được nhẹ nhõm để bước theo Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận thập giá trong đời sống của mình với hai tiếng xin vâng. Xin cho chúng ta cùng đi với Chúa trong cuộc khổ nạn để mai sau cùng được chia sẻ vinh phúc vinh quang trên trời. Amen.

(tinmung.net)

NHỮNG BỔ NHIỆM NGOẠI GIAO CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Đức TGM Ettore Balestrero
WHĐ (23.02.2013) – Ngày 22-02-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức ông Ettore Balestrero (47 tuổi), Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, làm Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia. Đức ông từng là Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại các vòng đàm phán với Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam (Trong dịp này, ngày 29.02.2012 Đức ông đã đến thăm giáo xứ Thuận Phát, Quận 7, Saigon). Cùng với việc bổ nhiệm này, vị Tân Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia cũng được nâng lên hàng Tổng giám mục, hiệu tòa Vittoriana.

Đồng thời ĐTC cũng đã bổ nhiệm Đức ông Antonio Camilleri (48 tuổi), hiện là cố vấn Sứ thần Tòa Thánh tại Ouganda và Cuba, làm Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh.

Một bổ nhiệm khác được dư luận quốc tế chú ý, là Đức ông Michael Banach (Hoa Kỳ) được ĐTC nâng lên hàng Sứ thần Tòa Thánh. Với việc bổ nhiệm này, ĐTC nâng quan hệ ngoại giao, từ cấp Đại diện thường trực lên hàng Sứ thần, đối với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, và Ủy ban Trù bị Tổ chức Hiệp ước cấm các cuộc thử nghiệm hạt nhân, Tổ chức Liên hiệp quốc về phát triển công nghệ và Cơ quan Liên hiệp quốc tại Vienna (Áo).
 
(WHĐ)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

HỌP BÁO CỦA CHA LOMBARDI VỀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC THÁNH CHA

VATICAN. Sáng thứ năm, 28-2-2012, ĐTC Biển Đức 16 sẽ tiếp Tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, rồi ngài tiếp Hồng y đoàn.

ĐTC sẽ gặp gỡ các Hồng y hiện diện ở Roma, bắt tay chào giã từ từng vị, nhưng không có diễn văn.
Trong cuộc họp báo trưa ngày 21-2-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết đây là cuộc tiếp kiến giã từ trong ngày cuối cùng của triều đại Giáo Hoàng.

Hôm trước đó, thứ tư 27-2-2013, sẽ là buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC, và sinh hoạt này diễn ra bình thường: ĐTC sẽ đi xe một vòng tại quảng trường để chào các tín hữu, rồi ngài bắt đầu bài huấn giáo bằng tiếng Ý, tiếp đến các bài tóm tắt ngắn kèm theo lời chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. Bầu không khí chắc chắn là cảm động.

Lúc 5 giờ chiều ngày 28-2, ĐTC giã từ Vatican. ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bertone, sẽ chào từ biệt ngài tại sân Damaso, rồi tại sân bay trực thăng ở góc thành Vatican, có ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn hiện diện. Khi đến Castel Gandolfo, ngài sẽ được ĐHY Bertello, Chủ tịch và Đức Cha Sciacca, Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican, cùng với thị trưởng và cha sở Castel Gandolfo đón tiếp. Sau đó, ngài sẽ lên bao lơn Dinh Tông Tòa để chào các tín hữu tụ tập tại Quảng trường vào khoảng 6 giờ chiều.

Chưa có ngày bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng
 

Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng ngày bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng là 11-3-2013. Cha nói: việc ấn định ngày này là điều thuộc thẩm quyền của Hồng y đoàn. Người ta cũng chưa biết trong phiên họp ngày nào các Hồng y sẽ ấn định.

Ngoài ra, cha Lombardi cũng chỉ có thể nói ĐTC cứu xét dự thảo Tự Sắc xác định vài điểm trong Tông Hiến về việc bầu Giáo Hoàng mới. ĐTC chưa ký và chưa công bố thì chưa thể nói gì được về nội dung của những quyết định này.

Vấn đề Huynh đoàn thánh Piô 10

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo chí cho rằng vấn đề Huynh đoàn thánh Piô 10 (nhóm Công Giáo thủ cựu, đồ đệ của Đức TGM Lefebvre) kết thúc và được giải quyết trong tiến trình trở về hiệp nhất với Tòa Thánh. Tuy nhiên, vấn đề này được nhường lại cho trách nhiệm của ĐGH mới. Vì thế, không nên chờ đợi trong những ngày tới việc xác định quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn này.

Cha Lombardi cũng cảnh giác giới báo chí về nhiều tin tưởng tượng và bịa đặt được loan đi trên một số báo chí những ngày này. Cha cũng nhận xét rằng trong những ngày này có nhiều bình luận, nhận xét nhắm tạo sức ép. Phần lớn đến từ những quan điểm hoàn toàn xa lạ với những điều mà ĐGH và Giáo Hội mời gọi chúng ta về vấn đề bầu Giáo Hoáng.

