Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #36

VIDEO trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG HỘI ĐÀM VỚI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO BRASIL

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #35

VIDEO trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG CỬ HÀNH THÁNH LỄ
VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ CHỦNG SINH

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #34

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô 
trong buổi đi đàng Thánh Giá tại bãi biển Copacabana

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đến đây hôm nay để đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình nỗi buồn và tình yêu của Ngài, là đàng Thánh Giá, là một trong những khoảnh khắc nồng nhiệt nhất của Ngày Giới trẻ Thế giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Chuộc, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ủy thác cây Thánh Giá cho những người trẻ tuổi các con, yêu cầu các con “mang Thánh Giá này đến mọi miền trên toàn thế giới như một biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho mọi người rằng chỉ trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu độ"(Diễn từ dành cho giới trẻ, ngày 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã chu du khắp các lục địa và trải qua các tình huống đa dạng của nhân loại. Thánh Giá này là, như đã từng là, một kinh nghiệm “choáng ngợp” trong đời đối với cơ man những người trẻ đã nhìn thấy nó và vác nó trên vai. Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống riêng của mình. Cha có ba câu hỏi mà cha hy vọng sẽ vang dội trong trái tim các con tối nay khi các con đi bên cạnh Chúa Giêsu: Hỡi các bạn trẻ Brazil thân mến, các con đã để lại những gì trên Thánh Giá trong thời gian hai năm Thánh Giá này đi xuyên suốt qua đất nước vĩ đại của các con? Thánh Giá của Chúa Giêsu để lại cho các con, trong mỗi một người các con những gì ? Cuối cùng, Thánh Giá này này dạy cho chúng ta những gì?

1. Theo một truyền thuyết trong thời La Mã cổ đại, khi đang chạy trốn khỏi thành Rôma trong cuộc đàn áp của Nero, Thánh Phêrô đã thấy Chúa Giêsu đang đi theo hướng ngược lại, có nghĩa là, về phía thành phố. Ngài hỏi Chúa trong sự ngạc nhiên: "Lạy Chúa, Chúa đi đâu đó?" Chúa Giêsu đáp: "Ta sẽ tới Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa." Vào lúc đó, Thánh Phêrô hiểu rằng ông phải theo Chúa với lòng can đảm, cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, thánh nhân cũng nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ cô đơn trên cuộc hành trình; Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ông cho đến chết trên Thánh Giá, sẽ luôn luôn ở bên ông. Chúa Giêsu, với Thánh Giá của Ngài, cùng đi với chúng ta và vác lấy trên vai Ngài những âu lo của chúng ta, những vấn đề của chúng ta, và những đau khổ của chúng ta, ngay cả những khổ đau sâu xa nhất và đau đớn nhất. Với Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp chính Ngài với sự câm nín của các nạn nhân của bạo lực, những người không còn có thể khóc nổi nữa, đặc biệt là những người vô tội và vô phương tự vệ; với Thánh Giá, Chúa kết hiệp chính Ngài với các gia đình gặp khó khăn, những người đang than khóc sự mất mát của con cái mình, những người là nạn nhân của những thiên đường mù quáng, chẳng hạn như những người vướng vào vòng ma tuý. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với mỗi một người đang bị đói trong một thế giới mà hàng tấn lương thực bị đổ đi mỗi ngày. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với những ai bị bách hại vì tôn giáo, vì tín ngưỡng của họ hoặc chỉ đơn giản là vì màu da của họ. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với rất nhiều người trẻ, những người đã mất niềm tin vào các tổ chức chính trị, bởi vì họ chỉ nhìn thấy nơi các tổ chức này sự ích kỷ và tham nhũng, Ngài kết hiệp chính Ngài với những người trẻ, những người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, hay ngay cả mất niềm tin nơi Thiên Chúa vì những dấu chỉ phản chứng của các Kitô hữu và các thừa tác viên Tin Mừng. Thánh Giá của Đức Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi của nhân loại, bao gồm của cả những người chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả điều này với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta: "Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết và ta đã đến để ban cho các con hy vọng! để mang đến cho các con cuộc sống "(x.Ga 3:16).

2. Và như thế chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Thánh Giá mang lại những gì cho những ai dán mắt nhìn vào Thánh Giá này hay chạm vào nó? Những gì Thánh Giá này để lại trong mỗi người chúng ta? Nó cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đã đi vào cõi chết để chiến thắng nó và cứu độ chúng ta. Thánh Giá của Chúa Kitô chứa đựng tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt để tất cả niềm tin của chúng ta với trọn niềm tín thác. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy giao phó hoàn toàn hồn xác ta cho Ngài (x. Lumen Fidei, 16)! Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu chuộc. Với Ngài, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và cuộc sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, của thất bại và cái chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và cuộc sống.

Tên đầu tiên được đặt cho mảnh đất Brazil này là "Miền Đất Thánh Giá". Thánh Giá của Chúa Kitô được vun trồng năm thế kỷ trước đây không chỉ trên bờ biển của đất nước này, mà còn trong lịch sử, trong trái tim và cuộc sống của người dân Brazil và những nơi khác. Đau khổ Chúa Kitô được cảm thấy sâu sắc ở đây. Ngài luôn hiện diện như một người trong chúng ta chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta cho đến tận cùng. Không có Thánh Giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống của chúng ta mà Chúa đã không chia sẻ với chúng ta.

3. Nhưng Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ. Có bao nhiêu người đã xuất hiện trên con đường Chúa Giêsu lên Núi Sọ: Quan tổng trấn Philatô, ông Simon thành Cyrênê, Đức Maria, những người phụ nữ. .. Đôi khi chúng ta có thể giống như Philatô, là người không có can đảm để đi ngược lại lại trào lưu để cứu mạng của Chúa Giêsu, nhưng thay vào đó rửa sạch bàn tay của mình.

Các các con thân mến, Thánh Giá của Chúa Kitô dạy chúng ta hãy nên như ông Simon thành Cyrênê, người đã giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng.

Thánh Giá dạy cho chúng ta trở nên giống như Mẹ Maria và những người phụ nữ khác, những người không sợ để đồng hành với Chúa Giêsu đến cùng, với tình yêu và sự dịu dàng. Và các con? Các con giống ai đây? Philatô? hay Simon? Hay như Đức Mẹ?

Các con thân mến, chúng ta hãy đặt nơi Thánh Giá Chúa Kitô những niềm vui, đau khổ và thất bại của chúng ta. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim rộng mở, thông cảm, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang lấy tình yêu này trong cuộc sống của chúng ta, để yêu mỗi người, mỗi anh chị em mình với cùng một tình yêu. Amen!

