Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

THÁNH LỄ AN TÁNG CỤ CỐ PHANXICÔ XAVIÊ LƯU TRUNG





THÁNH LỄ AN TÁNG CỤ CỐ PHANXICÔ XAVIÊ LƯU TRUNG
THÂN PHỤ ÔNG LƯU QUANG SỰ CHỦ TỊCH HĐMVGX THUẬN PHÁT

Chiều ngày 25.3.2010 HĐMVGX Thuận Phát đã tổ chức đi Cam Ranh để dâng giờ kinh cầu nguyện cho linh hồn Cụ Cố Phanxicô Xaviê Lưu Trung là thân phụ của Ông Chủ Tịch HĐMVGX Thuận Phát, tham dự Thánh Lễ an táng và đưa tiển Cụ đến nơi an nghỉ chờ ngày Phục Sinh.

Đoàn gồm có Cha Chánh Xứ, đại diện các hội Dòng, HĐMVGX, đại diện các ca đoàn, các hội đoàn trong giáo xứ,
khởi hành lúc 17g30 và đến nơi lúc 03g15 sáng ngày 26.3.2010. Sau ít phút chào hỏi và nghỉ mệt:
  • 03g30 Ông Phó Chủ Tịch HĐMVGX (phụ trách đối ngoại) bắt đầu hướng dẫn giờ kinh sau khi nhường lời để Cha Chánh Xứ có đôi lời chia buồn cùng Ông Chủ Tịch và tang quyến.
  • 04g00 HĐMVGX Thuận Phát và cộng đoàn tiến hành nghi thức động quan và đưa linh cửu Cụ Cố đến nhà thờ giáo xứ Vinh Trang để dâng Thánh Lễ an táng cho Cụ. Thánh Lễ an táng Cụ Cố được cử hành rất trang trọng (8 LM đồng tế). Ông Chủ Tịch đã thay mặt tang quyến cám ơn Quý Cha, Quý Soeurs, ông bà cô bác, bạn bè gần xa và cộng đoàn 2 giáo xứ đã đến chia buồn cùng tang quyến, đọc kinh cầu nguyện và dâng Thánh Lễ an táng cầu cho linh hồn Cụ Phanxicô Xaviê.
Sau Thánh Lễ cộng đoàn giáo xứ Thuận Phát cùng với cộng đoàn giáo xứ Vinh Trang tiển Cụ đến nơi an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Vinh Trang cách nhà thờ khoảng 2km.

Mời xem thêm hình ảnh TẠI ĐÂY.
Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C 2010






Audio Thánh Lễ CHÚA NHẬT LỄ LÁ TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Thánh vịnh tuần II. Làm phép và rước lá : Lc. 19,28-40. Thánh Lễ : Is 50,4-7 ; Pl 2,6-11 ; Lc 22,14-56 (hay Lc 23,1-49)
Cha Đaminh Nguyễn đức Thông DCCT dâng Lễ
Ca đoàn Cécilia hát Lễ
Mời bấm VÀO ĐÂY và chọn bài để nghe

Hữu Toàn.

TUẦN THÁNH 2010

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN THÁNH 2010

28.3.2010
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Làm Phép Lá và Rước Lá

LỄ TRỌNG CỬ HÀNH NĂM THÁNH 2010
NGÀY DÀNH CHO GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO
CẦU CHO GIỚI TRẺ


05g30 : Thánh Lễ sáng. Làm Phép Lá. Rước Lá
07g30 : Thánh Lễ THIẾU NHI. Làm Phép Lá.
17g00 : Thánh Lễ chiều. Làm Phép Lá

29.3.2010
THỨ HAI TUẦN THÁNH

05g00 : Thánh Lễ sáng
17g30 : Thánh Lễ chiều
19g00 - 20g30 : Giải tội tối nhất.
(các buổi tối giải tội
có 8 cha khách ngồi toà)

30.3.2010
THỨ BA TUẦN THÁNH

05g00 : Thánh Lễ sáng
17g30 : Thánh Lễ chiều
19g00 - 20g30 : Giải tội tối hai.