”Các tín hữu được mời gọi cầu nguyện, suy tư và tháp tùng các Hồng Y trong một thời điểm suy tư sâu xa, cùng tìm hiểu về mặt thiêng liêng xem đâu là thiện ích đích thực của Giáo Hội và việc phục vụ của Giáo Hội dành cho nhân loại.
LM. Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News) 

ĐỨC HỒNG Y DARMAATMADJA NGƯỜI INDONESIA SẼ KHÔNG THAM GIA MẬT VIỆN BẦU GIÁO HOÀNG

Đức Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja
JAKARTA (AsiaNews) - Cơ mật mật bầu giáo hoàng sắp tới sẽ có 116 thay vì 117 vị hồng y cử tri như danh sách chính thức, bởi vì Đức Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja người Indonesia, 78 tuổi, nguyên là tổng giám mục thủ đô Jakarta sẽ không tham dự. Ngài nói rằng việc ngài quyết định không có mặt ở mật viện là mang tính "tự do và cá nhân" bởi những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Nói chuyện qua điện thoại từ Nhà Emmaus (nhà hưu dưỡng Dòng Tên dành cho các linh mục và giám mục cao niên trong thành phố Ungaran thành phố, trung tâm Java), Đức Hồng Y Darmaatmadja nhấn mạnh: tình trạng sức khỏe của ngài "suy giảm rõ rệt" kể từ khi ngài rời khỏi tổng giáo phận Jakarta để nghỉ hưu hai năm trước đây.

"Chủ yếu là thị lực của tôi, nó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng trong cơ mật viện vì không được phép mang thêm người trợ lý vào đó. Không thể đọc các văn kiện và tài liệu cũng là một trở ngại vượt quá đối với sứ vụ lớn lao đòi hỏi sự thanh thản và tự chủ" - ngài nói chậm rãi nhưng rõ ràng.

"Tôi tin chắc rằng tôi không còn phù hợp để ngồi cùng với các vị hồng y khác bỏ phiếu bầu chọn giáo hoàng mới. Vì vậy, tôi đã quyết định không đến Rôma tham dự sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội".

Ngài cũng cho biết thêm rằng ngài "hoàn toàn thấu hiểu" quyết định từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vì lý do sức khỏe. "Tôi trải nghiệm chuyện này đầu tiên khi tôi còn là tổng giám mục của Jakarta và tôi quyết định từ chức khi tôi đủ 75 tuổi". Bởi vì làm giám mục của một thành phố lớn, vị đó phải "có sức khỏe thể chất tốt".

Trong lời kết luận, Đức Hồng Y Darmaatmadja chia sẻ cảm nhận "buồn bã sâu sắc" khi không thể đến Rôma và tham dự các cuộc họp kín bầu giáo hoàng, nhưng tin rằng đây là quyết định đúng đắn để không "phá vỡ các nghi thức" và cản trở công việc của các hồng y khác. (AsiaNews)
Tiền Hô
(VietCatholic News)

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

SAU NGÀY 28.02.2013, XƯNG HÔ VỚI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHƯ THẾ NÀO? ĐÃ CÓ CÂU TRẢ LỜI

Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio
Cuối cùng đã có câu trả lời cho câu hỏi được nhiều người nêu ra. Sau khi Đức Đương Kim Giáo Hoàng thoái vị vào lúc 8h tối ngày 28 tháng Hai theo giờ Rôma, chúng ta vẫn tiếp tục gọi ngài là “Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16” - “Your Holiness Benedict XVI.” Nhưng không gọi ngài là Đức Giáo Hoàng nữa.

Đó là tuyên bố của Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh Giải Thích Các Văn Bản Luật được đưa ra vào sáng thứ Sáu 22 tháng Hai.

Tưởng cũng nên biết thêm rằng Đức Giáo Hoàng cũng đương nhiên là Giám Mục Rôma. Sau khi thoái vị ngài sẽ không còn là Giám Mục Rôma nữa. Vị Tân Giáo Hoàng sẽ là Giám Mục Rôma. Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio cho biết thủ tục áp dụng cho các Giám Mục và Tổng Giám Mục cũng được áp dụng cho Đức Giáo Hoàng Đương Kim. Nghĩa là ngài trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Rôma “Bishop Emeritus of Rome”.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

BÍ MẬT MỘT VÀI SỰ KIỆN CỦA CUỘC MẬT NGHỊ BẦU TÂN GIÁO HOÀNG

Khi tham dự cuộc Mật Nghị bầu cử tân giáo hoàng, các hồng y sẽ cầu nguyện và bỏ thăm mỗi ngày 2 lần tại nguyện đường Sistine bên trong cung điện Vatican. "Nội bất xuất, ngoại bất nhập" là luật cuả cuộc Mật Nghị. Chỉ trừ một vị Hồng Y duy nhất là vị 'chánh án' cuả toà Ân Giải Tối Cao (HY Manuel Monteiro de Castro) có thể nhận những thỉnh cầu và ban ơn xá tội trong các trường hợp khẩn cấp, còn tất cả các hồng y khác đều không liên lạc với người ngoài.