J.B. Đặng Minh An dịch
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #33

Huấn Từ của ĐTC Phanxicô 
trước giờ Kinh Truyền Tin ở Rio de Janeiro

“Chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ Maria để xin Mẹ bảo vệ gia đình chúng ta, biến nó thành tổ ấm của đức tin và tình yêu, trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu Con Mẹ.”

Dưới đây là bản dịch bài Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước giờ Kinh Truyền Tin/ Giờ Của Đức Mẹ Maria, được ban hành nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ XXVII tại Rio de Janeiro, Ba Tây từ ban công của Tòa Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, hôm thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2013
* * *

Anh chị em và các bạn thân mến, xin chào!

Tôi cảm tạ Chúa Quan Phòng vì đã hướng dẫn bước đường của tôi nơi đây, ở thành phố São Sebastião do Rio de Janeiro. Tôi thực sự biết ơn Đức Tổng Giám Mục Orani và anh chị em vì sự chào đón nồng nhiệt, qua đó chứng tỏ lòng ưu ái anh chị em dành cho người kế vị Thánh Phêrô. Tôi ước mong rằng việc đi qua thành phố Rio này của tôi đổi mới trong tất cả anh chị em tình yêu dành cho Đức Kitô và Hội Thánh, niềm vui được kết hợp với Người và thuộc về Hội Thánh, cùng quyết tâm sống và làm chứng cho đức tin.

Một cách diễn tả phổ thông xinh đẹp về đức tin là Kinh Truyền Tin [ở Ba tây, người ta gọi là Giờ của Đức Mẹ Maria]. Đó là một kinh nguyện đơn giản được đọc trong ba giây phút đặc trưng của ngày, đánh dấu nhịp điệu của các hoạt động thường nhật của chúng ta: vào buổi sáng, buổi trưa và lúc hoàng hôn. Nhưng nó lại là một kinh nguyện quan trọng, tôi mời mọi người đọc kinh Kính Mừng. Kinh này nhắc nhở chúng ta về một biến cố đầy ánh sáng là biến cố biến đổi lịch sử: việc Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu thành Nadarét.

Hôm nay Hội Thánh mừng kính cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, ông bà của Chúa Giêsu: Các Thánh Gioachim và Anna. Trong nhà của các ngài, Đức Maria đã chào đời, mang theo mầu nhiệm phi thường về Vô Nhiễm Nguyên Tội; trong nhà của các ngài Mẹ đã lớn lên trong khi được đồng hành bởi tình yêu và đức tin của các ngài; trong nhà của các ngài Mẹ đã học được cách lắng nghe tiếng Chúa và làm theo Thánh Ý của Ngài. Các Thánh Gioachim và Anna là một phần của một chuỗi dài đã truyền đức tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa lại cho Đức Maria, trong bầu khí ấm áp của gia đình, ngõ hầu Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa trong lòng Mẹ và ban Người cho thế giới, Người được ban cho chúng ta. Gia đình thật có một giá trị vĩ đại như một nơi đặc biệt để truyền thụ đức tin! Khi nói về bầu không khí gia đình tôi muốn nhấn mạnh một điều: Hôm nay, trong ngày lễ kính Thánh Gioachim và Anna này ở Ba tây cũng như ở nhiều nước khác, chúng ta mừng lễ ông bà. Đời sống gia đình quan trọng biết bao trong việc truyền lại di sản nhân bản và đức tin, là điều thiết yếu cho tất cả mọi xã hội! Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ, đặc biệt là trong gia đình, quan trọng biết bao. Tài Liệu Aparecida nhắc nhở chúng ta: “Các trẻ em và các bậc lão thành xây dựng tương lai của quốc gia, bởi vì các em sẽ mang theo mình những câu chuyện, còn những vị cao niên, vì họ truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan của đời sống của họ” (số 447). Mối tương quan này, cuộc đối thoại giữa các thế hệ này là một kho tàng mà chúng ta phải bảo toàn và nuôi dưỡng! Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, những người trẻ muốn chào hỏi ông bà. Chào hỏi các ngài với hết lòng kính yêu. Thưa ông bà. Chúng con chào ông bà. Các em, những người trẻ, chào hỏi ông bà với lòng kính yêu và cảm ơn các ngài vì chứng tá về sự khôn ngoan mà các ngài liên tục ban cho chúng ta.

Và giờ đây, nơi Quảng Trường này và các đường phố kế cận, trong những căn nhà, họ đang sống với chúng ta thời gian cầu nguyện này, chúng ta hãy cảm thấy như một đại gia đình và hãy hướng về Đức Mẹ Maria để xin Mẹ bảo vệ gia đình chúng ta, biến nó thành tổ ấm của đức tin và tình yêu, trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu Con Mẹ.

Chuyển ý từ bản tiếng Ý và Tây Ban Nha của website Tòa Thánh.

http://giaoly.org/vn/

 Phaolô Phạm Xuân Khôi
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #32

Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô 
trong buổi Cầu Nguyện ở Copacabana

“Tuổi trẻ phải mạnh mẽ, phải được nuôi dưỡng bằng đức tin chứ không phải được đổ đầy bằng những thứ khác. “

Dưới đây là bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi Cầu Nguyện tối hôm thứ năm ngày 25 tháng 7 năm2013 ở bãi biển Copacabana, Rio de Janeiro

* * *

Các bạn trẻ thân mến,

Sau khi thấy Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang, Thánh Phêrô kêu lên: “Thật tốt quá cho Chúng ta khi ở đây!” Cả chúng ta nữa, chúng ta có thể lặp lại những lời này không? Cha nghĩ câu trả lời sẽ là có, bởi vì ở đây ngày hôm nay, thật là tốt cho tất cả chúng ta được tụ họp lại với nhau quanh Chúa Giêsu! Chính Người là Đấng đón chào chúng ta và đang hiện diện giữa chúng ta, nơi đây, ở Rio. Trong Tin Mừng, chúng ta cũng đã nghe Thiên Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta, Người mà Ta đã chọn, hãy nghe lời Người!” (Lc 9:35). Nếu một đàng, chính Chúa Giêsu là Đấng chào đón chúng ta, thì đàng khác, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải chào đón Người và lắng nghe những lời của Người, bởi vì chính trong việc đón tiếp Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, mà Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai của chúng ta và làm cho đôi cánh hy vọng của chúng ta lớn lên để chúng ta hân hoan tiến bước trên con đường ấy (x. TĐ. Lumen Fidei, 7).