31.3.2010
THỨ TƯ TUẦN THÁNH

05g00 : Thánh Lễ sáng
17g30 : Thánh Lễ chiều
19g00 - 20g30 : Giải tội tối chót.

TAM NHẬT VƯỢT QUA

01.4.2010
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

05g00 : Không có Thánh Lễ
...............SUY NIỆM SỰ THƯƠNG KHÓ CHÚA

18g00 : THÁNH LỄ TIỆC LY - NGHI LỄ RỬA CHÂN
19g00 - 23g00 : CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA

CÁC PHIÊN CHẦU

19g15 - 20g00 : Thiếu Nhi
20g00 - 20g45 : Giới Trẻ
20g45 - 21g30 : Nam Giới, Ca Đoàn Đức Mẹ
21g30 - 22g15 : Nữ Giới, Ca Đoàn Monica
22g15 - 23g00 : HĐGX, Ca Đoàn Cécilia

02.4.2010
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

05g00 : Không có Thánh Lễ
............... SUY NIỆM SỰ THƯƠNG KHÓ CHÚA
17g00 : CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ TRONG THỂ
18g00 : CỬ HÀNH CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
...............KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
19g00 - 21g00 : Mở cửa nhà thờ để cộng đoàn tuỳ nghi
..........................đến kính thờ Thánh Giá - Xem phim.

03.4.2010
THỨ BẢY TUẦN THÁNH

05g00 : Không có Thánh Lễ
............... SUY NIỆM SỰ THƯƠNG KHÓ CHÚA

04.4.2010
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Lễ trọng với tuần bát nhật.
Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ)

Thứ Bảy 03.4.2010
20g00 : CANH THỨC VƯỢT QUA
...............KÍNH NHỚ ĐÊM THÁNH CHÚA SỐNG LẠI

■ CHÍNH NGÀY :
...............THÁNH LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH

05g30 : Thánh Lễ sáng
07g30 : Thánh Lễ THIẾU NHI
17g00 : Thánh Lễ GIỚI TRẺ

Văn phòng
Hội Đồng Giáo Xứ Thuận Phát.

LẼ SỐNG 28.3

28 Tháng Ba
Ðem Lại Một Chút Bầu Trời

Ngày kia, tại miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân chúng sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!".

Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: "Tại sao ông lại lo lắng cho tôi?". Nhà truyền giáo đáp lại: "Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ trở nên người anh của con".

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: "Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông?". Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: "Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt".

Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau: "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời".

"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính mình".

Chúng ta cố gắng áp dụng luật trên với niềm xác tín rằng: với những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, với sự trao nhau một nụ cười, một lời thông cảm, một sự tha thứ, với những hành động chia cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước lã, với các lần thăm viếng các bệnh nhân: nấu cho họ tô canh, chén cháo, quét nhà, giặt giũ quần áo cho họ v.v... là chúng ta mang một chút thực tại Nước Trời đến trong xã hội trần thế.

Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

AUDIO TĨNH TÂM MÙA CHAY 2010




Mùa Chay năm nay 2010, Cha Chánh Xứ Thuận Phát đã mời Cha Giuse Hoàng Văn Quảng, Dòng Tên, đến dâng Thánh Lễ và giảng tĩnh tâm giúp cho cộng đoàn Giáo Xứ chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Đợt tĩnh tâm mùa Chay năm nay kéo dài 3 ngày (25,26 và 27.3.2010).

Cuối Thánh Lễ ngày tĩnh tâm thứ 3 ông Phó Chủ Tịch HĐMVGX Thuận Phát (phụ trách đối nội) đã đại diện cộng đoàn Giáo Xứ cám ơn Cha Chánh Xứ, Cha giảng tĩnh tâm và cầu chúc Cha được nhiều sức khỏe để Cha tiếp tục sứ vụ Mục Tử, đồng gởi đến Cha lòng tri ân sâu sắc của cộng đoàn giáo xứ.