Trong những thời gian ở giữa các buổi họp, các hồng y sẽ về ở trong một nhà khách hiện đại, tiện nghi, có vườn rộng rãi để trò chuyện thoải mái. đó là khách sạn Domus Sanctae Marthae (Nhà Thánh Martha), nằm bên cạnh tường thành Vatican, ngay sau Sảnh đường Paul VI (Paul VI Hall), đối diện với hông bên trái cuả Đền Thờ Thánh Phêrô.

Toà nhà năm tầng lầu này được xây dựng vào năm 1996 để làm chổ nghỉ ngơi cho các giáo sĩ và giáo dân tham dự các cuộc hội nghị cuả Vatican. Trong cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, tất cả 131 phòng sẽ 'dành riêng' chỉ để cho các hồng y sử dụng.

Toà nhà Domus không phải là một khách sạn sang trọng, chỉ cung cấp một loại tiện nghi tương đối. Tòa nhà có 105 phòng đôi (suite) và 26 phòng đơn. Nói chung mọi phòng ngủ đều có một bàn 'để đèn', một tủ 'nằm' để xếp quần áo và một tủ 'đứng' để treo quần áo, có phòng tắm riêng với vòi hoa sen. Các suite thì có thêm một phòng khách với một cái bàn, ba cái ghế và một bộ tủ lớn.

Các phòng đều có máy điện thoại, nhưng các vị hồng y đều bị cấm sử dụng. Các hệ thống truyền hình cũng sẽ bị cắt.

Vì ở sát tường thành Vatican, một số cửa sổ cuả các tầng bên trên có thể nhìn ra phố, do đó trong cuộc bầu cử giáo hoàng năm 2005, người ta đã niêm kín các cửa chớp không cho nhìn ra phiá ngoài và ở bên ngoài cũng không có máy ảnh nào có thể xoi moí vào phiá bên trong.

Trong tòa nhà có một phòng họp lớn và nhiều phòng họp nhỏ. Nhưng nơi thoải mái nhất vẫn là phòng ăn. Tòa nhà còn có một nhà nguyện nhỏ chính và bốn nhà nguyện tư nhân, nằm ở cuối hành lang trên tầng thứ ba và thứ năm.

Toà nhà được điều hành bởi các Sơ cuả Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (Daughters of Charity of St Vincent de Paul.)

Theo như những kỳ trước, các Hồng Y sẽ bắt thăm lấy phòng của mình. Thứ hạng cuả một vị hồng y sẽ không có hiệu lực về việc sử dụng loại phòng nào. Trong Mật Viện năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã được ở một căn phòng đơn mặc dù ngài là Niên Trưởng cuả Hồng Y đoàn và là một trong những hồng y phục vụ lâu năm nhất trong 'khối hành chánh Vatican' (Curia), sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài được mời chuyển tới một 'suite' cho sang trọng hơn.

Đức giáo hoàng mới, vốn khiêm tốn, được những người chứng kiến lúc đó mô tả là đã sửng sốt trước lời mời đến một phòng cao cấp hơn.

Để đi tới nguyện đường Sistine, phần lớn các hồng y sẽ xử dụng xe buýt, nhưng trong năm 2005 đã có một số vị khăng khăng đòi đi bộ. Con đường từ Domus tới Sistine không xa lắm, đi hết vòng phiá sau cuả Đền Thờ Thánh Phêrô là tới. Trên suốt lộ trình, đoàn an ninh của Vatican rải nhân viên bảo vệ mọi ngõ ngách.

Sẽ có một số nhân viên phục dịch cho cuộc Mật Nghị như nấu ăn dọn dẹp, đứng đầu là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, (cựu) quốc vụ khanh Toà Thánh, nay là 'viên trấn trưởng' (chamberlain) và ba vị hồng y phụ tá lãnh nhiệm vụ tuyễn chọn.

Cũng giống như các hồng y, các nhân viên này phải tuyên thệ im lặng, giữ "bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn" về bất cứ điều gì liên quan đến cuộc bầu cử. Họ phải "hứa ​​và thề sẽ không sử dụng bất kỳ thiết bị âm thanh hoặc video có khả năng ghi lại bất cứ điều gì xảy ra trong thời gian của cuộc bầu cử bên trong Vatican."

Ngay tại cửa chính, các hồng y sẽ đi qua một bức tượng bán thân bằng đồng của Chân Phước Gioan Phaolô II, người đã quyết định vào năm 1996 rằng các vị hồng y nên được hưởng chút tiện nghi trong những ngày Mật Nghị. Trước đây, họ phải ngủ trên các ghế 'bố', ở các phòng ngột ngạt bên cạnh nhà nguyện Sistine.
 
Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)