Nhưng chúng ta có thể làm gì? “Bota Fe – Hãy mặc lấy đức tin”. Thánh Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã công bố những lời này trong suốt cuộc hành hương của mình xuyên qua Ba Tây. “Hãy mặc lấy đức tin”: điều này có nghĩa gì? Khi chúng ta chuẩn bị một đĩa thức ăn ngon, nếu chúng ta thấy thiếu muối, tốt, thì chúng ta “rắc” muối lên; nếu thiếu dầu, thì chúng ta “đồ” dầu vào… “Mặc lấy”, có nghĩa là, đặt trên, đổ trên. Và cuộc sống của chúng ta cũng thế, các bạn trẻ thân yêu: nếu chúng ta muốn nó thực sự có ý nghĩa và thành tựu, như các con muốn và như các con đáng được, cha nói với mỗi người trong các con, “Hãy mặc lấy đức tin”, và cuộc sống của các con sẽ có một hương vị mới, nó sẽ có một la bàn để chỉ đường cho các con; “hãy mặc lấy hy vọng” và mỗi ngày của các con sẽ được soi sáng và chân trời của các con sẽ không còn tăm tối, nhưng sáng sủa; “hãy mặc lấy tình yêu”, và cuộc đời của các con sẽ như một căn nhà được xây trên đá, cuộc hành trình của các con sẽ là cuộc hành trình vui mừng, bởi vì các con sẽ gặp nhiều bạn bè để cùng hành trình với các con. Hãy mặc lấy đức tin, hãy mặc lấy hy vọng và hãy mặc lấy tình yêu! Tất cả chúng ta hãy cùng nói: “Hãy mặc lấy đức tin!”, “hãy mặc lấy hy vọng!”, “hãy mặc lấy tình yêu!”.

Nhưng ai có thể ban cho chúng ta tất cả những điều ấy? Chúng ta vừa nghe thấy câu trả lời trong bài Tin Mừng: Đức Kitô. “Đây là Con Ta, Người mà Ta đã chọn, hãy nghe lời Người!” Chúa Giêsu là Đấng mang Thiên Chúa đến với chúng ta và mang chúng ta đến với Thiên Chúa. Với Người, toàn thể cuộc đời của chúng ta được biến đổi, đổi mới, và chúng ta có thể nhìn thực tại với cái nhìn mới, từ quan điểm của Chúa Giêsu, với đôi mắt của Người (x. TĐ Lumen Fidei, 18). Vì lý do này, cha muốn nói với mỗi người trong các con ngày hôm nay: “Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong cuộc sống của các con, và các con sẽ tìm thấy một người bạn mà nơi Người các con luôn luôn có thể tin tưởng; “hãy mặc lấy Đức Kitô” và các con sẽ thấy đôi cánh hy vọng giang ra để các con hành trình với niềm vui hướng về tương lai; “hãy mặc lấy Đức Kitô” và cuộc đời các con sẽ tràn đầy tình yêu của Người; nó sẽ là một cuộc đời sinh đầy hoa trái. Vì tất cả chúng ta đều muốn một cuộc đời sinh hoa trái, một cuộc đời nói về sự sống với những người khác!

Hôm nay, cha muốn mỗi người chúng ta chân thành tự hỏi: Chúng ta đặt niềm tin của mình vào ai? Vào chính mình, vào vật chất, hoặc vào Chúa Giêsu? Tất cả chúng ta bị cám dỗ đặt mình ở trung tâm, nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ, tin rằng một mình mình, tự mình có thể xây dựng cuộc đời mình, hay nghĩ rằng đời sống mình chỉ có thể hạnh phúc nếu được xây dựng trên của cải, tiền bạc hay quyền lực. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng không phải như thế! Chắc chắn rằng của cải, tiền bạc và quyền lực có thể cung cấp cho chúng một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng được hạnh phúc, nhưng chúng cuối cùng sẽ sở hữu chúng ta và làm cho chúng ta luôn luôn muốn có nhiều hơn, không bao giờ thỏa mãn. Cuối cùng, chúng ta được “đổ đầy” mà không bao giờ được nuôi dưỡng, và thật rất đáng buồn khi thấy những người trẻ “được đổ đầy” mà yếu đuối. Tuổi trẻ phải mạnh mẽ, phải được nuôi dưỡng bằng đức tin chứ không phải được đổ đầy bằng những thứ khác. “Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong cuộc sống của các con, hãy đặt niềm tin vào Người và các con sẽ không bao giờ phải thất vọng! Các bạn thân mến, hãy nhìn xem, đức tin hoàn thành trong đời sống chúng ta một cuộc cách mạng mà chúng ta có thể gọi là Copernicô, bởi vì nó lấy chúng ta ra khỏi trung tâm và đặt Thiên Chúa vào đó. Đức tin dìm chúng ta trong tình yêu của Người cùng ban cho chúng ta sự an toàn, sức mạnh và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi. Khi Thiên Chúa hiện diện ở đó, tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm, thanh thản và niềm vui, là tất cả hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:22), như thế con người chúng ta được biến đổi, cách chúng ta suy nghĩ và hành động được đổi mới, nó trở thành cách suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa. Các bạn thân mến, đức tin là nhà cách mạng, còn cha, cha hỏi mỗi người trong các con hôm nay: con sẵn sàng chưa, conn sẵn sàng bước vào làn sóng cách mạng của đức tin chưa? Chỉ bằng cách bước vào đó mà đời sống trẻ trung của các con sẽ có ý nghĩa và như thế sẽ sinh hoa kết quả!

Các bạn trẻ thân mến: “Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong cuộc sống của các con. Trong những ngày này, Người đang chờ các con: hãy cẩn thận lắng nghe Người và sự hiện diện của Người sẽ làm cho tâm hồn các con được hăng say. “Hãy mặc lấy Đức Kitô”: Người đang chờ các con trong Bí Tích Hòa Giải, để lòng thương xót của Người chữa lành tất cả mọi vết thương gây ra bởi tội lỗi. Đừng sợ cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa! Ngài không bao giờ biết mệt khi tha thứ cho chúng ta, như một người cha yêu thương chúng ta. Thiên Chúa là lòng thương xót tinh tuyền! “Hãy mặc lấy Đức Kitô”: Người đang chờ các con trong Thánh Thể, Bí Tích của sự hiện diện, và của sự hy sinh vì tình yêu của Người, và Người cũng chờ đợi các con trong lòng nhân đạo của nhiều người trẻ là những người sẽ phong phú hóa các con với tình bằng hữu của họ, khuyến khích các con bằng việc làm chứng cho đức tin của họ, và dạy các con ngôn ngữ của đức ái, sự tốt lành và phục vụ. Các người trẻ thân mến, các con cũng có thể làm những chứng nhân vui vẻ của tình yêu của Người, chứng nhân can đảm của Tin Mừng của Người, để mang đến trong thế giới này một chút ánh sáng của Người. Hãy để cho mình được Chúa Giêsu yêu thương, Người là người bạn không bao giờ lừa dối.