Hai em thiếu nhi đại diện cộng đoàn dâng lên Cha giảng tĩnh tâm bó hoa tươi thắm và quà lưu niệm với ước mong Cha sẽ lại sẵn sàng đến giúp cộng đoàn giáo xứ trong nhiều dịp sắp tới.

Mời quý vị bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn nghe bài giảng tĩnh tâm.
Và xem thêm vài HÌNH ẢNH những ngày tĩnh tâm.

Hữu Toàn

SUY NIỆM MÙA CHAY

CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI

Cụ Bường ngồi trên ghế đá, trước đài Đức Mẹ trông buồn bã lắm.
Tôi hỏi cụ: “Cụ khỏe chứ, sao trông buồn vậy ?”
– “Rồi đâu cũng vào đấy, anh ạ !” Tôi chẳng hiểu cụ muốn nói gì.

Trong sân Nhà Thờ tuần này, những đêm trước Chúa Nhật Lễ Lá, cả vài trăm người đang lãnh Bí Tích Hòa Giải để chuẩn bị vào Tuần Thương Khó với Chúa Giêsu. Có hơn mười tòa giải tội… Tòa nào cũng người và người xếp hàng dài nối đuôi nhau. Thật là tuyệt đẹp hình ảnh gối quì tay chắp, miệng thân thưa lời thú lỗi và lời xin xá tội để được quay về trong tình trạng ân sủng. Thánh thiện biết chừng nào. Cụ Bường có lẽ cũng bừng lên niềm vui của cộng đoàn đấy chứ. Sao ông lại nói: “Rồi đâu cũng vào đấy anh ạ”.

Tôi lại hỏi cụ: “Sao cụ lại nói thế, cụ có ý gì ?”
Thế là cụ tâm sự một hơi dài:

“Người Việt Nam sống rất tình cảm anh ạ. Cái tình làng nghĩa xóm, chung cái lũy tre quanh làng, chung cây đa ngàn năm đầu ngõ, chung cái giếng nước cuối xóm lối ra những bờ đê… hình như đã tượng hình nhân ái trong lòng người Việt Nam cách linh thiêng diệu kỳ. Họ đã chung sống thân thương trong cái bầu của tình người đậm đà đến nỗi chuyện của nhà ai cũng là chuyện của mình. Họ khóc chung cả làng. Họ vui chung, cười chung suốt đêm thâu tới sáng. Họ chia nhau nửa chén gạo, chút muối chút tiêu… chia cả con cầy tơ đến vài con cá rô, cá giếc lúc hạn hán mất mùa… Tuyệt đẹp lắm.

Chính đời sống tình cảm Chúa ban cách tự nhiên ấy, đã góp phần cho việc đón nhận một con người tưởng như là xa lạ mang tên Giêsu về với đất nước mình, với làng quê mình, nên rất thân quen, nên rất gần gủi, và nhất là khi con người Giêsu ấy vì yêu nên nỗi mang thương tích đau đớn tột cùng và chết trên Thập Giá.

Vì thế, chuyện đạo đức cũng vậy. Mỗi năm, đến Tuần Thánh, người Việt Nam sốt sắng lắm, vì họ thương Chúa Giêsu bị hàm oan, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị vác thập giá, bị đóng đinh, như chính người thân, người làng của họ vậy. Họ khóc lóc, họ tang chế, họ ăn chay cầu nguyện, họ sám hối, họ rất thành tâm trở về với Chúa. Ở nơi nào càng có những tổ chức Tuần Thánh thống thiết hơn thì Giáo Dân càng sốt sắng. Thế nhưng, “rồi đâu cũng vào đấy thôi anh ạ”. Hết Tuần Thánh và các nghi thức, thì cũng hết ngay những cảm tình chóng qua ấy, những giọt nước mắt khô đi, và gối không còn quì thống thiết nữa…

Tôi chỉ mong sao, lòng yêu mến Chúa Giêsu Chịu Tử Nạn không phải là một thứ xúc động nhất thời, một thứ tình cảm mau qua, nhưng là một tâm tình yêu mến triền miên phát xuất từ Đức Tin và lòng trông cậy ơn cứu rỗi cho chính mình và cho nhiều người.