“Thật tốt quá cho Chúng ta khi ở đây!”, khi mặc lấy Đức Kitô trong cuộc sống của chúng ta, khi mặc lấy đức tin, đức cậy và đức mến mà Người ban cho chúng ta. Các bạn thân mến, trong buổi cử hành này, chúng ta đã chào đón ảnh của Đức Mẹ Aparecida. Chúng ta hãy xin Mẹ dạy chúng ta cách đi theo Chúa Giêsu. Xin Mẹ dạy chúng ta cách làm những môn đệ và những nhà truyền giáo. Giống như Mẹ, chúng ta muốn thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin trái tim từ mẫu của Mẹ cầu bầu cho chúng ta, ngõ hầu trái tim của chúng ta có thể mở ra để yêu mến Chúa Giêsu và làm cho người khác yêu mến Người. Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta, và Người đang hy vọng nơi chúng ta. Amen.

http://giaoly.org/vn/
 Phaolô Phạm Xuân Khôi
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #31

Diễn từ của ĐTC Phanxicô 
dành cho khách hành hương Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013

Dưới đây là bản dịch bài diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi lễ Đón Chào và Kinh Tối hôm thứ năm ngày 25 tháng 7 năm2013 ở bãi biển Copacabana, Rio de Janeiro

* * *
Các người trẻ thân yêu, thân chào!

Trước hết, cha cám ơn tất cả chúng con về việc làm chứng cho đức tin của chúng con cho thế giới lúc này. Cha luôn luôn nghe nói rằng dân Cariocas không thích lạnh, cũng không thích mưa, nhưng chúng con đang chứng tỏ rằng đức tin của con còn mạnh hơn cái lạnh và cơn mưa. Chúc mừng! Chúng con là những anh hùng thực sự!

Cha thấy trong chúng con vẻ đẹp của gương mặt trẻ của Đức Kitô và tâm hồn cha tràn đầy niềm vui! Cha nhớ lại Ngày Giới Trẻ Thế giới đầu tiên ở cấp độ quốc tế, được tổ chức vào năm 1987 tại Á Căn Đình, trong thành phố của cha là Buenos Aires. Cha vẫn ghi nhớ một cách sống động trong ký ức của cha những lời này mà Chân Phước Gioan Phaolô II nói với các người trẻ: “Cha hy vọng rất nhiều ở chúng con! Cha hy vọng trên hết là chúng con sẽ đổi mới lòng trung thành của chúng con với Chúa Giêsu Kitô và Thánh Giá cứu độ của Người” (Ngỏ lời với Giới Trẻ, Buenos Aires, ngày 11 tháng tư năm 1987): Insegnamenti, X/1 (1987), p. 1261).

Trước khi tiếp tục, cha muốn tưởng nhở đến tai nạn thảm khốc ở Guiana thuộc Pháp, mà những người trẻ đang đi đến những Ngày này đã phải chịu. Người trẻ Sophie Morinière đã mất mạng, và những người trẻ khác bị thương.

Cha mời tất cả chúng con giữ một giây phút im lặng và cầu nguyện cho Sophie, cho những người bị thương, và cho gia đình các em.

Năm nay, Ngày Giới trẻ Thế Giới trở lại Châu Mỹ La Tinh lần thứ hai. Và chúng con, những người trẻ, đã đáp lời mời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bằng một số lượng lớn lao để mừng biến cố này. Chúng ta hãy hết lòng cám ơn ngài! Với đấng đã mời gọi chúng ta đến đây hôm nay, chúng ta hãy chào ngài bằng một tràng pháo tay thật lớn. Chúng con biết rằng trước khi đi Ba Tây cha đã trò truyện với ngài, và cha xin ngài đồng hành với cha bằng cách cầu nguyện cho chuyến tông du của cha. Ngài đã nói với cha: tôi sẽ đồng hành với ngài bằng cầu nguyện và tôi sẽ ở gần máy truyền hình. Cho nên, trong lúc này ngài đang nhìn chúng ta. Cha nhìn vào đám đông lớn này: chúng con quá đông! Chúng con đã đến từ mọi châu lục! Chúng con đã đến từ rất xa, không chỉ về địa lý, nhưng còn về quan niệm sống, văn hóa, xã hội và nhân bản. Nhưng hôm nay chúng con ở đây, hay đúng hơn, tất cả chúng ta cùng nhau ở đây, kết hợp làm một, để chia sẻ đức tin và niềm vui của một cuộc gặp gỡ Đức Kitô, trong việc làm môn đệ Người. Tuần này, Rio đã trở thành trung tâm của Hội Thánh, trái tim của nó vừa sống động vừa trẻ trung, bởi vì chúng con, chúng con đã quảng đại và can đảm đáp lại lời mời mà Đức Kitô đã đề ra cho chúng con để được ở Người và trở thành bạn hữu của Người.

Chiếc xe lửa của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã đến từ xa và đã đi qua tất cả nước Ba Tây theo các giai đoạn của dự án “Bota Fe – Mặc lấy đức tin!” Hôm nay xe lửa đã đến Rio de Janeiro. Từ Corcovado, Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc đang giang tay ra và chúc lành cho chúng ta. Khi nhìn ra biển này, bãi biển và tất cả các chúng con tụ họp ở đây, cha nhớ đến giây phút mà Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Người ở bờ Biển Hồ Tibêria. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng lại hỏi mỗi người trong chúng ta: Con có muốn trở thành môn đệ của Thầy không? Con có muốn làm bạn hữu Thầy khôngi? Con có muốn trở thành một nhân chứng cho Tin Mừng của Thầy không? Ở trong trọng tâm của Năm Đức Tin, những câu hỏi này mời gọi chúng ta nhắc lại lời cam kết làm Kitô hữu của mình. Gia đình và cộng đồng địa phương của chúng con đã chuyển trao cho chúng con món quà cao quý của đức tin, Đức Kitô đã lớn lên trong chúng con. Hôm nay Người muốn (cha) đến đây để củng cố chúng con trong đức tin này, đức tin vào Đức Kitô hằng sống, Đấng luôn ngự trong chúng con, nhưng cha cũng đến đây để được củng cố bởi sự nhiệt tình của đức tin của chúng con! Chúng con biết rằng trong cuộc đời của một Giám Mục, có rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết. Với những vấn đề và những khó khăn này, đức tin của một Giám Mục có thể trở nên buồn. Thật là xấu xí khi là một Giám Mục buồn! Thật là xấu xí! Để cho đức tin của mình không buồn, cha đến đây để được lây lòng nhiệt thành của tất cả chúng con!

Cha ưu ái chào đón tất cả chúng con. Với tất cả chúng con tụ họp nơi đây từ năm châu, và qua chúng con, cha chào tất cả những người trẻ trên thế giới, và đặc biệt là những người muốn đến Rio de Janeiro mà đã không thể đến được. Với những người đang theo dõi bằng phát thanh, truyền hình và internet, với tất cả cha nói: chào mừng chúng con đến dự bữa tiệc đức tin này! Ở một vài nơi trên thế giới, tại thời điểm này, nhiều người trẻ cũng đang kết hợp với chúng ta để cùng chúng ta sống biến cố này: tất cả chúng ta hãy cảm nghiệm việc kết hợp với nhau trong niềm vui, tình bằng hữu và đức tin. Và chắc chắn điều này: trái tim của cha ấp ủ tất cả chúng con với lòng ưu ái không bờ bến. Bởi vì điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay việc gặp gỡ của chúng con và việc gặp gỡ của tất cả những người trẻ đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông! Từ đỉnh núi Corcovado, Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc chào đón chúng con và ôm hôn chúng con trong thành phố xinh đẹp Rio này!

Cha muốn gửi lời chào cách đặc biệt đến Chủ Tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Đức Hồng Y Stanislaw Rylko thân yêu và không biết mệt, cùng tất cả những người làm việc với ngài. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Orani João Tempesta, của São Sebastião do Rio de Janeiro, vì việc chào đón nồng nhiệt dành cho tôi – và tôi muốn nói ở đây rằng dân Cariocas biết rất rõ cách đón chào, họ biết cách tổ chức một buổi đón chào vĩ đại - và tôi cám ơn ngài vì công việc lớn lao được thể hiện với các Giám Mục phụ tá và các giáo phận khác nhau của nước Ba Tây bao la này để cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này được trở thành sự thực. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi với tất cả các chính quyền quốc gia, tiểu bang và địa phương cùng những người đã làm việc để làm cho thời điểm độc đáo của cuộc cử hành sự hợp nhất, đức tin và tình huynh đệ này được khả thi. Xin cảm ơn các huynh đệ Giám Mục của tôi, các linh mục, chủng sinh, các tu sĩ và giáo dân đã đi cùng những ngưởi trẻ từ các vùng khác nhau của thế giới, trong cuộc hành hương của các em hướng về Chúa Giêsu. Với mỗi người trong quý anh chị em tôi xin mở rộng vòng tay trìu mến của tôi trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu.

Thưa anh chị em và các bạn, chào mừng đến tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXVIII ở thành phố Rio de Janeiro tuyệt vời này!

http://giaoly.org/vn/

Phaolô Phạm Xuân Khôi
(VietCatholic News) 

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #30

Video WYD 2013
NGHI THỨC CHÀO MỪNG ĐỨC THÁNH CHA TẠI WYD 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #29

PHÁI ĐOÀN ĐI TỪ SAIGON
NGÀY THỨ TƯ Ở RIO DE JANEIRO – BRAZIL

Sáng sớm ngày 26/7, chúng tôi trở lại bãi biển Copacabana tham quan ngắm cảnh. Copacabana ở mạn nam thành Rio de Janeiro với bãi cát trắng dài 4km. Biển sạch và đẹp sát bên đường phố lớn như ở Bãi sau Vũng tàu hay Hòn rơm Mũi né. Nơi đây cũng thường diễn ra các buổi lễ mừng và bắn pháo bông vào dịp đầu năm.


Có nhiều tác phẩm nghệ thuật đắp trên cát thu hút du khách. Những nghệ nhân xây những lâu đài, những thánh đường bằng cát, nổi bật những màu chữ JMJ - Rio 2013. Nhiều đoàn bạn trẻ chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm. Hôm nay trời nắng nhạt, mây xanh gió nhẹ, đã hết những ngày mưa gió buốt, đường phố mỗi lúc một đông hơn.

Đi dọc theo bãi cát mịn màng, chúng tôi đến khu vực Lễ đài nơi cử hành nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha tối qua. Lễ đài do nghệ sĩ Abel Gomes đề xướng với diện tích 4.000m2, có thể chứa được cả ngàn người. Chương trình văn nghệ với chủ đề ”Rio Đức tin” nói về cuộc sống thường nhật của thành phố xinh đẹp này.

Theo các bạn trẻ chúng tôi đi nhiều chặng xe buýt từ tây sang đông với chặng đường rất xa để đến Rio Center xem triển lãm. Nơi đây rộng mênh mông. Có 2 dãy nhà thật lớn làm thành những khu vực trưng bày, văn nghệ, ăn uống mua sắm.

Đi dự đại hội giới trẻ, mỗi tham dự viên được cấp 2 cái card dùng để đi xe buyt, tàu điện và ăn uống. Ở đây có phong cách ăn uống tự chọn rất lạ. Mỗi người chọn thức ăn rồi đem cân ký, đến quày trả tiền trừ vào thẻ. Gần 2 giờ tham quan vẫn chưa đến hết các gian hàng. Đặc biệt những gian hàng trưng bày đồ dùng phụng vụ và áo lễ rất đẹp.

Hơn 30 xe buyt nối đuôi nhau xuôi ngược chở các bạn trẻ đến và đi. Tranh thủ thời gian, chúng tôi phải đi cho kịp giờ gặp gỡ các đoàn Việt Nam dự đại hội. Đường về ngang qua khu vực rộng lớn đang chuẩn bị cho sự kiện Olimpic 2016.

Lúc 4 giờ chiều, chúng tôi đến Basilica Imaculada Da Conceicao (Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội) ở Praia de Botafogo,266 Botafogo. Trong Nhà thờ đang có giờ chầu phép lành. Chúng tôi vào quỳ gối tôn thờ Thánh Thể.

Đoàn Việt Nam từ Hoa Kỳ đã trưng bày gian hàng lưu niệm và ân cần tiếp đón trước tiền đường. Cha Hoài Chương và cha Hải Đăng vui vẻ chào thăm hỏi han. Rồi phái đoàn từ Úc sang khá đông. Cha Hữu Quãng và cha Hải Đăng thực hiện cuộc phỏng vấn. Lần lượt các đoàn từ Canada, Nauy, Đan mạch, và Đức tề tựu. Gặp nhau, mọi người tay bắt mặt mừng hỏi thăm niềm nở. Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên cùng phái đoàn cũng vừa đến. Tất cả tiến vào Nhà thờ trong lời ca hân hoan “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời…”. Cha Hoài Chương làm MC dẫn chương trình giao lưu với 2 Đức Cha. Bầu khí thân mật trong niềm vui gặp gỡ.