Yêu mến Chúa Giêsu không phải là khóc thương Chúa tội nghiệp, nhưng là khóc thương chính thân mình tội lỗi mà gây ra cái chết của Ngài. Đạo đức không phải là những giọt lệ bên ngoài, những gối quì, những than vãn, những xúc động… nhưng chính là “hết lòng ăn năn”, “đau đớn vì tội lỗi”, “quyết lòng tự hối” và “nhất là theo đường Chúa đi mà thôi”.

Tôi tâm đắc bài hát ấy lắm. Theo đường Chúa đi cả đời mình, mới là yêu mến Chúa. Chúa bảo những người phụ nữ Giêrusalem theo Chúa trên đường Thập Giá: “Đừng khóc thương ta, hãy khóc thương các ngươi và con cháu các ngươi” (Lc 23, 27 – 28).

Như vậy, Tuần Thánh không chỉ có một tuần. Thứ sáu Tuần Thánh không chỉ có một ngày. Rồi sau tuần ấy, sau ngày ấy… rồi đâu cũng vào đấy… Rồi cứ những lối đi xa… đi xa… xa nữa…, chờ đến Mùa Chay năm sau…, Tuần Thánh lại trở về... Khóc lóc !

Tôi cũng không tránh khỏi những lần sướt mướt ấy. Nhưng tôi cũng đã từng không chịu cách giữ đạo của mình như thế đâu. Tôi ước ao mỗi Tuần Thánh, giúp tôi tiến gần hơn chút nữa tới cuộc tử nạn của chính mình cho phần rỗi của mình và cho nhiều người. Cuộc tử nạn ấy là có thật từng ngày. Chiến đấu và bằng lòng chịu thương tích, chịu thiệt thòi, chịu nhục nhã, chịu đổ máu.

Tôi ví mình như con ốc sên bò lên đồi thập tự. Nếu con ốc sên sợ đổ máu, vì những cạnh đá sắc bén, nó sẽ rút mình vào trong vỏ ốc cho an toàn. Nhưng như vậy thì nó sẽ không theo Chúa được. Nó phải biết xấu hổ vì nó đã tuyên xưng là theo Chúa mà không chịu thò đầu, đưa thân mình nó ra để chịu đau khổ. Nó chỉ làm bộ đau khổ với Chúa mấy ngày, rồi lại thụt đầu vào… Thật đáng tủi hổ !

Tôi cũng vậy, đời tôi chối Chúa nhiều gấp 77 lần ông Phêrô, thụt đầu vào cả ngàn lần như con ốc sên sợ chết, nhưng rồi, giờ này tôi mới hiểu ra, càng giữ cho mình yên thân, mình càng cảm thấy bất xứng với danh xưng Kitô hữu, vì mình không có một chút gì giống Chúa Kitô của mình cả. Làm sao mong được cứu rỗi ? Làm sao mong được phục sinh ? Tôi nghĩ, giữ đạo là phải giữ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu gắn liền với hành trình Đức Tin của mỗi người chúng ta...”

Tôi giật mình, nhìn cụ già 79 tuổi – một đời người đã đi qua 79 Tuần Thương Khó, hoặc ít là cũng 70 Tuần Thương Khó từ tuổi có trí khôn. Tôi không dám nói là cụ đang chê trách cách giữ đạo của người khác, nhưng cụ đang nói chính cách sống đạo của mình, chính ước muốn nên thánh của mình, phải thoát ra cái vỏ bọc hình thức hay tình cảm nhất thời mà vươn tới một sự kết hiệp toàn bích giữa Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc và người được cứu chuộc.

Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta, một tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cụ Giáo Dân rất tầm thường đã có những suy nghĩ cũng rất đơn sơ, tầm thường theo cách thấy sao nói vậy, về chính cách sống Tuần Thánh rất tầm thường của chúng ta. Nhưng những suy nghĩ ấy, để lại không ít nỗi bàng hoàng cho tôi, chắc là cho cả bạn, cho mọi người.

Có lẽ nào chúng ta đang giả vờ yêu mến Chúa, yêu mến Chúa Giêsu đầy thương tích, Chúa Giêsu tử nạn, để rồi đời mình lại “đâu cũng vào đấy” mãi sao ?

Có lẽ nào chúng ta lại diễn vở tuồng “cuộc tử nạn Giêsu”, mỗi người trong vai Giêsu, rồi xong vở tuồng ấy, ta lại là ta sao ?

Có lẽ nào chúng ta lại đành đoạn xuất chiêu những trò đùa tình yêu gian dối như thế đối với một Thiên Chúa đã thật lòng yêu thương thế gian đến nỗi sai chính Con mình đến để chết mà đền thay tội lỗi chúng ta sao ?

Không ! Trăm ngàn lần không thể như thế được.

Lạy Chúa Giêsu chịu tử nạn vì con, xin cho con biết yêu mến Chúa thật lòng. Và vì yêu mến Chúa thật lòng mà con nhận ra là con đã dối trá. Xin cho con yêu Chúa suốt đời. Và vì muốn yêu Chúa suốt đời, nên con vui vẻ mà bước đi theo con đường của Chúa: con đường không vương tội lỗi, con đường chịu thương tích, thiệt thòi, chịu đau khổ, và sẵn sàng chịu chết còn hơn phạm tội mất lòng Chúa. Amen.


PM. CAO HUY HOÀNG, 25.3.2010
(nguồn : huongvedaihoidanchua.net)

LẼ SỐNG 27.3

27 Tháng Ba

Người Vỗ Tay

Một nữ văn sĩ kia thuật lại một kinh nghiệm như sau:

Mỗi khi tôi bị thất vọng với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi thường để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về em bé mang tên Jamie Scott. Jamie mơ ước được đóng một vai trong vở kịch được tổ chức hằng năm tại trường. Ðêm trình diễn vở kịch này là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt của học đường. Mẹ em Jamie cho tôi biết là em để hết tâm hồn vào vở kịch sắp được trình diễn, mặc dầu bà sợ là Jamie sẽ không được chọn để đóng một vai trò nào.

Vào ngày ủy ban phụ trách đêm văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc chọn các diễn viên, tôi theo mẹ Jamie đến trường đón em. Từ xa, chúng tôi đã thấy Jamie chạy nhanh về phía chúng tôi với tất cả niềm vui và phấn khởi được diễn tả qua gương mặt và nhất là qua đôi mắt chiếu sáng lên vẻ tự hào.

Sau khi đã lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những điều sau đây mà tôi luôn giữ trong ký ức để làm bài học cho mình: "Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn để vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích".

Câu chuyện của nữ văn sĩ chấm dứt nửa vời, không một lời giải thích tại sao câu nói của em bé đáng làm bài học cho mình. Nhưng một cách nào đó, câu chuyện trên đây cũng hội tụ vào cùng một ý nghĩa với kinh nghiệm được Ðức Gioan 23 thuật lại như sau:

Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi: "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng". Tôi đã đem áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng.

"Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích". "Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng".

Có lẽ hai câu nói và hai kinh nghiệm trên giúp chúng ta phần nào trong việc sống Lời Chúa Giêsu: "Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên".

Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác với tính tự cao, tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi, đức khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trủng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trủng thấp dưới chân đồi.


Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

LẼ SỐNG 26.3

26 Tháng Ba

Mua Nghĩa

Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.

Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".

Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.

Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".

"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".

Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.

Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:

- Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.

- Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.

- Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.

- Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.

- Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.


Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)