Đức Cha Phaolo nói về thực trạng đời sống đức tin của Kitô hữu tại Brasil, nhất là của người trẻ đang có nguy cơ sa sút trước những trào lưu của xã hội. Tổ chức Đại hội giới trẻ tại đây, Giáo hội nhắm mục đích khơi lại đức tin và tinh thần truyền giáo trong sứ vụ Kitô hữu đặc biệt là người trẻ.

Sau đó thánh lễ đồng tế mừng kính Thánh Gioakim và Anna với tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho giới trẻ Việt nam cũng như giới trẻ toàn thế giới. Đức Cha Phaolo chủ tế, Đức Cha Giuse giảng lễ. Có 20 cha đồng tế và gần 200 thành viên chung lời tạ ơn.

Đức Cha Giuse chia sẻ về 3 cuộc gặp gỡ.

Tin là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Gặp gỡ với một con người đang sống,đang hiện diện là chính Thiên Chúa trong đức tin. Ngài đồng hành với mỗi người chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

Gặp gỡ của những người Việt Nam quy tụ nơi đây. Hai chữ Việt Nam thân thương liên kết mọi người trong tình đồng bào. Tất cả cùng ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ thật ấm cúng. Chúng ta có một quê hương, hôm nay cuộc gặp gỡ mang nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Gặp gỡ với tất cả người trẻ trên toàn thế giới. Trong những ngày này, các bạn trẻ từ muôn phương quy tụ về. Đây là hình ảnh một Giáo hội tươi trẻ đầy sức sống.

Gặp gỡ với Đức Thánh Cha trong tình hiệp thông, qua ngài chúng ta gặp gỡ với Chúa Giêsu để biến đổi cuộc đời mình. Khi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên sứ giả của Ngài. Chúng ta hãy ra đi, hãy làm chứng và hãy rao giảng về Chúa Kitô cho anh chị em xung quanh. Đó cũng chính là chủ đề mà Đức Thánh Cha muốn gửi đến các bạn trẻ trong Đại Hội lần thứ 28 này: “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Chúng ta gặp nhau đây trong bác ái, chia sẽ thao thức của Giáo Hội là loan truyền Chúa Giêsu “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse cám ơn cha Hoài Chương và cha Hải Đăng, cha Danh đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ này. Mọi người cám ơn nhau trong niềm vui chia sẻ.

Hơn 6 giờ tối, mọi người ra về hẹn gặp nhau ngày lễ bế mạc.

Chặng Đàng Thánh Giá tổ chức tại lễ đài bãi biển Copacabana đã bắt đầu. Dọc theo bờ biển với chiều dài một cây số nhiều màn hình lớn và loa được lắp đặt để mọi người theo dõi dễ dàng chặng đàng thánh giá.Chương trình cũng được truyền hình trực tiếp.

Mở VietCatholic đã có nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tại buổi đi Đàng Thánh Giá như sau:

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đến đây hôm nay để đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình nỗi buồn và tình yêu của Ngài, là đàng Thánh Giá, là một trong những khoảnh khắc nồng nhiệt nhất của Ngày Giới trẻ Thế giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Chuộc, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ủy thác cây Thánh Giá cho những người trẻ tuổi các con, yêu cầu các con “mang Thánh Giá này đến mọi miền trên toàn thế giới như một biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho mọi người rằng chỉ trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu độ"(Diễn từ dành cho giới trẻ, ngày 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã chu du khắp các lục địa và trải qua các tình huống đa dạng của nhân loại. Thánh Giá này là, như đã từng là, một kinh nghiệm “choáng ngợp” trong đời đối với cơ man những người trẻ đã nhìn thấy nó và vác nó trên vai. Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống riêng của mình. Cha có ba câu hỏi mà cha hy vọng sẽ vang dội trong trái tim các con tối nay khi các con đi bên cạnh Chúa Giêsu: Hỡi các bạn trẻ Brazil thân mến, các con đã để lại những gì trên Thánh Giá trong thời gian hai năm Thánh Giá này đi xuyên suốt qua đất nước vĩ đại của các con? Thánh Giá của Chúa Giêsu để lại cho các con, trong mỗi một người các con những gì ? Cuối cùng, Thánh Giá này này dạy cho chúng ta những gì?

1. Theo một truyền thuyết trong thời La Mã cổ đại, khi đang chạy trốn khỏi thành Rôma trong cuộc đàn áp của Nero, Thánh Phêrô đã thấy Chúa Giêsu đang đi theo hướng ngược lại, có nghĩa là, về phía thành phố. Ngài hỏi Chúa trong sự ngạc nhiên: "Lạy Chúa, Chúa đi đâu đó?" Chúa Giêsu đáp: "Ta sẽ tới Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa." Vào lúc đó, Thánh Phêrô hiểu rằng ông phải theo Chúa với lòng can đảm, cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, thánh nhân cũng nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ cô đơn trên cuộc hành trình; Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ông cho đến chết trên Thánh Giá, sẽ luôn luôn ở bên ông. Chúa Giêsu, với Thánh Giá của Ngài, cùng đi với chúng ta và vác lấy trên vai Ngài những âu lo của chúng ta, những vấn đề của chúng ta, và những đau khổ của chúng ta, ngay cả những khổ đau sâu xa nhất và đau đớn nhất. Với Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp chính Ngài với sự câm nín của các nạn nhân của bạo lực, những người không còn có thể khóc nổi nữa, đặc biệt là những người vô tội và vô phương tự vệ; với Thánh Giá, Chúa kết hiệp chính Ngài với các gia đình gặp khó khăn, những người đang than khóc sự mất mát của con cái mình, những người là nạn nhân của những thiên đường mù quáng, chẳng hạn như những người vướng vào vòng ma tuý. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với mỗi một người đang bị đói trong một thế giới mà hàng tấn lương thực bị đổ đi mỗi ngày. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với những ai bị bách hại vì tôn giáo, vì tín ngưỡng của họ hoặc chỉ đơn giản là vì màu da của họ. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với rất nhiều người trẻ, những người đã mất niềm tin vào các tổ chức chính trị, bởi vì họ chỉ nhìn thấy nơi các tổ chức này sự ích kỷ và tham nhũng, Ngài kết hiệp chính Ngài với những người trẻ, những người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, hay ngay cả mất niềm tin nơi Thiên Chúa vì những dấu chỉ phản chứng của các Kitô hữu và các thừa tác viên Tin Mừng. Thánh Giá của Đức Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi của nhân loại, bao gồm của cả những người chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả điều này với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta: "Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết và ta đã đến để ban cho các con hy vọng! để mang đến cho các con cuộc sống "(x.Ga 3:16).

2. Và như thế chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Thánh Giá mang lại những gì cho những ai dán mắt nhìn vào Thánh Giá này hay chạm vào nó? Những gì Thánh Giá này để lại trong mỗi người chúng ta? Nó cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đã đi vào cõi chết để chiến thắng nó và cứu độ chúng ta. Thánh Giá của Chúa Kitô chứa đựng tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt để tất cả niềm tin của chúng ta với trọn niềm tín thác. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy giao phó hoàn toàn hồn xác ta cho Ngài (x. Lumen Fidei, 16)! Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu chuộc. Với Ngài, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và cuộc sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, của thất bại và cái chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và cuộc sống.

Tên đầu tiên được đặt cho mảnh đất Brazil này là "Miền Đất Thánh Giá". Thánh Giá của Chúa Kitô được vun trồng năm thế kỷ trước đây không chỉ trên bờ biển của đất nước này, mà còn trong lịch sử, trong trái tim và cuộc sống của người dân Brazil và những nơi khác. Đau khổ Chúa Kitô được cảm thấy sâu sắc ở đây. Ngài luôn hiện diện như một người trong chúng ta chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta cho đến tận cùng. Không có Thánh Giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống của chúng ta mà Chúa đã không chia sẻ với chúng ta.

3. Nhưng Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ. Có bao nhiêu người đã xuất hiện trên con đường Chúa Giêsu lên Núi Sọ: Quan tổng trấn Philatô, ông Simon thành Cyrênê, Đức Maria, những người phụ nữ.. . Đôi khi chúng ta có thể giống như Philatô, là người không có can đảm để đi ngược lại lại trào lưu để cứu mạng của Chúa Giêsu, nhưng thay vào đó rửa sạch bàn tay của mình.

Các các con thân mến, Thánh Giá của Chúa Kitô dạy chúng ta hãy nên như ông Simon thành Cyrênê, người đã giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng.

Thánh Giá dạy cho chúng ta trở nên giống như Mẹ Maria và những người phụ nữ khác, những người không sợ để đồng hành với Chúa Giêsu đến cùng, với tình yêu và sự dịu dàng. Và các con? Các con giống ai đây? Philatô? hay Simon? Hay như Đức Mẹ?

Các con thân mến, chúng ta hãy đặt nơi Thánh Giá Chúa Kitô những niềm vui, đau khổ và thất bại của chúng ta. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim rộng mở, thông cảm, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang lấy tình yêu này trong cuộc sống của chúng ta, để yêu mỗi người, mỗi anh chị em mình với cùng một tình yêu. Amen!


"Không có cây thập giá nào - dù lớn hay nhỏ - trong cuộc đời chúng ta mà Chúa lại không vác (chia sẻ) với chúng ta". Lời Đức Thánh Cha Phanxicô thật cảm động về tình yêu Chúa Giesu dành cho mỗi người. Tôi miên man suy nghĩ với tâm tình cảm tạ lòng thương xót Chúa trong mầu nhiệm Thánh giá cứu độ.

Hòa trong dòng người nối dài dọc bờ biển để cùng hiệp thông những chặng đường thương khó của Chúa, cho đến hơn 9 giờ tối, chúng tôi mới về đến nhà nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày mai.

Lịch trình cho đêm canh thức tại Copacabana 27/07.
  • 10h30: chương trình bắt đầu với ban nhạc và DJ
  • 12h30: dàn nhạc của Đại hội bắt đầu trình diễn “The future of Brazil show”. Sau đó sẽ trình chiếu một đoạn video điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Đại hội giới trẻ thế giới kể từ khi Đức Thánh Cha Benedict XVI thông báo Rio de Janeiro sẽ làm nơi đăng cai Đại hội giới trẻ thế giới. Tiếp đó là màn trình “Duets Show” và “Show of Hope”.
  • 18h00: Đọc kinh Kính Đức Mẹ.
  • 19h00: Bắt đầu đêm canh thức với Đức Thánh Cha Phanxicô.
  • Chương trình dự kiến kết thúc lúc 00h30. Trong ngày mai, sẽ có những buổi tổng dợt flashmob và sẽ trình diễn vào lễ bế mạc 28/7 khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến.
Hữu An
(VietXatholic Nwes) 

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 19.7 - 25.7.2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #24

Sứ Điệp Hy Vọng của Đức Giáo Hoàng 
dành cho Cộng Đồng Varginha

Dưới đây là bản dịch diễn tử của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho dân chúng ở Cộng đồng Varginha ở Rio de Janeiro, Ba tây, trong dịp thăm viếng của ngài ngày 25 tháng 7, năm 2013.

* * *

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Thật là tuyệt đẹp khi được ở đây với anh chị em! Tuyệt đẹp! Ngay từ đầu, khi hoạch định chương trình thăm viếng Ba Tây này, ao ước của tôi là có thể thăm tất cả các quận trên toàn quốc. Tôi đã từng muốn có thể gõ từng cánh cửa, để nói "chào buổi sáng", để xin một ly nước lạnh, để dùng một ly cà phê đen nhỏ (cafezinho), để nói như một người nói chuyện với bạn bè của gia đình, để lắng nghe bầu tâm sự của mỗi người, cha mẹ, con cái, ông bà. .. Nhưng Ba Tây quá lớn! Không thể nào gõ mọi cánh cửa được! Vì vậy, tôi đã chọn đến đây, đến thăm cộng đồng của anh chị em; cộng đồng này hôm nay là đại diện cho tất cả các quận ở Ba Tây. Thật là một điều tuyệt vời khi được chào đón với tình yêu, lòng quảng đại, và niềm vui như thế này! Người ta chỉ cần nhìn vào cách anh chị em trang trí các đường phố của cộng đồng này là đủ hiểu; điều này cũng là dấu chỉ của một cảm tình sâu đậm hơn nữa, xuất phát từ con tim của anh chị em, từ con tim của tất cả mọi người Ba Tây trong tâm tỉnh lễ hội. Xin cám ơn mỗi anh chị em rất nhiều vì cách đón tiếp này! Và tôi cảm cặp vợ chồng Rangler và Joana vì những lời tốt đẹp của họ.

1. Từ giây phút đầu tiên tôi đặt chân lên đất Ba Tây, cho đến buổi gặp gỡ này ở đây với anh chị em, anh chị em đã làm cho cám thấy được đón chào. Và điều quan trọng là biết chào đón; điều này thậm chí còn đẹp hơn tất cả mọi tô điểm hoặc trang trí nhiều. Tôi nói điều này bởi vì khi chúng ta rộng lòng chào đón người khác và chia sẻ điều gì với họ - một ít thực phẩm, một chỗ trong nhà mình, thì giờ của mính – không những chúng ta không còn nghèo nữa, mà chúng ta được giàu thêm. Tôi biết rõ rằng khi một người nào đó cần thực phẩm gõ cửa anh chị em, thì anh chị em luôn luôn tìm cách chia sẻ thực phẩm; như câu tục ngữ nói, người ta có thể luôn luôn "thêm nước vào đậu"! Và anh chị em làm như vậy với tình yêu, chứng tỏ rằng sự giàu có thật không chỉ hệ tại ở vật chất, mà còn hệ tại ở con tim!

Và dân Ba Tây, đặc biệt là những người đơn giản nhất trong anh chị em, có thể cung cấp cho thế giới một bài học quý giá về tình đoàn kết, một từ thường bị người ta quên lãng hoặc không muốn nói đến, bởi vì nó làm cho người ta khó chịu. Tôi muốn kêu gọi những người sở hữu nhiều tài nguyên hơn, các cơ quan công quyền và tất cả mọi người thiện chí đang làm việc cho công bằng xã hội: đừng bao giờ mệt mỏi khi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, được đánh dấu bởi tình đoàn kết chặt chẽ hơn! Không ai có thể tiếp tục vô cảm với sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trên thế giới này! Mỗi người, tùy theo khả năng và trách nhiệm riêng của mình, phải đóng góp cách cá nhân vào việc chặn đứng quá nhiều bất công xã hội. Không phải, không phải nền văn hóa ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa thường kiểm soát xã hội chúng ta, là nền văn hóa xây dựng và dẫn đến một thế giới dễ sống hơn; không phải nền văn hóa ấy, nhưng nền văn hóa đoàn; nền văn hóa đoàn kết chính là nhìn thấy trong những người khác không phải một đối thủ hoặc một con số, nhưng một người anh chị em. Và tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Tôi muốn khuyến khích những nỗ lực mà xã hội Ba Tây đang thực hiện để phối hợp tất cả các phần tử của mình, bao gồm cả những người đau khổ nhất và có nghèo đói nhất, qua cuộc chiến chống lại nghèo đói và túng thiếu. Không nỗ lực "xây dựng hòa bình" nào có thể kéo dài, cũng như không một sự hòa hợp và hạnh phúc nào có thể đạt được trong một xã hội mà trong đó một phần của chính nó bị coi thường, đẩy ra ngoài lề hoặc loại ra. Một xã hội như thế chỉ đơn thuần làm cho chính nó thêm nghèo nàn, và mất đi một điều gì đó rất thiết yếu cho chính nó. Chúng ta đừng bao giờ để, không bao giờ được để nền văn hóa tẩy chay nhập vào tâm hồn chúng ta! Đừng để nền văn hóa tẩy chay nhập vào tâm hồn chúng ta, bởi vì chúng ta là anh chị em. Không được tẩy chay ai! Chúng ta hãy luôn nhớ điều này: chỉ khi nào chúng ta có thể chia sẻ thì chúng ta mới thực sự trở nên giàu có; tất cả những gì được chia sẻ đều tăng gấp bội! Hãy nghĩ đến việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều! Mức độ vĩ đại của một xã hội được xác định bởi cách nó đối xử với những người nghèo khổ nhất, những người không có gì ngoài sự nghèo đói của họ!

2. Tôi cũng muốn nói với anh chị em rằng Hội Thánh, "người ủng hộ công lý và bảo vệ người nghèo trước những sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được về kinh tế và xã hội là những điều kêu thấu trời" (Tài Liệu Aparecida, 395), muốn hợp tác với tất cả mọi sáng kiến có ý thật sự phát triển mọi người và toàn thể con người. Các bạn thân mến, chắc chắn rằng cần phải cung cấp bánh cho người đói; đây là một hành động của công lý. Nhưng cũng còn một sự đói khát sâu thẳm hơn, sự đói khát một hạnh phúc mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho thỏa mãn. Sự đói khát nhân phẩm. Không có việc cổ võ công ích thực sự hoặc phát triển con người thực sự khi người ta không đếm xỉa gì đến những trụ cột cơ bản nâng đỡ một quốc gia, những lợi ích phi vật chất của nó: sự sống, một món quà của Thiên Chúa, một giá trị luôn luôn phải được bảo vệ và phát huy; gia đình, nền tảng của sự chung sống và biện pháp chống lại sự tan vỡ của xã hội; giáo dục toàn diện, là điều không thể bị thu lại thành việc chỉ truyền thông tin tức với mục đích tạo ra lợi nhuận; sức khỏe, là điều phải tìm kiếm hạnh phúc toàn diện của con người, cũng cả trong chiều kích tinh thần, cần thiết cho sự cân bằng của con người và cho việc chung sống lành mạnh; an ninh, trong niềm xác tín rằng chỉ có thể khắc phục được bạo lực bằng cách thay đổi tâm hồn con người.

3.Tôi muốn nói một điều cuối cùng, một điều cuối cùng. Ở đây, cũng như trong toàn thể nước Ba Tây, có rất nhiều người trẻ. Hỡi các người trẻ! Các con, các người trẻ thân yêu, các con đặc biệt nhạy cảm đối với những bất công, nhưng các con thường thất vọng bởi sự kiện nói về tham nhũng, về những người thay vì đi tìm công ích, lại tìm quyền lợi riêng của mình. Với các con cũng như với tất cả mọi người, cha nhắc lại: không bao giờ được chán nản, đừng mất niềm tin, đừng bao giờ để cho niềm hy vọng của các con bị dập tắt. Thực trạng có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Các con hãy tìm cách là những người đầu tiên mang lại điều lành, đừng học thói quen làm điều ác, nhưng đánh bại nó bằng điều lành. Hội Thánh đồng hành với các con, mang đến cho các con sự tốt lành quý giá nhất là đức tin, mang đến cho các con Chúa Giêsu Kitô, Đấng "đến để cho con người được sống và sống dồi dào" (Ga 10:10).

Hôm nay, tôi nói với tất cả anh chị em, đặc biệt là dân cư của cộng đồng Varginha này: anh chị em không cô độc một mình, Hội Thánh ở với anh chị em, Đức Giáo Hoàng ở với anh chị em. Tôi mang mỗi người trong trái tim tôi và tôi nhận những ý định mà anh chị em mang tận đáy lòng anh chị em làm của riêng tôi: những lời tạ ơn vì những niềm vui, những lời cầu xin sự giúp đỡ trong những lúc khó khăn, những ước muốn được an ủi trong những lúc buồn rầu và đau khổ. Tôi phó thác tất cả cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Aparecida, Mẹ của tất cả những người nghèo của nước Ba Tây, và với tình cảm bao la, tôi ban phép lành cho anh chị em. Cám ơn!

http://giaoly.org/vn/
(VietCatholic News)